06/11/2019 07:47

Bàn về mức phạt vi phạm hợp đồng

Bàn về mức phạt vi phạm hợp đồng

Trong phạm vi bài viết này, tác giả luận bàn về quy định của pháp luật hiện hành về phạt vi phạm hợp đồng, mức phạt vi phạm hợp đồng, hạn chế, bất cập trong quy định của pháp luật cũng như vướng mắc trong thực tiễn giải quyết tranh chấp để từ đó đề xuất, kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật về mức phạt vi phạm hợp đồng.

Phạt vi phạm hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm. Đây là một chế tài khá phổ biến trong quan hệ hợp đồng, trước đây được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật như Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế 1989, Luật Thương mại 1997, Pháp lệnh Hợp đồng dân sự 1991, Bộ luật Dân sự 1995, Bộ luật Dân sự 2005 và hiện nay được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015, Luật Thương mại 2005Luật Xây dựng 2014. Tuy nhiên, mức phạt vi phạm được quy định ở các luật là khác nhau.

1. Quy định của pháp luật hiện hành về phạt vi phạm hợp đồng và mức phạt vi phạm hợp đồng

Trong pháp luật hiện hành, phạt vi phạm hợp đồng được quy định trong BLDS 2015, Luật Thương mại 2005 và Luật Xây dựng 2014. Cụ thể:

– BLDS 2015 quy định:

“Điều 418. Thỏa thuận phạt vi phạm

1. Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.

2. Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

3. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm”.

– Luật Thương mại 2005 quy định:

Điều 300. Phạt vi phạm

Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thỏa thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này”.

Từ các quy định nêu trên có thể thấy, căn cứ phạt vi phạm đó là:

(1) Hợp đồng phải có hiệu lực;

(2) Có hành vi vi phạm hợp đồng;

(3) Các bên có thỏa thuận áp dụng phạt vi phạm.

Cụ thể:

– Hợp đồng có hiệu lực

Các quy định về phạt vi phạm đều nằm trong phần thực hiện hợp đồng (BLDS 2015) và phần chế tài trong Luật Thương mại 2015. Điều này có nghĩa là phạt vi phạm chỉ có giá trị khi hợp đồng có hiệu lực. Khi hợp đồng có hiệu lực thì các điều khoản mà các bên đã thỏa thuận mới có giá trị pháp lý ràng buộc giữa các bên. Ngược lại, nếu hợp đồng vô hiệu thì thỏa thuận phạt vi phạm cũng không có hiệu lực pháp luật.

– Có vi phạm nghĩa vụ

Khoản 1 Điều 351 BLDS 2015 quy định: “Bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền. Vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ”.

Như vậy, với quy định trên thì bên vi phạm nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền.

– Có thỏa thuận phạt vi phạm giữa các bên

Giữa các bên phải có thỏa thuận phạt vi phạm, theo quy định của BLDS 2015 thì mức phạt do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

Thỏa thuận phạt vi phạm được áp dụng khi có đủ 3 yếu tố hợp đồng có hiệu lực, có hành vi vi phạm hợp đồng và có thỏa thuận phạt vi phạm giữa các bên. Khác với bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, nếu bồi thường thiệt hại người ta phải căn cứ vào yếu tố lỗi, vào thiệt hại xảy ra thì phạt vi phạm hợp đồng không đề cập đến lỗi và cũng không quan tâm, xem xét thiệt hại xảy ra.

Về bản chất, thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng có ý nghĩa răn đe, nhắc nhở các bên phải thực hiện hợp đồng một cách nghiêm túc.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 418 BLDS 2015 nêu trên thì mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Điều này có nghĩa là, về nguyên tắc các bên có quyền tự do định đoạt mức phạt vi phạm trong hợp đồng, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Quy định này bảo đảm quyền tự do hợp đồng của các bên tham gia ký kết và đòi hỏi các bên tham gia ký kết hợp đồng phải có ý thức trách nhiệm về việc thực hiện hợp đồng của mình.

Trường hợp luật liên quan có quy định mức phạt vi phạm thì mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận phải tuân theo quy định của luật này về mức phạt (không được vượt quá mức phạt luật quy định). Ví dụ:

– Luật Thương mại 2015 quy định: “Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này” (Điều 301) và “Trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cấp chứng thư giám định có kết quả sai do lỗi vô ý của mình thì phải trả tiền phạt cho khách hàng. Mức phạt do các bên thỏa thuận, nhưng không vượt quá mười lần thù lao dịch vụ giám định” (khoản 1 Điều 266).

– Luật Xây dựng 2014 quy định: “Đối với công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước, mức phạt hợp đồng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm…” (khoản 2 Điều 146).

2. Giới hạn “mức trần” phạt vi phạm, xử lý trường hợp vượt mức phạt vi phạm luật định và đề xuất, kiến nghị

Luật Thương mại 2005 và Luật Xây dựng 2014 quy định “mức trần” phạt vi phạm. Tuy nhiên, cả hai luật này đều không quy định việc xử lý đối với trường hợp các bên thỏa thuận mức phạt vượt quá giới hạn thì được xử lý như thế nào?

Bên cạnh đó, một vấn đề nữa được đặt ra là có nên giới hạn “mức trần” phạt vi phạm 8% nghĩa vụ vi phạm, gấp 10 lần thù lao dịch vụ giám định như quy định của Luật Thương mại 2005 hay 12% phần giá trị hợp đồng bị vi phạm như quy định của Luật Xây dựng 2014 hay không?

Mặc dù Luật Thương mại 2005 và Luật Xây dựng 2014 quy định “mức trần” phạt vi phạm như trên nhưng qua nghiên cứu các dự án xây dựng luật, chúng ta thấy không có sự giải trình về căn cứ quy định các “mức trần” này. Vì vậy, về lâu dài, khi có điều kiện sửa đổi, bổ sung Luật Thương mại 2005 và Luật Xây dựng 2014, thiết nghĩ nên bỏ giới hạn “mức trần” này.

Thực tiễn xét xử, trong các vụ án kinh doanh, thương mại, khi các bên thỏa thuận mức phạt vi phạm trên 8% nghĩa vụ bị vi phạm, các Tòa án thường căn cứ vào Điều 301 Luật Thương mại 2005 để ấn định mức phạt tối đa là 8% nghĩa vụ bị vi phạm mà không có lập luận gì nhiều về phần vượt quá và đa số các bản án đều nhận định việc “thỏa thuận mức phạt cao hơn 8% nghĩa vụ bị vi phạm là không phù hợp”.

Trước mắt, để có bảo đảm việc áp dụng thống nhất pháp luật, theo chúng tôi, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần có hướng dẫn xử lý đối với trường hợp các bên thỏa thuận mức phạt vượt quá “mức trần” mà luật liên quan quy định tương tự như quy định tại đoạn thứ hai khoản 1 Điều 468 BLDS 2015, đó là trường hợp mức phạt vi phạm theo thỏa thuận vượt quá mức phạt giới hạn được quy định trong luật liên quan thì mức phạt vượt quá không có hiệu lực.

Khoản 1 Điều 468 BLDS 2015 quy định: “Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”.

Nguồn: Theo Tạp chí Tòa án

3988

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]