TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 107/2019/HC-PT NGÀY 12/03/2019 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH HỦY GIẤY CHỨNG NHẬN BỊ THƯƠNG; QUYẾT ĐỊNH ĐÌNH CHỈ TRỢ CẤP THƯƠNG BINH VÀ QUYẾT ĐỊNH GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI
Ngày 12 tháng 03 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số: 581/2018/TLPT-HC ngày 19/10/2018 về việc: “Khiếu kiện quyết định hủy giấy chứng nhận bị thương; quyết định đình chỉ trợ cấp thương binh và quyết định giải quyết khiếu nại”.
Do bản án hành chính sơ thẩm số 38/2018/HCST ngày 07/8/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang bị kháng cáo.
1. Người khởi kiện: Ông Thái Văn Q, sinh năm 1937 Địa chỉ: Ấp H, xã H1, huyện G, tỉnh Kiên Giang.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện: Ông Trần Hữu Ph - Luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Kiên Giang, cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Kiên Giang 2. Người bị kiện:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện G, tỉnh Kiên Giang.
Địa chỉ: Khu N, thị trấn G, huyện G, Kiên Giang.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Thái Đ, chức vụ: Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện G - Giám đốc Sở L tỉnh Kiên Giang.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Hoàng M, chức vụ: Phó Giám đốc Sở L tỉnh Kiên Giang, theo Giấy ủy quyền số 1286/GUQ-LĐTBXH ngày 22 tháng 6 năm 2018 của Giám đốc Sở L tỉnh Kiên Giang.
Cùng địa chỉ: đường Ng, phường V, thành phố R, tỉnh Kiên Giang - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang: Ông Phùng Quốc B, chức vụ: Phó Giám đốc Sở T tỉnh Kiên Giang Cùng địa chỉ: đường Ng1, phường V1, thành phố R, tỉnh Kiên Giang.
3/. Người kháng cáo: Ông Thái Văn Q là người khởi kiện trong vụ án hành chính.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Trong đơn khởi kiện và trong quá trình giải quyết vụ kiện người khởi kiện ông Thái Văn Q trình bày:
Ông tham gia cách mạng liên tục từ năm 1966 đến ngày 01/02/1969 tại Ban Tuyên huấn xã H1, huyện G, tỉnh Kiên Giang, phụ trách việc cắm bảng thông tin tuyên truyền. Thời gian ông công tác tại đơn vị được sự phân công của ông Trần S là cán bộ phụ trách Ban Tuyên huấn xã H1.
Khoảng 10 giờ sáng ngày 01 tháng 02 năm 1969, ông được ông Trần S phân công xuống địa bàn ấp B, xã H1, huyện G để cắm bảng thông tin tuyên truyền thì bị máy bay trực thăng của địch phát hiện bắn bị thương ở đùi và sườn, ông được một số người dân chuyển đến bệnh viện thị xã V2, tỉnh Hậu Giang và bệnh viện Cần Thơ chữa trị vết thương. Từ đó về sau ông không còn tham gia công tác gì cho Cách mạng.
Ngày 25/12/1992, ông viết bản tự khai về quá trình tham gia Cách mạng và bị thương, được ông Trần S và ông Nguyễn Văn M1 xác nhận.
Ngày 12/6/1992, ông được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện G cấp giấy chứng nhận bị thương.
Ngày 31/5/1993, ông được Sở L tỉnh Kiên Giang ban hành quyết định trợ cấp thương tật, cấp sổ thương binh và được hưởng trợ cấp hàng tháng.
Ngày 11/8/2015, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện G, tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định số 792/QĐ-UBND hủy bỏ giấy chứng nhận bị thương của ông.
Ngày 12/4/2016, Giám đốc Sở L tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định số 2187/QĐ-LĐTBXH đình chỉ trợ cấp thương binh đối với ông kể từ ngày 01/4/2016, đồng thời thu hồi số tiền trợ cấp 166.848.000 đồng mà ông đã hưởng trước đó. Không đồng ý theo quyết định này nên ông làm đơn khiếu nại.
Ngày 11/01/2017, Giám đốc Sở L tỉnh Kiên Giang ban hành quyết định số 162/QĐ-LĐTBXH giải quyết khiếu nại với nội dung bác khiếu nại của ông. Không đồng ý theo quyết định giải quyết khiếu nại của Giám đốc Sở L tỉnh Kiên Giang nên ông tiếp tục làm đơn khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang.
Ngày 13/02/2018, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định số 394/QĐ-UBND giải quyết khiếu nại với nội dung bác khiếu nại của ông, công nhận và giữ nguyên nội dung Quyết định số 162/QĐ-LĐTBXH 11/01/2017 của Giám đốc Sở L tỉnh Kiên Giang.
Không đồng ý theo các quyết định trên, nên ông khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang giải quyết hủy Quyết định số 792/QĐ-UBND ngày 11/8/2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện G về việc hủy giấy chứng nhận bị thương; Hủy Quyết định số 2187/QĐ-LĐTBXH ngày 12/4/2016 của Giám đốc Sở L tỉnh Kiên Giang về việc đình chỉ trợ cấp thương binh; Hủy Quyết định số 162/QĐ-LĐTBXH ngày 11/01/2017 của Giám đốc Sở L tỉnh Kiên Giang về việc giải quyết khiếu nại và hủy Quyết định số 394/QĐ-UBND ngày 13/02/2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc giải quyết khiếu nại đối với ông.
Người đại diện theo ủy quyền của người bị kiện Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện G - Ông Nguyễn Thái Đ trình bày ý kiến về vụ án tại phiên họp đối thoại ngày 30/5/2018 như sau:
Qua xác minh trường hợp của ông Q, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện G khẳng định ông Q không đủ điều kiện được hưởng chế độ thương binh theo quy định nên đã ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận bị thương đối với ông Q. Yêu cầu Tòa án xem xét bác đơn kiện của ông Q.
* Người đại diện theo ủy quyền của người bị kiện Giám đốc Sở L tỉnh Kiên Giang - Ông Nguyễn Hoàng M trình bày ý kiến về vụ án tại phiên họp đối thoại ngày 30/5/2018 như sau:
Qua xác minh để giải quyết khiếu nại đối với ông Thái Văn Q xác định được như sau: Năm 1968 ông Trần S là cán bộ tuyên huấn xã H1, huyện G có phân công ông Thái Văn Q làm nhiệm vụ viết và cắm bảng tuyên truyền, phục vụ cho cách mạng. Nhưng đến cuối năm 1968 ông Trần S được rút về huyện công tác, nên qua làm việc ông Trần S xác nhận thời điểm ngày 01/02/1969 không phân công ông Thái Văn Q làm nhiệm vụ gì và không biết trường hợp bị thương của ông Q, vì không còn công tác tại Ban tuyên huấn xã H1. Ông Trần S khẳng định việc ông xác nhận hồ sơ cho ông Q là theo lời khai của ông Q chứ lúc ông Q bị thương thì ông Q làm công việc gì, do ai phân công, bị thương như thế nào thì ông S không biết.
Mặt khác, hồ sơ đề nghị hưởng chế độ của ông Q khai tham gia du kích xã là không chính xác. Vì qua xác minh xác định ông Q chỉ tham gia viết và cắm bảng tuyên truyền cho xã thông qua sự phân công của ông Trần S, không có thời gian nào tham gia du kích. Ông Q cũng đã cam kết cung cấp các chứng cứ, thông tin mới để chứng minh quá trình công tác của mình nhưng không thực hiện được.
Chính vì vậy, khẳng định hồ sơ xác minh giải quyết khiếu nại của ông Q là hoàn toàn chính xác, nên Quyết định giải quyết khiếu nại của Giám đốc Sở L tỉnh Kiên Giang là đúng pháp luật. Yêu cầu Tòa án bác yêu cầu của người khởi kiện.
Người bị kiện Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang trình bày ý kiến đối với yêu cầu khởi kiện của ông Q tại văn bản số 582/UBND-NCPC ngày 04/5/2018 như sau:
Theo hồ sơ thương binh xác lập vào năm 1991 thể hiện: Ông Thái Văn Q, sinh năm 1937, là cán bộ thông tin của Ban Tuyên huấn xã H1, huyện G; ngày 01/02/1969 khi đang làm nhiệm vụ bị trực thăng của địch bắn bị thương làm bể 02 xương sườn, gan, đùi và ảnh hưởng đến thần kinh, được ông Trần S (phụ trách Ban Tuyên huấn xã H1; đã chết năm 2017) cùng ông Nguyễn Văn M1 (nguyên là Thư ký xã H1; đã chết vào năm 2000) xác nhận. Đến ngày 12/6/1992 Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện G cấp Giấy chứng nhận bị thương (không số) cho ông Q. Sau đó, Hội đồng Giám định y khoa tỉnh Kiên Giang xác định tỷ lệ thương tật của ông Q là 41% (tại Biên bản số 299/GĐYKSK ngày 10/5/1993), đến ngày 31/5/1993, Giám đốc Sở L tỉnh Kiên Giang ra Quyết định (không số) về việc trợ cấp thương tật và cấp sổ thương binh cho ông Q.
Tuy nhiên qua kết quả xác minh thể hiện: Ông Trần S đã rút lại xác nhận cho ông Q với lý do không biết quá trình công tác từ đầu năm 1969 cũng như trường hợp bị thương tại thời điểm tháng 02/1969 của ông Q, vì từ cuối năm 1968 ông S đã chuyển về Ban Tuyên huấn huyện G (trùng khớp với hồ sơ lý lịch Đảng của ông S thể hiện năm 1968 đảng viên phụ trách Tuyên huấn xã H1, từ năm 1969 công tác tại Ban Tuyên huấn huyện G) và ông S thừa nhận việc xác nhận hồ sơ thương binh vào năm 1991 là theo lời kể của ông Q (hiện nay ông S đã chết); những nhân chứng khác do ông Q cung cấp đều khẳng định năm 1968 có thấy ông Q tham gia Tuyên huấn xã H1, từ cuối năm 1968 khi ông S chuyển về Ban Tuyên huấn huyện G thì không thấy ông Q tham gia công tác tại địa phương và cũng không biết trường hợp bị thương của ông Q. Ngoài ra, một số cán bộ lão thành cách mạng ở địa phương khẳng định từ trước 1968 cho đến năm 1975 ông Q không tham gia công tác tại địa phương và cũng không biết trường hợp bị thương của ông Q. Vì vậy, việc ông Q xác lập hồ sơ để được hưởng chế độ thương binh vào năm 1991 là chưa đúng đối tượng quy định tại Điều 11, Tiết 2, Chương I, Nghị định số 08/NĐ-76 ngày 17 tháng 6 năm 1976 của Hội đồng Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam về chính sách, chế độ đối với thương binh, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ. Do đó, Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội ra Quyết định số 2187/QĐ-LĐTBXH ngày 12/4/2016 đình chỉ trợ cấp thương binh đối với ông Q theo quy định tại Khoản 1, Điều 66 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng là đúng. Việc ông Q khởi kiện yêu cầu hủy Quyết định số 394/QĐ-UBND nêu trên của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang là không có cơ sở.
Tại bản án hành chính sơ thẩm số 38/2018/HC-ST ngày 07/8/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang đã tuyên xử:
Bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Thái Văn Q về việc yêu cầu hủy Quyết định số 792/QĐ-UBND ngày 11/8/2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện G, tỉnh Kiên Giang về việc hủy giấy chứng nhận bị thương; Quyết định số 2187/QĐ-LĐTBXH ngày 12/4/2016 của Giám đốc sở L tỉnh Kiên Giang về việc đình chỉ trợ cấp thương binh; Quyết định số 162/QĐ-LĐTBXH ngày 11/01/2017 của Giám đốc sở L tỉnh Kiên Giang và Quyết định số 394/QĐ-UBND ngày 13/02/2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc giải quyết khiếu nại đối với ông Thái Văn Q.
Ngoài ra án sơ thẩm còn giải quyết các vấn đề về án phí và quyền kháng cáo theo luật định.
Ngày 21/8/2018 ông Thái Văn Q làm đơn kháng cáo một phần bản án sơ thẩm số 38/2018/HC-ST ngày 07/8/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang. Yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu kháng cáo, chấp nhận toàn bộ đơn khởi kiện của người khởi kiện và hủy toàn bộ hủy Quyết định số 792/QĐ-UBND ngày 11/8/2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện G, tỉnh Kiên Giang về việc hủy giấy chứng nhận bị thương; Quyết định số 2187/QĐ-LĐTBXH ngày 12/4/2016 của Giám đốc sở L tỉnh Kiên Giang về việc đình chỉ trợ cấp thương binh; Quyết định số 162/QĐ-LĐTBXH ngày 11/01/2017 của Giám đốc sở L tỉnh Kiên Giang và Quyết định số 394/QĐ- UBND ngày 13/02/2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Phía người khởi kiện vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.
Người bảo vệ quyền lợi cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang cho rằng trình tự thủ tục ban hành các quyết định là đúng quy định pháp luật, nội dung cũng phù hợp pháp luật, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử có căn cứ, đề nghị không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của người khởi kiện.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa phát biểu: Về thủ tục tố tụng: Quá trình giải quyết vụ án theo trình tự phúc thẩm, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã thụ lý và giải quyết đúng trình tự, thủ tục theo luật định, tại phiên tòa phúc thẩm những người tham gia tố tụng cũng đã được thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của Luật Tố tụng hành chính. Về nội dung: Đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa. Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về thủ tục kháng cáo: Đơn kháng cáo của ông Thái Văn Q làm trong hạn luật định nên thủ tục kháng cáo hợp lệ.
[2] Về quan hệ tranh chấp và thẩm quyền giải quyết:
Căn cứ vào yêu cầu khởi kiện của ông Thái Văn Q thì vụ án có quan hệ tranh chấp về: “Khiếu kiện quyết định hủy giấy chứng nhận bị thương; quyết định đình chỉ trợ cấp thương binh và quyết định giải quyết khiếu nại”.
Mà cụ thể là người khởi kiện đòi hủy các quyết định sau:
Quyết định số 792/QĐ-UBND ngày 11/8/2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện G, tỉnh Kiên Giang.
Quyết định số 2187/QĐ-LĐTBXH ngày 12/4/2016 của Giám đốc sở L tỉnh Kiên Giang.
Quyết định số 162/QĐ-LĐTBXH ngày 11/01/2017 của Giám đốc sở L tỉnh Kiên Giang.
Quyết định số 394/QĐ-UBND ngày 13/02/2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang.
Các quan hệ tranh chấp trên được pháp luật quy định tại Điều 3, Điều 30, Điều 115 của Luật Tố tụng hành chính; Luật khiếu nại và các quy định có liên quan.
Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định đúng các quan hệ tranh chấp trên và giải quyết đúng thẩm quyền được pháp luật quy định tại điều 30, điều 32 Luật Tố tụng hành chính.
[3] Về nội dung giải quyết yêu cầu kháng cáo của đương sự:
[3.1] Ông Thái Văn Q cho rằng, năm 1968 ông tham gia cách mạng làm cán bộ tuyên huấn xã H1, huyện G, tỉnh Kiên Giang, làm nhiệm vụ cắm bảng thông tin tuyên truyền. Ngày 01/02/1969 ông đi cắm bảng thông tin tuyên truyền theo sự phân công của ông Trần S lãnh đạo Ban tuyên huấn xã H1, huyện G thì bị trực thăng của địch bắn bị thương. Đến năm 1992 ông làm hồ sơ để hưởng chế độ chính sách được ông Trần S và ông Nguyễn Văn M1 xác nhận, sau đó ông được hưởng trợ cấp như thương binh.
Ông Q cho rằng, ông bị thương vào ngày 01/02/1969 khi đang làm nhiệm vụ theo sự phân công của ông Trần S là người lãnh đạo trực tiếp của ông. Tuy nhiên, trong quá trình rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công và thu thập tài liệu chứng cứ để giải quyết khiếu nại của ông Q thì ông Trần S đã có lời trình bày khẳng định lại: Năm 1968 ông làm Trưởng ban tuyên huấn xã H1 và có phân công ông Q làm công tác cắm bảng hiệu tuyên truyền, năm 1969 ông không còn công tác tại xã H1 mà đã chuyển về huyện G, nên từ năm 1969 không còn sử dụng ông Q nữa, ông Q còn tham gia công tác hay không và bị thương như thế nào ông cũng không biết. Sau năm 1975 ông xác nhận quá trình công tác và bị thương của ông Q là dựa trên lời kể của ông Q, nay ông rút lại các xác nhận đó (Bút lục 92, 95-96). Mà việc ông Trần S đã chuyển về huyện G công tác từ năm 1969 là có cơ sở để khẳng định là đúng thực tế, dựa trên hồ sơ đảng viên của ông (Bút lục số 93, 102-108). Mặt khác, những người ông Q cho là biết quá trình công tác và bị thương của ông thì khi được lấy lời khai họ đều xác định là không biết.
Theo lời trình bày của ông Q tại phiên tòa và lời khai của ông có trong hồ sơ cho rằng, sau khi bị thương ông được người dân đưa về gia đình, sau đó đưa ra vùng địch tạm chiếm điều trị, tổ chức không ai đến, từ đó về sau ông không còn tham gia gì cho cách mạng nữa mà còn có lúc bị địch bắt đi quân dịch. Như vậy việc ông cho rằng ông bị thương khi làm nhiệm vụ theo sự phân công của tổ chức là không hợp lý. Trong khi, chính những người phát hiện ông bị thương và đưa ông đi điều trị là ông Nguyễn Văn Phước, Hồ Văn Be xác định lúc đó ông Q đang sinh sống tại ấp 3, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang không phục vụ gì cho cách mạng bị máy bay của địch bắn bị thương (Bút lúc 63-67).
Như vậy, việc ông Q cho rằng ông bị thương vào ngày 01/02/1969 khi đang làm nhiệm vụ theo sự phân công của ông Trần S và việc trước đây ông Trần S xác nhận vào hồ sơ làm thủ tục hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng cho ông Q là không đúng sự thật.
Mặt khác, tại biên bản làm việc ngày 06/9/2017 tại Thanh tra tỉnh Kiên Giang ông Q trình bày ông tham gia cách mạng tại địa phương không thoát ly gia đình (Bút lục số 45 - 47), mà nội dung này ông cũng khẳng định lại tại phiên tòa là gia đình (vợ) ông sống cách cơ quan xã khoảng 5 - 6km, sống bằng nghề làm ruộng, ông đi đi về về để làm ruộng sinh sống cùng vợ con. Đồng thời, chính vợ ông Q là bà Lê Thị Thành cũng có lời khai xác định thời điểm đó ông Q sinh sống với gia đình vợ con (Bút lục số 69). Như vậy, ông Q tham gia cách mạng nhưng không thoát ly hẳn gia đình và cũng không phải là cán bộ chủ chốt cấp xã, cho nên trường hợp của ông nếu có bị thương khi phục vụ cách mạng cũng không thuộc đối tượng được hưởng chế độ như thương binh, bởi tại Điều 11 tiết 2 Chương I Nghị định số 08/NĐ -76 ngày 17 tháng 6 năm 1976 của Hội đồng Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam về chánh sách, chế độ đối với thương binh, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ quy định tiêu chuẩn để được hưởng chính sách như thương binh đối với cán bộ thôn, xã không giữ chức vụ chủ chốt thì phải là những người đã thoát ly hẳn gia đình để hoạt động cho cách mạng mà bị thương.
Từ các phân tích trên cho thấy, việc ông Q xác lập hồ sơ để được hưởng chế độ ưu đãi như thương binh là không đúng đối tượng, nên Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện G ban hành Quyết định số 792/QĐ-UBND ngày 11/8/2015 hủy giấy chứng nhận bị thương; Giám đốc Sở L tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định số 2187/QĐ-LĐTBXH ngày 12/4/2016 đình chỉ trợ cấp thương binh và thu hồi số tiền trợ cấp đối với ông Thái Văn Q là đúng quy định của pháp luật. Từ đó, các quyết định giải quyết khiếu nại của Giám đốc Sở L tỉnh Kiên Giang và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang bác khiếu nại của ông Q là có cơ sở.
[3.2] Xét các quyết định;
Đến năm 2015 thực hiện việc rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn huyện G theo Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 27/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở tài liệu thu thập được xác định trường hợp của ông Q không đủ điều kiện để hưởng chế độ chính sách như thương binh nên ngày 11/8/2015 Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện G, tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định số 792/QĐ-UBND về việc hủy giấy chứng nhận bị thương đối với ông Thái Văn Q.
Đối chiếu với Nghị định 08 – NĐ/76 ngày 17/6/1976 của Hội đồng chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam quy định về chánh sách, chế độ đối với thương binh, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ và tại khoản 2, phần thứ nhất Thông tư 05 – TT/76 ngày 17/6/1976 hướng dẫn Nghị định 08 – NĐ/76 ngày 17/6/1976 liên quan đến chính sách chế độ đối với thương binh, liệt sỹ và gia đình có công quy định: “nếu phạm một trong các trường hợp dưới đây thì không được hưởng danh nghĩa và quyền lợi thương binh, hoặc những người bị thương được hưởng chính sách như thương binh: đã có hành động phản bội, đầu hàng, làm tay sai cho địch; đã tự ý bỏ hàng ngũ chiến đấu, đào ngũ, bị tước quân tịch; …”. Căn cứ Điều 2 Nghị định 31/2013/NĐ – CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng thì ông Thái Văn Q không thuộc trường hợp hưởng chính sách thương binh. Nên chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện ban hành Quyết định số 792/QĐ-UBND ngày 11/5/2015 về việc hủy giấy chứng nhận bị thương đối với ông Thái Văn Q là đúng với trình tự thủ tục và thẩm quyền ban hành.
Sau đó, căn cứ vào Quyết định số 792/QĐ-UBND ngày 11/5/2015 về việc hủy giấy chứng nhận bị thương đối với ông Thái Văn Q. Ngày 12/4/2016 Giám đốc sở L tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định số 2187/QĐ-LĐTBXH về việc đình chỉ trợ cấp thương binh đối với ông Thái Văn Q đồng thời thu hồi số tiền trợ cấp 166.848.000 đồng mà ông đã hưởng trước đó là đúng với trình tự thủ tục và thẩm quyền ban hành.
Không đồng ý theo quyết theo quyết định này nên ông làm đơn khiếu nại. Ngày 11/01/2017, Giám đốc Sở L tỉnh Kiên Giang ban hành quyết định số 162/QĐ-LĐTBXH giải quyết khiếu nại với nội dung bác khiếu nại của ông và không đồng ý theo quyết định giải quyết khiếu nại của Giám đốc Sở L tỉnh Kiên Giang nên ông tiếp tục làm đơn khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang. Ngày 13/02/2018, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định số 394/QĐ-UBND giải quyết khiếu nại với nội dung bác khiếu nại của ông, công nhận và giữ nguyên nội dung Quyết định số 162/QĐ- LĐTBXH 11/01/2017 của Giám đốc Sở L tỉnh Kiên Giang. Xét về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại đã thể hiện về nội dung và thủ tục đúng theo quy định của Luật khiếu nại, bảo đảm được quyền lợi của người khiếu nại.
[3.2.3] Tòa án cấp sơ thẩm bác yêu cầu khởi kiện của ông Thái Văn Q là có căn cứ và đúng với quy định của pháp luật. Ông Thái Văn Q kháng cáo yêu cầu sửa án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông và xử hủy các Quyết định số 792/QĐ-UBND ngày 11/8/2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện G, tỉnh Kiên Giang; Quyết định số 2187/QĐ-LĐTBXH ngày 12/4/2016 của Giám đốc sở L tỉnh Kiên Giang; Quyết định số 162/QĐ-LĐTBXH ngày 11/01/2017 của Giám đốc sở L tỉnh Kiên Giang; Quyết định số 394/QĐ-UBND ngày 13/02/2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, nhưng ông Q không đưa ra được căn cứ nào khác ngoài nhận định trên nên không được chấp nhận.
[4] Về án phí hành chính phúc thẩm: Căn cứ điểm đ Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí và lệ phí Tòa án, ông Thái Văn Q được miễn án phí hành chính phúc thẩm do là người cao tuổi.
Bởi các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 1 Điều 241 của Luật tố tụng hành chính năm 2015; Không chấp nhận kháng cáo của ông Thái Văn Q, giữ y bản án hành chính sơ thẩm xử.
Tuyên xử:
Bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Thái Văn Q về việc yêu cầu hủy Quyết định số 792/QĐ-UBND ngày 11/8/2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện G, tỉnh Kiên Giang về việc hủy giấy chứng nhận bị thương; Quyết định số 2187/QĐ-LĐTBXH ngày 12/4/2016 của Giám đốc sở L tỉnh Kiên Giang về việc đình chỉ trợ cấp thương binh; Quyết định số 162/QĐ-LĐTBXH ngày 11/01/2017 của Giám đốc sở L tỉnh Kiên Giang và Quyết định số 394/QĐ-UBND ngày 13/02/2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc giải quyết khiếu nại đối với ông Thái Văn Q.
Về án phí hành chính phúc thẩm: Miễn nộp án phí hành chính phúc thẩm cho ông Thái Văn Q.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.
Bản án 107/2019/HC-PT ngày 12/03/2019 về khiếu kiện quyết định hủy giấy chứng nhận bị thương; quyết định đình chỉ trợ cấp thương binh và quyết định giải quyết khiếu nại
Số hiệu: | 107/2019/HC-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hành chính |
Ngày ban hành: | 12/03/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về