Bản án 04/2018/HC-PT ngày 30/07/2018 về khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

BẢN ÁN 04/2018/HC-PT NGÀY 30/07/2018 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI

Ngày 30 tháng 7 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang xétxử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số: 01/2018/TLPT-HC ngày 08 tháng 01 năm 2018 về “Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại”.

Do bản án hành chính sơ thẩm số 02/2017/HC-ST ngày 04/10/2017 của Tòa án nhân dân thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 04/2018/QĐPT-HC ngày06 tháng 6 năm 2018 và Quyết định hoãn phiên tòa số 06/2018/QĐ-PT ngày22/6/2018; số 07/2018/QĐ-PT ngày 10/7/2018 giữa các đương sự:

1. Người khởi kiện: Nguyễn Thị Phương M, sinh năm 1962 (Có mặt).

Địa chỉ: Số 193 K, phường V, thành phố R, tỉnh Kiên Giang.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện: Ông Trần Minh H - Luật sư, Văn phòng luật sư Trần Minh H, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Kiên Giang (Có mặt).

2. Người bị kiện: Chủ tịch UBND thành phố R, tỉnh Kiên Giang.

Địa chỉ: Số 33 Lê Lợi, phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá, tỉnhKiên Giang.

Do ông Nguyễn Văn H, chức vụ: Phó Chủ tịch UBND thành phố R, tỉnh Kiên Giang đại diện theo Quyết định ủy quyền số 16/QĐ-UBND ngày 04/11/2016 của Chủ tịch UBND thành phố R, tỉnh Kiên Giang (Vắng mặt, có văn bản đề nghị xét xử vắng mặt).

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Bà Nguyễn Thị Thanh T, sinh năm 1958 (Có mặt).

Địa chỉ: Số 217 K, phường V, thành phố R, tỉnh Kiên Giang.

- Ông Nguyễn Chí L, sinh năm 1969 (Có mặt).

Địa chỉ: Ấp T, xã Đ, huyện A, tỉnh Kiên Giang.

- Bà Nguyễn Thị Phương L, sinh năm 1969 (Có mặt)

Địa chỉ: Số 331 đường C, phường M, quận S, Tp Hồ Chí Minh.

4. Người kháng cáo: Nguyễn Thị Phương M - Người khởi kiện.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Trong đơn khởi kiện và trong quá trình giải quyết vụ án, người khởi kiện bà Nguyễn Thị Phương M trình bày:

Cha mẹ của bà là ông Nguyễn Văn C và bà Phạm Thị X có tài sản là nhà gắn liền với quyền sử dụng đất tọa lạc tại số 193 K, phường V, thành phố R, tỉnh Kiên Giang, đã được UBND thành phố R, tỉnh Kiên Giang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở vào năm 2002. Ngày 11/7/2008, cha mẹ của bà lập di chúc tại Phòng công chứng số 1 - Sở Tư pháp tỉnh Kiên Giang (di chúc số 3601/quyển số 08 ngày 11/7/2008) để lại toàn bộ nhà và đất nói trên cho bà được hưởng sau  khi cha mẹ qua đời. Sau khi cha và mẹ của bà qua đời, bà tiến hành thủ tục thừa hưởng và sang tên theo quy định của pháp luật. Ngày 27/02/2013 bà được UBND thành phố R cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Tuy nhiên, trong giấy này có ghi chú: “chỉ được giữ gìn,quản lý và làm nơi thờ cúng theo di chúc số 3601/quyển số 08 ngày 11/7/2008”. Việc ghi chú như vậy là không đúng với nội dung di chúc và không đúng với nguyện vọng của cha mẹ bà khi còn sống, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà. Vì vậy bà làm đơn khiếu nại yêu cầu UBND thành phố R điều chỉnh lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở của bà, xóa bỏ câu ghi chú: “chỉ được giữ gìn, quản lý và làm nơi thờ cúng theo di chúc số 3601/quyển số 08 ngày 11/7/2008” trong giấy chứng nhận nêu trên.Ngày 04/8/2015, Chủ tịch UBND thành phố R có quyết định số 41/QĐ-UBND giải quyết khiếu nại với nội dung không chấp nhận khiếu nại của bà. Ngày 27/8/2015 bà có đơn khởi kiện gửi Tòa án nhân dân thành phố R yêu cầu giải quyết:

- Hủy Quyết định số 41/QĐ-UBND ngày 04/8/2015 của Chủ tịch UBNDthành phố R về việc giải quyết khiếu nại;

- Buộc Chủ tịch UBND thành phố R điều chỉnh lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất của bà theo hướng xóabỏ câu ghi chú “chỉ được giữ gìn, quản lý và làm nơi thờ cúng theo di chúc số3601/quyển số 08 ngày 11/7/2008” trong giấy chứng nhận này.

* Trong quá trình giải quyết vụ án, người bị kiện chủ tịch UBND thành phố R vàngười đại diện có ý kiến:

Về trình tự cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại số 193 K, phường V, thành phố R cho bà Nguyễn Thị Phương M là đúng quy định của pháp luật. Khi cấp giấy cho bà M, UBND thành phố R dựa trên nội dung di chúc của cha mẹ bà M để ghi dòng ghi chú “chỉ được giữ gìn, quản lý và làm nơi thờ cúng theo di chúc số 3601/quyển số 08 ngày 11/7/2008” là phù hợp theo nội dung di chúc.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Nguyễn Thị Thanh T, Nguyễn Chí L, Nguyễn Thị Phương L thống nhất trình bày:

Các ông bà là anh chị em ruột với bà Nguyễn Thị Phương M. Khi cha mẹ của các ông bà (là ông Nguyễn Văn C và bà Phạm Thị X) còn sống không ai biết việc cha mẹ lập di chúc để lại tài sản là nhà đất tại số 193 K, phường V, thành phố R cho bà M. Sau khi mẹ mất vào năm 2012, các ông bà mới nghe bà M nói đến bản di chúc nhưng không ai nhìn thấy bản di chúc đó, đến khi bà M làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất thì các ông bà mới biết và làm đơn ngăn chặn gửi Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Rạch Giá. Các ông bà cho rằng di chúc ngày 11/7/2008 là không hợp lệ do cha (ông C) không còn minh mẫn từ năm 2003 đến khi mất. Trước khi mất, mẹ của các ông bà (bà X) có nhắn nhủ bằng miệng là phần di sản của bà sẽ để lại cho bà M một nửa, một nửa để lại cho ông L, còn phần di sản của cha (ông C) thì không nói đến.

Tại bản án hành chính sơ thẩm số 02/2017/HC-ST ngày 04/10/2017 của Tòaán nhân dân thành phố R đã quyết định:

Căn cứ khoản 1 Điều 30, khoản 2 Điều 257; Điều 193 và Điều 206 Luật tố tụng hành chính năm 2015;

Căn cứ khoản 5 Điều 1 Nghị quyết 104/2015/QH13 ngày 25/11/2015 củaQuốc hội về việc thi hành Luật tố tụng hành chính; Căn cứ khoản 1 Điều 8 Thông tư 17/2009/TT-BTNMT ngày 21/10/2009 quy định về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

Áp dụng Điều 18, Điều 30 và Điều 31 Luật khiếu nại năm 2011;

Áp dụng khoản 2 Điều 24 của Pháp lệnh 10/2009/UBTVQH12, ngày 27/02/2009 về án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Phương M về việc yêu cầu Tòa án hủy Quyết định số 41/QĐ-UBND ngày 04/8/2015 của Chủ tịch UBND thành phố R.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí và báo về quyền kháng cáo theoluật định.

* Ngày 13/10/2017 bà Nguyễn Thị Phương M có đơn kháng cáo bản án hành chính sơ thẩm số: 02/2017/HC-ST ngày 04 tháng 10 năm 2017 của Tòa án nhân dân thành phố R, tỉnh Kiên Giang, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà: Hủy Quyết định giải quyết khiếu nại số 41/QĐ-UBND ngày 04/8/2015 của Chủ tịch UBND thành phố R và buộc UBND thành phố R điếu chỉnh lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cấp cho bà ngày 27/02/2013 theo hướng xóa bỏ câu ghi chú “chỉ được giữ gìn, quản lý và làm nơi thờ cúng theo di chúc số 3601/quyển số 08 ngày 11/7/2008” trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở nêu trên.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Người khởi kiện đồng thời cũng là người kháng cáo bà Nguyễn Thị Phương M có ý kiến: Giữ nguyên yêu cầu khởi kiện; yêu cầu Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại cho đúng quy định.

- Ông Trần Minh H - Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Nguyễn Thị Phương M có ý kiến: Tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là bỏ sót người tham gia tố tụng (UBND thành phố R); giải quyết không hết các yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện. Về nội dung xử bác đơn khởi kiện của người khởi kiện là không có cơ sở. Vì vậy đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại cho đúng quy định.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Nguyễn Thị Thanh T, Nguyễn Chí L và Nguyễn Thị Phương L cùng có ý kiến: Đồng ý theo bản án sơ thẩm đã xử; yêu cầu Hội đồng xét xử phúc thẩm xử bác kháng cáo của người khởi kiện Nguyễn Thị Phương M.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang có ý kiến:

Về thủ tục tố tụng của Tòa án cấp phúc thẩm: Từ khi thụ lý vụ án đến tại phiên tòa phúc thẩm, Thẩm phán, thư ký và Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng quy định của pháp luật, tuy nhiên về thời gian tính đến ngày xét xử phúc thẩm thì đã quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo quy định, cần rút kinh nghiệm, khắc phục đối với các vụ án khác.

Về việc chấp hành pháp luật tố tụng của đương sự: Người khởi kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật; người bị kiện (Chủ tịch UBND thành phố R) khi mở phiên tòa phúc thẩm lần thứ nhất vắng mặt không có lý do, buộc Hội đồng xét xử phải hoãn phiêntòa, sau đó người đại diện theo ủy quyền của người bị kiện có văn bản đề nghị xét xử vắng mặt.

Về bản án sơ thẩm: Tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là bỏ sót người tham gia tố tụng (UBND thành phố R,…); giải quyết không hết các yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện; không có chứng cứ chứng minh đã triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà xét xử vắng mặt người bị kiện là không đúng quy định tại khoản 2 Điều 157 Luật tố tụng hành chính. Về nội dung, xử bác đơn khởi kiện của người khởi kiện là không có cơ sở. Vì vậy đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại cho đúng quy định.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được kiểm tra, xem xét và tranh tụng tại phiên tòa; trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, người tham gia tố tụng nêu ra tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử xét thấy:

 [1]. Về tính hợp pháp của đơn kháng cáo: Đơn kháng cáo của người khởi kiện Nguyễn Thị Phương M có hình thức đúng quy định của pháp luật, được nộp trong thời hạn luật định và đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo quy định nên xem xét giải quyết theo trình tự phúc thẩm.

 [2]. Về thủ tục tố tụng: Khi mở phiên tòa phúc thẩm lần thứ nhất, người bị kiện Chủ tịch UBND thành phố R, tỉnh Kiên Giang (người đại diện theo ủy quyền của người bị kiện) vắng mặt không có lý do nên Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, sau đó người đại diện theo ủy quyền của người bị kiện có văn bản đề nghị xét xử vắng mặt, do đó Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử vụ án vắng mặt người bị kiện (người đại diện theo ủy quyền của người bị kiện) theo quy định tại Điều khoản 4 Điều 225 Luật tố tụng hành chính.

 [3]. Xét bản án sơ thẩm và yêu cầu kháng cáo của ngườ khởi kiện:

Thấy rằng trong quá trình giải quyết vụ án từ khi thụ lý cho đến kết thúc việc xét xử sơ thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm có một số sai sót sau:

- Bỏ sót người tham gia tố tụng: Nội dung khởi kiện của bà Nguyễn Thị Phương M liên quan đến quyền, nghĩa vụ của UBND thành phố R, tỉnh Kiên Giang là cơ quan đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho bà Mai. Cụ thể, bà M khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND thành phố R, tỉnh Kiên Giang và buộc điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở mà UBND thành phố R, tỉnh Kiên Giang đã cấp cho bà, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không đưa UBND thành phố R, tỉnh Kiên Giang vào tham gia tố tụng là sai sót.

- Giải quyết không hết yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện: Bà Nguyễn Thị Phương M khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy quyết định giải quyết khiếu nại số41/QĐ-UBND ngày 04/8/2015 của Chủ tịch UBND thành phố R, tỉnh Kiên Giang và buộc điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở mà UBND thành phố R, tỉnh Kiên Giang đã cấp cho bà là xóa bỏ câu ghi chú: “chỉ được giữ gìn, quản lý và làm nơi thờ cúng” ghi trong giấy này, nhưng bản án sơ thẩm chỉ xử phần khởi kiện của bà M về việc yêu cầu hủy Quyết định giải quyết khiếu nại số 41/QĐ-UBND ngày 04/8/2015 của Chủ tịch UBND thành phố R, tỉnh Kiên Giang, mà không xem xét, đưa ra phán quyết đối với phần yêu cầu khởi kiện còn lại của bà M về việc buộc UBND thành phố R, tỉnh Kiên Giang điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở của bà.

- Tòa án cấp sơ thẩm xét xử vắng mặt người bị kiện (người đại diện theo ủy quyền của người bị kiện) không đúng quy định: Hồ sơ vụ án không có chứng cứ thể hiện đã triệu tập hợp lệ người bị kiện lần thứ hai, nhưng lại nhận định người bị kiện vắng mặt lần thứ hai để xét xử vắng mặt là không đúng quy định tại Điều 157 và Điều 158 Luật tố tụng hành chính.

Từ các phân tích trên cho thấy, Tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng mà Tòa án cấp phúc thẩm không thể khắc phục để xem xét quyết định về nội dung yêu cầu của người khởi kiện đưa ra. Vì vậy, kháng cáo của người khởi kiện Nguyễn Thị Phương M; ý kiến đề nghị của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà M và đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang nêu ra tại phiên tòa phúc thẩm là có cơ sở để Hội đồng xét xử chấp nhận, cần phải hủy bản án sơ thẩm để giải quyết sơ thẩm lại đúng quy định. Đồng thời cũng thấy rằng, theo quy định tại khoản 1 Điều 31, khoản 4 Điều 32 và khoản 1 điều 371 Luật tố tụng hành chính năm 2015, khi thụ lý để giải quyết sơ thẩm lại vụ án thì yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Phương M thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, nên cần giữ hồ sơ vụ án lại tại Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang để giải quyết sơ thẩm theo đúng thẩm quyền.

Về nội dung yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện Nguyễn Thị Phương M, tại phiên tòa phúc thẩm bà M đưa ra nội dung kháng cáo là yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại và được chấp nhận, bản án sơ thẩm bị hủy nên nội dung yêu cầu khởi kiện của bà sẽ được xem xét khi giải quyết lại vụ án.

 [4]. Về án phí: Theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Pháp lệnh ngày 27/02/2009; khoản 2 Điều 34, khoản 1 Điều 48 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của UBTV Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án, thì người khởi kiện Nguyễn Thị Phương M không phải chịu án phí hành chính phúc thẩm; ánphí hành chính sơ thẩm sẽ được tính lại khi giải quyết sơ thẩm lại vụ án.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 3 Điều 241; khoản 1 Điều 31, khoản 4 Điều 32, khoản 1 Điều 371 Luật tố tụng hành chính năm 2015;

Căn cứ khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 104/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Luật tố tụng hành chính; khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị quyết số 104/2015/QH13 ngày25/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Luật tố tụng hành chính;

Căn cứ khoản 2 Điều 37 Pháp lệnh số 10/2009 ngày 27/02/2009; khoản 3Điều 34, khoản 1 Điều 48 Nghị quyết 326/2016 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án;

Tuyên xử:

Chấp nhận kháng cáo của người khởi kiện bà Nguyễn Thị Phương M.

1. Hủy bản án hành chính sơ thẩm số 02/2017/HC-ST ngày 04/10/2017 của Tòa án nhân dân thành phố R, tỉnh Kiên Giang.

2. Giữ hồ sơ vụ án lại tại Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang để giải quyết sơ thẩm lại vụ án theo thẩm quyền Luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định.

3. Về án phí:

- Án phí hành chính sơ thẩm: Được tính lại khi xét xử sơ thẩm lại vụ án.

- Án phí hành chính phúc thẩm: Bà Nguyễn Thị Phương M không phải chịu án phí hành chính phúc thẩm. Hoàn trả lại cho bà Nguyễn Thị Phương M 300.000đ tiền tạm ứng án phí hành chính phúc thẩm theo biên lai thu số 0009583 ngày 18/10/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố R, tỉnh Kiên Giang.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

926
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 04/2018/HC-PT ngày 30/07/2018 về khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại

Số hiệu:04/2018/HC-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Kiên Giang
Lĩnh vực:Hành chính
Ngày ban hành: 30/07/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về