TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
BẢN ÁN 10/2018/KDTM-PT NGÀY 24/05/2018 VỀ TRANH CHẤP YÊU CẦU THỰC HIỆN NGHĨA VỤ TRẢ NỢ
Ngày 24 tháng 5 năm 2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại phúc thẩm thụ lý số 07/2019/TLPT-KDTM ngày 11 tháng 02 năm 2019 về “Tranh chấp yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ”.
Do bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 11/2018/KDTM-ST ngày 20/12/2018 của Toà án nhân dân quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 04/2018/QĐPT-KDTM ngày 01 tháng 4 năm 2019 và Quyết định hoãn phiên tòa số 16/2019/QĐ-PT ngày 24 tháng 4 năm 2019 giữa các đương sự:
* Nguyên đơn: Tổng Công ty Điện lực M (EVNCPC) - Trụ sở: Số 78A đường D, phường H, quận H, thành phố Đà Nẵng.
Đại diện theo pháp luật là Ngô Tấn C - Chức vụ: Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực M.
* Người đại diện theo ủy quyền gồm có:
1. Ông Nguyễn Văn H - Sinh năm 1993 - Chuyên viên tư vấn pháp lý Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn LDL - Địa chỉ: 44 đường C, phường B, quận H, thành phố Đà Nẵng. (Theo văn bản ủy quyền số 4335/UQ-EVNCPC ngày 21 tháng 5 năm 2019). (Có mặt).
2. Ông Huỳnh Q - Sinh năm 1991 - Chức vụ: Chuyên viên Ban pháp chế - Tổng Công ty Điện lực M - Địa chỉ: Số 78A đường D, phường H, quận H, thành phố Đà Nẵng. (Theo văn bản ủy quyền số 4335/UQ-EVNCPC ngày 21 tháng 5 năm 2019). ( Có mặt).
3. Bà Phan Thị Thanh M - Sinh năm 1982 - Chức vụ: Chuyên viên Ban tài chính Kế toán - Tổng Công ty Điện lực M - Địa chỉ: Số 78A đường D, phường H, quận H, thành phố Đà Nẵng. (Theo văn bản ủy quyền số 4335/UQ-EVNCPC ngày 21 tháng 5 năm 2019). (Có mặt).
4. Ông Nguyễn Danh L - Sinh năm 1992 - Chức vụ: Chuyên viên Ban pháp chế - Tổng Công ty Điện lực M - Địa chỉ: Số 78A đường D, phường H, quận H, thành phố Đà Nẵng. (Theo văn bản ủy quyền số 4335/UQ-EVNCPC ngày 21 tháng 5 năm 2019). (Có mặt).
* Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Trần Khánh L - Luật sư Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn LDL thuộc Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng - Địa chỉ: Số đường 77 đường T, quận H, thành phố Đà Nẵng. (Có mặt).
* Bị đơn: Công ty cổ phần vật tư vận tải xây lắp điện lực M T (MTC) - Trụ sở: Số 12 đường H, phường M, quận L, thành phố Đà Nẵng.
Đại diện theo pháp luật là Ông Trần Quý H - Chức vụ: Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vật tư Vận tải Xây lắp Điện lực M T.
* Người đại diện theo ủy quyền có Bà Đỗ Thị Lan A - sinh năm 1988 - Chức vụ: Văn thư của Công ty cổ phần vật tư vận tải xây lắp điện lực M T- Địa chỉ: Số 12 đường H, phường M, quận L, thành phố Đà Nẵng (theo Giấy ủy quyền số 10/2019/EVNMTC-UQTT ngày 08 tháng 4 năm 2019). (Vắng mặt).
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Ông Nguyễn Văn L - sinh năm 1957 - Địa chỉ: Số nhà 58B đường L, tổ 30 phường Đ, quận H, thành phố Đà Nẵng. (Vắng mặt).
2. Ông Lê Phúc L - sinh năm 1960 - Địa chỉ: Số nhà K13/42 đường P, tổ 34 phường T, quận H, thành phố Đà Nẵng. (Vắng mặt).
Người kháng cáo: Công ty cổ phần Vật tư Vận tải Xây lắp Điện lực M T, là bị đơn trong vụ án.
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Theo bản án sơ thẩm thì nội dung vụ án như sau:
- Nguyên đơn trình bày: Ngày 24 tháng 04 năm 2018, Tổng Công ty Điện lực M (Gọi tắt là EVNCPC) khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty cổ phần vật tư vận tải xây lắp điện lực M T(Gọi tắt là MTC) thanh toán cho EVNCPC số tiền nợ tính đến 31/12/2017 là: 2.979.737.691đ (Hai tỷ chín trăm bảy mươi chín triệu bảy trăm ba mươi bảy ngàn sáu trăm chín mươi mốt đồng) và yêu cầu MTC phải trả một lần ngay sau khi bản án hoặc quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Về nguồn gốc khoản nợ EVNCPC trình bày: MTC tiền thân là Xí nghiệp Vật tư vận tải, là đơn vị trực thuộc Công ty Điện Lực A (Gọi tắt là PC3) nay là EVNCPC. Năm 2006, Xí nghiệp Vật tư vận tải, là đơn vị trực thuộc Công ty Điện Lực A được cổ phần hóa và trở thành một pháp nhân độc lập với EVNCPC. Quá trình cổ phần hóa vào ngày 10/01/2006 EVNCPC khi tiến hành bàn giao tài sản và vốn cho MTC, tại thời điểm bàn giao MTC được xác định có nợ EVNCPC số tiền là 9.397.465.318đ. Theo biên bản bàn giao và biên bản thẩm tra số liệu báo cáo tài chính ngày 01/01/2006 đến ngày 10/01/2006 của Xí nghiệp vật tư vận tải lập ngày 09/11/2006 thì số nợ 9.397.465.318đ gồm các khoản sau:
- Quỹ khen thưởng: 2.153.436đ;
- Quỹ đầu tư phát triển: 6.852.963đ;
- Quỹ hỗ trợ người hy sinh: 2.740.785đ;
- Quỹ dự phòng tài chính: 20.878.560đ;
- Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm: 25.000.000đ;
- Phải trả CPC vốn sửa chữa lớn: 11.655.812đ;
- Phải trả CPC vốn khấu hao tài sản cố định: 317.048.261đ;
- Quỹ phúc lợi: 1.061.142đ;
Phải trả nội bộ khác: 9.012.186.643đ.
Ngày 07/8/2007, EVNCPC và MTC có biên bản xác nhận số liệu công nợ, trong đó xác định: MTC nợ EVNCPC các loại quỹ nêu trên và phải trả nội bộ khác có số dư đến ngày 10/01/2006 chuyển sang: 9.141.516.957đ (chênh lệch 129.330.314đ so với biên bản xác định số liệu ngày 10/01/2006 chỉ xác định nợ nội bộ đến ngày 10/01/2016 là 9.012.186.643đ), và phát sinh thêm số nợ “Phải trả phụ tùng Skoda và các khoản khác: 1.950.628.206đ”.
Trong đó, đã trừ các khoản do MTC nộp về cho PC3 cụ thể gồm:
+ Tiền thanh lý: 490.697.163đ;
+ Chuyển hàng trả lại cho PC3: 22.205.534đ;
+ PC3 nhượng bán vật tư: 24. 683.606đ;
+ Bù trừ chi phí lưu kho 24.683.606đ;
Tổng số nợ MTC nợ PC3 được xác định là: 10.830.607.399đ.
Biên bản này được ký xác nhận bởi EVNCPC và MTC do ông Nguyễn Văn L đại diện theo pháp luật của MTC ký.
Trong biên bản này hai bên có xem xét sẽ bù trừ công nợ cho MTC nên đến ngày 14/12/2007 EVNCPC có công văn số 6466/CV với nội dung: “EVNCPC thống nhất bù trừ công nợ với các đơn vị trực thuộc Công ty Điện lực 3 với số tiền 5.282.047.887đ”, MTC còn phải trả EVNCPC 5.548.559.512đ.
Ngày 16/01/2008, hai bên có thư xác nhận công nợ trong đó xác nhận đến ngày 31/12/2007 MTC còn nợ EVNCPC số tiền: 6.531.540.395đ. (tại thời điểm này có phát sịnh nợ thêm tiền cổ phần hóa theo biên bản bàn giao là 961.980.883đ) Ngày 16/2/2009, hai bên có thư xác nhận công nợ trong đó xác định đến ngày 31/12/2008 MTC nợ EVNCPC số tiền 6.667.729.576đ vì tại thời điểm này phát sinh thêm tiền nợ cổ tức của năm 2006 là 150.000.000đ và năm 2007 là 180.000.000đ.
Ngày 26/12/2010, hai bên có thư xác nhận nợ tính đến ngày 31/12/2009 MTC còn nợ EVNCPC số tiền 6.695.876.626đ. (thời điểm này có tăng thêm số tiền nợ là tiền nhượng bán vật tư 28.147.050đ).
Ngày 11/02/2011, hai bên có thư xác nhận nợ tính đến ngày 31/12/2010 MTC còn nợ EVNCPC số tiền 6.695.876.626đ.
Các thư xác nhận nợ trên đều được hai bên ký xác nhận.
Từ năm 2010 đến năm 2017 EVNCPC đã nhiều lần tiến hành bù trừ công nợ cho MTC với số tiền 4.161.486.078đ, cụ thể các khoản sau:
1. EVNCPC bù lỗ theo Biên bản thẩm tra quyết toán ngày 09/11/2007 với số tiền 79.330.790đ.
2. Chuyển hàng trả lại Trung tâm thí nghiệm về Công ty với số tiền 22.205.534đ.
3. CPC bù trừ phí lưu kho, bảo quản vật tư thiết bị với số tiền 51.946.323đ.
4. CPC bù trừ nợ giữa Ban A nông thôn và Công ty cổ phần vật tư vận tải xây lắp điện lực M T141.864.496đ.
5. Bù trừ khối lượng xây lắp đường dây và trạm biến áp Lệ Thủy – Quảng Bình theo công văn số 6033 ngày 28/12/2012 với số tiền 400.000.000đ.
6. Bù trừ công nợ tiền thanh toán Hợp đồng với số tiền 105.593.400đ.
7. Bù trừ công nợ tiền thanh toán Hợp đồng 1305X017/EVNCPC-MTC với số tiền 170.676.000đ.
8. Bù trừ công nợ tiền thanh toán Hợp đồng 1308S033/EVNCPC-MTC với số tiền 115.734.300đ.
9. Bù trừ công nợ theo công văn 3288/EVNCPC-TCKT ngày 10/07/2013 với số tiền 456.778.223đ.
10. Bù trừ công nợ theo công văn 4541/EVNCPC-TCKT ngày 19/09/2013 với số tiền 541.000.000đ.
11. Bù trừ công nợ tiền thanh toán Hợp đồng 1406S020/EVNCPC-MTC với số tiền 257.638.395đ.
12. Bù trừ công nợ theo công văn số 4836/EVNCPC-TCKT ngày 26/07/2016 với số tiền 1.438.843.617đ.
13. Bù trừ công nợ theo công văn số 4836/EVNCPC-TCKT ngày 26/07/2016 với số tiền 379.875.000đ.
Vì vậy, tính đến ngày 31/12/2016 MTC còn nợ EVNCPC số tiền 2.979.691đ.
Trong đó có số tiền cổ tức của các năm 2006, 2007 và 2009 là 480.000.000đ. Tiền cổ tức năm 2008 MTC đã chi trả cho PC3.
Từ năm 2017 đến nay EVNCPC nhiều lần có thư nhắc nhở MTC nhưng MTC không hợp tác nên EVNCPC đã làm đơn khởi kiện MTC yêu cầu trả số tiền nợ 2.979.691đ.
- Bị đơn trình bày quan điểm đối với số nợ của bị đơn và ý kiến phản tố như sau:
Số tiền MTC nợ PC3 có nguồn gốc từ khi MTC được cổ phần hóa và được PC3 bàn giao cho MTC các khoản nợ gồm:
- Quỹ khen thưởng: 2.153.436đ;
- Quỹ đầu tư phát triển: 6.852.963đ;
- Quỹ hỗ trợ người hy sinh: 2.740.785đ;
- Quỹ dự phòng tài chính: 20.878.560đ;
- Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm: 25.000.000đ;
- Phải trả CPC vốn sửa chữa lớn: 11.655.812đ;
- Phải trả CPC vốn khấu hao tài sản cố định: 317.048.261đ;
- Quỹ phúc lợi: 1.061.142đ;
Phải trả nội bộ khác: 9.012.186.643đ.
Tổng số nợ được chuyển sang với mục nợ nội nộ là: 9.397.465.318đ Tuy nhiên tại biên bản đối chiếu công nợ ngày 07/8/2207 thể hiện số phải trả nội bộ năm 2006 chuyển sang là 9.141.516.957đ (chênh với số nợ được xác định trong biên bản bàn giao là: 9.012.186.643đ).
Sau đó từ năm 2007 trở đi tại các thư xác nhận nợ EVNCPC đã xác định MTC có các khoản nợ khác là nợ phải trả phụ tùng Skoda và các khoản khác: 1.950.628.206 đồng; nợ tiền nhượng bán vật tư là 28.147.050đ và nợ tiền cổ tức năm 2006 là 150.000.000đ, tiền cổ tức năm 2007 là 180.000.000đ và tiền cổ tức năm 2009 là 150.000.000đ.
Đối với các khoản nợ trên MTC chỉ chấp nhận đối với khoản nợ tiền cổ phần hóa là: 961.980.883đ và số tiền nợ nhượng bán vật tư 28.147.050đ. Còn lại các khoản nợ khác MTC cho rằng EVNCPC chuyển giao các khoản nợ khác như trên là không đúng quy định của pháp luật nên MTC không có trách nhiệm phải trả. Cụ thể:
1. Đối với số tiền quỹ quỹ khen thưởng là: 2.153.436đ, quỹ đầu tư phát triển 6.852.963đ, quỹ hỗ trợ người hy sinh: 2.780.785đ, quỹ dự phòng tài chính 20.878.560đ, quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm: 25.000.000đ.
MTC cho rằng việc EVNCPC để tồn tại và ghi nhận các khoản quỹ này đến sau thời điểm Xí nghiệp Vật tư Vận tải chính thức hoàn thành việc cổ phần hóa là không đúng quy định tại Điều 15 Nghị định 187/2004/CP. Các loại quỹ này EVNCPC có nghĩa vụ xử lý trước khi MTC được cổ phần hóa và không cho phép được tồn động cho đến sau thời điểm MTC chính thức chuyển thành Công ty cổ phần.
Vì vậy, MTC không đồng ý trả EVNCPC về các khoản quỹ trên.
2. Đối với số nợ Phải trả EVNCPC vốn khấu hao tài sản cố định 317.048.261đ và khoản nợ phải trả EVNCPC vốn sửa chữa lớn: 11.655.812đ.
MTC cho rằng các khoản nợ vốn sửa chữa lớn và vốn khấu hao tài sản là những khoản chi phí có liên quan trực tiếp đến giá trị tài sản cố định hữu hình của Doanh nghiệp Nhà nước là MTC mà MTC đã được EVNCPC phân giao quản lý, sử dụng trong giai đoạn đơn vị hạch toán phụ thuộc là Xí nghiệp Vật tư Vận tải đang còn tồn tại. Số tiền này là của MTC được giao quản lý và sử dụng theo quy định và EVNCPC phải có trách nhiệm xử lý trước khi MTC được cổ phần hóa. Vì vậy việc EVNCPC chuyển khoản nợ này cho MTC là không đúng quy định. Vì vậy MTC không đồng ý trả EVNCPC số nợ này.
3. Đối với số nợ chi phí đào tạo 21.000.000đ.
Đây là khoản chế độ được hưởng theo chính sách Nhà nước của doanh nghiệp cổ phần hóa là MTC; Cụ thể như sau: Trong quá trình thực hiện việc cổ phần hóa Xí nghiệp Vật tư Vận tải, theo quy định của pháp luật, MTC có chế độ được hưởng theo chính sách Nhà nước là được thực hiện việc nhận không hoàn lại từ EVNCPC và được quyền sử dụng khoản tiền chi phí hỗ trợ đào tạo lại nghề nghiệp đối với người lao động để bố trí việc làm mới cho những người lao động này tại công ty cổ phần; Vì vậy việc EVNCPC ghi nhận khoản chi tiết công nợ phải thu từ MTC có tên gọi là: “Phải trả EVNCPC chi phí đào tạo đã cấp” là trái với quy định của pháp luật và trái với nội dung có trong các văn bản quản lý điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước trái với điểm b khoản 1 Điều 35 - Nghị định 187/2004/NĐ-CP.
4. Đối với số nợ phải trả EVNCPC hàng phụ tùng Skoda và các khoản khác”, với giá trị ghi nhận là: 1.950.628.205đ.
Số nợ này được hình thành từ ý kiến của nguyên đơn, theo đó là gồm các khoản được thể hiện trong danh sách các khoản nợ phải trả được bàn giao vào ngày 10/01/2006. Cụ thể:
+ Phải trả Công ty Điện lực A (các khoản khác) với số tiền 576.337.698đ.
+ Phải trả PC3 Hàng phụ tùng Skoda với số tiền 1.266.537.508đ.
+ Công ty thiết bị đo điện H số tiền 107.753.000đ.
Khoản nợ này có nguồn gốc hình thành bởi: Sự ghi nhận đồng thời các khoản chi tiết công nợ phải thu, phải trả đối xứng nhau, nhằm mục đích thiết lập, chuyển hóa những khoản chi tiết công nợ không có thật, để làm cân bằng số liệu kế toán, do EVNCPC và một số cá nhân tại Xí nghiệp Vật tư Vận tải đã cùng thực hiện, với mục đích tạo điều kiện cho EVNCPC có thêm thời gian xử lý, hợp thức chứng từ kế toán, mà trước đó, thì EVNCPC chưa có điều kiện để kịp xử lý trong giai đoạn thực hiện việc cổ phần hóa Xí nghiệp Vật tư Vận tải; Việc EVNCPC ghi nhận các khoản chi tiết công nợ đối xứng nhau trong trường hợp này là việc nội bộ của EVNCPC, do đó, EVNCPC có nghĩa vụ tự chịu trách nhiệm đối với các khoản chi tiết công nợ đó; Sau thời điểm kết thúc việc cổ phần hóa Xí nghiệp Vật tư Vận tải, do chưa xử lý dứt điểm các vướng mắc số liệu, cho nên, EVNCPC vẫn tiếp tục ghi nhận là khoản số liệu chi tiết công nợ phải thu khác từ MTC.
+ Việc EVNCPC để tồn tại và ghi nhận khoản chi tiết công nợ phải thu khác có tên “Phải trả CPC hàng phụ tùng Skoda và các khoản khác” đến sau thời điểm kết thúc việc cổ phần hóa Xí nghiệp Vật tư Vận tải là trái với quy định tại Nghị định 187/2004/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 126/2004/TT/BTC của Bộ Tài chính. Vì vậy MTC không có trách nhiêm phải trả khoản nợ này.
5. Đối với khoản nợ phải trả EVNCPC các khoản khác - Số dư đến ngày 10/01/2006 với giá trị ghi nhận là 9.141.516.957đ: MTC cho rằng khoản nợ này được hình thành theo công thức tính như sau: Tại Biên bản thẩm tra quyết toán ngày 09/11/2006 có ghi mục nợ nội bộ là: 34.147.662.988đ (-) trừ đi giá trị vật tư hàng hóa thực tế chuyển về EVNCPC thực tế ngày 28/03/2006 là: 25.006.146.031đ.
Cụ thể như sau: 34.147.662.988đ - 25.006.146.031 đồng = 9.141.516.957đ Khoản nợ trên bản chất chỉ là sự tự ghi nhận của EVNCPC với mục đích để chuyển hóa giá trị các loại vật tư hàng hóa, mà do nhiều lý do khác nhau, nhưng đến trước thời điểm kết thúc việc cổ phần hóa, Xí nghiệp Vật tư Vận tải đã không thể bàn giao lại cho Công ty Điện lực A theo nội dung khoản 3 Điều 2 - Quyết định số 2344/QĐ-TCKT ngày 18/07/2005 của Bộ Công nghiệp, trở thành khoản công nợ nội bộ giữa pháp nhân EVNCPC và đơn vị trực thuộc là Xí nghiệp Vật tư Vận tải;
Cụ thể: Xí nghiệp Vật tư Vận tải có nghĩa vụ phải thực hiện chuyển về Công ty Điện lực 3 số hàng hóa có giá trị là 34.150.486.002đ, nhưng chỉ bàn giao được số hàng hóa có trị giá 25.006.146.031đ còn lại hàng hóa có trị giá 9.141.516.957đ không có số liệu bàn giao nên chuyển thành nợ nội bộ. Tuy nhiên số hàng hóa có trị giá 9.141.516.957đ này đã được xử lý hết cụ thể: Trong số hàng hóa có trị giá 9.141.516.957đ thì đã tiến hành thanh lý số hàng hóa có trị giá 3.700.546.890đ, đã tiến hành cấp phát cho các đơn vị số hàng hóa có trị giá 5.390.980.543đ và đã bàn giao số vật tư không cần dùng trả lại khách hàng cho EVNCPC là 49.989.524đ. Tổng số giá trị hàng hóa đã xử lý là 9.141.516.957đ. Vì vậy EVNCPC đã ghi nhận số nợ 9.141.516.957đ cho MTC là không đúng.
6. Đối với số nợ tiền cổ tức năm 2006 là 150.000.000đ và tiền cổ tức năm 2007 là 180.000.000đ và tiền chia cổ tức năm 2009 là 150.000.000đ, MTC có ý kiến như sau:
Việc cá nhân Chủ tịch Hội đồng quản trị MTC đã tự ý nhân danh MTC để ban hành quyết định về mức cổ tức, hình thức chia cổ tức và đối tượng hưởng cổ tức cho năm tài chính năm 2006 và năm 2007 và năm 2009 là trái với quy định của Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 ngày 29/11/2005 và trái với quy định của Điều lệ MTC được Đại hội đồng cổ đông biểu quyết thống nhất thông qua ngày 29 tháng 12 năm 2005. Vì theo quy định của Luật doanh nghiệp và Điều lệ của MTC thì thủ tục chia cổ tức phải được Đại hội cổ đông thông qua sau đó Chủ tịch HĐ quản trị mới ban hành quyết định chia cổ tức. Tuy nhiên năm 2006 và năm 2007 và năm 2009 chưa có đại hội cổ đông thông qua việc chia cổ tức và thực tế Công ty chưa chia cổ tức cho các cổ đông. Nên không có cơ sở để chấp nhận đối với khoản nợ này.
Đối với khoản chia cổ tức năm 2008, MTC đã có đại hội cổ đông thông qua và đã chia cho PC3 150.000.000đ.
Tóm lại tất cả các khoản nợ mà MTC nhận của EVNCPC mang sang đều không có căn cứ nên MTC không chấp nhận, chỉ chấp nhận trả số nợ tiền cổ phần hóa là 961.980.883đ và số tiền nợ nhượng bán vật tư 28.147.050đ. Tổng là 990.127.933đ.
Từ năm 2010 đến năm 2017 EVNCPC đã nhiều lần tiến hành chiếm giữ trái pháp luật của MTC với số tiền 4.161.486.078đ, cụ thể các khoản sau:
1. EVNCPC bù lỗ theo Biên bản thẩm tra quyết toán ngày 09/11/2007 với số tiền 79.330.790đ.
2. Chuyển hàng trả lại Trung tâm thí nghiệm về Công ty với số tiền 22.205.534đ.
3. CPC bù trừ phí lưu kho, bảo quản vật tư thiết bị với số tiền 51.946.323đ.
4. CPC bù trừ nợ giữa Ban A nông thôn và Công ty cổ phần vật tư vận tải xây lắp điện lực M T141.864.496đ.
5. Bù trừ khối lượng xây lắp đường dây và trạm biến áp Lệ Thủy – Quảng Bình theo công văn số 6033 ngày 28/12/2012 với số tiền 400.000.000đ.
6. Bù trừ công nợ tiền thanh toán Hợp đồng với số tiền 105.593.400đ.
7. Bù trừ công nợ tiền thanh toán Hợp đồng 1305X017/EVNCPC-MTC với số tiền 170.676.000đ.
8. Bù trừ công nợ tiền thanh toán Hợp đồng 1308S033/EVNCPC-MTC với số tiền 115.734.300đ.
9. Bù trừ công nợ theo công văn 3288/EVNCPC-TCKT ngày 10/07/2013 với số tiền 456.778.223đ.
10. Bù trừ công nợ theo công văn 4541/EVNCPC-TCKT ngày 19/09/2013 với số tiền 541.000.000đ.
11. Bù trừ công nợ tiền thanh toán Hợp đồng 1406S020/EVNCPC-MTC với số tiền 257.638.395đ.
12. Bù trừ công nợ theo công văn số 4836/EVNCPC-TCKT ngày 26/07/2016 với số tiền 1.438.843.617đ.
13. Bù trừ công nợ theo công văn số 4836/EVNCPC-TCKT ngày 26/07/2016 với số tiền 379.875.000đ.
Tuy nhiên MTC đồng ý trả cho EVNCPC số tiền cổ tức năm 2008 là: 180.000.000đ và số tiền 990.127.933đ (tiền cổ phần hóa 961.980.883đ + tiền bán vật tư 28.147.050đ = 990.127.933đ). Vì vậy MTC cho rằng EVNCPC đã chiếm giữ trái pháp luật số tiền thuộc sở hữu hợp pháp của MTC, với số tiền có tổng giá trị là: 3.171.358.145đ (4.161.486.078đ - 990.127.933đ = 3.171.358.145đ). Nay MTC yêu cầu EVNCPC phải trả lại cho MTC số tiền này.
* Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan - Ông Nguyễn Văn L trình bày: Ông L xác định về số nợ mà PC3 chuyển sang cho Công ty cổ phần là đúng. Năm 2006 ông là chủ tịch HĐQT ông đại diện theo pháp luật của Công ty và đã xác nhận nợ với PC3 các khoản nợ trên được chuyển sang từ giai đoạn cổ phần hóa. Ông xác nhận năm 2006 và 2007 thời điểm đó ông làm chủ tich HĐQT là đã chia cổ tức cho các cổ đông các cổ đông đã được chia riêng PC3 chưa được chia nên Công ty xác nhận nợ tiền cổ tức của PC3 về thủ tục chia cổ tức năm 2006 và năm 2007 đã được thông qua đại hội cổ đông và đã báo cáo quyết toán năm.
* Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan - Ông Lê Phúc L trình bày: Tháng 4/2008 ông nhận công tác tại Công ty cổ phần vật tư vận tài thay cho ông L. Trong thời gian này ông đại diện theo pháp luật cho Công ty ký xác nhận các khoản nợ được nhận bàn giao từ ông L. Tôi xác nhận thời gian trên Công ty có nợ PC3 nhưng chưa có điều kiện trả.
Với nội dung vụ án như trên, tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 11/2018/KDTM-ST ngày 20 tháng 12 năm 2018 Toà án nhân dân quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng quyết định: Căn cứ vào các Điều: Điều 30, Điều 35, Điều 39, Điều 147 và khoản 1 Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 2 Bộ luật dân sự năm 2005; Điều 94, Điều 96, Điều 100, Điều 103, Điều 110, khoản 3 Điều 308 Bộ luật dân sự năm 1995; Điều 7, Điều 10, Điều 11, Điều 13, Điều 14, khoản 3 Điều 15, Điều 84, Điều 85, Điều 86, Điều 92, Điều 93, Điều 100, Điều 103, Điều 121, Điều 122, Điều 124, Điều 125, Điều 127, Điều 134, Điều 137, Điều 139, Điều 140, Điều 142, Điều 143, Điều 144, Điều 145, Điều 146, Điều 163, Điều 164, Điều 168, Điều 170, Điều 174, Điều 175, Điều 176, Điều 177, Điều 178, Điều 179, Điều 180, Điều 181, Điều 200, Điều 201, Điều 202, Điều 203 và Điều 302 Bộ luật dân sự năm 2005; Khoản 2 Điều 17, khoản 3 Điều 51 Luật Doanh nghiệp năm 1999; Điều 2, Điều 4, Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 17, Điều 18, Điều 21, Điều 30, Điều 49, Điều 50, Điều 51, Điều 52, Điều 64, Điều 65, Điều 66, Điều 67, Điều 70, Điều 71, Điều 72, Điều 80, Điều 81 và Điều 83 Luật Doanh nghiệp Nhà nước năm 2003; Điều 2, khoản 9 Điều 4, Điều 22, Điều 79, Điều 80, Điều 93, Điều 96, Điều 104, Điều 108, điểm g khoản 2 Điều 108, điểm p khoản 2 Điều 108, khoản 1 Điều 111, điểm a khoản 3 - khoản 4 Điều 116, Điều 118, Điều 119 và Điều 120 Luật Doanh nghiệp năm 2005; Khoản 2 Điều 2, Điều 11, khoản 1 Điều 13, Điều 14, Điều 17, Điều 18, Điều 19, Điều 20, Điều 21, điểm a - điểm b khoản 1 Điều 23, Điều 27 và Điều 28 Quy chế quản lý tài chính của Công ty Nhà nước và quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác ban hành kèm theo Nghi định 199/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 của Chính phủ; Điều 2, Điều 4, Điều 6, Điều 7, Điều 9, Điều 15, Điều 16, Điều 17, Điều 21, điểm 3 mục I Phụ lục Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Điện lực Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định số 14/CP ngày 27/01/1995 của Chính phủ; Khoản 1 - khoản 2 - khoản 5 Điều 1, Điều 3, Điều 5, Điều 6, Điều 10, Điều 14, Điều 15, Điều 23, Điều 34, Điều 41, Điều 44, Điều 49, Điều 51 và Điều 57 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 163/2007/QĐ-TTg ngày 22/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ; Điều 2, Điều 3, Điều 8, Điều 9, khoản 1 Điều 12, khoản 2 - khoản 4 - khoản 5 Điều 13, Điều 15, khoản 1 Điều 17, Điều 18, Điều 25, Điều 32, điểm b khoản 1 Điều 35, khoản 2 Điều 40 và Điều 42 Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ; Điều 3 mục I, Điều 1 tiểu mục A mục II, khoản 1.1 Điều 1 tiểu mục B mục II, điểm đ - điểm g khoản 1.4 Điều 1 tiểu mục B mục II, điểm a khoản 1.6 Điều 1 tiểu mục B mục II, điểm b khoản 2.4 Điều 2 tiểu mục B mục II, Điều 3 tiểu mục A mục III, Điều 4 tiểu mục A mục III, Điều 5 tiểu mục A mục III, Điều 7 tiểu mục A mục III, điểm b khoản 1.1 Điều 1 mục VI và điểm b khoản 1.2 Điều 1 mục VI và điểm 2.2 Điều 2 mục VIII Thông tư số 126/2004/TT-BTC ngày 24/12/2004 của Bộ Tài chính; Điểm d Điều 3 mục III Thông tư số 13/2005/TT-BLĐTBXH ngày 25/02/2005 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Điểm 4 mục III Điều 1, khoản 1 Điều 2 và Điều 4 Quyết định số 12/2005/QĐ-TTg ngày 13/01/2005 của Thủ tướng Chính phủ; Điều 1, khoản 3 Điều 2 và Điều 3 Quyết định số 2344/QĐ-TCKT ngày 18/7/2005 của Bộ Công nghiệp; Điều 1 và Điều 2 Quyết định số 3145/QĐ-BCN ngày 06/10/2005 của Bộ Công nghiệp; Điều 3 Quyết định số 1335/QĐ-BCT ngày 29/10/2007 của Bộ Công thương; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Xử:
1. Về yêu cầu khởi kiện:
Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Tổng Công ty Điện lực M đối với Công ty cổ phần vật tư vận tải xây lắp điện lực M Tvề việc “Tranh chấp yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ”.
2. Về yêu cầu phản tố:
Chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của Công ty cổ phần vật tư vận tải xây lắp điện lực M Tđối với Tổng Công ty Điện lực M về việc “Tranh chấp yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ”.
Buộc Tổng Công ty Điện lực M phải trả cho Công ty cổ phần vật tư vận tải xây lắp điện lực M Tsố tiền là 3.171.358.145đ (Ba tỷ một trăm bảy mươi mốt triệu ba trăm năm mươi tám nghìn một trăm bốn mươi lăm đồng).
Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn tuyên về nghĩa vụ thi hành án, án phí và quyền kháng cáo của các bên đương sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 10/5/2018 Tổng Công ty Điện lực M có đơn kháng cáo đối với toàn bộ bản án sơ thẩm, vì các lý do như đã nêu tại giai đoạn sơ thẩm.
Quá trình giải quyết theo thủ tục phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện hợp pháp của Tổng Công ty Điện lực M giữ nguyên việc kháng cáo, và các lập luận chứng minh kháng cáo là có cơ sở.
* Tại phiên tòa phúc thẩm Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Tổng Công ty Điện lực M phát biểu ý kiến và đề nghị HĐXX sửa Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 11/2018/KDTM-ST ngày 20 tháng 12 năm 2018 Toà án nhân dân quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Tổng Công ty Điện lực M và bác yêu cầu phản tố của Công ty cổ phần Vật tư Vận tải Xây lắp Điện lực M T. HĐXX sẽ xem xét lời đề nghị của Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Tổng Công ty Điện lực M trong khi nghị án.
* Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng thực hiện kiểm sát trực tiếp tại phiên tòa và có ý kiến như sau: Trong quá trình giải quyết vụ án từ khi thụ lý đến trước thời điểm nghị án Thẩm phán và HĐXX đã thực hiện đúng pháp luật về tố tụng dân sự, các đương sự chưa thực hiện đúng và đầy đủ các quyền và nghĩa vụ được quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự cụ thể là vắng mặt không có lý do tại các phiên hòa giải và phiên tòa. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng đề nghị HĐXX tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ về cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về thủ tục tố tụng: Các đương sự gồm Công ty cổ phần Vật tư Vận tải Xây lắp Điện lực M T, ông Nguyễn Văn L và ông Lê Phúc L đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vắng mặt tại phiên tòa xét xử ngày hôm nay không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan, Công ty cổ phần vật tư vận tải xây lắp điện lực M T có đơn xin xét xử vắng mặt. Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 227 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử tiến hành phiên tòa xét xử vắng mặt các đương sự này.
[2] Về thẩm quyền giải quyết vụ án: Xuyên suốt quá trình giải quyết vụ án Tổng Công ty Điện lực M yêu cầu Công ty cổ phần vật tư vận tải xây lắp điện lực M T phải trả nhiều khoản nợ trong đó có khoản nợ cổ tức của các năm 2006, 2007 và 2009 với tổng số tiền là 480.000.000đ. HĐXX xét thấy đây là tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty được quy định tại khoản 4 Điều 30 của Bộ luật tố tụng dân sự. Theo quy định tại khoản 1 Điều 37 của Bộ luật tố tụng dân sự thì vụ án này thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh cho nên Tòa án nhân dân quận Liên Chiểu thụ lý, giải quyết là không đúng thẩm quyền.
[3] Xét kháng cáo của EVNCPC thì thấy:
[3.1] Yêu cầu khởi kiện đối với nguyên đơn về số nợ mà EVNCPC chuyển sang cho MTC tại thời điểm cổ phần hóa thấy:
Tại biên bản xác nhận số liệu công nợ ngày 07/8/2007 EVNCPC và MTC cùng thừa nhận MTC còn nợ EVNCPC các loại quỹ và phải trả nội bộ khác có số dư đến ngày 10/01/2006 chuyển sang là 9.141.516.957đ (trong đó phải trả nợ nội bộ khác là 9.012.186.643đ). Tuy nhiên trong sổ sách kế toán đã ghi số nợ trên là nợ nội bộ không xác định rõ số nợ này được hình thành từ nguồn nào.
- Phía EVNCPC cho rằng số nợ này được xác định từ tháng 12/2004, tại hồ sơ kiểm toán của Công ty dịch vụ tư vấn tài chính kế toán và kiểm toán (AASC) đã ghi nhận tại thời điểm 31/12/2004 Xí nghiệp vật tư vận tải có nợ EVNCPC số nợ được ghi nhận theo sổ sách kế toán là nợ nội bộ với số tiền 48.533.006.606đ.
Sau khi có kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp thì đến ngày 10/01/2006 Xí nghiệp vật tư vận tải mới chính thức chuyển thành Công ty cổ phần.
Vì vậy, tại thời điểm Xí nghiệp vật tư vận tải chính thức chuyển thành Công ty cổ phần (kể từ khi kiểm toán 12/2004 đến 01/2006 đã hơn 01 năm) nên số liệu tài chính có sự thay đổi vì vậy cơ quan có thầm quyền căn cứ điều 25 nghị định 187/CP để tiến hành xác định lại giá trị doanh nghiệp tại thời điểm chính thức chuyển sang cổ phần hóa.
Tại bản quyết toán báo cáo tài chính của Xí nghiệp vật tư vận tải tháng 12/2005 xác định số nợ nội bộ năm 2004 mang sang là 42.275.300.087đ đã giảm trừ trong năm 2005 còn lại nợ mang sang năm 2006 là 34.347.753.469đ trong đó gồm khoản nợ các loại quỹ và nợ nội bộ khác là 33.974.454.995đ.
Tại biên bản thẩm tra số liệu báo cáo quyết toán tài chính từ ngày 01/01/2006 đến ngày 10/01/2006 của Xí nghiệp vật tư vận tải thể hiện số nợ nội bộ mà Xí nghiệp vật tư vận tải nợ EVNCPC được mang sang năm 2006 là 34.520.961.462đ trong đó nợ các loại quỹ và nợi nội bộ khác được chuyển sang là 34.147.662.988đ đã giảm trừ còn lại đến thời điểm ngày 10/01/2006 là 9.397.465.318đ gồm các loại quỹ và phải trả nợ nội bộ khác là 9.012.186.643đ. (Năm 2005 mang sang là 34.147.662.988đ đã giảm trừ từ ngày 01/01/2006 đến ngày 10/01/2006 là 25.135.466.345đ còn lại 9.012.186.643đ) Số nợ này sau này được hai bên xác định lại tại biên bản xác định nợ năm 2007 với số nợ nội bộ mang sang năm 2006 là 9.141.516.957đ).
Tất cả các thông tin về số nợ nội bộ của Xí nghiệp vật tư vận tải đều được xác định trên sổ sách kế toán và được Cơ quan kiểm toán xác định vào tháng 12/2004, từ năm 2005 đến ngày 10/01/2006 do Xí nghiệp vật tư vận tải tự hạch toán báo cáo và được EVNCPC thẩm tra. Tại thời điểm xác định lại giá trị doanh nghiệp để tiến hành bàn giao đã được Tổ thẩm tra quyết toán tiến hành kiểm tra thẩm định tài chính.
- Phía MTC cho rằng số nợ nội bộ của năm 2005 mang sang năm 2006 là 34.147.662.988đ chính là trị giá số tài sản hàng hóa tồn kho được xác định Xí nghiệp vật tư vận tải giữ hộ EVNCPC và chuyển giao lại cho EVNCPC theo quyết định 2344 ngày 18/7/2005 của Bộ công nghiệp.
“Theo quyết định 2344 của Bộ công nghiệp đã quyết đinh “Điều 2: Vật tư hàng hóa không tính vào giá trị doanh nghiệp được chuyển về Công ty điện lực A là: 34.150.486.002đ”.
Có sự chênh về trị giá số tài sản bàn giao về cho EVNCPC có giá trị 2.823.014đ là do quá trình báo cáo tài chính của Xí nghiệp vật tư vận tải chưa chính xác nên đã điều chỉnh đến năm 2005 từ trị giá số hàng hóa phải chuyển về EVNCPC có trị giá 34.150.486.002đ thành số tiền là 34.147.662.988đ.
Trong quá trình cổ phần hóa từ năm 2004 đến năm 2006 Xí nghiệp vật tư vận tải đã bàn giao cho EVNCPC số hàng hóa có trị giá 25.006.146.031đ còn lại giá trị số hàng hóa không bàn giao là 9.141.516.957đ đã được đưa vào sổ sách kế toán là nợ nội bộ để chuyển giao MTC phải trả cho EVNCPC theo biên bản xác nhận số liệu công nợ ngày 07/8/2007 EVNCPC và MTC.
Mặc dù có mâu thuẫn trong việc xác định nguồn gốc số nợ nhưng Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ lời trình bày của bị đơn mà bác bỏ kết quả kiểm toán đã được ghi nhận trong sổ sách kế toán để xác định số nợ trên được hình thành trái quy định là không có căn cứ.
Đối với các khoản quỹ được ghi nhận chuyển sang cho MTC phải trả lại cho EVNCPC thì thấy: Theo quy định của pháp luật thì các khoản quỹ trên không được để tồn tại cho đến khi Xí nghiệp vật tư vận tải được cổ phần hóa tuy nhiên các khoản quỹ này cũng được xác định nằm trong số nợ nội bộ mà trong suốt quá trình cổ phần hóa được công ty kiểm toán xác định và Tổ thẩm tra quyết toán xác định. Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng các khoản quỹ chuyển sang cho MTC trái với quy định là chưa có căn cứ.
[3.2] Đối với yêu cầu của EVNCPC về việc đề nghị MTC trả khoản tiền cổ tức các năm 2006, 2007, 2008 và 2009:
Theo giấy xác nhận nợ ngày 26/2/2010 MTC đã xác nhận có nợ EVNCPC số tiền cổ tức năm 2006, 2007 với tổng số tiền 330.000.000đ. Thư xác nhận nợ ngày 03/8/2011 MTC có xác nhận nợ EVNCPC tiền cổ tức năm 2009 là 150.000.000đ.
Vì vậy EVNCPC đã căn cứ các thư xác nhận nợ để yêu cầu MTC phải trả tiền cổ tức.
Theo trình bày MTC thì năm 2006, năm 2007 và năm 2009 Công ty chưa chi trả tiền cổ tức bởi vì chưa được Đại hội cổ đông thông qua theo điều lệ MTC vì vậy việc Đại diện MTC - ông Nguyễn Văn L và ông Lê Phúc L xác nhận nợ tiền cổ tức PC3 các năm trên là không có cơ sở.
Xem xét các tài liệu trong hồ sơ thì thấy: Tại báo cáo tài chính của MTC các năm 2007, năm 2009, năm 2010 đã được kiểm toán thể hiện đã chia cổ tức cho các năm 2006, 2007, 2008, 2009 và 2010.
Tại biên bản lấy lời khai ông Nguyễn Văn L thể hiện vào thời gian từ năm 2006 đến tháng 4/2008 khi ông L là Chủ tịch hội đồng quản trị và là người đại diện theo pháp luật của MTC đã thừa nhận trong trong thời gian ông làm Chủ tịch HĐQT ông đã chi trả tiền cổ tức cho các cổ đông các năm 2006 và 2007. Về thủ tục chi trả tiền cổ tức đã được thông qua Đại hội cổ đông.
Theo hồ sơ vụ việc thể hiện tại thời điểm MTC được cổ phần hóa có 63 cổ đông (theo biên bản họp cổ đông thành lập công ty cổ phần) có danh sách các cổ đông kèm theo. Theo lời trình bày của MTC thì MTC chưa trả nhưng theo lời trình bày của EVNCPC và ông L thì công ty đã trả tiền cổ tức. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm không xác minh thu thập chứng cứ để xác định có hay không việc công ty đã chi trả tiền cổ tức, không tiến hành lấy lời khai người làm chứng là các cổ đông của công ty để làm rõ về việc Công ty đã chi trả tiền cổ tức của các năm hay chưa và có tiến hành đại hội cổ đông hay không từ đó có căn cứ để xác định có chấp nhận yêu cầu cầu của EVNCPC hay không. Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ vào lời khai của MTC cho rằng tiền cổ tức năm 2006, 2007 và 2009 chưa được thông qua Đại hội cổ đông nên chưa chia cho các cổ đông để bác yêu cầu của EVNCPC là thiếu căn cứ.
[3.3] Đối với yêu cầu phản tố của MTC về việc yêu cầu EVNCPC phải trả cho MTC số tiền là 3.171.358.145đ:
MTC cho rằng từ năm 2010 đến năm 2017 phía EVNCPC đã nhiều lần tự ý thu hồi nợ các đối tác của MTC mà không được sự đồng ý của MTC với tổng số tiền 4.161.486.078đ. Tuy nhiên, MTC đồng ý trả cho EVNCPC số tiền cổ tức năm 2008 là 180.000.000đ và số tiền 990.127.933đ (tiền cổ phần hóa là 961.980.883đ + tiền bán vật tư là 28.147.050đ = 990.127.933đ). Vì vậy, MTC cho rằng EVNCPC đã chiếm giữ trái pháp luật số tiền thuộc sở hữu hợp pháp của MTC là 3.171.358.145đ (4.161.486.078đ - 990.127.933đ = 3.171.358.145đ). MTC yêu cầu EVNCPC phải trả lại cho MTC số tiền này.
Xét yêu cầu phản tố của MTC thì thấy: Phía MTC cho rằng EVNCPC tự ý thu hồi nợ các đối tác của MTC mà không được sự đồng ý của MTC là chiếm giữ trái pháp luật. Tòa án cấp sơ thẩm chưa làm rõ việc khấu trừ nợ của người thứ ba có được sự đồng ý của MTC không không, có việc thỏa thuận chuyển giao nghĩa vụ trả nợ hay không? trên thực tế các bên đã giao nhận tiền hay chỉ trên sổ sách? các lần EVNCPC khấu trừ nợ của MTC không phải chuyển tiền trả nợ cho EVNCPC mà là thông qua các hợp đồng và công văn, tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm chưa thu thập đầy đủ các hợp đồng cũng như các tài liệu liện quan đến việc khấu trừ nợ cũng như không đưa Người liên quan đến việc chuyển giao nghĩa vụ trả nợ (người thứ ba) vào tham gia tố tụng mà chỉ căn cứ vào thư xác nhận nợ để chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn là thiếu căn cứ, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Từ phân tích trên cho thấy Tòa án cấp sơ thẩm chưa thực hiện việc thu thập đầy đủ chứng cứ để làm cơ sở xem xét giải quyết vụ án và có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng mà Tòa án cấp phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung được. Do vậy, HĐXX căn cứ khoản 3 Điều 308 và khoản 1 Điều 310 của Bộ luật tố tụng dân sự để hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.
[4] Về ý kiến của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng tại phiên tòa đề nghị HĐXX tuyên hủy bản án sơ thẩm là phù hợp với nhận định của HĐXX nên chấp nhận.
Do hủy án sơ thẩm nên chưa xét toàn diện nội dung kháng cáo của Tổng Công ty Điện lực M.
[5] Về án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm : Do hủy bản án sơ thẩm nên Tổng Công ty Điện lực M không phải chịu án phí Kinh doanh thương mại phúc thẩm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 3 Điều 308 và khoản 1 Điều 310 của Bộ luật Tố tụng dân sự;
Tuyên xử:
1. Hủy toàn bộ bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 11/2018/KDTM- ST ngày 20 tháng 12 năm 2018 Toà án nhân dân quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng;
Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng giải quyết sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
2. Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Do hủy bản án sơ thẩm nên Tổng Công ty Điện lực M không phải chịu án phí Kinh doanh thương mại phúc thẩm.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 10/2018/KDTM-PT ngày 24/05/2018 về tranh chấp yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ
Số hiệu: | 10/2018/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đà Nẵng |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 24/05/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về