Bản án 03/2020/LĐ-PT ngày 20/04/2020 về tranh chấp tiền trợ cấp thôi việc sau khi chấm dứt hợp đồng lao động

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 03/2020/LĐ-PT NGÀY 20/04/2020 VỀ TRANH CHẤP TIỀN TRỢ CẤP THÔI VIỆC SAU KHI CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

Ngày 20 tháng 4 năm 2020 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 01/2020/DSPT ngày 02 tháng 01 năm 2020, về “Tranh chấp tiền trợ cấp thôi việc sau khi chấm dứt Hợp đồng lao động”.

Do bản án dân sự sơ thẩm 01/2019/LĐ-ST ngày 11/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện E bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 06/2020/QĐ-PT ngày 25/2/2020 và Quyết định hoãn phiên tòa số 03 /20020/QĐ-PT ngày 23 tháng 3 năm 2020, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: ông L Kh B, sinh năm 1961; nơi cư trú: Thôn xx, xã C, huyện E, tỉnh Đắk Lắk.

Người đại diện ủy quyền của nguyên đơn: Ông V Đ Th, sinh năm 1969;

nơi cư trú: Thôn 9, xã C, huyện E, tỉnh Đắk Lắk. (Có mặt)

- Bị đơn: Công ty cà phê X. Địa chỉ: Thôn 4, tỉnh Đắk Lắk.

Đi diện theo pháp luật: Ông Võ Khắc Th – Chức vụ: Giám đốc Công ty cà phê X (Vắng mặt).

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn:

+ Ông Hà Văn L – Chức vụ Phó giám đốc Công ty cà phê X . (Có mặt)

+ Ông Bùi Xuân C - Chức vụ: Trưởng phòng tổ chức, chủ tịch công đoàn Công ty cà phê X;

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Ông Nguyễn Văn L – Luật sư văn phòng luật sư Đ. Địa chỉ: x Cao Thắng, Tp Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. (Có mặt)

Ngưi kháng cáo: Ông V Đ Th – Là đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn - Có mặt;

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo Đơn khởi kiện ngày 15 tháng 03 năm 2019 và phần trình bày của người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn ông L Kh B., có ông V Đ Th, trình bày:

Tháng 02/1985, ông L Kh B. được Nông trường cà phê X nay là Công ty cà phê X tuyển dụng vào làm công nhân lao động chăm sóc cây cà phê, được trả lương hàng tháng, được đóng BHXH nhưng chưa được ký hợp đồng lao động.

Ngày 20/4/1991, công ty ký hợp đồng giao khoán với ông B. và bà Nguyễn Thị T nhưng chỉ ông B. là chủ hộ ký tên trong hợp đồng. Ngày 01/7/1996, hai bên ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn, ông B. làm công nhân tại đội x Nông trường X và công việc là theo hợp đồng giao khoán đã ký năm 1991; mức lương được hưởng bậc 3/6= 206.000 đồng theo lương khoán, phụ cấp khu vực 0.3 và được hưởng bảo hiểm xã hội theo chính sách hiện hành. Ngoài ra, theo hợp đồng ông B. được quyền chấm dứt hợp đồng lao động và được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc. Công ty trả lương cho ông B. bằng cách khấu trừ trực tiếp vào sản lượng cà phê ông B. phải nộp, còn lại bao nhiêu thì nộp cho công ty.

Ngày 10/9/1996, công ty ký lại với ông B. hợp đồng khoán chăm sóc cây cà phê lâu năm tại đội 9 với thời hạn 50 năm kể từ ngày 01/01/1996 nhưng công ty ghi nhầm tên lót Lê Khắc B thành Lê Văn B và có thỏa thuận thành viên trong hộ ông B. được tiếp tục thay thế chủ hộ thực hiện hợp đồng khoán cho đến hết thời hạn nhận khoán. Ông B. thực hiện đúng theo hợp đồng lao động và hợp đồng giao khoán với công ty và được trả lương đầy đủ cho đến ngày 16/3/2006 ông B. làm đơn xin nghỉ việc để hưởng chế độ hưu chờ và ông B. đã báo với công ty về việc xin nghỉ theo quy định của pháp luật, được công ty đồng ý.

Công ty tiếp tục trả lương cho ông B. cho đến hết năm 2006. Khoảng đầu năm 2007, được sự đồng ý của công ty, ông B. bàn giao đất đã nhận khoán lại cho bà Nguyễn Thị T để tiếp tục thực hiện theo hợp đồng giao khoán mà ông B. đã ký với công ty và công ty không trả lương cho ông B. từ thời điểm đó.

Trong hợp đồng lao động năm 1996 có quy định về chế độ trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật nhưng ông B. nhận thức pháp luật hạn chế nên không biết ông B. có thuộc chế độ trợ cấp thôi việc hay không. Sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, ông B. không yêu cầu công ty chi trả tiền trợ cấp thôi việc vì ông B. không biết mình được hưởng tiền trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật nên đến ngày 15/10/2018 ông B. mới biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm nên có đơn đề nghị công ty trả tiền trợ cấp thôi việc và công ty có công văn số 09/2018/CV-CT ngày 31/10/2018 về việc trả lời theo giấy ủy quyền đòi chế độ trợ cấp thôi việc và không chi trả tiền trợ cấp thôi việc cho ông B..

Vì vậy, ông L Kh B. yêu cầu Công ty cà phê X trả cho ông B. tiền trợ cấp thôi việc. Tại đơn khởi kiện ghi ngày 15/3/2019, ông B. yêu cầu Công ty cà phê X trả số tiền trợ cấp thôi việc là 33.390.000đ, tại Đơn xin thay đổi bổ sung yêu cầu khởi kiện ngày 11/10/2019, tôi yêu cầu công ty trả cho ông L Kh Bsố tiền trợ cấp thôi việc là 11.686.500đ và yêu cầu tính lãi suất chậm trả từ tháng 5/2006 đến tháng 10/2019 là 21.216.000 đồng. Tuy nhiên, tại phiên tòa hôm nay, tôi xin thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện, yêu cầu bị đơn Công ty cà phê X trả tiền trợ cấp thôi việc là 16.915.500 đồng theo danh sách mà bị đơn cung cấp và tiền lãi chậm trả là 10%/ năm, tính từ năm 16/4/2006 cho đến nay là 29.900.000 đồng. Tổng cộng là 46.815.500 đồng (Bốn mươi sáu triệu tám trăm mười lăm ngàn năm trăm đồng).

Tại Bản tự khai ngày 25 tháng 4 năm 2019 và phần trình bày của người đại diện theo ủy quyền của bị đơn Công ty Cà phê X, là các ông Hà Văn L và ông Bùi Xuân C trình bày:

Ông Lê Khắc B làm công nhân cho công ty từ tháng 02/1985. Ngày 20/4/1991, công ty ký hợp đồng giao khoán đất với ông B., bà T. Ngày 01/7/1996, công ty và ông B. ký hợp đồng lao động không kỳ hạn với nội dung đúng như nguyên đơn trình bày. Ngày 10/9/1996, công ty ký lại hợp đồng giao khoán với ông B. dựa trên Nghị định 01 ngày 04/01/1995 của Thủ tướng Chính Phủ và Quyết định 109 ngày 27/02/1995 của Bộ Nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm nhưng ghi sai tên Lê Khắc B thành Lê Văn B, hợp đồng này công ty chỉ giao khoán cho ông B. mà không giao khoán cho bà T. Hợp đồng lao động và hợp đồng giao khoán gắn liền với nhau, không tách rời nhau.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, ông B. thực hiện theo đúng công việc, không bị kỷ luật hay vi phạm hợp đồng và được trả lương đầy đủ như nguyên đơn trình bày. Đến ngày 16/3/2006, ông B. có đơn xin nghỉ việc để chờ hưu và được công ty đồng ý. Công ty không yêu cầu ông B. phải bàn giao đất đã nhận khoán cũng như công ty vẫn trả lương cho ông B. đến hết năm 2006. Đến đầu năm 2007 (không nhớ chính xác ngày tháng), công ty đồng ý cho ông B. bàn giao diện tích đất này cho bà T. và đến thời điểm này thì ông B. mới chấm dứt hợp đồng lao động với công ty và công ty không trả lương cho ông B. từ thời điểm này.

Căn cứ Nghị định 135 ngày 08/11/2005 của Nghị định Chính phủ thay thế cho Nghị định 01 ngày 04/01/1995, Công ty ký kết hợp đồng giao khoán mới, kể cả hợp đồng giao khoán cũ chưa hết thời hạn nên sau khi ông B. không làm nữa thì Công ty ký lại hợp đồng giao khoán với bà T. ngày 23/10/2007, theo Hợp đồng giao khoán số 310/2007/HĐ, ông B. có ký đơn xin giao đất khoán đất đã có cây cà phê kinh doanh ghi ngày 02/10/2007 nhưng với tư cách là chủ hộ gia đình chứ không phải với tư cách là công nhân của công ty.

Thời điểm ông B. xin nghỉ việc cũng là thời điểm Nông trường X triển khai thực hiện đề án sắp xếp, đổi mới cơ cầu lại Doanh nghiệp nhà nước theo Quyết định số 49 ngày 03/3/2006 của Thủ tướng chính phủ. Theo phương án sử dụng lao động thì 327 người tiếp tục ở lại làm việc, 280 người nghỉ việc để hưởng chính sách hiện hành của nhà nước và ông B. nằm trong số 280 người nghỉ việc được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc theo Điều 42 của Bộ luật Lao động năm 2002 và công ty lập danh sách ông B. được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc là 16.915.500đ ngày 02/5/2007 nhưng vì ông B. có đơn xin bảo lưu đóng bảo hiểm xã hội chờ đủ tuổi nghỉ hưu và diện tích đất của ông B. không bàn giao về địa phương nên Nông trường cà phê X không thanh toán tiền trợ cấp thôi việc cho ông B. mà làm tờ trình số 108/TC-NT ngày 18/4/2007 gửi Tổng công ty cà phê Việt Nam về việc đề nghị không chi trả số tiền trợ cấp thôi việc này cho ông B..

Đến ngày 08/5/2007, công ty có mở hội nghị cán bộ công nhân viên để xem xét, xử lý chế độ cho 110 người lao động nằm trong diện thôi việc theo Điều 42 Bộ luật Lao động( trong đó có ông B.), trước khi công ty tiến hành hội nghị này thì công ty đã thông báo triệu tập cho đội trưởng đội sản xuất và đội trưởng đội sản xuất có trách nhiệm thông báo cho các thành viên trong đội thuộc diện triệu tập đến cuộc họp, chỉ thông báo bằng miệng không có giấy triệu tập và ông B. đã được biết và triệu tập đến cuộc họp này. Đội trưởng đội sản xuất của ông B. thời điểm đó là bà Phạm Thị M (Địa chỉ: Thôn x, xã C, huyện E). Cuộc họp này đã phổ biến các quy định của nhà nước về việc giải quyết chế độ cho người lao động sau khi sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước và kết quả thực hiện chế độ cho người lao động cũng như đề xuất để hội nghị xem xét, thảo luận và cho ý kiến giải quyết chế độ cho 110 người lao động và hội nghị kết luận ông B. thuộc trong trường hợp 29 người lao động đã có đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí nhưng chưa đủ tuổi đời, công ty rà soát lại diện tích giao khoán thì 29 đối tượng này (trong đó có ông B.) vẫn còn diện tích cà phê nhận khoán của công ty. Giữa công ty và ông L Kh B. thống nhất, công ty không chi trả trợ cấp cho ông B., hộ ông B. vẫn tiếp tục nhận diện tích đất thuê khoán, và hàng năm vẫn đóng sản lượng cho công ty. Từ khi nghỉ việc, ông B. không có khiếu nại gì về việc công ty không chi trả tiền trợ cấp thôi việc mà đến ngày 15/10/2018, ông B. mới làm đơn đề nghị công ty chi trả tiền trợ cấp thôi việc và công ty có công văn số 09 ngày 31/10/2018 trả lời ông B. không đủ điều kiện để hưởng chế độ trợ cấp thôi việc.

Vì vậy, ông B. khởi kiện yêu cầu công ty trả tiền trợ cấp thôi việc thì công ty không đồng ý vì ông B. sau khi có đơn nghỉ việc vẫn tiếp tục nhận đất của công ty để sản xuất theo hợp đồng giao khoán mà bà T. đã ký năm 2007. Cũng như, tại thời điểm Hội nghị cán bộ công nhân viên ngày 08/5/2007, ông B. đã biết công ty không chi trả trợ cấp cho ông B., căn cứ Khoản 1 Điều 167 Bộ luật Lao động 1994, thì thời hiệu khởi kiện đã hết, do đó bị đơn đề nghị Tòa án nhân dân huyện E chấp nhận Đơn đề nghị áp dụng thời hiệu khởi kiện của chúng tôi.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn, ông Nguyễn Văn Lộc trình bày: Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, tôi cho rằng thời điểm năm 2006, sau khi được Nông trường X chấp thuận đơn xin nghỉ việc thì ông B. vẫn được Nông trường giao khoán vườn cây, như vậy ông B. không thuộc trường hợp mất việc làm. Mặt khác, căn cứ Khoản 1 Điều 167 Bộ luật Lao động 1994 thì thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm, như vậy, ông B. làm Đơn xin nghỉ việc từ ngày 16//03/2006, đến nay đã 13 năm, thời hiệu khởi kiện đã hết, do đó, đề nghị Tòa án nhân dân huyện E xem xét giải quyết theo đúng quy định pháp luật. Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2019/LĐ-ST ngày 11/11/2019, của Tòa án nhân dân huyện E đã quyết định:

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, điểm đ khoản 1 Điều 40, khoản 2 Điều 184; Điều 266 Bộ luật tố tụng dân sự 2015; Khoản 3 Điều 37; khoản 1 Điều 42; khoản 1 Điều 167 Bộ luật Lao động năm 1994 sửa đổi bổ sung năm 2007; khoản 2 Điều 202 Bộ luật Lao động 2012; Khoản 2 Điều 149 Bộ luật Dân sự 2015; điểm a Khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông L Kh B. về việc yêu cầu Công ty Cà phê X phải trả tiền trợ cấp thôi việc là 16.915.500 đồng và tiền lãi chậm trả là 10%/ năm, tính từ năm 16/4/2006 cho đến nay là 29.900.000 đồng. Tổng cộng là 46.815.500 đồng (Bốn mươi sáu triệu tám trăm mười lăm ngàn năm trăm đồng).

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo theo quy định. Ngày 21/11/2019, ông V Đ Th kháng cáo với nội dung yêu cầu hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và nội dung đơn kháng cáo, bị đơn giữ nguyên quan điểm như đã trình bày.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng thời điểm năm 2006, sau khi được Nông trường X chấp thuận đơn xin nghỉ việc thì ông B. vẫn được Nông trường giao khoán vườn cây, như vậy ông B. không thuộc trường hợp mất việc làm. Mặt khác, căn cứ Khoản 1 Điều 167 Bộ luật Lao động 1994 thì thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm, như vậy, ông B. làm Đơn xin nghỉ việc từ ngày 16//03/2006, đến nay đã 13 năm, thời hiệu khởi kiện đã hết. Do đó, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn.

Quá trình tranh luận, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk phát biểu:

Về thủ tục tố tụng: Trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án, Thẩm phán, Hội đồng xét xử phúc thẩm cũng như các đương sự đã tuân thủ đúng với qui định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 308 không chấp nhận kháng cáo của người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn, giữ nguyên bản án lao động sơ thẩm số 01/2019/LĐST ngày 11/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện E.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu thu thập được có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên toà, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện tài liệu, chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên và các đương sự, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

Tại Điều 2 Hợp đồng lao động ngày 01/7/1996 giữa ông L Kh B. và Nông trường X có ghi rõ quyền được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc tại trang số 03 cũng như, sau khi hai bên chấm dứt hợp đồng lao động. Mặt khác ngày 08/5/2007, tại Biên bản hội nghị cán bộ công nhân viên, xác định 110 lao động thực hiện theo Điều 42 Bộ luật Lao động trong đó có 29 lao động đã có đủ thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí nhưng chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, bao gồm ông B.. Nông trường cà phê X xác định 29 trường hợp này có đơn tự nguyện xin nghỉ việc chờ hưu, không nhận trợ cấp, nên không chi trả tiền trợ cấp thôi việc. Do đó, tại thời điểm xin nghỉ việc, ông B. đã biết được quyền được yêu cầu trả trợ cấp thôi việc, cũng như việc Nông trường cà phê X không chi trả tiền trợ cấp cho ông B. là ảnh hưởng đến quyền lợi của ông, nhưng đến ngày 15/03/2019, ông B. mới làm Đơn khởi kiện Công ty Cà phê X. Căn cứ khoản 1 Điều 167 Bộ luật Lao động 1994, khoản 2 Điều 202 Bộ luật Lao động 2012, khoản 2 Điều 149 Bộ luật dân sự 2015, khoản 2 Điều 184 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015, thì thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân giữa ông B. và Công ty Cà phê X đã hết, việc Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận đơn yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện của phía bị đơn là có căn cứ. Tại cấp phúc thẩm các đương sự không cung cấp thêm được tài liệu, chứng cứ gì mới. Do đó, không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn. Cần giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 01/2019/LĐ-ST ngày 11/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện E.

Về án phí: Nguyên đơn ông L Kh B. không phải chịu án phí lao động sơ thẩm và phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự.

Tuyên xử: Không chấp nhận kháng cáo của ông V Đ Th. Giữ nguyên Bản án lao động sơ thẩm số 01/2019/LĐST ngày 11/11/2019, của Tòa án nhân dân huyện E.

Về án phí lao động phúc thẩm: Nguyên đơn ông L Kh B. không phải chịu án phí lao động phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1184
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 03/2020/LĐ-PT ngày 20/04/2020 về tranh chấp tiền trợ cấp thôi việc sau khi chấm dứt hợp đồng lao động

Số hiệu:03/2020/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành: 20/04/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về