TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.
BẢN ÁN 05/2017/LĐ-PT NGÀY 21/11/2017 VỀ TRANH CHẤP TRỢ CẤP THÔI VIỆC
Ngày 21 tháng 11 năm 2017 tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 06/2017/TLPT- LĐ ngày 25 tháng 8 năm 2017 về việc “Tranh chấp trợ cấp thôi việc”.
Do Bản án lao động sơ thẩm số 508/2017/LĐ-ST ngày 19 tháng 4 năm 2017 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo;
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 614/2017/QĐ - PT ngày 25 tháng 10 năm 2017 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Bà S, sinh năm 1971 (vắng mặt).
Địa chỉ: 31 Dusinberre Road, P.O.Box 287 Gardiner, New York 12525, Hoa Kỳ.
Người đại diện theo ủy quyền của Bà S: Bà Huỳnh Thị Mỹ H, sinh năm 1991 (có mặt).
Địa chỉ: số 284/9 Đường N1, Phường 10, quận Z, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Luật sư Lê Hoàng Chương, thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).
- Bị đơn: Trường Quốc tế G.
Địa chỉ: Đại lộ N2, phường P1, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiệu trưởng: Ông I.
Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn:
1. Bà Lạc Thị Tú D, sinh năm 1983 (có mặt).
2. Ông Hoàng P, sinh năm 1990 (có mặt).
Cùng địa chỉ: số 68/1 Đường Q1, phường Q2, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Luật sư Đinh Quang T, thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).
- Người kháng cáo: người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn, bà Huỳnh Thị Mỹ H.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản án sơ thẩm nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn, bà Huỳnh Thị Mỹ H trình bày:
Bà (Bà S) làm việc cho Trường Quốc tế G (sau đây gọi là Trường) với tổng thời gian là 03 năm từ ngày 01/7/2012 đến 30/6/2015 theo Hợp đồng lao động ký kết ngày 01/8/2012 và Bản các điều khoản bổ sung về việc làm ký ngày 13/8/2012 và ngày 12/12/2013.
Ngày 13/3/2015, Trường thông báo cho bà về các khoản lợi ích bà sẽ được hưởng khi hết hạn hợp đồng, trong đó không có khoản trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật lao động. Bà đã khiếu nại và Trường thông báo rằng họ không có nghĩa vụ trả trợ cấp thôi việc cho bà.
Ngày 15/4/2015, Trường đã gửi thư xác nhận rằng bà sẽ không được chi trả tiền trợ cấp thôi việc khi hết hạn hợp đồng, với lí do: pháp luật không quy định về việc chi trả trợ cấp thôi việc đối với người lao động nước ngoài khi hợp đồng lao động chấm dứt; đồng thời bà không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật Bảo hiểm nên Trường đã trả thêm hàng tháng cho bà một khoản xem như là khoản đền bù duy nhất cho thời gian bà làm việc tại Trường khi hợp đồng lao động chấm dứt theo Mục 5B của Bản các điều khoản bổ sung về việc làm mà hai bên đã ký kết. Do đó, nhà trường không phải trả thêm trợ cấp thôi việc cho bà.
Bà không đồng ý với các lí do mà Trường đưa ra. Đến tháng 6/2015, bà nhận được các khoản thanh toán cuối cùng từ Trường Quốc tế G nhưng không bao gồm khoản tiền trợ cấp thôi việc. Do đó, bà khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Trường Quốc tế G phải trả cho bà số tiền trợ cấp thôi việc tạm tính là 10.487,49 USD tương đương 234.080.776,8 đồng (theo tỷ giá của Ngân hàng Vietcombank ngày 24/4/2016).
Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn Trường Quốc tế G trình bày:
Trường Quốc tế G xác nhận việc có tuyển dụng Bà S làm việc tại Trường từ ngày 01/7/2012 đến ngày 30/6/2015. Trong thời gian còn làm việc tại Trường, vào ngày 30/9/2014, bà S đã gửi thư điện tử thông báo sẽ thôi việc tại Trường khi hết hạn hợp đồng lao động vào ngày 30/6/2015.
Ngày 13/3/2015, Trường gửi thông báo chung bằng thư điện tử cho các nhân viên sắp hết hạn hợp đồng lao động, trong đó có bà S, để thông báo các khoản quyền lợi mà các nhân viên này sẽ được hưởng khi chấm dứt hợp đồng lao động. Sau khi nhận được thông báo, bà S có liên hệ với Trường yêu cầu được hưởng trợ cấp thôi việc theo Điều 48 Bộ luật Lao động. Trường Quốc tế G đã giải thích theo quy định của pháp luật Việt Nam, trường hợp của bà S không được hưởng trợ cấp thôi việc.
Trước yêu cầu khởi kiện của Bà S, Trường Quốc tế G không đồng ý vì bà S là lao động người nước ngoài nên không thuộc đối tượng được tham gia bảo hiểm xã hội, bao gồm bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật. Hơn nữa, Trường Quốc tế G đã trả các khoản thanh toán thay thế khoản bảo hiểm xã hội cho bà S trong suốt thời gian bà S làm việc tại Trường, khoản tiền này được trả thêm hàng tháng theo thỏa thuận tại Điều 5B Bản các điều khoản bổ sung ký ngày 12/12/2013.
Vì bà S không thuộc diện được hưởng trợ cấp thôi việc do đã được thanh toán trực tiếp tiền bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng, Trường Quốc tế G cũng không có nghĩa vụ phải chi trả trợ cấp thôi việc cho bà S khi hợp đồng lao động chấm dứt nên đề nghị Tòa án bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tại Bản án lao động sơ thẩm số 508/2017/LĐ-ST ngày 19 tháng 4 năm 2017, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định như sau:
Tuyên xử:
Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Bà S về việc yêu cầu Trường Quốc tế G phải trả tiền “trợ cấp thôi việc”, số tiền có yêu cầu là10.487,49USD (Đôla Mỹ) tương đương 234.080.776,8 đồng (tiền Việt Nam).
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí, về nghĩa vụ thi hành án và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 24/4/2017, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là bà Huỳnh Thị Mỹ H kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, yêu cầu xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Huỳnh Thị Mỹ H vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.
Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận theo yêu cầu kháng cáo của bà Hạnh.
Đại diện cho Trường Quốc tế G đề nghị Hội đồng xét xử giữ y bản án sơ thẩm xử.
Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm:
Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa và Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự; các đương sự tham gia tố tụng chấp hành đúng quyền và nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Về kháng cáo của nguyên đơn là không có cơ sở nên đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên án sơ thẩm.
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa phúc thẩm; trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các tài liệu, chứng cứ, ý kiến trình bày và tranh luận tại phiên tòa của các đương sự, luật sư, ý kiến của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phúc thẩm
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Xét đơn kháng cáo của bà Huỳnh Thị Mỹ H đại diện cho nguyên đơn Bà S kháng cáo làm trong hạn luật định nên được xem xét theo trình tự phúc thẩm.
[2] Xét nội dung việc kiện thì thấy:
[2.1] Theo đơn khởi kiện của Bà S và người đại diện cho Bà S cho rằng Bà S có ký hợp đồng lao động với Trường Quốc tế G trong thời hạn 3 năm (có ký phụ lục bổ sung) thời gian Bà S làm việc tại Trường là từ ngày 01/7/2012 đến 30/6/2015 thì hết hạn. Theo pháp luật Việt Nam quy định sau khi chấm dứt hợp đồng lao động do hết thời gian của hợp đồng thì người sử dụng lao động có nghĩa vụ thanh toán cho người lao động tiền trợ cấp thôi việc. Theo Bà S tạm tính bằng 10.487,49 USD đương tương với số tiền là 234.080.776,8 VNĐ. Tòa án cấp sơ thẩm xử bác yêu cầu của Bà S kiện đòi Trường Quốc tế G trả cho Bà S khoản tiền trên, bà Huỳnh Thị Mỹ H không đồng ý với quyết định trên của Tòa án cấp sơ thẩm.
[2.2] Hội đồng xét xử xét thấy: Vào ngày 01/8/2012 giữa Bà S với Trường Quốc tế G có ký hợp đồng lao động với hình thức Trường Quốc tế G nhận Bà S vào trường làm công việc giáo viên của Trường với thời hạn là 2 năm, mức lương 3.958,33 USD/tháng, đến ngày 12/12/2013 giữa 2 bên có ký văn bản điều kiện bổ sung về việc làm Bà S sẽ làm việc tại Trường thêm 01 năm nữa tức năm thứ 3 từ 01/7/2014 đến 30/6/2015, như vậy thời gian Bà S làm việc tại Trường tứ 01/7/2012 đến 30/6/2015. Tại công văn số 27270/SLĐTBXH-VL ngày 01/11/2016 và công văn số 113/SLĐTBXH-VL ngày 03/01/2017 của Sở lao động thương binh và xã hội Thành phố Hồ Chí Minh phúc đáp công văn của Tòa án thì Bà S được cấp phép lao động làm việc tại Việt Nam từ 22/10/2012 đến 22/10/2014, được cấp lại (gia hạn) thời gian làm việc từ 23/10/2014 đến 05/9/2016. Như vậy xác định việc ký kết Hợp đồng lao động giữa Trường Quốc tế G với Bà S là phù hợp với quy định tại các điều 171, 173 Bộ luật lao động quy định.
[2.3] Trong thời gian làm việc tại trường, ngày 30/9/2014 Bà S thông báo cho Trường bà sẽ thôi việc sau khi thời hạn ký hợp đồng lao động đã kết thúc vào ngày 30/6/2015. Sau khi nhận được thông báo của Bà S, ngày 13/3/2015
Trường có gửi thư điện tử thông báo cho các nhân viên sắp hết hạn Hợp đồng lao động biết quyền lợi của người lao động được hưởng khi kết thúc hợp đồng lao động (Trong đó có Bà S). Theo Bà S cho rằng ngoài các khoản tiền bà nhận theo hợp đồng lao động người lao động còn nhận được khoản trợ cấp thôi việc tương ứng với thời gian làm việc tại Trường theo quy định tại Điều 48 Bộ luật lao động nên bà yêu cầu Trường phải trợ cấp sau khi bà thôi việc.
[2.4] Xét thấy: Nguyên đơn Bà S có Quốc tịch Hoa kỳ hợp đồng lao động làm việc tại Việt Nam dù đủ 12 tháng trở lên nhưng lại không thuộc trường hợp tham gia bảo hiểm thất nghiệp được quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006. (Lúc này chỉ áp dụng đối tượng lao động là người Việt Nam), đồng thời Bà S cũng không làm việc tại Việt Nam trước ngày 31/12/2008 khi luật Bảo hiểm xã hội có quy định về mức đóng Bảo hiểm thất nghiệp sau khi kết thúc việc làm mà chưa tìm được công việc khác (thay cho khoản trợ cấp thôi việc được hưởng theo quy định tại Điều 48 Bộ luật lao động) mặc khác theo Điều 186 Bộ luật lao động có quy định. Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì ngoài việc trả lương theo công việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền cho người lao động tương ứng với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Đối chiếu với lời khai của 2 bên (Bà S và đại diện cho Trường) cũng như các giấy tờ chứng cứ thu thập có trong hồ sơ như tại Điểu 5B Bản các điều khoản bổ sung được 2 bên ký ngày 12/12/2013, về quỹ Bảo hiểm xã hội, chính sách nghỉ hưu và các bản sao bảng lương thể hiện Trường Quốc tế G thanh toán tiền lượng hàng tháng cho Bà S còn được Trường trả các khoản theo khoản 5B như: tiền lương cơ bản, trợ cấp thu thập khác như trợ cấp cộng thêm, sinh hoạt phí, nhà ở, bảo hiểm, đi lại hàng tháng, Quỹ bảo hiểm xã hội nghỉ việc. Vì vậy Tòa án cấp sơ thẩm xét xử không chấp nhận theo yêu cầu của Bà S đòi buộc Trường Quốc tế G phải trợ cấp cho bà sau khi chấm dứt hợp đồng lao động tại trường bằng 10.487,49 USD tương đương 234.080.776,8 VNĐ như trên là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Bà Huỳnh Thị Mỹ H đại diện cho Bà S kháng cáo yêu cầu buộc Trường Quốc tế G phải trợ cấp sau khi Bà S thôi việc tại Trường với số tiền như trên, yêu cầu kháng cáo của bà Huỳnh Thị Mỹ H đại diện cho Bà S kháng cáo cũng như Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn đề nghị là không không có căn cứ nên không được chấp nhận.
[3] Từ những phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử chấp nhận theo quan điểm đề nghị của vị đại diện Viện kiểm sát và theo đề nghị của luật sư bảo vệ quyền lợi cho phía bị đơn là giữ y bản án sơ thẩm xử.
Bởi các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
- Căn cứ vào khoản 1 điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự.
Không chấp nhận kháng cáo của bà Huỳnh Thị Mỹ H đại diện cho bà S kháng cáo.
- Giữ y bản án sơ thẩm xử.
- Áp dụng khoản 1 Điều 36; Điều 48; Điều 186; điểm b khoản 1 Điều 201 Bộ luật lao động năm 2013 Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 và Pháp lệnh về án phí, lệ phí tòa án.
- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Bà S về việc yêu cầu Trường Quốc tế G phải trả tiền “Trợ cấp thôi việc” cho bà với số tiền 10.487,49 USD tương đương 234.080.776,8 VNĐ.
- Các quyết định còn lại của án sơ thẩm xét xử không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
- Bà S không phải nộp án phí lao động phúc thẩm.
- Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày 21/11/2017.
Bản án 05/2017/LĐ-PT ngày 21/11/2017 về tranh chấp trợ cấp thôi việc
Số hiệu: | 05/2017/LĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Lao động |
Ngày ban hành: | 21/11/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về