Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 279/QĐ-BTC Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Tài chính Người ký: Phạm Sỹ Danh
Ngày ban hành: 14/02/2012 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 279/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 14 tháng 02 năm 2012

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ CHI TIÊU NỘI BỘ THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ TỰ CHỦ, TỰ CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ KINH PHÍ QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI CƠ QUAN BỘ TÀI CHÍNH

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BTC-BNV ngày 17/01/2006 của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan Nhà nước;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 71/2007/TTLT-BTC-BNV ngày 26/06/2007 của Liên Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ hướng dẫn sửa đổi Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BTC-BNV ngày 17/01/2006;

Thực hiện Công văn số 4019/BTC-TVQT ngày 28/3/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BTC-BNV ; Công văn số 9859/BTC-TVQT ngày 25/7/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Thông tư liên tịch số 71/2007/TTLT-BTC-BNV ;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Cơ quan Bộ Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế chi tiêu nội bộ thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kinh phí quản lý hành chính đối với Cơ quan Bộ Tài chính".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Thay thế các Quyết định số 3246a/QĐ-BTC ngày 28/09/2007, Quyết định số 1455/QĐ-BTC ngày 01/07/2008 và Quyết định số 3309/QĐ-BTC ngày 30/12/2009 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành và sửa đổi, bổ sung Quy chế chi tiêu nội bộ thực hiện thí điểm chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kinh phí quản lý hành chính đối với Cơ quan Bộ Tài chính và Quyết định số 3247a/QĐ-BTC ngày 28/9/2007 về việc ban hành quy định trình tự, thủ tục thanh toán một số nội dung chi tại cơ quan Bộ Tài chính.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Cơ quan Bộ Tài chính và cán bộ, công chức Cơ quan Bộ Tài chính chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Lưu: VT, Vụ KHTC.

KT.BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phạm Sỹ Danh

QUY CHẾ CHI TIÊU NỘI BỘ

THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ TỰ CHỦ, TỰ CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ QUẢN LÝ KINH PHÍ QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI CƠ QUAN BỘ TÀI CHÍNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 279/QĐ-BTC ngày 14 tháng 02 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

Quy chế chi tiêu nội bộ thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về quản lý kinh phí quản lý hành chính được áp dụng tại Cơ quan Bộ Tài chính (đơn vị dự toán cấp III - Vụ Kế hoạch Tài chính), cụ thể như sau:

1. Phạm vi điều chỉnh: Quy chế chi tiêu nội bộ điều chỉnh đối với nguồn kinh phí ngân sách nhà nước giao thực hiện chế độ tự chủ hàng năm đối với Cơ quan Bộ Tài chính (được giao dự toán tại đơn vị dự toán cấp III - Vụ Kế hoạch Tài chính), bao gồm cả các khoản chi thường xuyên được điều hành tập trung tại Cơ quan Bộ Tài chính và các khoản thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

Quy chế chi tiêu nội bộ không điều chỉnh đối với việc sử dụng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước giao không thực hiện chế độ tự chủ và kinh phí thực hiện các nhiệm vụ không thường xuyên khác của Cơ quan Bộ Tài chính; gồm:

1.1. Chi mua sắm, chi sửa chữa lớn tài sản cố định;

1.2. Chi đóng niên liễm, vốn đối ứng các dự án theo hiệp định với các tổ chức quốc tế;

1.3. Chi thực hiện các nhiệm vụ có tính chất đột xuất được cấp có thẩm quyền giao;

1.4. Kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;

1.5. Kinh phí thực hiện tinh giản biên chế (nếu có);

1.6. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước;

1.7. Kinh phí nghiên cứu khoa học;

1.8. Kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

1.9. Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ không thường xuyên khác.

Việc phân bổ, quản lý, sử dụng các khoản kinh phí nêu trên thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước, của Bộ Tài chính.

2. Đối tượng áp dụng: Các Vụ, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, Văn phòng Đảng uỷ, Văn phòng Công đoàn, Văn phòng Đoàn Thanh niên Cơ quan Bộ Tài chính (sau đây gọi tắt là các đơn vị thuộc Cơ quan Bộ) và toàn thể cán bộ, công chức, nhân viên trong các đơn vị thuộc Cơ quan Bộ Tài chính.

Điều 2. Mục tiêu thực hiện Quy chế

1. Tạo điều kiện chủ động trong việc quản lý, sử dụng kinh phí quản lý hành chính được giao hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

2. Thúc đẩy việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sử dụng kinh phí tại Cơ quan Bộ Tài chính. Nâng cao hiệu suất lao động, hiệu quả sử dụng kinh phí quản lý hành chính, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, nhân viên thuộc Cơ quan Bộ Tài chính.

3. Đảm bảo tài sản công được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả.

4. Thực hiện quyền tự chủ, đồng thời gắn với trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Nguyên tắc xây dựng Quy chế

1. Bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

2. Các nội dung, mức chi của Quy chế không được vượt quá tiêu chuẩn, chế độ quy định hiện hành của Nhà nước, của Bộ Tài chính.

3. Thực hiện công khai, dân chủ và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của cán bộ, công chức, nhân viên.

4. Thực hiện Quy chế chi tiêu nội bộ, các đơn vị, cán bộ, công chức, nhân viên Cơ quan Bộ phải tuân thủ chế độ chứng từ kế toán theo quy định hiện hành và Quy chế này .

Điều 4. Căn cứ xây dựng Quy chế

1. Hệ thống tiêu chuẩn định mức chi và chế độ quản lý, sử dụng kinh phí quản lý hành chính hiện hành của Nhà nước và của Bộ Tài chính.

2. Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và đặc điểm tình hình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao của các đơn vị thuộc Cơ quan Bộ.

3. Dự toán chi ngân sách Nhà nước giao hàng năm thực hiện chế độ tự chủ tài chính.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục I. NGUỒN KINH PHÍ VÀ CÁC NỘI DUNG CHI THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ TỰ CHỦ

Điều 5. Nguồn kinh phí thực hiện chế độ tự chủ

1. Nguồn Ngân sách nhà nước cấp;

2. Nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có).

Điều 6. Các nội dung chi thực hiện chế độ tự chủ

1. Tiền lương.

2. Tiền công.

3. Phụ cấp lương.

4. Các khoản đóng góp theo lương.

5. Khen thưởng, phúc lợi tập thể.

6. Các khoản thanh toán khác cho cá nhân theo quy định.

7. Các khoản thanh toán dịch vụ công cộng (điện, nước, vệ sinh môi trường,...).

8. Chi vật tư văn phòng (văn phòng phẩm; công cụ, dụng cụ văn phòng,...).

9. Chi thông tin, tuyên truyền, liên lạc (cước phí điện thoại, cước phí bưu chính, sách, báo, tạp chí,...).

10. Chi hội nghị (tài liệu, thuê hội trường,...).

11. Công tác phí (chi phí đi lại, phụ cấp lưu trú, thuê phòng nghỉ,...).

12. Chi phí thuê mướn (thuê lao động bên ngoài; thuê mướn khác).

13. Chi cho các đoàn đi công tác nước ngoài và đón các đoàn khách nước ngoài vào Việt Nam (phần bố trí trong định mức chi thường xuyên).

14. Chi mua sắm, sửa chữa thường xuyên tài sản (ô tô; trang thiết bị văn phòng; điều hoà nhiệt độ; nhà cửa,...).

15. Chi phí nghiệp vụ chuyên môn (vật tư phục vụ nhiệm vụ chuyên môn, phiên dịch, biên dịch tài liệu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật,...).

16. Chi hỗ trợ hoạt động của các tổ chức Đảng, đoàn thể.

17. Các khoản chi hoạt động thường xuyên khác (các khoản phí và lệ phí, bảo hiểm phương tiện,...).

Mục II. MỨC CHI, PHƯƠNG THỨC, THỜI GIAN CHI VÀ QUY TRÌNH THỰC HIỆN

Điều 7. Chi thanh toán cá nhân

1. Tiền lương, tiền công:

1.1. Tiền lương, tiền công của cán bộ, công chức, nhân viên được thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.

a) Phương thức chi trả: Chuyển trả 01 lần/tháng vào tài khoản cá nhân của cán bộ, công chức, nhân viên.

b) Thời gian chi trả: Từ ngày 01 đến ngày 05 hàng tháng.

1.2. Tiền lương của cán bộ, công chức, nhân viên được cử đi học tập trung trong nước: Thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước và của Bộ Tài chính.

1.3. Tiền lương của cán bộ, công chức, nhân viên được cử đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài từ 30 ngày liên tục trở lên hưởng sinh hoạt phí do Nhà nước đài thọ hoặc hưởng lương, hưởng sinh hoạt phí do nước ngoài, tổ chức quốc tế đài thọ thì trong thời gian ở nước ngoài được hưởng 40% mức lương hiện hưởng, phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

1.4. Tiền lương của cán bộ, viên chức nghỉ ốm đau, thai sản: Do cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả theo chế độ quy định.

1.5. Tiền công của người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng thực hiện theo quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung của Nhà nước và của Bộ Tài chính (nếu có).

2. Các khoản phụ cấp:

Các khoản phụ cấp thực hiện theo chế độ hiện hành của Nhà nước, gồm:

2.1. Phụ cấp chức vụ lãnh đạo;

2.2. Phụ cấp thâm niên vượt khung;

2.3. Phụ cấp thâm niên nghề đối với thanh tra viên;

2.4. Phụ cấp công vụ;

2.5. Phụ cấp trách nhiệm:

a) Phụ cấp trách nhiệm Kế toán trưởng, Thủ quỹ;

b) Phụ cấp trách nhiệm cán bộ, công chức hướng dẫn tập sự;

c) Phụ cấp trách nhiệm theo nghề đối với Thanh tra viên;

d) Phụ cấp trách nhiệm công tác Đảng; phụ cấp trách nhiệm kiểm tra Đảng;

đ) Phụ cấp trách nhiệm của cán bộ, công chức, nhân viên thuộc Cơ quan Bộ tham gia Ban chỉ huy dân quân tự vệ;

2.6. Phụ cấp phục vụ Lãnh đạo;

2.7. Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, nhân viên theo chế độ quy định (bao gồm cả phụ cấp bằng hiện vật);

2.8. Phụ cấp kiêm nhiệm.

Các khoản phụ cấp quy định từ điểm 2.4 đến điểm 2.8 nêu trên không dùng để tính đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí công đoàn.

3. Các khoản trích nộp theo lương, bao gồm: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí công đoàn.

3.1. Đối tượng tham gia chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, gồm:

a) Cán bộ, công chức;

b) Cán bộ, công chức được cử đi công tác, làm việc, học tập ở trong và nước ngoài hưởng 40% mức lương hiện hưởng, phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có);

c) Nhân viên làm việc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn đủ từ 03 tháng trở lên.

3.2. Đối tượng tham gia chế độ bảo hiểm thất nghiệp: Nhân viên làm việc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn, hoặc hợp đồng lao động và hợp đồng làm việc có thời hạn từ 12 tháng trở lên.

3.3. Mức trích nộp Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn: Thực hiện theo quy định của Nhà nước.

3.4. Quy trình, hồ sơ, thủ tục thực hiện đối với bảo hiểm xã hội trả thay lương (nghỉ ốm, nghỉ thai sản): Thực hiện theo quy định hiện hành, hướng dẫn tại công văn số 9923/BTC-TCCB ngày 14/7/2009 của Bộ Tài chính (Vụ Tổ chức cán bộ) về quy trình, hồ sơ thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

4. Lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ:

4.1. Cán bộ, công chức, nhân viên làm việc vào ban đêm, thêm giờ được thanh toán lương làm việc vào ban đêm, thêm giờ theo quy định của Nhà nước.

4.2. Thanh toán tiền lương làm việc ban đêm, làm thêm giờ thực hiện theo Thông tư liên tịch số 08/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 05/01/2005 của liên Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Các cán bộ, công chức làm việc ban đêm, làm thêm giờ phải được Thủ trưởng đơn vị bố trí nghỉ bù. Trường hợp không bố trí được nghỉ bù, cần phải thanh toán tiền làm việc ban đêm, làm thêm giờ thì trước khi thực hiện phải có ý kiến phê duyệt của Thủ trưởng đơn vị, tổng số giờ làm việc vào ban đêm, thêm giờ không quá 200 giờ đối với mỗi cán bộ, công chức, nhân viên trong một năm.

4.2. Hồ sơ, thủ tục thanh toán tiền lương làm việc vào ban đêm, thêm giờ:

a) Giấy đề nghị thanh toán.

b) Bảng chấm công làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ hoặc Giấy báo làm thêm giờ (sử dụng trong trường hợp đơn vị làm thêm giờ không thường xuyên);

c) Bảng thanh toán tiền làm việc vào ban đêm, thêm giờ phản ánh đúng, đủ các nội dung, chỉ tiêu theo mẫu đính kèm.

4.3. Vụ Kế hoạch - Tài chính thực hiện thanh toán chậm nhất sau 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị thanh toán theo quy định hiện hành và Quy chế này.

5. Chi trang phục, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân:

5.1. Nguyên tắc trang cấp trang phục, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân:

a) Trang cấp, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân đúng đối tượng, nhiệm vụ thực hiện;

b) Trang phục, phương tiện bảo vệ cá nhân trang bị theo quy định và mẫu được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Trang phục, phương tiện bảo vệ cá nhân được trang cấp, trang bị được sử dụng theo đúng mục đích quy định.

d) Căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng đơn vị, bộ phận, việc trang cấp, trang bị có thể bằng hình thức may sắm, cấp phát hoặc cấp tiền cho đơn vị hoặc cá nhân tự may sắm theo đúng quy định về tiêu chuẩn, hình thức, màu sắc, kiểu dáng trang phục. Nghiêm cấm việc sử dụng tiền may sắm trang phục, phương tiện bảo vệ cá nhân sai mục đích, trái quy định.

5.2. Đối tượng được trang cấp, trang bị:

a) Trang phục:

- Thanh tra viên;

- Cán bộ, công chức, nhân viên làm nhiệm vụ lễ tân thuộc Văn phòng Bộ, tiếp khách quốc tế thuộc Vụ Hợp tác quốc tế, phục vụ trực tiếp Lãnh đạo Bộ tiếp khách thuộc Vụ Kế hoạch - Tài chính;

- Cán bộ tự vệ thuộc Ban chỉ huy dân quân tự vệ Cơ quan Bộ;

- Nhân viên bảo vệ;

b) Phương tiện bảo vệ cá nhân, gồm:

- Cán bộ y tế cơ quan;

- Cán bộ, nhân viên kỹ thuật theo dõi, vận hành thang máy, điều hoà, máy phát điện; nhân viên vận hành máy photo; nhân viên phục vụ,...;

5.3. Danh mục và mức chi trang phục: Theo Phụ lục số 01 đính kèm.

Riêng đối với Thanh tra viên thuộc Thanh tra Bộ Tài chính thực hiện trang cấp trang phục theo quy định hiện hành của pháp luật về Thanh tra.

5.4. Phương thức thực hiện:

a) Thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm xác định đối tượng quy định tại điểm 5.2 nêu trên gửi Vụ Kế hoạch - Tài chính để thực hiện cấp phát bằng hiện vật trên cơ sở lựa chọn đơn vị cung cấp đáp ứng theo quy định mua sắm hiện hành, hoặc bằng tiền cho cá nhân tự mua sắm theo đúng quy định về mẫu trang phục, danh mục trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân.

b) Thời gian cấp phát, chi trả: Thực hiện vào Quý II hàng năm.

Điều 8. Chi thi đua khen thưởng, chi phúc lợi tập thể

1. Chi thi đua, khen thưởng:

Chế độ chi thi đua, khen thưởng thực hiện theo quy định tại Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ, hướng dẫn tại Thông tư số 71/2011/TT-BTC ngày 24/5/2011 của Bộ Tài chính và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

1.1. Nội dung chi:

a) Chi in ấn giấy chứng nhận, giấy khen, bằng khen, làm các kỷ niệm chương, huân chương, huy chương, huy hiệu, cờ thi đua, khung bằng khen, giấy khen, hộp đựng huân, huy chương, kỷ niệm chương, huy hiệu.

b) Chi tiền thưởng hoặc tặng phẩm lưu niệm cho các cá nhân, tập thể;

c) Các khoản chi khác liên quan trực tiếp cho công tác thi đua, khen thưởng, như: công tác tổ chức, chỉ đạo các phong trào thi đua; chi tập huấn nghiệp vụ thi đua khen thưởng;...

1.2. Mức chi

a) Chi tiền thưởng: Tiền thưởng cho tập thể, cá nhân được khen thưởng được tính trên cơ sở mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định đang có hiệu lực vào thời điểm ban hành quyết định công nhận các danh hiệu thi đua, danh hiệu vinh dự Nhà nước hoặc quyết định khen thưởng.

Tiền thưởng sau khi nhân với hệ số mức lương tối thiểu chung được làm tròn số lên hàng chục ngàn đồng tiền Việt Nam.

Mức chi tiền thưởng: Theo Phụ lục số 02 đính kèm.

b) Chi in ấn giấy chứng nhận, giấy khen, bằng khen, làm các kỷ niệm chương, huân chương, huy chương, huy hiệu, cờ thi đua, khung bằng khen, giấy khen, hộp đựng huân, huy chương, kỷ niệm chương, huy hiệu theo hợp đồng với đơn vị sản xuất.

c) Các nội dung chi khác, gồm: Chi cho cán bộ đi công tác để thực hiện việc chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác thi đua, khen thưởng; chi tổ chức các hội nghị ký kết giao ước thi đua; hội nghị sơ kết, tổng kết,... thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước và của Quy chế này theo từng nội dung tương ứng.

2. Chi tiền nghỉ phép hàng năm:

2.1. Thanh toán tiền phương tiện đi lại, tiền phụ cấp đi đường khi nghỉ phép hàng năm:

a) Đối tượng: Cán bộ, công chức, nhân viên được Thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý cấp giấy cho đi nghỉ phép năm để thăm vợ, chồng; con; cha mẹ (cả bên chồng hoặc bên vợ) bị ốm đau hoặc chết;

b) Nội dung và mức chi:

- Phụ cấp đi đường cho những ngày đi đường thực tế, mức chi tương đương mức phụ cấp lưu trú khi đi công tác quy định tại tiết 2.1 khoản 2 Điều 13 Quy chế này.

- Tiền phương tiện đi lại khi đi nghỉ phép: Tiền phương tiện đi lại phải trả cho đơn vị, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách cung cấp (trừ phương tiện máy bay) theo quy định của pháp luật, gồm: tiền phương tiện chiều đi và về từ nhà đến ga tàu, bến xe; tiền vé tàu, xe vận chuyển đến nơi nghỉ phép và theo chiều ngược lại.

Mức chi theo giá ghi trên vé, hóa đơn mua vé với mức giá vận tải phổ biến của loại phương tiện công cộng tại địa phương nhưng không vượt quá mức khoán tiền tự túc phương tiện khi đi công tác quy định tại tiết 1.3 khoản 1 Điều 13 Quy chế này, không bao gồm các chi phí tham quan du lịch, các dịch vụ đặc biệt theo yêu cầu.

Trường hợp cán bộ, công chức đi nghỉ phép tự túc bằng phương tiện cá nhân, hoặc sử dụng phương tiện là máy bay khi có vé hợp pháp, hoặc những đoạn đường không có phương tiện vận tải của tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật sẽ được thanh toán tiền phương tiện đi lại tối đa bằng mức chi khoán tiền tự túc phương tiện khi đi công tác quy định tại tiết 1.3 khoản 1 Điều 13 Quy chế này phù hợp với tuyến đường đi nghỉ phép.

Trường hợp người đi nghỉ phép năm kết hợp với đi công tác và nghỉ phép thăm người thân thì chỉ thanh toán tiền phụ cấp đi đường, không thanh toán tiền tàu xe đi nghỉ phép.

c) Chứng từ, thủ tục thanh toán:

- Vé tàu, xe hoặc hoá đơn mua vé, hoặc thẻ lên máy bay (trường hợp sử dụng phương tiện máy bay);

- Bảng kê cự ly đối với những đoạn đường không có phương tiện vận tải;

- Giấy nghỉ phép năm được Thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý cấp và xác nhận địa điểm nghỉ phép;

- Đơn và được chính quyền địa phương nơi thân nhân cư trú hoặc cơ sở y tế xác nhận có người thân bị ốm đau đi điều trị ở cơ sở y tế, điều trị dài ngày tại nhà, hoặc bị chết.

d) Tiền phương tiện đi nghỉ phép hàng năm chỉ được thanh toán mỗi năm một lần. Nghỉ phép của năm nào chỉ được thanh toán trong năm đó, trường hợp vì công việc được Thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý cho lùi thời gian nghỉ phép sang năm sau thì cũng được thanh toán tiền nghỉ phép năm, nhưng chỉ được thanh toán đến hết ngày 31/01 năm sau.

2.2. Thanh toán tiền lương cho những ngày được nghỉ phép hàng năm theo quy định nhưng chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết số ngày được nghỉ.

a) Đối tượng: Cán bộ, công chức, nhân viên bị thôi việc; nghỉ hưu; chết; tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động để làm nghĩa vụ quân sự; hết hạn hợp đồng lao động; hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

b) Mức chi: Căn cứ mức lương ngạch bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp độc hại (nếu có) đang hiện hưởng của từng cán bộ, công chức, nhân viên tại thời điểm thanh toán.

c) Chứng từ thanh toán: Giấy đề nghị thanh toán do Thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ, công chức đề nghị kèm theo các hồ sơ liên quan như: Quyết định thôi việc; Quyết định nghỉ hưu; Giấy báo tử; Giấy báo triệu tập nghĩa vụ quân sự; hoặc hợp đồng lao động và xác nhận của Thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng.

d) Thời gian chi trả được thực hiện chậm nhất 01 tháng kể từ khi cán bộ, công chức, nhân viên nghỉ việc và có đầy đủ hồ sơ, chứng từ theo quy định.

2.3. Thanh toán tiền bồi dưỡng cho những ngày được nghỉ phép hàng năm theo quy định nhưng chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết số ngày được nghỉ.

a) Đối tượng: Cán bộ, công chức, nhân viên có đơn xin nghỉ phép năm nhưng do yêu cầu công việc Thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý không thể bố trí cho nghỉ phép hoặc bố trí không đủ số ngày nghỉ phép theo quy định.

b) Mức chi: Căn cứ khả năng nguồn kinh phí và tổng số ngày nghỉ phép năm của cán bộ, công chức, Vụ Kế hoạch - Tài chính trình Bộ xem xét, quyết định mức hỗ trợ tiền bồi dưỡng hàng năm đối với cán bộ, công chức chưa nghỉ phép năm hoặc chưa nghỉ đủ số ngày nghỉ phép năm của Cơ quan Bộ.

Mức chi hỗ trợ tiền bồi dưỡng tối đa một ngày chưa nghỉ phép năm không quá mức tiền lương làm thêm giờ vào ngày thứ bảy, chủ nhật đối với từng cán bộ, công chức quy định tại khoản 4 Điều 7 Quy chế này.

c) Chứng từ thanh toán:

- Đơn xin nghỉ phép nhưng được Thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý xác nhận do yêu cầu công việc nên không bố trí được thời gian cho cán bộ, công chức nghỉ phép năm hoặc không bố trí đủ số ngày nghỉ phép năm.

- Giấy đề nghị thanh toán do Thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý đề nghị kèm theo bảng kê danh sách và số ngày chưa được nghỉ phép năm đối với từng cán bộ, công chức trong năm của đơn vị.

d) Thời gian chi trả: Được thực hiện một lần trong năm.

Thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ, công chức có trách nhiệm tổng hợp danh sách và số ngày chưa được nghỉ phép năm đối với từng cán bộ, công chức trong năm của đơn vị gửi Vụ Kế hoạch - Tài chính trước ngày 31/12 hàng năm kèm theo các chứng từ liên quan để làm căn cứ thanh toán.

Căn cứ mức chi hỗ trợ tiền bồi dưỡng được phê duyệt, Vụ Kế hoạch - Tài chính thực hiện việc thanh toán, chi trả chậm nhất trước ngày 31/01 năm sau đối với từng đơn vị.

2.4. Khoản chi thanh toán tiền nghỉ phép năm nêu trên được áp dụng thực hiện từ ngày 01/01/2012.

3. Chi phúc lợi tập thể khác:

3.1. Nội dung chi:

a) Mua thuốc y tế cơ quan thông thường;

b) Khám sức khoẻ định kỳ hàng năm cho cán bộ, công chức, nhân viên;

c) Các khoản chi phúc lợi tập thể khác.

3.2. Mức chi:

a) Chi mua thuốc y tế cơ quan thông thường: Theo thực tế thực hiện với đầy đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp, hợp lệ.

b) Chi khám sức khoẻ định kỳ: Trên cơ sở hợp đồng khám bệnh với đơn vị có chức năng cung ứng dịch vụ theo quy định hiện hành. Kinh phí thực hiện được bố trí, sử dụng từ kinh phí tiết kiệm chi hoạt động thường xuyên hàng năm (kinh phí giao thực hiện tự chủ) của Cơ quan Bộ.

đ) Các khoản chi phúc lợi khác: Thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 9. Chi thanh toán dịch vụ công cộng

1. Chi phí sử dụng điện, nước:

Cán bộ, công chức, viên chức thuộc Cơ quan Bộ Tài chính có trách nhiệm sử dụng tiết kiệm và hiệu quả điện, nước tại cơ quan và thực hiện theo đúng Quyết định số 2222/QĐ-BTC ngày 27/6/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về sử dụng thiết bị điện, thang máy, thiết bị văn phòng, hệ thống âm thanh và các trang thiết bị khác tại Cơ quan Bộ Tài chính và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Mức chi thanh toán tiền điện, nước theo thực tế sử dụng căn cứ chỉ số sử dụng tại công tơ điện, nước và đơn giá do cơ quan có thẩm quyền quy định.

2. Chi phí nhiên liệu:

2.1. Nội dung chi:

a) Chi xăng xe ô tô phục vụ công tác, bao gồm: xe ô tô sử dụng chung, xe ô tô theo tiêu chuẩn chức danh;

b) Chi nhiên liệu (xăng, dầu,...) vận hành máy phát điện.

2.2. Mức chi:

a) Chi xăng xe ô tô phục vụ công tác: Vụ Kế hoạch - Tài chính thực hiện chi trả kinh phí sử dụng xe ô tô cho Đoàn xe căn cứ vào số km thực tế vận hành trong tháng trên cơ sở Lệnh điều động xe ô tô có xác nhận của cán bộ có tiêu chuẩn sử dụng xe và đơn giá sử dụng xe đã được Lãnh đạo Bộ phê duyệt.

b) Chi nhiên liệu vận hành máy phát điện: Theo thực tế sử dụng căn cứ số lượng nhiên liệu tiêu hao và hoá đơn hợp pháp, hợp lệ.

Điều 10. Chi văn phòng phẩm

1. Chi văn phòng phẩm đối với cá nhân: thực hiện theo hình thức khoán.

1.1. Danh mục văn phòng phẩm khoán bao gồm: Giấy, bút và các dụng cụ như: bìa kẹp tài liệu, ghim, máy dập ghim (loại nhỏ), sổ công tác, cặp đựng tài liệu, hồ dán,... phục vụ nhiệm vụ chuyên môn theo nhu cầu của cán bộ, công chức, nhân viên.

Đối với Lãnh đạo Bộ thực hiện cấp phát văn phòng phẩm theo thực tế sử dụng.

Đối với cán bộ, công chức được cử đi học, đi công tác từ 30 ngày trở lên và hưởng 40% tiền lương hoặc nghỉ chế độ bảo hiểm xã hội, nghỉ không hưởng lương thì không thực hiện cấp kinh phí khoán văn phòng phẩm nêu trên trong thời gian cán bộ, công chức đi học, đi công tác, nghỉ chế độ hoặc nghỉ không hưởng lương.

1.2. Mức chi khoán: Theo Phụ lục số 03 đính kèm.

1.3. Phương thức chi trả: Vụ Kế hoạch - Tài chính thực hiện chi trả 01 lần/tháng và chuyển vào tài khoản cá nhân của từng cán bộ, công chức, nhân viên cùng kỳ thanh toán tiền lương căn cứ vào danh sách bảng lương hàng tháng.

Trường hợp cán bộ, công chức, nhân viên chức mới tuyển dụng hoặc mới điều chuyển từ các đơn vị khác về chưa có tài khoản cá nhân, Vụ Kế hoạch - Tài chính thực hiện chi trả bằng tiền mặt.

2. Chi văn phòng phẩm sử dụng chung cho nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị: thực hiện theo hình thức khoán cho từng đơn vị.

2.1. Danh mục văn phòng phẩm khoán bao gồm: Giấy in, giấy photocopy, giấy máy fax, giấy nến; máy dập ghim (loại to), máy đục lỗ; sổ công văn đi, đến; cặp lưu trữ tài liệu; thẻ nhớ (USB),... phục vụ nhiệm vụ chuyên môn chung của đơn vị.

2.2. Mức chi khoán: Theo Phụ lục số 03 đính kèm.

2.3. Phương thức chi trả: Vụ Kế hoạch - Tài chính thực hiện thanh toán bằng tiền mặt trực tiếp cho các đơn vị 01 lần/năm vào quý I hàng năm. Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm phân bổ đối với từng phòng, bộ phận của đơn vị đảm bảo hợp lý, phù hợp với nhiệm vụ được giao.

3. Chi văn phòng phẩm dùng chung cho các đơn vị thuộc dự toán Cơ quan Bộ (do Vụ Kế hoạch - Tài chính thực hiện):

3.1. Văn phòng phẩm bao gồm: Mực máy photocopy, mực máy fax, mực máy in... được cấp phát theo thực tế sử dụng.

3.2. Phương thức thực hiện: Căn cứ đề nghị của các đơn vị, Vụ Kế hoạch - Tài chính (phòng Quản trị) thực hiện kiểm tra thực tế và làm thủ tục xuất cấp, lắp đặt, thay thế tại các đơn vị.

4. Trường hợp tại đơn vị có phát sinh hội nghị, hội thảo hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật do đơn vị chủ trì có số lượng tài liệu cần in ấn lớn, Phòng Hành chính Cơ quan Bộ có trách nhiệm thực hiện in ấn theo yêu cầu của đơn vị. Căn cứ đề nghị của Phòng Hành chính (Văn phòng Bộ) và có xác nhận của đơn vị chủ trì tổ chức hội nghị, hội thảo hoặc đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, Vụ Kế hoạch - Tài chính thực hiện cấp phát giấy photocopy theo thực tế sử dụng.

Trường hợp số lượng tài liệu photo, in ấn cần đảm bảo tiến độ thời gian mà Phòng Hành chính (Văn phòng Bộ) có ý kiến không đáp ứng kịp, đơn vị chủ trì hội nghị, hội thảo hoặc chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật có thể thực hiện theo hình thức thuê dịch vụ in ấn. Mức khoán chi thuê ngoài in ấn tối đa 250 đồng/trang A4 (in một mặt), hoặc tối đa 400 đồng/tờ A4 (in hai mặt)

Hồ sơ thanh quyết toán gồm: Giấy đề nghị của đơn vị (có ý kiến của Phòng Hành chính), 01 bản tài liệu phô tô, Biên bản bàn giao xác nhận số lượng bản phô tô với đơn vị dịch vụ in ấn; hợp đồng in ấn tài liệu (nếu có) và hoá đơn hợp pháp, hợp lệ.

Việc ký hợp đồng photo, in ấn tài liệu áp dụng trong trường hợp giá trị tài liệu photo, in ấn từ 5 triệu đồng trở lên, đơn vị chủ trì phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tài chính để lựa chọn đơn vị cung dịch vụ và ký kết hợp đồng theo đúng quy định.

5. Đối với các văn phòng phẩm khác do thực hiện nhiệm vụ đột xuất: Các đơn vị liên quan phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tài chính xác định nhu cầu về: số lượng, chủng loại, kinh phí mua văn phòng phẩm phù hợp với tính chất công việc, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Điều 11. Chi thông tin, tuyên truyền, liên lạc

1. Cước phí bưu chính:

1.1. Cước phí bưu chính bao gồm: cước phí gửi công văn, tài liệu, bưu phẩm, bưu kiện; chi mua tem thư (nếu có) phục vụ nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị thuộc dự toán Cơ quan Bộ.

Đối với khoản chi cước phí bưu chính triển khai nhiệm vụ chung của Cơ quan Bộ do các Cục thuộc Bộ (đơn vị dự toán độc lập) thực hiện được chi tập trung tại Văn phòng Bộ (Phòng Hành chính).

Văn phòng Bộ (phòng Hành chính) có trách nhiệm mở sổ theo dõi và thực hiện xác nhận số lượng công văn, tài liệu,... gửi đi tại Cơ quan Bộ hàng ngày.

1.2. Cước phí bưu chính được thanh toán theo thực tế sử dụng.

Hàng tháng, căn cứ hoá đơn cước phí bưu chính do đơn vị cung cấp dịch vụ thông báo, trên cơ sở xác nhận của Văn phòng Bộ (phòng Hành chính) đã thực hiện kiểm tra, đối chiếu, kèm theo bản photocopy sổ theo dõi số lượng công văn, tài liệu,... gửi đi trong tháng, Vụ Kế hoạch - Tài chính thực hiện thanh toán cước phí bưu chính cho đơn vị cung cấp dịch vụ.

2. Khoán chi điện thoại cố định tại nhà riêng và điện thoại di động đối với cán bộ, công chức có tiêu chuẩn:

2.1. Nội dung khoán: Khoán chi phí mua sắm máy điện thoại và cước phí sử dụng điện thoại cố định tại nhà riêng và điện thoại di động.

2.2. Đối tượng: Theo Phụ lục số 04 đính kèm.

2.3. Mức khoán:

a) Mức khoán chi phí mua sắm máy điện thoại:

- Mức chi mua máy điện thoại cố định tại nhà riêng: 300.000 đồng/máy.

- Mức chi mua sắm máy điện thoại di động: 3.000.000 đồng/máy.

b) Mức khoán cước phí sử dụng điện thoại cố định tại nhà riêng và điện thoại di động: Theo Phụ lục số 04 đính kèm.

2.4. Phương thức chi trả:

a) Đối với nội dung chi mua sắm máy điện thoại: Căn cứ tiêu chuẩn, đối tượng được trang bị, Vụ Kế hoạch - Tài chính thực hiện chi trả 01 lần vào tài khoản cá nhân;

b) Đối với nội dung chi cước phí sử dụng điện thoại cố định tại nhà riêng, điện thoại di động: Vụ Kế hoạch - Tài chính thực hiện chi trả vào tài khoản cá nhân cùng với kỳ thanh toán tiền lương hàng tháng.

2.5. Quy định về thời gian được thanh toán, chi trả cước phí:

Trường hợp, cán bộ, công chức được trang bị điện thoại cố định tại nhà riêng, điện thoại di động khi chuyển sang đảm nhiệm công tác mới không thuộc diện được trang bị điện thoại hoặc sau khi có quyết định nghỉ hưu, nghỉ công tác chỉ được thanh toán tiền cước phí sử dụng điện thoại cho cán bộ, công chức đó đến hết tháng có quyết định chuyển công tác hoặc quyết định nghỉ hưu, nghỉ công tác.

Riêng đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính được tiếp tục thanh toán cước phí sử dụng điện thoại cố định tại nhà riêng trong thời gian 03 tháng, tính từ thời điểm có quyết định nghỉ hưu, nghỉ công tác.

3. Chi mua báo, tạp chí, ấn phẩm phục vụ nhiệm vụ chuyên môn:

3.1. Việc cung cấp báo, tạp chí, ấn phẩm được thực hiện theo nguyên tắc sau:

a) Báo, tạp chí, ấn phẩm các loại cung cấp phải phục vụ trực tiếp cho các hoạt động thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao của từng đơn vị, đảm bảo hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả;

b) Đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu theo dõi thông tin của Lãnh đạo Bộ; phục vụ công tác tuyền truyền của Phòng Báo chí tuyên truyền và công tác lưu trữ, phục vụ nghiên cứu, tra cứu của cán bộ, công chức Cơ quan Bộ tại Phòng Lưu trữ, Thư viện Cơ quan Bộ;

c) Không thực hiện cung cấp các báo, tạp chí, ấn phẩm ngoài chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị; cán bộ, công chức thực hiện khai thác các báo mạng phục vụ công việc, công tác nghiên cứu và tra cứu thông tin.

3.2. Căn cứ danh mục báo, tạp chí, ấn phẩm đề nghị cung cấp của các đơn vị, Văn phòng Bộ chủ trì, phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tài chính rà soát danh mục báo, tạp chí, ấn phẩm phục vụ nhiệm vụ chuyên môn của Cơ quan Bộ, tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét, phê duyệt làm căn cứ lựa chọn đơn vị cung cấp theo quy định của pháp luật hiện hành.

3.3. Văn phòng Bộ (Phòng Hành chính) chịu trách nhiệm mở sổ giao nhận và theo dõi tình hình tiếp nhận báo, tạp chí, ấn phẩm với đơn vị cung cấp và lập phiếu giao - nhận với các đơn vị thuộc Cơ quan Bộ để làm căn cứ thanh quyết toán.

3.4. Hàng tháng, căn cứ hoá đơn mua báo, tạp chí, ấn phẩm do đơn vị cung ứng dịch vụ thông báo, trên cơ sở xác nhận của Văn phòng Bộ (phòng Hành chính) kèm theo bản photocopy sổ theo dõi số lượng, danh mục báo, tạp chí,... giao nhận theo từng ngày trong tháng với đơn vị cung ứng (có xác nhận của bên giao, bên nhận) và phiếu giao, nhận báo, tạp chí, ấn phẩm giữa Văn phòng Bộ (Phòng Hành chính) và các đơn vị thuộc Cơ quan Bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính kiểm soát để thực hiện thanh toán cho đơn vị cung cấp dịch vụ.

4. Chi công tác tuyền truyền và thông tin khác:

4.1. Nội dung:

a) Chi tổ chức các cuộc họp báo, đưa tin, tuyền truyền về chế độ, chính sách thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính;

b) Chi tuyền truyền, phổ biến pháp luật đối với cán bộ, công chức, nhân viên trong Cơ quan Bộ.

c) Các khoản chi phục vụ tuyên truyền khác, như: Chi in ấn tài liệu, băng rôn, khẩu hiệu,... phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền.

4.2. Mức chi:

a) Chi tổ chức các cuộc họp báo:

- Chi cho công tác tổ chức: Thực hiện theo chế độ chi hội nghị hiện hành của Nhà nước và quy định tại Quy chế này đối với từng nội dung thực hiện.

- Chi bồi dưỡng cho các phóng viên báo, đài thuộc đối tượng khách mời đến ghi hình, đưa tin (không bao gồm các đơn vị, phóng viên của các cơ quan báo chí thuộc Bộ Tài chính): 100.000 đồng/người/cuộc.

b) Chi tuyền truyền, phổ biến pháp luật đối với cán bộ, công chức, nhân viên Cơ quan Bộ và các khoản chi phục vụ tuyên truyền khác: Thực hiện theo chế độ quy định hiện hành của Nhà nước và quy định tại Quy chế này đối với từng nội dung tương ứng thực hiện.

Điều 12. Chế độ chi hội nghị, hội thảo, tập huấn nghiệp vụ

Thực hiện quy định tại Thông tư số 97/2010/BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tiêu hội nghị đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, Quyết định số 3151/QĐ-BTC ngày 30/11/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tài chính và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có). Căn cứ đặc điểm tình hình hoạt động của Cơ quan Bộ, một số tiêu chuẩn, định mức chi cụ thể như sau:

1. Nội dung và mức chi:

1.1. Tiền nước uống trong hội nghị, hội thảo, tập huấn nghiệp vụ:

a) Đối với các cuộc hội nghị, hội thảo, tập huấn nghiệp vụ có số lượng đại biểu tham dự từ 150 người trở lên: Mức chi tối đa 20.000 đồng/người/ngày (02 buổi);

b) Đối với các cuộc hội nghị, hội thảo, tập huấn nghiệp vụ có số lượng đại biểu tham dự dưới 150 người: Mức chi tối đa 30.000 đồng/người/ngày (02 buổi);

Căn cứ thanh toán tiền nước uống là Giấy mời và danh sách đại biểu mời tham dự hoặc số lượng đại biểu tham dự được cấp thẩm quyền phê duyệt.

1.2. Chi bồi dưỡng giảng viên, báo cáo viên đối với các lớp tập huấn nghiệp vụ, các lớp phổ biến, quán triệt triển khai cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước; chi bồi dưỡng báo cáo tham luận trình bày tại hội nghị:

a) Giảng viên, báo cáo viên là Bộ trưởng và các chức danh tương đương: Mức chi tối đa 1.000.000 đồng/người/buổi.

b) Giảng viên, báo cáo viên là Thứ trưởng và các chức danh tương đương; Giáo sư, Tiến sỹ khoa học, Chuyên gia cao cấp và các chức danh tương đương: Mức chi tối đa 800.000 đồng/người/buổi.

c) Giảng viên, báo cáo viên là Vụ trưởng và Phó Vụ trưởng thuộc Bộ; Viện trưởng và Phó Viện trưởng; Cục trưởng, Phó Cục trưởng và các chức danh tương đương; Phó giáo sư; Tiến sỹ; Giảng viên chính và các chức danh tương đương: Mức chi tối đa 600.000 đồng/người/buổi.

d) Giảng viên, báo cáo viên là cán bộ, công chức, viên chức công tác tại các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và cấp tỉnh (ngoài các đối tượng quy định trên): Mức chi tối đa 500.000 đồng/người/buổi.

1.3. Chi hỗ trợ tiền ăn cho đại biểu là khách mời không thuộc diện hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo hình thức khoán bằng tiền cho đại biểu:

- Hội nghị, cuộc họp tổ chức tại địa điểm nội thành của thành phố trực thuộc Trung ương: Mức chi tối đa 150.000 đồng/ngày/người.

- Hội nghị, cuộc họp tổ chức tại địa điểm nội thành, nội thị của thành phố trực thuộc tỉnh và các địa điểm còn lại: Mức chi tối đa 100.000 đồng/ngày/người.

Trong trường hợp nếu phải tổ chức ăn tập trung, mức khoán nêu trên không đủ chi phí, căn cứ tính chất từng cuộc họp và trong phạm vi nguồn ngân sách được giao, đơn vị chủ trì tổ chức hội nghị phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tài chính báo cáo Bộ xem xét, phê duyệt mức chi hỗ trợ tiền ăn cho đại biểu là khách mời không thuộc diện hưởng lương từ ngân sách nhà nước cao hơn mức khoán bằng tiền nêu trên, nhưng tối đa không vượt quá 130% mức khoán bằng tiền; đồng thời thực hiện thu tiền ăn từ tiền công tác phí của các đại biểu hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo mức tối đa bằng mức khoán chi phụ cấp lưu trú khi đi công tác quy định tại khoản 2 Điều 13 Quy chế này và được phép chi bù thêm phần chênh lệch (giữa mức chi thực tế do tổ chức ăn tập trung với mức đã thu tiền ăn từ tiền công tác phí của các đại biểu hưởng lương từ ngân sách nhà nước, đại biểu thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập và đại biểu từ các doanh nghiệp).

2. Hồ sơ thủ tục tạm ứng và thanh quyết toán:

2.1. Tạm ứng kinh phí:

a) Hồ sơ, điều kiện tạm ứng:

- Chủ trương tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn nghiệp vụ đã được cấp thẩm quyền phê duyệt kèm theo các tài liệu liên quan, như: Nội dung chương trình, kế hoạch tổ chức (thời gian, địa điểm, thành phần,...);

- Dự toán kinh phí tổ chức Hội nghị, hội thảo, tập huấn do đơn vị chủ trì lập theo đúng chế độ, định mức quy định hiện hành;

- Giấy đề nghị tạm ứng theo mẫu quy định.

Căn cứ tình hình thực tế, Vụ Kế hoạch - Tài chính thực hiện tạm ứng kinh phí phù hợp với tính chất, quy mô, địa điểm tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn.

b) Hồ sơ thanh quyết toán kinh phí tạm ứng:

Chậm nhất sau 15 ngày sau khi kết thúc việc tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, các đơn vị phải hoàn tất hồ sơ thanh toán kinh phí đã tạm ứng; Hồ sơ thanh toán kinh phí tạm ứng bao gồm:

- Giấy đề nghị thanh quyết toán tạm ứng theo mẫu quy định kèm theo bảng kê chi tiết các khoản chi, hợp đồng cung cấp dịch vụ với đơn vị có chức năng cung ứng dịch vụ.

- Chương trình hội nghị chính thức và danh sách đại biểu thực tế tham dự và các tài liệu khác có liên quan (báo cáo hội nghị, báo cáo tham luận,...).

- Hồ sơ, chứng từ chi hợp pháp theo đúng nội dung và định mức chi được duyệt.

Đối với các dịch vụ, hàng hóa phục vụ hội nghị, hội thảo, tập huấn thực hiện ký kết hợp đồng với đơn vị cung cấp, như: in ấn, photocopy tài liệu; biên dịch tài liệu; phiên dịch (dịch nói, dịch đuổi); thuê chỗ nghỉ, hội trường, thiết bị,...; đơn vị chủ trì tổ chức hội nghị có trách nhiệm phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tài chính thực hiện việc đấu thầu, lựa chọn và ký kết hợp đồng với đơn vị cung cấp theo quy định của pháp luật hiện hành.

c) Thời gian thực hiện thanh quyết toán:

Trường hợp nội dung, mức chi tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn đảm bảo phù hợp dự toán đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và có đầy đủ hồ sơ, chứng từ hợp pháp, hợp lệ, Vụ Kế hoạch - Tài chính thực hiện quyết toán kinh phí tổ chức hội nghị (trường hợp không tạm ứng) hoặc quyết toán số kinh phí đã tạm ứng và thanh toán kinh phí bổ sung (nếu có) theo quy định.

Trường hợp phát sinh các nội dung chi ngoài dự toán, hoặc mức chi vượt định mức được duyệt, đơn vị chủ trì có trách nhiệm giải trình rõ kèm theo các hồ sơ, tài liệu liên quan để Vụ Kế hoạch - Tài chính tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định.

Việc thanh quyết toán kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn nghiệp vụ chậm nhất sau 15 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, chứng từ theo quy định.

Điều 13. Chế độ công tác phí

Chế độ công tác phí được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính, Quyết định số 3151/QĐ-BTC ngày 30/11/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tài chính và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Căn cứ đặc điểm tình hình hoạt động của Cơ quan Bộ, một số tiêu chuẩn, định mức chi cụ thể như sau:

1. Thanh toán chi phí phương tiện đi công tác:

1.1. Đi công tác bằng xe ô tô của cơ quan:

a) Đối tượng được sử dụng xe ô tô cơ quan đi công tác: Cán bộ lãnh đạo cấp Vụ, Cục trở lên và các chức danh tương đương thuộc các Cục, Vụ thuộc Cơ quan Bộ và các cán bộ, công chức không phải là lãnh đạo cấp Vụ, Cục đi cùng đoàn công tác.

b) Các cán bộ đi công tác căn cứ vào yêu cầu công tác, thực hiện đăng ký với các đơn vị bố trí xe cho phù hợp với quy định, cụ thể:

- Tại Hà Nội: đăng ký sử dụng xe ô tô với Đoàn xe thuộc Văn phòng Bộ đối với lịch trình công tác tại các tỉnh phía Bắc và Miền trung.

- Tại thành phố Hồ Chí Minh: đăng ký với Đại diện cơ quan Bộ Tài chính tại Thành phố Hồ Chí Minh đối với lịch trình công tác tại các tỉnh phía Nam.

1.2. Trường hợp thuê phương tiện đi công tác:

a) Cán bộ đi công tác được thanh toán tiền phương tiện đi lại, bao gồm:

- Tiền thuê phương tiện chiều đi và về từ nhà đến sân bay, ga tàu, bến xe;

- Tiền vé tàu, xe vận tải công cộng từ cơ quan để di chuyển đến nơi công tác và theo chiều ngược lại;

- Tiền thuê phương tiện đi lại tại địa phương nơi đến công tác: từ chỗ nghỉ đến chỗ làm việc, từ sân bay, ga tàu, bến xe về nơi nghỉ (lượt đi và lượt về);

- Cước qua phà, qua đò cho bản thân và phương tiện của người đi công tác; phí sử dụng đường bộ và cước chuyên chở tài liệu phục vụ cho chuyến đi công tác (nếu có) mà người đi công tác đã trực tiếp chi trả.

Trường hợp sử dụng phương tiện đi lại của Bộ hoặc đơn vị nơi cán bộ đến công tác đã bố trí phương tiện vận chuyển thì người đi công tác không được thanh toán các khoản chi phí này.

Chứng từ thanh toán, bao gồm: Vé, hoá đơn mua vé, hoặc giấy biên nhận của chủ phương tiện. Giá vé không bao gồm các chi phí dịch vụ khác như: thăm quan du lịch, các dịch vụ đặc biệt theo yêu cầu cá nhân.

b) Trường hợp cán bộ đi công tác bằng phương tiện máy bay:

- Đối tượng được đi công tác bằng phương tiện máy bay:

+ Bộ trưởng Bộ Tài chính; Thứ trưởng Bộ Tài chính; Cán bộ lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,3 trở lên.

+ Cán bộ lãnh đạo cấp Vụ và tương đương Vụ thuộc Bộ.

+ Cán bộ, công chức có mức lương từ hệ số 6,1 trở lên.

Trường hợp khi có yêu cầu giải quyết công việc gấp mà cán bộ được cử đi công tác không có tiêu chuẩn đi bằng phương tiện máy bay, Thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ có văn bản đề nghị gửi Văn phòng Bộ xem xét, phê duyệt. Việc giải quyết cho cán bộ, công chức đi công tác bằng phương tiện máy bay phải đảm bảo nguyên tắc đúng người, đúng việc, tiết kiệm và Thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm trước Bộ về đề xuất của mình.

- Tiêu chuẩn hạng ghế vé máy bay:

+ Hạng ghế thương gia (Business class hoặc C class): Bộ trưởng, Thứ trưởng, cán bộ lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,3 trở lên;

+ Hạng ghế thường: Các chức danh cán bộ, công chức còn lại.

- Mức chi: Người đi công tác trong nước bằng máy bay được thanh toán các khoản tiền mua vé máy bay theo hoá đơn và giá ghi trên vé của các hãng hàng không.

- Đăng ký vé máy bay: Cán bộ, công chức có tiêu chuẩn được đi máy bay hoặc được phê duyệt đi công tác bằng vé máy bay, có trách nhiệm đăng ký mua vé theo lịch trình công tác tại Vụ Kế hoạch - Tài chính (Phòng Quản trị).

- Chậm nhất sau 05 ngày kết thúc chuyến công tác, người đi công tác có trách nhiệm gửi cuống vé hoặc vé điện tử kèm theo thẻ lên máy bay (boarding card) về Vụ Kế hoạch - Tài chính (Phòng Quản trị) để làm căn cứ thanh toán theo quy định.

1.3. Trường hợp khoán tiền tự túc phương tiện đi công tác:

a) Nội dung khoán:

- Khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đưa đón các đối tượng có tiêu chuẩn đi công tác bằng máy bay hoặc được Văn phòng Bộ duyệt đi công tác bằng phương tiện máy bay theo một số tuyến đường từ cơ quan đến sân bay, từ sân bay nơi đến vào nội thành thành phố và ngược lại (nếu có):

- Khoán tiền tàu xe đi và về từ cơ quan đến nơi công tác đối với cán bộ công chức không có tiêu chuẩn đi công tác bằng máy bay và công tác bằng ô tô của cơ quan:

b) Mức khoán: Theo Phụ lục số 05 đính kèm.

c) Hồ sơ thanh toán gồm:

- Giấy đi đường của người đi công tác có đóng dấu của Văn phòng Bộ và ký xác nhận, đóng dấu ngày đến, ngày đi của cơ quan nơi cán bộ đến công tác (hoặc của khách sạn, nhà khách nơi lưu trú);

- Bảng kê độ dài quãng đường đi công tác đối với địa điểm đến công tác chưa quy định mức khoán tại Phụ lục số 05 có xác nhận của Thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ.

2. Thanh toán phụ cấp lưu trú:

2.1. Mức phụ cấp lưu trú:

a) Đối với cán bộ được cử đi công tác làm nhiệm vụ trên biển, đảo thì được hưởng mức phụ cấp lưu trú tối đa là 200.000 đồng/người/ngày thực tế đi biển, đảo (áp dụng cho cả những ngày làm việc trên đảo, những ngày đi, về trên biển).

b) Đối với các cán bộ đi công tác ở các vùng còn lại được hưởng mức phụ cấp lưu trú tối đa là 150.000 đồng/ngày/người.

c) Trường hợp đi công tác các tỉnh trong ngày (đi và về trong ngày) hoặc đi công tác tại các quận, huyện thuộc thành phố Hà Nội có cự ly khoảng cách từ trụ sở Cơ quan Bộ đến nơi công tác từ 20 km trở lên, mức phụ cấp lưu trú là 100.000 đồng/người/ngày.

2.2. Hồ sơ thanh toán gồm:

- Văn bản hoặc kế hoạch công tác đã được Thủ trưởng đơn vị phê duyệt và cử đi công tác;

- Giấy đi đường của người đi công tác có đóng dấu của Văn phòng Bộ và ký xác nhận, đóng dấu ngày đến, ngày đi của cơ quan nơi cán bộ đến công tác (hoặc của khách sạn, nhà khách nơi lưu trú).

3. Thanh toán tiền thuê phòng nghỉ tại nơi đến công tác:

Các cán bộ đi công tác được thanh toán tiền thuê chỗ nghỉ theo một trong hai hình thức như sau:

3.1. Thanh toán theo hình thức khoán:

a) Lãnh đạo cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng và các chức danh tương đương: Mức khoán tối đa 900.000 đồng/ngày/người, không phân biệt nơi đến công tác.

b) Các chức danh cán bộ, công chức còn lại:

- Đi công tác ở quận thuộc thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng, thành phố Cần Thơ, thành phố Đà Nẵng, thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hoà), thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) và thành phố là đô thị loại I thuộc tỉnh. Mức khoán tối đa 350.000 đồng/ngày/người;

- Đi công tác tại huyện thuộc các thành phố trực thuộc trung ương, tại thị xã, thành phố còn lại thuộc tỉnh: Mức khoán tối đa 250.000 đồng/ngày/người;

- Đi công tác tại các vùng còn lại: Mức khoán tối đa 200.000 đồng/ngày/người.

c) Trường hợp cán bộ đi công tác do phải hoàn thành công việc đến cuối ngày, hoặc do chỉ đăng ký được phương tiện đi lại (vé máy bay, tàu hoả, ô tô) từ 18h đến 24h cùng ngày thì được thanh toán tiền nghỉ của nửa ngày nghỉ thêm tối đa bằng 50% mức khoán tiền thuê phòng tương ứng. Chứng từ để chứng minh là vé máy bay (kèm Boarding card), vé tàu, vé ô tô có ghi giờ xuất phát.

3.2. Thanh toán theo hoá đơn thực tế:

Cán bộ, công chức đi công tác không thực hiện khoán tiền thuê phòng nghỉ theo quy định tại điểm 3.1 nêu trên thì được thanh toán theo giá thuê phòng thực tế. Mức chi thanh toán tiền thuê phòng ngủ cụ thể như sau:

a) Đối với Bộ trưởng: Được thanh toán mức giá thuê phòng ngủ tối đa là 2.500.000 đồng/ngày/phòng theo tiêu chuẩn một người/01 phòng; không phân biệt nơi đến công tác.

b) Đối với Thứ trưởng và các chức danh tương đương:

- Đi công tác tại các quận thuộc thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng, thành phố Cần Thơ, thành phố Đà Nẵng, thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hoà), thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) và thành phố là đô thị loại I thuộc tỉnh: Được thanh toán mức giá thuê phòng ngủ tối đa là 1.200.000 đồng/ngày/phòng theo tiêu chuẩn một người/01 phòng;

- Đi công tác tại các vùng còn lại: Được thanh toán mức giá thuê phòng ngủ tối đa là 1.000.000 đồng/ngày/phòng theo tiêu chuẩn một người/01 phòng;

c) Các đối tượng cán bộ còn lại:

- Đi công tác tại các quận thuộc thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng, thành phố Cần Thơ, thành phố Đà Nẵng, thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hoà), thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) và thành phố là đô thị loại I thuộc tỉnh: Được thanh toán mức giá thuê phòng ngủ tối đa là 900.000 đồng/ngày/phòng theo tiêu chuẩn 02 người/phòng;

- Đi công tác tại các vùng còn lại: Được thanh toán mức giá thuê phòng ngủ tối đa là 600.000 đồng/ngày/phòng theo tiêu chuẩn 2 người/phòng;

Trường hợp đi công tác một mình hoặc đoàn công tác có lẻ người hoặc lẻ người khác giới được thuê phòng riêng theo mức giá thuê phòng thực tế nhưng tối đa không được vượt mức tiền thuê phòng của những người đi cùng đoàn (theo tiêu chuẩn 2 người/phòng);

d) Trường hợp cán bộ công chức được cử đi công tác cùng đoàn với các chức danh Lãnh đạo có tiêu chuẩn thuê phòng khách sạn cao hơn tiêu chuẩn của cán bộ công chức, thì được thanh toán theo mức giá thuê phòng thực tế của loại phòng tiêu chuẩn (phòng Standard) tại khách sạn nơi Lãnh đạo nghỉ và theo tiêu chuẩn 2 người/phòng.

đ) Trường hợp cán bộ đi công tác do phải hoàn thành công việc đến cuối ngày, hoặc do chỉ đăng ký được phương tiện đi lại (vé máy bay, tàu hoả, ô tô) từ 18h đến 24h cùng ngày, thì được thanh toán tiền nghỉ tối đa bằng 50% mức thanh toán theo hoá đơn thực tế của ngày nghỉ thêm đối với từng đối tượng và vùng miền quy định nêu trên.

3.3. Trường hợp cán bộ, công chức đi công tác đến nơi cơ quan, đơn vị đã bố trí được chỗ nghỉ không phải trả tiền thuê chỗ nghỉ, thì người đi công tác không được thanh toán khoản tiền thuê chỗ nghỉ. Nếu phát hiện những trường hợp cán bộ đã được cơ quan, đơn vị nơi đến công tác bố trí chỗ nghỉ không phải trả tiền nhưng vẫn đề nghị cơ quan, đơn vị cử đi công tác thanh toán khoản tiền thuê chỗ nghỉ, thì người đi công tác phải nộp lại số tiền đã thanh toán, đồng thời phải bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ công chức.

4. Quy trình và hồ sơ tạm ứng và thanh toán công tác phí:

4.1. Điều kiện, thủ tục tạm ứng:

a) Hồ sơ đề nghị tạm ứng, gồm:

- Giấy đề nghị tạm ứng theo mẫu quy định do cán bộ, công chức được cử đi công tác lập kèm theo chương trình, kế hoạch công tác (thời gian, số ngày, địa điểm công tác) đã được Thủ trưởng đơn vị phê duyệt;

- Giấy đi đường do Văn phòng Bộ (phòng Hành chính) cấp;

- Quyết định cử cán bộ, công chức đi công tác (nếu có);

- Giấy đề nghị uỷ quyền ký hợp đồng thuê phòng nghỉ (đối với các đoàn đi công tác từ 03 người và có thời gian công tác tại một địa bàn, địa điểm từ 07 ngày trở lên).

b) Mức tạm ứng: 100% tiền vé tàu xe, 70% tiền lưu trú (trên cơ sở kế hoạch công tác hoặc thời gian ghi trong Quyết định cử đi công tác).

c) Cán bộ, công chức chưa thanh toán kinh phí đã tạm ứng đợt trước thì không được tiếp tục tạm ứng, trừ trường hợp trong vòng 15 ngày kể từ khi kết thúc đợt công tác trước mà cán bộ, công chức chưa kịp thanh toán lại được tiếp tục cử đi công tác. Trường hợp đặc biệt, cán bộ, công chức phải giải trình bằng văn bản và có ý kiến xác nhận của Thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ, công chức về việc đề nghị tạm ứng kinh phí công tác.

4.2. Thanh quyết toán chi phí đi công tác:

a) Hồ sơ thanh quyết toán:

- Giấy đề nghị thanh toán tạm ứng, thanh toán chi phí đi công tác theo mẫu quy định;

- Giấy đi đường có ký xác nhận, đóng dấu ngày đến, ngày đi của cơ quan, đơn vị nơi cán bộ, công chức đến công tác (hoặc khách sạn, nhà khách nơi lưu trú);

- Bảng kê các nội dung đề nghị thanh toán kèm theo hoá đơn, chứng từ thanh toán liên quan đối với đoàn thanh toán theo thực tế, gồm: vé máy bay và thẻ lên máy bay (boarding card), vé tàu, xe và hoá đơn dịch vụ khác nếu có. Hoá đơn phòng ngủ được ghi đầy đủ các yếu tố: tên cán bộ, công chức sử dụng phòng nghỉ; số hiệu phòng nghỉ; thời gian nghỉ; đơn giá phòng; tổng số tiền thanh toán,...; trường hợp nếu có nhiều người nghỉ và hoá đơn không thể hiện hết nội dung thì ngoài hóa đơn phải kèm theo bảng kê có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi cán bộ đến công tác (hoặc khách sạn, nhà khách nơi lưu trú) về những nội dung nêu trên.

b) Thời hạn thanh quyết toán:

- Chậm nhất sau 15 ngày hoàn thành đợt công tác, các đoàn công tác, hoặc cán bộ, công chức được cử đi công tác có trách nhiệm hoàn tất thủ tục thanh toán chi phí đi công tác theo chế độ quy định.

Đối với các trường hợp đã tạm ứng kinh phí nhưng chậm thanh quyết toán, hoặc không làm thủ tục quyết toán sau 03 tháng kể từ ngày nhận tạm ứng, Vụ Kế hoạch - Tài chính sẽ thực hiện khấu trừ vào lương của cán bộ, công chức trực tiếp nhận tạm ứng cho đến khi thu hồi đủ số kinh phí đã tạm ứng.

- Vụ Kế hoạch - Tài chính thực hiện kiểm tra, đối chiếu và thanh toán các khoản chi phí công tác theo chế độ chậm nhất sau 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ, chứng từ theo quy định.

c) Một số trường hợp lưu ý khác:

- Nếu số ngày nghỉ thực tế kéo dài hơn số ngày được duyệt trong quyết định cử đi công tác hoặc chương trình, kế hoạch công tác được duyệt, cán bộ, công chức đi công tác phải có văn bản giải trình và có ý kiến xác nhận của thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ về thời gian kéo dài.

- Đối với các đoàn công tác có sự tham gia của các đối tượng là khách mời thuộc cơ quan, đơn vị khác trong thành phần đoàn công tác mà Cơ quan Bộ Tài chính thực hiện thanh toán tiền thuê phòng nghỉ của cả đoàn, bao gồm cả các đối tượng khách mời phải được quy định rõ trong Giấy mời, hoặc công văn mời tham gia đoàn công tác hoặc quyết định thành lập, cử đoàn đi công tác.

5. Quy định về thanh toán khoán tiền công tác phí theo tháng:

Việc thanh toán khoán tiền công tác phí theo tháng được thực hiện đối với cán bộ, công chức thường xuyên đi công tác lưu động trên 10 ngày/tháng.

5.1. Đối tượng

a) 01 nhân viên văn thư Phòng Hành chính thuộc Văn phòng Bộ;

b) 01 cán bộ giao dịch Kho bạc Nhà nước thuộc Vụ Ngân sách Nhà nước.

c) 01 kế toán giao dịch tài khoản ngoại tệ (đoàn ra) tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng; 01 kế toán đối chiếu, thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội; 01 kế toán giao dịch, thanh toán các khoản chi thường xuyên và 01 kế toán giao dịch thanh toán các khoản chi không thường xuyên tại Kho bạc Nhà nước thuộc Vụ Kế hoạch - Tài chính.

d) 01 cán bộ làm thủ tục đoàn ra, đoàn vào của Vụ Hợp tác quốc tế.

đ) 01 nhân viên mua sắm vật tư, hàng hoá Cơ quan Bộ thuộc Vụ Kế hoạch - Tài chính.

e) 01 cán bộ y tế Cơ quan Bộ thuộc Vụ Kế hoạch - Tài chính.

g) 01 cán bộ làm thủ tục bảo hiểm xã hội thuộc Vụ Tổ chức cán bộ.

5.2. Mức khoán công tác phí: 300.000 đồng/người/tháng.

5.3. Hồ sơ, thủ tục thanh toán:

Căn cứ đối tượng, mức khoán nêu trên và đề nghị của Thủ trưởng đơn vị có đối tượng được hưởng, Vụ Kế hoạch - Tài chính thực hiện thanh toán, chi trả vào tài khoản cá nhân cùng với kỳ thanh toán lương hàng tháng. Trường hợp có sự thay đổi về nhân sự thực hiện các công việc nêu trên, Thủ trưởng các đơn vị phải kịp thời có ý kiến bằng văn bản gửi Vụ Kế hoạch - Tài chính để đảm bảo việc thanh toán, chi trả đúng người, đúng việc.

Điều 14. Chi biên dịch, phiên dịch

Thực hiện mức chi quy định tại Thông tư số 01/2010/TT-BTC ngày 06/01/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam và chi tiêu tiếp khách trong nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có) của Nhà nước, của Bộ Tài chính. Cụ thể như sau:

1. Nội dung và mức chi biên dịch tài liệu:

1.1. Dịch từ tiếng Anh hoặc tiếng của một nước thuộc EU sang tiếng Việt: tối đa 120.000 đồng/trang (350 từ);

1.2. Dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh hoặc tiếng của một nước thuộc EU: tối đa không quá 150.000 đồng/trang (350 từ);

1.3. Đối với một số ngôn ngữ không phổ thông mức chi biên dịch được phép tăng tối đa 30% so với mức chi biên dịch nêu trên.

2. Nội dung và mức chi phiên dịch:

2.1. Dịch nói thông thường: tối đa không quá 150.000 đồng/giờ/người, tương đương không quá 1.200.000 đồng/ngày/người làm việc 08 tiếng;

2.2. Dịch đuổi (dịch đồng thời, dịch cabin): Tối đa không quá 400.000 đồng/giờ/người, tương đương 3.200.000 đồng/ngày/người làm việc 08 tiếng;

Trong trường hợp đặc biệt, tuỳ theo quy mô và tính chất các cuộc hội nghị cần phải thuê phiên dịch có trình độ dịch đuổi cao để đảm bảo chất lượng của hội nghị, Thủ trưởng đơn vị chủ trì hội nghị trình Lãnh đạo Bộ xem xét phê duyệt mức chi cụ thể cho từng hội nghị, trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả.

3. Việc thuê ngoài biên dịch tài liệu, phiên dịch được thực hiện, thanh toán trên cơ sở hợp đồng ký kết với đơn vị có chức năng cung ứng dịch vụ, hoặc cá nhân có khả năng đáp ứng yêu cầu (kèm theo sơ yếu lý lịch và bản photocopy bằng cấp phù hợp có công chứng hoặc sao y bản chính theo quy định của pháp luật hiện hành). Đơn vị chủ trì có trách nhiệm phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tài chính lựa chọn đơn vị, cá nhân thực hiện và ký kết hợp đồng theo quy định.

Trường hợp sử dụng cán bộ, công chức của đơn vị chủ trì hội nghị, hội thảo hoặc các bộ, công chức các đơn vị khác thuộc Cơ quan Bộ (kể cả cán bộ, công chức của các Cục) thực hiện công tác biên dịch tài liệu, phiên dịch thì được thanh toán tối đa không quá 50% mức chi biên dịch, phiên dịch đi thuê ngoài nêu trên. Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm đề xuất về việc thanh toán chi phí biên dịch, phiên dịch bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả đúng người, đúng việc.

4. Hồ sơ, thủ tục tạm ứng và thanh toán kinh phí:

4.1. Điều kiện, hồ sơ tạm ứng:

a) Nội dung tài liệu biên dịch; chương trình hội nghị, hội thảo có phiên dịch được Lãnh đạo Bộ phê duyệt.

b) Dự toán chi biên dịch, phiên dịch do đơn vị chủ trì lập và dự thảo Hợp đồng thuê biên dịch, phiên dịch theo quy định của pháp luật hiện hành về hợp đồng kinh tế (nếu có).

Vụ Kế hoạch - Tài chính thực hiện tạm ứng kinh phí theo tiến độ, thời gian quy định tại điều khoản thanh toán trong hợp đồng ký kết.

4.2 Hồ sơ thanh toán bao gồm:

a) Giấy đề nghị thanh toán theo mẫu quy định.

b) Biên bản bàn giao, nghiệm thu công việc kèm theo bản photocopy tài liệu gốc và tài liệu dịch kèm theo file dữ liệu điện tử văn bản dịch (trường hợp biên dịch tài liệu).

c) 02 bản gốc Hợp đồng và 02 bản gốc Thanh lý hợp đồng biên dịch, phiên dịch kèm theo hoá đơn giá trị gia tăng (đối với pháp nhân) hoặc Giấy biên nhân (đối với thể nhân).

Trường hợp bên thuê biên dịch, phiên dịch là cá nhân, trong hợp đồng ký kết phải có điều khoản quy định rõ về việc thực hiện khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế thu nhập cá nhân. Đối với cá nhân đã được cơ quan Thuế cấp mã số thuế thu nhập cá nhân, mức khấu trừ là 10% trên giá trị hợp đồng. Đối với cá nhân chưa được cấp mã số thuế thu nhập cá nhân, mức khấu trừ là 20% trên giá trị hợp đồng.

Việc thanh toán thực hiện theo quy định của điều khoản thanh toán trong hợp đồng ký kết hoặc chậm nhất sau 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, chứng từ thanh quyết toán đối với trường hợp sử dụng cán bộ, công chức của đơn vị hoặc các đơn vị khác thuộc Bộ thực hiện biên dịch, phiên dịch.

Điều 15. Chi đoàn đi công tác tại nước ngoài

Thực hiện theo đúng nội dung, tiêu chuẩn, định mức chi tại Thông tư số 91/2005/TT-BTC ngày 18/10/2005 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí và các văn bản sửa đổi bổ sung (nếu có) của Nhà nước, của Bộ Tài chính.

1. Điều kiện, hồ sơ tạm ứng:

1.1. Quyết định cử đoàn đi công tác của cấp thẩm quyền.

1.2. Chương trình, kế hoạch và lịch trình công tác đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

1.3. Giấy mời của phía nước ngoài liên quan đến chi phí tài chính (nếu có).

1.4. Dự toán chi tiết từng nội dung theo chế độ chi hiện hành và được lập theo mẫu quy định kèm theo các hồ sơ, tài liệu liên quan; trong đó:

a) Thực hiện lựa chọn đơn vị dịch vụ cung cấp vé máy bay: Phải đảm bảo nguyên tắc chào giá cạnh tranh của các hãng hàng không hoạt động hợp pháp tại Việt Nam phù hợp với hành trình, thời gian đi và về của đoàn đi công tác, trong đó: Đoàn công tác hoặc cán bộ được cử đi công tác có nhiệm vụ cung cấp báo giá vé máy bay của 02 hãng Hàng không do 02 Công ty hoặc Đại lý khác nhau (trong đó có 01 hãng hàng không của Việt Nam) cung cấp, kèm theo hồ sơ đặt chỗ phù hợp; 01 báo giá do Vụ Kế hoạch - Tài chính cung cấp để đối chiếu, thẩm định. Đơn vị được lựa chọn cung cấp vé là đơn vị có báo giá thấp nhất.

b) Báo giá khách sạn nơi đoàn ở (trường hợp mức thuê phòng ở vượt mức chi quy định). Nội dung báo giá phải phản ánh đầy đủ thông tin về đơn vị cung cấp, tiêu chuẩn khách sạn, tiêu chuẩn phòng phù hợp với chế độ. Trường hợp do điều kiện khách quan phải thuê phòng nghỉ cao hơn mức chi quy định, đơn vị chủ trì, đoàn công tác, hoặc cán bộ, công chức được cử đi công tác phải có văn bản giải trình gửi Vụ Kế hoạch - Tài chính để trình Lãnh đạo Bộ xem xét, phê duyệt trước khi triển khai thực hiện.

c) Các hồ sơ, tài liệu khác có liên quan (nếu có).

1.5. Dự toán và hồ sơ đề nghị tạm ứng phải được lập và gửi Vụ Kế hoạch - Tài chính tối thiểu trước khi đi công tác 05 ngày làm việc để đảm bảo thời gian thực hiện. Trường hợp đơn vị hoặc cán bộ, công chức đi công tác hoàn thành thủ tục chậm, không đảm bảo thời gian phải hoàn toàn chịu trách nhiệm và chủ động phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tài chính xem xét, giải quyết.

2. Hồ sơ, chứng từ thanh quyết toán:

2.1 Đối với trường hợp thanh toán khoán, gồm:

a) Giấy đề nghị thanh toán kèm theo bảng kê chi tiết theo mẫu quy định.

b) Thẻ lên máy bay (boarding card), bản photocopy Hộ chiếu của từng thành viên đoàn công tác có đóng dấu xuất cảnh, nhập cảnh tại Việt Nam và nước đến công tác phù hợp với lịch trình và thời gian công tác trong Quyết định cử đi công tác.

c) Các hồ sơ, chứng từ liên quan khác có liên quan (nếu có).

2.2. Trường hợp thanh toán theo hoá đơn thực tế, gồm:

a) Giấy đề nghị thanh quyết toán kèm theo bảng kê chi tiết theo mẫu quy định.

b) Hoá đơn mua vé, cuống vé máy bay (hoặc vé điện tử) và thẻ lên máy bay (boarding card).

c) Hoá đơn thanh toán tiền ở trong thời gian công tác tại nước ngoài.

d) Hoá đơn chiêu đãi tại nước sở tại (đối với đối tượng có tiêu chuẩn) kèm theo các danh sách khách mời tham dự tiệc chiêu đãi được duyệt.

đ) Hoá đơn thanh toán cước phí điện thoại.

e) Hoá đơn tiền thuê phương tiện đi lại tại nước ngoài.

g) Hoá đơn mua bảo hiểm (trường hợp mua bảo hiểm) kèm theo giấy chứng nhận bảo hiểm từng người.

h) Hoá đơn các khoản phí và lệ phí theo quy định.

2.3. Các hồ sơ, chứng từ thanh toán nếu bằng tiếng nước ngoài phải được dịch ra tiếng Việt. Đơn vị chủ trì, đoàn đi công tác hoặc cán bộ, công chức được cử đi công tác phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính xác thực và chính xác của các nội dung hồ sơ, chứng từ dịch nêu trên.

3. Thời gian thực hiện thanh quyết toán:

3.1. Chậm nhất sau 05 ngày kể từ ngày kết thúc chuyến đi công tác, đoàn công tác hoặc cán bộ, công chức được cử đi công tác phải lập báo cáo quyết toán theo mẫu quy định kèm theo đầy đủ hồ sơ, chứng từ liên quan gửi Vụ Kế hoạch - Tài chính để làm thủ tục quyết toán với Kho bạc Nhà nước theo quy định.

3.2. Trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ, chứng từ đề nghị quyết toán, Vụ Kế hoạch - Tài chính có trách nhiệm thẩm định, hoàn tất thủ tục quyết toán với Kho bạc Nhà nước đối với đoàn đi công tác phù hợp với chính sách, chế độ và trong phạm vi dự toán được duyệt hoặc trình Bộ xem xét, quyết định đối với các đoàn đi công tác có số chi quyết toán vượt định mức hoặc các khoản phát sinh ngoài dự toán để trên cơ sở đó hoàn tất thủ tục quyết toán với Kho bạc Nhà nước.

Sau khi Kho bạc Nhà nước kiểm soát, thẩm định và làm thủ tục thanh quyết toán, Vụ Kế hoạch - Tài chính có trách nhiệm thông báo tổng số chi quyết toán được duyệt đối với đoàn công tác hoặc cán bộ, công chức đi công tác; trường hợp được thanh toán bổ sung ngoài mức kinh phí đã tạm ứng, Vụ Kế hoạch - Tài chính thực hiện thanh toán trong vòng 05 ngày kể từ ngày quyết toán chi được cơ quan kiểm soát chi phê duyệt.

3.3. Trường hợp sau 15 ngày kể từ ngày kết thúc chuyến công tác, đoàn công tác hoặc cán bộ đi công tác chưa làm thủ tục thanh toán, Vụ Kế hoạch - Tài chính thực hiện thu hồi số tiền đã tạm ứng (nếu có) từ tiền lương hàng tháng của cán bộ, công chức đi công tác cho đến khi thu hồi đủ số kinh phí đã tạm ứng.

Điều 16. Chi tiếp đón các đoàn khách nước ngoài vào làm việc

1. Nội dung và mức chi:

1.1. Đối với các đoàn khách nước ngoài vào làm việc do Bộ Tài chính đài thọ toàn bộ chi phí ăn, ở và đi lại trong nước:

a) Chi đón, tiễn khách tại sân bay:

- Chi tặng hoa: Tặng hoa cho các thành viên đoàn đối với khách hạng đặc biệt và khách hạng A; tặng hoa cho trưởng đoàn và đoàn viên là nữ đối với khách hạng B; tặng hoa cho trưởng đoàn là nữ đối với khách hạng C;

Mức chi tặng hoa tối đa 200.000 đồng/01 người.

- Chi thuê phòng chờ tại sân bay: Chỉ áp dụng đối với khách hạng đặc biệt, khách hạng A và khách hạng B.

Giá thuê phòng chờ thanh toán căn cứ theo hoá đơn thu tiền của đơn vị có chức năng cung cấp dịch vụ tại sân bay.

b) Tiêu chuẩn xe ô tô:

- Khách hạng đặc biệt: Sử dụng xe lễ tân Nhà nước theo quy chế của Bộ Ngoại giao và các quy định hiện hành có liên quan;

- Đoàn là khách hạng A: Trưởng đoàn bố trí một xe riêng. Phó đoàn và đoàn viên 3 người/một xe; riêng trường hợp Phó đoàn và đoàn viên là cấp Bộ trưởng bố trí 01 người/xe, phó đoàn và đoàn viên là cấp Thứ trưởng và tương đương 02 người/xe. Đoàn tuỳ tùng đi xe nhiều chỗ ngồi;

- Đoàn là khách hạng B, hạng C: Trưởng đoàn bố trí một xe riêng; riêng trường hợp phó đoàn là cấp thứ trưởng và cấp tương đương bố trí 02 người/xe; các đoàn viên trong đoàn đi xe nhiều chỗ ngồi;

Trường hợp do Đoàn xe thuộc Văn phòng Bộ không bố trí được xe ô tô phải đi thuê ngoài, giá thuê xe được thanh toán căn cứ vào hợp đồng thuê xe và hoá đơn thu tiền của các đơn vị có chức năng cung cấp dịch vụ vận tải.

- Tiêu chuẩn xe hộ tống, xe cảnh sát dẫn đường: Thực hiện theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 82/2001/NĐ-CP ngày 06/11/2001 của Chính phủ về nghi lễ Nhà nước và đón tiếp khách nước ngoài và do Bộ Công an chịu trách nhiệm bảo đảm phương tiện thực hiện nhiệm vụ.

c) Tiêu chuẩn về thuê chỗ ở:

- Khách hạng đặc biệt: Tiêu chuẩn thuê phòng ở khách sạn phải được Lãnh đạo Bộ phê duyệt phù hợp với từng đoàn, đối tượng đón tiếp trên cơ sở đề nghị của các đơn vị.

- Đoàn là khách hạng A (giá thuê phòng có bao gồm cả bữa ăn sáng):

+ Trưởng đoàn: Mức tối đa 5.500.000 đồng/người/ngày;

+ Phó đoàn: Mức tối đa 4.500.000 đồng/người/ngày;

+ Đoàn viên: Mức tối đa 3.500.000 đồng/người/ngày;

- Đoàn là khách hạng B (giá thuê phòng có bao gồm cả bữa ăn sáng):

+ Trưởng đoàn, Phó đoàn: Mức tối đa 4.500.000 đồng/người/ngày;

+ Đoàn viên: Mức tối đa 2.800.000 đồng/người/ngày;

- Đoàn khách hạng C (giá thuê phòng có bao gồm cả bữa ăn sáng)

+ Trưởng đoàn: Mức tối đa 2.400.000 đồng/người/ngày;

+ Đoàn viên: Mức tối đa: 1.700.000 đồng/người/ngày;

- Khách mời quốc tế khác (giá thuê phòng có bao gồm cả bữa ăn sáng): Mức tối đa: 500.000 đồng/người/ngày.

Trường hợp do yêu cầu đối ngoại đặc biệt cần thuê phòng theo tiêu chuẩn cao hơn mức quy định tối đa nêu trên, thì Thủ trưởng đơn vị chủ trì tiếp khách đề xuất, trình Lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định mức chi thuê phòng trên tinh thần tiết kiệm, phù hợp với đối tượng đón tiếp.

Trường hợp thuê khách sạn không bao gồm tiền ăn sáng trong giá thuê phòng thì mức chi tiền ăn sáng tối đa bằng 10% mức ăn của 01 ngày/người đối với từng hạng khách. Tổng mức tiền thuê phòng và tiền ăn sáng không vượt quá mức chi thuê chỗ ở quy định nêu trên.

d) Tiêu chuẩn ăn hàng ngày (bao gồm 02 bữa trưa, tối):

- Khách hạng đặc biệt: Thủ trưởng đơn vị chủ trì đón tiếp đề xuất, trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt trong chương trình đón đoàn mức chi cụ thể, đảm bảo tiết kiệm, phù hợp với từng đoàn, đối tượng và nghi lễ ngoại giao của Bộ;

- Đoàn là khách hạng A: Mức tối đa 800.000 đồng/ngày/người;

- Đoàn là khách hạng B: Mức tối đa 540.000 đồng/ngày/người;

- Đoàn là khách hạng C: Mức tối đa 400.000 đồng/ngày/người;

- Khách mời quốc tế khác: Mức tối đa 270.000 đồng/ngày/người;

Mức chi ăn hàng ngày nêu trên bao gồm cả tiền đồ uống (rượu, bia, nước uống sản xuất tại Việt Nam), chưa bao gồm các loại thuế phải trả nhà cung cấp dịch vụ theo quy định hiện hành.

Trong trường hợp cần thiết phải có cán bộ của đơn vị đón tiếp đi ăn cùng đoàn thì được thanh toán tiền ăn như đối với thành viên của đoàn.

đ) Tổ chức chiêu đãi:

- Khách hạng đặc biệt: Thủ trưởng đơn vị chủ trì đón tiếp đề xuất, trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt trong chương trình đón đoàn mức chi cụ thể, đảm bảo tiết kiệm, phù hợp với từng đoàn, đối tượng và nghi lễ ngoại giao của Bộ;

- Đối với khách từ hạng A, hạng B, hạng C: Mỗi đoàn khách được tổ chức chiêu đãi một lần. Mức chi chiêu đãi khách tối đa không vượt quá mức tiền ăn một ngày của khách theo quy định nêu trên;

Mức chi chiêu đãi trên bao gồm cả tiền đồ uống (rượu, bia, nước uống sản xuất tại Việt Nam) và được áp dụng cho cả đại biểu và phiên dịch phía Việt Nam tham gia tiếp khách (danh sách đại biểu phía Việt Nam được căn cứ theo chương trình đón đoàn được Lãnh đạo Bộ phê duyệt), chưa bao gồm các loại thuế phải trả nhà cung cấp dịch vụ theo quy định hiện hành.

e) Tiêu chuẩn tiếp xã giao và các buổi làm việc:

- Khách hạng đặc biệt: Thủ trưởng đơn vị chủ trì đón tiếp đề xuất, trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt trong chương trình đón đoàn mức chi cụ thể, đảm bảo tiết kiệm, phù hợp với từng đoàn, đối tượng và nghi lễ ngoại giao của Bộ;

- Đoàn là khách hạng A: Mức chi nước uống, hoa quả, bánh ngọt, tối đa không quá 220.000 đồng/người/ngày (02 buổi làm việc);

- Đoàn là khách hạng B: Mức chi nước uống, hoa quả, bánh ngọt, tối đa không quá 110.000 đồng/người/ngày (02 buổi làm việc);

- Đoàn là khách hạng C: Mức chi nước uống, hoa quả, bánh ngọt, tối đa không quá 70.000 đồng/người/ngày (02 buổi làm việc);

Mức chi trên được áp dụng cho cả đại biểu và phiên dịch phía Việt Nam tham gia tiếp khách.

g) Chi văn hoá, văn nghệ: Căn cứ tính chất công việc, yêu cầu đối ngoại của từng đoàn khách nước ngoài vào làm việc, Thủ trưởng đơn vị chủ trì đón tiếp đề xuất cụ thể mức chi về chi văn hoá, văn nghệ và tặng phẩm, trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt trong chương trình đón đoàn, đảm bảo tiết kiệm, không phô trương hình thức; cụ thể như sau:

- Đối với khách hạng đặc biệt: Theo nội dung, mức chi đã được Lãnh đạo Bộ phê duyệt trong chương trình đón đoàn;

- Đối với khách hạng A, B và C: Theo nội dung đã được Lãnh đạo Bộ phê duyệt trong chương trình đón đoàn, nhưng tối đa mỗi đoàn chỉ chi xem biểu diễn nghệ thuật dân tộc 1 lần theo giá vé tại rạp hoặc theo hợp đồng biểu diễn;

h) Chi tặng phẩm: Tặng phẩm là sản phẩm do Việt Nam sản xuất và thể hiện bản sắc văn hoá dân tộc, mức chi cụ thể như sau:

- Đối với khách hạng đặc biệt: Thực hiện theo mức chi đã được Lãnh đạo Bộ phê duyệt trong chương trình đón đoàn;

- Đối với khách hạng A:

+ Trưởng đoàn: Mức chi tối đa 1.000.000 đồng/người;

+ Các đại biểu khác: Mức chi tối đa 300.000 đồng/người;

- Đối với khách hạng B:

+ Trưởng đoàn: Mức chi tối đa 600.000 đồng/người;

+ Các đại biểu khác: Mức chi tối đa 300.000 đồng/người;

- Đối với khách hạng C:

+ Trưởng đoàn: Mức chi tối đa 400.000 đồng/người;

+ Các đại biểu khác: Mức chi tối đa 300.000 đồng/người.

i) Đi công tác địa phương và cơ sở: Trường hợp cần thiết phải đưa khách đi thăm, làm việc tại các địa phương hoặc cơ sở theo chương trình, kế hoạch đã được Lãnh đạo Bộ quyết định thì tiêu chuẩn đón tiếp như sau:

- Đơn vị chủ trì đón tiếp khách chịu trách nhiệm phối hợp với Đoàn xe thuộc Văn phòng Bộ tổ chức đưa đón khách từ nơi ở chính tới địa phương, cơ sở và chi phí ăn, nghỉ cho khách trong những ngày khách làm việc tại địa phương, cơ sở theo các mức chi quy định nêu trên;

- Trường hợp do không bố trí sử dụng được xe ô tô của Đoàn xe thuộc Văn phòng Bộ phải thuê xe bên ngoài, giá thuê xe được thanh toán căn cứ vào hợp đồng thuê xe và hoá đơn thu tiền của các đơn vị có chức năng cung cấp dịch vụ vận tải.

k) Trường hợp cán bộ của đơn vị được cử tham gia tháp tùng đoàn khách đi thăm và làm việc ở địa phương thì được thuê phòng nghỉ theo tiêu chuẩn 02 người/phòng theo giá thực tế của loại phòng tiêu chuẩn (Standard) tại khách sạn nơi đoàn khách quốc tế ở. Trường hợp đoàn có lẻ người khác giới thì người lẻ được thuê 01 người/phòng theo giá thực tế của loại phòng tiêu chuẩn (Standard) tại khách sạn nơi đoàn khách quốc tế ở. Được thanh toán phụ cấp lưu trú trong thời gian đi công tác trong nước theo mức khoán quy định tại khoản 2 Điều 13 Quy chế này.

l) Chi đưa khách đi tham quan: Căn cứ tính chất công việc, yêu cầu đối ngoại của từng đoàn, Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm đón đoàn đề xuất, trình Lãnh đạo Bộ quyết định trong kế hoạch đón đoàn, việc đưa khách đi tham quan trên tinh thần tiết kiệm, không phô trương hình thức. Mức chi đưa đón khách từ nơi ở chính đến điểm tham quan, chi ăn, nghỉ cho khách trong những ngày đi tham quan theo các mức chi quy định nêu trên và được áp dụng cho cả cán bộ của đơn vị được cử tham gia đưa các đoàn đi; số lượng cán bộ tham gia đoàn phải được Lãnh đạo Bộ phê duyệt.

m) Trường hợp đoàn vào làm việc với nhiều cơ quan, đơn vị:

- Đơn vị chủ trì trong việc đón đoàn chịu trách nhiệm về chi phí đón, tiễn; tiền ăn, tiền thuê chỗ ở, đi lại của đoàn theo mức chi quy định nêu trên.

- Trường hợp trong chương trình làm việc của đoàn có kế hoạch làm việc với các đơn vị đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, các đơn vị chịu trách nhiệm tiếp đoàn trong thời gian đoàn làm việc với đơn vị mình. Mức chi tiếp khách áp dụng theo quy định tiêu chuẩn tiếp xã giao và các buổi làm việc nêu trên.

1.2. Đối với các đoàn khách nước ngoài vào làm việc do khách tự túc ăn, ở; đơn vị chủ trì đón tiếp chi các khoản chi phí lễ tân, chi phí đi lại trong nước:

a) Đối với khách đặc biệt: Theo nội dung, mức chi đã được Lãnh đạo Bộ phê duyệt trong chương trình đón đoàn;

b) Đối với khách hạng A, hạng B, hạng C: Chi đón tiếp tại sân bay; chi phí về phương tiện đi lại trong thời gian đoàn làm việc tại Việt Nam; chi phí tiếp xã giao các buổi làm việc; chi phí dịch thuật; chi văn hoá, văn nghệ và tặng phẩm; trong trường hợp vì quan hệ đối ngoại xét thấy cần thiết thì Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm đón tiếp có thể trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt trong chương trình đón đoàn chi mời 01 bữa cơm thân mật.

Tiêu chuẩn chi đón tiếp và mức chi theo từng hạng khách như quy định tại điểm 1.1 khoản 1 Điều này.

c) Trường hợp cần thiết phải đưa khách đi thăm, làm việc tại các địa phương hoặc cơ sở theo chương trình, kế hoạch đã được Lãnh đạo Bộ quyết định thì thực hiện chi đón tiếp như quy định tại điểm 1.1 khoản 1 Điều này.

d) Trường hợp đoàn làm việc với nhiều cơ quan, đơn vị theo chương trình, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì thực hiện chi tiếp xã giao quy định tại điểm a nêu trên.

1.3. Đối với các Đại sứ, Trưởng Đại diện các tổ chức quốc tế khi kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam: Căn cứ phê duyệt của Lãnh đạo Bộ, Vụ Hợp tác quốc tế chủ trì, phối hợp với Văn phòng Bộ có thể tổ chức mời cơm thân mật khi chia tay, tối đa không quá 700.000 đồng/người bao gồm cả đại diện của Bộ Tài chính, mức chi này bao gồm cả tiền đồ uống (rượu, bia, nước uống sản xuất tại Việt Nam, chưa bao gồm các loại thuế phải trả nhà cung cấp dịch vụ theo quy định hiện hành). Chi mua tặng phẩm cho khách tối đa không quá 600.000 đồng/người.

1.4. Đối với các đoàn khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam do khách tự túc mọi chi phí: Đơn vị chủ trì đón tiếp đoàn chỉ được chi để tiếp xã giao các buổi đoàn đến làm việc theo mức chi quy định tại điểm 1.1 khoản 1 Điều này.

2. Tạm ứng và thanh quyết toán:

2.1. Điều kiện, hồ sơ tạm ứng:

a) Giấy đề nghị tạm ứng theo mẫu quy định.

b) Dự toán chi đón tiếp đoàn vào được Lãnh đạo Bộ phê duyệt.

Dự toán chi đón tiếp do Vụ Hợp tác quốc tế, hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì lập và gửi Vụ Kế hoạch - Tài chính tối thiểu 10 ngày trước khi thực hiện để thẩm định, trình Lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định, đảm bảo thời gian thực hiện (như: tạm ứng kinh phí tại Kho bạc Nhà nước; phối hợp lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ và ký kết hợp đồng theo quy định,...). Trường hợp đơn vị hoàn thành thủ tục chậm, không đảm bảo thời gian phải hoàn toàn chịu trách nhiệm và chủ động phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tài chính xem xét, giải quyết.

c) Chương trình, kế hoạch đón tiếp đã được Lãnh đạo Bộ phê duyệt, kèm các tài liệu liên quan, như: Chương trình, kế hoạch đoàn vào theo thoả thuận, hoặc văn bản đề nghị đón tiếp của Đoàn vào; Công hàm của Bộ Tài chính trong đó nêu rõ các nội dung chi do Bộ Tài chính Việt Nam đài thọ (nếu có).

Căn cứ dự toán chi đã được Lãnh đạo phê duyệt và đề nghị của Vụ Hợp tác quốc tế hoặc đơn vị chủ trì đón tiếp đoàn vào, tuỳ theo tình hình thực tế, Vụ Kế hoạch - Tài chính thực hiện cấp tạm ứng kinh phí bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản theo Hợp đồng ký kết phù hợp với từng đoàn, cấp hạng khách và loại hình dịch vụ.

2.2. Thanh quyết toán:

Chậm nhất sau 15 ngày kể từ khi kết thúc công việc, Vụ Hợp tác quốc tế hoặc đơn vị chủ trì phải hoàn tất hồ sơ thanh toán theo quy định; Hồ sơ đề nghị thanh toán bao gồm:

a) Giấy đề nghị thanh toán, thanh toán tạm ứng theo mẫu quy định kèm theo bảng kê chi tiết các khoản chi đón tiếp theo từng nội dung.

b) Hoá đơn, chứng từ chi hợp pháp; Hợp đồng và Thanh lý hợp đồng tương ứng với nội dung chi, kèm theo các tài liệu liên quan, như:

- Chương trình, kế hoạch làm việc thực tế của đoàn tại Việt Nam.

- Danh sách đoàn khách vào (ghi rõ họ tên, chức danh); Danh sách khách được phê duyệt tặng quà; Danh sách cán bộ của đơn vị tham gia đón tiếp đoàn, tham gia các buổi làm việc; Danh sách đại biểu, khách mời phía Việt Nam được duyệt tham dự tiệc chiêu đãi, tiếp khách (nếu có);...

- Đối với hoá đơn thanh toán tiền thuê phòng nghỉ phải phản ánh đầy đủ các nội dung: tên người sử dụng phòng nghỉ, số hiệu phòng nghỉ, thời gian nghỉ, đơn giá phòng nghỉ và tổng số tiền thanh toán (trường hợp số tiền thanh toán trên hoá đơn bằng ngoại tệ phải được quy đổi ra Việt Nam đồng tại thời điểm xuất hoá đơn). Trường hợp trên hoá đơn không thể hiện được hết các nội dung nêu trên thì phải kèm theo bảng kê chi tiết các nội dung nêu trên có xác nhận của khách sạn, nhà khách nơi đoàn lưu trú.

- Giấy đi đường của cán bộ được cử tham gia tháp tùng đoàn khách đi tham quan, đi thăm và làm việc tại địa phương, có ký xác nhận, đóng dấu ngày đến, ngày đi của cơ quan nơi đoàn đến làm việc hoặc khách sạn, nhà khách nơi đoàn lưu trú trong thời gian tham quan, làm việc tại địa phương.

Trường hợp nội dung, mức chi đón tiếp đảm bảo phù hợp dự toán đã được Lãnh đạo Bộ phê duyệt, Vụ Kế hoạch - Tài chính thực hiện quyết toán kinh phí đã tạm ứng và thanh toán số tiền bổ sung (nếu có) chậm nhất sau 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ, chứng từ đề nghị thanh toán theo quy định.

Trường hợp phát sinh các nội dung chi ngoài dự toán, hoặc mức chi vượt định mức quy định, Vụ Hợp tác quốc tế hoặc đơn vị chủ trì thực hiện đón tiếp có trách nhiệm báo cáo, giải trình cụ thể bằng văn bản kèm theo các hồ sơ, tài liệu liên quan để Vụ Kế hoạch - Tài chính có căn cứ báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định. Việc thanh toán chậm nhất sau 10 ngày làm việc kể từ ngày được Lãnh đạo Bộ phê duyệt quyết toán.

Điều 17. Chi tiếp khách trong nước

1. Nguyên tắc:

1.1. Việc tiếp khách trong nước phải được Lãnh đạo Bộ phê duyệt.

1.2. Các đơn vị phải thực hành tiết kiệm trong việc tiếp khách, việc tổ chức tiếp khách phải đơn giản, không phô trương hình thức, thành phần tham dự là những người trực tiếp liên quan.

1.3. Không sử dụng ngân sách để mua quà tặng đối với các đoàn khách đến làm việc.

1.4. Mọi khoản chi tiêu tiếp khách phải đúng chế độ, tiêu chuẩn, đối tượng theo quy định và đảm bảo công khai, minh bạch.

1.5. Trường hợp Cơ quan Bộ được giao nhiệm vụ tổ chức chiêu đãi, tiếp khách trong nước của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, việc tổ chức cụ thể do Lãnh đạo Bộ phê duyệt. Văn phòng Bộ chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tài chính và các đơn vị liên quan trình duyệt phương án, kinh phí tổ chức đón tiếp.

2. Mức chi tiếp khách:

2.1. Đối với khách đến làm việc tại cơ quan Bộ: Chi nước uống tối đa 20.000 đồng/người/ngày (02 buổi).

2.2. Chi mời cơm: Lãnh đạo Bộ phê duyệt cụ thể đối tượng khách được mời cơm, mức chi mời cơm đối với từng trường hợp cụ thể, phù hợp với từng đoàn, đối tượng, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Văn phòng Bộ hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp khách phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tài chính bố trí và phục vụ tiếp khách.

Điều 18. Mua sắm, sửa chữa thường xuyên tài sản cố định

1. Việc mua sắm, sửa chữa tài sản cố định và cung ứng các dịch vụ phục vụ hoạt động của Cơ quan Bộ phải có trong dự toán được cấp thẩm quyền phê duyệt, theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước về mua sắm tài sản, phương tiện làm việc trong các cơ quan nhà nước.

2. Hàng năm, căn cứ dự toán chi NSNN được giao và kế hoạch mua sắm, sửa chữa tài sản được duyệt, Vụ Kế hoạch - Tài Chính phối hợp với các đơn vị tổ chức triển khai công tác mua sắm, sửa chữa thường xuyên tài sản cố định theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước và của Bộ Tài chính.

Điều 19. Chế độ chi hoạt động nghiệp vụ chuyên môn

1. Chi hỗ trợ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật:

1.1. Nội dung chi hỗ trợ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 192/2010/TTLT-BTC-BTP-VPCP ngày 02/12/2010 của liên Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ, Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 658/QĐ-BTC ngày 22/3/2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có) của Nhà nước, của Bộ Tài chính.

1.2. Mức chi: Theo Phụ lục số 06 đính kèm.

1.3. Căn cứ chương trình, kế hoạch xây dựng, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật hàng năm do các đơn vị thuộc dự toán Cơ quan Bộ lập, Vụ Kế hoạch - Tài chính phối hợp với Vụ Pháp chế, Văn phòng Bộ rà soát trình Lãnh đạo Bộ xem xét, phê duyệt và thông báo danh mục và mức kinh phí được hỗ trợ đối với từng loại văn bản do đơn vị được giao chủ trì thực hiện.

1.4. Điều kiện, hồ sơ tạm ứng:

a) Giấy đề nghị tạm ứng theo mẫu quy định.

b) Danh mục văn bản quy phạm pháp luật được cấp thẩm quyền phê duyệt hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.

c) Chương trình, kế hoạch và tiến độ thực hiện công tác xây dựng, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật do đơn vị chủ trì lập.

Trên cơ sở đề nghị của đơn vị, căn cứ danh mục và mức kinh phí được hỗ trợ đã thông báo, mức chi tạm ứng tối đa bằng 70% mức kinh phí được hỗ trợ đối với từng loại văn bản. Đối với các nội dung công việc, dịch vụ phải thuê ngoài thực hiện, tùy theo tính chất công việc đơn vị chủ trì có trách nhiệm phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tài chính thực hiện việc lựa chọn đơn vị, cá nhân thực hiện và ký kết hợp đồng theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

1.5. Hồ sơ thanh quyết toán:

- Giấy đề nghị thanh toán theo mẫu quy định;

- Bảng kê chi tiết các nội dung, khoản chi thực hiện nhiệm vụ;

- Hoá đơn, chứng từ thanh toán hợp pháp, hợp lệ và các tài liệu chứng minh các nội dung chi có liên quan, như: tài liệu chứng minh đối với các cuộc hội nghị, hội thảo gồm: Chương trình, kế hoạch hội nghị, hội thảo; Giấy mời và danh sách có chữ ký của đại biểu tham dự từng hội nghị, hội thảo; Biên bản hội nghị, hội thảo có chữ ký của Chủ tọa và Thư ký hội nghị, hội thảo;...

- 01 bản dấu đỏ văn bản quy phạm pháp luật được cấp có thẩm quyền phê chuẩn, ban hành thực hiện.

Vụ Kế hoạch - Tài chính thực hiện thanh toán kinh phí hỗ trợ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, chứng từ thanh toán theo quy định.

2. Chi cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá văn bản:

2.1. Nội dung chi thực hiện công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá văn bản thực hiện theo quy định tại Thông tư số 122/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 17/8/2011 của liên Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung (nếu có) của Nhà nước, của Bộ Tài chính.

2.2. Mức chi:

a) Chi tổ chức các cuộc hội họp, hội nghị, hội thảo, toạ đàm, sơ kết, tổng kết; chi công tác phí cho cán bộ, công chức tham gia các đoàn công tác kiểm tra, rà soát văn bản: thực hiện theo quy định tại Điều 12 và Điều 13 Quy chế này.

b) Chi tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ và công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống văn bản: thực hiện theo quy định tại Quyết định số 3086/QĐ-BTC ngày 25/11/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong các đơn vị thuộc Bộ Tài chính và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

c) Chi tổ chức hội thi toàn ngành về công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá văn bản: thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 73/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 14/5/2010 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

d) Chi điều tra, khảo sát thực tế phục vụ công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản: thực hiện theo quy định tại Thông tư số 58/2011/TT-BTC ngày 11/5/2011 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

đ) Chi khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản: thực hiện theo quy định tại Điều 8 của Quy chế này;

e) Đối với các khoản chi liên quan khác: thực hiện theo quy định hiện hành của nhà nước và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.

3. Chi hỗ trợ bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn:

Công tác bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đối với các bộ, công chức hàng năm thực hiện theo chương trình, kế hoạch chung của Bộ Tài chính do Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính thực hiện.

Trường hợp để đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, các đơn vị phải cử cán bộ, công chức tham gia các lớp bồi dưỡng, đào tạo do các cơ sở đào tạo khác tổ chức, như: bồi dưỡng về nghiệp vụ đấu thầu, nghiệp vụ quản lý dự án đầu tư xây dựng,... mức chi hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng căn cứ theo tiêu chuẩn, chế độ, định mức chi quy định và hoá đơn tài chính, hợp đồng dịch vụ ký kết với cơ sở đào tạo hoặc theo chứng từ thu của cơ sở đào tạo kèm theo thông báo chi tiết các chi phí đào tạo, bồi dưỡng.

4. Chế độ chi nhuận bút trên Trang thông tin điện tử Bộ Tài chính:

4.1. Nguyên tắc chi trả nhuận bút:

a) Việc trả nhuận bút phải bảo đảm hợp lý giữa lợi ích của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm, lợi ích của bên sử dụng tác phẩm và lợi ích của người hưởng thụ tác phẩm.

b) Mức nhuận bút trả cho tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm căn cứ vào thể loại, chất lượng tác phẩm và được tính theo hệ số trong khung nhuận bút và giá trị một đơn vị hệ số theo quy định. Tác phẩm thuộc nhóm nhuận bút nào được trả nhuận bút theo nhóm đó.

c) Tác phẩm đã công bố, phổ biến khi được sử dụng lại, tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm vẫn hưởng nhuận bút theo quy định.

4.2. Nội dung và mức chi:

a) Đối với các bài viết mới, các bài viết chuyên đề: thực hiện mức chi quy định tại Quyết định số 2622/QĐ-BTC ngày 17/8/2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về ban hành chế độ nhuận bút, thù lao đối với Trang thông tin điện tử Bộ Tài chính và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

b) Đối với các bài viết, tin tổng hợp hoặc khai thác từ nguồn tin sẵn có: thực hiện theo mức chi tạo lập thông tin điện tử và biên dịch tài liệu quy định tại Công văn số 721/BTC-KHTC ngày 17/01/2011 của Bộ Tài chính và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

5. Chi sưu tầm tư liệu, hiện vật Phòng trưng bày lịch sử truyền thống ngành Tài chính:

5.1. Nội dung, mức chi:

a) Chi công tác phí cho cán bộ đi sưu tầm tại các các tỉnh, thành phố theo quy định tại Điều 13 của Quy chế này.

b) Chi bồi dưỡng cho chủ hiện vật:

- Đối với hiện vật từ trước năm 1954: tối đa 500.000 đồng/01 hiện vật.

- Đối với hiện vật từ năm 1955 đến 1986: tối đa 300.000 đồng/01 hiện vật.

- Đối với hiện vật từ năm 1987 đến nay: tối đa 100.000 đồng/01 hiện vật.

Trường hợp hiện vật có cùng thời gian nhưng dễ sưu tầm thì mức chi thấp hơn mức quy định nêu trên. Đối với trường hợp hiện vật có giá trị đặc biệt, cán bộ sưu tầm báo cáo Văn phòng Bộ để trình Lãnh đạo Bộ xem xét, phê duyệt đối với từng trường hợp cụ thể. Vụ Kế hoạch - Tài chính thực hiện thanh toán theo mức chi đã được phê duyệt.

c) Chi sưu tầm tư liệu, hình ảnh:

- Đối với hình ảnh khai thác từ Thông tấn xã Việt Nam, các Bảo tàng, Trung tâm lưu trữ Quốc gia: chi trả các khoản phí khai thác tư liệu, nhuận ảnh, bản quyền tư liệu và vật tư ảnh theo mức đơn giá quy định cụ thể của từng đơn vị (có hợp đồng và hoá đơn) và quy định tại Thông tư số 30/2004/TT-BTC ngày 07/4/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, sử dụng phí khai thác và sử dụng dữ liệu lưu trữ và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

- Đối với ảnh khai thác của phóng viên và các đối tượng khác: Chi trả theo chế độ chi trả nhuận ảnh quy định tại Thông tư liên tịch số 21/2003/TTLT-BVHTT-BTC ngày 01/7/2003 của liên Bộ Văn hoá Thông tin, Bộ Tài chính và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

- Đối với các hình ảnh có giá trị đặc biệt, Văn phòng Bộ chỉ trì, phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tài chính báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét, phê duyệt cho từng trường hợp cụ thể.

d) Chi tổ chức thẩm định, bổ sung thông tin hiện vật: Thực hiện mức chi bồi dưỡng 100.000 đồng/người/01 buổi.

đ) Chi phục chế tư liệu, hiện vật lịch sử ngành Tài chính: Trường hợp tư liệu, hiện vật cần phải thuê ngoài phục chế, Văn Phòng Bộ xem xét phê duyệt. Vụ Kế hoạch - Tài chính thực hiện ký hợp đồng và thanh toán theo điều khoản quy định trong hợp đồng ký kết.

e) Chi bồi dưỡng độc hại cho cán bộ làm tư liệu, bảo quản: theo Thông tư số 26/2006/TT-BVHTT ngày 21/2/2006 của Bộ Văn hoá Thông tin hướng dẫn chế độ độc hại nguy hiểm và bồi dưỡng bằng hiện vật đối với cán bộ công chức, viên chức ngành văn hoá thông tin và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

5.2. Hồ sơ đề nghị tạm ứng, đề nghị thanh quyết toán:

- Giấy đề nghị tạm ứng (nếu có), thanh toán theo mẫu quy định.

- Kế hoạch công tác được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Biên bản giao nhận hiện vật.

- Hợp đồng, hoá đơn hợp pháp, hợp lệ.

- Các chứng từ khác có liên quan (nếu có).

6. Các khoản chi nghiệp vụ chuyên môn khác:

Thực hiện theo chế độ quy định hiện hành của Nhà nước và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Điều 20. Chi hỗ trợ hoạt động của các tổ chức Đảng, đoàn thể

1. Hỗ trợ hoạt động của Đảng bộ Cơ quan Bộ Tài chính:

Thực hiện theo Thông tư Liên tịch số 225/2004/TTLT-BTCQTTW-BTC ngày 05/04/2004 của Ban Tài chính Quản trị Trung ương - Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện chế độ chi hoạt động công tác đảng của tổ chức đảng các cấp; Ngân sách nhà nước hỗ trợ đối với phần chênh lệch giữa tổng số thu từ Đảng phí và thu khác được giữ lại ở Đảng bộ Cơ quan Bộ với các nội dung chi theo quy định để phục vụ hoạt động của Đảng bộ Cơ quan Bộ Tài chính, cụ thể như sau:

1.1. Chi mua báo, tạp chí của đảng;

1.2. Chi hỗ trợ cho Chi bộ đại hội Đảng các cấp;

1.3. Chi khen thưởng hoạt động công tác đảng;

1.4. Chi thanh toán các dịch vụ công cộng, vật tư văn phòng, Thông tin tuyên truyền liên lạc, chi hội nghị, công tác phí, công tác giáo dục bồi dưỡng đảng viên mới, kết nạp Đảng;...

2. Chi hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân:

Thực hiện theo Công văn số 8260/BTC-TVQT ngày 04/7/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Thông tư liên tịch số 40/2006/TTLT-BTC-BTTUBTWMTTQVN-TLĐLĐVN và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

3. Chi hỗ trợ hoạt động vì sự tiến bộ Phụ nữ:

Thực hiện theo quy định của Thông tư số 191/2009/TT-BTC ngày 1/10/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

4. Chi hỗ trợ hoạt động của Hội Cựu Chiến binh:

Thực hiện theo quy định của Thông tư số 103/2003/TT-BTC ngày 30/10/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung thu, chi của các tổ chức Hội Cựu Chiến binh trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

5. Hỗ trợ hoạt động của Đoàn Thanh niên, Công đoàn Cơ quan Bộ Tài chính và các đoàn thể khác: Khi có nhiệm vụ phát sinh, Vụ Kế hoạch Tài chính phối hợp với các đơn vị trình Bộ phê duyệt sử dụng từ nguồn kinh phí tiết kiệm hàng năm, nguồn tiền thưởng phối hợp tại cơ quan Bộ.

Mục III. QUY ĐỊNH VỀ SỬ DỤNG KINH PHÍ QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH TIẾT KIỆM ĐƯỢC TẠI CƠ QUAN BỘ

Điều 21. Kinh phí quản lý hành chính tiết kiệm

Kết thúc năm ngân sách, sau khi đã hoàn thành các nhiệm vụ, công việc được giao, số kinh phí hành chính tiết kiệm được là khoản chênh lệch giữa số chi thực tế thấp hơn dự toán kinh phí thực hiện chế độ tự chủ được Bộ Tài chính giao đối với Cơ quan Bộ (Vụ Kế hoạch - Tài chính).

Kinh phí giao thực hiện chế độ tự chủ đối với các nhiệm vụ trong năm nhưng đến cuối năm chưa hoàn thành, chưa triển khai phải chuyển sang năm sau để tiếp tục thực hiện, không được xác định là kinh phí quản lý hành chính tiết kiệm.

Điều 22. Nội dung sử dụng kinh phí quản lý hành chính tiết kiệm

Kinh phí quản lý hành chính tiết kiệm được sử dụng theo các nội dung sau:

1. Trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, nhân viên cơ quan Bộ, bao gồm cả cán bộ, công chức, nhân viên các Cục là đơn vị dự toán độc lập (không bao gồm Cục Tin học và Thống kê tài chính) từ kinh phí quản lý hành chính sử dụng chung giao dự toán đối với Vụ Kế hoạch - Tài chính tiết kiệm được trong năm (như: tiền điện, tiền nước sinh hoạt,...).

2. Chi khen thưởng cho tập thể và cá nhân có thành tích.

3. Chi cho các hoạt động phúc lợi: chi mua thuốc y tế cơ quan, khám sức khoẻ định kỳ cho cho cán bộ, công chức,...

4. Chi trợ cấp khó khăn đột xuất cho cán bộ, công chức, kể cả những trường hợp nghỉ hưu, nghỉ mất sức;

5. Chi thêm cho cán bộ, công chức, người lao động trong biên chế khi thực hiện tinh giản biên chế;

6. Trích lập Quỹ dự phòng ổn định thu nhập.

Kinh phí quản lý hành chính tiết kiệm được trong năm sau khi chi trả các khoản nêu trên còn lại (nếu có), được chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng.

Điều 23. Tỷ lệ và phương án sử dụng

1. Trên cơ sở số kinh phí quản lý hành chính tiết kiệm được trong năm, Vụ Kế hoạch - Tài chính đề xuất tỷ lệ, phương án sử dụng theo từng nội dung được quy định tại Điều 22 Quy chế này, lấy ý kiến Công đoàn Cơ quan Bộ, các đơn vị thuộc dự toán Cơ quan Bộ trước khi trình Lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định.

2. Căn cứ phê duyệt của Lãnh đạo Bộ về tỷ lệ, phương án sử dụng, Vụ Kế hoạch - Tài chính thực hiện công khai trong toàn cơ quan và chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện.

Điều 24. Chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, nhân viên

Việc chi trả thu nhập tăng thêm cho từng cán bộ, công chức, nhân viên đảm bảo nguyên tắc gắn với chất lượng và hiệu quả công việc; người nào, bộ phận nào có thành tích đóng góp để tiết kiệm chi, có hiệu suất công tác cao thì được trả thu nhập tăng thêm cao hơn.

1. Phương pháp xác định:

- Trong phạm vi nguồn kinh phí tiết kiệm được sử dụng chi trả thu nhập tăng thêm, Vụ Kế hoạch - Tài Chính thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, nhân viên tối đa không quá 1,0 (một) lần so với mức tiền lương cấp bậc, chức vụ do Nhà nước quy định. Quỹ thu nhập trả thu nhập tăng thêm được xác định theo công thức:

QTN = Lmin x K1 x (K2 + K3) x L x 12 tháng.

Trong đó:

QTN: Là quỹ tiền lương, tiền công được phép trả tăng thêm tối đa trong năm;

Lmin: Là mức lương tối thiểu chung (đồng/tháng) hiện hành do Nhà nước quy định;

K1: Là hệ số điều chỉnh tăng thêm mức lương tối thiểu được xác định trên cơ sở phương án sử dụng đã được Bộ phê duyệt (tối đa không quá 1,0 lần);

K2: Là hệ số lương cấp bậc chức vụ bình quân tháng;

K3: Là hệ số phụ cấp lương bình quân tháng.

Hệ số phụ cấp lương bình quân để xác định quỹ tiền lương, tiền công trả thu nhập tăng thêm tối đa nêu trên bao gồm các khoản phụ cấp tính theo lương tối thiểu và các khoản phụ cấp tính theo lương cấp bậc, chức vụ của các đối tượng được hưởng được trả hàng tháng cùng với tiền lương tháng theo quy định. Không bao gồm các loại phụ cấp không được xác định trả cùng với tiền lương hàng tháng như: phụ cấp làm đêm, làm thêm giờ,....

L: Là số biên chế bao gồm cả số lao động hợp đồng trả lương theo thang bảng lương do nhà nước quy định.

Quỹ tiền lương, tiền công để tính trả thu nhập tăng thêm nêu trên không bao gồm tiền công trả theo hợp đồng vụ việc.

2. Tạm chi trước thu nhập tăng thêm:

2.1. Căn cứ số kinh phí có khả năng tiết kiệm được, Vụ Kế hoạch - Tài chính xác định, phối hợp với Công đoàn Cơ quan Bộ trình Lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định mức tạm chi trước thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, nhân viên cơ quan Bộ. Việc tạm chi thu nhập tăng thêm trong năm được thực hiện 02 lần: lần thứ nhất vào đầu quý III và lần thứ hai vào tháng 01 năm sau.

Mức tạm chi thu nhập tăng từng lần tối đa không quá 60% quỹ tiền lương cấp bậc, chức vụ do nhà nước quy định trong 06 tháng của Cơ quan Bộ.

2.2. Khi quyết toán năm của Cơ quan Bộ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trường hợp số kinh phí thực tiết kiệm cao hơn số đã xác định, sẽ được trình Bộ xem xét tiếp tục chi trả thu nhập tăng thêm theo chế độ quy định, nhưng đảm bảo không vượt quá số kinh phí thực tế tiết kiệm được và tối đa không quá 1,0 lần so với mức lương hiện hưởng. Trường hợp số kinh phí tiết kiệm thấp hơn số đã tạm chi thu nhập tăng thêm trong năm, sẽ phải giảm trừ vào số tiết kiệm được của năm sau.

3. Thời điểm chi trả thu nhập tăng thêm:

3.1. Vào đầu quý III hàng năm, căn cứ số kinh phí ước thực hiện tiết kiệm được trong 06 tháng đầu năm, Vụ Kế hoạch - Tài chính xác định và thống nhất với Công đoàn Bộ mức tạm chi thu nhập tăng thêm (tối đa không quá 60% quỹ tiền lương cấp bậc, chức vụ do nhà nước quy định 06 tháng đầu năm của cơ quan) trình Bộ xem xét, quyết định.

Căn cứ phê duyệt của Lãnh đạo Bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính thực hiện tạm chi trả thu nhập tăng thêm vào tài khoản cá nhân đối với cán bộ, công chức, nhân viên theo danh sách hưởng lương tại Vụ Kế hoạch - Tài chính. Kinh phí sử dụng chung tiết kiệm được xác định để tạm chi thu nhập tăng thêm đối với các Cục (không bao gồm Cục Tin học và Thống kê tài chính), Vụ Kế hoạch - Tài chính sẽ chuyển một lần vào tài khoản tiền gửi của đơn vị mở tại Kho bạc Nhà nước để chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, nhân viên của đơn vị.

3.2. Vào tháng 01 năm sau: sau khi tạm xác định được số kinh phí quản lý hành chính tiết kiệm được trong năm, Vụ Kế hoạch - Tài chính chủ trì, phối hợp với Công đoàn Bộ và các đơn vị liên quan xây dựng phương án chi trả thu nhập tăng thêm lần 2 trong năm, phù hợp với thực tế và khả năng nguồn kinh phí tiết kiệm để trình Bộ xem xét, quyết định.

Căn cứ phê duyệt của Lãnh đạo Bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính thực hiện việc chi trả thu nhập tăng đối với các cán bộ, công chức, nhân viên cơ quan Bộ và các Cục (không bao gồm Cục Tin học và Thống kê tài chính) theo phương thức đã thực hiện trong năm.

3.3. Khi quyết toán năm được duyệt, nếu tổng số đã tạm chi thấp hơn số kinh phí thực tế tiết kiệm sẽ được chi tiếp; trường hợp đã tạm chi vượt quá số kinh phí thực tế tiết kiệm được sẽ thực hiện giảm trừ vào số tiết kiệm của năm sau.

Điều 25. Chi khen thưởng cho tập thể và cá nhân có thành tích

Căn cứ số kinh phí quản lý hành chính tiết kiệm được sử dụng cho công tác khen thưởng thành tích, Vụ Kế hoạch - Tài chính chủ trì phối hợp với Vụ Thi đua - Khen thưởng và các đơn vị liên quan trình Bộ mức chi khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm và tăng mức khen thưởng định kỳ, đột xuất cho các tập thể, cá nhân có thành tích suất sắc trong công tác được Bộ trưởng Bộ Tài chính ghi nhận và tặng bằng khen.

Điều 26. Chi cho các hoạt động phúc lợi

Căn cứ số kinh phí hành chính tiết kiệm trong năm được sử dụng chi cho các hoạt động phúc lợi của cơ quan Bộ, việc sử dụng cho các hoạt động phúc lợi được căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 8 Quy chế này.

Điều 27. Chi trợ cấp khó khăn đột xuất

Kinh phí quản lý hành chính tiết kiệm được trong năm sử dụng chi trợ cấp khó khăn đột xuất được thực hiện theo nội dung, đối tượng, mức chi quy định hiện hành áp dụng tại cơ quan Bộ.

Trường hợp đặc biệt, căn cứ đề nghị của Thủ trưởng đơn vị có cán bộ, công chức, nhân viên đề nghị được hưởng mức chi ngoài chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất hiện hành tại cơ quan Bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính phối hợp với Thủ trưởng đơn vị có cán bộ, công chức, nhân viên đề nghị hưởng trợ cấp trình Bộ xem xét, phê duyệt đối với từng trường hợp cụ thể sau khi đã thống nhất với Chủ tịch Công đoàn Bộ.

Điều 28. Chi thêm cho người lao động trong biên chế khi thực hiện tinh giản biên chế

1. Cán bộ, công chức, nhân viên thuộc Cơ quan Bộ khi nghỉ việc theo chế độ tinh giản biên chế, ngoài chế độ được hưởng theo quy định của Nhà nước, cứ mỗi năm công tác được hỗ trợ thêm tối đa không quá 01 tháng lương hiện hưởng của cán bộ, công chức, nhân viên đó. Tiền lương hiện hưởng bao gồm hệ số lương, hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo và hệ số thâm niên vượt khung, thâm niên nghề (nếu có).

2. Căn cứ số kinh phí quản lý hành chính tiết kiệm trong năm được sử dụng chi thêm cho người lao động, Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tài chính đề xuất, trình Bộ xem xét, quyết định mức chi thêm cho cán bộ, công chức, nhân viên khi nghỉ chế độ tinh giản biên chế sau khi thống nhất với Công đoàn Cơ quan Bộ.

Điều 29. Trích lập và sử dụng Quỹ dự phòng ổn định thu nhập

1. Quỹ dự phòng ổn định thu nhập được trích lập theo tỷ lệ được duyệt trên số kinh phí quản lý hành chính thực tế tiết kiệm được trong năm và chỉ được sử dụng để trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, nhân viên Cơ quan Bộ trong trường hợp số kinh phí thực tế tiết kiệm để chi trả thu nhập tăng thêm năm sau thấp hơn năm trước, đảm bảo mức chi trả thu nhập tăng thêm năm sau tối thiểu bằng mức thực tế đã chi trả năm trước liền kề.

2. Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định việc sử dụng Quỹ ổn định thu nhập để chi trả thu nhập tăng thêm theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính và Chủ tịch Công đoàn Bộ.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 30. Hiệu lực thi hành

Quy chế này được áp dụng thực hiện kể từ ngày ký ban hành, các quy định trước đây trái với Quy chế này đều bãi bỏ.

Điều 31. Tổ chức thực hiện

Các đơn vị và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức thuộc Cơ quan Bộ nghiêm chỉnh chấp hành và thực hiện đúng những quy định tại Quy chế này. Các nội dung khác chưa quy định trong Quy chế này được thực hiện theo chế độ hiện hành của Nhà nước.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị, cán bộ, công chức, nhân viên Cơ quan Bộ kịp thời phản ánh về Vụ Kế hoạch - Tài chính, Công đoàn Bộ Tài chính để báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét, kịp thời điều chỉnh, bổ sung./.

PHỤ LỤC SỐ 01

DANH MỤC TRANG PHỤC, PHƯƠNG TIỆN BẢO VỆ CÁ NHÂN
(Kèm theo Quyết định số 279/QĐ-BTC ngày 14/02/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

1. Trang phục:

TT

Danh mục trang phục

Đ/vị tính

Số lượng

Niên hạn sử dụng

1

Trang phục lễ tân, tiếp khách:

- Quần áo xuân hè

bộ

01

01 năm (lần đầu cấp 02 bộ)

- Quần áo thu đông

bộ

01

01 năm (lần đầu cấp 02 bộ)

- Giầy da

bộ

01

02 năm

2

Trang phục cán bộ dân quân tự vệ

2.1

Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Chỉ huy phó, Chính trị viên phó

- Quần, áo xuân hè

bộ

01

02 năm

- Quần, áo thu đông

bộ

01

02 năm

- Giầy da đen thấp cổ

đôi

01

02 năm

- Giầy vải

đôi

01

02 năm

- Bít tất

đôi

02

02 năm

- Caravat

cái

01

03 năm

- Mũ cứng

chiếc

01

03 năm

- Mũ mềm

chiếc

01

03 năm

- Dây lưng nhỏ

chiếc

01

03 năm

- Quần áo đi mưa

bộ

01

03 năm

- Sao mũ cứng

chiếc

01

03 năm

- Sao mũ mềm

chiếc

01

03 năm

2.2

Tiểu đội trưởng và tương đương, chiến sỹ dân quân tự vệ

- Quần, áo chiến sỹ

bộ

01

02 năm (lần đầu cấp 02 bộ)

- Giầy vải

đôi

01

02 năm

- Bít tất

đôi

01

02 năm (lần đầu cấp 02 đôi)

- Mũ cứng

chiếc

01

03 năm

- Mũ mềm

chiếc

01

03 năm

- Dây lưng nhỏ

chiếc

01

03 năm

- Áo mưa

chiếc

01

03 năm

- Sao mũ cứng

chiếc

01

03 năm

- Sao mũ mềm

chiếc

01

03 năm

3

Trang phục bảo vệ cơ quan

- Quần áo xuân hè

bộ

01

01 năm (lần đầu cấp 02 bộ)

- Quần áo thu đông

bộ

01

02 năm (lần đầu cấp 02 bộ)

- Đèn pin

chiếc

01

02 năm

- Giầy vải bạt thấp cổ

đôi

01

02 năm

- Mũ kê - pi

cái

01

2 năm

- Áo mưa (vải bạt, nylon,...)

chiếc

01

03 năm

- Thắt lưng da

cái

01

03 năm

- Phù hiệu

bộ

01

04 năm

- Cấp hiệu

bộ

01

04 năm

- Sao, ve áo

bộ

01

04 năm

Ghi chú:

- Trang phục thanh tra viên được trang cấp theo quy định hiện hành của pháp luật về Thanh tra;

- Trang phục cán bộ dân quân tự vệ: Kiểu dáng, màu sắc, chất liệu trang phục cán bộ dân quân tự vệ thực hiện theo quy định tại Nghị định số 58/2010/NĐ-CP ngày 01/6/2010 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

2. Phương tiện bảo vệ cá nhân:

TT

Danh mục phương tiện

Đ/vị tính

Số lượng

Niên hạn sử dụng

1

Cán bộ y tế cơ quan

- Quần áo vải trắng

bộ

01

01 năm (lần đầu cấp 02 bộ)

- Mũ vải trắng hoặc mũ bao tóc

bộ

01

01 năm (lần đầu cấp 02 bộ)

- Găng tay cao su mỏng

đôi

10

01 năm

- Dép nhựa có quai hậu

đôi

01

01 năm

- Ủng cao su

đôi

01

02 năm

- Khẩu trang lọc bụi

chiếc

02

01 năm

- Yếm hoặc tạp dề chống ướt, bẩn

chiếc

01

01 năm (lần đầu cấp 02 chiếc)

- Xà phòng

bánh

12

2

Vận hành, sử dụng thiết bị (thang máy, điều hoà, máy phát điện, máy photo,...)

- Quần áo lao động phổ thông hoặc áo choàng trắng

bộ

01

01 năm (lần đầu cấp 02 bộ)

- Mũ vải

chiếc

01

01 năm

- Khẩu trang lọc bụi

chiếc

02

01 năm

- Giày vải bạt cổ thấp

đôi

01

01 năm (lần đầu cấp 02 đôi)

- Găng tay cao su

đôi

02

01 năm

- Xà phòng

bánh

12

3

Nhân viên phục vụ

- Quần áo lao động phổ thông

bộ

01

01 năm (lần đầu cấp 02 bộ)

- Găng tay cao su mỏng

đôi

10

01 năm

- Khẩu trang lọc bụi

chiếc

02

01 năm

- Xà phòng

bánh

12

4

Thủ kho (văn phòng phẩm, linh kiện, thiết bị,...)

- Quần áo lao động phổ thông

bộ

01

01 năm (lần đầu cấp 02 bộ)

- Mũ vải

chiếc

01

01 năm

- Khẩu trang lọc bụi

chiếc

02

01 năm

- Giày vải bạt cổ thấp

đôi

01

01 năm (lần đầu cấp 02 đôi)

- Găng tay vải bạt

đôi

02

01 năm

- Xà phòng

bánh

12

PHỤ LỤC SỐ 02

MỨC CHI TIỀN THƯỞNG DANH HIỆU THI ĐUA, HUÂN HUY CHƯƠNG, BẰNG KHEN, GIẤY KHEN VÀ DANH HIỆU NHÀ NƯỚC
(Kèm theo Quyết định số 279/QĐ-BTC ngày 14/02/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

1. Mức chi tiền thưởng danh hiệu thi đua:

1.1. Đối với cá nhân:

a) Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” được thưởng 4,5 lần mức lương tối thiểu chung;

b) Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp Bộ” được thưởng 3,0 lần mức lương tối thiểu chung;

c) Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” được thưởng 1,0 lần mức lương tối thiểu chung;

d) Danh hiệu “Lao động tiên tiến” được thưởng 0,3 lần mức lương tối thiểu chung.

1.2. Đối với tập thể:

a) Danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” được thưởng 1,5 lần mức lương tối thiểu chung;

b) Danh hiệu “Tập thể Lao động tiên tiến” được thưởng 0,8 lần mức lương tối thiểu chung;

c) Danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ” được thưởng 24,5 lần mức lương tối thiểu chung;

d) Danh hiệu “Cờ thi đua cấp Bộ” được thưởng 15,5 lần mức lương tối thiểu chung.

2. Mức chi tiền thưởng Huân chương các loại

2.1. Đối với cá nhân:

a) “Huân chương Sao vàng”: được thưởng 46,0 lần mức lương tối thiểu chung;

b) “Huân chương Hồ Chí Minh”: được thưởng 30,5 lần mức lương tối thiểu chung;

c) “Huân chương Độc lập” hạng nhất, “Huân chương Quân công” hạng nhất: được thưởng 15,0 lần mức lương tối thiểu chung;

d) “Huân chương Độc lập” hạng nhì, “Huân chương Quân công” hạng nhì: được thưởng 12,5 lần mức lương tối thiểu chung;

đ) “Huân chương Độc lập” hạng ba, “Huân chương Quân công” hạng ba: được thưởng 10,5 lần mức lương tối thiểu chung;

e) “Huân chương Lao động” hạng nhất, ''Huân chương Chiến công'' hạng nhất, “Huân chương Bảo vệ Tổ quốc” hạng nhất: được thưởng 9,0 lần mức lương tối thiểu chung;

g) “Huân chương Lao động” hạng nhì, ''Huân chương Chiến công'' hạng nhì, “Huân chương Bảo vệ Tổ quốc” hạng nhì, “Huân chương Đại đoàn kết dân tộc”: được thưởng 7,5 lần mức lương tối thiểu chung;

h) “Huân chương Lao động” hạng ba, ''Huân chương Chiến công'' hạng ba, “Huân chương Bảo vệ Tổ quốc” hạng ba và “Huân chương Dũng cảm”: được thưởng 4,5 lần mức lương tối thiểu chung.

2.2. Đối với tập thể được tặng thưởng Huân chương các loại, mức tiền thưởng gấp 2 lần mức tiền thưởng đối với cá nhân quy định tại điểm 2.1 mục 2 nêu trên.

3. Mức chi tiền thưởng danh hiệu vinh dự nhà nước

3.1. Cá nhân được tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, “Anh hùng Lao động” được thưởng 15,5 lần mức lương tối thiểu chung.

3.2. Tập thể được tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, “Anh hùng Lao động” được thưởng gấp 2 lần mức tiền thưởng đối với cá nhân quy định tại điểm a mục 3 nêu trên.

3.3. Cá nhân được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân” được thưởng 12,5 lần mức lương tối thiểu chung; “Nhà giáo ưu tú” được thưởng 9,0 lần mức lương tối thiểu chung.

4. Mức chi tiền thưởng Bằng khen, Giấy khen

4.1. Đối với cá nhân:

a) “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” được thưởng 1,5 lần mức lương tối thiểu chung;

b) “Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính” được thưởng 1,0 lần mức lương tối thiểu chung;

c) Cá nhân được tặng giấy khen được thưởng 0,3 lần mức lương tối thiểu chung;

4.2. Đối với tập thể:

a) “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”, “Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính” được thưởng gấp 2 lần mức tiền thưởng đối với cá nhân được tặng bằng khen quy định tại các điểm 4.1 mục 4 nêu trên.

b) Tập thể được tặng giấy khen các cấp được thưởng gấp 2 lần mức tiền thưởng đối với cá nhân được tặng giấy khen quy định tại điểm 4.1 mục 4 nêu trên.

5. Huy chương, Kỷ niệm chương

5.1. Cá nhân được tặng Huy chương các loại được thưởng 1,5 lần mức lương tối thiểu chung.

5.2. Cá nhân được tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp tài chính" được thưởng không quá 0,6 lần mức lương tối thiểu chung./.

PHỤ LỤC SỐ 03

ĐỊNH MỨC KHOÁN CHI VĂN PHÒNG PHẨM
(Kèm theo Quyết định số 279/QĐ-BTC ngày 14/02/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

1. Khoán chi văn phòng phẩm đối với cá nhân:

- Lãnh đạo cấp Vụ và tương đương: 70.000 đồng/người/tháng.

- Lãnh đạo cấp phòng, chuyên viên, cán sự: 60.000 đồng/người/tháng.

- Cán bộ Phòng Hành chính, Phòng Lưu trữ thuộc Văn phòng Bộ; nhân viên văn thư các đơn vị: 55.000 đồng/người/tháng

- Lao động hợp đồng; bộ phận lễ tân, nhân viên phôtô tài liệu thuộc phòng hành chính thuộc Văn phòng Bộ: 30.000 đồng/người/tháng.

- Nhân viên phục vụ, bảo vệ: 20.000 đồng/người/tháng.

2. Khoán chi văn phòng phẩm sử dụng chung cho nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị:

Đơn vị tính: đồng

STT

Đơn vị

Mức khoán
hàng năm

1

Vụ Ngân sách Nhà nước

80.000.000

2

Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp

70.000.000

3

Văn phòng Bộ

Trong đó: - Phòng Hành chính

18.000.000

- Phòng Lưu trữ

8.000.000

4

Vụ Chính sách thuế

45.000.000

5

Thanh tra

40.000.000

6

Vụ Kế hoạch - Tài chính

45.000.000

7

Vụ Hợp tác quốc tế

30.000.000

8

Vụ Đầu tư

35.000.000

9

Vụ Pháp chế

35.000.000

10

Vụ Tài chính ngân hàng

50.000.000

11

Vụ Tổ chức cán bộ

30.000.000

12

Vụ Chế độ kế toán

30.000.000

13

Vụ Thi đua khen thưởng

18.000.000

14

Vụ I

22.000.000

15

Văn phòng Đảng uỷ

10.000.000

16

Văn phòng Công đoàn

8.000.000

17

Văn phòng Đoàn thanh niên

5.000.000

Ghi chú: Riêng đối với Phòng Thư ký - Tổng hợp, Phòng Báo chí - Tuyên truyền thuộc Văn phòng Bộ thực hiện cấp phát VPP theo yêu cầu nhiệm vụ./.

PHỤ LỤC SỐ 04

ĐỐI TƯỢNG VÀ MỨC KHOÁN CƯỚC PHÍ SỬ DỤNG ĐIỆN THOẠI CỐ ĐỊNH TẠI NHÀ RIÊNG VÀ ĐIỆN THOẠI DI ĐỘNG ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CÓ TIÊU CHUẨN
(Kèm theo Quyết định số 279/QĐ-BTC ngày 14/02/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

1. Đối tượng được trang bị điện thoại:

1.1. Điện thoại di động:

- Bộ trưởng.

- Thứ trưởng.

1.2. Điện thoại cố định tại nhà riêng:

- Bộ trưởng.

- Thứ trưởng.

- Vụ trưởng và các chức danh tương đương.

2. Mức khoán cước phí sử dụng điện thoại:

2.1. Cước phí điện thoại cố định tại nhà riêng:

- Bộ trưởng: 300.000 đồng/tháng.

- Thứ trưởng: 200.000 đồng/tháng.

- Vụ trưởng và tương đương: 100.000 đồng/tháng.

2.2 Cước phí điện thoại di động:

- Bộ trưởng: 500.000 đồng/tháng.

- Thứ trưởng: 400.000 đồng/tháng.

- Vụ trưởng và tương đương; Thư ký Bộ trưởng, Thư ký Thứ trưởng; 01 cán bộ, công chức làm công tác giao dịch đối ngoại thuộc Vụ Hợp tác quốc tế: 250.000 đồng/tháng.

2.3. Mức khoán cước phí sử dụng điện thoại đối với Trưởng phòng Hành chính thuộc Văn phòng Bộ: 100.000 đồng/tháng.

Ghi chú:

- Trường hợp có sự thay đổi về đối tượng có tiêu chuẩn, Thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm thông báo kịp thời bằng văn bản về Vụ Kế hoạch - Tài chính về việc điều chỉnh, bổ sung, cắt giảm để đảm bảo thanh toán, chi trả đúng đối tượng.

- Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế chịu trách nhiệm thông báo về họ và tên cán bộ, công chức làm công tác giao dịch đối ngoại của đơn vị để chi trả đúng đối tượng.

PHỤ LỤC SỐ 05

KHOÁN THUÊ PHƯƠNG TIỆN ĐI CÔNG TÁC
(Kèm theo Quyết định số 279/QĐ-BTC ngày 14/02/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

1. Khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đưa đón các đối tượng có tiêu chuẩn đi công tác bằng máy bay, hoặc cán bộ, công chức không có tiêu chuẩn nhưng được phê duyệt đi công tác bằng máy bay theo một số tuyến đường từ sân bay đến nội thành thành phố và ngược lại:

- Chặng Hà Nội - sân bay Nội Bài và ngược lại: 450.000 đồng/cán bộ/đợt công tác đối với cán bộ, công chức đi đơn lẻ hoặc cán bộ đi theo đoàn tối đa không quá 03 cán bộ (các trường hợp đi theo đoàn từ 4 người trở lên và các trường hợp khác đăng ký sử dụng xe tại Đoàn xe thuộc Văn phòng Bộ thực hiện theo Quyết định số 3707/QĐ-BTC ngày 20/10/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính).

- Chặng sân bay Tân Sơn Nhất - Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại: 150.000 đồng/cán bộ/chuyến công tác đối với cán bộ, công chức đi đơn lẻ hoặc cán bộ đi theo đoàn tối đa không quá 03 cán bộ (các trường hợp đi theo đoàn từ 4 người trở lên và các trường hợp khác đăng ký sử dụng xe tại Đoàn xe thuộc Đại diện Cơ quan Bộ Tài chính tại thành phố Hồ Chí Minh thực hiện theo Quyết định số 3707/QĐ-BTC ngày 20/10/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính).

- Chặng sân bay Cam Ranh - Thành phố Nha Trang và ngược lại: 350.000 đồng/cán bộ/đợt công tác.

- Chặng sân bay Liên Khương - thành phố Đà Lạt và ngược lại: 200.000 đồng/cán bộ/đợt công tác.

- Chiều sân bay Phú Bài - Thành phố Huế và ngược lại; sân bay Côn Sơn - Trung tâm huyện Côn Đảo và ngược lại: 120.000 đồng/cán bộ/đợt công tác.

- Mức khoán đối với các sân bay còn lại: 80.000 đồng/cán bộ/02 chiều đi và về.

Trường hợp cán bộ chỉ đi một chiều thì thực hiện khoán bằng 50% mức chi khoán nêu trên.

2 Khoán tiền tầu xe đi và về từ cơ quan đến nơi công tác đối với cán bộ công chức không có tiêu chuẩn được đi công tác bằng máy bay và công tác bằng ô tô của cơ quan:

2.1. Mức khoán một lượt từ Hà Nội đến trung tâm các tỉnh, thành phố và ngược lại bằng phương tiện tàu hoả:

TT

Chặng

Mức khoán (đồng/người)

Ghi chú

Từ

Đến

1

Hà Nội

Yên Bái

175.000

Lào Cai

325.000

Nghệ An

300.000

TP Vinh

Quảng Bình

520.000

TP Đồng Hới

Quảng Trị

620.000

TP Đông Hà

Thừa Thiên Huế

745.000

Huế

Đà Nẵng

820.000

Quảng Ngãi

880.000

Bình Định

1.040.000

TP Quy Nhơn

Phú Yên

1.135.000

TP Tuy Hoà

Khánh Hoà

1.420.000

TP Nha Trang

Bình Thuận

1.520.000

TP Bình Thuận

Đồng Nai

1.550.000

TP Biên Hoà

TP Hồ Chí Minh

1.600.000

2.2. Mức khoán một lượt đi hoặc về đến trung tâm các tỉnh, thành phố bằng phương tiện ô tô:

TT

Chặng

Mức khoán (đồng/người)

Ghi chú

Từ

Đến

1

Hà Nội

Ba Vì

25.000

Hòa Bình

40.000

Sơn La

120.000

Điện Biên

200.000

Điện Biên Phủ

Lai Châu

250.000

Yên Bái

70.000

Lao Cai

160.000

Phú Thọ

- TP Việt Trì

40.000

- TX Phú Thọ

50.000

Vĩnh Phúc

30.000

TP Vĩnh Yên

Tuyên Quang

65.000

Hà Giang

130.000

Thái Nguyên

45.000

Bắc Kạn

70.000

Cao Bằng

110.000

Lạng Sơn

60.000

Bắc Giang

30.000

Bắc Ninh

20.000

Hải Dương

30.000

Hưng Yên

45.000

Hải Phòng

50.000

Quảng Ninh

60.000

TP Hạ Long

Thái Bình

50.000

Hà Nam

35.000

TP Phủ Lý

Nam Định

40.000

Ninh Bình

40.000

Thanh Hóa

70.000

Nghệ An

110.000

TP Vinh

Hà Tĩnh

180.000

Quảng Bình

220.000

TP Đồng Hới

Quảng Trị

260.000

TP Đông Hà

Thừa Thiên Huế

330.000

TP Huế

Đà Nẵng

400.000

2

TP Hồ Chí Minh

An Giang

100.000

TP Long Xuyên

Bạc Liêu

140.000

Bến Tre

70.000

Cà Mau

175.000

Cần Thơ

90.000

Đồng Tháp

80.000

TP Cao Lãnh

Hậu Giang

110.000

TP Vị Thanh

Kiên Giang

125.000

TP Rạch Giá

Long An

35.000

TP Tân An

Sóc Trăng

120.000

Tiền Giang

50.000

TP Mỹ Tho

Trà Vinh

100.000

Vĩnh Long

80.000

Bà Rịa - Vũng Tàu

- TX Bà Rịa

80.000

- TP Vũng Tàu

100.000

Bình Dương

30.000

Thủ Dầu Một

Bình Phước

70.000

TX Đồng Xoài

Bình Thuận

85.000

TP Phan Thiết

Đồng Nai

40.000

TP Biên Hòa

Đăk Lăk

200.000

Buôn Mê Thuột

Đắk Nông

100.000

TX Gia Nghĩa

Gia Lai

220.000

TP Pleiku

Kon Tum

260.000

Lâm Đồng

140.000

TP Đà Lạt

Ninh Thuận

120.000

Phan Rang - Tháp Chàm

Tây Ninh

90.000

3

Cần Thơ

An Giang

25.000

TP Long Xuyên

Bạc Liêu

40.000

Bến Tre

60.000

Cà Mau

80.000

Đồng Tháp

40.000

TP Cao Lãnh

Hậu Giang

25.000

TP Vị Thanh

Kiên Giang

75.000

TP Rạch Giá

Long An

60.000

TP Tân An

Sóc Trăng

25.000

Tiền Giang

50.000

TP Mỹ Tho

Trà Vinh

45.000

Vĩnh Long

15.000

2.3. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đi công tác tự túc phương tiện đi lại cách trụ sở cơ quan từ 15 km trở lên hoặc từ các tỉnh, thành phố nêu trên đến các địa phương khác không phải tỉnh lỵ không có tuyến xe vận tải công cộng, thì được cộng thêm phần chi phí đi lại từ tỉnh lỵ đến địa phương nơi công tác theo số km thực tế (có xác nhận của đơn vị hoặc khách sạn, nhà khách nơi đến công tác) với mức khoán 1.000đ/km.

PHỤ LỤC SỐ 06

ĐỊNH MỨC CHI XÂY DỰNG, SOẠN THẢO VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
(Kèm theo Quyết định số 279/QĐ-BTC ngày 14/02/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

1. Chi soạn thảo đề cương chi tiết dự thảo văn bản.

1.1. Đối với luật, pháp lệnh:

a) Dự án luật, pháp lệnh soạn thảo mới hoặc thay thế: mức chi tối đa 3.000.000 đồng/đề cương;

b) Dự án luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều: mức chi tối đa 2.500.000 đồng/đề cương.

1.2. Đối với nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, nghị quyết liên tịch giữa Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc giữa Chính phủ với cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội:

a) Soạn thảo văn bản mới hoặc thay thế: mức chi tối đa 2.000.000 đồng/đề cương;

b) Soạn thảo văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều: mức chi tối đa 1.500.000 đồng/đề cương.

1.3. Đối với quyết định của Thủ tướng Chính phủ; thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng Bộ Tài chính với Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng Bộ Tài chính với các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ:

a) Soạn thảo văn bản mới hoặc thay thế: mức chi tối đa 1.500.000 đồng/đề cương;

b) Soạn thảo văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều: mức chi tối đa 1.000.000 đồng/đề cương.

1.4. Đối với thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính:

a) Soạn thảo văn bản mới hoặc thay thế: mức chi tối đa 1.000.000 đồng/đề cương;

b) Soạn thảo văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều: mức chi tối đa 800.000 đồng/đề cương.

2. Chi soạn thảo văn bản.

2.1. Đối với luật, pháp lệnh:

a) Dự án luật, pháp lệnh soạn thảo mới hoặc thay thế: mức chi tối đa 8.000.000 đồng/dự thảo văn bản;

b) Dự án luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung số điều: mức chi tối đa 5.000.000 đồng/dự thảo văn bản.

2.2. Đối với nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, nghị quyết liên tịch giữa Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc giữa Chính phủ với cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội:

a) Soạn thảo văn bản mới hoặc thay thế: mức chi tối đa 5.000.000 đồng/dự thảo văn bản;

b) Soạn thảo văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều: mức chi tối đa 3.000.000 đồng/dự thảo văn bản.

2.3. Đối với quyết định của Thủ tướng Chính phủ; thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng Bộ Tài chính với Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng Bộ Tài chính với các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ:

a) Soạn thảo văn bản mới hoặc thay thế: mức chi tối đa 4.000.000 đồng/dự thảo văn bản;

b) Soạn thảo văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều: mức chi tối đa 2.000.000 đồng/dự thảo văn bản.

2.4. Đối với thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính:

a) Soạn thảo văn bản mới hoặc thay thế: mức chi tối đa 3.000.000 đồng/dự thảo văn bản;

b) Soạn thảo văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều: mức chi tối đa 2.000.000 đồng/dự thảo văn bản.

3. Chi soạn thảo các báo cáo phục vụ công tác xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

3.1. Báo cáo tổng hợp ý kiến; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý, thẩm định: mức chi tối đa 1.000.000 đồng/báo cáo.

3.2. Báo cáo nhận xét, đánh giá của người phản biện, ủy viên hội đồng thẩm định, báo cáo tham luận theo đơn đặt hàng của đơn vị chủ trì soạn thảo:

a) Đối với dự án luật, pháp lệnh mới hoặc thay thế: mức chi tối đa 1.000.000 đồng/báo cáo;

b) Đối với dự án luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều: mức chi tối đa 700.000 đồng/báo cáo;

c) Đối với các văn bản còn lại: mức chi tối đa 500.000 đồng/báo cáo.

3.3. Báo cáo đánh giá tác động của văn bản:

a) Báo cáo đánh giá tác động sơ bộ: mức chi tối đa 4.000.000 đồng/báo cáo;

b) Báo cáo đánh giá tác động đơn giản: mức chi tối đa 5.000.000 đồng/báo cáo;

c) Báo cáo đánh giá tác động đầy đủ: mức chi tối đa 6.000.000 đồng/báo cáo.

3.4. Báo cáo theo dõi tình hình thi hành pháp luật:

a) Báo cáo theo dõi tình hình thi hành pháp luật định kỳ hàng năm của các Bộ, ngành: mức chi tối đa 8.000.000 đồng/báo cáo;

b) Báo cáo theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo chuyên đề: mức chi tối đa 5.000.000 đồng/báo cáo;

c) Báo cáo theo dõi tình hình thi hành pháp luật đột xuất: mức chi tối đa 3.000.000 đồng/báo cáo.

4. Soạn thảo văn bản góp ý, báo cáo thẩm định, thẩm tra văn bản.

4.1. Văn bản góp ý:

a) Đối với dự án luật, pháp lệnh mới hoặc thay thế: mức chi tối đa 1.000.000 đồng/văn bản;

b) Đối với dự án luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều: mức chi tối đa 700.000 đồng/văn bản;

c) Đối với các văn bản còn lại: mức chi tối đa 500.000 đồng/văn bản.

4.2. Báo cáo thẩm định, báo cáo thẩm tra:

a) Đối với dự án luật, pháp lệnh: mức chi tối đa 1.500.000 đồng/báo cáo;

b) Đối với dự thảo nghị định, nghị quyết, nghị quyết liên tịch, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư liên tịch: mức chi tối đa 1.000.000 đồng/báo cáo;

c) Đối với dự thảo thông tư: mức chi tối đa 500.000 đồng/báo cáo.

5. Chỉnh lý hoàn thiện đề cương nghiên cứu, các loại báo cáo, bản thuyết minh, tờ trình văn bản: mức chi tối đa 500.000 đồng/lần chỉnh lý.

6. Chỉnh lý dự thảo văn bản: mức chi tối đa 600.000 đồng/lần chỉnh lý.

7. Chi cho cá nhân tham gia họp, hội thảo, toạ đàm, hội nghị và họp báo:

7.1. Tham gia họp, hội thảo, toạ đàm, hội nghị phục vụ công tác lập đề nghị xây dựng dự kiến chương trình, soạn thảo, đánh giá tác động, góp ý, thẩm định, thẩm tra văn bản; điều tra, khảo sát; theo dõi, đánh giá về tình hình thi hành pháp luật:

a) Chủ trì: mức chi 150.000 đồng/người/cuộc họp;

b) Các thành viên tham dự: mức chi 100.000 đồng/người/cuộc họp;

c) Ý kiến tham luận bằng văn bản của thành viên tham dự: mức chi tối đa 500.000 đồng/văn bản.

7.2. Tham dự cuộc họp báo công bố luật, pháp lệnh và các văn bản đã được cấp có thẩm quyền ký ban hành:

a) Người chủ trì cuộc họp: mức chi 150.000 đồng/người/cuộc họp;

b) Các thành viên tham dự: mức chi 70.000 đồng/người/cuộc họp.

8. Chi thuê dịch và hiệu đính tài liệu:

8.1. Dịch tài liệu từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt: mức chi tối đa 120.000 đồng/trang (350 từ);

8.2. Dịch tài liệu từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài: mức chi tối đa 150.000 đồng/trang (350 từ);

8.3. Dịch tài liệu từ tiếng Việt sang tiếng dân tộc thiểu số: mức chi tối đa 100.000 đồng/trang (350 từ);

8.4. Hiệu đính tài liệu dịch: mức chi tối đa 40.000 đồng/trang (350 từ).

8.5. Đối với một số ngôn ngữ không phổ thông mức chi biên dịch được phép tăng tối đa 30% so với mức chi biên dịch nêu trên.

9. Chi lấy ý kiến tư vấn của chuyên gia độc lập.

Trong trường hợp đề nghị xây dựng văn bản; đề nghị, dự kiến chương trình xây dựng văn bản; thuyết minh, tờ trình, dự thảo văn bản và các loại báo cáo thuộc chuyên ngành, lĩnh vực chuyên môn phức tạp phải lấy ý kiến tư vấn, phản biện của các chuyên gia độc lập thì mức chi tối đa 1.000.000 đồng/báo cáo.

10. Việc sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật, ngoài việc thực hiện theo mức chi cho những nội dung quy định tại khoản 1 đến khoản 9 nêu trên, mức chi cho những nội dung khác được thực hiện và áp dụng theo các chế độ chi tiêu tài chính hiện hành, bao gồm:

10.1. Đối với các khoản chi công tác phí cho cán bộ đi công tác trong nước, chi để tổ chức các cuộc họp, hội nghị, tọa đàm, sơ kết, tổng kết thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính về chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập;

10.2. Đối với các khoản chi cho việc tổ chức các đoàn đi khảo sát ở nước ngoài thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính về chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách nhà nước đài thọ;

10.3. Đối với việc tổ chức các cuộc điều tra, khảo sát, điều tra xã hội học được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra từ nguồn vốn sự nghiệp của ngân sách nhà nước;

10.4. Đối với các khoản chi lập hệ cơ sở dữ liệu tin học hóa phục vụ cho công tác xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi tạo lập tin điện tử thuộc công nghệ thông tin và các quy định hiện hành về công nghệ thông tin, xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu;

10.5. Đối với công tác nghiên cứu, xây dựng các chuyên đề phục vụ công tác xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật; xây dựng các loại thuyết minh, tờ trình; lập đề nghị xây dựng văn bản; lập đề nghị, dự kiến chương trình xây dựng văn bản; báo cáo đánh giá, tổng kết thực tiễn; báo cáo đánh giá tác động của văn bản; báo cáo theo dõi tình hình thi hành pháp luật được thực hiện và áp dụng theo quy định của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước;

10.6. Chi rà soát, hệ thống hoá văn bản phục vụ trực tiếp công tác xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn về quản lý và sử dụng kinh phí cho công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật.

11. Định mức phân bổ kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật

Định mức phân bổ kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật phải thực hiện trên cơ sở các hoạt động, nội dung chi, mức chi quy định tại các văn bản hướng dẫn của Nhà nước của Quy chế này, trừ các nội dung quy định tại mục 10 nêu trên, cụ thể như sau:

11.1. Đối với dự thảo nghị định của Chính phủ, mức phân bổ kinh phí tối đa 25 triệu đồng/dự thảo văn bản có nội dung ít phức tạp, chỉ lấy ý kiến tham gia của một số Bộ, ngành Trung ương và tối đa 40 triệu đồng/dự thảo văn bản có nội dung phức tạp, phải lấy ý kiến tham gia của nhiều Bộ, ngành Trung ương, đoàn thể và địa phương. Trường hợp dự thảo nghị định phải tổ chức họp lấy ý kiến rộng rãi, nhiều lần với phạm vi rộng, thì mức phân bổ kinh phí do thủ trưởng đơn vị được giao chủ trì soạn thảo, xây dựng quyết định trong phạm vi dự toán ngân sách chi thường xuyên được giao;

11.2. Đối với dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nghị quyết liên tịch thì mức phân bổ kinh phí tối đa 20 triệu đồng/dự thảo văn bản có nội dung ít phức tạp hoặc ít phải tổ chức các cuộc họp lấy ý kiến và tối đa 35 triệu đồng/dự thảo văn bản có nội dung phức tạp hoặc phải tổ chức họp lấy ý kiến nhiều lần;

11.3. Đối với dự thảo thông tư, thông tư liên tịch thì mức phân bổ kinh phí tối đa 15 triệu đồng/dự thảo văn bản có nội dung ít phức tạp, phạm vi điều chỉnh hẹp và tối đa 30 triệu đồng/dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, dự thảo văn bản có nội dung phức tạp, phạm vi đối tượng thực hiện rộng trong toàn quốc, phải tổ chức họp lấy ý kiến nhiều lần;

11.4. Đối với dự án luật, pháp lệnh thì mức phân bổ kinh phí được thực hiện căn cứ theo mức độ phức tạp của từng dự án luật, pháp lệnh./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 279/QĐ-BTC ngày 14/02/2012 về Quy chế chi tiêu nội bộ thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kinh phí quản lý hành chính đối với Cơ quan Bộ Tài chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


138.176

DMCA.com Protection Status
IP: 3.149.253.73
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!