VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
303/TB-VPCP
|
Hà
Nội, ngày 12 tháng 08
năm 2013
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI - TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO TẠI PHIÊN
HỌP BAN CHỈ ĐẠO NHÀ NƯỚC CÁC CÔNG TRÌNH, DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM NGÀNH GIAO THÔNG VẬN
TẢI
Ngày 01 tháng 8 năm 2013, tại Văn
phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước
các công trình, dự án trọng điểm
ngành Giao thông vận tải đã chủ trì phiên họp của Ban Chỉ
đạo để kiểm điểm
tình hình thực hiện các công trình, dự án trọng điểm ngành
Giao thông vận tải. Tham dự cuộc họp có các thành viên Ban Chỉ đạo, một số Ban
quản lý dự án, các chủ đầu tư công trình, dự án trọng điểm và một số cơ quan,
đơn vị có liên quan. Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải báo cáo và ý
kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng
Hoàng Trung Hải - Trưởng Ban Chỉ đạo đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN
- Bộ Giao thông vận tải, các Bộ,
ngành và địa phương liên quan đã nỗ lực thực hiện các nội dung cuộc họp trước của
Ban chỉ đạo, đã triển khai, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến
độ các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải.
Đã có thêm 7 dự án được bàn giao và đưa vào khai thác sử dụng.
- Một số công việc có tính quyết định
đến hiệu quả đầu tư đã được Bộ Giao thông vận tải thực hiện tốt như: rà soát
chiến lược, quy hoạch; công tác chuẩn bị đầu tư; công tác đảm bảo tiến độ, chất
lượng và giá thành công trình... Đây là các công việc cần tiếp tục được thực hiện thường xuyên, liên tục.
Trên cơ sở kết quả đánh giá suất đầu tư công trình giao thông, Bộ Giao thông vận
tải, Bộ Xây dựng và các Bộ liên quan cần tiếp tục phân tích, đánh giá cụ thể
về định mức, chi phí để có giải pháp nhằm giảm giá thành công
trình.
- Đối với các dự án sử dụng vốn ODA:
tiếp tục bố trí đủ vốn đối ứng và tập trung xử lý vướng mắc
để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, bảo đảm đúng cam kết.
- Để giảm áp lực đầu tư từ ngân sách,
cần đẩy mạnh tái đầu tư công, triển khai mạnh mẽ hình thức
đầu tư PPP (BOT, BTO...); hạn chế tối đa việc chuyển đổi hình thức đầu tư từ
BOT sang sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, trừ những trường hợp thực sự cần thiết Bộ Giao thông vận tải đàm phán với Nhà đầu tư BOT để
điều chỉnh hợp đồng dự án, bảo đảm hiệu quả dự án, đồng thời hài hòa lợi ích giữa
nhà nước và Nhà đầu tư.
- Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo xử lý
các vấn đề kỹ thuật chuyên ngành ảnh hưởng đến chất lượng
và sự êm thuận của công trình. Trường hợp khai thác công
trình trong điều kiện hạn chế, đặc thù (cần thời gian để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật)
thì cần có thông báo, giải thích rõ ràng cho người dân
cũng như các cơ quan thông tin truyền thông biết, tránh việc hiểu và có thông tin sai lệch.
- Giải phóng mặt bằng (GPMB) là công
việc khó khăn trong hầu hết các dự án, đặc biệt là các dự án triển khai trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố như công trình giao thông, công trình
đường dây điện... Các địa phương đã nỗ lực cùng Bộ Giao thông vận tải tháo gỡ vướng
mắc, bàn giao mặt bằng cho thi công; tuy nhiên tại một số dự án vẫn còn tồn tại
cần được khẩn trương xử lý dứt điểm, nhất là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
II. VỀ MỘT SỐ DỰ ÁN CỤ THỂ:
1. Dự án đường Hồ Chí Minh
a) Đoạn Kon Tum - Pleiku:
- Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum và tỉnh
Gia Lai tập trung giải quyết dứt điểm công tác GPMB hạng mục đường tránh, cầu tạm
thuộc các gói thầu 3, 4, 5, 6, 7;
- Bộ Giao thông vận tải ưu tiên cân đối
bố trí đủ vốn cho công tác GPMB tại các vị trí hạ lưu cống,
chân taluy, vỉa hè thuộc gói thầu số 1, 2.
b) Đoạn La Sơn - Túy Loan: Bộ Kế hoạch
và Đầu tư sớm xem xét, cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án BT.
2. Dự án xây dựng đường vành đai 3
GĐ 2 (Mai Dịch - Bắc hồ Linh Đàm)
Bộ Giao thông vận tải khẩn trương phê
duyệt hạng mục Nút giao Trung Hòa, Cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long; đẩy
nhanh các thủ tục còn lại để sớm khởi công thực hiện.
3. Dự án đường cao tốc Nội Bài -
Lào Cai:
- UBND thành phố Hà Nội và các tỉnh:
Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai tiếp tục hoàn thành dứt điểm các tồn tại
trong công tác GPMB, cũng như các phạm vi GPMB bổ sung;
- Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổng
công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thực hiện các nội dung
theo yêu cầu của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình
xây dựng; đồng thời kiểm soát chặt chẽ chất lượng và chỉ đạo triển khai hoàn
thành toàn tuyến vào cuối năm 2014.
4. Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và
đường dẫn 2 đầu cầu:
UBND thành phố Hà Nội tập trung chỉ đạo
các Quận, các Chủ đầu tư tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành chế độ chính
sách hiện hành, sớm bàn giao mặt bằng; rà soát các quy trình, thủ tục và các
chính sách GPMB để có biện pháp hành chính cương quyết; bàn giao mặt bằng trước
tháng 9 năm 2013.
5. Dự án xây dựng đường nối từ cầu
Nhật Tân đến sân bay Nội Bài:
- UBND thành phố Hà Nội khẩn trương
chỉ đạo, tháo gỡ các vướng mắc trong công tác GPMB, kể cả việc bố trí ngân sách địa
phương trong việc xử lý, thu hồi đất của các hộ dân trên địa bàn huyện Sóc Sơn,
cụ thể:
+ Xác định giá đất ở phù hợp với điều
kiện thực tế; xác định giá đất tái định cư để công khai
cho người dân biết.
+ Sớm xây dựng hạ tầng kỹ thuật các
khu tái định cư. Trong khi chưa xây dựng xong các khu tái định cư, chỉ đạo các
huyện giao đất trên quy hoạch để các hộ yên tâm nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, bàn giao mặt bằng; có chính sách hỗ trợ tạm cư và thưởng
tiến độ phù hợp.
- Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo sớm
hoàn thành hồ sơ điều chỉnh thiết kế kỹ thuật để phê duyệt,
bảo đảm tiến độ Dự án.
6. Dự án xây dựng nhà ga T2 - cảng
hàng không quốc tế Nội Bài:
UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo thực hiện
GPMB phần diện tích nằm ngoài ranh giới Dự án (phần diện tích đất xen kẹt không
canh tác được và hoàn trả đường giao thông nội đồng).
7. Dự án xây dựng đường cao tốc Hà
Nội - Thái Nguyên (Quốc lộ 3 mới):
- Giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo
đẩy nhanh tiến độ để thông xe toàn tuyến vào 31 tháng 12 năm 2013.
- Yêu cầu Thành phố Hà Nội sớm giải
quyết tồn tại GPMB khu vực 49 hộ ở Ninh Hiệp (Gia Lâm) và 70 hộ ở Trung Giã (Sóc Sơn), hoàn thành dứt điểm trong quý II/2013
để bàn giao mặt bằng cho Nhà thầu thi công.
8. Dự án đường Láng - Hòa Lạc:
Ủy ban nhân dân
thành phố Hà Nội sớm bàn giao 0,35 ha còn lại tại nút giao
Hòa Lạc với Quốc lộ 21; giải quyết sớm khoản kinh phí còn lại thuộc trách nhiệm của UBND thành phố Hà Nội cho Bộ Giao thông vận tải.
9. Dự án đường cao tốc Tp Hồ Chí
Minh - Long Thành - Dầu Giây:
- UBND TP Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Đồng Nai khẩn trương chỉ đạo bàn giao mặt bằng theo Công điện
số 1100/CĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.
- Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo VEC
đôn đốc các Nhà thầu tập trung năng lực, đẩy nhanh tiến độ để thông xe đoạn từ
Vành đai II thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành vào cuối năm 2013; khẩn trương
hoàn thành công tác phê duyệt kết quả đấu thầu các gói thầu còn lại để sớm triển
khai, đạt mục tiêu thông xe toàn tuyến vào cuối năm 2014.
10. Dự án đường cao tốc Bến Lức -
Long Thành
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo VEC
hoàn tất các thủ tục còn lại để đảm bảo khởi công Dự án vào cuối năm 2013; phối
hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để cân đối đủ vốn đối ứng
cho công tác GPMB (đặc biệt là đoạn phía Tây từ cầu Bình Khánh về
thành phố Hồ Chí Minh), đáp ứng yêu cầu tiến độ.
11. Dự án đường cao tốc Đà Nẵng -
Quảng Ngãi
- Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo VEC
khẩn trương hoàn tất các thủ tục liên quan đến thiết kế kỹ thuật và hồ sơ mời
thầu nhằm đẩy nhanh công tác đấu thầu; Phối hợp với Bộ Kế hoạch
và Đầu tư để cân đối đủ vốn đối ứng cho công tác GPMB, nhất là đoạn trên 2 tỉnh
Quảng Nam, Quảng Ngãi.
- Yêu cầu UBND tỉnh,
thành có dự án đi qua tiếp tục chỉ đạo để hoàn tất công
tác GPMB.
12. Dự án đường cao tốc Hà Nội -
Hải Phòng.
- Yêu cầu Nhà đầu
tư VIDIFI rà soát tiến độ của từng gói thầu, hạng mục công trình và tiến độ tổng
thể của dự án; khẩn trương chỉ đạo các đơn vị thi công hoàn thành dự án đáp ứng
tiến độ thông xe năm 2015 theo yêu cầu;
- UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải
Dương, Hưng Yên giải quyết dứt điểm công tác GPMB theo nội dung Công điện số 913/CĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.
13. Dự án mở rộng quốc lộ 1A và
đường Hồ Chí Minh qua khu vực Tây Nguyên (quốc lộ 14 cũ):
- UBND các tỉnh, thành phố có dự án
đi qua thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại
Thông báo số 266/TB-VPCP ngày 24 tháng 7 năm 2013 của Văn
phòng Chính phủ;
- Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các
đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng, rà soát năng lực
Nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện thủ tục cấp Giấy chứng
nhận đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án BOT.
14. Dự án đường sắt đô thị thành
phố Hồ Chí Minh, tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên): UBND thành phố Hồ Chí Minh
và UBND tỉnh Bình Dương tập trung chỉ đạo để hoàn tất công tác GPMB trước ngày
30 tháng 9 năm 2013.
15. Dự án đường sắt đô thị thành
phố Hồ Chí Minh, tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương): UBND thành phố Hồ Chí
Minh chỉ đạo Chủ đầu tư hoàn tất các thủ tục để sớm khởi công dự án, đáp ứng tiến
độ yêu cầu.
16. Dự án đường sắt đô thị Hà Nội
tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi):
- Bộ Giao thông vận tải làm việc cụ
thể với UBND thành phố Hà Nội và các Bộ, ngành liên quan, sớm thống nhất quan
điểm về vị trí, phương án kiến trúc cầu đường sắt vượt sông Hồng; chủ động giải
quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ Dự án.
- UBND thành phố Hà Nội đẩy nhanh các
thủ tục phê duyệt quy hoạch Tổng mặt bằng ga Hà Nội.
17. Dự án đường sắt đô thị Hà Nội
tuyến Cát Linh - Hà Đông:
Yêu cầu UBND thành phố Hà Nội:
- Đẩy nhanh các thủ tục phê duyệt quy
hoạch không gian kiến trúc, cảnh quan khu vực 47 Cát Linh và nút giao thông Cát Linh - Giảng Võ - Giang Văn Minh;
- Sớm hoàn thành bàn giao toàn bộ
công tác GPMB trước ngày 31/12/2013, một số vị trí cần phải hoàn thành trước
trong quý III năm 2013 như: công trình hạ tầng kỹ thuật phạm
vi các nhà ga, đường ống nước D200 phạm vi đường tránh quốc lộ 6, mặt bằng thi công các trụ cầu và nhà ga Văn Khê trên quốc lộ 6.
- Chỉ đạo để đẩy nhanh, và hoàn thành
dứt điểm công tác GPMB trên địa bàn Quận Đống Đa, Hà Đông;
- Tiến hành thành lập đơn vị quản lý
và khai thác để tiếp nhận Tiểu dự án đào tạo nhân lực theo yêu cầu tiến độ của
Dự án.
18. Dự án tuyến đường sắt đô thị
Nhổn - Ga Hà Nội:
UBND thành phố
Hà Nội tập trung chỉ đạo công tác GPMB và di chuyển công trình ngầm nổi: khu vực
Depot và đường dẫn vào khu Depot giai đoạn 2 để đáp ứng yêu cầu tiến độ của dự
án.
19. Dự án Đầu tư xây dựng luồng
cho tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu:
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn
vị liên quan điều chỉnh dự án theo văn bản số 526/TTg-KTN ngày 12 tháng 4 năm
2013 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, triển khai chỉ đạo
của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 939/TTg-KTN ngày 26 tháng 6 năm 2013 về
việc ưu tiên thực hiện đầu tư các hạng mục thông luồng kỹ thuật của Dự án.
III. GIAO TRÁCH NHIỆM CÁC BỘ, ĐỊA
PHƯƠNG:
1. Bộ Xây dựng:
- Tăng cường công tác nghiệm thu, kiểm
tra chất lượng các công trình, dự án, không chỉ ở giai đoạn nghiệm thu bàn giao
công trình.
- Tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục
đầu tư xây dựng.
- Nghiên cứu sửa đổi quy định về thiết
kế phí cho phù hợp, tránh tình trạng tăng quy mô, chi phí công trình bất hợp
lý.
2. Bộ Kế hoạch
và Đầu tư: chủ trì, làm việc cụ thể với Bộ Giao thông vận tải
để sớm cấp Giấy chứng nhận đầu tư các dự án BOT, BT; có thể xem xét cho phép
hoàn thiện hồ sơ sau đối với nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường.
3. Bộ Tài chính: khẩn trương ứng vốn
thực hiện GPMB dự án mở rộng quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua khu vực Tây
Nguyên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sau khi các địa phương phê duyệt
phương án GPMB. Các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, nhà thầu kịp thời đề xuất Bộ
Tài chính giải quyết về các vướng mắc trong thủ tục giải
ngân; lưu ý cần thực hiện thủ tục kiểm soát vốn đúng quy định, bảo đảm chặt chẽ.
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường:
nghiên cứu đề nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí
Minh trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đối với những trường hợp
đất đã sử dụng lâu dài nhưng không xác minh được nguồn gốc)
khi sửa đổi Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ
quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ
trợ và tái định cư; đồng thời, chỉ điều chỉnh các nội dung thực sự cần thiết và
phải tính đến tác động của việc áp dụng quy định mới trong giai đoạn chuyển tiếp.
5. Bộ Giao thông
vận tải:
- Chỉ đạo các chủ đầu tư, các Ban quản
lý dự án phối hợp chặt chẽ với chính
quyền địa phương trong triển khai công tác GPMB; triển khai các dự án bảo đảm
chất lượng, tiến độ.
- Tăng cường rà soát điều chỉnh thiết
kế kỹ thuật để giảm giá thành, công trình.
- Từng bước nâng cao chất lượng các
Ban quản lý dự án của ngành theo hướng chuyên nghiệp hóa, áp dụng khoa học quản
trị tiên tiến trong quản lý dự án.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, địa phương có liên quan nghiên cứu xây dựng, phát triển các tuyến vận tải thủy để giảm áp lực giao thông vận tải đường bộ.
6. UBND các tỉnh,
thành phố có liên quan, đặc biệt là thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh,
tập trung hoàn thành công tác GPMB các dự án cụ thể nêu trên, không để xảy ra
tình trạng cố tình, không chấp hành
chính sách, pháp luật của nhà nước, làm ảnh hưởng đến tiến độ các dự án trọng điểm.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để
các thành viên Ban Chỉ đạo, các Bộ, địa phương và các cơ quan liên quan biết,
thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng;
- Các thành viên Ban Chỉ đạo;
- Văn phòng Ban Chỉ đạo;
- Các Bộ: GTVT, KH&ĐT, TC, XD, TN&MT,CT;
- UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải
Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai, Thanh Hóa,
Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, TT Huế, Đà Nẵng, Quảng
Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng
Nai, Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Hậu Giang, Kon Tum, Gia
Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Bình Phước;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Các Tổng công ty: Hàng hải VN, Đường sắt VN, PT hạ tầng và Đầu tư tài
chính VN, Cảng hàng không Việt Nam, ĐTPT đường cao tốc VN;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, TH, V.III,
QHQT, V.I, TKBT;
- Lưu: VT, KTN (3).
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Hữu Vũ
|