02 chính sách mới trong ngành giáo dục có hiệu lực từ ngày 14 02 2025?
02 chính sách mới trong ngành giáo dục có hiệu lực từ ngày 14 02 2025?
Dưới đây là 02 chính sách mới trong ngành giáo dục có hiệu lực từ ngày 14 02 2025 như sau:
[1] Chính sách mới về dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024, quy định về dạy thêm, học thêm.
Căn cứ theo Điều 17 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT có quy định cụ thể về hiệu lực thi hành như sau:
Hiệu lực thi hành
1. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14 tháng 02 năm 2025.
2. Thông tư này thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16 tháng 5 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm.
Như vậy, thông qua quy định trên thì Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14 tháng 02 năm 2025.
Theo đó, việc dạy thêm ngoài nhà trường cần tuân thủ các yêu cầu sau:
- Cơ sở dạy thêm (tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm có thu phí) phải đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật.
- Thông tin công khai: Cơ sở dạy thêm cần niêm yết hoặc công khai trên cổng thông tin điện tử các nội dung như môn học giảng dạy, thời lượng từng môn theo khối lớp, địa điểm, hình thức, thời gian dạy, danh sách giáo viên giảng dạy và mức học phí trước khi tuyển sinh.
- Yêu cầu đối với giáo viên dạy thêm: Phải có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực chuyên môn phù hợp với môn giảng dạy.
- Giáo viên đang giảng dạy tại trường học: Nếu tham gia dạy thêm ngoài nhà trường, cần báo cáo với Hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức và thời gian giảng dạy.
Quy định này nhằm đảm bảo minh bạch và kiểm soát chất lượng dạy thêm ngoài nhà trường.
[2] Chính sách mới về bỏ phương thức thi tuyển vào lớp 6 từ năm 2025
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 30/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024, quy định về tuyển sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Theo thông tư mới, tuyển sinh vào lớp 6 sẽ được thực hiện hoàn toàn bằng phương thức xét tuyển, thay vì có thể kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực như trước đây.
Trước đó, theo Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT (đã được sửa đổi tại Thông tư 05/2018/TT-BGDĐT), các cơ sở giáo dục có số lượng học sinh đăng ký vào lớp 6 nhiều hơn chỉ tiêu có thể áp dụng phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra đánh giá năng lực.
Với quy định mới này, từ năm 2025, phương thức thi tuyển vào lớp 6 sẽ chính thức bị loại bỏ hoàn toàn.
02 chính sách mới trong ngành giáo dục có hiệu lực từ ngày 14 02 2025?
Chương trình giáo dục phải bảo đảm điều như thế nào?
Chương trình giáo dục phải bảo đảm điều gì thì căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Giáo dục 2019 như sau:
Chương trình giáo dục
...
2. Chương trình giáo dục phải bảo đảm tính khoa học và thực tiễn; kế thừa, liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo; tạo điều kiện cho phân luồng, chuyển đổi giữa các trình độ đào tạo, ngành đào tạo và hình thức giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân để địa phương và cơ sở giáo dục chủ động triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp; đáp ứng mục tiêu bình đẳng giới, yêu cầu hội nhập quốc tế. Chương trình giáo dục là cơ sở bảo đảm chất lượng giáo dục toàn diện.
3. Chuẩn kiến thức, kỹ năng, yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực người học quy định trong chương trình giáo dục phải được cụ thể hóa thành sách giáo khoa đối với giáo dục phổ thông; giáo trình và tài liệu giảng dạy đối với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học. Sách giáo khoa, giáo trình và tài liệu giảng dạy phải đáp ứng yêu cầu về phương pháp giáo dục.
4. Chương trình giáo dục được tổ chức thực hiện theo năm học đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông; theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ hoặc kết hợp giữa tín chỉ và niên chế đối với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học.
Kết quả học tập môn học hoặc tín chỉ, mô-đun mà người học tích lũy được khi theo học một chương trình giáo dục được công nhận để xem xét về giá trị chuyển đổi cho môn học hoặc tín chỉ, mô-đun tương ứng trong chương trình giáo dục khác khi người học chuyên ngành, nghề đào tạo, chuyển hình thức học tập hoặc học lên cấp học, trình độ đào tạo cao hơn.
5. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định việc thực hiện chương trình giáo dục và việc công nhận về giá trị chuyển đổi kết quả học tập trong đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp quy định tại Điều này.
Theo đó, chương trình giáo dục phải bảo đảm:
+ Tính khoa học và thực tiễn;
+ Kế thừa, liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo;
+ Tạo điều kiện cho phân luồng, chuyển đổi giữa các trình độ đào tạo, ngành đào tạo và hình thức giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân để địa phương và cơ sở giáo dục chủ động triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp;
+ Đáp ứng mục tiêu bình đẳng giới, yêu cầu hội nhập quốc tế.
Điều kiện để nhận văn bằng trong hệ thống giáo dục quốc dân là gì?
Căn cứ quy định tại Điều 12 Luật Giáo dục 2019 như sau:
Văn bằng, chứng chỉ
1. Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp cấp học hoặc sau khi hoàn thành chương trình giáo dục, đạt chuẩn đầu ra của trình độ tương ứng theo quy định của Luật này.
2. Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân gồm bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương.
3. Chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học để xác nhận kết quả học tập sau khi được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp hoặc cấp cho người học dự thi lấy chứng chỉ theo quy định.
4. Văn bằng, chứng chỉ do cơ sở giáo dục thuộc các loại hình và hình thức đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân cấp có giá trị pháp lý như nhau.
5. Chính phủ ban hành hệ thống văn bằng giáo dục đại học và quy định văn bằng trình độ tương đương của một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù.
Như vậy, văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp cấp học hoặc sau khi hoàn thành chương trình giáo dục, đạt chuẩn đầu ra của trình độ tương ứng theo quy định pháp luật.




