THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------
|
Số:
296/CT-TTg
|
Hà
Nội, ngày 27 tháng 02 năm 2010
|
CHỈ THỊ
VỀ ĐỔI MỚI QUẢN LÝ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC GIAI ĐOẠN 2010 – 2012
Từ khi thực hiện đường lối đổi mới,
dưới sự lãnh đạo của Đảng, với nỗ lực to lớn của toàn dân tộc, nước ta đã phát
triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có giáo dục và đào tạo. Sau
9 năm thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2001 – 2010, giáo dục đại học nước
ta đã từng buớc phát triển rõ rệt về quy mô, đa dạng về loại hình trường và
hình thức đào tạo, nguồn lực xã hội được huy động nhiều hơn và đạt được nhiều kết
quả tích cực, cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa,
hiện đại hóa đất nước, góp phần quan trọng tạo nên sự tăng trưởng kinh tế, ổn định
xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và hội nhập quốc tế thắng lợi.
Tuy nhiên, giáo dục đại học cũng
bộc lộ nhiều hạn chế và yếu kém: chất lượng đào tạo nhìn chung còn thấp, chưa
theo kịp đòi hỏi phát triển kinh tế xã hội của đất nước; cơ chế quản lý của Nhà
nước đối với hệ thống giáo dục đại học và sự quản lý của các trường đại học,
cao đẳng còn nhiều bất hợp lý kéo dài, chưa tạo ra động lực đủ mạnh để phát huy
năng lực sáng tạo và sự tự chịu trách nhiệm của đội ngũ giảng viên, các nhà quản
lý và sinh viên để đổi mới mạnh mẽ, căn bản giáo dục đại học. Tiềm năng đầu tư
của xã hội và các nhà đầu tư nước ngoài để phát triển giáo dục đại học chưa được
phát huy có hiệu quả. Có nhiều nguyên nhân của tình hình trên, nhưng nguyên
nhân căn bản chính là sự yếu kém trong quản lý nhà nước về giáo dục đại học và
sự yếu kém trong quản lý của bản thân các trường đại học, cao đẳng.
Trước tình hình đó, thực hiện ý
kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chương
trình hành động về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 – 2012, coi
đây là khâu đột phá để nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện giáo dục đại
học, làm tiền đề triển khai hệ thống các giải pháp đồng bộ nhằm khắc phục các yếu
kém trong ngành, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục đại học.
Việc đổi mới quản lý giáo dục đại
học chỉ có thể đạt kết quả thực sự và bền vững khi có sự chỉ đạo kiên quyết của
các cấp ủy đảng và chính quyền các cấp; có sự phối hợp chặt chẽ của các đoàn thể
và sự quan tâm của toàn xã hội. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Cần quán triệt nhận thức:
phát triển quy mô giáo dục đại học phải đi đôi với đảm bảo và nâng cao chất lượng
đào tạo. Kiên quyết chấm dứt tình trạng không kiểm soát được chất lượng đào tạo.
Cần tạo ra cơ chế và động lực trong quản lý nhà nước và quản lý của các cơ sở
đào tạo để thực hiện mục tiêu đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo.
2. Coi việc đổi mới quản lý giáo
dục đại học bao gồm quản lý nhà nước về giáo dục đại học và quản lý của các cơ
sở đào tạo là khâu đột phá để tạo ra sự đổi mới toàn diện của giáo dục đại học,
từ đó đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa
học một cách bền vững.
3. Để triển khai công tác đổi mới
quản lý giáo dục đại học, Thủ tướng Chính phủ giao:
- Bộ Giáo dục
và Đào tạo:
1. Phối hợp với Công đoàn giáo dục
Việt Nam và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức thảo luận trong tất cả
các cơ sở giáo dục đại học: vì sao phải nâng cao chất lượng đào tạo, làm gì để
đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo trong giai đoạn hiện nay.
2. Trên cơ sở đối chiếu tình
hình phát triển hệ thống giáo dục đại học thực tế và các chỉ tiêu đã được quyết
định trong Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 02 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ
về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020
và Quyết định số 121/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính
phủ về Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, Bộ Giáo dục và Đào tạo
phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để đổi mới công tác quy hoạch,
kế hoạch, rà soát lại các chỉ tiêu phát triển hệ thống giáo dục đại học đến năm
2020; đồng thời tăng cường công tác dự báo để các mục tiêu và chỉ số phát triển
giáo dục đại học có tính khả thi, làm cơ sở xây dựng Chiến lược phát triển giáo
dục giai đoạn 2011 - 2020.
3. Tiến hành rà soát, điều chỉnh,
sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành; đồng thời xây dựng
và ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật mới về thành lập trường,
tuyển sinh, tổ chức đào tạo, quản lý tài chính, quản lý chất lượng, tuyển dụng,
trong đó làm rõ trách nhiệm và chế độ của nhà giáo trong đào tạo và nghiên cứu
khoa học, quan hệ giữa Ban Giám hiệu, Hội đồng trường, Đảng ủy, các đoàn thể ở
trường để từ đó các trường đại học, cao đẳng thực hiện quyền tự chủ và nghĩa vụ
tự chịu trách nhiệm trước xã hội và nhà nước theo quy định của Luật Giáo dục.
4. Triển khai Nghị quyết số 35/2009/QH12
ngày 19 tháng 6 năm 2009 của Quốc hội khóa XII về chủ trương, định hướng đổi mới
một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010 - 2011 đến
năm học 2014 - 2015. Hướng dẫn và kiểm tra các trường áp dụng mức trần học phí
mới theo hướng tăng học phí phải gắn liền với các giải pháp cụ thể để nâng cao
chất lượng đào tạo. Thực hiện tốt các chính sách miễn giảm học phí, chính sách
tín dụng sinh viên và việc cấp bù học phí được miễn giảm cho các trường.
5. Phối hợp với Bộ Xây dựng triển
khai xây dựng và thực hiện Quy hoạch xây dựng các đại học trong các tỉnh, thành
phố; quy hoạch và xây dựng ký túc xá sinh viên. Triển khai thực hiện quy hoạch
xây dựng hệ thống các trường đại học, cao đẳng tại vùng Thủ đô Hà Nội và vùng
thành phố Hồ Chí Minh. Triển khai thực hiện đề án xây dựng ký túc xá sinh viên
các trường đại học, cao đẳng với mục tiêu đến năm 2011 tạo thêm khoảng 200.000
chỗ ở cho sinh viên.
6. Tham mưu cho Chính phủ phân
công, phân cấp quản lý các trường đại học, cao đẳng theo hướng làm rõ trách nhiệm
quản lý nhà nước giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành quản lý trường và
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố. Tăng cường bộ máy giúp việc cho Ủy ban
nhân dân tỉnh, thành phố để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các trường đại
học, cao đẳng trên địa bàn.
Triển khai việc phân cấp mạnh mẽ
cho các cơ sở giáo dục đại học, đồng thời phát huy cao độ tính tự chủ, tự chịu
trách nhiệm, tự kiểm soát bên trong của các trường, trên cơ sở các quy định của
nhà nước và của các trường, tăng cường công tác giám sát và kiểm tra của nhà nước,
của xã hội và của bản thân các cơ sở.
7. Kiểm tra, đôn đốc việc thực
hiện các cam kết của các trường đại học, cao đẳng trong đề án thành lập trường
về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, chương trình, giáo trình nhằm bảo đảm và từng
bước nâng cao chất lượng đào tạo; có cơ chế xử lý nghiêm khắc đối với các trường
sau 3 năm thành lập không đáp ứng đủ các tiêu chí, điều kiện của một trường đại
học, cao đẳng như cam kết của các nhà đầu tư. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra hoạt
động liên kết đào tạo, đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học, đào tạo từ xa,
đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.
8. Tiếp tục đẩy mạnh việc thực
hiện chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội; tổ chức sơ kết, đánh giá 3 năm
(2008 - 2010) việc triển khai thực hiện đào tạo theo nhu cầu xã hội và xây dựng
kế hoạch đào tạo theo nhu cầu xã hội cấp quốc gia, tại mỗi địa phương và mỗi cơ
sở đào tạo.
9. Đẩy mạnh việc đánh giá và kiểm
định chất lượng giáo dục đại học theo hướng đẩy nhanh tiến độ tự đánh giá của
các trường đại học và cao đẳng, triển khai từng bước việc kiểm định các trường
đại học, cao đẳng; xây dựng tiêu chuẩn và hình thành một số cơ quan kiểm định
chất lượng giáo dục đại học độc lập.
10. Nâng cao năng lực quản lý của
đội ngũ Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng thông qua xây
dựng tiêu chuẩn chức danh, quy hoạch cán bộ lãnh đạo trường giai đoạn 2010 -
2015 và tổ chức bồi dưỡng về quản lý giáo dục đại học.
11. Nâng cao năng lực quản lý và
hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học ở các trường đại học, góp phần tích cực
nâng cao chất lượng đào tạo và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
12. Hướng dẫn và kiểm tra các
trường đại học, cao đẳng xây dựng chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn
2011 - 2015, đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển đất nước và của giáo dục đại học
trong giai đoạn hiện nay.
- Các Bộ,
ngành:
Chủ động phối hợp với Bộ Giáo dục
và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc xây dựng và triển khai
thực hiện Chương trình hành động về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn
2010 - 2012, xây dựng (hoặc rà soát điều chỉnh) chiến lược phát triển trường
giai đoạn 2011 - 2015; theo chức năng quản lý nhà nước của Bộ, ngành nghiên cứu
bổ sung, hoàn thiện các cơ chế và chính sách quản lý đáp ứng yêu cầu phát triển
của toàn hệ thống giáo dục đại học; thông báo cho Bộ Giáo dục và Đào tạo kết quả
thực hiện để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
Phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục
và Đào tạo chỉ đạo các cơ quan quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục đại học
do địa phương quản lý xây dựng và thực hiện Chương trình hành động về đổi mới
quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 - 2012; phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục
và Đào tạo và các Bộ, ngành để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục
đại học theo phân cấp của Thủ tướng Chính phủ; thông báo cho Bộ Giáo dục và Đào
tạo kết quả thực hiện để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Bộ Thông
tin và Truyền thông:
Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào
tạo chỉ đạo các cơ quan báo chí tuyên truyền, hỗ trợ việc triển khai đổi mới quản
lý giáo dục đại học.
- Đài Truyền
hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam:
Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào
tạo mở chuyên mục tuyên truyền định kỳ về thực hiện Chương trình hành động đổi
mới quản lý giáo dục đại học.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức, triển khai thực hiện
nghiêm túc Chỉ thị này.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
có trách nhiệm tổng hợp tình hình và định kỳ hàng năm báo cáo Chính phủ kết quả
triển khai thực hiện Chỉ thị này của các Bộ, ngành và các địa phương trong cả
nước./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP Ban Chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- UB Giám sát tài chính QG;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ chức Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KGVX (5b).
|
THỦ
TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|