NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 04/2002/CT-NHNN
|
Hà Nội, ngày 01
tháng 4 năm 2002
|
CHỈ THỊ
VỀ CÔNG TÁC PHÁP CHẾ CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC NĂM 2002
Trong thời gian qua, công tác
pháp chế của Ngân hàng Nhà nước đã có những thành tựu khích lệ; các hoạt động
xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), phổ biến, giáo dục
pháp luật, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, công tác rà soát và hệ thống hoá
VBQPPL, tư vấn pháp luật đã được tổ chức, triển khai một cách đồng bộ. Các hoạt
động này có vai trò tích cực trong việc thực hiện công tác quản lý nhà nước
trong lĩnh vực ngân hàng, đảm bảo thực hiện có hiệu quả, thống nhất các hoạt động
điều hành và chỉ đạo vĩ mô của Ngân hàng Nhà nước, góp phần quan trọng vào
thành công chung của ngành ngân hàng.
Tuy nhiên, việc nhận thức, đánh
giá vai trò của công tác pháp chế còn chưa đầy đủ, việc triển khai công tác
pháp chế trong một số trường hợp còn hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn
cũng như của công tác quản lý. Trong công tác xây dựng VBQPPL, một số VBQPPL vẫn
chưa được ban hành đầy đủ, kịp thời, đúng tiến độ; Công tác rà soát, đánh giá
việc thực hiện các VBQPPL còn chưa được quan tâm đúng mức và chưa được thực hiện
thường xuyên; một số vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện VBQPPL chưa
được phản ánh kịp thời. Bên cạnh đó, việc thiếu thông tin và sự hiểu biết đầy đủ
về pháp luật quốc tế, thông lệ quốc tế cũng có ảnh hưởng rất lớn đến việc thực
hiện các mặt của công tác pháp chế. Những hạn chế, bất cấp này là những khó
khăn, thách thức đối với việc quản lý các hoạt động ngân hàng trong thời gian tới
cũng như trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong năm 2002, trọng tâm của
công tác pháp chế của Ngân hàng nhà nước phải bám sát công tác quản lý của Ngân
hàng nhà nước, thực sự tạo ra các biện pháp, công cụ hỗ trợ hữu hiệu cho việc
quản lý, điều hành bằng pháp luật của Ngân hàng nhà nước. Bên cạnh đó, công tác
pháp chế phải góp phần nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ, công chức Ngân
hàng nhà nước. Để thực hiện tốt các yêu cầu trên, Thống đốc Ngân hàng nhà nước
chỉ thị các Vụ, Cục thuộc Ngân hàng nhà nước (các Vụ, Cục), các chi nhánh Ngân
hàng nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (chi nhánh Ngân hàng nhà nước)
thực hiện tốt một số nội dung sau đây:
1. Nâng cao
năng lực xây dựng VBQPPL phục vụ công tác quản lý nhà nước của Ngân hàng nhà nước:
Việc ban hành các VBQPPL của Thống
đốc Ngân hàng nhà nước phải kịp thời, bán sát yêu cầu của thực tiễn, có tính khả
thi, thống nhất với các quy định pháp luật hiện hành cũng như từng bước tiếp cận
được với thống lệ quốc tế. Để làm tốt công tác này, Thống đốc Ngân hàng nhà nước
yêu cầu:
- Các Vụ, Cục chịu trách nhiệm
thực hiện đúng nội dung, tiến độ soạn thảo VBQPPL theo chương tình xây dựng
pháp luật hàng năm đã đăng ký; tập trung xây dựng các VBQPPL hướng dẫn Luật
Ngân hàng nhà nước, Luật các Tổ chức tín dụng đảm bảo đúng kế hoạch, tiến độ dự
kiến. Trường hợp không thực hiện đúng chương trình xây dựng pháp luật hàng năm
đã đăng ký, các Vụ, Cục phải thông báo cho Vụ Pháp chế để Vụ Pháp chế báo cáo
Thống đốc.
- Các Vụ, Cục chủ trì soạn thảo
VBQPPL phải tổ chức khảo sát, đánh giá tình hình thực tiễn, tham khảo, nghiên cứu
các quy định cũng như thông lệ quốc tế về lĩnh vực ngân hàng, bảo đảm tính thống
nhất với các quy định pháp luật hiện hành; thực hiện đúng các quy định trong
quy trình xây dựng và ban hành VBQPPL, đặc biệt chú ý việc lấy ý kiến góp ý của
các đơn vị có liên quan; bảo đảm chấp hành thời hạn trong việc thẩm định,
trình, ký và ban hành VBQPPL.
- Vụ Quan hệ quốc tế tìm kiếm
các nguồn hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế như IMF, ADB, WB...
cho các dự án nâng cao năng lực xây dựng pháp luật phục vụ cho công tác xây dựng
và ban hành VBQPPL phù hợp với điều kiện của Việt Nam và các quy định, thông lệ
quốc tế.
- Văn phòng Ngân hàng nhà nước
phối hợp với Cục Công nghệ tin học ngân hàng xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu
VBQPPL của ngành ngân hàng lên trang Web của Ngân hàng nhà nước (SBV.Net) đáp ứng
nhu cầu nắm bắt thông tin và phục cụ cho các hoạt động quản lý của Ngân hàng
nhà nước.
2. Tổ chức ra
soát, hệ thống hoá VBQPPL thường xuyên, đồng bộ.
Công tác ra soát, hệ thống hoá
VBQPPL phải được tiến hành thường xuyên nhằm tập hợp, hệ thống hoá các quy định
của pháp luật liên quan đến lĩnh vực ngân hàng đảm bảo chính xác, đầy đủ, thống
nhất thuận lợi cho việc tra cứu, áp dụng các quy định của pháp luật. Việc rà
soát, hệ thống hoá VBQPPL có thể được tiến hành theo thời gian, theo từng
chuyên đề phù hợp với từng đối tượng quản lý.
- Trong năm 2002, Ngân hàng nhà
nước tiếp tục thực hiện công tác tổng kết, đánh giá thực tiễn 4 năm triển khai
Luật Ngân hàng nhà nước và Luật các Tổ chức tín dụng, chuẩn bị phương án sửa đổi,
bổ sung 2 Luật Ngân hàng trình Chính phủ, Quốc hội trong thời gian tới.
- Các Vụ, Cục, các chi nhánh
ngân hàng nhà nước trong quá trình thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát, quản
lý hoạt động của ngân hàng, nếu phát hiện vướng mắc, khó khăn liên quan đến việc
thực hiện VBQPPL cần báo cáo Thống đốc để có biện pháp điều chỉnh cho phù hợp.
- Vụ Pháp chế phối hợp với các Vụ,
Cục tập trung thực hiện tốt công tác rà soát, hệ thống hoá các quy định của
pháp luật Việt Nam về lĩnh vực ngân hàng với các quy định trong các điều ước quốc
tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia, đặc biệt là các quy định có liên quan đến
lĩnh vực ngân hàng trong Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ.
3. Đa dạng hoá
các hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật.
Mục tiêu của công tác tuyên truyền,
giáo dục pháp luật là giúp cán bộ, công chức ngành ngân hàng nắm bắt đúng đắn,
kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, định hướng và các quy định
của pháp luật về lĩnh vực ngân hàng. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật
góp phần nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ, công chức, phục vụ tốt hơn nữa
cho các hoạt động quản lý và tuân thủ các quy định của pháp luật trong ngành
ngân hàng.
Trong năm 2002, tiếp tục tuyên
truyền, quán triệt các văn kiện Đại hội Đảng IX; Nghị quyết của Quốc hội về sửa
đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, các Luật về tổ chức bộ máy nhà nước (sửa đổi); tập
trung tuyên truyền phục vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội; phổ biến, quán
triệt pháp luật về doanh nghiệp, về hội nhập kinh tế quốc tế, về Hiệp định
thương mại song phương Việt - Mỹ. Thống đốc Ngân hàng nhà nước yêu cầu:
- Vụ Pháp chế triển khai công
tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức Ngân hàng nhà nước.
Thủ trưởng các Vụ, Cục, Giám đốc các chi nhánh Ngân hàng nhà nước chịu trách
nhiệm thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cũng như kiểm tra,
giám sát việc tuân thủ pháp luật của cán bộ, công chức trong đơn vị về nội dung
thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, thực hiện quy chế dân chủ
trong cơ quan...
- Tổ chức Đảng, các tổ chức đoàn
thể quần chúng như Đoàn Thanh niên, Công đoàn, Ban nữ công thuộc Ngân hàng nhà
nước tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật dưới nhiều
hình thức khác nhau, đa dạng hoá hoạt động tuyên ttryền, giáo dục pháp luật đến
các thành viên.
- Vụ Pháp chế, các Vụ, Cục có
liên quan phối hợp với Thời báo Ngân hàng, Tạp chí Ngân hàng, Trung tâm Tuyên
truyền - Báo chí kịp thời đăng tải trên các phương tiện thông tin báo chí của
ngành các VBQPPL mới ban hành, tuyên truyền sâu rộng Hiệp định thương mại song
phương Việt Nam - Hoa Kỳ phần liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.
4. Nâng cao chất
lượng công tác tư vấn pháp luật
Nâng cao hơn nữa vai trò của
công tác tư vấn pháp luật bảo đảm thực hiện tốt chức năng tham mưu về pháp luật
cho lãnh đạo Ngân hàng nhà nước trong công tác quản lý và điều hành bằng pháp
luật đối với các hoạt động ngân hàng, đồng thời bảo đảm quyền lợi của ngân hàng
Việt Nam khi tham gia vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Trong năm 2002,
Thống đốc Ngân hàng nhà nước yêu cầu:
- Các Vụ, cục thuộc Ngân hàng
nhà nước và các chi nhánh Ngân hàng nhà nước có trách nhiệm trao đổi, cung cấp
thông tin một cách kịp thời đầy đủ, chính xác phản ánh kịp thời các vướng mắc vụ
việc tranh chấp để phối hợp xử lý, tháo gỡ nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp
của nhà nước cũng như của cán bộ, công chức ngành ngân hàng.
- Các đơn vị được giao nhiệm vụ
đầu mối thương lượng, đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế, các hợp đồng hoặc
các thoả thuận với các đối tác trong ngoài nước phải nghiên cứu kỹ các quy định
pháp luật và thông lệ quốc tế liên quan; Vụ Pháp chế chú trọng thực hiện nhiệm
vụ tư vấn pháp luật cho Thống đốc Ngân hàng nhà nước trong vấn đề này.
5. Phối hợp đào
tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ của cán bộ làm công tác pháp chế:
Để đảm bảo thực hiện tốt các mặt
của công tác pháp chế của Ngân hàng nhà nước, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng
cao trình độ của cán bộ làm công tác pháp chế cần được quan tâm hơn nữa. Vụ Tổ
chức cán bộ và Đào tạo phối hợp với Vụ Pháp chế xây dựng kế hoạch, chương trình
đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức kinh tế, pháp lý cho cán bộ làm công tác pháp
chế bảo đảm kịp thời nắm bắt các quy định và thông lệ quốc tế liên quan đến hoạt
động ngân hàng, phục vụ cho công tác pháp chế trong hoạt động đối ngoại, bảo vệ
quyền lợi của Ngân hàng nhà nước cũng như đáp ứng được các đòi hỏi của nhu cầu
hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới.
Thủ trưởng các Vụ, Cục và các
đơn vị thuộc Ngân hàng nhà nước, Giám đốc các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước chịu
trách nhiệm triển khai và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Trong quá trình thực
hiện, nếu có phát sinh vướng mắc, các dơn vị báo cáo Thống đốc Ngân hàng nhà nước
xem xét, giải quyết.