BỘ CÔNG THƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/2020/TT-BCT

Hà Nội, ngày 30 tháng 9 năm 2020

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ NỘI DUNG, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC HOẠT ĐỘNG KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP NGHIỆP VỤ CỦA LỰC LƯỢNG QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Pháp lệnh Quản lý thị trường ngày 08 tháng 3 năm 2016;

Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 148/2016/NĐ-CP ngày 04 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Quản lý thị trường; Nghị định số 78/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 148/2016/NĐ-CP ngày 04 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Quản lý thị trường;

Căn cứ Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường;

Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định về nội dung, trình tự, thủ tục hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Quản lý thị trường.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định về nội dung, trình tự, thủ tục hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Quản lý thị trường, bao gồm:

a) Xây dựng, phê duyệt, ban hành Định hướng chương trình kiểm tra, Kế hoạch kiểm tra;

b) Tiếp nhận, xử lý thông tin về vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật và ban hành phương án kiểm tra đột xuất;

c) Nội dung, trình tự, thủ tục kiểm tra và xử lý vụ việc vi phạm hành chính;

d) Áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính;

đ) Thẩm quyền, trình tự thực hiện các biện pháp nghiệp vụ.

2. Hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về sở hữu công nghiệp và quy định tại Thông tư này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan, đơn vị, công chức Quản lý thị trường.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Quản lý thị trường.

Điều 3. Nguyên tắc hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ

1. Tuân thủ quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, Pháp lệnh Quản lý thị trường và các quy định tại Thông tư này.

2. Có căn cứ, đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Quản lý thị trường; bảo đảm chính xác, khách quan, công khai, minh bạch, kịp thời, không phân biệt đối xử, không làm cản trở hoạt động kinh doanh hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

3. Hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường quy định tại Chương IV và Chương V của Thông tư này được thực hiện theo hình thức Đoàn kiểm tra quy định tại Điều 23 Pháp lệnh Quản lý thị trường, trừ các trường hợp thực hiện biện pháp nghiệp vụ quy định tại Chương VI của Thông tư này.

4. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Quản lý thị trường phải bảo đảm an ninh, an toàn, tiết kiệm và có hiệu quả theo quy định của pháp luật.

Chương II

XÂY DỰNG, PHÊ DUYỆT, BAN HÀNH ĐỊNH HƯỚNG CHƯƠNG TRÌNH KIỂM TRA, KẾ HOẠCH KIỂM TRA

Điều 4. Định hướng chương trình kiểm tra

1. Định hướng chương trình kiểm tra là văn bản xác định phương hướng chung về mục đích, yêu cầu, nhóm đối tượng được kiểm tra hoặc lĩnh vực, địa bàn cần tập trung kiểm tra đối với hoạt động kiểm tra theo kế hoạch trong 01 (một) năm của lực lượng Quản lý thị trường do Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt theo đề nghị của Tổng cục Quản lý thị trường.

2. Căn cứ tình hình thị trường, yêu cầu công tác quản lý thị trường hoặc theo sự chỉ đạo bằng văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương hoặc cấp trên có thẩm quyền, Tổng cục Quản lý thị trường (sau đây gọi tắt là Tổng cục) có trách nhiệm xây dựng Định hướng chương trình kiểm tra của năm tiếp theo trình Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định phê duyệt trước ngày 15 tháng 11 hằng năm.

3. Sau khi được phê duyệt, Định hướng chương trình kiểm tra của Tổng cục được gửi cho Thanh tra Bộ Công Thương, Vụ Pháp chế, các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Công Thương và các cơ quan có liên quan để biết, phối hợp công tác; gửi Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường (sau đây gọi tắt là Cục Nghiệp vụ), Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh (sau đây gọi tắt là Cục cấp tỉnh) để tổ chức thực hiện; niêm yết công khai tại trụ sở Tổng cục; đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục và của Bộ Công Thương.

4. Trường hợp cần thiết điều chỉnh nội dung Định hướng chương trình kiểm tra đã được phê duyệt, Tổng cục báo cáo, trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét, quyết định. Quyết định điều chỉnh nội dung Định hướng chương trình kiểm tra được gửi cho các cơ quan quy định tại khoản 3 Điều này.

Điều 5. Kế hoạch kiểm tra

1. Kế hoạch kiểm tra của Cục Nghiệp vụ và Cục cấp tỉnh bao gồm:

a) Kế hoạch kiểm tra định kỳ là kế hoạch kiểm tra được xây dựng và ban hành để triển khai thực hiện trong năm tiếp theo. Thời gian thực hiện kế hoạch kiểm tra định kỳ bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 và kết thúc trước ngày 15 tháng 11 của năm kiểm tra;

b) Kế hoạch kiểm tra chuyên đề là kế hoạch kiểm tra được xây dựng và ban hành khi có các căn cứ quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 của Thông tư này và được tổ chức thực hiện trong một khoảng thời gian cụ thể trong năm.

2. Kế hoạch kiểm tra quy định tại khoản 1 Điều này phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Căn cứ ban hành kế hoạch kiểm tra;

b) Mục đích, yêu cầu kiểm tra;

c) Nhóm đối tượng, mặt hàng hoặc lĩnh vực, địa bàn kiểm tra; danh sách cụ thể tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân hoặc địa điểm kinh doanh dự kiến được kiểm tra và thời điểm kiểm tra dự kiến;

d) Các nội dung kiểm tra;

đ) Phân công nhiệm vụ cho các đơn vị thực hiện kế hoạch kiểm tra;

e) Dự kiến thành phần lực lượng kiểm tra, bao gồm cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp kiểm tra (nếu có);

g) Thời gian thực hiện kế hoạch;

h) Dự kiến kinh phí, phương tiện và các điều kiện khác phục vụ kiểm tra;

i) Chế độ báo cáo.

3. Trường hợp diễn biến thị trường trên địa bàn hoặc lĩnh vực được giao quản lý phát sinh những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quản lý thị trường cần phải tập trung kiểm tra và không thuộc phạm vi, nội dung của các kế hoạch kiểm tra đã được cấp trên có thẩm quyền phê duyệt hoặc ban hành, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra chuyên đề, trình Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp trên trực tiếp phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện.

Kế hoạch kiểm tra chuyên đề của Đội Quản lý thị trường phải có các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d, e, g, h, i khoản 2 Điều này.

Điều 6. Xây dựng, phê duyệt, ban hành kế hoạch kiểm tra

1. Việc xây dựng, phê duyệt kế hoạch kiểm tra định kỳ của Cục Nghiệp vụ, Cục cấp tỉnh thực hiện như sau:

a) Căn cứ tình hình thị trường, yêu cầu công tác quản lý thị trường trên địa bàn và Định hướng chương trình kiểm tra của Tổng cục đã được phê duyệt, Cục Nghiệp vụ và Cục cấp tỉnh yêu cầu các đơn vị trực thuộc rà soát, tổng hợp, đề xuất các nội dung dự kiến của kế hoạch kiểm tra quy định tại các điểm c, d, e, g khoản 2 Điều 5 của Thông tư này trước ngày 01 tháng 12 hằng năm;

b) Căn cứ nội dung quy định tại điểm a khoản này, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Cục cấp tỉnh (sau đây gọi tắt là Cục trưởng) xây dựng, trình Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (sau đây gọi tắt là Tổng cục trưởng) xem xét, phê duyệt kế hoạch kiểm tra định kỳ năm tiếp theo của Cục Nghiệp vụ, Cục cấp tỉnh trước ngày 10 tháng 12 hằng năm. Hồ sơ trình bao gồm: tờ trình Tổng cục trưởng đề nghị phê duyệt kế hoạch kiểm tra định kỳ và dự thảo kế hoạch kiểm tra định kỳ của Cục Nghiệp vụ hoặc Cục cấp tỉnh;

c) Căn cứ văn bản phê duyệt kế hoạch kiểm tra định kỳ của Tổng cục trưởng, Cục trưởng quyết định ban hành kế hoạch kiểm tra định kỳ năm tiếp theo của đơn vị mình chậm nhất là ngày 31 tháng 12 hằng năm;

d) Ngay sau khi ban hành, quyết định ban hành kế hoạch kiểm tra định kỳ của Cục Nghiệp vụ, Cục cấp tỉnh phải được gửi đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan, đơn vị có liên quan để biết, chỉ đạo, phối hợp công tác; gửi Tổng cục trưởng để báo cáo, theo dõi việc thực hiện; gửi các cơ quan, đơn vị Quản lý thị trường trực thuộc để tổ chức thực hiện; gửi cho tổ chức, cá nhân được kiểm tra theo quy định và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan (nếu có).

2. Việc xây dựng, ban hành kế hoạch kiểm tra chuyên đề của Cục Nghiệp vụ, Cục cấp tỉnh thực hiện như sau:

a) Căn cứ tình hình diễn biến thị trường phát sinh những vấn đề, lĩnh vực, nội dung, địa bàn cần phải tập trung kiểm tra trên địa bàn địa phương trong từng thời điểm mà không thuộc phạm vi, nội dung của kế hoạch kiểm tra định kỳ đã được ban hành hoặc theo sự chỉ đạo bằng văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Tổng cục trưởng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cấp trên có thẩm quyền, Cục trưởng yêu cầu các đơn vị trực thuộc rà soát, tổng hợp, đề xuất các nội dung dự kiến của kế hoạch kiểm tra quy định tại các điểm c, d, e, g khoản 2 Điều 5 của Thông tư này;

b) Căn cứ nội dung quy định tại điểm a khoản này, Cục trưởng chủ động xây dựng, quyết định ban hành kế hoạch kiểm tra chuyên đề;

c) Ngay sau khi ban hành, quyết định ban hành kế hoạch kiểm tra chuyên đề của Cục Nghiệp vụ, Cục cấp tỉnh phải được gửi đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan, đơn vị có liên quan để biết, chỉ đạo, phối hợp công tác; gửi các cơ quan, đơn vị Quản lý thị trường trực thuộc để tổ chức thực hiện; gửi Tổng cục trưởng để báo cáo, theo dõi, giám sát việc thực hiện; gửi cho tổ chức, cá nhân được kiểm tra theo quy định và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan (nếu có); gửi Cục cấp tỉnh có liên quan để biết, phối hợp công tác đối với kế hoạch kiểm tra chuyên đề của Cục Nghiệp vụ.

3. Việc xây dựng, phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên đề của Đội Quản lý thị trường được thực hiện như sau:

a) Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 5 của Thông tư này, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra chuyên đề của Đội Quản lý thị trường, trình Cục trưởng cấp trên trực tiếp phê duyệt. Hồ sơ trình bao gồm: tờ trình Cục trưởng về đề nghị phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên đề, dự thảo quyết định phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên đề kèm theo dự thảo kế hoạch kiểm tra chuyên đề của Đội Quản lý thị trường;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ quy định tại điểm a khoản này, Cục trưởng cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên đề của Đội Quản lý thị trường;

c) Ngay sau khi ban hành, quyết định phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên đề của Đội Quản lý thị trường phải được gửi đến Ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ quan, đơn vị có liên quan để biết, chỉ đạo, phối hợp công tác; gửi cho tổ chức, cá nhân được kiểm tra theo quy định và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan (nếu có).

4. Trường hợp phát hiện kế hoạch kiểm tra có chồng chéo, trùng lặp về đối tượng, nội dung kiểm tra và thời gian thực hiện với các kế hoạch kiểm tra đã được phê duyệt hoặc ban hành trước đó, cơ quan Quản lý thị trường phải báo cáo ngay với người đứng đầu cơ quan Quản lý thị trường có thẩm quyền phê duyệt hoặc ban hành kế hoạch kiểm tra và cơ quan, đơn vị có liên quan để xử lý chồng chéo, trùng lặp.

5. Trường hợp cần thiết sửa đổi, bổ sung nội dung kế hoạch kiểm tra đã được phê duyệt hoặc ban hành, cơ quan, đơn vị Quản lý thị trường thực hiện kế hoạch kiểm tra báo cáo, đề xuất người có thẩm quyền phê duyệt hoặc ban hành kế hoạch kiểm tra xem xét, quyết định.

Quyết định sửa đổi, bổ sung quyết định phê duyệt kế hoạch kiểm tra hoặc quyết định sửa đổi, bổ sung kế hoạch kiểm tra của người có thẩm quyền được gửi đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan và đăng tải trên trang thông tin điện tử theo quy định tại điểm d khoản 1, điểm c khoản 2 hoặc điểm c khoản 3 Điều này.

6. Tổng cục trưởng, Cục trưởng chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch kiểm tra của các cơ quan, đơn vị Quản lý thị trường trực thuộc, kịp thời phát hiện và chỉ đạo xử lý chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian kiểm tra; xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng trùng lặp, chồng chéo trong xây dựng, ban hành, thực hiện kế hoạch kiểm tra.

Điều 7. Thực hiện kế hoạch kiểm tra

1. Căn cứ nhiệm vụ được phân công tại kế hoạch kiểm tra đã được phê duyệt hoặc ban hành, Trưởng phòng, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường có trách nhiệm:

a) Ban hành hoặc đề xuất với người có thẩm quyền ban hành Quyết định kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (sau đây gọi tắt là quyết định kiểm tra) đối với tổ chức, cá nhân được kiểm tra theo kế hoạch;

b) Tổ chức, chỉ đạo, điều hành việc kiểm tra theo kế hoạch kiểm tra;

c) Tổng hợp, báo cáo Cục trưởng cấp trên trực tiếp bằng văn bản về kết quả kiểm tra theo kế hoạch ngay sau khi kết thúc thời gian thực hiện kế hoạch kiểm tra hoặc khi có yêu cầu đột xuất.

2. Kết thúc thời gian thực hiện kế hoạch kiểm tra của Cục Nghiệp vụ, Cục cấp tỉnh hoặc khi có yêu cầu đột xuất, Cục trưởng có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Tổng cục trưởng bằng văn bản về kết quả kiểm tra theo kế hoạch theo quy định pháp luật về chế độ báo cáo của lực lượng Quản lý thị trường. Báo cáo phải nêu rõ lý do, nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể trong trường hợp kế hoạch kiểm tra có nội dung không hoàn thành và các đề xuất, kiến nghị (nếu có).

Chương III

TIẾP NHẬN, XỬ LÝ THÔNG TIN VỀ VI PHẠM PHÁP LUẬT HOẶC DẤU HIỆU VI PHẠM PHÁP LUẬT VÀ BAN HÀNH PHƯƠNG ÁN KIỂM TRA ĐỘT XUẤT

Điều 8. Thông tin về vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật để kiểm tra đột xuất

1. Thông tin về vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật gồm:

a) Thông tin từ văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Tổng cục trưởng, Cục trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện yêu cầu kiểm tra đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cụ thể;

b) Thông tin từ báo cáo của công chức Quản lý thị trường được giao thực hiện các biện pháp nghiệp vụ quy định tại các điều 34, 35 và 36 của Thông tư này hoặc từ báo cáo của công chức Quản lý thị trường thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính;

c) Thông tin từ văn bản của cơ quan, đơn vị Quản lý thị trường các cấp chuyển giao thông tin về vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật;

d) Thông tin từ văn bản yêu cầu, đề nghị kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này;

đ) Thông tin từ phương tiện thông tin đại chúng về vi phạm pháp luật, dấu hiệu vi phạm pháp luật;

e) Thông tin từ tin báo, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người tiêu dùng hoặc của tổ chức, cá nhân khác về vi phạm pháp luật, dấu hiệu vi phạm pháp luật.

2. Văn bản yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và đề xuất kiểm tra của công chức Quản lý thị trường đang thi hành công vụ đối với thông tin quy định tại điểm b khoản 1 Điều này là căn cứ để người có thẩm quyền xem xét, ban hành quyết định kiểm tra đột xuất.

3. Thông tin về vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này phải được thu thập, thẩm tra, xác minh, giám sát theo quy định trước khi được sử dụng làm căn cứ để người có thẩm quyền xem xét, ban hành quyết định kiểm tra đột xuất.

Điều 9. Tiếp nhận và xử lý thông tin

1. Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, công chức Quản lý thị trường thu thập, tiếp nhận thông tin về vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật quy định tại Điều 8 của Thông tư này phải báo cáo ngay với người đứng đầu cơ quan, đơn vị Quản lý thị trường trực tiếp của mình để xử lý thông tin đã tiếp nhận. Việc báo cáo được thực hiện bằng hình thức văn bản đối với trường hợp quy định tại điểm đ và e khoản 1 Điều 8 của Thông tư này.

2. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin quy định tại Điều 8 của Thông tư này, người đứng đầu cơ quan, đơn vị Quản lý thị trường có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra xử lý như sau:

a) Trực tiếp hoặc giao quyền cho cấp phó hoặc có văn bản yêu cầu người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra cấp dưới của mình ban hành quyết định kiểm tra theo thẩm quyền, địa bàn hoặc lĩnh vực được phân công và tổ chức thực hiện theo quy định đối với thông tin quy định tại khoản 2 Điều 8 của Thông tư này, trừ trường hợp xét thấy đề xuất kiểm tra của công chức đang thi hành công vụ chưa đủ căn cứ để ban hành quyết định kiểm tra;

b) Phân công công chức Quản lý thị trường thực hiện biện pháp nghiệp vụ thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin hoặc giám sát hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có dấu hiệu vi phạm pháp luật (sau đây gọi tắt là giám sát) theo quy định tại Điều 35 và Điều 36 của Thông tư này đối với thông tin quy định tại khoản 3 Điều 8 của Thông tư này và trường hợp xét thấy đề xuất kiểm tra của công chức đang thi hành công vụ chưa đủ căn cứ để ban hành quyết định kiểm tra.

3. Trường hợp người đứng đầu cơ quan, đơn vị Quản lý thị trường tiếp nhận thông tin về vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật quy định tại Điều 8 của Thông tư này không phải là người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra hoặc không thuộc thẩm quyền, địa bàn hoặc lĩnh vực được phân công thì xử lý như sau:

a) Nếu thông tin về vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật không thuộc chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường thì tự mình hoặc hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin chuyển thông tin đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật;

b) Nếu thông tin về vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật thuộc chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường thì chuyển giao ngay thông tin đã tiếp nhận cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị Quản lý thị trường có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra theo đúng thẩm quyền, địa bàn hoặc lĩnh vực được phân công để xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều này. Văn bản chuyển giao thông tin phải được gửi cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị Quản lý thị trường cấp trên trực tiếp của cả hai bên giao, nhận thông tin để theo dõi, chỉ đạo việc thực hiện.

Điều 10. Xử lý kết quả thực hiện biện pháp nghiệp vụ thu thập, thẩm tra, xác minh hoặc giám sát đối với thông tin về vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật

Trường hợp thực hiện biện pháp nghiệp vụ thu thập, thẩm tra xác minh thông tin hoặc giám sát quy định tại điểm b khoản 2 Điều 9 của Thông tư này, người đứng đầu cơ quan Quản lý thị trường có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra phải xem xét, xử lý ngay sau khi nhận được báo cáo kết quả thực hiện biện pháp nghiệp vụ của công chức Quản lý thị trường theo quy định sau:

1. Trường hợp kết quả thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin hoặc giám sát không phát hiện vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật thì phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã cung cấp thông tin quy định tại điểm c, d và e khoản 1 Điều 8 của Thông tư này, trừ trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân đó có yêu cầu khác.

2. Trường hợp kết quả thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin hoặc giám sát phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật thì quyết định việc kiểm tra theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 9 của Thông tư này hoặc chuyển giao thông tin cho người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 9 của Thông tư này nếu không thuộc thẩm quyền, địa bàn hoặc lĩnh vực được phân công.

Điều 11. Đề xuất kiểm tra

1. Khi thực hiện các biện pháp nghiệp vụ quy định tại các điều 34, 35 và 36 của Thông tư này hoặc khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, nếu phát hiện vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân thì công chức Quản lý thị trường phải báo cáo và đề xuất việc kiểm tra bằng văn bản với người đứng đầu cơ quan, đơn vị Quản lý thị trường có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 17 của Thông tư này.

2. Đề xuất kiểm tra quy định tại khoản 1 Điều này được thể hiện tại báo cáo kết quả thực hiện biện pháp nghiệp vụ hoặc nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của công chức Quản lý thị trường hoặc văn bản đề xuất kiểm tra và phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Họ tên, chức vụ, đơn vị của người đề xuất kiểm tra;

b) Căn cứ đề xuất kiểm tra;

c) Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân hoặc địa điểm đề xuất kiểm tra;

d) Nội dung đề xuất kiểm tra;

đ) Thời hạn kiểm tra và thời điểm đề xuất tiến hành việc kiểm tra;

e) Hành vi vi phạm hành chính dự kiến và văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng;

g) Họ tên và chữ ký của người đề xuất kiểm tra.

3. Công chức Quản lý thị trường đề xuất kiểm tra chịu trách nhiệm trước người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra và trước pháp luật về nội dung của đề xuất kiểm tra.

Điều 12. Phương án kiểm tra đột xuất

1. Trước khi ban hành quyết định kiểm tra đột xuất, người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra hoặc người được giao quyền ban hành quyết định kiểm tra phải ban hành phương án kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (sau đây gọi tắt là phương án kiểm tra) để bảo đảm việc kiểm tra đúng pháp luật và có hiệu quả, trừ trường hợp kiểm tra theo kế hoạch kiểm tra và kiểm tra đột xuất trong trường hợp khẩn cấp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Trường hợp khi tiếp nhận thông tin về vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật và có căn cứ cho rằng nếu không tiến hành kiểm tra ngay thì tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bỏ trốn, tang vật, phương tiện vi phạm có thể bị tẩu tán, tiêu hủy hoặc để ngăn chặn, hạn chế kịp thời hậu quả do vi phạm pháp luật gây ra (sau đây gọi tắt là trường hợp khẩn cấp) thì người có thẩm quyền phải kịp thời ban hành quyết định kiểm tra đột xuất và chịu trách nhiệm về việc ban hành quyết định kiểm tra của mình.

3. Phương án kiểm tra quy định tại khoản 1 Điều này phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Căn cứ xây dựng phương án kiểm tra;

b) Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân hoặc địa điểm kiểm tra;

c) Nội dung kiểm tra;

d) Dự kiến thời gian bắt đầu và kết thúc việc kiểm tra;

đ) Hành vi vi phạm hành chính dự kiến và văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng;

e) Dự kiến tình huống phát sinh và biện pháp xử lý bao gồm cả việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính (nếu có);

g) Thành phần Đoàn kiểm tra, bao gồm cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp kiểm tra (nếu có);

h) Dự kiến về phương tiện và điều kiện phục vụ kiểm tra;

i) Họ tên, chức danh, chữ ký của người ban hành phương án kiểm tra và con dấu.

3. Người ban hành phương án kiểm tra chịu trách nhiệm chỉ đạo, giám sát việc thực hiện phương án kiểm tra của Đoàn kiểm tra.

Chương IV

NỘI DUNG, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VỤ VIỆC VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều 13. Ban hành quyết định kiểm tra

1. Việc kiểm tra phải có quyết định bằng văn bản của người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra theo quy định của pháp luật.

2. Người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra chỉ được ban hành quyết định kiểm tra khi có căn cứ quy định tại Điều 20 Pháp lệnh Quản lý thị trường.

3. Quyết định kiểm tra phải ghi rõ những nội dung chính quy định tại khoản 2 Điều 19 Pháp lệnh Quản lý thị trường. Nội dung kiểm tra của quyết định kiểm tra phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:

a) Đúng phạm vi kiểm tra được quy định tại Điều 17 Pháp lệnh Quản lý thị trường;

b) Đúng thẩm quyền, địa bàn hoặc lĩnh vực kiểm tra được giao;

c) Đúng đối tượng, nội dung kiểm tra ghi trong kế hoạch kiểm tra hoặc phương án kiểm tra đã được phê duyệt hoặc ban hành theo quy định tại Thông tư này hoặc đúng đối tượng, nội dung về vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 12 của Thông tư này.

4. Trường hợp hoạt động kiểm tra đối với cùng một đối tượng được kiểm tra phải thực hiện tại nhiều địa điểm khác nhau, người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra có thể ban hành một hoặc nhiều quyết định kiểm tra hoặc có văn bản chỉ đạo người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra cấp dưới của mình ban hành quyết định kiểm tra đối với đối tượng được kiểm tra tại từng địa điểm kiểm tra thuộc địa bàn hoặc lĩnh vực được phân công.

5. Việc thành lập Đoàn kiểm tra theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Pháp lệnh Quản lý thị trường phải được thể hiện trong nội dung của quyết định kiểm tra.

Điều 14. Trách nhiệm của người ban hành quyết định kiểm tra

1. Trực tiếp hoặc cử công chức Quản lý thị trường đáp ứng đủ tiêu chuẩn làm Trưởng Đoàn kiểm tra để thực hiện quyết định kiểm tra.

2. Trực tiếp hoặc giao cho công chức được giao quản lý sổ Nhật ký công tác của cơ quan, đơn vị Quản lý thị trường ghi rõ họ tên, biển hiệu (nếu có) của thành viên Đoàn kiểm tra; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân được kiểm tra và các nội dung kiểm tra vào sổ Nhật ký công tác trước khi thực hiện quyết định kiểm tra.

3. Thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 26 Pháp lệnh Quản lý thị trường.

Điều 15. Thành phần Đoàn kiểm tra

1. Thành phần Đoàn kiểm tra gồm có:

a) Trưởng Đoàn kiểm tra là công chức Quản lý thị trường đáp ứng quy định tại điểm b khoản này và phải có Thẻ kiểm tra thị trường;

b) Công chức Quản lý thị trường đáp ứng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 23 Pháp lệnh Quản lý thị trường;

c) Người được cơ quan phối hợp cử tham gia đối với việc kiểm tra có nội dung liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ quản lý nhà nước của nhiều ngành, lĩnh vực theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Pháp lệnh Quản lý thị trường.

2. Người ban hành quyết định kiểm tra quyết định bằng văn bản việc thay thế Trưởng Đoàn kiểm tra hoặc thành viên Đoàn kiểm tra trong trường hợp Trưởng Đoàn kiểm tra hoặc thành viên Đoàn kiểm tra bị ốm đau, tai nạn, chết, mất tích, mất năng lực hành vi, bị đình chỉ công tác, kỷ luật hoặc vì lý do khách quan kháckhông thể tiếp tục thực hiện hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính.

Trường hợp người đứng đầu cơ quan, đơn vị Quản lý thị trường ban hành quyết định kiểm tra bị thu hồi, tạm đình chỉ sử dụng Thẻ kiểm tra thị trường hoặc được thay thế thì người được bổ nhiệm thay thế hoặc người được giao quyền đứng đầu hoặc phụ trách cơ quan, đơn vị Quản lý thị trường đó hoặc người đứng đầu cơ quan Quản lý thị trường cấp trên trực tiếp quyết định việc thay thế Trưởng Đoàn kiểm tra, thành viên Đoàn kiểm tra.

Điều 16. Thực hiện quyết định kiểm tra

1. Quyết định kiểm tra được tổ chức thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Pháp lệnh Quản lý thị trường. Trường hợp tại thời điểm tổ chức thực hiện quyết định kiểm tra, tổ chức, cá nhân được kiểm tra không hoạt động hoặc tạm ngừng hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thì Đoàn kiểm tra lập biên bản về việc không thực hiện quyết định kiểm tra với sự có mặt của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đại diện cơ quan công an cấp xã và báo cáo người ban hành quyết định kiểm tra xem xét, quyết định.

2. Khi bắt đầu tiến hành kiểm tra, Trưởng Đoàn kiểm tra phải tiến hành các thủ tục sau:

a) Xuất trình Thẻ kiểm tra thị trường; công bố và giao quyết định kiểm tra cho cá nhân được kiểm tra hoặc người đại diện của tổ chức, cá nhân được kiểm tra;

b) Thông báo cho cá nhân được kiểm tra hoặc người đại diện của tổ chức, cá nhân được kiểm tra về thành phần Đoàn kiểm tra và người chứng kiến (nếu có);

c) Yêu cầu cá nhân được kiểm tra hoặc người đại diện của tổ chức, cá nhân được kiểm tra chấp hành quyết định kiểm tra của người có thẩm quyền và làm việc với Đoàn kiểm tra;

d) Trường hợp cá nhân được kiểm tra hoặc người đại diện của tổ chức, cá nhân được kiểm tra không có mặt tại nơi kiểm tra thì Đoàn kiểm tra vẫn công bố quyết định kiểm tra và tiến hành việc kiểm tra trước sự có mặt của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đại diện cơ quan công an cấp xã và người chứng kiến.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn kiểm tra, trách nhiệm của Trưởng Đoàn kiểm tra, thành viên Đoàn kiểm tra khi tiến hành kiểm tra thực hiện theo quy định tại Điều 24 và Điều 25 Pháp lệnh Quản lý thị trường.

4. Quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được kiểm tra thực hiện theo quy định tại Điều 30 và Điều 31 Pháp lệnh Quản lý thị trường.

Điều 17. Xử lý các trường hợp phát sinh khi thực hiện quyết định kiểm tra tại nơi kiểm tra

1. Các trường hợp phát sinh khi thực hiện quyết định kiểm tra tại nơi kiểm tra:

a) Phát hiện tổ chức, cá nhân được kiểm tra có vi phạm pháp luật hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật ngoài nội dung kiểm tra ghi trong quyết định kiểm tra;

b) Vụ việc kiểm tra phức tạp cần kéo dài thời hạn kiểm tra thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 22 Pháp lệnh Quản lý thị trường;

c) Thay đổi về Trưởng Đoàn kiểm tra hoặc thành viên Đoàn kiểm tra;

d) Các trường hợp khác có ảnh hưởng đến hoạt động kiểm tra theo quyết định kiểm tra.

2. Việc xử lý nội dung phát sinh quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thực hiện như sau:

a) Trường hợp kiểm tra phát hiện tổ chức, cá nhân được kiểm tra có vi phạm pháp luật ngoài nội dung ghi trong quyết định kiểm tra thì Đoàn kiểm tra ghi nhận nội dung vi phạm pháp luật tại biên bản kiểm tra sau khi kết thúc việc kiểm tra;

b) Trường hợp kiểm tra phát hiện tổ chức, cá nhân được kiểm tra có dấu hiệu vi phạm pháp luật ngoài nội dung ghi trong quyết định kiểm tra, Trưởng Đoàn kiểm tra phải báo cáo, đề xuất người ban hành quyết định kiểm tra sửa đổi, bổ sung quyết định kiểm tra đã được ban hành. Đoàn kiểm tra chỉ được tiến hành kiểm tra đối với nội dung có dấu hiệu vi phạm pháp luật sau khi có quyết định sửa đổi, bổ sung quyết định kiểm tra của người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra.

3. Trường hợp phát sinh nội dung quy định tại các điểm b và d khoản 1 Điều này, Đoàn kiểm tra báo cáo người ban hành quyết định kiểm tra xem xét, quyết định.

4. Việc xử lý nội dung phát sinh quy định tại điểm c khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 15 của Thông tư này.

Điều 18. Lập biên bản kiểm tra, biên bản vi phạm hành chính

1. Căn cứ kết quả kiểm tra, Đoàn kiểm tra lập, ký biên bản kiểm tra để ghi nhận kết quả kiểm tra và kết luận về nội dung kiểm tra (nếu có) ngay sau khi kết thúc việc kiểm tra tại nơi kiểm tra.

2. Việc lập biên bản kiểm tra, biên bản vi phạm hành chính tại nơi kiểm tra thực hiện như sau:

a) Trường hợp kết quả các nội dung kiểm tra đều chấp hành đúng pháp luật thì Đoàn kiểm tra lập biên bản kiểm tra ghi nhận kết quả kiểm tra;

b) Trường hợp kết quả các nội dung kiểm tra đều phát hiện vi phạm hành chính hoặc có nội dung kiểm tra chấp hành đúng pháp luật, có nội dung kiểm tra phát hiện vi phạm hành chính và không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản này thì Đoàn kiểm tra lập biên bản kiểm tra ghi nhận kết quả kiểm tra; lập biên bản vi phạm hành chính hoặc ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản nếu thuộc trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức đối với vi phạm hành chính đã phát hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 13 của Thông tư này;

c) Trường hợp kết quả kiểm tra có nội dung kiểm tra phát hiện có dấu hiệu vi phạm hành chính cần phải thẩm tra, xác minh làm rõ để kết luận thì Đoàn kiểm tra lập biên bản kiểm tra ghi nhận kết quả kiểm tra đồng thời đề xuất người ban hành quyết định kiểm tra tổ chức thu thập, thẩm tra, xác minh để bổ sung tài liệu, chứng cứ theo quy định tại Điều 35 của Thông tư này, áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

3. Biên bản kiểm tra phải lập đúng mẫu quy định và thực hiện theo quy định sau:

a) Khi lập biên bản kiểm tra phải có mặt tổ chức, cá nhân được kiểm tra hoặc người đại diện của tổ chức, cá nhân được kiểm tra; trường hợp tổ chức, cá nhân được kiểm tra hoặc người đại diện của tổ chức, cá nhân được kiểm tra vắng mặt hoặc cố tình trốn tránh thì khi lập biên bản kiểm tra phải có đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đại diện cơ quan công an cấp xã và người chứng kiến;

b) Trường hợp tổ chức, cá nhân được kiểm tra hoặc người đại diện của tổ chức, cá nhân được kiểm tra từ chối ký biên bản kiểm tra thì khi lập biên bản kiểm tra phải có đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đại diện cơ quan công an cấp xã hoặc 02 người chứng kiến và ghi rõ lý do từ chối vào biên bản.

4. Nội dung biên bản kiểm tra:

a) Biên bản kiểm tra phải ghi đầy đủ, chính xác kết quả kiểm tra đối với từng nội dung kiểm tra; ý kiến của tổ chức, cá nhân được kiểm tra hoặc người đại diện của tổ chức, cá nhân được kiểm tra, đại diện cơ quan phối hợp kiểm tra, người chứng kiến (nếu có); ý kiến đánh giá, kiến nghị, đề xuất của Đoàn kiểm tra đối với vụ việc kiểm tra;

b) Biên bản kiểm tra phải có đủ chữ ký của đại diện các bên liên quan đến việc kiểm tra, lập biên bản kiểm tra. Trường hợp biên bản có nhiều trang, nhiều liên thì phải có chữ ký của những người này vào từng trang, từng liên của biên bản, kể cả phụ lục và bảng kê kèm theo biên bản kiểm tra.

Điều 19. Xử lý kết quả kiểm tra

1. Trường hợp cần thiết, trong quá trình kiểm tra hoặc căn cứ kết quả kiểm tra, Trưởng Đoàn kiểm tra quyết định áp dụng theo thẩm quyền hoặc đề xuất người có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính. Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và quy định tại Chương V của Thông tư này.

2. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản kiểm tra, Trưởng Đoàn kiểm tra phải báo cáo, đề xuất xử lý kết quả kiểm tra bằng văn bản kèm theo hồ sơ vụ việc kiểm tra đến người ban hành quyết định kiểm tra để xử lý kết quả kiểm tra theo quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ việc kiểm tra của Đoàn kiểm tra, người ban hành quyết định kiểm tra xem xét, xử lý kết quả kiểm tra như sau:

a) Trường hợp đã lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 18 của Thông tư này, người ban hành quyết định kiểm tra xem xét, quyết định việc xử phạt đối với vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc làm thủ tục trình hoặc chuyển giao hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và các quy định của Thông tư này;

b) Trường hợp kết quả kiểm tra phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng chưa đủ căn cứ kết luận về vi phạm hành chính thì phải quyết định việc áp dụng biện pháp nghiệp vụ thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin để bổ sung tài liệu, chứng cứ theo quy định tại Điều 35 của Thông tư này.

4. Trường hợp kiểm tra theo yêu cầu của người có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều 13 của Thông tư này hoặc trường hợp phát hiện tại cùng thời điểm, đối tượng được kiểm tra đang được cơ quan Quản lý thị trường khác tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, người ban hành quyết định kiểm tra báo cáo, đề xuất việc xử lý kết quả kiểm tra bằng văn bản với người đứng đầu cơ quan Quản lý thị trường cấp trên có thẩm quyền; chuyển hoặc tiếp nhận hồ sơ vụ việc kiểm tra, quyết định áp dụng biện pháp nghiệp vụ theo chỉ đạo của người có thẩm quyền.

Người đứng đầu cơ quan Quản lý thị trường cấp trên có thẩm quyền có trách nhiệm chỉ đạo hoặc quyết định việc thu thập, thẩm tra, xác minh để bổ sung tài liệu, chứng cứ; kết luận về vụ việc kiểm tra, chỉ đạo lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc làm thủ tục trình hoặc chuyển giao hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và các quy định của Thông tư này.

Điều 20. Xử lý kết quả thẩm tra, xác minh vụ việc kiểm tra

1. Trừ trường hợp kiểm tra theo yêu cầu của người có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều 13 của Thông tư này, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc thẩm tra, xác minh, người ban hành quyết định kiểm tra phải kết luận vụ việc và xử lý như sau:

a) Trường hợp không có vi phạm pháp luật thì phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân được kiểm tra biết theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 27 Pháp lệnh Quản lý thị trường;

b) Trường hợp có vi phạm hành chính thì phải chỉ đạo việc lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của mình hoặc làm thủ tục trình hoặc chuyển giao hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính và các quy định của Thông tư này;

c) Trường hợp xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển giao ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 22 của Thông tư này.

2. Trường hợp kiểm tra theo yêu cầu của người có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều 13 của Thông tư này, trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc thẩm tra, xác minh, người ban hành quyết định kiểm tra phải báo cáo kết quả thẩm tra, xác minh với người có thẩm quyền để kết luận vụ việc và xử lý theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này.

Điều 21. Xử phạt vi phạm hành chính

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính, thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

Điều 22. Thủ tục chuyển giao vụ việc vi phạm hành chính cho cơ quan có thẩm quyền của ngành khác

1. Đối với vụ việc đã lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 18 hoặc khoản 4 Điều 19 hoặc Điều 20 của Thông tư này nhưng không thuộc thẩm quyền xử phạt của Quản lý thị trường thì cơ quan Quản lý thị trường của người đã ban hành quyết định kiểm tra hoặc đang thụ lý vụ việc phải:

a) Có văn bản chuyển giao ngay vụ việc vi phạm hành chính cho cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính;

b) Chuyển giao đầy đủ hồ sơ và tang vật, phương tiện bị tạm giữ (nếu có) liên quan đến hành vi vi phạm khi chuyển giao vụ việc vi phạm hành chính;

c) Lập biên bản giao nhận hồ sơ và tang vật, phương tiện bị tạm giữ (nếu có) giữa bên chuyển giao và bên tiếp nhận.

2. Đối với vụ việc vi phạm hành chính do Quản lý thị trường kiểm tra phát hiện hoặc chủ trì kiểm tra phát hiện nhưng xét thấy có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan Quản lý thị trường của người đã ban hành quyết định kiểm tra hoặc đang thụ lý vụ việc phải chuyển giao ngay hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Thủ tục chuyển giao thực hiện tương tự quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 23. Thủ tục tiếp nhận, thụ lý vụ việc vi phạm hành chính do cơ quan nhà nước khác chuyển giao cho cơ quan Quản lý thị trường

1. Cơ quan Quản lý thị trường chỉ tiếp nhận, thụ lý vụ việc vi phạm hành chính do cơ quan nhà nước khác chuyển giao trong trường hợp xét thấy phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và thẩm quyền xử phạt của lực lượng Quản lý thị trường.

2. Việc tiếp nhận, thụ lý vụ việc vi phạm hành chính do cơ quan nhà nước khác chuyển giao cho cơ quan, đơn vị Quản lý thị trường thực hiện như sau:

a) Cơ quan chuyển giao có văn bản chuyển giao vụ việc vi phạm hành chính cho cơ quan Quản lý thị trường;

b) Người đứng đầu cơ quan Quản lý thị trường nhận chuyển giao xem xét, quyết định việc tiếp nhận vụ việc được chuyển giao và chỉ đạo lập biên bản giao nhận hồ sơ, tang vật, phương tiện bị tạm giữ (nếu có) giữa bên chuyển giao và bên tiếp nhận.

3. Trong thời hạn quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, người đứng đầu cơ quan Quản lý thị trường tiếp nhận vụ việc được chuyển giao có trách nhiệm xem xét, quyết định việc xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

4. Trường hợp cần thiết, người đứng đầu cơ quan Quản lý thị trường tiếp nhận vụ việc được chuyển giao có thể quyết định tiến hành thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin để bổ sung tài liệu, chứng cứ làm căn cứ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 24. Thủ tục trình vụ việc vi phạm hành chính trong nội bộ cơ quan Quản lý thị trường

1. Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 20 và điểm a khoản 1 Điều 25 của Thông tư này, đối với vụ việc vượt quá thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường đang thụ lý vụ việc vi phạm hành chính có trách nhiệm:

a) Ngay sau khi lập biên bản vi phạm hành chính, có văn bản trình người đứng đầu cơ quan Quản lý thị trường cấp trên trực tiếp về việc đề nghị xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với vụ việc vi phạm hành chính;

b) Chuyển giao đầy đủ hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính và lập biên bản giao nhận hồ sơ giữa bên chuyển giao và bên tiếp nhận;

c) Tiếp tục bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ (nếu có) khi chuyển giao vụ việc vi phạm hành chính, trừ trường hợp cơ quan Quản lý thị trường cấp trên trực tiếp có yêu cầu khác.

2. Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính, Cục trưởng có trách nhiệm:

a) Xem xét, quyết định việc xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với vụ việc thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của mình;

b) Trình hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính đến Tổng cục trưởng để xem xét, quyết định việc xử phạt vi phạm hành chính đối với vụ việc thuộc thẩm quyền của Tổng cục trưởng, trừ trường hợp thực hiện theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 25 của Thông tư này. Thủ tục trình hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính thực hiện tương tự quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này;

c) Yêu cầu Phòng, Đội Quản lý thị trường xác minh thêm tình tiết để bổ sung hồ sơ vụ việc trong trường hợp chưa đủ căn cứ để xử lý vi phạm hành chính. Việc yêu cầu bổ sung hồ sơ vụ việc được thực hiện bằng văn bản.

3. Trong thời hạn quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, Tổng cục trưởng có trách nhiệm:

a) Xem xét, quyết định việc xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền;

b) Yêu cầu cơ quan, đơn vị trình hồ sơ vụ việc xác minh thêm tình tiết để bổ sung hồ sơ vụ việc trong trường hợp chưa đủ căn cứ để xử lý vi phạm hành chính. Việc yêu cầu bổ sung hồ sơ vụ việc được thực hiện bằng văn bản.

Điều 25. Thủ tục trình vụ việc vi phạm hành chính đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp

1. Cơ quan Quản lý thị trường trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính xem xét, quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong các trường hợp sau đây:

a) Vụ việc có nhiều vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, trong đó có vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Quản lý thị trường;

b) Vụ việc vi phạm hành chính vượt quá thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Cục trưởng Cục cấp tỉnh.

2. Đội Quản lý thị trường đang thụ lý vụ việc vi phạm hành chính có trách nhiệm:

a) Trình vụ việc đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi xảy ra vi phạm hành chính để xem xét, quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền trong trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Chuyển giao vụ việc cho Cục cấp trên trực tiếp xem xét, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong trường hợp vụ việc quy định tại điểm a khoản 1 Điều này vượt quá thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.

3. Cục cấp tỉnh trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra vụ việc vi phạm hành chính xem xét, quyết định việc xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với vụ việc quy định tại điểm b khoản 1 hoặc điểm b khoản 2 Điều này.

4. Cục nghiệp vụ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra vụ việc vi phạm hành chính để xem xét, quyết định việc xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với vụ việc thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

Điều 26. Lập, bảo quản và lưu trữ hồ sơ vụ việc kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính

1. Hồ sơ vụ việc kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính bao gồm toàn bộ tài liệu có liên quan đến vụ việc kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính được lập, quản lý và lưu trữ theo nguyên tắc sau:

a) Việc lập hồ sơ vụ việc kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính phải phản ánh trung thực, đầy đủ những văn bản, tài liệu theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao; tạo căn cứ chính xác để giải quyết kịp thời, đúng pháp luật và có hiệu quả công việc của cơ quan, đơn vị;

b) Các văn bản, tài liệu lưu trong hồ sơ phải phản ánh đúng, đầy đủ quá trình giải quyết và diễn biến thực tế của hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính; bảo đảm giá trị pháp lý trong xử lý vụ việc;

c) Văn bản, tài liệu phải được sắp xếp, đánh bút lục trước khi chuyển giao vào lưu trữ của cơ quan, đơn vị để tổ chức sử dụng, tra cứu.

2. Khi kết thúc vụ việc kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, người đứng đầu cơ quan, đơn vị Quản lý thị trường quy định tại khoản 4 Điều này có trách nhiệm phân công công chức thực hiện lập hồ sơ lưu trữ vụ việc kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Việc lập hồ sơ vụ việc kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính thực hiện theo quy định sau:

a) Hồ sơ vụ việc phải có bìa hồ sơ được thiết kế, in theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9251:2012 về bìa hồ sơ lưu trữ và được lưu trữ theo quy định. Công chức được giao nhiệm vụ có trách nhiệm ghi đầy đủ, chi tiết nội dung các mục đã in trên bìa hồ sơ;

b) Các tài liệu có trong hồ sơ vụ việc phải được sắp xếp, đánh số bút lục và liệt kê đầy đủ vào bảng danh mục in trên bìa hoặc nhãn hồ sơ. Công chức được giao nhiệm vụ phải liệt kê, đánh bút lục và sắp xếp tài liệu theo thứ tự bắt đầu từ bút lục số 01 cho đến bút lục cuối cùng;

c) Các bút lục được đánh số theo phương pháp tịnh tiến tăng dần về số và theo thứ tự từng tờ tài liệu có trong hồ sơ. Bút lục được đánh số một lần. Số bút lục được đánh vào góc phải, phía trên, mặt trước của từng tờ tài liệu. Mỗi tờ tài liệu được đánh một số bút lục. Việc đánh số bút lục được thực hiện theo trình tự thời gian tiếp nhận. Trường hợp tại một thời điểm tiếp nhận nhiều tài liệu thì đánh số bút lục theo thứ tự thời gian ban hành tài liệu.

4. Hồ sơ vụ việc kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính được bảo quản và lưu trữ theo quy định như sau:

a) Cơ quan, đơn vị Quản lý thị trường của người ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính chịu trách nhiệm lưu trữ bản chính hồ sơ vụ việc kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính khi kết thúc vụ việc;

b) Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì Cục cấp tỉnh hoặc Cục Nghiệp vụ đề xuất xử lý phải lưu trữ bản sao hồ sơ vụ việc, trừ trường hợp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có yêu cầu khác;

c) Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì Đội Quản lý thị trường đề xuất xử lý phải lưu trữ bản sao hồ sơ vụ việc, trừ trường hợp Ủy ban nhân dân cấp huyện có yêu cầu khác.

5. Hồ sơ vụ việc kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính phải được giao nhận, bảo quản, lưu trữ và tiêu huỷ khi hết giá trị sử dụng theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

Điều 27. Bảo mật thông tin

1. Các thông tin, tài liệu, hồ sơ vụ việc liên quan đến hoạt động kiểm tra, xử lý đối với hành vi vi phạm hành chính hoặc có dấu hiệu vi phạm hành chính quy định tại Thông tư này phải được bảo mật theo quy định của pháp luật.

2. Công chức Quản lý thị trường cố tình tiết lộ hoặc phát ngôn cung cấp thông tin về vụ việc kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính hoặc thông tin liên quan đến kết quả thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của Quản lý thị trường khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Chương V

ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN VÀ BẢO ĐẢM XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều 28. Quy định chung về áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính

1. Căn cứ kết quả kiểm tra hoặc kết quả thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, người có thẩm quyền của Quản lý thị trường quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.

2. Người có thẩm quyền của Quản lý thị trường quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm:

a) Bảo đảm việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính là có căn cứ theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

b) Tổ chức, chỉ đạo, thực hiện việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính theo đúng quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Điều 29. Đề xuất khám

1. Khi tiếp nhận, xử lý thông tin theo quy định tại các điều 8, 9 và 10 của Thông tư này hoặc khi thực hiện các biện pháp nghiệp vụ được giao hoặc trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 19 Thông tư này, nếu có căn cứ cho rằng trong người hoặc trong phương tiện vận tải, đồ vật hoặc ở nơi cất giấu có cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì công chức Quản lý thị trường đang thi hành công vụ áp dụng việc khám người, khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thẩm quyền hoặc đề xuất với người có thẩm quyền của Quản lý thị trường ban hành quyết định khám người, khám phương tiện vận tải, đồ vật hoặc khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (sau đây gọi tắt là quyết định khám) theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

2. Đề xuất khám theo quy định tại khoản 1 Điều này được thể hiện bằng văn bản và phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Họ tên, chức vụ, đơn vị công tác của người đề xuất khám;

b) Căn cứ đề xuất khám;

c) Người bị khám, phương tiện vận tải, đồ vật bị khám hoặc nơi bị khám;

d) Phạm vi khám;

đ) Dự kiến thời gian, địa điểm thực hiện việc khám;

e) Hành vi vi phạm hành chính dự kiến và tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có liên quan;

g) Họ tên và chữ ký của người đề xuất khám.

3. Công chức Quản lý thị trường đề xuất khám phải chịu trách nhiệm trước người có thẩm quyền ban hành quyết định khám và trước pháp luật về nội dung của đề xuất khám.

Điều 30. Phương án khám

1. Trước khi ban hành quyết định khám, người có thẩm quyền ban hành quyết định khám hoặc người được giao quyền ban hành quyết định khám phải ban hành phương án khám để bảo đảm việc khám đúng pháp luật và có hiệu quả, trừ trường hợp có căn cứ để cho rằng nếu không tiến hành khám ngay thì tang vật, phương tiện vi phạm hành chính sẽ bị tẩu tán, tiêu huỷ.

2. Phương án khám quy định tại khoản 1 Điều này phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Căn cứ xây dựng phương án khám;

b) Người bị khám, phương tiện vận tải, đồ vật bị khám hoặc nơi bị khám;

c) Lý do khám;

d) Địa điểm thực hiện việc khám và phạm vi khám;

đ) Dự kiến thời gian bắt đầu và kết thúc việc khám;

e) Dự kiến tình huống phát sinh và biện pháp xử lý (nếu có);

g) Hành vi phạm hành chính dự kiến và văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng;

h) Dự kiến số lượng và thành phần Đoàn kiểm tra thực hiện việc khám, bao gồm cả cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp (nếu có);

i) Dự kiến về phương tiệnđiều kiện phục vụ việc khám (nếu có);

k) Họ tên, chức danh, chữ ký của người ban hành phương án khám và con dấu.

Điều 31. Ban hành quyết định khám

1. Tất cả các trường hợp khám người, khám phương tiện vận tải, đồ vật, khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo thủ tục hành chính (sau đây gọi tắt là vụ việc khám) đều phải có quyết định khám bằng văn bản của người có thẩm quyền, trừ trường hợp khám theo quy định tại đoạn 2 khoản 2 Điều 127 hoặc khoản 3 Điều 128 Luật xử lý vi phạm hành chính.

2. Người có thẩm quyền của Quản lý thị trường chỉ ban hành quyết định khám khi đảm bảo các yêu cầu sau đây:

a) Đúng với thẩm quyền, địa bàn hoặc lĩnh vực được phân công;

b) Có phương án khám theo quy định tại Điều 30 của Thông tư này hoặc có căn cứ để cho rằng nếu không tiến hành khám ngay thì tang vật, phương tiện vi phạm hành chính sẽ bị tẩu tán, tiêu huỷ.

Điều 32. Trình tự, thủ tục thực hiện quyết định khám và xử lý kết quả khám

1. Trình tự, thủ tục thực hiện quyết định khám, lập biên bản khám người theo thủ tục hành chính, biên bản khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính và biên bản khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

2. Việc xử lý kết quả khám, kết quả thẩm tra, xác minh vụ việc khám; chuyển giao, tiếp nhận, trình hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính để xử phạt vi phạm hành chính; lập, chỉnh lý, lưu trữ hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính và bảo mật thông tin thực hiện tương tự như hoạt động kiểm tra được quy định tại các điều 19, 20, 22, 23, 24, 25, 26 và 27 của Thông tư này.

Điều 33. Áp dụng biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính, tạm giữ người theo thủ tục hành chính và áp giải người vi phạm

1. Trưởng Đoàn kiểm tra áp dụng theo thẩm quyền hoặc đề xuất người có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính, tạm giữ người theo thủ tục hành chính, áp giải người vi phạm khi có căn cứ quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính. Việc đề xuất được thực hiện bằng văn bản hoặc được ghi trong nội dung biên bản kiểm tra, biên bản khám của Đoàn kiểm tra.

2. Thẩm quyền và thủ tục áp dụng biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề, tạm giữ người theo thủ tục hành chính và áp giải người vi phạm thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Chương VI

THẨM QUYỀN, TRÌNH TỰ THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP NGHIỆP VỤ

Điều 34. Quản lý theo địa bàn đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thương mại

1. Đối tượng của hoạt động quản lý theo địa bàn gồm:

a) Các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thương mại trên địa bàn hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường;

b) Địa điểm sản xuất, kinh doanh, giao nhận, kho bảo quản, dự trữ hàng hoá; bến bãi tập kết hàng hoá, cảng hàng không nội địa, cảng biển, cảng, bến thủy nội địa, ga đường sắt, bưu cục; trung tâm thương mại, cửa hàng miễn thuế, siêu thị, chợ trên địa bàn hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường;

c) Địa điểm sản xuất, kinh doanh, giao nhận, kho bảo quản, dự trữ hàng hoá; bến bãi tập kết hàng hoá, cảng hàng không, cảng biển, cảng, bến thủy nội địa, ga đường sắt, bưu cục; trung tâm thương mại, cửa hàng miễn thuế, siêu thị, chợ… và các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại nằm trên địa bàn hoạt động của hải quan nhưng không thuộc đối tượng quản lý của Hải quan theo quy định của pháp luật.

2. Nội dung hoạt động quản lý theo địa bàn quy định tại khoản 1 Điều 33 Pháp lệnh Quản lý thị trường.

3. Việc phân công quản lý theo địa bàn do Đội trưởng Đội Quản lý thị trường quyết định bằng văn bản và giao cho một hoặc nhiều công chức thực hiện. Trường hợp có nhiều công chức được giao quản lý cùng một địa bàn, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường cử một công chức làm tổ trưởng có trách nhiệm thường xuyên báo cáo hoặc tổng hợp dữ liệu thông tin về quản lý địa bàn.

4. Quyết định phân công phải nêu rõ địa bàn quản lý cụ thể, danh sách công chức, các nội dung quản lý được thực hiện và chế độ báo cáo. Công chức thực hiện hoạt động quản lý theo địa bàn ngoài trụ sở Đội Quản lý thị trường phải ghi sổ Nhật ký công tác để quản lý, theo dõi, giám sát.

5. Đội trưởng Đội Quản lý thị trường ở địa phương chịu trách nhiệm tổng hợp, xây dựng, quản lý và sử dụng cơ sở dữ liệu thông tin về quản lý địa bàn trong phạm vi địa bàn được giao và thực hiện chế độ báo cáo theo yêu cầu của Cục trưởng Cục cấp tỉnh.

6. Cục trưởng Cục cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng cơ sở dữ liệu thông tin về quản lý địa bàn trong phạm vi địa bàn được giao và thực hiện chế độ báo cáo theo yêu cầu của Tổng cục trưởng.

7. Tổng cục trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Công Thương về xây dựng, quản lý và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về quản lý địa bàn; hướng dẫn khai thác, sử dụng và bảo đảm duy trì, vận hành, bảo mật, an toàn, an ninh hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về quản lý địa bàn trong phạm vi cả nước.

Điều 35. Thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin

1. Việc thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin của lực lượng Quản lý thị trường quy định tại điểm b khoản 1 Điều 32 Pháp lệnh Quản lý thị trường được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Thu thập thông tin phục vụ công tác tham mưu, xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ hoặc kế hoạch kiểm tra chuyên đề;

b) Thẩm tra, xác minh thông tin về vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật để làm căn cứ ban hành quyết định kiểm tra đột xuất hoặc áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính;

c) Thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin để bổ sung tài liệu, chứng cứ chứng minh vi phạm hành chính trong quá trình xử lý kết quả kiểm tra, kết quả áp dụng các biện pháp khám hoặc tiếp nhận, thụ lý vụ việc vi phạm hành chính do các cơ quan nhà nước khác chuyển giao cho cơ quan, đơn vị Quản lý thị trường;

d) Thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin phục vụ thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

đ) Thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin theo chỉ đạo của cơ quan Quản lý thị trường cấp trên hoặc theo đề nghị của cơ quan, đơn vị Quản lý thị trường khác.

2. Đối tượng của hoạt động thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin gồm:

a) Tổ chức, cá nhân đang được kiểm tra theo quyết định kiểm tra của người có thẩm quyền của lực lượng Quản lý thị trường;

b) Tổ chức, cá nhân đã bị xử lý vi phạm hành chính hoặc hình sự trong hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thương mại có khả năng tái phạm; tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm hành chính hoặc có liên quan đến vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thương mại;

c) Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường.

3. Nội dung thông tin được thu thập, thẩm tra, xác minh quy định tại khoản 2 Điều 33 Pháp lệnh Quản lý thị trường.

4. Theo yêu cầu cụ thể của từng vụ việc, việc tổ chức thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin có thể được thực hiện dưới một hoặc nhiều hình thức sau đây:

a) Mời tổ chức, cá nhân được kiểm tra; chủ phương tiện vận tải, đồ vật hoặc người điều khiển phương tiện vận tải, đồ vật bị khám; chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng tang vật, phương tiện bị tạm giữ; chủ nơi bị khám hoặc người đại diện của các tổ chức, cá nhân nêu trên đến làm việc;

b) Làm việc với tổ chức, cá nhân quy định tại điểm a khoản này khi tổ chức, cá nhân đó có yêu cầu;

c) Làm việc với tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc kiểm tra, áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính;

d) Cử người xác minh hoặc đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có liên quan hỗ trợ, phối hợp thực hiện thẩm tra, xác minh;

đ) Lấy mẫu hàng hóa gửi cơ quan, tổ chức có chức năng liên quan để kiểm nghiệm, giám định;

e) Xin ý kiến chuyên môn của chuyên gia hoặc cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có liên quan;

g) Các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

5. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, người đứng đầu cơ quan, đơn vị Quản lý thị trường phân công công chức thực hiện nhiệm vụ thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin quy định tại các điểm a, d và đ khoản 1 Điều này theo quy định của pháp luật có liên quan.

6. Việc thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định sau:

a) Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 8 và điểm b khoản 2 Điều 9 của Thông tư này hoặc căn cứ đề xuất của Đoàn kiểm tra, người đứng đầu cơ quan, đơn vị Quản lý thị trường đang thụ lý vụ việc có văn bản phân công công chức thực hiện nhiệm vụ thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin;

b) Nội dung văn bản phân công nhiệm vụ cho công chức phải nêu rõ các nội dung cần thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin; tên công chức được giao nhiệm vụ và thời hạn thực hiện thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin. Trường hợp thẩm tra, xác minh thông tin theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 18 của Thông tư này thì thời hạn thẩm tra, xác minh thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 27 Pháp lệnh Quản lý thị trường;

c) Công chức Quản lý thị trường được giao nhiệm vụ thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin có trách nhiệm tiến hành ngay việc thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin theo đúng nội dung văn bản phân công nhiệm vụ; báo cáo người giao nhiệm vụ kết quả thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin và đề xuất, kiến nghị (nếu có) bằng văn bản để xử lý theo quy định tại Điều 10 hoặc Điều 20 của Thông tư này.

7. Hoạt động thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin của công chức Quản lý thị trường được giao nhiệm vụ thuộc Đội Quản lý thị trường trực thuộc Cục cấp tỉnh hoặc Phòng nghiệp vụ trực thuộc Cục nghiệp vụ được tiến hành ngoài trụ sở cơ quan, đơn vị phải được ghi trong sổ Nhật ký công tác để quản lý, theo dõi, giám sát.

Điều 36. Giám sát hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thương mại có dấu hiệu vi phạm pháp luật

1. Đối tượng của hoạt động giám sát gồm:

a) Tổ chức, cá nhân có dấu hiệu kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng hoá nhập lậu hoặc sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm, vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và gian lận thương mại;

b) Tổ chức, cá nhân đang thực hiện hoặc chuẩn bị thực hiện vi phạm pháp luật theo tin báo của cơ sở cung cấp thông tin;

c) Phương tiện vận tải, địa điểm kinh doanh, nơi tập kết, tàng trữ, cất giấu hàng hoá, phương tiện, đồ vật có dấu hiệu vi phạm pháp luật;

d) Các hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thương mại có dấu hiệu vi phạm pháp luật khác.

2. Nội dung giám sát quy định tại khoản 3 Điều 33 Pháp lệnh Quản lý thị trường.

3. Hoạt động giám sát được thực hiện theo quy định sau:

a) Căn cứ chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan Quản lý thị trường cấp trên hoặc báo cáo, đề xuất của công chức hoặc thông tin thu thập được hoặc tin báo của cơ sở cung cấp thông tin, người đứng đầu cơ quan, đơn vị Quản lý thị trường có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra phân công bằng văn bản việc thực hiện giám sát đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Văn bản phân công nhiệm vụ quy định tại điểm a khoản này phải ghi rõ căn cứ thực hiện việc giám sát, danh sách công chức thực hiện việc giám sát, đối tượng được giám sát và thời gian thực hiện việc giám sát;

c) Công chức Quản lý thị trường được giao nhiệm vụ giám sát có trách nhiệm thực hiện đúng nội dung văn bản phân công nhiệm vụ; báo cáo người giao nhiệm vụ kết quả giám sát và đề xuất, kiến nghị (nếu có) bằng văn bản để xử lý theo quy định của pháp luật và quy định của Thông tư này.

4. Việc thực hiện hoạt động giám sát của công chức Quản lý thị trường phải được ghi trong sổ Nhật ký công tác để quản lý, theo dõi, giám sát.

Điều 37. Xây dựng cơ sở cung cấp thông tin

1. Lực lượng Quản lý thị trường được sử dụng người không thuộc biên chế, có khả năng, điều kiện tham gia làm cộng tác viên thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin, đầu mối liên hệ để thường xuyên cung cấp nguồn thông tin phục vụ cho hoạt động của Quản lý thị trường.

2. Người đứng đầu Cục nghiệp vụ, Cục cấp tỉnh, Đội Quản lý thị trường quyết định và chịu trách nhiệm về việc xây dựng, phân loại, quản lý và sử dụng cơ sở cung cấp thông tin theo nguyên tắc sau:

a) Bí mật, đơn tuyến;

b) Thông tin về nhân thân của cộng tác viên, hồ sơ quá trình cung cấp nguồn thông tin, đầu mối liên hệ được phân loại, quản lý, sử dụng theo chế độ mật theo quy định của pháp luật.

3. Thông tin, tài liệu do cơ sở cung cấp thông tin cung cấp phải được thu thập, thẩm tra, xác minh theo quy định tại Điều 35 của Thông tư này trước khi sử dụng làm căn cứ kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính.

4. Mức chi và trình tự, thủ tục thanh toán các khoản chi mua tin, chi khen thưởng cho cơ sở cung cấp thông tin có thành tích trong quá trình tham gia bắt giữ, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả thực hiện theo quy định của pháp luật.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 38. Trách nhiệm thực hiện

1. Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra lực lượng Quản lý thị trường thực hiện hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật và Thông tư này;

b) Tổ chức triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Quản lý thị trường theo quy định của pháp luật và Thông tư này;

c) Chỉ đạo việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và bảo đảm kinh phí, chế độ làm việc cho cơ quan, công chức Quản lý thị trường được giao thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm hành chínhthực hiện các biện pháp nghiệp vụ;

d) Báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương kết quả thực hiện Định hướng chương trình kiểm tra và kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường theo quy định;

đ) Đề xuất với Bộ trưởng Bộ Công Thương các biện pháp tổ chức thực hiện hoặc sửa đổi, bổ sung Thông tư này khi cần thiết.

2. Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Cục trưởng Cục cấp tỉnh có trách nhiệm:

a) Tổ chức thực hiện hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chínhthực hiện biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật và Thông tư này;

b) Tổ chức thực hiện văn bản chỉ đạo kiểm tra của cấp có thẩm quyền hoặc phối hợp với Cục Nghiệp vụ, Cục cấp tỉnh của địa phương khác để kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính khi được yêu cầu;

c) Chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các Đội Quản lý thị trường trực thuộc thực hiện hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và thực hiện biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật và quy định của Thông tư này;

d) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và bảo đảm kinh phí, chế độ làm việc cho các Đội Quản lý thị trường và công chức Quản lý thị trường được giao thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ và xử lý vi phạm hành chính;

đ) Thực hiện chế độ báo cáo với Tổng cục trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về tình hình, kết quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của đơn vị mình theo quy định.

3. Đội trưởng Đội Quản lý thị trường có trách nhiệm:

a) Tổ chức thực hiện hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và thực hiện biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật và Thông tư này;

b) Thực hiện chế độ báo cáo với Cục trưởng cấp trên trực tiếp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tình hình, kết quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn hoặc theo lĩnh vực được giao.

4. Các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của Quản lý thị trường có trách nhiệm:

a) Cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính theo yêu cầu của cơ quan Quản lý thị trường;

b) Phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính theo yêu cầu của cơ quan Quản lý thị trường;

c) Phối hợp tổ chức thực hiện các quyết định kiểm tra, quyết định khám, quyết định xử phạt và các quyết định khác của người đứng đầu cơ quan, đơn vị Quản lý thị trường có thẩm quyền.

Điều 39. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2020.

2. Thông tư này thay thế Thông tư số 35/2018/TT-BCT ngày 12 tháng 10 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về nội dung, trình tự, thủ tục hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Quản lý thị trường.

3. Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các Thứ trưởng Bộ Công Thương;
- Các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Bộ Công Thương;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Cục QLTT tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ Công Thương;
- Lưu: VT, PC, TCQLTT (05).

BỘ TRƯỞNG




Trần Tuấn Anh

 

 

 

THE MINISTRY OF INDUSTRY AND TRADE
-------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No. 27/2020/TT-BCT

Hanoi, September 30, 2020

 

CIRCULAR

ON CONTENTS OF AND PROCEDURES FOR INSPECTION OF ADMINISTRATIVE VIOLATIONS AND ACTIONS TAKEN AND PRACTICES PERFORMED BY MARKET SURVEILLANCE AUTHORITIES

Pursuant to the Law on Penalties for Administrative Violations dated June 20, 2012;

Pursuant to the Ordinance on Market Management dated March 8, 2016;

Pursuant to the Government's Decree No. 98/2017/ND-CP dated August 18, 2017 on functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Industry and Trade;

Pursuant to the Government’s Decree No. 148/2016/ND-CP dated November 4, 2016 on guidelines for the Ordinance on Market Management; the Government’s Decree No. 78/2019/ND-CP dated October 14, 2019 on amendments to the Government’s Decree No. 148/2016/ND-CP dated November 4, 2016 on guidelines for the Ordinance on Market Management;

Pursuant to the Decision No. 34/2018/QD-TTg dated August 10, 2018 of the Prime Minister on functions, tasks, powers and organizational structure of the General Department of Market Surveillance;

At the request of Director of General Department of Market Surveillance;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

1. This Circular set forth contents of and procedures for inspection of administrative violations and actions taken (hereinafter referred to as inspection and actions taken) and practices performed by market surveillance officers, including:

a) Formulation, approval, and issuance of inspection program orientation, inspection plan;

b) Receipt and processing of reports on existing violations or potential violation and issuance of surprise inspection plans;

c) Contents and procedures for inspection, and actions against administrative violations;

d) Adoption of preventive measures and guaranteeing measures to deal with administrative violations (hereinafter referred to as preventive and guaranteeing measures);

dd) Power and procedures for performing practices.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 2. Regulated entities

1. Market surveillance agencies, units and officers.

2. Agencies, organizations, and individuals relevant to the inspection and actions taken and performance of practices by the market surveillance authorities.

Article 3. Rules for inspection and actions taken and performance of practices

1. Comply with the law on actions against administrative violations, ordinance on market surveillance and this Circular.

2. Well-grounded, in conformity with the functions, tasks, powers of market surveillance authorities; ensure accuracy, impartiality, openness to the public, transparency, timely manner, non-discrimination, non-obstruction of legal business of organizations and individuals.

3. Activities of market surveillance authorities specified in Chapter IV and Chapter V of this Circular are performed in the form of inspectorate specified in Article 23 of the Ordinance on Market Surveillance, except for the practices mentioned in Chapter VI of this Circular.

4. The information technology in the inspection and actions taken and performance of practices by market surveillance authorities shall be applied in a secured, safe, economical and productive manner as per the law.

Chapter II

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 4. Inspection program orientation

1. Inspection program orientation is a document which determines general orientation about purposes, requirements, entities to be inspected or fields or places to be inspected concerning the planned inspection in 01 (one) year of the market surveillance authorities, approved by the Minister of Industry and Trade at the request of General Department of Market Surveillance.

2. According to the market situation, market surveillance requirements or written direction of the Government, the Prime Minister, the Minister of Industry and Trade or the superior body, the General Department of Market Surveillance (hereinafter referred to as General Department) shall formulate an inspection program orientation for the subsequent year and submit to the Minister of Industry and Trade for approval before November 15th.

3. Once approved, the inspection program orientation of the General Department shall be forwarded to the Inspectorate of the Ministry of Industry and Trade, Department of Legal Affairs, specialized inspection authorities of The Ministry of Industry and Trade and relevant agencies for cooperation; to Department of Market Surveillance Practices (hereinafter referred to as Department of Practices), Market Surveillance Department of province (hereinafter referred to as Department of province) for implementation; to post up at the head office of the General Department; and to post it on the websites of the General Department and the Ministry of Industry and Trade.

4. Where the approved inspection program orientation requires amendments, the General Department shall seek a decision from the Minister of Industry and Trade. A decision on amendments to the inspection program orientation shall be forwarded to the agencies specified in clause 3 hereof.

Article 5. Inspection plan

1. The inspection plan of Department of Practices and Department of province consists of:

a) Routine inspection plan is an inspection plan that is formulated and issued to undertake the tasks in the following year. Time frame of a routine inspection plan starts on January 1 and ends by November 15 of the inspecting year;

b) Themed inspection plan is an inspection plan that is formulated and issued in response to the case at point a clause 2 Article 6 of this Circular and be undertaken for a specific period of time in the year.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Bases for issuance;

b) Purposes and requirements;

c) Entities, products, fields and places to be inspected; list of specific names and addresses of organizations, individuals or places of business to be inspected and anticipated time;

d) Inspection checklist;

dd) Tasks assigned to inspection teams;

e) Expected composition of inspection forces, including coordinating entities (if any);

g) Time frame of plan;

h) Estimated budget, facilities and other means for the inspection;

i) Reporting.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The themed inspection plan of the market surveillance team must contain the contents stated in points a, b, c, d, e, g, h, i clause 2 hereof.

Article 6. Formulation, approval and issuance of inspection plan

1. The formulation, approval and issuance of routine inspection plan of Department of Practices and Department of province:

a) According to the market situation and market surveillance requirements in the place and approved inspection program orientation of the General Department, the Department of Practices and Department of province shall require affiliated entities to review, consolidate, and propose contents in the inspection plan specified in points c, d, e, g clause 2 Article 5 of this Circular before December 1 every year;

b) According to point a of this clause, the Director of Department of Practices or Department of province (hereinafter referred to as Director) shall formulate the routine inspection plan of the following year and seek approval from the Director General of General Department of Market Surveillance (hereinafter referred to as Director General) before December 10 every year.  Documents required: a request for seeking approval for the routine inspection plan and the draft routine inspection plan made by the Department of Practices or Department of province;

c) According to the approval for routine inspection plan of the Director General, the Director shall issue the decision on routine inspection plan of the following year no later than December 31 every year;

d) Promptly after issuance, the decision on routine inspection plan of Department of Practices or Department of province shall be sent to the People's Committee of province and relevant entities for further cooperation; to the Director General for reporting and supervision; to the affiliated market surveillance authorities for implementation; to organizations or individuals to be inspected (hereinafter referred to as inspected entities) as prescribed and be posted up at the head office or on website of the agency (if any).

2. The formulation and issuance of themed inspection plan of Department of Practices and Department of province:

a) According to problems, fields, and places requiring inspection in the market, from time to time, not within the routine inspection plan that has been issued; or under the direction of the Government, the Prime Minister, the Minister of Industry and Trade, Director General, the People's Committee of province or the superior authority, the Director shall request affiliated entities to review, consolidate and outline an inspection plan as prescribed in points c, d, e, g clause 2 Article 5 hereof;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Promptly after issuance, the decision on themed inspection plan of Department of Practices or Department of province shall be sent to the People's Committee of province and relevant entities for further cooperation; to the affiliated market surveillance authorities for implementation; to the Director General for reporting and supervision; to inspected entities as prescribed and be posted up at the head office or on website of the agency (if any); to relevant Department of province for further cooperation in the themed inspection plan of the Department of Practices.

3. The formulation and approval of themed inspection plan of market surveillance team:

a) According to clause 3 Article 5 of this Circular, the leader of market surveillance team shall, on their own initiative, formulate a themed inspection plan of the market surveillance team and seek approval from the superior Director. Documents required: the request for approval of themed inspection plan, draft decision on approval for themed inspection plan and draft themed inspection plan of the market surveillance team;

b) Within 05 business days of receiving the documents in point a, the superior Director shall consider approving the themed inspection plan of the market surveillance team;

c) Promptly after issuance, the decision on approval of themed inspection plan of the market surveillance team shall be sent to the People's Committee of district and relevant entities for further cooperation; to the inspected entities as prescribed and be posted up at the head office or on website of the agency (if any).

4. In case where entities, matters to be inspected or time for performance in the foregoing plan are found duplicated with any inspection plan that has been previously approved or  issued, the market surveillance authority shall immediately report to the head of the market surveillance authority that has approved or issued the latter inspection plan and relevant entities for handling.

5. If the latter inspection plan needs amendments, the market surveillance authority shall request the competent person to make a decision.

The decision on amendment to the decision on approval of the inspection plan or decision on amendment to the inspection plan of the competent person shall be sent to relevant entities; be posted up at the head office and on the website of the agency as prescribed in point d, clause 1, point c clause 2 or point c clause 3 hereof.

6. The Director General or Director shall oversee the performance of the inspection plan by affiliated market surveillance agencies, promptly discover and direct the handling of any duplicated scope, entities, matters to be inspected, time for performance; and take appropriate actions against alleged wrongdoers with respect to duplicating issues during the process of formulation, issuance and performance of the inspection plan.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Based on the tasks assigned in the approved or issued inspection plan, the manager or leader of market surveillance team shall:

a) Issue or propose the competent person to issue a decision on inspection of the compliance with law on business (hereinafter referred to as inspection decision) associated with the inspected entities as planned;

b) Initiate and direct the inspection as planned;

c) Consolidate information and report the superior Director in writing on the result of inspection as planned as soon as practicable after closure of the inspection plan or upon a surprise request.

2. Upon closure of the inspection plan or Department of Practices or Department of province or upon a surprise request, the Director shall consolidate information and report the Director General in writing on the result of the inspection as planned as per the law on reporting of the market surveillance authorities. The report shall specify causes and specific responsibilities in a case where the inspection plan has unperformed tasks and other proposals (if any).

Chapter III

RECEIPT AND PROCESSING OF REPORTS ON EXISTING OR POTENTIAL VIOLATIONS AND ISSUANCE OF SURPRISE INSPECTION PLANS

Article 8. Reports on existing or potential violations for surprise inspections

1. Reports on existing or potential violations include:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Reports of market surveillance officers who are designated to perform the practices as prescribed in Articles 34, 35, and 36 of this Circular or reports of market surveillance officers who are in charge of inspection and actions taken;

c) Reports of market surveillance authorities forwarded from reports on existing or potential violations;

d) Requests for inspection and actions taken against violations by other regulatory agencies not specified in point a;

dd) Reports on existing or potential violations from means of mass media;

e) Reports, claims, complaints, and whistleblowing reports of consumers or other entities on existing or potential violations.

2. The requests made by the competent authority or person in point a and market surveillance officers in point b shall prevail as a basis for the person with authority to consider issuing a surprise inspection decision.

3. A report on existing or potential violation not specified in clause 2 shall require prior investigation and verification before being used as a basis for the person with authority to consider issuing a surprise inspection decision.

Article 9. Receipt and processing of reports

1. Except as provided in clause 2 and clause 3, the market surveillance officer shall receive reports on existing or potential violations as prescribed in Article 8 and then forward them to the head of the superior market surveillance authority for handling. The report shall be made in writing for the cases of point dd and e clause 1 Article 8.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Personally issue, or authorize the deputy or require the inferior inspection decision-maker to issue, an inspection decision within their designated authority, location or field and take further actions as prescribed in clause 2 Article 8, unless he/she deems that the request for inspection of the officer on duty has not well-grounded to issue such an inspection decision.

b) Designate a market surveillance officer to gather and verify the information or supervise the business operation with potential violation (hereinafter referred to as supervise) as prescribed in Articles 35 and 36 in relation to information mentioned clause 3 Article and he/she deems that the request for inspection of the officer on duty has not well-grounded to issue such an inspection decision.

3. If the head of market surveillance authority who receives the report on existing or potential violation in Article 8 is not an inspection decision-maker or the matter in the report does not fall under his/her jurisdiction, place or field designated, he/she shall take the following actions:

a) If such report does not fall under administrative jurisdiction of market surveillance authorities, he/she shall personally forward, or guide the report maker to forward, the report to the competent authority or person as per the law;

b) If such report falls under administrative jurisdiction of market surveillance authorities, he/she shall, without delay, forward the report to the head of other market surveillance authority who is also an inspection decision-maker within their designated jurisdiction, place or field as prescribed in clause 2. The report forwarded shall be also sent to the heads of superior market surveillance authorities of both persons from and to which the report is forwarded for handling.

Article 10. Actions as to results of gathering, verification or supervision of the report on existing or potential violation

If the gathering, verification or supervision mentioned in point b clause 2 Article 9 is performed, the head of the market authority cum inspection decision-maker shall, upon receipt of the performance report, promptly take the following actions:

1. If no existing or potential violation is found, the head shall notify the report maker in writing as prescribed in points c, d and e clause 1 Article 8, unless otherwise required.

2. If an existing or potential violation is found, the head shall issue an inspection decision at his discretion as prescribed in point a clause 2 Article 9 or, if the report does not fall under his/her jurisdiction, place or field designated, forward the report to the inspection decision-maker as prescribed in point b clause 3 Article 9.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. In performing the practices mentioned in Articles 34, 35 and 36 or in conducting inspection and actions taken, if any existing or potential violation is found, the market surveillance officer shall make a report and propose an inspection in writing to the head of market surveillance authority cum inspection decision-maker, except as provided in point a clause 2 Article 17.

2. Such a proposal for inspection in clause 1 shall be made in a report on result of performance of practices or inspection and actions taken of market surveillance officer or a written inspection proposal and shall at least contain:

a) Full name, position, workplace of the person making the inspection proposal;

b) Grounds for inspection proposal;

c) Name and address of entity or place to be inspected;

d) Matters to be inspected;

dd) Time limit and time for inspection;

e) Administrative violations and legislative documents applicable;

g) Full name and signature of the person making the inspection proposal.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 12. Surprise inspection plan

1. Before issuing a surprise inspection decision, the inspection decision-maker or a duly authorized person thereof shall issue a surprise inspection plan as to the compliance with law in business (hereinafter referred to as inspection plan) to ensure the inspection complies with law and is productive, except for inspection as planned and surprise inspection for emergencies as prescribed in clause 2.

2. Upon receipt of a report on existing or potential violation and it finds just cause to believe that if the inspection is not carried out immediately, the offender will run away, exhibits and means of violations may be dispersed or destroyed or possible consequences may occur (hereinafter referred to as emergencies), the person with authority shall issue a surprise inspection decision and be held accountable for that decision.

3. An inspection plan specified in clause 1 of this Article must at least contain:

a) Grounds for the inspection plan;

b) Name and address of entity or place to be inspected;

c) Inspection checklist;

d) Anticipated starting and closing time of the inspection;

dd) Administrative violations and legislative documents applicable;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

g) Composition of inspectorate, including coordinating entities (if any);

h) Estimated facilities and other means for the inspection;

i) Full name, title and signature of the inspection plan-issuer and seal.

3. The inspection plan-issuer shall direct and supervise the performance of the inspection plan by the inspectorate.

Chapter IV

CONTENTS AND PROCEDURES FOR INSPECTION AND ACTIONS AGAINST ADMINISTRATIVE VIOLATIONS

Article 13. Issuance of inspection decision

1. The inspection must be made in writing by the inspection decision-maker as per the law.

2. The inspection decision-maker may only issue an inspection decision if there are ground as provided in Article 20 of the Ordinance on Market Management

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Within the scope of inspection specified in Article 17 of the Ordinance on Market Management;

b) Under the jurisdiction, place or field designated;

c) With proper entity and matters to be inspected in the inspection plan approved or issued as prescribed in this Circular or proper entity and content of existing or potential violation as provided in clause 2 Article 12.

4. For the same entity with varied places to be inspected, the inspection decision-maker may issue single or multiple inspection decision(s) or a document to direct the inferior inspection decision-makers to issue inspection decisions as to such inspected entity in every place to be inspected corresponding to their place or field designated.

5. The establishment of the inspectorate as provided in clause 1 Article 23 of the Ordinance on Market Management shall be stated in the inspection decision.

Article 14. Responsibilities of the inspection decision-maker

1. Personally enforce, or appoint a qualified market surveillance officer as the chief inspector to enforce, the inspection decision.

2. Personally document, or designate an officer authorized to keep the journal of the market surveillance authority to document, full name, badge (if any) of the inspectorate member; name and address of the inspected entity and inspection checklist in the journal before enforcement of the inspection decision.

3. Fulfill the responsibilities as prescribed in Article 26 of the Ordinance on Market Management.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Composition of the inspectorate:

a) Chief inspector who is a qualified market surveillance officer as provided for in point b and obtains a market inspection card;

b) Qualified market surveillance officers as provided for in clause 2 and clause 3 Article 23 of the Ordinance on Market Management;

c) Persons designated by coordinating agencies in relation to matters associated with public administration of multiple fields and fields as prescribed in clause 2 Article 36 of the Ordinance on Market Management.

2. The inspection decision-maker shall decide in writing the replacement of the chief inspector or inspectorate members if they are sick, meet accidents, die, are lost, legally incapacitated, dismissed, disciplined or, for other objective causes, cannot keep performing the inspection and actions taken.

If the head of market surveillance authority cum inspection decision-maker has his/her market inspection card revoked or suspended or he/she is replaced, the substitute or the acting head of that market surveillance authority or the head of the superior market surveillance authority shall decide the replacement of the chief inspector or inspectorate members.

Article 16. Enforcement of inspection decision

1. An inspection decision shall be enforced as per clause 3 Article 19 of the Ordinance on Market Management. If, when the inspection decision is enforced, the inspected entity’s business is not operated or suspended, the inspectorate shall take a record to document the failure to enforce the inspection decision with the presence of the representative of the People’s Committee of commune or police office of commune, and then report it to the inspection decision-maker for consideration.

2. At the beginning of the inspection, the chief inspector must initiate the following procedures:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Notify the inspected individual or the representative of the inspected entity of the composition of the inspectorate and witnesses (if any);

c) Request the inspected individual or the representative of inspected entity to abide by the inspection decision of the competent person and work with the inspectorate;

d) In case the inspected individual or the representative of inspected entity is not present at the inspection site, the inspectorate shall still announce the inspection decision and conduct the inspection in the presence of the representative of People's Committee of commune or representative of police office of commune and witnesses.

3. The tasks and powers of the inspectorate, the responsibilities of the chief inspector and members of the inspectorate, on inspection duty, shall comply with  Articles 24 and 25 of the Ordinance on Market Management.

4. Rights and responsibilities of the inspected entity are specified in Articles 30 and 31 of the Ordinance on Market Management.

Article 17. Handling unexpected circumstances upon enforcement of the inspection decision at the inspection site

1. Unexpected circumstances arising when the inspection decision is enforced at the inspection site:

a) Existing or potential violation committed by the inspected entity, not indicated in the inspection decision, is found;

b) The inspection, because of its delicate nature, requires extension as prescribed in point b clause 2 Article 22 of the Ordinance on Market Management;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Other circumstances that affect the enforcement of the inspection decision.

2. The unexpected circumstances in point a clause 1 shall be dealt with as follows:

a) Where an existing violation committed by the inspected entity, not indicated in the inspection decision, is found, the inspectorate shall document it in the inspection report;

b) Where a potential violation committed by the inspected entity, not indicated in the inspection decision, is found, the chief inspector shall request the inspection decision-maker  to amend the existing inspection decision. The inspectorate may only carry out an inspection of the potential violation after they obtain an amended inspection decision by the inspection decision-maker.

3. Where an unexpected circumstance in point b or d clause 1 arises, the inspectorate shall report it to the inspection decision-maker for decision.

4. The unexpected circumstances mentioned in point c clause 1 shall be dealt with in accordance with clause 2 Article 15 of this Circular.

Article 18. Taking of inspection report and administrative offense report

1. Based on the inspection result, the inspectorate shall take and sign the inspection report to document the inspection result and make a conclusion on the inspected matters (if any) right after completing the inspection at the inspection site.

2. The inspection report or administrative violation report shall be taken at the inspection site as follows:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) If, in the inspection checklist, all items are found associated with administrative violations, or some items are found associated with administrative violations and some items are found compliant with law and not stipulated in point c of this clause, the inspectorate shall take an inspection report to document the inspection result; take an administrative offense report or issue a decision on penalty for administrative offense without report if the offender receives a warning or a fine of VND 250,000 (for individual) or VND 500,000 (for organization) in accordance with law on actions against administrative violations, except provided for in clause 4 Article 13 of this Circular;

c) If, with regard to an item of inspection checklist, a potential violation requiring further verification, is found, the inspectorate shall take an inspection report to document the inspection result, and propose the inspection decision-maker to conduct further verification to take extra proof as prescribed in Article 35, adopt preventive and guaranteeing measures per the law.

3. The inspection report shall be made using the given form and comply with the following:

a) Upon taking an inspection report, the inspected entity or the representative thereof must be present; if the inspected entity or the representative thereof is absent or intentionally evades, the presence of the representative of the People’s Committee of commune or police office of commune and witnesses are required;

b) If the inspected entity or the representative thereof refuses to sign the inspection report, the presence of the representative of the People’s Committee of commune or police office of commune and 02 witnesses are required and reasons for refusal must be documented.

4. Contents of inspection report:

a) The inspection report must specify adequate and accurate inspection result as to every item of the inspection checklist; opinions of the inspected entity or the representative thereof, the representative of the coordinating agency, witnesses (if any); assessment, recommendations and proposals of the inspectorate towards the inspection case;

b) The inspection report must be fully signed by representatives of the parties involved in the inspection and taking of the inspection report.  In case the report has many pages and many copies, the signatures of these persons must be included on each page and every copy of the report, including the appendix and list enclosed with the inspection report.

Article 19. Handling inspection result

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Within 02 business days of taking the inspection report, the chief inspector must report and make a proposal for handling of inspection result in writing together with the inspection case file to the inspection decision-maker as prescribed in Clause 3 of this Article.

3. Except for the case specified in Clause 4 of this Article, right after receiving the inspection case file from the inspectorate, the inspection decision-maker shall consider handling the inspection result as follows:

a) If an administrative offense report has been taken as prescribed in point b clause 2 Article 18, the inspection decision-maker shall, at their discretion, issue a penalty decision if the violation falls under their jurisdiction, or forward the case file to the competent penalty decision-maker as per the law on actions against administrative violations and this Circular;

b) If a potential violation is found but there are inadequate grounds to consider it an administrative violation, the inspection decision-maker shall initiate practices to gather and verify information to take extra proof as prescribed in Article 35.

4. In case of inspection at the request of the competent person as prescribed in clause 4 Article 13 or, at the same time, the inspected entity is also subject to the inspection and actions taken by another market surveillance authority, the inspection decision-maker shall propose the handling of inspection result to the head of the superior market surveillance authority; forward or receive the inspection case file and initiate practices under direction of the competent person.

The head of the superior market surveillance authority shall direct or decide the gathering and verification of information to take extra proof; make a conclusion regarding the inspection case, direct the taking of administrative offense report and penalties for administrative violations, or request or forward the administrative offense case file to the competent penalty decision-maker as per the law on actions against administrative violations and this Circular.

Article 20. Handling verification result 

1. Except for the case of inspection at the request of the competent person specified in clause 4, Article 13 of this Circular, within 03 business days from the date of completion of verification, the inspection decision-maker must make a conclusion regarding the case and handle as follows:

a) If no existing violation is found, he/she must notify the inspected entity in writing according to  point d, clause 4, Article 27 of the Ordinance on Market Management;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) If a potential criminal violation is found, he/she shall forward the offense case file to the criminal proceedings agency for further criminal prosecution as provided in clause 2 Article 22.

2. In case of inspection at the request of the competent person specified in clause 4, Article 13 of this Circular, within 02 business days from the date of completion of verification, the inspection decision-maker must report the verification result to the competent person to make a conclusion regarding the case and handle as established in points a, b and c clause 2 of this Article.

Article 21. Imposition of administrative penalties

The power of and procedures for imposing penalties for administrative violations, enforcement of administrative penalty decisions and coercive enforcement of administrative penalty decisions are specified in the law on actions against administrative violations.

Article 22. Procedures for forwarding administrative violation cases to competent agencies of other branches

1. For a case where the administrative violation report has been made according to point b, clause 2, Article 18 or clause 4, Article 19 or Article 20 of this Circular, but the case does not fall under the jurisdiction of the market surveillance authority, the market surveillance authority of the inspection decision-maker or presiding officer must:

a) Forward the administrative violation case, in writing, to the competent penalty decision-maker;

b) Hand over all of the files and temporarily seized exhibits (if any) related to the violation;

c) Make a record on the handover of the files and temporarily seized exhibits (if any) between the transferor and the receiver.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 23. Procedures for receiving and accepting administrative violation cases forwarded by other regulatory agencies to market surveillance authorities

1. The market surveillance authority shall only receive and accept administrative violation cases transferred by other regulatory agencies when these cases fall under functions, tasks, powers and penalty competence of market surveillance authorities.

2. Procedures for receiving and accepting administrative violation cases forwarded by other regulatory agencies to market surveillance authorities shall be done as follows:

a) The transferring agency transfers the administrative violation case in writing to the market surveillance authority;

b) The head of the market surveillance authority that receives the case forwarded shall consider receiving it and direct the making of record of handover of files and temporarily seized exhibits (if any) between the transferor and receiver.

3. Within the time limit prescribed by the law on handling of administrative violations, the head of the market surveillance authority that receives the case forwarded shall consider imposing a penalty for the administrative violation within their authority or request the competent penalty decision-maker to do so as per the law.

4. Where appropriate, the head of the market surveillance authority that receives the case forwarded may decide to gather and verify information to take extra proof as a basis for the penalty decision.

Article 24. Procedures for submitting administrative violation cases within the market surveillance authority

1. Except for the case specified in clause 2, Article 20 and point a, clause 1, Article 25 of this Circular, for a case beyond the power to impose penalties for administrative violations, the leader of market surveillance team in charge of that case is responsible for:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Forwarding the complete case file of the administrative violation and taking a record of handover between the transferor and the receiver;

c) Keeping preserving temporarily seized exhibits (if any) upon the forward of administrative violation case, unless otherwise requested by the superior market surveillance authority.

2. Immediately after receiving the case file of the administrative violation, the Director shall:

a) Consider imposing a penalty within the time limit prescribed by the law on handling of administrative violations if the case falls under his/her jurisdiction.

b) Submit the case file of administrative violation to the Director General for imposing a penalty under the authority of the General Director, except for cases specified in clause 3 and 4, Article 25 of this Circular.  Procedures for submitting case files of administrative violation are similar to those specified at points a, b and c, clause 1 of this Article;

c) Request the market surveillance division or team to verify more details to supplement the case file in case there are insufficient grounds to handle administrative violations.  The request for additional documents is made in writing.

3. Within the time-limit prescribed by the law on handling of administrative violations, the General Director shall:

a) Consider imposing a penalty on administrative violation according to his/her competence;

b) Request relevant entities to verify more details to supplement the case file in case there are insufficient grounds to handle administrative violations.  The request for additional documents is made in writing.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The market surveillance authority shall request the President of People's Committee that is a competent penalty decision-maker to consider issuing a penalty decision in the following cases:

a) The case involves many administrative violations in varied fields of state management, including administrative violations which do not fall under the jurisdiction of the market surveillance authorities;

b) The administrative violation case goes beyond the power to impose penalties for administrative violations of the Director of Department of province.

2. The market surveillance team in charge of the administrative violation case shall:

a) Submit the case to the President of the People's Committee of the district where the administrative violation is committed for imposing a penalty as specified at point a, clause 1 of this Article;

b) Forward the case to the superior Department for consideration, and then submit it to the President of the People's Committee of the province in a case where the case specified at point a, clause 1 of this Article goes beyond power to impose penalty of the President of the People's Committee of district.

3. The Department of province shall submit the case to the President of the People's Committee of the province where the administrative violation is committed for imposing a penalty as specified at point b, clause 1 or point b clause 2 of this Article;

4. The Department of Practices shall submit the case to the President of the People's Committee of the province where the administrative violation is committed for imposing a penalty as specified at point a, clause 1 of this Article.

Article 26. Documenting, preserving and archiving the case file of the inspection and actions taken

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) The case file shall be documented in an honest and adequate manner in conformity with the assigned functions and tasks; and prevail as the basis for the timely, lawful and effective settlement of the work of the agency;

b) Documents kept in the case file must properly and fully reflect the handling process and actual developments of the inspection and handling of administrative violations; ensure legal validity in handling cases;

c) Documents must be arranged and numbered before being forwarded to the archives of the agency for further use and search.

2. At the end of the inspection and handling of administrative violations, the head of the market surveillance authority specified in clause 4 of this Article shall designate an officer to document that case and keep the case file according to  clause 3 of this Article.

3. The case file shall be documented as follows:

a) The case file must have a cover designed and printed according to the national standard TCVN 9251: 2012 on case file covers and it shall be archived according to regulations.  The officer in charge shall document fully and in detail the contents of the items printed on the cover of the file;

b) Documents available in the case file must be arranged, numbered and listed on the list printed on the cover or label of the case file.  The officer in charge must list, number and arrange documents in the order from the case file page No. 1 to the last one;

c) The case file pages shall be numbered in ascending order in the order of each document sheet in the case file.  A case file page is numbered once. The case file page shall numbered in the top right, and front corner of each sheet. Each sheet is marked with a number. The numbering of the case file pages is done according to the chronological order of receipt.  In case a number of documents is received at a time, the case file pages shall be numbered in the order of document issuance time.

4. The case file shall be preserved and archived as follows:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) In case the President of the People's Committee of the province is the penalty decision-maker, Department of province or Department of Practices shall request to keep a copy of the case file, unless the People's Committee of province has other requirements;

b) In case the President of the People's Committee of the district is the penalty decision-maker, the market surveillance team shall request to keep a copy of the case file, unless the People's Committee of district has other requirements.

5. The case file must be received, preserved, archived and destroyed when they cease to be valid according to  law on archives.

Article 27. Confidentiality

1. Every information and document in the case file related to the inspection and actions against existing or potential administrative violations provided for in this Circular must be kept confidential as per the law.

2. A market surveillance officer who intentionally discloses or makes a statement on a case of inspection and actions taken or information related to the result of performance of practices by the market surveillance force, without a permission of the competent authority, depending on the seriousness of the violation, he/she may face a disciplinary action or criminal prosecution in accordance with the law.

Chapter V

ADOPTION OF PREVENTIVE AND GUARANTEEING MEASURES TO DEAL WITH ADMINISTRATIVE VIOLATIONS

Article 28. General provisions on adoption of preventive and guaranteeing measures

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The competent person of the market surveillance authority who decides to adopt preventive and guaranteeing measures shall:

a) Ensure that the adoption of preventive and guaranteeing measures is grounded in accordance with the law on handling of administrative violations;

b) Organize, direct, and adopt preventive and guaranteeing measures in accordance with the law on handling of administrative violations.

Article 29. Search proposal

1. When receiving and processing information according to  Articles 8, 9 and 10 of this Circular or when taking assigned practices or in the case specified in clause 1, Article 19 of this Circular. , if there are grounds to believe that exhibits of administrative violations are hidden inside bodies or in means of transport, objects or in hiding places, the market surveillance officer on duty shall search people, search means of transport and objects according to their competence or propose a competent person of the market surveillance authority to issue a decision to search people, search means of transport, objects or search where exhibits and means of administrative violations are hidden (hereinafter referred to as search decision) in accordance with the law on handling of administrative violations.

2. A search proposal under  clause 1 of this Article shall be made in writing and must contain the following:

a) Full name, position, workplace of the person who makes the search proposal;

b) Basis of proposal;

c) The person, mean of transport, object or place to be searched;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) Expected time and place for the search;

e) Proposed administrative violation and relevant exhibits and means of administrative violation;

g) Full name and signature of the person making the inspection proposal.

3. The market surveillance officer who proposes the search shall be held accountable to the search decision-maker and to the law as to the contents of the search proposal.

Article 30. Search plan

1. Before issuing a search decision, the competent search decision-maker or the duly authorized person thereof must issue a search plan to ensure that the search is lawful and effective, except for cases that there are grounds to believe that if the search is not conducted immediately, exhibits and means of administrative violations will be dispersed or destroyed.

2. A search plan specified in clause 1 of this Article must at least contain:

a) Grounds for the search plan;

b) The person, mean of transport, object or place to be searched;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) The location and scope of the search;

dd) Anticipated starting and closing time of the search;

e) Unexpected circumstances and actions taken (if any);

g) Administrative violations and legislative documents applicable;

h) Estimated number and composition of the inspectorate performing the search, including coordinating entities (if any);

i) Expected facilities for the search (if any);

k) Full name, title and signature of the search plan-issuer and seal.

Article 31. Issuance of search decision

1. Regarding every case of body search, search of means of transport and objects, search of places where exhibits and/or means of administrative violations are hidden according to administrative procedures (hereinafter referred to as search cases), a search decision made by the competent person is required, except for the case specified in clause 2, clause 2, Article 127 or clause 3, Article 128 of the Law on handling of administrative violations.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) The search case falls under his/her jurisdiction, geographical area or field designated;

b) He/she has a search plan in place as prescribed in Article 30 of this Circular or there are grounds to believe that if the search is not conducted immediately, exhibits and means of administrative violation will be dispersed or destroyed.

Article 32. Procedures for enforcing the search decision and handling of search result

1. Procedures for enforcing the search decision, taking report of body search according to administrative procedures, report of search of means of transport and objects according to administrative procedures and report of search of places where exhibits and/or means are hidden, and taking report of administrative offense report and penalties imposed shall comply with the law on handling of administrative violations.

2. The processing of search result, verification result; forwarding, receipt and submission of case files of administrative violations for penalties imposed; documenting, revision and archival of case files of administrative violations and information confidentiality are similar to the inspection activities specified in Articles 19, 20, 22, 23, 24, 25, 26 and 27 of this Circular.

Article 33. Application of measures to temporarily seize exhibits, means, licenses and practice certificates according to administrative procedures, temporarily detain persons according to administrative procedures and escort offenders

1. The chief inspector shall apply, according to their competence, or propose competent persons to apply measures of temporary seizure of exhibits, means, licenses or practice certificates according to administrative procedures, temporary detention of persons according to administrative procedures, or escort offenders when there are grounds specified in the Law on handling of administrative violations. The proposal is made in writing or written in the search report, the search report of the inspectorate.

2. Competence and procedures for the application of measures to temporarily seize exhibits and means of administrative violations, permits, practice certificates, detain persons according to administrative procedures and escort offenders shall comply with regulations of the law on handling of administrative violations.

Chapter VI

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 34. Management of business organizations and individuals by geographical areas

1. Entities subject to management activities by geographical areas include:

a) Business organizations and individuals in the geographical area of the market surveillance authorities;

b) Places of production, business, delivery, preservation and storage of goods; terminal facilities, domestic airports, seaports, ports, inland wharves, railway stations, post offices; shopping malls, duty-free shops, supermarkets, and markets within the geographical area of the market surveillance authorities;

c) Places of production, business, delivery, preservation and storage of goods; terminal facilities, domestic airports, seaports, ports, inland wharves, railway stations, post offices; shopping malls, duty-free shops, supermarkets, and markets, etc. and organizations and individuals engaged in production and trading of commercial goods and services within the geographical area of customs but not subject to management of the customs in accordance with the law.

2. The contents of management activities by geographical areas are specified in clause 1, Article 33 of the Ordinance on Market Management.

3. The assignment of management by geographical areas is decided in writing by the leader of market surveillance team to one or more officers for implementation.  In case there are many officers assigned to manage the same geographical area, the leader of the market surveillance team shall appoint one officer to be the chief who is responsible for regularly reporting or consolidating information on the management of the area.

4. The assignment decision must clearly state the specific management geographical area, the list of officers, the matters to be managed and the reporting regime.  Any officer who performs management activities by geographical area outside the head office of the market surveillance team must document a journal for management and supervision.

5. The leader of the local market surveillance team is responsible for consolidating, building, managing and using the management information database within the assigned geographical area and implementing the reporting regime at the request of the Director of the Department of province.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

7. The General Director is answerable to the Minister of Industry and Trade for building, managing and developing the information database system on management of geographical areas; guide the exploitation, use and ensure maintenance, operation, keeping confidentiality, security of the management database system nationwide.

Article 35. Gathering and verification of information

1. The gathering and verification of information by the market surveillance authorities specified at point b, clause 1, Article 32 of the Ordinance on Market Management shall be carried out in the following cases:

a) Collect information to serve the consultation and formulation of routine inspection plans or themed inspection plans;

b) Verify reports on existing or potential violations as a basis for issuance of surprise inspection decisions or adoption of preventive or guaranteeing measures;

c) Gather and verify information to supplement documents and evidences proving administrative violations in the process of handling inspection result, results of application of search measures or receipt and acceptance of administrative violation cases forwarded by other state agencies to market surveillance authorities;

d) Gather and verify information serving the enforcement of decisions on administrative sanctions, coercive enforcement of decisions on administrative penalties in accordance with the law on handling of administrative violations;

dd) Gather and verify information under the direction of the superior market surveillance authority or at the request of other market surveillance authority.

2. Entities subject to gathering and verification of information:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Entities that incurred the administrative or criminal penalties in business but are likely to commit recidivism; entities that likely to commit administrative violations or are involved in administrative violations in business;

c) Other entities relevant to the inspection and actions taken by the market surveillance authorities.

3. Information to be gathered and verified is stipulated in clause 2 Article 33 of the Ordinance on Market Management.

4. According to the specific requirements of each case, the gathering and verification of information may take one or more of the following forms:

a) Invite inspected entity; owner of mean of transport, object or operator of transport mean or object examined; owner, guardian or user of the temporarily seized exhibit or mean of violation; the owner of the searched place or the representatives of the above entities come to work;

b) Work with entities specified at point a of this clause at their request;

c) Work with other entities related to the inspection and application of preventive and guaranteeing measures;

d) Designate persons to conduct verification or request relevant regulatory agencies to assist and coordinate in verification;

dd) Take samples of goods and send them to specialized agencies or organizations for testing and assessment;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

g) Other forms as prescribed by law.

5. Based on the assigned functions and tasks, the head of the market surveillance authority shall assign officers to perform the tasks of gathering and verifying information specified at points a and d, and dd clause 1 of this Article in accordance with relevant laws.

6. The gathering and verification of information specified at points b and c, clause 1 of this Article shall comply with the following provisions:

a) Based on clause 3, Article 8 and point b, clause 2, Article 9 of this Circular or on the basis of the proposal of the inspectorate, the head of the market surveillance authority that is initiating the case shall designate officers to perform the tasks of gathering and verifying information;

b) The written assignment of tasks to the officer must clearly state the information to be gather and verified; the name of the officer assigned to the task and the deadline for information gathering and verification.  In case of the gathering and verification of information specified at point c, clause 2, Article 18 of this Circular, the time limit for gathering and verification shall comply with clause 4, Article 27 of the Ordinance on Market Management;

c) The market surveillance officer assigned the task shall immediately gather and verify information in accordance with the content of the written assignment of task; report to the person who assigns the task on the results thereof, and propose (if any) in writing actions to be taken according to  Article 10 or Article 20 of this Circular.

7. The gathering and verification of information by the market surveillance officer assigned tasks under the market surveillance team under the Department of province or the Division of Practices under the Department of Practices which are conducted outside the office must be documented in the journal diary for management and supervision.

Article 36. Supervision of business with potential violations

1. Entities and subjects to be supervised:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Organizations or individuals that are committing or in preparation to commit law violations reported from the information provider;

c) Means of transport, place of business, places of gathering, storing or hiding goods, means and objects showing signs of law violation;

d) Other business activities with potential violations.

2. The contents of supervision activities are specified in clause 3, Article 33 of the Ordinance on Market Management.

3. Supervision activities are carried out as follows:

a) Based on the direction of the head of the superior market surveillance authority or the officer’s report or suggestion or collected information or the report from the information provider, the head of the market surveillance authority cum inspection decision-maker shall issue a written assignment of supervision concerning entities and subjects specified in clause 1 of this Article;

b) The written assignment specified at point a of this clause must clearly state the basis for performing the supervision, the list of officers performing the supervision, the entities and subjects to be supervised and the time for supervision;

c) Market management officers assigned the task of supervision shall comply with the content of the written assignment of tasks; report to the result to the supervisor and make written proposals and recommendations (if any) for handling in accordance with  law and this Circular.

4. Any market surveillance officer who performs supervision activities must document a journal for management and supervision.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The market surveillance authorities may employ people who are not on the payroll, are qualified to participate as collaborators in performing the task of providing information and contact points to regularly provide information sources for the operation of market surveillance authorities.

2. The heads of the Department of Practices, Department of province, and market surveillance teams decide and take responsibility for the development, classification, management and use of information providers on the following principles:

a) Confidential, single line;

b) Information about collaborators' identities, records of information source supply process, contact points are classified, managed and used according to the confidentiality regime as prescribed by law.

3. Information and documents provided by information providers must be collected, verified and verified in accordance with Article 35 of this Circular before being used as a basis for inspection and handling of administrative violations.

4. Amounts and procedures for payment of expenditures on for buying information and rewards to information providers with achievements in the process of participating in the arrest and confiscation of exhibits and means in violation of law in the field of anti-smuggling, trade fraud, fake goods shall comply with law.

Chapter VII

IMPLEMENTATION

Article 38. Responsibilities

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Direct, monitor, urge, guide and inspect market surveillance authorities in the inspection and actions taken and performance of practices in accordance with law and this Circular;

b) Apply information technology in the inspection, actions against administrative violations and performance of practices by market surveillance authorities as per the law and this Circular;

c) Direct the professional training and refresher course and ensure funding and working regime for the market surveillance authorities and officers assigned to perform the inspection and actions taken and performance of practices;

d) Report to the Minister of Industry and Trade on the results of the implementation of the inspection program orientation and the results of the inspection and actions taken by the market management authorities according to regulations;

dd) Propose to the Minister of Industry and Trade measures for implementation and amendments to this Circular when necessary.

2. Director of the Department of Practices, Directors of the Department of province shall:

a) Perform the inspection and actions taken and the practices in accordance with law and this Circular;

b) Enforce written inspection directions of competent authorities or coordinate with the Department of Practices, Departments of province to inspect and handle administrative violations when requested;

c) Direct, monitor, urge, guide and inspect affiliated market surveillance teams in the inspection and actions taken and performance of practices in accordance with law and this Circular;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) Make reports to the General Director, President of the People's Committee of province on the situation and results of their inspection and actions taken according to regulations.

3. The leader of market surveillance team shall:

a) Perform the inspection and actions taken and the practices in accordance with law and this Circular;

b) Report to the superior Director, the President of the People's Committee of district on the situation and results of the inspection and actions taken in the district or in the field assigned.

4. Other entities relevant to the inspection and actions taken by the market surveillance authorities shall:

a) Provide information, documents and evidences related to the inspection and actions taken at the request of the market surveillance authority;

b) Coordinate in the inspection and actions taken at the request of market surveillance authorities;

c) Coordinate in enforcement of inspection decisions, search decisions, penalty decisions and other decisions of the heads of competent market surveillance authorities.

Article 39. Entry in force

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. This Circular supersedes Circular No. 35/2018/TT-BCT dated October 12, 2018 of the Minister of Industry and Trade on contents of and procedures for inspection of administrative violations and actions taken and practices performed by market surveillance authorities.

3. Director of the General Department of Market Surveillance, Director of Market Surveillance Practices, Director of Market Surveillance Department of province, leaders of market surveillance teams, Heads of units under the Ministry of Industry and Trade and relevant agencies, organizations and individuals shall implement this Circular./.

 

 

 

MINISTER




Tran Tuan Anh

 

 

 

You are not logged!


So you only see the Attributes of the document.
You do not see the Full-text content, Effect, Related documents, Documents replacement, Gazette documents, Written in English,...


You can register Member here


You are not logged!


So you only see the Attributes of the document.
You do not see the Full-text content, Effect, Related documents, Documents replacement, Gazette documents, Written in English,...


You can register Member here


You are not logged!


So you only see the Attributes of the document.
You do not see the Full-text content, Effect, Related documents, Documents replacement, Gazette documents, Written in English,...


You can register Member here


Circular No. 27/2020/TT-BCT dated September 30, 2020 on contents of and procedures for inspection of administrative violations and actions taken and practices performed by market surveillance authorities
Official number: 27/2020/TT-BCT Legislation Type: Circular
Organization: The Ministry Of Industry And Trade Signer: Tran Tuan Anh
Issued Date: 30/09/2020 Effective Date: Premium
Gazette dated: Updating Gazette number: Updating
Effect: Premium

You are not logged!


So you only see the Attributes of the document.
You do not see the Full-text content, Effect, Related documents, Documents replacement, Gazette documents, Written in English,...


You can register Member here


Circular No. 27/2020/TT-BCT dated September 30, 2020 on contents of and procedures for inspection of administrative violations and actions taken and practices performed by market surveillance authorities

Address: 17 Nguyen Gia Thieu street, Ward Vo Thi Sau, District 3, Ho Chi Minh City, Vietnam.
Phone: (+84)28 3930 3279 (06 lines)
Email: info@ThuVienPhapLuat.vn

Copyright© 2019 by THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu

DMCA.com Protection Status