CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 66/2019/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 29 tháng 7 năm 2019

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ BẢO TỒN VÀ SỬ DỤNG BỀN VỮNG CÁC VÙNG ĐẤT NGẬP NƯỚC

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật đa dạng sinh học ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Chính phủ ban hành Nghị định về Bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động trực tiếp hoặc liên quan đến bảo tồn và sử dụng các vùng đất ngập nước trên phạm vi lãnh thổ của Việt Nam.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Các từ ngữ,sử dụng trong Nghị định được hiểu như sau:

1. Bảo tồn vùng đất ngập nước là duy trì, bảo vệ cấu trúc, chức năng, đặc tính sinh thái và đa dạng sinh học của vùng đất ngập nước.

2. Dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước là những lợi ích do hệ sinh thái đất ngập nước mang lại cho con người.

3. Đặc tính sinh thái vùng đất ngập nước là tập hợp các thành phần, các quá trình và các dịch vụ hệ sinh thái đặc trưng cho vùng đất ngập nước tại một thời điểm nhất định.

4. Công ước Ramsar là tên viết tắt của Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế.

5. Hệ sinh thái đất ngập nước là khu vực bao gồm quần xã sinh vật và các yếu tố phi sinh vật của một vùng đất ngập nước nhất định có tác động qua lại và trao đổi vật chất với nhau.

6. Khu bảo tồn đất ngập nước là khu bảo tồn thiên nhiên có diện tích đất ngập nước chiếm tỷ lệ từ 50% diện tích của khu bảo tồn trở lên.

7. Khu Ramsar là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế được Ban thư ký Công ước Ramsar công nhận.

8. Vùng đất ngập nước là vùng đầm lầy, vùng đất than bùn, vùng ngập nước thường xuyên hoặc ngập nước tạm thời theo mùa, kể cả các vùng ven biển, ven đảo có độ sâu không quá 06 mét khi ngấn nước thủy triều thấp nhất.

Điều 3. Nguyên tắc bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước

1. Việc bảo tồn và sử dụng vùng đất ngập nước phải được thực hiện trên nguyên tắc tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm duy trì toàn vẹn cấu trúc, chức năng, đặc tính sinh thái và đa dạng sinh học của vùng đất ngập nước.

2. Tăng cường vai trò, sự tham gia của cộng đồng dân cư sinh sống trên, xung quanh vùng đất ngập nước và các bên liên quan trong bảo tồn, sử dụng bền vững vùng đất ngập nước.

3. Đảm bảo cơ chế chia sẻ lợi ích công bằng, hợp lý về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên liên quan trong việc sử dụng dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước.

Điều 4. Quản lý nhà nước về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước

Nội dung quản lý nhà nước về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước gồm:

1. Ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; các quy định của Công ước Ramsar.

2. Xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trên phạm vi cả nước và từng địa phương.

3. Thống kê, kiểm kê; điều tra, đánh giá, xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về các vùng đất ngập nước; quan trắc, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường và đa dạng sinh học của các vùng đất ngập nước quan trọng; lập, thẩm định, ban hành và điều chỉnh Danh mục các vùng đất ngập nước quan trọng trên phạm vi toàn quốc.

4. Tổ chức lập, thẩm định, thành lập và quản lý các khu bảo tồn đất ngập nước; đề cử công nhận và quản lý khu Ramsar; hướng dẫn quản lý các vùng đất ngập nước quan trọng nằm ngoài khu bảo tồn.

5. Tổ chức việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, đào tạo nhân lực cho bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước.

6. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quan trọng.

7. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của các bên liên quan, cộng đồng về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước.

Điều 5. Các hoạt động khuyến khích trên vùng đất ngập nước

Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, cộng đồng dân cư đầu tư, tham gia vào các hoạt động sau đây:

1. Bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên và loài chim di cư tại vùng đất ngập nước.

2. Phục hồi các vùng đất ngập nước quan trọng, các hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên đã bị suy thoái hoặc bị khai thác quá mức; duy trì và phòng ngừa sự biến đổi các đặc tính sinh thái vùng đất ngập nước.

3. Giám sát các hoạt động trên vùng đất ngập nước quan trọng; phát hiện và thông báo kịp thời với cơ quan chức năng về các hành vi vi phạm pháp luật về bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước quan trọng.

4. Thực hiện mô hình sinh kế bền vững về môi trường, mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, các hoạt động du lịch sinh thái theo quy định của pháp luật.

Chương II

THỐNG KÊ, KIỂM KÊ, ĐIỀU TRA, ĐÁNH GIÁ VÀ QUAN TRẮC CÁC VÙNG ĐẤT NGẬP NƯỚC

Điều 6. Thống kê, kiểm kê các vùng đất ngập nước

Các vùng đất ngập nước phải được thống kê, kiểm kê và công bố theo quy định của pháp luật về đất đai; pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Điều 7. Điều tra, đánh giá các vùng đất ngập nước

1. Các vùng đất ngập nước được điều tra, đánh giá và xác lập chế độ bảo tồn và sử dụng bền vững.

2. Thông tin cơ bản cần thu thập, điều tra và đánh giá đối với vùng đất ngập nước:

a) Tên, vị trí địa lý, ranh giới và tọa độ của vùng đất ngập nước trên bản đồ hiện trạng sử dụng đất hoặc tọa độ trên mặt nước biển; diện tích (ha) vùng đất ngập nước và các kiểu đất ngập nước;

b) Các chức năng, dịch vụ hệ sinh thái cơ bản; các giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường của vùng đất ngập nước;

c) Các loài cư trú, sinh sống và phát triển trên vùng đất ngập nước, bao gồm các loài bản địa, nguy cấp, quý, hiếm, di cư; loài và số lượng cá thể chim nước;

d) Các mối đe dọa, hình thức bảo tồn và sử dụng vùng đất ngập nước.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức điều tra, đánh giá đối với các vùng đất ngập nước thuộc địa bàn quản lý và đề xuất các vùng đất ngập nước quan trọng trên địa bàn quản lý theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 8. Tiêu chí xác định vùng đất ngập nước quan trọng

1. Vùng đất ngập nước quan trọng là vùng đất ngập nước có diện tích từ 50 ha trở lên đối với đất ngập nước ven biển, ven đảo hoặc từ 5 ha trở lên đối với đất ngập nước nội địa, có chứa hệ sinh thái tự nhiên quan trọng đáp ứng ít nhất một trong các tiêu chí sau:

a) Có chứa ít nhất một kiểu đất ngập nước tự nhiên có tính đặc thù hoặc đại diện cho một vùng sinh thái;

b) Là nơi sinh sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của ít nhất một loài đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm hoặc của 1.000 cá thể chim nước, chim di cư trở lên hoặc nơi nuôi dưỡng và bãi đẻ của ít nhất một loài thủy sản có giá trị;

c) Giữ vai trò quan trọng trong điều hòa nguồn nước, cân bằng sinh thái cho một vùng sinh thái của địa phương, liên tỉnh, quốc gia, quốc tế;

d) Có giá trị đặc biệt về cảnh quan, sinh thái nhân văn, lịch sử, văn hóa đối với địa phương, quốc gia, quốc tế.

2. Vùng đất ngập nước quan trọng được phân cấp thành vùng đất ngập nước quan trọng đối với quốc gia và vùng đất ngập nước quan trọng đối với địa phương.

3. Vùng đất ngập nước quan trọng đối với quốc gia là vùng đất ngập nước quan trọng có diện tích từ 5.000 ha trở lên đối với đất ngập nước ven biển, ven đảo hoặc vùng có diện tích từ 300 ha trở lên đối với đất ngập nước nội địa và đáp ứng ít nhất một trong các tiêu chí sau:

a) Có chứa ít nhất một kiểu đất ngập nước tự nhiên có tính đặc thù hoặc đại diện cho một vùng sinh thái liên tỉnh hoặc quốc gia;

b) Là nơi sinh sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của ít nhất một loài đặc hữu hoặc 05 loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm hoặc một loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc của 10.000 cá thể chim nước, chim di cư trở lên;

c) Giữ vai trò quan trọng trong điều hòa nguồn nước, cân bằng sinh thái của một vùng liên tỉnh hoặc quốc gia;

d) Có giá trị đặc biệt về cảnh quan, sinh thái nhân văn, lịch sử, văn hóa đối với quốc gia.

4. Vùng đất ngập nước quan trọng đối với địa phương là vùng đất ngập nước quan trọng thuộc địa bàn quản lý của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tại khoản 1 Điều này, trừ các vùng đất ngập nước quan trọng đối với quốc gia quy định tại khoản 3 Điều này.

Điều 9. Danh mục các vùng đất ngập nước quan trọng

1. Danh mục các vùng đất ngập nước quan trọng có các nội dung cơ bản sau:

a) Tên, vị trí địa lý, ranh giới và tọa độ của vùng đất ngập nước;

b) Diện tích vùng đất ngập nước và các kiểu đất ngập nước;

c) Tiêu chí đáp ứng vùng đất ngập nước quan trọng và phân cấp vùng đất ngập nước quan trọng;

d) Hình thức quản lý, bảo tồn vùng đất ngập nước.

2. Trên cơ sở đề xuất của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, tổ chức thẩm định và ban hành Danh mục các vùng đất ngập nước quan trọng trên phạm vi toàn quốc.

3. Điều chỉnh Danh mục các vùng đất ngập nước quan trọng:

a) Định kỳ 05 năm một lần hoặc trong trường hợp cần thiết, Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, cập nhật, điều chỉnh Danh mục các vùng đất ngập nước quan trọng trên phạm vi cả nước;

b) Trong trường hợp có biến động về diện tích các vùng đất ngập nước quan trọng, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ có liên quan gửi kết quả thống kê, kiểm kê vùng đất ngập nước về Bộ Tài nguyên và Môi trường cập nhật, điều chỉnh Danh mục các vùng đất ngập nước quan trọng.

4. Các vùng đất ngập nước quan trọng trong Danh mục được công bố là một nội dung của quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học và quy hoạch tỉnh.

Điều 10. Quan trắc vùng đất ngập nước quan trọng

1. Nội dung quan trắc vùng đất ngập nước quan trọng bao gồm:

a) Diện tích, ranh giới của vùng đất ngập nước, các kiểu đất ngập nước;

b) Chế độ thủy văn, chất lượng môi trường nước, trầm tích đáy;

c) Đa dạng sinh học và mối đe dọa.

2. Tổ chức thực hiện quan trắc:

a) Cơ quan quản lý vùng đất ngập nước quan trọng có trách nhiệm tổ chức quan trắc các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Các điểm quan trắc chất lượng môi trường nước, trầm tích trên các vùng đất ngập nước quan trọng đối với quốc gia, địa phương là một bộ phận của mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường quốc gia, địa phương;

c) Việc quan trắc chế độ thủy văn trên các vùng đất ngập nước quan trọng được thực hiện theo quy định về quan trắc thủy văn.

Điều 11. Cơ sở dữ liệu về các vùng đất ngập nước

1. Cơ sở dữ liệu về các vùng đất ngập nước là một phần của cơ sở dữ liệu quốc gia về đa dạng sinh học và bao gồm:

a) Các thông tin, dữ liệu về điều tra, kiểm kê, đánh giá và quan trắc các vùng đất ngập nước;

b) Các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định kỹ thuật, quy trình kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về các vùng đất ngập nước;

e) Thông tin, dữ liệu khác liên quan đến các vùng đất ngập nước.

2. Định kỳ 03 năm một lần, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm gửi báo cáo về các vùng đất ngập nước thuộc địa bàn quản lý tới Bộ Tài nguyên và Môi trường.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng báo cáo về các vùng đất ngập nước trên phạm vi toàn quốc; xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về các vùng đất ngập nước thống nhất với cơ sở dữ liệu quốc gia về đa dạng sinh học.

Chương III

QUẢN LÝ CÁC VÙNG ĐẤT NGẬP NƯỚC QUAN TRỌNG

Mục 1. THÀNH LẬP KHU BẢO TỒN ĐẤT NGẬP NƯỚC

Điều 12. Điều kiện thành lập khu bảo tồn đất ngập nước

1. Khu bảo tồn đất ngập nước được phân cấp thành cấp quốc gia, cấp tỉnh và phân hạng thành vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh và khu bảo vệ cảnh quan theo quy định của Luật đa dạng sinh học.

2. Vùng đất ngập nước được xem xét thành lập khu bảo tồn đất ngập nước quốc gia khi:

a) Là vùng đất ngập nước quan trọng đối với quốc gia thuộc Danh mục các vùng đất ngập nước quan trọng được công bố;

b) Đáp ứng các tiêu chí của khu bảo tồn cấp quốc gia theo quy định của Luật đa dạng sinh học.

3. Vùng đất ngập nước được xem xét thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp tỉnh khi:

a) Thuộc Danh mục các vùng đất ngập nước quan trọng được công bố;

b) Đáp ứng các tiêu chí của khu bảo tồn cấp tỉnh theo quy định của Luật đa dạng sinh học.

Điều 13. Thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp quốc gia

1. Trách nhiệm lập, thẩm định dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp quốc gia:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan tổ chức lập dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp quốc gia có diện tích nằm trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên;

b) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức lập dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp quốc gia có toàn bộ diện tích thuộc địa bàn quản lý và gửi hồ sơ về Bộ Tài nguyên và Môi trường để thẩm định.

c) Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành để thẩm định dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp quốc gia. Hội đồng thẩm định bao gồm: Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các thành viên là đại diện của các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi dự kiến thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp quốc gia; chuyên gia và đại diện của các cơ quan khác có liên quan.

2. Trình tự lập, thẩm định dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp quốc gia:

a) Tổ chức điều tra, đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học, môi trường, kinh tế, văn hóa và xã hội vùng đất ngập nước dự kiến thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp quốc gia;

b) Lập dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp quốc gia bao gồm các nội dung theo quy định tại khoản 3 Điều này;

c) Tổ chức lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan (đối với khu bảo tồn đất ngập nước cấp quốc gia có địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên), ý kiến cộng đồng dân cư sinh sống hợp pháp trong hoặc tiếp giáp với vùng đất ngập nước nơi dự kiến thành lập khu bảo tồn;

d) Tổ chức thẩm định hồ sơ dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp quốc gia với các nội dung sau: mục đích bảo tồn đa dạng sinh học của khu bảo tồn; mức độ đáp ứng tiêu chí thành lập khu bảo tồn; vị trí địa lý, ranh giới, diện tích khu bảo tồn, các phân khu chức năng và vùng đệm của khu bảo tồn; kế hoạch quản lý khu bảo tồn; tổ chức quản lý khu bảo tồn và các ý kiến của các bên liên quan quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;

đ) Lập hồ sơ đề nghị thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp quốc gia theo quy định tại khoản 5 Điều này và trình Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập.

3. Nội dung dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước bao gồm:

a) Mục đích bảo tồn đa dạng sinh học; việc đáp ứng các tiêu chí để xác lập khu bảo tồn đất ngập nước;

b) Hiện trạng các hệ sinh thái tự nhiên, nhân tạo, đặc thù; các loài nguy cấp, quý, hiếm; các loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; các loài hoang dã khác; cảnh quan môi trường, giá trị văn hóa, lịch sử, nét đẹp độc đáo của tự nhiên và các dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước quan trọng nơi dự kiến thành lập khu bảo tồn;

c) Đánh giá hiện trạng quản lý, sử dụng đất ngập nước; hiện trạng kinh tế và xã hội khu vực dự kiến thành lập khu bảo tồn, các mối đe dọa đến vùng đất ngập nước và phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất;

d) Trích lục bản đồ, vị trí địa lý, diện tích vùng đất ngập nước dự kiến thành lập khu bảo tồn;

đ) Vị trí địa lý, diện tích của phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái, phân khu dịch vụ - hành chính; ranh giới từng phân khu; phương án ổn định cuộc sống hoặc di dời hộ gia đình, cá nhân ra khỏi nơi dự kiến thành lập khu bảo tồn;

e) Kế hoạch quản lý khu bảo tồn;

g) Tổ chức quản lý khu bảo tồn;

h) Vị trí địa lý, diện tích, ranh giới vùng đệm của nơi dự kiến thành lập khu bảo tồn;

i) Tổ chức thực hiện dự án thành lập khu bảo tồn.

4. Hồ sơ đề nghị thẩm định dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước quốc gia gồm có:

a) Văn bản đề nghị thành lập và dự thảo quyết định thành lập khu bảo tồn;

b) Dự án thành lập khu bảo tồn bao gồm các nội dung theo quy định tại khoản 3 Điều này;

c) Ý kiến của cộng đồng dân cư sinh sống hợp pháp trong hoặc tiếp giáp với vùng đất ngập nước dự kiến thành lập khu bảo tồn;

d) Văn bản đồng ý của các Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với khu bảo tồn đất ngập nước cấp quốc gia có diện tích trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên; văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị thẩm định dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp quốc gia có diện tích thuộc địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

5. Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp quốc gia gồm có:

a) Văn bản đề nghị thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp quốc gia và dự thảo quyết định thành lập khu bảo tồn đã được hoàn thiện sau họp Hội đồng thẩm định;

b) Dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp quốc gia đã được hoàn thiện theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định và các bên liên quan;

c) Ý kiến của cộng đồng dân cư sinh sống hợp pháp trong hoặc tiếp giáp với vùng đất ngập nước dự kiến thành lập khu bảo tồn;

d) Văn bản đồng ý của các Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với khu bảo tồn đất ngập nước cấp quốc gia có diện tích trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên; văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp quốc gia có diện tích thuộc địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

đ) Kết quả thẩm định và biên bản họp Hội đồng thẩm định liên ngành dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp quốc gia.

6. Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp quốc gia.

7. Quyết định thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp quốc gia có nội dung theo quy định của Luật đa dạng sinh học.

Điều 14. Thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp tỉnh

1. Trách nhiệm lập, thẩm định dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp tỉnh:

a) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức lập dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp tỉnh;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp tỉnh; Hội đồng thẩm định gồm: Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các thành viên là lãnh đạo các sở, ban, ngành về Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi dự kiến thành lập khu bảo tồn, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chuyên gia và đại diện của các cơ quan khác có liên quan.

2. Trình tự lập, thẩm định dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp tỉnh như sau:

a) Tổ chức điều tra, đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học, môi trường, kinh tế, văn hóa và xã hội vùng đất ngập nước dự kiến thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp tỉnh;

b) Lập dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp tỉnh theo nội dung quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định này;

c) Tổ chức lấy ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các cấp, sở, ban ngành có liên quan và ý kiến của cộng đồng dân cư sinh sống hợp pháp trong hoặc tiếp giáp khu vực dự kiến thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp tỉnh;

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các cấp, sở, ban, ngành liên quan phải có ý kiến trả lời bằng văn bản.

d) Tổ chức thẩm định hồ sơ dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp tỉnh theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này. Nội dung thẩm định bao gồm: mục đích bảo tồn đa dạng sinh học của khu bảo tồn; mức độ đáp ứng tiêu chí thành lập khu bảo tồn; vị trí địa lý, ranh giới, diện tích khu bảo tồn, các phân khu chức năng và vùng đệm của khu bảo tồn; kế hoạch quản lý khu bảo tồn; tổ chức quản lý khu bảo tồn và ý kiến của các bên liên quan quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;

Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoàn thành việc thẩm định dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp tỉnh.

đ) Hoàn thiện hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định thành lập.

3. Hồ sơ đề nghị thẩm định dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp tỉnh gồm có:

a) Văn bản đề nghị thành lập và dự thảo Quyết định thành lập khu bảo tồn;

b) Dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp tỉnh bao gồm các nội dung theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định này;

c) Ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các cấp, sở, ban ngành có liên quan, ý kiến của cộng đồng dân cư sinh sống hợp pháp trong và tiếp giáp với khu vực dự kiến thành lập khu bảo tồn.

4. Hồ sơ trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp tỉnh gồm có:

a) Văn bản đề nghị thành lập và dự thảo Quyết định thành lập khu bảo tồn đã được hoàn thiện sau họp Hội đồng thẩm định hồ sơ dự án thành lập khu bảo tồn;

b) Dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước đã được hoàn thiện theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định và ý kiến của các bên liên quan tại điểm c khoản 3 Điều này;

c) Kết quả thẩm định và biên bản họp Hội đồng thẩm định dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước.

5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp tỉnh.

6. Quyết định thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp tỉnh có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Vị trí địa lý, ranh giới, diện tích khu bảo tồn và vùng đệm;

b) Vị trí địa lý, ranh giới, diện tích phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái, phân khu dịch vụ - hành chính;

c) Mục đích bảo tồn đa dạng sinh học của khu bảo tồn;

d) Kế hoạch phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên trong khu bảo tồn;

đ) Phương án ổn định hoặc di dời hộ gia đình, cá nhân sinh sống trong khu bảo tồn; phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong khu bảo tồn;

e) Tổ chức quản lý khu bảo tồn, gồm chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức quản lý khu bảo tồn;

g) Kinh phí vận hành hoạt động khu bảo tồn;

h) Trách nhiệm của các sở, ban, ngành và các tổ chức có liên quan trong quản lý khu bảo tồn và tổ chức thực hiện quyết định thành lập khu bảo tồn.

Mục 2. QUẢN LÝ KHU BẢO TỒN ĐẤT NGẬP NƯỚC

Điều 15. Tổ chức quản lý khu bảo tồn đất ngập nước

1. Tổ chức quản lý khu bảo tồn đất ngập nước được thực hiện theo quy định của Luật đa dạng sinh học.

2. Tổ chức quản lý khu bảo tồn đất ngập nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật đa dạng sinh học và các nhiệm vụ đặc thù sau đây:

a) Quản lý các hoạt động sử dụng dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước theo Quy chế quản lý khu bảo tồn đất ngập nước và quy định của pháp luật có liên quan;

b) Tổ chức thực hiện các hoạt động về bảo tồn vùng đất ngập nước trong khu bảo tồn theo các chương trình, kế hoạch, đề án hoặc đề tài, dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

c) Tổ chức triển khai các hoạt động du lịch sinh thái, phương án chia sẻ lợi ích trong sử dụng bền vững dịch vụ hệ sinh thái khu bảo tồn đất ngập nước sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật;

d) Phối hợp với lực lượng kiểm ngư, kiểm lâm, cảnh sát biển, lực lượng cứu hộ, cứu nạn, các cơ quan quản lý chuyên môn cấp tỉnh và cộng đồng dân cư thực hiện quản lý, bảo tồn và sử dụng dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước;

đ) Thực hiện các chương trình kiểm soát, cô lập, diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại trong vùng đất ngập nước quan trọng và chương trình bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm thuộc vùng đất ngập nước;

e) Thực hiện đầy đủ chế độ kiểm tra, giám sát, báo cáo định kỳ theo quy định của Nghị định này và các quy định pháp luật có liên quan.

Điều 16. Xác lập và quản lý các hoạt động trong phân khu chức năng của khu bảo tồn đất ngập nước

1. Các khu bảo tồn đất ngập nước được phân khu chức năng. Các phân khu chức năng phải xác định diện tích; ranh giới, tọa độ trên bản đồ trong dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước và đánh dấu, thả mốc ranh giới trên thực địa sau khi có quyết định thành lập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bao gồm:

a) Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là khu vực được xác lập với diện tích đủ để bảo tồn nguyên vẹn mẫu chuẩn hệ sinh thái đất ngập nước theo diễn thế tự nhiên của hệ sinh thái này;

b) Phân khu phục hồi sinh thái là khu vực được xác lập để phục hồi, bảo tồn, sử dụng bền vững nhằm đảm bảo khả năng tái tạo hệ sinh thái này;

c) Phân khu dịch vụ - hành chính là khu vực được xác lập để phục vụ công tác điều hành, quản lý khu bảo tồn, nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường, du lịch sinh thái, bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học.

2. Các hoạt động diễn ra trong từng khu bảo tồn đất ngập nước phải tuân thủ Quy chế quản lý cụ thể của khu bảo tồn do cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định này và không trái với các quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều này.

3. Quy định đối với phân khu bảo vệ nghiêm ngặt:

a) Không tiến hành các hoạt động: ngăn cản đường đi của các loài thủy sinh; điều tra, khảo sát, thăm dò, khai thác khoáng sản; cư trú trái phép; lấn chiếm đất ngập nước, chuyển đổi trái phép mục đích sử dụng đất; phá hoại cảnh quan, hủy hoại hệ sinh thái tự nhiên và các hành vi gây ảnh hưởng tiêu cực đến khu bảo tồn đất ngập nước;

b) Không triển khai các hoạt động làm thay đổi đặc tính sinh thái vùng đất ngập nước, bao gồm: thay đổi chế độ thủy văn; gây ô nhiễm môi trường; thay đổi cấu trúc của hệ sinh thái và biến động thành phần loài;

c) Không săn bắt, đánh bắt, khai thác loài hoang dã, trừ việc vì mục đích nghiên cứu khoa học được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; không chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản và xây dựng công trình, nhà ở, trừ công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh;

d) Bảo vệ sự phát triển tự nhiên của hệ sinh thái, sinh cảnh tự nhiên của các loài chim nước, chim di cư và bảo tồn các loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm; Danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và các loài bản địa;

đ) Được thu thập các mẫu vật của các loài sinh vật theo quy định của pháp luật;

e) Được thực hiện các biện pháp phòng, ngừa dịch bệnh, suy thoái hệ sinh thái trong phân khu.

4. Quy định đối với phân khu phục hồi sinh thái:

a) Tuân thủ các quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều này; không chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại, nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp; xây dựng công trình, nhà ở trái phép; không săn bắt các loài chim nước, chim di cư; bảo vệ các loài thuộc các Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm; danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và các loài bản địa;

b) Khoanh nuôi tự nhiên phục hồi các loài thủy sinh, trồng và làm giàu hệ sinh thái rừng ngập mặn bằng các loài bản địa; khôi phục hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển và các sinh cảnh thích hợp của các loài nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của pháp luật;

c) Được thả, nuôi phục hồi các loài sinh vật bản địa; phục hồi và bảo vệ các hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên trong phân khu;

d) Được thu thập mẫu vật các loài sinh vật theo quy định của pháp luật;

đ) Được triển khai hoạt động du lịch sinh thái, giải trí theo quy định của pháp luật;

e) Thực hiện các giải pháp phòng ngừa biến đổi đặc tính sinh thái vùng đất ngập nước và phục hồi hệ sinh thái đất ngập nước trong phân khu.

5. Quy định đối với phân khu dịch vụ hành chính:

a) Tuân thủ các quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều này;

b) Việc xây dựng công trình hoặc dự án đầu tư phát triển phục vụ cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển hệ sinh thái tự nhiên, kết hợp với các hoạt động phục vụ du lịch sinh thái và giáo dục môi trường trong phạm vi khu bảo tồn đất ngập nước phải thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

c) Được nuôi trồng thủy sản bền vững về môi trường và khoanh nuôi các loài sinh vật bản địa theo quy định của pháp luật;

d) Được thu thập mẫu vật các loài sinh vật theo quy định của pháp luật;

đ) Được thực hiện các hoạt động du lịch sinh thái, giải trí và một số hoạt động khác theo quy định của pháp luật;

e) Thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên trong phân khu.

Điều 17. Kế hoạch quản lý khu bảo tồn đất ngập nước

1. Kế hoạch quản lý khu bảo tồn là một nội dung của dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước.

2. Cơ quan lập dự án thành lập khu bảo tồn triển khai xây dựng kế hoạch quản lý khu bảo tồn theo nội dung cơ bản quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Nội dung cơ bản của kế hoạch quản lý khu bảo tồn đất ngập nước:

a) Tóm tắt điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh; đa dạng sinh học, di tích lịch sử - văn hóa, cảnh quan thiên nhiên;

b) Mục tiêu, phạm vi quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học trong khu bảo tồn đất ngập nước;

c) Các phân khu chức năng của khu bảo tồn, các chương trình về bảo tồn, sử dụng bền vững và phục hồi đa dạng sinh học; kế hoạch phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên trong khu bảo tồn;

d) Các mối đe dọa đến khu bảo tồn đất ngập nước và hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững vùng đất ngập nước;

đ) Các đề tài, dự án ưu tiên và khái toán kinh phí vốn đầu tư, phân kỳ đầu tư xây dựng khu bảo tồn đất ngập nước; kinh phí thường xuyên cho các hoạt động bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học;

e) Giải pháp và tổ chức thực hiện.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt Kế hoạch quản lý khu bảo tồn đất ngập nước thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương; Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Kế hoạch quản lý khu bảo tồn thuộc thẩm quyền quản lý của bộ.

Điều 18. Quy chế quản lý khu bảo tồn đất ngập nước

1. Cơ quan quản lý khu bảo tồn xây dựng Quy chế quản lý khu bảo tồn sau khi được thành lập và trình cấp có thẩm quyền ban hành. Đối với Quy chế quản lý khu bảo tồn thuộc địa bàn của một tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương phải có ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

2. Nội dung cơ bản của Quy chế quản lý khu bảo tồn đất ngập nước bao gồm:

a) Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng;

b) Ranh giới khu bảo tồn và phân khu chức năng;

c) Quản lý các hoạt động trong khu bảo tồn;

d) Quyền hạn, trách nhiệm của Tổ chức quản lý khu bảo tồn; các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành; Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có ranh giới hoặc diện tích nằm trong khu bảo tồn, vùng đệm khu bảo tồn và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến các hoạt động của khu bảo tồn;

đ) Nguồn lực và tổ chức thực hiện Quy chế.

3. Trách nhiệm ban hành Quy chế quản lý khu bảo tồn đất ngập nước

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy chế quản lý khu bảo tồn đất ngập nước có diện tích nằm trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Quy chế quản lý khu bảo tồn đất ngập nước thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương.

Điều 19. Quản lý vùng đệm của khu bảo tồn đất ngập nước

1. Tiêu chí xác định vùng đệm:

a) Vùng đệm được xác định là khu vực liền kề, bao quanh ranh giới khu bảo tồn đất ngập nước và được xác định theo ranh giới hành chính cấp xã; đối với khu vực không có địa giới hành chính có độ rộng tối thiểu 1.000 mét tính từ ranh giới khu bảo tồn đất ngập nước;

b) Phạm vi ranh giới, diện tích vùng đệm được xác định trên bản đồ và thực địa đồng thời với việc lập dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước.

2. Vùng đệm được quản lý nhằm ngăn chặn và giảm thiểu các tác động bất lợi tới khu bảo tồn đất ngập nước; hạn chế các dự án, hoạt động gây ảnh hưởng tiêu cực đến khu bảo tồn đất ngập nước.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nơi có diện tích quản lý nằm trong vùng đệm thực hiện trách nhiệm:

a) Tuyên truyền, vận động nhân dân trong địa bàn vùng đệm tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự xâm hại đến khu bảo tồn đất ngập nước;

b) Quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học vùng đệm theo quy định của pháp luật;

c) Phối hợp với tổ chức quản lý khu bảo tồn, cơ quan quản lý khu bảo tồn hoặc các bên có liên quan trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến khu bảo tồn trong phạm vi quyền hạn theo quy định của pháp luật.

4. Tổ chức quản lý khu bảo tồn đất ngập nước có trách nhiệm:

a) Tổ chức các biện pháp thu hút cộng đồng dân cư vùng đệm tham gia quản lý khu bảo tồn, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên trong vùng đệm;

b) Phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên ngành có liên quan trong giải quyết, xử lý các vấn đề liên quan đến vùng đệm;

c) Chủ trì hoặc phối hợp với các bên liên quan triển khai các dự án đầu tư vùng đệm, giảm áp lực đến đa dạng sinh học khu bảo tồn đất ngập nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

5. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư cư trú hoặc có các hoạt động trong vùng đệm khu bảo tồn đất ngập nước có trách nhiệm và quyền được tham gia thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học của khu bảo tồn và phát triển bền vững vùng đệm do cơ quan quản lý khu bảo tồn hoặc chính quyền địa phương tổ chức.

Điều 20. Chuyển đổi, chuyển hạng, chuyển cấp khu bảo tồn đất ngập nước

1. Các vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh và khu bảo vệ cảnh quan có diện tích đất ngập nước chiếm từ 50% diện tích khu bảo tồn trở lên được xem xét chuyển đổi thành khu bảo tồn đất ngập nước và được hưởng chính sách đầu tư về bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.

2. Khu bảo tồn đất ngập nước được xem xét để chuyển hạng, chuyển cấp quản lý căn cứ theo tình hình thực tế và tiêu chí phân hạng, phân cấp khu bảo tồn đất ngập nước quy định tại Điều 12 Nghị định này.

3. Việc chuyển hạng, chuyển cấp quản lý khu bảo tồn đất ngập nước được thực hiện theo các quy định về lập, thẩm định và phê duyệt dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước quy định tại Điều 13, Điều 14 Nghị định này.

Điều 21. Điều chỉnh ranh giới, diện tích khu bảo tồn đất ngập nước

1. Khu bảo tồn đất ngập nước được xem xét điều chỉnh ranh giới, diện tích để phù hợp với thực tiễn quản lý.

2. Việc điều chỉnh ranh giới, diện tích khu bảo tồn đất ngập nước được thực hiện theo các quy định về lập, thẩm định và phê duyệt dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước tại Điều 13, Điều 14 Nghị định này và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Điều 22. Quy định về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quan trọng thuộc rừng đặc dụng và khu bảo tồn biển

Các khu rừng đặc dụng và khu bảo tồn biển nằm trên hoặc có một phần diện tích đất ngập nước thuộc Danh mục các vùng đất ngập nước quan trọng có trách nhiệm thực hiện các hoạt động sau đây:

1. Xây dựng nội dung về bảo vệ, bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước trong các kế hoạch, quy chế quản lý khu rừng đặc dụng và khu bảo tồn biển.

2. Thực hiện các hoạt động bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước, duy trì chế độ thủy văn tự nhiên và đảm bảo chất lượng môi trường nước đối với các vùng đất ngập nước trong khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển theo quy định của Nghị định này và quy định pháp luật có liên quan.

3. Đánh giá hiện hạng vùng đất ngập nước trong khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển và thực hiện giải pháp bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học vùng đất ngập nước.

4. Báo cáo định kỳ 03 năm một lần hoặc đột xuất về công tác quản lý vùng đất ngập nước trong khu rừng đặc dụng và khu bảo tồn biển cho cơ quan quản lý nhà nước về đa dạng sinh học.

Điều 23. Quản lý các khu Ramsar

1. Nội dung quản lý các hoạt động trong khu Ramsar:

a) Thực hiện các quy định đối với quản lý khu bảo tồn đất ngập nước;

b) Xây dựng và triển khai chương trình bảo tồn, sử dụng bền vững vùng đất ngập nước; kế hoạch quản lý khu Ramsar; quan trắc, đánh giá sự biến động đặc tính sinh thái của khu Ramsar, định kỳ 06 năm một lần;

c) Thực hiện chế độ báo cáo, cung cấp thông tin về khu Ramsar theo yêu cầu của cơ quan đầu mối quốc gia Công ước Ramsar và báo cáo kịp thời sự biến đổi đặc tính sinh thái của khu Ramsar;

d) Thực hiện đánh giá hiệu quả quản lý các khu Ramsar và các yêu cầu về bảo tồn, sử dụng bền vững vùng đất ngập nước của Ban thư ký Công ước Ramsar.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối quốc gia hướng dẫn thực hiện Công ước Ramsar; thành lập, vận hành hoạt động mạng lưới các khu Ramsar trên toàn quốc.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường lập hồ sơ đề cử, quản lý Các khu Ramsar và tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động của Công ước Ramsar tại địa phương theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Mục 3. QUẢN LÝ CÁC VÙNG ĐẤT NGẬP NƯỚC QUAN TRỌNG NẰM NGOÀI KHU BẢO TỒN VÀ CHIA SẺ LỢI ÍCH TRONG SỬ DỤNG VÙNG ĐẤT NGẬP NƯỚC QUAN TRỌNG

Điều 24. Tổ chức quản lý vùng đất ngập nước quan trọng nằm ngoài khu bảo tồn

1. Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện quản lý nhà nước về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quan trọng trên địa bàn; xây dựng và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp quản lý vùng đất ngập nước quan trọng nằm ngoài khu bảo tồn trên địa bàn.

2. Các tổ chức, cá nhân có hoạt động trên các vùng đất ngập nước quan trọng có trách nhiệm bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước theo Quy chế phối hợp quản lý các vùng đất ngập nước quan trọng và các quy định pháp luật có liên quan.

Điều 25. Quy định về bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước quan trọng nằm ngoài khu bảo tồn

1. Yêu cầu đối với các hoạt động trên vùng đất ngập nước quan trọng nằm ngoài khu bảo tồn:

a) Duy trì chế độ thủy văn tự nhiên của vùng đất ngập nước; duy trì, bảo vệ các chức năng và dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước;

b) Không tiến hành các hoạt động gây ô nhiễm môi trường vùng đất ngập nước quan trọng; không gây tổn hại đến các loài nguy cấp, quý, hiếm và sinh cảnh của các loài chim nước di cư, chim nước, nơi nuôi dưỡng và bãi đẻ của các loài thủy sản;

c) Bảo vệ cảnh quan, di tích lịch sử, văn hóa của vùng đất ngập nước;

d) Thực hiện đánh giá tác động môi trường đối với các hoạt động đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; không triển khai các dự án đầu tư gây tổn hại đến chức năng, dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước và làm thay đổi đặc tính sinh thái vùng đất ngập nước quan trọng;

đ) Triển khai các biện pháp phòng ngừa sự biến đổi đặc tính sinh thái vùng đất ngập nước quan trọng; phục hồi vùng đất ngập nước quan trọng bị suy thoái;

e) Thực hiện nội dung quy định tại Quy chế phối hợp quản lý vùng đất ngập nước quan trọng đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.

2. Nội dung cơ bản của Quy chế phối hợp quản lý vùng đất ngập nước quan trọng gồm có:

a) Ranh giới và diện tích vùng đất ngập nước quan trọng;

b) Các mối đe dọa đến vùng đất ngập nước và yêu cầu đối với các hoạt động trong vùng đất ngập nước quan trọng, bao gồm các yêu cầu cụ thể của hoạt động được phép, không được phép triển khai trong vùng đất ngập nước quan trọng;

c) Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có hoạt động trên vùng đất ngập nước, các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các cấp có địa bàn quản lý nằm trong hoặc giáp ranh với vùng đất ngập nước quan trọng và các bên có liên quan đến vùng đất ngập nước quan trọng;

d) Nguồn lực tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp quản lý vùng đất ngập nước quan trọng.

3. Các khu rừng phòng hộ, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc vùng đất ngập nước quan trọng có trách nhiệm bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Điều 26. Chia sẻ lợi ích từ dịch vụ hệ sinh thái của vùng đất ngập nước quan trọng

1. Nguyên tắc chia sẻ lợi ích:

a) Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan, giữa bảo tồn và sử dụng dịch vụ hệ sinh thái thuộc vùng đất ngập nước quan trọng;

b) Các hoạt động sử dụng dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước quan trọng thực hiện cơ chế chia sẻ lợi ích theo quy định của pháp luật;

c) Tổ chức quản lý khu bảo tồn được chia sẻ một phần lợi ích bằng tiền thu được từ các hoạt động sử dụng dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước hoặc các kết quả nghiên cứu trong khu bảo tồn đất ngập nước để phục vụ công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học vùng đất ngập nước.

2. Các bên liên quan được chia sẻ lợi ích từ dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước quan trọng bao gồm:

a) Tổ chức quản lý khu bảo tồn đất ngập nước, vùng đất ngập nước quan trọng nằm ngoài khu bảo tồn và cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về vùng đất ngập nước;

b) Cộng đồng được tham gia khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên vùng đất ngập nước quan trọng theo quy định của pháp luật;

c) Các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tham gia các hoạt động bảo tồn, bảo vệ vùng đất ngập nước quan trọng theo quy định của pháp luật;

d) Ủy ban nhân dân các cấp có diện tích thuộc vùng đất ngập nước quan trọng và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

3. Các hoạt động chia sẻ lợi ích trên các vùng đất ngập nước quan trọng bao gồm:

a) Khai thác, sử dụng trực tiếp các giá trị, sản phẩm từ vùng đất ngập nước quan trọng, bao gồm các hoạt động khai thác thủy sản, nuôi trồng thủy sản, khai thác lâm sản, khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác;

b) Các hoạt động khai thác, sử dụng các giá trị phi vật thể, gồm có: du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học và đào tạo, quảng bá sản phẩm, hình ảnh về vùng đất ngập nước quan trọng, khu bảo tồn đất ngập nước.

4. Nội dung cơ bản của phương án chia sẻ lợi ích bao gồm:

a) Hiện trạng các dịch vụ hệ sinh thái vùng đất ngập nước, danh mục các lợi ích được chia sẻ;

b) Định lượng, thời điểm, phương thức, biện pháp khai thác, sử dụng dịch vụ hệ sinh thái;

c) Quyền và nghĩa vụ của đối tượng được chia sẻ lợi ích;

d) Giám sát quản lý, đánh giá tác động của việc khai thác, các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực, rủi ro có thể xảy ra trong quá trình sử dụng dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước.

5. Trách nhiệm của các bên liên quan được chia sẻ lợi ích từ dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước:

a) Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo phương án chia sẻ lợi ích;

b) Thực hiện các hoạt động phòng ngừa, ứng phó các sự cố gây ô nhiễm môi trường, suy thoái các vùng đất ngập nước quan trọng khi triển khai các hoạt động trên vùng đất ngập nước.

Chương IV

NGUỒN LỰC BẢO TỒN VÀ SỬ DỤNG BỀN VỮNG CÁC VÙNG ĐẤT NGẬP NƯỚC QUAN TRỌNG

Điều 27. Tài chính cho quản lý, bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước

1. Các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước được chi từ các nguồn tài chính sau:

a) Ngân sách nhà nước cấp, gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương được phân cấp theo quy định của Luật ngân sách nhà nước. Các nhiệm vụ chi từ nguồn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương đảm bảo tuân thủ các quy định của Luật ngân sách nhà nước;

b) Đầu tư, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài;

c) Các nguồn thu được từ dịch vụ môi trường liên quan đến đa dạng sinh học, dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước và lợi nhuận từ các hoạt động dịch vụ tại vùng đất ngập nước theo quy định của pháp luật.

2. Nhà nước đảm bảo ngân sách chi thường xuyên cho các hoạt động sau:

a) Triển khai các hoạt động về bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước quy định tại Điều 4 Nghị định này;

b) Vận hành bộ máy, các hoạt động quản lý khu bảo tồn đất ngập nước, khu Ramsar, các vùng đất ngập nước quan trọng nằm ngoài khu bảo tồn và mạng lưới các khu Ramsar trên toàn quốc.

3. Ưu tiên ngân sách chi thường xuyên từ nguồn sự nghiệp môi trường cho các hoạt động, nhiệm vụ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước.

Điều 28. Chính sách đầu tư cho bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước quan trọng

1. Nhà nước có chính sách khuyến khích đầu tư cho bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quan trọng, bao gồm:

a) Ưu tiên hỗ trợ, đầu tư cho các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quy định tại Điều 5 Nghị định này;

b) Hỗ trợ, đầu tư cho các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trong khu bảo tồn đất ngập nước, khu Ramsar, vùng đất ngập nước quan trọng nằm ngoài khu bảo tồn và vùng đệm của khu bảo tồn đất ngập nước.

2. Ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư cho các hoạt động sau đây:

a) Đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất kỹ thuật quản lý và bảo tồn, sử dụng bền vững vùng đất ngập nước;

b) Đầu tư xây dựng phát triển vùng đệm phục vụ bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trong khu bảo tồn đất ngập nước, khu Ramsar; các mô hình sinh kế bền vững tại vùng đệm khu bảo tồn đất ngập nước và mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước quan trọng;

c) Các hạng mục đầu tư khác liên quan đến quản lý và bảo tồn, sử dụng bền vững vùng đất ngập nước theo quy định của pháp luật.

3. Nhà nước ưu đãi đầu tư cho các hoạt động sau đây:

a) Phục hồi các sinh cảnh, môi trường sống của các loài nguy cấp, quý, hiếm; nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; phục hồi đặc tính sinh thái vùng đất ngập nước quan trọng bị suy thoái;

b) Bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm; nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và các loài chim di cư, chim nước thuộc các vùng đất ngập nước quan trọng;

c) Chuyển đổi các sinh kế bền vững về môi trường và hài hòa với thiên nhiên, đa dạng sinh học.

Điều 29. Phát triển nguồn nhân lực và huy động sự tham gia của cộng đồng trong bảo tồn, sử dụng bền vững vùng đất ngập nước

1. Phát triển nguồn nhân lực về quản lý vùng đất ngập nước:

a) Kiện toàn tổ chức quản lý các vùng đất ngập nước quan trọng từ trung ương đến địa phương;

b) Tăng cường năng lực về quản lý, bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước cho đội ngũ cán bộ thuộc các cơ quan quản lý tài nguyên và môi trường ở trung ương và địa phương;

c) Nâng cao kỹ năng quản trị tài nguyên đất ngập nước cho các tổ chức quản lý khu bảo tồn đất ngập nước, cộng đồng dân cư và các bên liên quan đến các vùng đất ngập nước quan trọng.

2. Huy động sự tham gia của cộng đồng trong bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước:

a) Các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân đều có quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên và thông tin liên quan đến vùng đất ngập nước quan trọng theo quy định của pháp luật; được đào tạo, nâng cao nhận thức, kỹ năng và sự tham gia trong bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước;

b) Thúc đẩy các phương thức quản lý, đồng quản lý các vùng đất ngập nước quan trọng với sự tham gia của cộng đồng dân cư, chính quyền các cấp và các bên có liên quan trong bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quan trọng; phát triển các mô hình cộng đồng quản lý bền vững vùng đất ngập nước quan trọng;

c) Nâng cao trách nhiệm và đảm bảo chia sẻ công bằng lợi ích của cộng đồng trong bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quan trọng;

d) Bảo tồn và phát huy giá trị, tri thức truyền thống, bản địa trong bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quan trọng;

đ) Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước cho mọi tầng lớp nhân dân bằng các phương thức truyền thông theo quy định của pháp luật, chú trọng sử dụng đến các phương thức truyền thông mới, có hiệu quả cao.

Điều 30. Nguồn lực thực hiện Công ước Ramsar và hợp tác quốc tế về bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước

1. Đẩy mạnh các hoạt động và huy động nguồn lực thực hiện Công ước Ramsar, hợp tác quốc tế về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quan trọng thông qua nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trao đổi chuyên gia, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, khoa học về đất ngập nước trong và ngoài nước.

2. Huy động, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức và các hỗ trợ tài chính thông qua các chương trình, dự án song phương, đa phương, các tổ chức quốc tế về xây dựng các mô hình quản lý, bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước quan trọng theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 31. Trách nhiệm của các cơ quan cấp bộ

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường:

a) Là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trên phạm vi toàn quốc; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định tại Nghị định này;

b) Quản lý các khu bảo tồn đất ngập nước cấp quốc gia có diện tích nằm trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên;

c) Hướng dẫn: thống kê, kiểm kê và phân loại đất ngập nước trên phạm vi toàn quốc; quan trắc các vùng đất ngập nước quan trọng; xây dựng báo cáo về các vùng đất ngập nước; tổ chức Hội đồng thẩm định hồ sơ dự án thành lập khu bảo tồn; tổ chức quản lý khu bảo tồn đất ngập nước hoặc vùng đất ngập nước quan trọng nằm ngoài khu bảo tồn;

d) Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định tại Nghị định này.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:

a) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý các hoạt động bảo tồn và sử dụng các vùng đất ngập nước quan trọng;

b) Cung cấp thông tin, số liệu điều tra cơ bản, kết quả nghiên cứu khoa học liên quan đến các vùng đất ngập nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

3. Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí chi cho hoạt động quản lý, bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quan trọng.

4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn đầu tư cho các nhiệm vụ, dự án được sử dụng vốn đầu tư công để quản lý, phát triển các vùng đất ngập nước quan trọng theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

5. Các bộ, cơ quan ngang bộ khác trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện các quy định về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước theo Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Điều 32. Trách nhiệm Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Thực hiện quản lý nhà nước về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trên địa bàn quản lý; tổ chức thực hiện các quy định của Nghị định này, các văn bản có liên quan về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước thuộc địa bàn.

2. Tổ chức quản lý các vùng đất ngập nước quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý của địa phương; thực hiện các biện pháp phòng ngừa sự biến đổi đặc tính sinh thái vùng đất ngập nước và phục hồi các hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên, các vùng đất ngập nước quan trọng bị suy thoái.

3. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học cho cộng đồng sống trong, xung quanh vùng đất ngập nước và tổ chức, cá nhân có các hoạt động liên quan đến vùng đất ngập nước quan trọng.

4. Bố trí kinh phí thực hiện các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước trên địa bàn từ nguồn ngân sách địa phương theo quy định.

5. Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ có liên quan hướng dẫn, kiểm tra các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước quan trọng; quản lý các khu bảo tồn liên tỉnh có diện tích thuộc địa bàn và cung cấp các kết quả điều tra, kiểm kê vùng đất ngập nước về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 33. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 9 năm 2019.

2. Nghị định số 109/2003/NĐ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2003 của Chính phủ về Bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

3. Các vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh và khu bảo vệ cảnh quan thuộc Danh mục các vùng đất ngập nước quan trọng, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, không phải thực hiện lại việc lập, phê duyệt thành lập mới khu bảo tồn, tổ chức quản lý khu bảo tồn và có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước theo quy định tại Nghị định này./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó thủ Tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, NN (2b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

 

 

 

You are not logged!


So you only see the Attributes of the document.
You do not see the Full-text content, Effect, Related documents, Documents replacement, Gazette documents, Written in English,...


You can register Member here


You are not logged!


So you only see the Attributes of the document.
You do not see the Full-text content, Effect, Related documents, Documents replacement, Gazette documents, Written in English,...


You can register Member here


You are not logged!


So you only see the Attributes of the document.
You do not see the Full-text content, Effect, Related documents, Documents replacement, Gazette documents, Written in English,...


You can register Member here


Decree 66/2019/ND-CP preservation and sustainable use of wetlands
Official number: 66/2019/ND-CP Legislation Type: Decree of Government
Organization: The Government Signer: Nguyen Xuan Phuc
Issued Date: 29/07/2019 Effective Date: Premium
Gazette dated: Updating Gazette number: Updating
Effect: Premium

You are not logged!


So you only see the Attributes of the document.
You do not see the Full-text content, Effect, Related documents, Documents replacement, Gazette documents, Written in English,...


You can register Member here


Decree No. 66/2019/ND-CP dated July 29, 2019 on preservation and sustainable use of wetlands

Address: 17 Nguyen Gia Thieu street, Ward Vo Thi Sau, District 3, Ho Chi Minh City, Vietnam.
Phone: (+84)28 3930 3279 (06 lines)
Email: inf[email protected]

Copyright© 2019 by THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu

DMCA.com Protection Status