BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/2023/TT-BKHCN

Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2023

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 65/2023/NĐ-CP NGÀY 23 THÁNG 8 NĂM 2023 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ VỀ SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP, BẢO VỆ QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP, QUYỀN ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ LIÊN QUAN ĐẾN THỦ TỤC XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP VÀ BẢO ĐẢM THÔNG TIN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19 tháng 6 năm 2009; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ ngày 14 tháng 6 năm 2019 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 16 tháng 6 năm 2022;

Căn cứ Nghị định số 28/2023/NĐ-CP ngày 02 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ và Vụ trưởng Vụ Pháp chế; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và biện pháp thi hành Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ liên quan đến thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp và bảo đảm thông tin sở hữu công nghiệp.

Chương I

CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và biện pháp thi hành các quy định của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ liên quan đến thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp và bảo đảm thông tin sở hữu công nghiệp (sau đây gọi là Nghị định số 65/2023/NĐ-CP).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục đăng ký, thủ tục khiếu nại, giải quyết khiếu nại các trong hoạt động xác lập quyền sở hữu công nghiệp, bảo đảm thông tin sở hữu công nghiệp và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Người nộp đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (sau đây gọi là “người nộp đơn”) là tổ chức, cá nhân nộp đơn đăng ký sáng chế, thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý. Khi văn bằng bảo hộ sáng chế, thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu được cấp, người nộp đơn được ghi nhận là chủ văn bằng bảo hộ. Khi văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý được cấp, người nộp đơn được ghi nhận là người đăng ký chỉ dẫn địa lý đó.

2. Người khiếu nại là tổ chức, cá nhân thực hiện việc khiếu nại liên quan đến các thủ tục về sở hữu công nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 119a của Luật Sở hữu trí tuệ.

3. Người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng được hiểu là người có các kỹ năng thực hành thông thường và biết rõ các kiến thức chung, phổ biến trong lĩnh vực tương ứng.

4. Công ước Paris là Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp năm 1883, được sửa đổi năm 1967 và năm 1979.

5. Hiệp ước Budapest là Hiệp ước Budapest về sự công nhận quốc tế đối với việc nộp lưu chủng vi sinh nhằm tiến hành các thủ tục về sáng chế năm 1977, được sửa đổi năm 1980.

Điều 4. Đại diện của người nộp đơn, người khiếu nại

1. Đại diện hợp pháp của người nộp đơn, người khiếu nại theo quy định tại Điều 89Điều 119a của Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm những tổ chức, cá nhân sau đây:

a) Đối với người nộp đơn, người khiếu nại là tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 89khoản 2 Điều 119a của Luật Sở hữu trí tuệ:

(i) Trường hợp người nộp đơn, người khiếu nại là cá nhân: người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền của người nộp đơn, người khiếu nại hoặc tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp theo ủy quyền của người nộp đơn, người khiếu nại;

(ii) Trường hợp người nộp đơn, người khiếu nại là tổ chức: người đại diện theo pháp luật của người nộp đơn, người khiếu nại hoặc người thuộc tổ chức được người đại diện theo pháp luật của người nộp đơn, người khiếu nại ủy quyền; tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp theo ủy quyền của người nộp đơn, người khiếu nại; người đứng đầu văn phòng đại diện hoặc đứng đầu chi nhánh tại Việt Nam hoặc người đại diện theo pháp luật của tổ chức 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được thành lập theo quy định pháp luật về đầu tư (nếu người nộp đơn, người khiếu nại là tổ chức nước ngoài).

Trường hợp đối tượng yêu cầu bảo hộ là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước được giao trước ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 16 tháng 6 năm 2022 có hiệu lực hoặc thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng: đại diện chủ sở hữu nhà nước; tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp hoặc tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo ủy quyền của đại diện chủ sở hữu nhà nước.

b) Đối với người nộp đơn, người khiếu nại là cá nhân nước ngoài không thường trú tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài không có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 89khoản 2 Điều 119a của Luật Sở hữu trí tuệ: tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp theo ủy quyền của người nộp đơn, người khiếu nại.

2. Khi tiến hành các thủ tục liên quan, Cục Sở hữu trí tuệ chỉ được phép giao dịch với người nộp đơn, người khiếu nại hoặc đại diện hợp pháp của người nộp đơn, người khiếu nại theo quy định tại khoản 1 Điều này. Việc thực hiện giao dịch với các chủ thể nêu trên sau đây gọi chung là giao dịch với người nộp đơn, người khiếu nại.

Điều 5. Ủy quyền đại diện tiến hành các thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp

1. Việc ủy quyền đại diện, bao gồm cả việc ủy quyền lại và thực hiện ủy quyền đại diện tiến hành các thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp (sau đây gọi là “ủy quyền”) phải phù hợp với quy định pháp luật về ủy quyền của Bộ luật dân sự, Điều 107 của Luật Sở hữu trí tuệ và hướng dẫn tại Thông tư này.

Người nộp đơn, người khiếu nại có thể thay đổi người đại diện (sau đây gọi là thay thế ủy quyền). Việc thay thế ủy quyền làm chấm dứt quan hệ ủy quyền giữa người nộp đơn, người khiếu nại với người đang được ủy quyền. Việc thay thế ủy quyền phải được người nộp đơn, người khiếu nại tuyên bố bằng văn bản (ngay trong văn bản ủy quyền hoặc văn bản riêng).

Người được ủy quyền có thể ủy quyền lại cho người khác theo quy định của Bộ luật dân sự với điều kiện tổ chức, cá nhân được ủy quyền lại đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 4 Thông tư này. Việc ủy quyền lại chỉ được thực hiện sau khi ủy quyền ban đầu đã được Cục Sở hữu trí tuệ thừa nhận theo quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Thời điểm văn bản ủy quyền được thừa nhận trong giao dịch với Cục Sở hữu trí tuệ là ngày Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận văn bản ủy quyền hợp lệ. Đối với trường hợp thay thế ủy quyền hoặc ủy quyền lại hoặc sửa đổi về thông tin liên quan đến việc thay đổi phạm vi ủy quyền, chấm dứt ủy quyền trước thời hạn, thay đổi địa chỉ của bên được ủy quyền, thời điểm này là ngày Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận các tài liệu hợp lệ tương ứng.

3. Trường hợp văn bản ủy quyền được nộp muộn hơn ngày nộp đơn nhưng trước ngày đơn được chấp nhận hợp lệ hoặc được thụ lý, Cục Sở hữu trí tuệ giao dịch với người tự xưng danh là đại diện cho người nộp đơn, người khiếu nại (trong tờ khai hoặc trong đơn khiếu nại) nhằm thực hiện thủ tục thẩm định hình thức để kết luận đơn hợp lệ hay không hợp lệ, được thụ lý hay không được thụ lý, bao gồm cả kết luận về tính hợp pháp về tư cách đại diện.

4. Mọi giao dịch của bất kỳ bên được ủy quyền nào trong phạm vi ủy quyền tại bất kỳ thời điểm nào đều được coi là giao dịch nhân danh người nộp đơn, người khiếu nại, làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người nộp đơn, người khiếu nại. Trong trường hợp thay thế ủy quyền hoặc ủy quyền lại, bên được thay thế ủy quyền hoặc bên được ủy quyền lại kế tục việc đại diện với mọi vấn đề phát sinh do bên được ủy quyền trước thực hiện trong giao dịch trước đó với Cục Sở hữu trí tuệ.

5. Nếu văn bản ủy quyền có phạm vi ủy quyền gồm nhiều thủ tục độc lập với nhau và bản gốc văn bản ủy quyền đã nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ thì khi tiến hành các thủ tục tiếp theo, bên được ủy quyền phải nộp bản sao văn bản ủy quyền và có chỉ dẫn chính xác đến số đơn có bản gốc văn bản ủy quyền đó trong tờ khai hoặc tài liệu của thủ tục tiếp theo.

6. Trường hợp ủy quyền cho tổ chức, cá nhân không được phép đại diện hoặc ủy quyền cùng một lúc cho nhiều tổ chức, cá nhân trong đó có tổ chức, cá nhân không được phép đại diện thì đơn bị coi là không hợp lệ.

Điều 6. Trách nhiệm của người nộp đơn, người khiếu nại và đại diện

1. Người nộp đơn, người khiếu nại và đại diện của người nộp đơn, người khiếu nại có trách nhiệm bảo đảm sự trung thực của các thông tin, tài liệu cung cấp cho Cục Sở hữu trí tuệ trong quá trình xác lập quyền sở hữu công nghiệp theo các quy định sau đây:

a) Mọi tài liệu giao dịch phải được người nộp đơn, người khiếu nại hoặc đại diện của người nộp đơn, người khiếu nại tự xác nhận bằng chữ ký của mình và con dấu của tổ chức (nếu có). Trường hợp pháp luật quy định văn bản cần phải được công chứng hoặc chứng thực thì phải được thực hiện theo quy định đó.

b) Mọi bản dịch ra tiếng Việt của các tài liệu được làm bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt đều phải có cam kết của người nộp đơn, người khiếu nại hoặc đại diện của người nộp đơn, người khiếu nại bảo đảm là dịch nguyên văn từ tài liệu đó trừ trường hợp bản dịch tiếng Việt đã được công chứng xác nhận bản dịch;

c) Trường hợp đại diện của người nộp đơn, người khiếu nại là tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, người đại diện cho tổ chức đó ký tài liệu giao dịch phải có chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.

2. Người nộp đơn hoặc người khiếu nại phải chịu trách nhiệm về mọi hậu quả và nghĩa vụ phát sinh do đại diện của người nộp đơn thực hiện trong giao dịch với Cục Sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật.

3. Đại diện của người nộp đơn, người khiếu nại phải chịu trách nhiệm trước người nộp đơn, người khiếu nại theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Phí, lệ phí sở hữu công nghiệp

1. Người nộp đơn và người sử dụng dịch vụ sở hữu công nghiệp phải nộp phí, lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính và phí dịch vụ khác theo quy định.

2. Việc thu phí, lệ phí được thực hiện như sau:

a) Khi tiếp nhận đơn hoặc yêu cầu tiến hành các thủ tục có quy định thu phí, lệ phí, Cục Sở hữu trí tuệ yêu cầu người nộp đơn nộp phí, lệ phí theo quy định (lập phiếu báo thu cho người nộp đơn);

b) Khi thu phí, lệ phí, Cục Sở hữu trí tuệ lập biên lai thu phí, lệ phí làm chứng từ nộp phí, lệ phí có ghi rõ các khoản và mức phí, lệ phí đã thu, lưu vào hồ sơ đơn để phục vụ việc thẩm định hình thức đơn;

c) Trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ, việc thu phí, lệ phí được xác định thông qua bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí trong đơn.

Chương II

XỬ LÝ ĐƠN ĐĂNG KÝ XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

Mục 1. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG VỀ XỬ LÝ ĐƠN ĐĂNG KÝ XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

Điều 8. Tiếp nhận đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp

1. Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận các đơn được nộp phù hợp với quy định của Điều 89 của Luật Sở hữu trí tuệkhoản 1 Điều 48 của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP.

2. Trường hợp đơn có đủ các tài liệu tối thiểu quy định tại khoản 1 Điều 108 của Luật Sở hữu trí tuệ hoặc khoản 3 Điều 48 của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP, đơn được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận, xác nhận ngày nộp đơn, số đơn đối với đơn đó và trả cho người nộp đơn Giấy tiếp nhận đơn, trong đó có thông tin về ngày nộp đơn, số đơn và kết quả kiểm tra danh mục tài liệu đơn, có ghi rõ họ tên, chữ ký của cán bộ nhận đơn.

Đối với đơn nộp trực tuyến, trường hợp đơn được tiếp nhận, Cục Sở hữu trí tuệ trả cho người nộp đơn Giấy tiếp nhận đơn trong đó có thông tin về ngày nộp đơn, số đơn và kết quả kiểm tra danh mục tài liệu đơn có ghi rõ họ tên, chữ ký của cán bộ nhận đơn qua hệ thống nộp đơn trực tuyến.

3. Trường hợp đơn thiếu một trong các tài liệu tối thiểu quy định tại khoản 1 Điều 108 của Luật Sở hữu trí tuệ hoặc khoản 3 Điều 48 của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP thì cán bộ nhận đơn từ chối tiếp nhận đơn hoặc gửi thông báo của Cục Sở hữu trí tuệ từ chối tiếp nhận đơn cho người nộp đơn (nếu đơn nộp qua dịch vụ bưu chính, đơn điện tử nộp qua hệ thống nộp đơn trực tuyến). Đối với đơn nộp qua dịch vụ bưu chính bị từ chối tiếp nhận, Cục Sở hữu trí tuệ không phải gửi trả lại cho người nộp đơn các tài liệu đơn trừ bản gốc được nộp để đối chiếu.

Điều 9. Thẩm định hình thức đơn

1. Thẩm định hình thức đơn theo quy định tại Điều 109 của Luật Sở hữu trí tuệ là việc kiểm tra sự tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn, từ đó đưa ra kết luận đơn có được coi là hợp lệ hay không.

2. Đơn bị coi là không hợp lệ nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có cơ sở để khẳng định rằng người nộp đơn không có quyền đăng ký theo quy định tại các Điều 86, 86a, 87 và 88 của Luật Sở hữu trí tuệ;

b) Đơn được nộp trái với quy định tại Điều 89 của Luật Sở hữu trí tuệ;

c) Có cơ sở để khẳng định ngay rằng, rõ ràng đối tượng nêu trong đơn là đối tượng không được Nhà nước bảo hộ theo quy định tại các Điều 8, 59, 64, 69, 73 và Điều 80 của Luật Sở hữu trí tuệ.

d) Đơn được nộp trái với quy định về kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi đăng ký ở nước ngoài tại Điều 89a của Luật Sở hữu trí tuệ, kể cả trường hợp đơn quốc tế nộp trực tiếp cho Văn phòng quốc tế.

đ) Người nộp đơn không nộp đủ phí và lệ phí theo quy định tại Điều 7 của Thông tư này (bao gồm cả trường hợp chưa nộp đủ lệ phí nộp đơn, phí công bố đơn, phí thẩm định đơn và phí tra cứu thông tin phục vụ thẩm định, trừ phí tra cứu thông tin phục vụ thẩm định và phí thẩm định nội dung đối với đơn đăng ký sáng chế nếu trong đơn không có yêu cầu thẩm định nội dung);

e) Không đáp ứng các yêu cầu về hình thức quy định tại các Điều 14, 17, 21, 24 và 28 của Thông tư này (có thiếu sót):

(i) Đơn không đáp ứng các yêu cầu về số lượng bản của một trong số các loại tài liệu bắt buộc phải có; không đáp ứng các yêu cầu về hình thức trình bày; đơn đăng ký nhãn hiệu không ghi rõ loại nhãn hiệu được đăng ký, thiếu phần mô tả nhãn hiệu; không phân loại sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu, hoặc phân loại không chính xác mà người nộp đơn không nộp phí phân loại; thiếu bản dịch tài liệu chứng minh cơ sở hưởng quyền ưu tiên (nếu cần), bản dịch tài liệu chứng minh quyền đăng ký nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đăng ký từ người khác; thông tin về người nộp đơn tại các tài liệu không thống nhất với nhau hoặc bị tẩy xóa hoặc không được xác nhận theo đúng quy định, tờ khai không có đủ thông tin về tác giả (đối với đơn đăng ký sáng chế, đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp và đơn đăng ký thiết kế bố trí), về người nộp đơn, về người đại diện, không có chữ ký và/hoặc con dấu (nếu có) của người nộp đơn hoặc của người đại diện; các tài liệu trong đơn đăng ký sáng chế mật chưa được đóng dấu mật theo quy định v.v.;

(ii) Không có văn bản ủy quyền hợp lệ (nếu đơn nộp thông qua đại diện).

3. Ngày nộp đơn được xác định như sau:

a) Ngày nộp đơn là ngày đơn được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận theo quy định tại khoản 2 Điều 8 của Thông tư này;

b) Đối với đơn quốc tế có chỉ định hoặc/và chọn Việt Nam, ngày nộp đơn là ngày nộp đơn quốc tế.

4. Ngày ưu tiên được xác định như sau:

a) Nếu đơn không có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên hoặc mặc dù đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên nhưng không được Cục Sở hữu trí tuệ chấp thuận, thì đơn được coi là không có ngày ưu tiên;

b) Nếu đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên, ngày ưu tiên (hoặc các ngày ưu tiên) là ngày nêu trong yêu cầu nêu trên và được Cục Sở hữu trí tuệ chấp thuận;

c) Việc xác định ngày ưu tiên theo yêu cầu hưởng quyền ưu tiên dựa trên đơn (các đơn) đầu tiên đã nộp tại Việt Nam tuân theo nguyên tắc quy định tại Điều 91 của Luật Sở hữu trí tuệ và quy định tương ứng tại các điểm b, c và đ khoản 1 Điều 12 của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP.

5. Cục Sở hữu trí tuệ thông báo kết quả thẩm định hình thức, ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ theo quy định dưới đây:

a) Nếu đơn thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, Cục Sở hữu trí tuệ gửi cho người nộp đơn thông báo kết quả thẩm định hình thức, với dự định từ chối chấp nhận đơn vì đơn không hợp lệ. Trong thông báo phải nêu rõ tên, địa chỉ người nộp đơn; tên người được ủy quyền (nếu có); tên đối tượng nêu trong đơn; ngày nộp đơn và số đơn; các lý do, thiếu sót khiến cho đơn có thể bị từ chối chấp nhận và ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo để người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót.

Riêng đối với tài liệu chứng minh cơ sở hưởng quyền ưu tiên, người nộp đơn được phép nộp bổ sung trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày nộp đơn theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 12 của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP.

b) Trường hợp đơn hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, trong đó phải nêu rõ tên, địa chỉ của người nộp đơn, tên người được ủy quyền (nếu có) và các thông tin về đối tượng nêu trong đơn, ngày nộp đơn, số đơn, ngày ưu tiên (nếu có) và gửi cho người nộp đơn. Trường hợp yêu cầu hưởng quyền ưu tiên không được chấp nhận thì đơn vẫn được chấp nhận hợp lệ, trừ trường hợp đơn có thiếu sót khác làm ảnh hưởng đến tính hợp lệ của đơn và quyết định phải nêu rõ lý do không chấp nhận yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.

6. Trường hợp người nộp đơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ gửi thông báo kết quả thẩm định hình thức với dự định từ chối chấp nhận đơn vì đơn không hợp lệ theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều này mà người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa không đạt yêu cầu hoặc không có ý kiến phản đối hoặc có ý kiến phản đối nhưng không xác đáng trong thời hạn đã ấn định, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối chấp nhận đơn và gửi cho người nộp đơn.

7. Thời hạn thẩm định hình thức đơn được tính như sau:

a) Thời hạn thẩm định hình thức đơn là 01 tháng kể từ ngày nộp đơn theo quy định tại khoản 1 Điều 119 của Luật Sở hữu trí tuệ;

b) Trường hợp Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều này, khoảng thời gian để người nộp đơn phản hồi thông báo không tính vào thời hạn thẩm định hình thức. Khoảng thời gian này được hiểu là:

(i) Thời gian từ ngày ra thông báo đến ngày người nộp đơn phản hồi thông báo; hoặc

(ii) Thời hạn ấn định trong thông báo (kể cả được kéo dài theo quy định tại khoản 2 Điều 15 của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP), trong trường hợp người nộp đơn không phản hồi thông báo.

c) Trường hợp người nộp đơn chủ động yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn hoặc phản hồi thông báo của Cục Sở hữu trí tuệ nêu tại điểm a khoản 5 Điều này, thời hạn thẩm định hình thức được kéo dài thêm 10 ngày theo quy định tại khoản 4 Điều 119 của Luật Sở hữu trí tuệ;

d) Trước ngày kết thúc thời hạn quy định tại các điểm a, b, c khoản này, Cục Sở hữu trí tuệ phải thẩm định xong về hình thức đơn và thông báo kết quả cho người nộp đơn theo quy định tại các khoản 5 và 6 Điều này.

Điều 10. Công bố đơn hợp lệ

1. Thông tin liên quan đến đơn đã được chấp nhận hợp lệ được Cục Sở hữu trí tuệ công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điều 110 của Luật Sở hữu trí tuệ. Người nộp đơn phải nộp phí công bố đơn theo quy định.

2. Việc công bố đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được thực hiện như sau:

a) Đối với đơn đăng ký sáng chế:

(i) Đơn đăng ký sáng chế được công bố trong tháng thứ mười chín kể từ ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn, nếu đơn không có ngày ưu tiên;

(ii) Đơn đăng ký sáng chế có yêu cầu công bố sớm được công bố trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ nhận được yêu cầu công bố sớm hoặc kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ, tùy theo ngày nào muộn hơn.

b) Đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp:

(i) Đơn được công bố trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ nếu người nộp đơn không có yêu cầu công bố muộn hoặc có yêu cầu công bố muộn nhưng đơn được chấp nhận hợp lệ sau khi hết thời gian người nộp đơn yêu cầu công bố muộn;

(ii) Trong trường hợp người nộp đơn yêu cầu công bố muộn và đơn được chấp nhận hợp lệ trước khi hết thời gian người nộp đơn yêu cầu công bố muộn, đơn sẽ được công bố vào tháng tiếp theo của tháng kết thúc thời hạn yêu cầu công bố muộn.

c) Đơn đăng ký nhãn hiệu, đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý được công bố trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ.

3. Nội dung công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp gồm các thông tin liên quan đến đơn hợp lệ về mặt hình thức ghi trong quyết định chấp nhận đơn hợp lệ (bao gồm cả số quyết định và ngày quyết định) và các thông tin dưới đây:

a) Đối với đơn sáng chế: tên, quốc tịch của tác giả sáng chế; các thông tin liên quan đến đơn hợp lệ (chuyển đổi đơn, tách đơn, số đơn ban đầu của đơn tách/đơn chuyển đổi v.v.); bản tóm tắt sáng chế; hình vẽ đặc trưng kèm theo bản tóm tắt (nếu có); ngày yêu cầu thẩm định nội dung (nếu có); ngày yêu cầu công bố sớm (nếu có); phân loại quốc tế sáng chế; và các thông tin khác (nếu có).

b) Đối với đơn kiểu dáng công nghiệp: tên, quốc tịch của tác giả kiểu dáng công nghiệp; các thông tin liên quan đến đơn hợp lệ (tách đơn, số đơn gốc của đơn tách v.v.); bộ ảnh chụp hoặc bản vẽ kiểu dáng công nghiệp; số phương án yêu cầu bảo hộ; phân loại quốc tế kiểu dáng công nghiệp; và các thông tin khác (nếu có).

c) Đối với đơn nhãn hiệu: mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu; các thông tin liên quan đến đơn hợp lệ (chuyển đổi đơn, tách đơn, số đơn gốc của đơn tách v.v.); phân loại quốc tế hàng hóa, dịch vụ; và các thông tin khác (nếu có); quy chế sử dụng (đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận).

d) Đối với đơn chỉ dẫn địa lý: tóm tắt tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và tên sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; và các thông tin khác (nếu có).

Điều 11. Xử lý ý kiến phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

1. Trường hợp ý kiến phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp nộp theo quy định tại Điều 112a của Luật Sở hữu trí tuệ và đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại khoản 9 Điều này, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận và thông báo về ý kiến đó cho người nộp đơn, trong đó ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo để người nộp đơn trả lời bằng văn bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 5 Điều này.

2. Trường hợp nhãn hiệu và hàng hóa, dịch vụ trong đơn đăng ký bị phản đối trùng với nhãn hiệu và hàng hóa, dịch vụ do bên phản đối đưa ra hoặc có cơ sở rõ ràng để kết luận nhãn hiệu và hàng hóa, dịch vụ bị phản đối tương tự gây nhầm lẫn hoặc không tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu và hàng hóa, dịch vụ do bên phản đối đưa ra, Cục Sở hữu trí tuệ xử lý ý kiến phản đối trong quá trình thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu và thông báo kết quả xử lý ý kiến phản đối cùng với kết quả thẩm định nội dung đơn tương ứng cho người phản đối.

3. Sau khi nhận được ý kiến phản hồi của người nộp đơn trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này, nếu xét thấy cần thiết, Cục Sở hữu trí tuệ thông báo về ý kiến phản hồi cho người phản đối và ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo để người phản đối trả lời bằng văn bản về ý kiến phản hồi đó.

4. Trên cơ sở thông tin, chứng cứ, lập luận do các bên cung cấp (nếu có) theo quy định tại khoản 1 và 3 Điều này hoặc/và kết quả đối thoại giữa các bên theo quy định tại khoản 7 Điều này và tài liệu có trong đơn, Cục Sở hữu trí tuệ xử lý ý kiến phản đối và thông báo kết quả xử lý ý kiến phản đối cùng với kết quả thẩm định nội dung đơn tương ứng cho người phản đối.

5. Trong trường hợp ý kiến của người phản đối liên quan đến quyền đăng ký, Cục Sở hữu trí tuệ thông báo để người phản đối nộp đơn khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, trừ các trường hợp sau:

a) Có cơ sở rõ ràng để xác định về việc người nộp đơn không có quyền nộp đơn theo quy định tại khoản 7 Điều 87 của Luật Sở hữu trí tuệ;

b) Ý kiến về quyền nộp đơn đăng ký nhãn hiệu đối với dấu hiệu là hoặc có chứa dấu hiệu là địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 87 của Luật Sở hữu trí tuệ.

6. Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo nêu tại khoản 5 Điều này mà người phản đối không gửi cho Cục Sở hữu trí tuệ bản sao thông báo thụ lý vụ án của Tòa án thì Cục Sở hữu trí tuệ coi như người phản đối rút bỏ ý kiến phản đối và tiếp tục xử lý đơn như không có ý kiến phản đối. Trường hợp Cục Sở hữu trí tuệ nhận được bản sao thông báo thụ lý vụ án của Tòa án của người phản đối trong thời hạn nêu trên, Cục Sở hữu trí tuệ tạm dừng việc xử lý đơn để chờ kết quả giải quyết tranh chấp của Tòa án. Sau khi nhận được kết quả giải quyết của Tòa án, việc xử lý đơn sẽ được tiến hành phù hợp với kết quả đó.

7. Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người phản đối và người nộp đơn để làm rõ hơn vấn đề có ý kiến phản đối nếu xét thấy cần thiết hoặc có yêu cầu của cả hai bên.

8. Thời hạn dành cho người nộp đơn trả lời ý kiến phản đối của người phản đối và thời hạn dành cho người phản đối phản hồi ý kiến của người nộp đơn theo quy định tại khoản 1 và 3 Điều này không tính vào thời hạn dành cho Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện các thủ tục liên quan theo quy định.

9. Ý kiến phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp phải được làm bằng tiếng Việt. Tài liệu kèm theo ý kiến phản đối có thể được làm bằng ngôn ngữ khác nhưng phải được dịch ra tiếng Việt khi Cục Sở hữu trí tuệ yêu cầu.

Điều 12. Thẩm định nội dung đơn

1. Thẩm định nội dung đơn theo quy định của Điều 114 của Luật Sở hữu trí tuệ là đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ, xác định phạm vi (khối lượng) bảo hộ tương ứng. Việc thẩm định nội dung không áp dụng đối với đơn đăng ký thiết kế bố trí.

2. Việc thẩm định nội dung được thực hiện như sau:

a) Các nội dung phải thẩm định bao gồm:

(i) Đánh giá sự phù hợp của đối tượng nêu trong đơn với loại văn bằng bảo hộ yêu cầu được cấp;

(ii) Đánh giá đối tượng theo từng điều kiện bảo hộ;

(iii) Kiểm tra nguyên tắc nộp đơn đầu tiên.

b) Việc đánh giá theo các điều kiện bảo hộ được tiến hành lần lượt theo từng đối tượng (nếu đơn bao gồm nhiều đối tượng mà vẫn bảo đảm tính thống nhất). Đối với mỗi đối tượng, việc đánh giá được tiến hành lần lượt theo từng điều kiện bảo hộ:

(i) Đối với đơn đăng ký sáng chế, việc đánh giá được tiến hành lần lượt theo từng điểm nêu trong phạm vi (yêu cầu) bảo hộ;

(ii) Đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, việc đánh giá được tiến hành lần lượt với kiểu dáng của từng sản phẩm (nếu đơn đề cập đến bộ sản phẩm); trong trường hợp đề cập đến nhiều phương án thì đánh giá lần lượt từng phương án, bắt đầu từ phương án cơ bản (phương án đầu tiên nêu trong đơn);

(iii) Đối với đơn đăng ký nhãn hiệu, việc đánh giá được tiến hành lần lượt từng thành phần của nhãn hiệu đối với từng hàng hóa, dịch vụ nêu trong danh mục hàng hóa, dịch vụ.

c) Việc thẩm định nội dung đối với từng đối tượng nêu tại điểm b khoản này được hoàn tất khi đã đánh giá đối tượng đó với tất cả các điều kiện bảo hộ và có đủ căn cứ để kết luận đối tượng đó không đáp ứng hoặc đáp ứng điều kiện bảo hộ, cụ thể là:

(i) Tìm thấy lý do để kết luận đối tượng không đáp ứng một hoặc một số hoặc tất cả các điều kiện bảo hộ; hoặc

(ii) Không tìm thấy bất kỳ lý do nào để kết luận đối tượng không đáp ứng ít nhất một điều kiện bảo hộ.

d) Trước khi ra thông báo kết quả thẩm định nội dung với dự định cấp văn bằng bảo hộ theo quy định tại các điểm c, d, e khoản 8 Điều 16, các điểm c, d, e khoản 10 Điều 23, điểm c, d, tiết (ii) điểm e khoản 13 Điều 26 của Thông tư này, Cục Sở hữu trí tuệ kiểm tra nguyên tắc nộp đơn đầu tiên theo quy định tại các khoản 7 Điều 16, khoản 9 Điều 23, khoản 12 Điều 26 của Thông tư này.

đ) Thông báo kết quả thẩm định nội dung với dự định cấp văn bằng bảo hộ quy định tại các điểm c, d, e khoản 8 Điều 16, các điểm c, d, e khoản 10 Điều 23, điểm c, d, tiết (ii) điểm e khoản 13 Điều 26, điểm b khoản 7 Điều 30 của Thông tư này được thực hiện đối với các đơn sau đây:

(i) Đơn không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 90 của Luật Sở hữu trí tuệ;

(ii) Đơn có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm nhất trong số các đơn đăng ký sáng chế thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 90 của Luật Sở hữu trí tuệ;

(iii) Đơn có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm nhất trong số các đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 90 của Luật Sở hữu trí tuệ;

(iv) Đơn có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm nhất trong số các đơn đăng ký nhãn hiệu thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 90 của Luật Sở hữu trí tuệ;

(v) Đơn theo thỏa thuận quy định tại khoản 3 Điều 90 của Luật Sở hữu trí tuệ.

e) Đơn không thuộc các trường hợp quy định tại điểm đ khoản này được xử lý như sau:

(i) Bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ vì không đáp ứng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên, nếu đơn có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm nhất được cấp văn bằng bảo hộ; hoặc

(ii) Được coi là đơn có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm nhất và được xử lý như các trường hợp được quy định tại điểm đ khoản này, nếu tất cả các đơn có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ hoặc bị rút bỏ, bị coi như rút bỏ.

3. Trong quá trình thẩm định nội dung đơn, trường hợp đơn chưa bộc lộ đầy đủ bản chất của đối tượng, Cục Sở hữu trí tuệ có thể yêu cầu người nộp đơn giải thích nội dung đơn, cung cấp các thông tin thuộc phạm vi bản chất của đối tượng nêu trong đơn để bộc lộ đầy đủ bản chất của đối tượng và ấn định thời hạn 03 tháng kể từ ngày ra thông báo để người nộp đơn khắc phục.

4. Thời hạn thẩm định nội dung đơn như sau:

a) Thời hạn thẩm định nội dung đơn được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 119 của Luật Sở hữu trí tuệ;

b) Khoảng thời gian để người nộp đơn phản hồi các thông báo của Cục Sở hữu trí tuệ quy định tại các khoản 8 Điều 16, khoản 10 Điều 23, khoản 13 Điều 26 và khoản 7 Điều 30 của Thông tư này sẽ không tính vào thời hạn thẩm định nội dung. Khoảng thời gian này được hiểu là:

(i) Thời gian từ ngày ra thông báo đến ngày người nộp đơn phản hồi thông báo; hoặc

(ii) Thời hạn ấn định trong thông báo (kể cả được kéo dài theo quy định tại khoản 2 Điều 15 của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP), trong trường hợp người nộp đơn không phản hồi thông báo.

c) Trong trường hợp người nộp đơn chủ động yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn, hoặc phản hồi thông báo của Cục Sở hữu trí tuệ quy định tại khoản 8 Điều 16, khoản 10 Điều 23, khoản 13 Điều 26 và khoản 7 Điều 30 của Thông tư này, thời hạn thẩm định nội dung được kéo dài thêm tương ứng với thời hạn xử lý yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn hoặc giải trình của người nộp đơn theo quy định tại khoản 4 Điều 119 của Luật Sở hữu trí tuệ như sau:

(i) Đối với sáng chế, không quá 06 tháng;

(ii) Đối với nhãn hiệu, không quá 03 tháng;

(iii) Đối với kiểu dáng công nghiệp, không quá 02 tháng và 10 ngày;

(iv) Đối với chỉ dẫn địa lý, không quá 02 tháng.

5. Trước ngày kết thúc thời hạn thẩm định nội dung đơn quy định tại khoản 4 Điều này, Cục Sở hữu trí tuệ gửi cho người nộp đơn một trong các thông báo quy định tại khoản 8 Điều 16, khoản 10 Điều 23, khoản 13 Điều 26 và khoản 7 Điều 30 của Thông tư này.

Điều 13. Thẩm định lại

1. Việc thẩm định lại đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Thẩm định lại đơn do có ý kiến phản đối sau khi đã có thông báo kết quả thẩm định nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 118 của Luật Sở hữu trí tuệ khi đáp ứng các điều kiện sau:

(i) Có ý kiến bằng văn bản của người nộp đơn nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ trong giai đoạn từ ngày ra thông báo kết quả thẩm định nội dung đến trước ngày ra quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ liên quan; hoặc có ý kiến bằng văn bản của người thứ ba phản đối dự định cấp văn bằng bảo hộ trong thông báo kết quả thẩm định nội dung cùng với chứng cứ xác đáng chứng minh do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan nên đã không thể phản đối đơn trong thời hạn theo quy định tại Điều 112a của Luật Sở hữu trí tuệ;

(ii) Ý kiến nêu tại tiết (i) điểm này là có cơ sở xác đáng, kèm theo các chứng cứ hoặc chỉ dẫn tới các nguồn thông tin đáng tin cậy;

(iii) Lý lẽ, chứng cứ chứng minh ý kiến nêu tại tiết (i) điểm này phải khác với lý lẽ, chứng cứ (nếu có) đã được đưa ra trong giai đoạn trước đó hoặc tuy lý lẽ, chứng cứ đó là không khác nhưng chưa được Cục Sở hữu trí tuệ xem xét theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 11 của Thông tư này.

b) Thẩm định lại đơn do có yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn sau khi đã thông báo kết quả thẩm định nội dung, trong đó nêu dự định cấp văn bằng bảo hộ theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 16 của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP;

c) Thẩm định lại do có yêu cầu ghi nhận thay đổi người nộp đơn do chuyển nhượng đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp sau khi có thông báo kết quả thẩm định nội dung với dự định cấp văn bằng bảo hộ theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 18 của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP.

d) Thẩm định lại đơn do chủ văn bằng bảo hộ có yêu cầu sửa đổi bản mô tả hoặc thu hẹp phạm vi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp theo quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 3 Điều 97 của Luật Sở hữu trí tuệ theo thủ tục về sửa đổi văn bằng bảo hộ quy định tại điểm b khoản 5 Điều 29 của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP;

đ) Thẩm định lại đơn do có yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 32 của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP;

e) Thẩm định lại đơn do có khiếu nại về các quyết định, thông báo liên quan đến đơn theo quy định tại khoản 4 và điểm b khoản 6 Điều 38 của Thông tư này.

2. Việc thẩm định lại đơn được thực hiện như sau:

a) Thời hạn thẩm định lại đơn theo quy định tại khoản 3 Điều 119 của Luật Sở hữu trí tuệ, cụ thể như sau:

(i) Đối với sáng chế, không quá 12 tháng;

(ii) Đối với nhãn hiệu, không quá 06 tháng;

(iii) Đối với kiểu dáng công nghiệp, không quá 04 tháng và 20 ngày;

(iv) Đối với chỉ dẫn địa lý, không quá 04 tháng.

Đối với những vụ việc phức tạp, có nhiều tình tiết cần phải được xác minh hoặc cần trưng cầu ý kiến chuyên gia thì thời hạn thẩm định lại có thể kéo dài nhưng không vượt quá thời hạn thẩm định lần đầu theo quy định tại khoản 2 Điều 119 của Luật Sở hữu trí tuệ.

b) Nội dung thẩm định lại được thực hiện theo quy định tương ứng tại khoản 2 Điều 12 của Thông tư này;

c) Thủ tục thẩm định lại được thực hiện theo quy định tương ứng tại khoản 8 Điều 16, khoản 10 Điều 23, khoản 13 Điều 26 và khoản 7 Điều 30 của Thông tư này trừ các trường hợp nêu tại các điểm đ và e khoản 1 Điều này;

d) Đối với mỗi trường hợp được nêu tại khoản 1 Điều này, việc thẩm định lại đơn chỉ được thực hiện một lần đối với người nộp đơn và đối với mỗi người thứ ba.

Mục 2. ĐƠN VÀ XỬ LÝ ĐƠN ĐĂNG KÝ SÁNG CHẾ

Điều 14. Yêu cầu đối với đơn đăng ký sáng chế

1. Đơn đăng ký sáng chế được làm theo quy định tại Điều 100, 102 của Luật Sở hữu trí tuệ, Điều 48 và Phụ lục I của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP và hướng dẫn cụ thể tại Điều này.

2. Đơn phải bảo đảm tính thống nhất theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 101 của Luật Sở hữu trí tuệ. Một nhóm sáng chế có mối liên hệ chặt chẽ về kỹ thuật nhằm thực hiện ý đồ sáng tạo chung duy nhất theo quy định tại khoản 2 Điều 101 của Luật Sở hữu trí tuệ nếu thuộc các trường hợp sau đây:

a) Một đối tượng dùng để tạo ra (sản xuất, chế tạo, điều chế) đối tượng kia;

b) Một đối tượng dùng để thực hiện đối tượng kia;

c) Một đối tượng dùng để sử dụng đối tượng kia;

d) Các đối tượng thuộc cùng một dạng, có cùng chức năng để bảo đảm thu được cùng một kết quả.

3. Đối với sáng chế về hoặc liên quan tới vật liệu sinh học không thể mô tả được hoặc không thể mô tả đầy đủ đến mức người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực công nghệ sinh học có thể thực hiện được theo quy định tại khoản 2 Điều 102 của Luật Sở hữu trí tuệ thì người nộp đơn có thể nộp lưu mẫu vật liệu sinh học để phục vụ quá trình thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế liên quan. Việc nộp lưu mẫu vật liệu sinh học phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Mẫu vật liệu sinh học phải được nộp cho cơ quan có thẩm quyền lưu giữ vật liệu sinh học không muộn hơn ngày nộp đơn đăng ký sáng chế liên quan đến vật liệu sinh học đó;

b) Cơ quan có thẩm quyền lưu giữ vật liệu sinh học là cơ quan tại Việt Nam hoặc nước ngoài thuộc danh sách cơ quan có thẩm quyền lưu giữ quốc tế theo Hiệp ước Budapest hoặc được Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận về chức năng lưu giữ vật liệu sinh học nhằm tiến hành các thủ tục về sáng chế;

c) Đối với mẫu vật liệu sinh học nộp lưu tại cơ quan lưu giữ ở nước ngoài, nếu xét thấy cần thiết để làm rõ bản chất của đối tượng được yêu cầu bảo hộ hoặc đáp ứng yêu cầu của bên thứ ba về việc tiếp cận với đối tượng đó, Cục Sở hữu trí tuệ có thể thực hiện như sau:

(i) Yêu cầu người nộp đơn nộp lưu bổ sung mẫu vật liệu sinh học tại một cơ quan có thẩm quyền lưu giữ ở Việt Nam trong trường hợp mẫu vật liệu sinh học không được nộp lưu tại cơ quan có thẩm quyền lưu giữ quốc tế theo Hiệp ước Budapest;

(ii) Yêu cầu cơ quan lưu giữ mẫu vật liệu sinh học cung cấp mẫu trong trường hợp mẫu vật liệu sinh học được nộp lưu tại cơ quan có thẩm quyền lưu giữ quốc tế theo Hiệp ước Budapest.

4. Đối với đơn đăng ký sáng chế được trực tiếp tạo ra dựa trên nguồn gen hoặc tri thức truyền thống, trường hợp người nộp đơn không nộp kèm tài liệu thuyết minh về nguồn gốc của nguồn gen hoặc của tri thức truyền thống mà tác giả sáng chế hoặc người nộp đơn đã tiếp cận theo quy định tại điểm đ1 khoản 1 Điều 100 của Luật Sở hữu trí tuệ do không xác định được nguồn gốc của nguồn gen hoặc của tri thức truyền thống thì phải nêu rõ như vậy và chịu trách nhiệm về tính trung thực của điều đó.

5. Trường hợp có cơ sở (thông tin, chứng cứ) để nghi ngờ về tính xác thực của các thông tin nêu trong đơn hoặc thông tin nêu trong đơn không rõ ràng, Cục Sở hữu trí tuệ đề nghị người nộp đơn nộp các tài liệu nhằm xác minh hoặc làm rõ các thông tin đó trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo. Tài liệu nêu trên có thể là tài liệu xác nhận quyền đăng ký hợp pháp nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền nộp đơn của người khác (tài liệu chứng minh quyền thừa kế theo quy định của pháp luật dân sự, tài liệu chứng minh về việc chuyển giao quyền nộp đơn; hợp đồng giao việc hoặc hợp đồng lao động v.v.); tài liệu thể hiện kết quả thử nghiệm thuốc trên cơ thể người, động vật hoặc thực vật nêu trong phần mô tả (khi đối tượng yêu cầu bảo hộ là dược phẩm dùng cho người, động vật hoặc thực vật); v.v.

Điều 15. Thẩm định hình thức, công bố đơn đăng ký sáng chế

Việc thẩm định hình thức, công bố đơn đăng ký sáng chế được thực hiện theo thủ tục chung quy định tại Điều 9 và 10 của Thông tư này.

Điều 16. Thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế

1. Người nộp đơn có quyền yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế theo quy định tại Điều 113 của Luật Sở hữu trí tuệ theo các hướng dẫn sau đây:

a) Yêu cầu thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế được thể hiện bằng văn bản làm theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP hoặc được thể hiện trong tờ khai đơn đăng ký sáng chế (nếu yêu cầu đó được đưa ra ngay khi nộp đơn);

b) Thời hạn nộp yêu cầu thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế thực hiện theo quy định tại Điều 113 của Luật Sở hữu trí tuệ;

c) Người nộp đơn phải nộp phí tra cứu và phí thẩm định nội dung theo quy định. Trường hợp người nộp đơn không nộp đủ các khoản phí, lệ phí nêu trên, yêu cầu thẩm định nội dung bị coi là không hợp lệ và Cục Sở hữu trí tuệ sẽ không tiến hành thẩm định nội dung đơn.

Yêu cầu thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế nộp sau ngày công bố đơn được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp trong tháng thứ hai kể từ ngày nhận được yêu cầu. Yêu cầu thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế nộp trước ngày công bố đơn được công bố cùng với đơn tương ứng.

2. Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế theo trình tự chung quy định tại Điều 12 của Thông tư này và theo quy định cụ thể tại các khoản 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 9 Điều này.

3. Việc đánh giá sự phù hợp giữa đối tượng nêu trong đơn và loại văn bằng bảo hộ sáng chế được thực hiện theo các quy định sau đây:

a) Đối tượng nêu trong đơn đăng ký sáng chế bị coi là không phù hợp với loại văn bằng bảo hộ sáng chế mà người nộp đơn yêu cầu được cấp (Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích) nếu đối tượng đó không phải là giải pháp kỹ thuật, cụ thể không phải là sản phẩm hoặc quy trình. Cách nhận dạng giải pháp kỹ thuật được quy định tại điểm b khoản này;

b) Giải pháp kỹ thuật - đối tượng được bảo hộ dưới danh nghĩa là sáng chế - là tập hợp cần và đủ các thông tin về cách thức kỹ thuật và/hoặc phương tiện kỹ thuật (ứng dụng các quy luật tự nhiên) nhằm giải quyết một nhiệm vụ (một vấn đề) xác định. Giải pháp kỹ thuật có thể thuộc một trong các dạng sau đây:

(i) Sản phẩm dưới dạng vật thể, ví dụ dụng cụ, máy móc, thiết bị, linh kiện, mạch điện v.v., được thể hiện bằng tập hợp các thông tin xác định một sản phẩm nhân tạo được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật về kết cấu, sản phẩm đó có chức năng (công dụng) như một phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu nhất định của con người; hoặc sản phẩm dưới dạng chất (gồm đơn chất, hợp chất và hỗn hợp chất), ví dụ vật liệu, chất liệu, thực phẩm, dược phẩm, v.v., được thể hiện bằng tập hợp các thông tin xác định một sản phẩm nhân tạo được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật về sự hiện diện, tỷ lệ và trạng thái của các phần tử, có chức năng (công dụng) như một phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu nhất định của con người; hoặc sản phẩm dưới dạng vật liệu sinh học, ví dụ gen, thực vật/động vật biến đổi gen v.v., được thể hiện bằng tập hợp các thông tin về một sản phẩm chứa thông tin di truyền bị biến đổi dưới tác động của con người, có khả năng tự tái tạo;

(ii) Quy trình (quy trình công nghệ; phương pháp chẩn đoán, dự báo, kiểm tra, xử lý v.v.) được thể hiện bằng một tập hợp các thông tin xác định cách thức tiến hành một quá trình, một công việc cụ thể được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) về trình tự, điều kiện, thành phần tham gia, biện pháp, phương tiện thực hiện các thao tác nhằm đạt được một mục đích nhất định.

c) Đối tượng nêu trong đơn không được coi là giải pháp kỹ thuật trong các trường hợp sau đây:

(i) Đối tượng nêu trong đơn chỉ là ý tưởng hoặc ý đồ, chỉ nêu (đặt) vấn đề mà không phải là cách giải quyết vấn đề, không trả lời được câu hỏi “bằng cách nào” hoặc/và “bằng phương tiện gì”;

(ii) Vấn đề (nhiệm vụ) được đặt ra để giải quyết không phải là vấn đề kỹ thuật và không thể giải quyết được bằng cách thức kỹ thuật;

(iii) Các sản phẩm tự nhiên, không phải là sản phẩm sáng tạo của con người.

4. Đánh giá khả năng áp dụng công nghiệp theo quy định tại Điều 62 của Luật Sở hữu trí tuệ

a) Giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn được coi là “có thể thực hiện được” nếu:

(i) Các thông tin về bản chất của giải pháp cùng với các chỉ dẫn về điều kiện kỹ thuật cần thiết được trình bày một cách rõ ràng, đầy đủ đến mức cho phép người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể tạo ra, sản xuất ra hoặc có thể sử dụng, khai thác hoặc thực hiện được giải pháp đó;

(ii) Việc tạo ra, sản xuất ra, sử dụng, khai thác hoặc thực hiện giải pháp nêu trên được lặp đi lặp lại với kết quả giống nhau và giống với kết quả nêu trong bản mô tả sáng chế.

b) Giải pháp kỹ thuật bị coi là không có khả năng áp dụng công nghiệp trong các trường hợp sau đây:

(i) Bản chất của đối tượng hoặc các chỉ dẫn nhằm thực hiện đối tượng đi ngược lại các nguyên lý cơ bản của khoa học (ví dụ: không tuân theo nguyên lý bảo toàn năng lượng v.v.);

(ii) Đối tượng bao gồm các yếu tố, thành phần không có mối liên hệ kỹ thuật với nhau hoặc không thể liên hệ (ghép nối, ràng buộc, phụ thuộc v.v.) được với nhau;

(iii) Đối tượng có chứa mâu thuẫn nội tại;

(iv) Chỉ có thể thực hiện được các chỉ dẫn về đối tượng trong một số lần giới hạn (không thể lặp đi lặp lại được);

(v) Để có thể thực hiện được giải pháp, người thực hiện phải có kỹ năng đặc biệt và kỹ năng đó không thể truyền thụ hoặc chỉ cho người khác được;

(vi) Kết quả thu được từ các lần thực hiện không đồng nhất với nhau;

(vii) Kết quả thu được khác với kết quả nêu trong đơn;

(viii) Hoàn toàn không có hoặc thiếu các chỉ dẫn quan trọng nhất để thực hiện giải pháp;

(ix) Các trường hợp có lý do xác đáng khác.

5. Đánh giá tính mới theo quy định tại Điều 60 của Luật Sở hữu trí tuệ

a) Để đánh giá tính mới của giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn, ít nhất phải tiến hành tra cứu thông tin trong các nguồn bắt buộc sau đây (nhưng không chỉ giới hạn việc tra cứu ở nguồn tối thiểu đó):

(i) Tất cả các đơn đăng ký sáng chế đã được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận có cùng chỉ số phân loại với chỉ số phân loại của đối tượng nêu trong đơn đang được thẩm định - tính đến chỉ số phân lớp (chỉ số hạng thứ ba) và có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm hơn ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn của đơn đang được thẩm định, trừ những đơn đã hoặc sẽ không được công bố;

(ii) Các đơn đăng ký sáng chế hoặc các văn bằng bảo hộ sáng chế do các tổ chức, quốc gia khác công bố, trong vòng 25 năm tính đến ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đang được thẩm định (nếu đơn được hưởng quyền ưu tiên) được lưu giữ trong cơ sở dữ liệu sáng chế có tại Cục Sở hữu trí tuệ và các nguồn thông tin khác do Cục Sở hữu trí tuệ quy định, với phạm vi tra cứu quy định tại tiết (i) điểm này.

Trong trường hợp cần thiết và có thể, việc tra cứu được mở rộng đến cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ và các nguồn thông tin khác có thể truy cập được, bao gồm cả nguồn thông tin trên Internet.

b) Mục đích của việc tra cứu thông tin là tìm giải pháp kỹ thuật có bản chất tương tự hoặc trùng lặp với giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn. Trong điểm này:

(i) Hai giải pháp kỹ thuật được coi là trùng nhau khi có tất cả các dấu hiệu (đặc điểm) cơ bản trùng nhau hoặc tương đương (thay thế được cho nhau);

(ii) Hai giải pháp kỹ thuật được coi là tương tự nhau khi có phần lớn các dấu hiệu (đặc điểm) cơ bản trùng nhau hoặc tương đương (thay thế được cho nhau);

(iii) “Giải pháp kỹ thuật đối chứng” là giải pháp kỹ thuật trùng hoặc tương tự gần nhất với giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn;

(iv) “Tài liệu đối chứng” là tài liệu đã mô tả giải pháp kỹ thuật đối chứng hoặc chứng cứ chứng minh giải pháp kỹ thuật đối chứng đã được bộc lộ công khai.

c) Kết quả tra cứu thông tin phải được thể hiện trong báo cáo tra cứu, trong đó phải ghi rõ lĩnh vực tra cứu, phạm vi tra cứu, kết quả tìm kiếm trong phạm vi đó (thống kê các giải pháp kỹ thuật đối chứng tìm thấy được, chỉ rõ các dấu hiệu trùng nhau, tên tài liệu đối chứng, số trang, số dòng, nguồn gốc tài liệu và ngày công bố của tài liệu tương ứng) và phải nêu họ tên người lập báo cáo (người tra cứu).

d) Để đánh giá tính mới của giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn, phải tiến hành so sánh các dấu hiệu (đặc điểm) cơ bản của giải pháp kỹ thuật đó với các dấu hiệu của giải pháp kỹ thuật đối chứng được tìm thấy trong quá trình tra cứu thông tin; trong đó:

(i) Dấu hiệu kỹ thuật cơ bản của giải pháp kỹ thuật có thể là đặc điểm về kết cấu vật thể (chi tiết, cụm chi tiết, liên kết v.v.) hoặc cấu tạo của chất (thành phần (sự hiện diện, tỷ lệ), trạng thái các phần tử v.v.) cùng với các dấu hiệu kỹ thuật cơ bản khác tạo thành một tập hợp cần và đủ để xác định bản chất (nội dung) của đối tượng.

Dấu hiệu kỹ thuật cơ bản nêu trên có thể được thể hiện dưới dạng chức năng kỹ thuật của một thành tố trong kết cấu hoặc cấu tạo của sản phẩm (gọi là dấu hiệu chức năng), với điều kiện cách thể hiện này đủ để người có hiểu biết trung bình trong lĩnh vực có thể dễ dàng hiểu phương tiện kỹ thuật hoặc cách thức kỹ thuật để thực hiện chức năng đó trong điều kiện bình thường mà không cần có sự sáng tạo. Chức năng, công dụng của đối tượng yêu cầu bảo hộ không phải là dấu hiệu kỹ thuật cơ bản mà có thể là mục đích, kết quả đạt được của đối tượng đó;

(ii) Các dấu hiệu kỹ thuật cơ bản của giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn, trong các văn bằng bảo hộ được thể hiện tại phạm vi (yêu cầu) bảo hộ sáng chế, phần mô tả hoặc hình vẽ;

(iii) Các dấu hiệu kỹ thuật cơ bản của giải pháp kỹ thuật nêu trong các tài liệu khác được thể hiện và phát hiện theo tài liệu mô tả hoặc dạng thể hiện thực tế của giải pháp kỹ thuật đó.

đ) Để không bị coi là mất tính mới đối với sáng chế đã được công bố trong các trường hợp ngoại lệ quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 60 của Luật Sở hữu trí tuệ, người nộp đơn phải nộp các tài liệu có liên quan đến việc công bố để chứng minh đủ điều kiện hưởng ngoại lệ. Tài liệu nêu trên phải được nộp cùng với đơn hoặc nộp bổ sung theo quy định về sửa đổi, bổ sung đơn.

e) Tương ứng với một điểm của phạm vi (yêu cầu) bảo hộ, giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn được coi là mới so với tình trạng kỹ thuật trên thế giới nếu:

(i) Không tìm thấy giải pháp kỹ thuật đối chứng trong quá trình tra cứu thông tin; hoặc

(ii) Có tìm thấy giải pháp kỹ thuật đối chứng nhưng giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn có ít nhất một dấu hiệu kỹ thuật cơ bản không có mặt trong giải pháp kỹ thuật đối chứng (và dấu hiệu đó được gọi là dấu hiệu cơ bản khác biệt).

6. Đánh giá trình độ sáng tạo theo quy định tại Điều 61 của Luật Sở hữu trí tuệ được thực hiện như sau:

a) Khi đánh giá trình độ sáng tạo của giải pháp kỹ thuật, ít nhất phải tiến hành tra cứu thông tin trong nguồn bắt buộc (nhưng không chỉ giới hạn việc tra cứu ở nguồn tối thiểu đó) quy định tại điểm a khoản 5 Điều này (trừ những đơn chưa được công bố tính đến ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn của đơn đang được thẩm định);

b) Việc đánh giá trình độ sáng tạo của giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn được thực hiện bằng cách đánh giá dấu hiệu (các dấu hiệu) cơ bản khác biệt nêu trong phạm vi (yêu cầu) bảo hộ để đưa ra kết luận:

(i) Dấu hiệu (các dấu hiệu) cơ bản khác biệt có bị coi là đã được bộc lộ trong nguồn thông tin tối thiểu bắt buộc hay không; và

(ii) Tập hợp các dấu hiệu kỹ thuật cơ bản khác biệt có bị coi là có tính hiển nhiên đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng hay không.

Ứng với một điểm thuộc phạm vi (yêu cầu) bảo hộ, giải pháp kỹ thuật được coi là có trình độ sáng tạo nếu việc đưa dấu hiệu kỹ thuật cơ bản khác biệt vào tập hợp các dấu hiệu kỹ thuật cơ bản của giải pháp kỹ thuật là kết quả của hoạt động sáng tạo và không phải là kết quả hiển nhiên của hiểu biết thông thường trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng.

c) Trong các trường hợp sau đây (nhưng không chỉ giới hạn trong các trường hợp đó), ứng với một điểm thuộc phạm vi bảo hộ, giải pháp kỹ thuật bị coi là không có trình độ sáng tạo:

(i) Tập hợp các dấu hiệu kỹ thuật cơ bản khác biệt mang tính hiển nhiên (bất kỳ người nào có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng cũng biết rằng để thực hiện chức năng đã định hoặc để đạt được mục đích đã định tất yếu phải sử dụng tập hợp các dấu hiệu đó và ngược lại khi sử dụng tập hợp các dấu hiệu đó thì tất yếu phải đạt được mục đích hoặc thực hiện được chức năng tương ứng);

(ii) Tập hợp các dấu hiệu kỹ thuật cơ bản khác biệt đã được bộc lộ dưới dạng đồng nhất hoặc tương đương trong một hoặc một số giải pháp kỹ thuật nào đó đã biết trong nguồn thông tin tối thiểu bắt buộc. Trong đó, hai dấu hiệu được coi là đồng nhất nếu có cùng bản chất; hai dấu hiệu được coi là tương đương nếu có bản chất tương tự nhau, có cùng mục đích và cách thức đạt được mục đích cơ bản là giống nhau;

(iii) Giải pháp kỹ thuật là sự kết hợp đơn giản của các giải pháp kỹ thuật đã biết với chức năng, mục đích và hiệu quả cũng là sự kết hợp đơn giản chức năng, mục đích và hiệu quả của từng giải pháp kỹ thuật đã biết.

7. Đối với những đơn đăng ký sáng chế đã được kết luận là đáp ứng các điều kiện bảo hộ, trước khi ra thông báo kết quả thẩm định nội dung với dự định cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích theo quy định tại các điểm c, d, e khoản 8 Điều này, Cục Sở hữu trí tuệ kiểm tra để bảo đảm nguyên tắc nộp đơn đầu tiên quy định tại khoản 3 Điều 90 của Luật Sở hữu trí tuệ.

8. Trước ngày kết thúc thời hạn thẩm định nội dung đơn quy định tại khoản 4 Điều 12 của Thông tư này, Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện các công việc sau đây:

a) Nếu đối tượng yêu cầu bảo hộ nêu trong đơn không đáp ứng điều kiện bảo hộ hoặc thuộc các trường hợp nêu tại Điều 117 của Luật Sở hữu trí tuệ hoặc đáp ứng điều kiện bảo hộ nhưng đơn còn có thiếu sót, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo kết quả thẩm định nội dung, trong đó nêu rõ dự định từ chối cấp văn bằng bảo hộ, lý do từ chối hoặc thiếu sót của đơn, có thể hướng dẫn việc sửa đổi phạm vi (khối lượng) bảo hộ và ấn định thời hạn 03 tháng kể từ ngày ra thông báo để người nộp đơn có ý kiến;

b) Nếu kết thúc thời hạn quy định tại điểm a khoản này mà người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc có ý kiến phản đối nhưng không xác đáng thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn nêu trên, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ.

c) Nếu đối tượng yêu cầu bảo hộ nêu trong đơn có một phần đáp ứng điều kiện bảo hộ tính theo điểm yêu cầu bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo kết quả thẩm định nội dung, trong đó nêu rõ dự định cấp văn bằng bảo hộ đối với phần đáp ứng điều kiện bảo hộ với điều kiện người nộp đơn sửa đổi đơn đạt yêu cầu, lý do từ chối cấp cho phần không đáp ứng và ấn định thời hạn 03 tháng kể từ ngày ra thông báo để người nộp đơn có ý kiến bằng văn bản về việc đồng ý và sửa đổi đơn hoặc phản đối kết quả thẩm định nội dung.

d) Nếu đối tượng yêu cầu bảo hộ nêu trong đơn đáp ứng điều kiện bảo hộ hoặc người nộp đơn đã sửa chữa thiếu sót đạt yêu cầu hoặc có ý kiến giải trình xác đáng kết quả thẩm định nội dung và/hoặc sửa đổi đơn đạt yêu cầu theo quy định tại các điểm a, c khoản này, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo kết quả thẩm định nội dung, trong đó nêu dự định cấp văn bằng bảo hộ đối với toàn bộ hoặc phần đáp ứng điều kiện bảo hộ và ấn định thời hạn 03 tháng kể từ ngày ra thông báo để người nộp đơn nộp lệ phí cấp văn bằng bảo hộ, phí công bố quyết định cấp văn bằng bảo hộ, phí đăng bạ quyết định cấp văn bằng bảo hộ, lệ phí duy trì hiệu lực và phí sử dụng văn bằng bảo hộ năm thứ nhất đối với sáng chế.

đ) Nếu kết thúc thời hạn quy định tại điểm c khoản này mà người nộp đơn không sửa đổi hoặc không có ý kiến phản đối thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn nêu trên, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ.

e) Nếu kết thúc thời hạn quy định tại điểm c khoản này mà người nộp đơn sửa đổi đơn không đạt yêu cầu hoặc có ý kiến phản đối nhưng không xác đáng, Cục Sở hữu trí tuệ thông báo kết quả thẩm định nội dung, trong đó nêu rõ dự định cấp văn bằng bảo hộ cho phần đáp ứng điều kiện bảo hộ với điều kiện người nộp đơn sửa đổi đơn đạt yêu cầu và ấn định thời hạn 03 tháng kể từ ngày ra thông báo để người nộp đơn sửa đổi đơn.

Trường hợp người nộp đơn đã sửa đổi đơn đạt yêu cầu, trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày người nộp đơn sửa đổi đơn, Cục Sở hữu trí tuệ thông báo cho người nộp đơn về dự định cấp văn bằng bảo hộ và việc nộp lệ phí cấp văn bằng bảo hộ, phí công bố quyết định cấp văn bằng bảo hộ, phí đăng bạ quyết định cấp văn bằng bảo hộ, lệ phí duy trì hiệu lực và phí sử dụng văn bằng bảo hộ năm thứ nhất đối với sáng chế và ấn định thời hạn 03 tháng kể từ ngày ra thông báo để người nộp đơn nộp các khoản phí, lệ phí đó.

g) Nếu người nộp đơn sửa đổi đơn không đạt yêu cầu, không sửa đổi đơn hoặc không nộp đủ lệ phí cấp văn bằng bảo hộ, phí công bố quyết định cấp văn bằng bảo hộ, phí đăng bạ quyết định cấp văn bằng bảo hộ trong thời hạn quy định tại điểm d và điểm e khoản này thì trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày kết thúc thời hạn tương ứng, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ.

h) Đối với các trường hợp nêu tại điểm d và điểm e khoản này, nếu người nộp đơn nộp đầy đủ và đúng hạn các loại phí, lệ phí theo quy định thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn tương ứng, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ. Nếu trong thời hạn quy định mà người nộp đơn đã nộp đủ lệ phí cấp văn bằng bảo hộ, phí công bố quyết định cấp văn bằng bảo hộ, phí đăng bạ quyết định cấp văn bằng bảo hộ nhưng không nộp lệ phí duy trì hiệu lực và phí sử dụng văn bằng bảo hộ năm thứ nhất của Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích thì văn bằng đó vẫn được cấp nhưng bị chấm dứt hiệu lực ngay sau khi cấp.

9. Việc sử dụng kết quả tra cứu thông tin và kết quả thẩm định đơn đăng ký sáng chế của cơ quan sáng chế nước ngoài được thực hiện như sau:

a) Trong quá trình thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế, Cục Sở hữu trí tuệ có thể tham khảo kết quả tra cứu thông tin và kết quả thẩm định đơn tương ứng đã nộp ở nước ngoài;

b) Kết quả tra cứu và kết quả thẩm định nêu tại điểm a khoản này bao gồm một trong số các tài liệu sau:

(i) Báo cáo tra cứu, báo cáo thẩm định và thông báo kết quả thẩm định;

(ii) Bản công bố bằng độc quyền sáng chế hoặc văn bằng bảo hộ.

c) Trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo kết quả thẩm định nội dung, người nộp đơn có thể yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ sử dụng kết quả thẩm định nội dung của một đơn sáng chế nộp ở nước ngoài để đánh giá khả năng bảo hộ, nếu đáp ứng các điều kiện sau:

(i) Kết quả thẩm định nội dung trong các tài liệu nêu tại tiết (i) và (ii) điểm b khoản này phải được ban hành bởi các cơ quan trong danh mục do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt trên cơ sở đề nghị của Cục Sở hữu trí tuệ;

(ii) Trong kết quả thẩm định nội dung của đơn đăng ký sáng chế nộp ở nước ngoài nêu trên có ít nhất một điểm yêu cầu bảo hộ được đánh giá là đáp ứng các điều kiện bảo hộ;

(iii) Các điểm yêu cầu bảo hộ của đơn nộp tại Việt Nam ban đầu hoặc sau khi sửa đổi phải trùng với các điểm yêu cầu bảo hộ được đánh giá là đáp ứng các điều kiện bảo hộ trong kết quả thẩm định nội dung của đơn đăng ký sáng chế nộp ở nước ngoài nêu trên;

(iv) Người nộp đơn nộp các tài liệu sau đây cho Cục Sở hữu trí tuệ: yêu cầu sử dụng kết quả thẩm định của nước ngoài làm theo mẫu quy định tại Phụ lục của Thông tư này; bản sao kết quả thẩm định; bản dịch kết quả thẩm định (nếu cần); các điểm yêu cầu bảo hộ được cơ quan sáng chế nước ngoài đánh giá là đáp ứng các điều kiện bảo hộ và bản dịch (nếu cần); các tài liệu được trích dẫn trong các kết quả xử lý đơn của cơ quan sáng chế nước ngoài (nếu cần); bản mô tả sửa đổi, bản thuyết minh chi tiết nội dung sửa đổi, bổ sung so với bản mô tả ban đầu đã nộp (nếu có sửa đổi); và các khoản phí theo quy định.

d) Trong trường hợp các điều kiện nêu tại điểm c khoản này đáp ứng, yêu cầu sử dụng kết quả thẩm định nội dung của nước ngoài được chấp nhận và Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo kết quả thẩm định nội dung đơn trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu của người nộp đơn.

Mọi thủ tục sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký sáng chế trong thời hạn 12 tháng nêu trên nếu làm cho một trong các điều kiện nêu tại điểm c khoản này không còn đáp ứng, đơn đăng ký sáng chế đó được thẩm định theo thủ tục thông thường.

đ) Trong trường hợp một trong các điều kiện nêu tại điểm c khoản này không đáp ứng, Cục Sở hữu trí tuệ thông báo từ chối yêu cầu sử dụng kết quả của nước ngoài và đơn đăng ký sáng chế được thẩm định theo thủ tục thông thường.

Mục 3. ĐƠN VÀ XỬ LÝ ĐƠN ĐĂNG KÝ THIẾT KẾ BỐ TRÍ

Điều 17. Yêu cầu đối với đơn đăng ký thiết kế bố trí

1. Đơn đăng ký thiết kế bố trí phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại các Điều 100, 101 và 104 của Luật Sở hữu trí tuệ, Phụ lục I của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP và hướng dẫn tại Điều này.

2. Trường hợp có cơ sở (thông tin, chứng cứ) để nghi ngờ về tính xác thực của các thông tin nêu trong đơn hoặc thông tin nêu trong đơn không rõ ràng, Cục Sở hữu trí tuệ đề nghị người nộp đơn nộp các tài liệu nhằm xác minh hoặc làm rõ các thông tin đó trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo. Các tài liệu nêu trên có thể là tài liệu xác nhận quyền đăng ký hợp pháp, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền nộp đơn của người khác (tài liệu chứng minh quyền thừa kế, tài liệu chứng minh về việc chuyển giao quyền nộp đơn; hợp đồng giao việc hoặc hợp đồng lao động), v.v.

Điều 18. Bảo mật thông tin trong đơn đăng ký thiết kế bố trí

Cục Sở hữu trí tuệ có nghĩa vụ bảo mật đối với thông tin trong đơn đăng ký thiết kế bố trí mà người nộp đơn yêu cầu bảo mật theo quy định tại Phụ lục I của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP.

Điều 19. Thẩm định hình thức đơn đăng ký thiết kế bố trí

1. Việc thẩm định hình thức đơn đăng ký thiết kế bố trí được thực hiện theo quy định chung tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 8 Điều 9 của Thông tư này và quy định riêng đối với đơn đăng ký thiết kế bố trí quy định tại Điều này.

2. Việc thông báo kết quả thẩm định hình thức được thực hiện như sau:

a) Nếu đơn thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 9 của Thông tư này, Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành các thủ tục quy định tại điểm a khoản 5 Điều 9 của Thông tư này.

b) Nếu đơn hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ gửi cho người nộp đơn thông báo dự định cấp Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí và ấn định thời hạn 03 tháng kể từ ngày ra thông báo để người nộp đơn nộp phí, lệ phí theo quy định.

3. Trường hợp người nộp đơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ gửi thông báo kết quả thẩm định hình thức trong đó có chỉ ra thiếu sót và dự định từ chối chấp nhận đơn theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 9 của Thông tư này mà người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa không đạt yêu cầu hoặc không có ý kiến phản đối hoặc có ý kiến phản đối nhưng không xác đáng trong thời hạn đã ấn định hoặc người nộp đơn không nộp đủ phí, lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí theo quy định, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí và gửi cho người nộp đơn.

Điều 20. Công bố đơn đăng ký thiết kế bố trí

1. Đơn đăng ký thiết kế bố trí đã được chấp nhận hợp lệ được công bố theo quy định tại khoản 4 Điều 110 của Luật Sở hữu trí tuệ.

2. Tiếp cận với các thông tin chi tiết về đơn đăng ký thiết kế bố trí hợp lệ

a) Kể từ ngày đơn được công bố, mọi người đều có thể tiếp cận với các thông tin chi tiết về bản chất thiết kế bố trí nêu trong đơn đã được công bố, trừ các thông tin được bảo mật theo quy định tại Điều 18 của Thông tư này.

b) Chỉ cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ hoặc thực hiện thủ tục xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với thiết kế bố trí mới được phép tiếp cận với các thông tin được bảo mật về thiết kế bố trí.

Mục 4. ĐƠN VÀ XỬ LÝ ĐƠN ĐĂNG KÝ KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP

Điều 21. Yêu cầu đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp

1. Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu chung quy định tại Điều 100, 103 của Luật Sở hữu trí tuệ, Phụ lục I của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP và hướng dẫn tại Điều này.

2. Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp phải bảo đảm tính thống nhất quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 101 của Luật Sở hữu trí tuệ. Trường hợp đơn yêu cầu bảo hộ một kiểu dáng công nghiệp của một sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp kèm theo một hoặc nhiều phương án biến thể của kiểu dáng công nghiệp đó thì các phương án biến thể của một kiểu dáng công nghiệp phải không khác biệt đáng kể với phương án cơ bản và không khác biệt đáng kể với nhau.

Trong đó, sản phẩm được hiểu là đồ vật, dụng cụ, thiết bị, phương tiện, được sản xuất bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp, có kết cấu và chức năng rõ ràng; bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp là bộ phận có khả năng lưu thông độc lập, có thể tháo rời khỏi sản phẩm phức hợp; sản phẩm phức hợp là sản phẩm được tạo thành bởi nhiều bộ phận có thể thay thế được, có thể tháo ra và lắp lại được. Sản phẩm và bộ phận để lắp ráp, hợp thành sản phẩm phức hợp dưới đây được gọi chung là sản phẩm trừ những quy định riêng.

3. Trường hợp có cơ sở (thông tin, chứng cứ) để nghi ngờ về tính xác thực của các thông tin nêu trong đơn hoặc thông tin nêu trong đơn không rõ ràng, Cục Sở hữu trí tuệ đề nghị người nộp đơn nộp các tài liệu nhằm xác minh hoặc làm rõ các thông tin đó trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo. Tài liệu nêu trên có thể là tài liệu xác nhận quyền đăng ký hợp pháp nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền nộp đơn của người khác (tài liệu chứng minh quyền thừa kế, tài liệu chứng minh về việc chuyển giao quyền nộp đơn; hợp đồng giao việc hoặc hợp đồng lao động v.v.).

4. Đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp được hiểu như sau:

a) Đặc điểm tạo dáng của một kiểu dáng công nghiệp là yếu tố thể hiện dưới dạng đường nét, hình khối, màu sắc, tương quan vị trí hoặc tương quan kích thước để khi kết hợp với các đặc điểm (dấu hiệu) khác tạo thành kiểu dáng công nghiệp đó;

b) Đặc điểm tạo dáng cơ bản là đặc điểm tạo dáng dễ dàng nhận biết/ghi nhớ, cần và đủ để xác định bản chất của kiểu dáng công nghiệp và phân biệt kiểu dáng công nghiệp với kiểu dáng công nghiệp khác dùng cho sản phẩm cùng loại.

Sản phẩm cùng loại là các sản phẩm có mục đích sử dụng hoặc chức năng sử dụng trùng hoặc tương tự với nhau. Sản phẩm phức hợp và bộ phận dùng để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp là các sản phẩm khác loại.

c) Các yếu tố sau đây không được coi là đặc điểm tạo dáng cơ bản của kiểu dáng công nghiệp:

(i) Hình khối, đường nét được quyết định bởi chính chức năng kỹ thuật của sản phẩm (ví dụ hình dạng dẹt, phẳng của đĩa ghi dữ liệu được quyết định bởi chuyển động tương đối giữa đĩa và đầu đọc v.v.);

(ii) Yếu tố mà sự có mặt của nó trong tập hợp các dấu hiệu không đủ gây ấn tượng thẩm mỹ (ấn tượng về hình dáng của sản phẩm không thay đổi khi có mặt và khi không có mặt yếu tố đó; ví dụ sự thay đổi một hình khối, đường nét quen thuộc nhưng sự thay đổi đó không đủ để nhận biết, do đó hình khối, đường nét đã thay đổi vẫn chỉ được nhận biết là hình khối, đường nét cũ);

(iii) Vật liệu dùng để chế tạo sản phẩm;

(iv) Các dấu hiệu được gắn, dán v.v. lên sản phẩm chỉ để thực hiện chức năng thông tin, hướng dẫn về nguồn gốc, đặc điểm, cấu tạo, công dụng, cách sử dụng v.v. sản phẩm đó; ví dụ các thông tin trên nhãn hàng hóa (như nhà sản xuất, chỉ dẫn thương mại, xuất xứ, mã vạch, v.v.), nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, v.v.;

(v) Kích cỡ của sản phẩm, trừ trường hợp thay đổi kích cỡ trang trí của mẫu vải và vật liệu tương tự;

(vi) Đặc điểm tạo dáng không nhìn thấy được trong quá trình khai thác công dụng của sản phẩm (đối với kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm) hoặc sản phẩm phức hợp (đối với kiểu dáng công nghiệp của bộ phận lắp ráp thành sản phẩm phức hợp);

(vii) Các yếu tố khác không đáp ứng điều kiện nêu tại điểm b khoản này.

Điều 22. Thẩm định hình thức, công bố đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp

Việc thẩm định hình thức, công bố đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được thực hiện theo thủ tục chung quy định tại Điều 9 và 10 của Thông tư này.

Điều 23. Thẩm định nội dung đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp

1. Việc thẩm định nội dung đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được tiến hành theo trình tự chung quy định tại Điều 12 của Thông tư này và theo quy định riêng tại Điều này.

2. Đối tượng nêu trong đơn bị coi là không phù hợp với loại văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp nếu:

a) Đối tượng đó không phải là hình dáng bên ngoài của sản phẩm. Hình dáng bên ngoài của sản phẩm là tập hợp những đặc điểm tạo dáng (hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này) nhìn thấy được trong quá trình khai thác công dụng của sản phẩm (đối với kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm) hoặc sản phẩm phức hợp (đối với kiểu dáng công nghiệp của bộ phận lắp ráp thành sản phẩm phức hợp). Trong đó, khai thác công dụng của sản phẩm, sản phẩm phức hợp được hiểu là đưa các sản phẩm đó vào sử dụng theo đúng tính năng, công dụng, không kể các công việc bảo trì, bảo dưỡng hoặc sửa chữa sản phẩm, sản phẩm phức hợp.

b) Đối tượng nêu trong đơn là:

(i) Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có;

(ii) Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp trừ hình dáng bên ngoài các môđun hay các đơn nguyên riêng biệt có thể được sử dụng độc lập hoặc lắp ráp với nhau để tạo thành công trình xây dựng như các cửa hàng, ki-ôt, nhà lưu động, hoặc sản phẩm tương tự.

3. Việc tra cứu thông tin được thực hiện như sau:

a) Mục đích tra cứu thông tin là tìm kiếm trong nguồn thông tin tối thiểu bắt buộc các kiểu dáng công nghiệp trùng lặp hoặc tương tự với kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn.

b) Nguồn thông tin tối thiểu bắt buộc được sử dụng trong quá trình thẩm định nội dung đơn bao gồm các tài liệu sau đây:

(i) Các đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp đã được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận và có ngày công bố đơn sớm hơn ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đang được thẩm định (nếu đơn được hưởng quyền ưu tiên);

(ii) Các đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp và các văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp do các tổ chức, quốc gia khác công bố trong vòng 25 năm trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đang được thẩm định (nếu đơn được hưởng quyền ưu tiên), được lưu giữ trong cơ sở dữ liệu kiểu dáng công nghiệp hiện có tại Cục Sở hữu trí tuệ;

(iii) Các thông tin khác liên quan đến kiểu dáng công nghiệp do Cục Sở hữu trí tuệ thu thập và lưu giữ;

(iv) Các đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp đã được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận, các đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp có chỉ định Việt Nam và có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên (nếu đơn được hưởng quyền ưu tiên) sớm hơn ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đang được thẩm định (dùng để kiểm tra nguyên tắc nộp đơn đầu tiên quy định tại khoản 9 của Điều này).

c) Trong trường hợp cần thiết và có thể, việc tra cứu được mở rộng hơn so với nguồn thông tin tối thiểu bắt buộc như cơ sở dữ liệu quốc gia về sáng chế, nhãn hiệu và nguồn thông tin khác có thể truy cập được.

4. Kết quả tra cứu phải được thể hiện trong báo cáo tra cứu, trong đó phải ghi rõ lĩnh vực tra cứu, phạm vi tra cứu, kết quả tìm kiếm trong phạm vi đó (thống kê và chỉ rõ các kiểu dáng công nghiệp đối chứng tìm được, nguồn gốc thông tin, ngày công bố của thông tin tương ứng) và phải nêu họ tên người lập báo cáo (người tra cứu).

Trong đó, “kiểu dáng công nghiệp đối chứng” là kiểu dáng công nghiệp trùng hoặc tương tự với kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn, được so sánh với kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn khi đánh giá tính mới và tính sáng tạo.

5. Việc đánh giá mức độ khác biệt của kiểu dáng công nghiệp được thực hiện theo các quy định dưới đây:

a) Hai kiểu dáng công nghiệp được coi là trùng nhau khi hai kiểu dáng công nghiệp đó dùng cho sản phẩm cùng loại, có cùng tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản và không cơ bản;

b) Hai kiểu dáng công nghiệp được coi là không khác biệt đáng kể với nhau khi hai kiểu dáng công nghiệp đó dùng cho sản phẩm cùng loại và có cùng tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản;

c) Hai kiểu dáng công nghiệp được coi là tương tự nhau khi hai kiểu dáng công nghiệp đó dùng cho sản phẩm cùng loại và có ít nhất một đặc điểm tạo dáng cơ bản trùng hoặc không khác biệt đáng kể với nhau;

d) Hai kiểu dáng công nghiệp trong số các kiểu dáng công nghiệp tương tự được coi là tương tự gần nhất khi hai kiểu dáng công nghiệp đó có số các đặc điểm tạo dáng cơ bản trùng hoặc không khác biệt đáng kể với nhau nhiều nhất so với tất cả các kiểu dáng công nghiệp tương tự khác;

đ) Hai kiểu dáng công nghiệp được coi là khác biệt đáng kể với nhau khi hai kiểu dáng công nghiệp đó dùng cho sản phẩm khác loại, hoặc dùng cho sản phẩm cùng loại nhưng có ít nhất một đặc điểm tạo dáng cơ bản khác biệt.

6. Đánh giá tính mới của kiểu dáng công nghiệp theo quy định tại Điều 65 của Luật Sở hữu trí tuệ được thực hiện như sau:

a) Để đánh giá tính mới của kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn, phải tiến hành so sánh tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản của kiểu dáng công nghiệp đó với tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản của từng kiểu dáng công nghiệp đối chứng tìm được trong quá trình tra cứu thông tin.

b) Kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn được coi là mới nếu:

(i) Không tìm thấy kiểu dáng công nghiệp đối chứng trong nguồn thông tin tối thiểu bắt buộc; hoặc

(ii) Mặc dù có tìm thấy kiểu dáng công nghiệp đối chứng trong nguồn thông tin tối thiểu bắt buộc nhưng kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn được coi là khác biệt đáng kể với các kiểu dáng công nghiệp đối chứng; hoặc

(iii) Kiểu dáng công nghiệp đối chứng chính là kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn được công bố hoặc bộc lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 65 của Luật Sở hữu trí tuệ.

7. Đánh giá tính sáng tạo của kiểu dáng công nghiệp theo quy định tại Điều 66 của Luật Sở hữu trí tuệ được thực hiện như sau:

a) Để đánh giá tính sáng tạo của kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn, phải tiến hành so sánh tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản của kiểu dáng công nghiệp đó với tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản của các kiểu dáng công nghiệp đối chứng tìm được trong quá trình tra cứu thông tin.

b) Trong các trường hợp sau đây, kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn được coi là không có tính sáng tạo:

(i) Kiểu dáng công nghiệp là sự kết hợp đơn thuần của các đặc điểm tạo dáng đã biết (các đặc điểm tạo dáng đã được bộc lộ công khai được sắp đặt hoặc lắp ghép với nhau một cách đơn thuần như thay thế, thay đổi vị trí, tăng giảm số lượng v.v.);

(ii) Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng sao chép/mô phỏng một phần hoặc toàn bộ hình dáng tự nhiên vốn có của cây cối, hoa quả, các loài động vật v.v., hình dáng của các hình hình học (hình tròn, hình elíp, hình tam giác, hình vuông, chữ nhật, hình đa giác đều, các hình lăng trụ có mặt cắt là các hình kể trên v.v.) đã biết;

(iii) Kiểu dáng công nghiệp là sự sao chép đơn thuần hình dáng các sản phẩm, công trình đã nổi tiếng hoặc được biết đến ở Việt Nam hoặc trên thế giới;

(iv) Kiểu dáng công nghiệp mô phỏng kiểu dáng công nghiệp thuộc lĩnh vực khác, nếu sự mô phỏng đó đã được biết đến trên thực tế (ví dụ: đồ chơi mô phỏng ô tô, xe máy, v.v.).

Nếu không thuộc các trường hợp nêu trên, kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo.

8. Đánh giá khả năng áp dụng công nghiệp của kiểu dáng công nghiệp theo quy định tại Điều 67 của Luật Sở hữu trí tuệ được thực hiện như sau:

a) Kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu căn cứ vào các thông tin về kiểu dáng công nghiệp được trình bày trong đơn, người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng có thể dùng kiểu dáng công nghiệp đó làm mẫu để chế tạo bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp sản phẩm có hình dáng bên ngoài trùng với kiểu dáng công nghiệp đó.

b) Trong các trường hợp sau đây, đối tượng nêu trong đơn bị coi là không có khả năng áp dụng công nghiệp:

(i) Đối tượng nêu trong đơn là hình dáng của sản phẩm có trạng thái tồn tại không cố định (các sản phẩm ở thể khí, chất lỏng, v.v.);

(ii) Chỉ có thể tạo ra sản phẩm có hình dáng như đối tượng nêu trong đơn nhờ có kỹ năng đặc biệt hoặc không thể lặp đi lặp lại việc chế tạo ra sản phẩm có hình dáng như đối tượng nêu trong đơn;

(iii) Các trường hợp với lý do xác đáng khác.

9. Đối với những đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp đã được kết luận là đáp ứng các điều kiện bảo hộ, trước khi ra thông báo dự định cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp theo quy định tại các điểm c, d, e khoản 10 Điều này, Cục Sở hữu trí tuệ kiểm tra để bảo đảm nguyên tắc nộp đơn đầu tiên quy định tại khoản 1khoản 3 Điều 90 của Luật Sở hữu trí tuệ theo các quy định sau đây:

a) Để kiểm tra nguyên tắc nộp đơn đầu tiên, phải tiến hành tra cứu thông tin trong nguồn bắt buộc quy định tại tiết (iv) điểm b khoản 3 Điều này;

b) Việc tra cứu là để tìm ra các đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm cùng loại trùng hoặc không khác biệt đáng kể với nhau, hoặc để tìm ra các đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm phức hợp chứa bộ phận có kiểu dáng công nghiệp trùng hoặc không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp đăng ký và xác định đơn có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm nhất;

c) Nếu có nhiều đơn thuộc trường hợp nêu tại điểm b khoản này thì Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp chỉ có thể được cấp cho đơn hợp lệ có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ.

d) Trong số các đơn thuộc trường hợp nêu tại điểm b khoản này đăng ký cho sản phẩm cùng loại, nếu có nhiều đơn cùng có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm nhất thì Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp chỉ có thể được cấp cho một đơn duy nhất trong số các đơn đó theo thỏa thuận của tất cả những người nộp đơn; nếu không thỏa thuận được thì tất cả các đơn đó đều bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ.

10. Trước ngày kết thúc thời hạn thẩm định nội dung đơn quy định tại khoản 4 Điều 12 của Thông tư này, Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện các công việc sau đây:

a) Nếu đối tượng yêu cầu bảo hộ nêu trong đơn không đáp ứng điều kiện bảo hộ hoặc thuộc các trường hợp nêu tại Điều 117 của Luật Sở hữu trí tuệ hoặc đáp ứng điều kiện bảo hộ nhưng đơn còn có thiếu sót, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo kết quả thẩm định nội dung, trong đó nêu rõ dự định từ chối cấp văn bằng bảo hộ, lý do từ chối hoặc thiếu sót của đơn, có thể hướng dẫn việc sửa đổi phạm vi (khối lượng) bảo hộ và ấn định thời hạn 03 tháng kể từ ngày ra thông báo để người nộp đơn có ý kiến;

b) Nếu kết thúc thời hạn quy định tại điểm a khoản này mà người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc có ý kiến phản đối nhưng không xác đáng thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn nêu tại trên, Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ

c) Nếu đối tượng yêu cầu bảo hộ nêu trong đơn có một phần đáp ứng điều kiện bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo kết quả thẩm định nội dung, trong đó nêu rõ dự định cấp văn bằng bảo hộ đối với phần đáp ứng điều kiện bảo hộ với điều kiện người nộp đơn sửa đổi đơn đạt yêu cầu, lý do từ chối cấp cho phần không đáp ứng và ấn định thời hạn 03 tháng kể từ ngày ra thông báo để người nộp đơn có ý kiến bằng văn bản về việc đồng ý và sửa đổi đơn hoặc phản đối kết quả thẩm định nội dung.

d) Nếu đối tượng yêu cầu bảo hộ nêu trong đơn đáp ứng điều kiện bảo hộ hoặc người nộp đơn đã sửa chữa thiếu sót đạt yêu cầu hoặc có ý kiến giải trình xác đáng kết quả thẩm định nội dung và/hoặc sửa đổi đơn đạt yêu cầu theo quy định tại các điểm a, c khoản này, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo kết quả thẩm định nội dung, trong đó nêu dự định cấp văn bằng bảo hộ đối với toàn bộ hoặc phần đáp ứng điều kiện bảo hộ và ấn định thời hạn 03 tháng kể từ ngày ra thông báo để người nộp đơn nộp lệ phí cấp văn bằng bảo hộ, phí công bố quyết định cấp văn bằng bảo hộ, phí đăng bạ quyết định cấp văn bằng bảo hộ.

đ) Nếu kết thúc thời hạn quy định tại điểm c khoản này mà người nộp đơn không sửa đổi hoặc không có ý kiến phản đối thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn nêu trên, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ.

e) Nếu kết thúc thời hạn quy định tại điểm c khoản này mà người nộp đơn sửa đổi đơn không đạt yêu cầu hoặc có ý kiến phản đối nhưng không xác đáng, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo kết quả thẩm định nội dung, trong đó nêu rõ dự định cấp văn bằng bảo hộ đối với phần đáp ứng điều kiện bảo hộ với điều kiện người nộp đơn sửa đổi đơn đạt yêu cầu và ấn định thời hạn 03 tháng kể từ ngày ra thông báo để người nộp đơn sửa đổi đơn.

Trường hợp người nộp đơn đã sửa đổi đơn đạt yêu cầu, trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày người nộp đơn sửa đổi đơn, Cục Sở hữu trí tuệ thông báo cho người nộp đơn về việc nộp lệ phí cấp văn bằng bảo hộ, phí công bố quyết định cấp văn bằng bảo hộ, phí đăng bạ quyết định cấp văn bằng bảo hộ và ấn định thời hạn 03 tháng kể từ ngày ra thông báo để người nộp đơn nộp các khoản phí, lệ phí đó.

g) Nếu người nộp đơn sửa đổi đơn không đạt yêu cầu, không sửa đổi đơn hoặc không nộp đủ lệ phí cấp văn bằng bảo hộ, phí công bố quyết định cấp văn bằng bảo hộ, phí đăng bạ quyết định cấp văn bằng bảo hộ trong thời hạn quy định tại điểm d và điểm e khoản này thì trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày kết thúc thời hạn tương ứng, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ.

h) Đối với các trường hợp nêu tại điểm d và điểm e khoản này, nếu người nộp đơn nộp đầy đủ và đúng hạn các loại phí, lệ phí theo quy định thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn tương ứng, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ.

Mục 5. ĐƠN VÀ XỬ LÝ ĐƠN ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU

Điều 24. Yêu cầu đối với đơn đăng ký nhãn hiệu

1. Đơn đăng ký nhãn hiệu phải đáp ứng các yêu cầu chung về tài liệu đơn quy định tại Điều 100, 105 của Luật Sở hữu trí tuệ, Phụ lục I của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP và hướng dẫn tại Điều này.

2. Đơn phải bảo đảm tính thống nhất quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 101 của Luật Sở hữu trí tuệ. Mỗi đơn chỉ được yêu cầu đăng ký một nhãn hiệu dùng cho một hoặc nhiều hàng hóa, dịch vụ.

3. Trường hợp có cơ sở (thông tin, chứng cứ) để nghi ngờ về tính xác thực của các thông tin nêu trong đơn hoặc thông tin nêu trong đơn không rõ ràng, Cục Sở hữu trí tuệ thông báo để người nộp đơn nộp các tài liệu nhằm xác minh hoặc làm rõ các thông tin đó trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo. Tài liệu nêu trên có thể là các tài liệu sau đây:

a) Tài liệu chứng minh tư cách người nộp đơn:

(i) Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp đồng hoặc tài liệu khác xác nhận hoạt động sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ của người nộp đơn theo quy định tại khoản 1 Điều 87 của Luật Sở hữu trí tuệ;

(ii) Thỏa thuận, văn bản xác nhận người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu và không phản đối việc đăng ký nhãn hiệu của người tiến hành hoạt động thương mại sản phẩm của người sản xuất theo quy định tại khoản 2 Điều 87 của Luật Sở hữu trí tuệ;

(iii) Quyết định hoặc giấy phép thành lập, điều lệ tổ chức xác nhận chức năng, thẩm quyền quản lý nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận chất lượng, nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 87 của Luật Sở hữu trí tuệ;

(iv) Thỏa thuận, giấy đăng ký kinh doanh, tài liệu liên quan đến việc đăng ký nhãn hiệu của các đồng chủ sở hữu theo quy định tại khoản 5 Điều 87 của Luật Sở hữu trí tuệ;

(v) Tài liệu xác nhận người nộp đơn thụ hưởng quyền đăng ký nhãn hiệu từ người khác theo quy định tại khoản 6 Điều 87 của Luật Sở hữu trí tuệ;

(vi) Thỏa thuận, văn bản đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu xác nhận quyền đăng ký nhãn hiệu của người đại diện, đại lý theo quy định tại khoản 7 Điều 87 của Luật Sở hữu trí tuệ và Điều 6septies của Công ước Paris.

b) Tài liệu chứng minh tư cách đại diện của người nộp đơn: văn bản ủy quyền gốc của người nộp đơn; giấy tờ xác nhận đại diện của người nộp đơn là người đại diện theo pháp luật của tổ chức đăng ký nhãn hiệu hoặc là người được người đó ủy quyền; giấy tờ xác nhận người được ủy quyền của người nộp đơn đáp ứng các yêu cầu để đứng tên đại diện của người nộp đơn theo quy định tại Điều 4 của Thông tư này;

c) Tài liệu chứng minh quyền sử dụng hoặc đăng ký nhãn hiệu chứa các dấu hiệu đặc biệt theo quy định tại khoản 2, 4khoản 7 Điều 73, điểm p khoản 2 Điều 74 của Luật Sở hữu trí tuệ; tài liệu chứng minh việc sử dụng trên nhãn hiệu chỉ dẫn thương mại, chỉ dẫn xuất xứ, giải thưởng, huy chương hoặc ký hiệu đặc trưng của một loại sản phẩm nhất định không làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch, nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng;

d) Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên;

đ) Tài liệu để chứng minh về chức năng kiểm soát, chứng nhận của tổ chức đăng ký nhãn hiệu chứng nhận;

e) Thông tin cần thiết để làm rõ hoặc khẳng định các nội dung nêu trong quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận hoặc trong các tài liệu đơn khác;

g) Tài liệu khác thích hợp để làm rõ tính xác thực của thông tin trong đơn.

4. Tổ chức có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể theo quy định tại khoản 3 Điều 87 của Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm:

a) Liên minh hợp tác xã; các hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã, nếu thành viên có hoạt động sản xuất, kinh doanh độc lập;

b) Hội theo quy định của pháp luật về hội, nếu thành viên của hội có hoạt động sản xuất, kinh doanh độc lập;

c) Tổ chức tập thể khác có từ 02 thành viên trở lên được thành lập theo quy định của pháp luật, trong đó các thành viên của tổ chức đó có hoạt động sản xuất, kinh doanh độc lập, có hàng hóa hoặc dịch vụ riêng.

5. Tổ chức có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận theo quy định tại khoản 4 Điều 87 của Luật Sở hữu trí tuệ là tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận đặc tính (chất lượng, nguồn gốc v.v.) của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu, là tổ chức mà hoạt động kiểm soát, chứng nhận nêu trên do chính tổ chức đó thực hiện hoặc giao, thuê, ủy quyền v.v. cho tổ chức khác thực hiện phù hợp với chức năng mà pháp luật quy định, hoặc được ghi nhận trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, điều lệ, quyết định thành lập, quyết định giao nhiệm vụ v.v. của tổ chức đó.

6. Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể và quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận phải có các nội dung tương ứng quy định tại khoản 4 và 5 Điều 105 của Luật Sở hữu trí tuệ. Người nộp đơn có trách nhiệm bảo đảm các thông tin nêu trong quy chế phù hợp với quy định của pháp luật liên quan.

7. Tài liệu chứng minh việc cho phép đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có chứa địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam theo quy định tại khoản 3 và 4 Điều 87 của Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm văn bản cho phép sử dụng phù hợp với quy định tại điểm a và bản đồ khu vực địa lý tương ứng phù hợp với quy định tại điểm b của khoản này.

a) Văn bản cho phép sử dụng địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương để đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có chứa yếu tố đó, do cơ quan có thẩm quyền sau đây cấp:

(i) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có khu vực địa lý tương ứng với địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ dẫn nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương (trong trường hợp khu vực địa lý thuộc một địa phương);

(ii) Tất cả các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có khu vực địa lý tương ứng với địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ dẫn nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương (trong trường hợp khu vực địa lý thuộc nhiều địa phương).

b) Bản đồ khu vực địa lý tương ứng với địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ dẫn nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương phải thể hiện đầy đủ thông tin tới mức có thể xác định chính xác vùng địa lý đó và phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền nêu tại điểm a khoản này.

8. Việc xác định địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của sản phẩm được thực hiện theo các tiêu chí sau đây:

a) Dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của sản phẩm là dấu hiệu dùng cho sản phẩm của địa phương và có ý nghĩa chỉ dẫn nguồn gốc địa lý của sản phẩm (chỉ dẫn rằng sản phẩm có nguồn gốc từ địa phương đó).

Dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của sản phẩm là địa danh, hoặc dấu hiệu biểu trưng của địa phương (hình ảnh các sự vật tiêu biểu của địa phương, như biểu tượng, bản đồ, cờ, huy hiệu, thắng cảnh, công trình đặc biệt của địa phương, v.v.), hoặc có thể là bất kỳ dấu hiệu nào khác.

Địa danh có thể là tên gọi hiện hành hay tên gọi trong lịch sử hoặc tên gọi chính thức hoặc tên gọi dân gian của một khu vực địa lý đang được sử dụng để thay thế cho địa danh hiện hành hoặc được biết đến rộng rãi (xác định theo địa giới hành chính hay các phương thức địa lý học).

b) Một địa danh, dấu hiệu biểu trưng của địa phương sử dụng cho sản phẩm thông thường (không phải là đặc sản) có thể có hoặc không có ý nghĩa chỉ dẫn nguồn gốc địa lý của sản phẩm, tùy thuộc vào sản phẩm và thực tế sử dụng địa danh, dấu hiệu biểu trưng của địa phương.

c) Địa danh, dấu hiệu biểu trưng của địa phương có ý nghĩa chỉ dẫn nguồn gốc địa lý của sản phẩm trong các trường hợp sau đây:

(i) Dùng cho đặc sản của địa phương (sản phẩm đặc biệt, có danh tiếng nhờ những đặc trưng nhất định, được sản xuất tại địa phương);

(ii) Dùng cho cây trồng, vật nuôi đặc trưng của địa phương và các sản phẩm chế biến từ cây trồng, vật nuôi đó;

(iii) Dùng cho sản phẩm khai thác nguyên liệu thiên nhiên (than, sắt, thép, nhôm, xi măng, đá, muối, gỗ, v.v.) ở địa phương;

(iv) Dùng cho những sản phẩm thuộc các ngành công nghiệp phát triển ở địa phương;

(v) Dùng cho các dịch vụ đặc thù (dịch vụ có danh tiếng gắn với đặc trưng nhất định tại địa phương;

(vi) Các trường hợp khác được xác định theo sản phẩm và thực tế sử dụng địa danh, dấu hiệu biểu trưng của địa phương cho sản phẩm.

d) Địa danh, dấu hiệu biểu trưng của địa phương không có ý nghĩa chỉ dẫn nguồn gốc địa lý của sản phẩm trong các trường hợp sau đây:

(i) Đã được sử dụng với chức năng nhãn hiệu thông thường và được thừa nhận rộng rãi, tức là đạt được ý nghĩa chỉ dẫn nguồn gốc thương mại (khả năng phân biệt) và mất ý nghĩa mô tả nguồn gốc địa lý, ví dụ: bia Hà Nội, bia Sài Gòn;

(ii) Địa phương tương ứng không thể là nơi sản phẩm được sản xuất, ví dụ: thuốc lá Bắc Cực, v.v.

Những địa danh, dấu hiệu biểu trưng của địa phương mà không có ý nghĩa chỉ dẫn nguồn gốc địa lý của sản phẩm có thể được bảo hộ như nhãn hiệu thông thường, không cần sự cho phép của chính quyền địa phương.

đ) Địa danh, dấu hiệu biểu trưng của địa phương thuộc kiến thức địa lý phổ thông được nhiều người biết đến (ví dụ: tên các tỉnh, thành phố, các danh lam, thắng cảnh) dùng cho sản phẩm thông thường của địa phương (kể cả sản phẩm mà địa phương có lợi thế kinh doanh nhưng chưa có danh tiếng, đặc trưng về chất lượng), được nhiều chủ thể kinh doanh ở địa phương sử dụng cho hàng hóa, dịch vụ của mình có ý nghĩa mô tả địa điểm sản xuất (nhưng không có đủ căn cứ để xếp vào các trường hợp theo quy định tại điểm c và d khoản này) là dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu nhưng có thể được sử dụng làm một yếu tố phụ cấu thành nhãn hiệu thông thường của các tổ chức, cá nhân ở địa phương tương ứng, với điều kiện địa danh đó bị loại trừ khỏi phạm vi bảo hộ (không bảo hộ riêng) và không phải xin phép chính quyền địa phương.

Điều 25. Thẩm định hình thức, công bố đơn đăng ký nhãn hiệu

1. Việc thẩm định hình thức, công bố đơn đăng ký nhãn hiệu được thực hiện theo thủ tục chung quy định tại Điều 9 và 10 của Thông tư này.

2. Việc thẩm định hình thức đơn đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể không bao gồm việc đánh giá các đặc tính cụ thể của hàng hóa, dịch vụ được chứng nhận bởi nhãn hiệu, phương pháp đánh giá các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ và phương pháp kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu, chi phí mà người sử dụng nhãn hiệu phải trả cho việc chứng nhận, bảo vệ nhãn hiệu (nếu có) và điều kiện để sử dụng nhãn hiệu, biện pháp xử lý hành vi vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu được nêu trong quy chế sử dụng các nhãn hiệu đó.

Điều 26. Thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu

1. Việc thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu được tiến hành theo trình tự chung quy định tại Điều 12 của Thông tư này và theo quy định riêng tại Điều này.

2. Đánh giá sự phù hợp giữa đối tượng nêu trong đơn đăng ký nhãn hiệu và yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu được thực hiện như sau:

a) Theo quy định tại khoản 1 Điều 72 của Luật Sở hữu trí tuệ, dấu hiệu được đăng ký với danh nghĩa là nhãn hiệu phải là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, chữ số, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp giữa các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc một số màu sắc nhất định hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa.

b) Các loại dấu hiệu sau đây không được bảo hộ làm nhãn hiệu:

(i) Dấu hiệu chỉ là màu sắc mà không được kết hợp với dấu hiệu chữ (dấu hiệu dạng chữ viết, chữ số) hoặc dấu hiệu hình hoặc không được thể hiện thành dạng dấu hiệu chữ hoặc dấu hiệu hình; hoặc dấu hiệu âm thanh không thể hiện được dưới dạng đồ họa;

(ii) Dấu hiệu thuộc đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa là nhãn hiệu theo quy định tại Điều 73 của Luật Sở hữu trí tuệ;

(iii) Dấu hiệu trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh theo quy định tại Điều 8 của Luật Sở hữu trí tuệ.

3. Đánh giá khả năng phân biệt của dấu hiệu chữ theo quy định tại khoản 2 Điều 74 của Luật Sở hữu trí tuệ.

Trừ các trường hợp ngoại lệ quy định tại khoản 5 Điều này, các dấu hiệu chữ sau đây bị coi là không có khả năng phân biệt:

a) Ký tự thuộc ngôn ngữ mà người tiêu dùng Việt Nam có hiểu biết thông thường không thể nhận biết và ghi nhớ được (không đọc được, không hiểu được, không nhớ được) như ký tự không có nguồn gốc La-tinh: chữ Ả-rập, chữ Slavơ, chữ Phạn, chữ Trung Quốc, chữ Nhật, chữ Triều Tiên, chữ Thái v.v.; trừ khi ký tự thuộc ngôn ngữ trên đi kèm với các thành phần khác tạo nên tổng thể có khả năng phân biệt hoặc được trình bày dưới dạng đồ họa hoặc dạng đặc biệt khác;

b) Ký tự có nguồn gốc La-tinh nhưng chỉ bao gồm một chữ cái hoặc chỉ bao gồm chữ số hoặc mặc dù có hai chữ cái nhưng không thể đọc được như một từ - kể cả khi có kèm theo chữ số trừ trường hợp các dấu hiệu đó được trình bày dưới dạng đồ họa hoặc dạng đặc biệt khác;

c) Một tập hợp quá nhiều chữ cái hoặc từ ngữ khiến cho không thể nhận biết và ghi nhớ được như một dãy quá nhiều ký tự không được sắp xếp theo một trật tự, quy luật xác định hoặc một văn bản, một đoạn văn bản;

d) Ký tự có nguồn gốc La-tinh nhưng là một từ có nghĩa và nghĩa của từ đó đã được sử dụng nhiều và thông dụng tại Việt Nam trong lĩnh vực liên quan đến mức bị mất khả năng phân biệt;

đ) Một từ hoặc một tập hợp từ được sử dụng tại Việt Nam như tên gọi thông thường của chính hàng hóa, dịch vụ liên quan;

e) Một từ hoặc một tập hợp từ mang nội dung mô tả chính hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu như dấu hiệu chỉ dẫn về thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị của hàng hóa, dịch vụ;

g) Một từ hoặc một tập hợp từ mang nội dung mô tả chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ;

h) Một từ hoặc một tập hợp từ có ý nghĩa mô tả hình thức pháp lý, lĩnh vực kinh doanh của chủ nhãn hiệu;

i) Dấu hiệu chữ trùng hoặc tương tự với một trong các đối tượng thuộc phạm vi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại các điểm e, g, h, i, k, l, m, o, p khoản 2 Điều 74 của Luật Sở hữu trí tuệ.

4. Đánh giá khả năng phân biệt của dấu hiệu hình (bao gồm dấu hiệu hình ảnh, hình vẽ, hình dạng v.v.) theo quy định tại khoản 2 Điều 74 của Luật Sở hữu trí tuệ được thực hiện như sau:

Trừ các trường hợp ngoại lệ quy định tại khoản 5 Điều này, dấu hiệu hình bị coi là không có khả năng phân biệt, nếu:

a) Dấu hiệu hình là hình phổ thông như hình tròn, hình elip, tam giác, tứ giác v.v. hoặc hình vẽ đơn giản; hình vẽ, hình ảnh chỉ được sử dụng làm nền hoặc đường nét trang trí sản phẩm, bao bì sản phẩm;

b) Dấu hiệu hình quá rắc rối phức tạp khiến cho người tiêu dùng không dễ nhận thức và không dễ ghi nhớ được đặc điểm của hình như gồm quá nhiều hình ảnh, đường nét kết hợp hoặc chồng lên nhau;

c) Hình vẽ, hình ảnh, biểu tượng, dấu hiệu tượng trưng, hình dạng thông thường của hàng hóa hoặc một phần của hàng hóa, hình dạng thông thường của bao bì hoặc vật chứa hàng hóa đã được sử dụng thường xuyên và thừa nhận rộng rãi;

d) Dấu hiệu hình mang tính mô tả chính hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu như địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu, hoặc dấu hiệu làm gia tăng giá trị đáng kể cho hàng hóa;

đ) Hình vẽ, hình ảnh mang tính mô tả về nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ;

e) Dấu hiệu hình trùng hoặc không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp đã hoặc đang được bảo hộ của người khác;

g) Dấu hiệu hình trùng hoặc tương tự với đối tượng thuộc phạm vi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại các điểm e, g, h, i, l, mp khoản 2 Điều 74 của Luật Sở hữu trí tuệ.

5. Ngoại lệ được áp dụng khi đánh giá khả năng phân biệt của dấu hiệu chữ và dấu hiệu hình:

a) Dấu hiệu thuộc các trường hợp nêu tại các điểm a, b, c, e, g khoản 3 Điều này và các điểm a, b, d, đ khoản 4 Điều này đã và đang được sử dụng với chức năng nhãn hiệu và được người tiêu dùng thừa nhận một cách rộng rãi về việc dấu hiệu đã đạt được khả năng phân biệt đối với hàng hóa, dịch vụ liên quan trước ngày nộp đơn. Để được áp dụng các ngoại lệ theo quy định tại khoản này, người nộp đơn phải cung cấp bằng chứng về việc sử dụng một cách rộng rãi dấu hiệu đó với chức năng nhãn hiệu (số lượng người tiêu dùng liên quan biết đến, thời gian bắt đầu sử dụng, phạm vi, mức độ sử dụng trước ngày nộp đơn, doanh số từ việc bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ v.v.) và do đó dấu hiệu có khả năng phân biệt đối với hàng hóa, dịch vụ liên quan của người nộp đơn. Trong trường hợp này, dấu hiệu phải được sử dụng liên tục và phổ biến trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, quảng cáo, tiếp thị hợp pháp ở dạng như thể hiện trong đơn đăng ký.

b) Dấu hiệu nêu tại điểm g khoản 3, điểm đ khoản 4 Điều này được đăng ký là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý của hàng hóa hoặc dịch vụ hoặc nhãn hiệu tập thể.

6. Đánh giá khả năng phân biệt của dấu hiệu kết hợp giữa dấu hiệu chữ và dấu hiệu hình (sau đây gọi là “dấu hiệu kết hợp”) được thực hiện như sau:

Một dấu hiệu kết hợp được coi là có khả năng phân biệt khi dấu hiệu chữ và dấu hiệu hình kết hợp thành một tổng thể có khả năng phân biệt, cụ thể:

a) Dấu hiệu chữ và dấu hiệu hình đều có khả năng phân biệt và tạo thành tổng thể có khả năng phân biệt;

b) Thành phần mạnh của nhãn hiệu (yếu tố tác động mạnh vào cảm giác người tiêu dùng, gây chú ý và ấn tượng về nhãn hiệu khi quan sát) là dấu hiệu chữ hoặc dấu hiệu hình có khả năng phân biệt, mặc dù thành phần còn lại không có hoặc ít có khả năng phân biệt;

c) Trường hợp dấu hiệu kết hợp gồm các dấu hiệu chữ và dấu hiệu hình không có hoặc ít có khả năng phân biệt nhưng cách thức kết hợp độc đáo của các dấu hiệu đó tạo ra một ấn tượng riêng biệt thì tổng thể kết hợp đó vẫn được coi là có khả năng phân biệt;

d) Dấu hiệu kết hợp gồm các thành phần chữ và hình không có hoặc ít có khả năng phân biệt nhưng tổng thể kết hợp đó đã đạt được khả năng phân biệt qua quá trình sử dụng theo quy định tại khoản 5 Điều này.

7. Nguồn thông tin tối thiểu bảo đảm phù hợp với quy định sau đây:

a) Để đánh giá khả năng gây nhầm lẫn của dấu hiệu nêu trong đơn, ít nhất Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành tra cứu trong nguồn thông tin tối thiểu sau đây:

(i) Các đơn đăng ký nhãn hiệu đã được nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đang được thẩm định và các đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu có chỉ định Việt Nam mà Cục Sở hữu trí tuệ đã được Văn phòng quốc tế thông báo với ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đang được thẩm định cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự;

(ii) Các nhãn hiệu được bảo hộ hoặc thừa nhận bảo hộ đang còn hiệu lực tại Việt Nam (kể cả các nhãn hiệu nổi tiếng) dùng cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc có liên quan;

(iii) Các nhãn hiệu được bảo hộ đã chấm dứt hiệu lực trong thời hạn chưa quá 3 năm, trừ trường hợp nhãn hiệu bị chấm dứt hiệu lực vì lý do không sử dụng theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 95 của Luật Sở hữu trí tuệ, dùng cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự;

(iv) Các chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam;

(v) Địa danh, biểu tượng hoặc dấu hiệu khác chỉ dẫn nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ; tên địa lý, các loại dấu chất lượng, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế; quốc kỳ, quốc huy, quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và của các nước, quốc tế ca; cờ, tên, biểu tượng của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Việt Nam và thế giới; tên và hình ảnh lãnh tụ, anh hùng dân tộc, tên và hình ảnh danh nhân Việt Nam và nước ngoài v.v. mà Cục Sở hữu trí tuệ sưu tầm và lưu giữ.

b) Trong trường hợp cần thiết, Cục Sở hữu trí tuệ có thể tra cứu các nguồn thông tin tham khảo ngoài nguồn thông tin tối thiểu nêu tại điểm a khoản này, như các đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, tên thương mại, danh mục giống cây trồng được bảo hộ tại Việt Nam, v.v.;

8. Việc đánh giá sự tương tự đến mức gây nhầm lẫn của dấu hiệu yêu cầu đăng ký với nhãn hiệu khác được thực hiện như sau:

a) Để đánh giá dấu hiệu yêu cầu đăng ký nêu trong đơn có trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với một nhãn hiệu khác (sau đây gọi là “nhãn hiệu đối chứng”) hay không, cần phải so sánh về cách phát âm, ý nghĩa (đối với dấu hiệu chữ), cấu tạo và cách thức thể hiện của dấu hiệu (đối với cả dấu hiệu chữ và dấu hiệu hình) theo quy định tại các điểm b và c khoản này, đồng thời phải tiến hành so sánh hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu với hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đối chứng theo quy định tại khoản 9 Điều này.

b) Dấu hiệu trùng với nhãn hiệu đối chứng: dấu hiệu bị coi là trùng với nhãn hiệu đối chứng nếu dấu hiệu đó giống hệt nhãn hiệu đối chứng về cấu tạo và cách thức thể hiện.

c) Dấu hiệu bị coi là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đối chứng nếu:

(i) Dấu hiệu đó gần giống với nhãn hiệu đối chứng về cấu tạo hoặc/và cách phát âm hoặc/và ý nghĩa hoặc/và hình thức thể hiện đến mức làm cho người tiêu dùng tưởng lầm rằng hai đối tượng đó là một hoặc đối tượng này là biến thể của đối tượng kia hoặc hai đối tượng đó có cùng một nguồn gốc;

(ii) Dấu hiệu chỉ là bản phiên âm hoặc dịch nghĩa từ nhãn hiệu đối chứng nếu nhãn hiệu đối chứng là nhãn hiệu nổi tiếng.

9. Việc đánh giá sự tương tự của hàng hóa, dịch vụ được thực hiện như sau:

a) Hai hàng hoá hoặc hai dịch vụ bị coi là trùng nhau (cùng loại) khi hai hàng hoá hoặc hai dịch vụ đó có các đặc điểm sau đây:

(i) Có cùng bản chất (thành phần, cấu tạo v.v.) và cùng chức năng, mục đích sử dụng; hoặc

(ii) Có bản chất gần giống nhau và cùng chức năng, mục đích sử dụng;

b) Hai hàng hóa hoặc hai dịch vụ bị coi là tương tự nhau nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

(i) Tương tự nhau về bản chất và được đưa ra thị trường theo cùng một kênh thương mại (phân phối theo cùng một phương thức, được bán cùng nhau hoặc cạnh nhau, trong cùng một loại cửa hàng, công chúng có liên quan/người tiêu dùng có liên quan v.v.);

(ii) Tương tự nhau về chức năng, mục đích sử dụng và được đưa ra thị trường theo cùng một kênh thương mại (phân phối theo cùng một phương thức, được bán cùng nhau hoặc cạnh nhau, trong cùng một loại cửa hàng, công chúng có liên quan/người tiêu dùng có liên quan v.v.).

c) Một hàng hóa và một dịch vụ bị coi là tương tự nhau nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

(i) Giữa chúng có mối liên quan với nhau về bản chất (hàng hóa, dịch vụ hoặc nguyên liệu, bộ phận của hàng hóa, dịch vụ này được cấu thành từ hàng hóa, dịch vụ kia); hoặc

(ii) Giữa chúng có mối liên quan với nhau về chức năng (để hoàn thành chức năng của hàng hóa, dịch vụ này phải sử dụng hàng hóa, dịch vụ kia hoặc chúng thường được sử dụng cùng nhau); hoặc

(iii) Giữa chúng có mối liên quan chặt chẽ với nhau về phương thức thực hiện (hàng hóa, dịch vụ này là kết quả của việc sử dụng, khai thác hàng hóa, dịch vụ kia v.v.).

10. Dấu hiệu bị coi là trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đối chứng dùng cho hàng hóa trùng hoặc tương tự trong các trường hợp sau đây:

a) Dấu hiệu trùng với nhãn hiệu đối chứng và hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu trùng hoặc tương tự với hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đối chứng;

b) Dấu hiệu tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đối chứng và hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu trùng hoặc tương tự với hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đối chứng và có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng;

c) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu đối chứng là nhãn hiệu nổi tiếng và hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu tuy không trùng, không tương tự với hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đó, nhưng việc sử dụng dấu hiệu làm nhãn hiệu có thể làm cho người tiêu dùng lầm tưởng rằng có tồn tại mối quan hệ giữa hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng, có khả năng thực tế làm suy giảm khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng hoặc tổn hại đến uy tín của nhãn hiệu nổi tiếng.

11. Việc thẩm định khả năng gây nhầm lẫn khác của dấu hiệu được thực hiện theo quy định tại Điều 73 và khoản 2 Điều 74 của Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định cụ thể sau đây:

a) Dấu hiệu bị coi là gây nhầm lẫn về nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa, dịch vụ trong các trường hợp:

(i) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên gọi, biểu tượng của một quốc gia, của một vùng lãnh thổ (quốc kỳ, quốc huy, quốc hiệu, tên nước, tên địa phương v.v.) gây nên sự lầm tưởng rằng hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu có nguồn gốc từ nước, vùng đó nhưng thực sự có nguồn gốc từ nước, vùng khác;

(ii) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về nguồn gốc địa lý của hàng hóa; dấu hiệu trùng với chỉ dẫn địa lý hoặc có chứa chỉ dẫn địa lý hoặc được dịch nghĩa, phiên âm từ chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ cho rượu vang, rượu mạnh, nếu dấu hiệu yêu cầu đăng ký làm nhãn hiệu cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó;

(iii) Dấu hiệu là từ ngữ trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng một cách hợp pháp cho cùng loại hàng hóa, dịch vụ và có khả năng làm cho người tiêu dùng lầm tưởng rằng hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu là do người có tên thương mại nêu trên sản xuất, thực hiện;

(iv) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam và nước ngoài; dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên gọi hoặc hình ảnh nhân vật, hình tượng đặc trưng của tác phẩm đã biết đến một cách rộng rãi, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có khả năng làm cho người tiêu dùng lầm tưởng rằng hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu là do chủ sở hữu tác phẩm đó sản xuất, thực hiện;

(v) Dấu hiệu trùng hoặc không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp của người khác đã và đang được bảo hộ trên cơ sở đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn so với ngày nộp đơn, ngày ưu tiên của đơn đăng ký nhãn hiệu.

b) Trong các trường hợp sau đây, dấu hiệu bị coi là có khả năng gây nhầm lẫn hoặc hiểu sai lệch về bản chất, giá trị của hàng hóa, dịch vụ:

(i) Dấu hiệu là từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, ký hiệu v.v. gây nên ấn tượng sai lệch về tính năng, công dụng của hàng hóa, dịch vụ như dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu hoặc với một dấu hiệu khác được sử dụng rộng rãi đến mức được coi là gắn liền với một chức năng, công dụng của một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định, khiến cho người tiêu dùng lầm tưởng rằng hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu cũng có tính năng, công dụng đó;

(ii) Dấu hiệu là từ ngữ, hình ảnh gây ấn tượng sai lệch về thành phần, cấu tạo của hàng hóa, dịch vụ như mô tả hàng hóa, dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu gây nên ấn tượng sai lệch rằng hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu được tạo thành từ hoặc có bản chất như hàng hóa, dịch vụ được mô tả.

12. Đối với những đơn đăng ký nhãn hiệu đã được kết luận là đáp ứng điều kiện bảo hộ, trước khi ra thông báo kết quả thẩm định nội dung với dự định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu theo quy định tại điểm c, d, tiết (ii) điểm e khoản 13 của Điều này, Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành kiểm tra để bảo đảm nguyên tắc nộp đơn đầu tiên quy định tại khoản 2khoản 3 Điều 90 của Luật Sở hữu trí tuệ theo quy định sau đây:

a) Để kiểm tra nguyên tắc nộp đơn đầu tiên, phải tiến hành tra cứu tất cả các đơn đăng ký nhãn hiệu đã được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận (tính đến thời điểm kiểm tra) có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên (nếu đơn được hưởng quyền ưu tiên) sớm hơn ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên (nếu đơn được hưởng quyền ưu tiên) của đơn đang được thẩm định;

b) Việc tra cứu là để tìm ra trường hợp có nhiều đơn (kể cả đơn đang được thẩm định) của nhiều người khác nhau đăng ký các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhau dùng cho các hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự với nhau, hoặc có nhiều đơn của cùng một người đăng ký các nhãn hiệu trùng nhau dùng cho các hàng hóa, dịch vụ trùng nhau; và xác định đơn có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm nhất;

c) Nếu có nhiều đơn thuộc trường hợp nêu tại điểm b khoản này thì Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chỉ được cấp cho nhãn hiệu trong đơn hợp lệ có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ;

d) Trong số các đơn thuộc trường hợp nêu tại điểm b khoản này, nếu có nhiều đơn cùng có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm nhất thì Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chỉ được cấp cho nhãn hiệu của một đơn duy nhất trong số các đơn đó theo thỏa thuận của tất cả những người nộp đơn; nếu không thỏa thuận được thì tất cả đối tượng tương ứng của các đơn đó đều bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ.

13. Trước ngày kết thúc thời hạn thẩm định nội dung đơn quy định tại khoản 4 Điều 12 của Thông tư này, Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện các công việc sau đây:

a) Nếu đối tượng yêu cầu bảo hộ nêu trong đơn không đáp ứng điều kiện bảo hộ hoặc thuộc các trường hợp nêu tại Điều 117 của Luật Sở hữu trí tuệ hoặc đáp ứng điều kiện bảo hộ nhưng đơn còn có thiếu sót, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo kết quả thẩm định nội dung, trong đó nêu rõ dự định từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, lý do từ chối hoặc thiếu sót của đơn và ấn định thời hạn 03 tháng kể từ ngày ra thông báo để người nộp đơn có ý kiến;

b) Nếu người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc có ý kiến phản đối nhưng không xác đáng trong thời hạn quy định tại điểm a khoản này thì Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn nêu tại điểm a khoản này.

c) Nếu đối tượng yêu cầu bảo hộ nêu trong đơn đáp ứng điều kiện bảo hộ hoặc người nộp đơn đã sửa chữa thiếu sót đạt yêu cầu hoặc có ý kiến giải trình xác đáng toàn bộ hoặc một phần kết quả thẩm định nội dung trong thời hạn quy định tại điểm a khoản này, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo kết quả thẩm định nội dung đơn, trong đó nêu dự định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với toàn bộ hoặc phần đáp ứng điều kiện bảo hộ và ấn định thời hạn 03 tháng kể từ ngày ra thông báo để người nộp đơn nộp lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, phí công bố quyết định cấp, phí đăng bạ quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

d) Nếu đối tượng yêu cầu bảo hộ nêu trong đơn có một phần (tính theo nhóm sản phẩm/dịch vụ) không đáp ứng các điều kiện bảo hộ (hoặc không được bảo hộ riêng), Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo kết quả thẩm định nội dung, trong đó nêu rõ dự định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với phần đáp ứng, lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và các khoản phí, lệ phí khác theo quy định mà người nộp đơn phải nộp trong trường hợp đồng ý với toàn bộ kết quả thẩm định nội dung đơn, lý do từ chối cấp cho phần còn lại (hoặc phần không bảo hộ riêng), đồng thời ấn định thời hạn 03 tháng kể từ ngày ra thông báo để người nộp đơn có ý kiến bằng văn bản (đồng ý hoặc giải trình kết quả thẩm định nội dung);

đ) Nếu kết thúc thời hạn quy định tại điểm d khoản này mà người nộp đơn không có ý kiến hoặc không có văn bản đồng ý và nộp phí, lệ phí theo quy định thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn nêu trên, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

e) Nếu kết thúc thời hạn quy định tại điểm d khoản này mà người nộp đơn có ý kiến bằng văn bản, Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện như sau:

(i) Đối với trường hợp người nộp đơn giải trình xác đáng toàn bộ kết quả thẩm định nội dung, thông báo kết quả thẩm định nội dung với dự định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và ấn định thời hạn 03 tháng kể từ ngày ra thông báo để người nộp đơn nộp lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, phí công bố và phí đăng bạ quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu;

(ii) Đối với trường hợp người nộp đơn có ý kiến giải trình nhưng không xác đáng hoặc giải trình xác đáng một phần kết quả thẩm định nội dung, thông báo kết quả thẩm định nội dung với dự định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với phần đáp ứng điều kiện bảo hộ, lý do từ chối cấp cho phần còn lại (hoặc phần không bảo hộ riêng), và ấn định thời hạn 03 tháng kể từ ngày ra thông báo để người nộp đơn nộp lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, phí công bố và phí đăng bạ quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

g) Nếu người nộp đơn không nộp đủ lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, phí công bố và phí đăng bạ quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu trong thời hạn quy định tại điểm c và điểm e khoản này thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn tương ứng, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

h) Đối với các trường hợp nêu tại điểm c, điểm d, điểm e khoản này, nếu người nộp đơn nộp đầy đủ và đúng hạn các loại phí, lệ phí theo quy định thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn tương ứng, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu theo quy định tại tiết (ii) điểm e khoản này phải nêu rõ lý do từ chối cấp đối với phần bị từ chối tương ứng.

Điều 27. Ghi nhận nhãn hiệu nổi tiếng

1. Các nhãn hiệu nổi tiếng được pháp luật Việt Nam bảo hộ theo quy định tại Điều 75 của Luật Sở hữu trí tuệ và phù hợp với quy định tại Điều 6bis Công ước Paris.

2. Quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ và thuộc về chủ sở hữu nhãn hiệu đó mà không cần thủ tục đăng ký. Chủ sở hữu nhãn hiệu có thể sử dụng các tài liệu quy định tại khoản 3 Điều này để chứng minh quyền sở hữu của mình đối với nhãn hiệu và chứng minh nhãn hiệu đáp ứng các điều kiện để được coi là nổi tiếng.

3. Tài liệu chứng minh quyền sở hữu nhãn hiệu và chứng minh sự nổi tiếng của nhãn hiệu có thể bao gồm các thông tin về phạm vi, quy mô, mức độ, tính liên tục của việc sử dụng nhãn hiệu, trong đó có thuyết minh về nguồn gốc, lịch sử, thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu; số lượng quốc gia nhãn hiệu đã được đăng ký hoặc được thừa nhận là nhãn hiệu nổi tiếng; danh mục các loại hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu; phạm vi lãnh thổ mà nhãn hiệu được lưu hành, doanh số bán sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ; số lượng hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được sản xuất, tiêu thụ; giá trị tài sản của nhãn hiệu, giá chuyển nhượng hoặc chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu; đầu tư, chi phí cho quảng cáo, tiếp thị nhãn hiệu, kể cả cho việc tham gia các cuộc triển lãm quốc gia và quốc tế; các vụ việc xâm phạm, tranh chấp và các quyết định, phán quyết của tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền; số liệu khảo sát người tiêu dùng biết đến nhãn hiệu thông qua mua bán, sử dụng và quảng cáo, tiếp thị; xếp hạng, đánh giá uy tín nhãn hiệu của tổ chức quốc gia, quốc tế, phương tiện thông tin đại chúng; giải thưởng, huy chương mà nhãn hiệu đã đạt được; kết quả giám định của tổ chức giám định về sở hữu trí tuệ.

4. Trường hợp nhãn hiệu nổi tiếng được công nhận dẫn đến quyết định xử lý xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng đó theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 129 của Luật Sở hữu trí tuệ hoặc dẫn đến quyết định không bảo hộ nhãn hiệu khác theo quy định tại điểm i khoản 2 Điều 74 của Luật Sở hữu trí tuệ thì nhãn hiệu nổi tiếng đó sẽ được ghi nhận vào Danh mục nhãn hiệu nổi tiếng được lưu giữ tại Cục Sở hữu trí tuệ để làm thông tin tham khảo phục vụ công tác xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Mục 6. ĐƠN VÀ XỬ LÝ ĐƠN ĐĂNG KÝ CHỈ DẪN ĐỊA LÝ

Điều 28. Yêu cầu đối với đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý

Đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 100, 101, 106 của Luật Sở hữu trí tuệ, Phụ lục I của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP.

Điều 29. Thẩm định hình thức, công bố đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý

Việc thẩm định hình thức, công bố đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý được thực hiện theo thủ tục chung quy định tại Điều 9 và 10 của Thông tư này.

Điều 30. Thẩm định nội dung đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý

1. Việc thẩm định nội dung đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý được tiến hành theo trình tự chung quy định tại Điều 12 của Thông tư này và các quy định cụ thể tại Điều này.

2. Đánh giá sự phù hợp giữa đối tượng nêu trong đơn và Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý được thực hiện như sau:

Đối tượng nêu trong đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý bị coi là không phù hợp với loại văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nếu đối tượng đó không phải là dấu hiệu nhìn thấy được dùng để chỉ nguồn gốc địa lý của sản phẩm từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể theo quy định tại khoản 22 Điều 4 của Luật Sở hữu trí tuệ.

3. Nguồn thông tin tối thiểu trong thẩm định nội dung đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý bao gồm:

a) Các nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam cho sản phẩm trùng hoặc tương tự với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, với ngày bắt đầu được bảo hộ sớm hơn ngày nộp đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý, kể cả các nhãn hiệu được bảo hộ theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;

b) Các nhãn hiệu trong đơn đăng ký nhãn hiệu có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn tại Việt Nam cho sản phẩm trùng hoặc tương tự với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý;

c) Các nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ ghi nhận là nhãn hiệu nổi tiếng.

d) Các chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam cho sản phẩm trùng với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.

4. Đánh giá chỉ dẫn địa lý theo các điều kiện bảo hộ được thực hiện theo các quy định sau đây:

a) Đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện quy định tại Điều 79 của Luật Sở hữu trí tuệ và không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 80 của Luật Sở hữu trí tuệ, cụ thể là phải chứng minh được đầy đủ các điều kiện:

(i) Tồn tại một vùng địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý nêu trong đơn;

(ii) Sản phẩm có nguồn gốc từ vùng địa lý nêu trên;

(iii) Sản phẩm đó có tính chất/chất lượng đặc thù và/hoặc danh tiếng quyết định bởi điều kiện địa lý của vùng địa lý nêu trên theo quy định tại Điều 82 của Luật Sở hữu trí tuệ;

b) Chỉ dẫn địa lý gây hiểu sai lệch cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý thực của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó theo quy định tại khoản 4 Điều 80 của Luật Sở hữu trí tuệ khi bị coi là trùng hoặc tương tự tới mức không thể phân biệt với một dấu hiệu đang được người tiêu dùng Việt Nam biết đến với danh nghĩa là chỉ dẫn nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ.

Dấu hiệu được coi là chỉ dẫn nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ được áp dụng tương tự theo quy định tại khoản 8 Điều 27 của Thông tư này.

c) Việc đánh giá chỉ dẫn địa lý theo các điều kiện bảo hộ nêu tại các điểm a và b khoản này được thực hiện trên cơ sở các thông tin do người nộp đơn cung cấp và trên cơ sở các thông tin tìm thấy được từ nguồn thông tin tối thiểu quy định tại khoản 3 Điều này.

5. Trường hợp tìm thấy nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý, Cục Sở hữu trí tuệ thông báo cho chủ sở hữu nhãn hiệu biết để có ý kiến theo quy định tại Điều 112 hoặc 112a của Luật Sở hữu trí tuệ.

6. Trường hợp chỉ dẫn địa lý trong đơn đăng ký được xác định là đồng âm với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ theo quy định tại khoản 22a Điều 4 của Luật Sở hữu trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ thông báo cho người nộp đơn và yêu cầu người nộp đơn nộp tài liệu thuyết minh về điều kiện sử dụng và cách thức trình bày chỉ dẫn địa lý để bảo đảm khả năng phân biệt giữa các chỉ dẫn địa lý. Tài liệu thuyết minh phải đáp ứng quy định tại Phụ lục I của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP.

7. Trước ngày kết thúc thời hạn thẩm định nội dung đơn quy định tại khoản 4 Điều 12 của Thông tư này, Cục Sở hữu trí tuệ gửi cho người nộp đơn một trong các thông báo sau đây:

a) Nếu đối tượng yêu cầu bảo hộ nêu trong đơn không đáp ứng điều kiện bảo hộ hoặc thuộc các trường hợp nêu tại Điều 117 của Luật Sở hữu trí tuệ hoặc đáp ứng điều kiện bảo hộ nhưng đơn còn có thiếu sót, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo kết quả thẩm định nội dung, trong đó nêu rõ dự định từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, lý do từ chối hoặc thiếu sót của đơn và ấn định thời hạn 03 tháng kể từ ngày ra thông báo để người nộp đơn có ý kiến;

b) Nếu đối tượng yêu cầu bảo hộ nêu trong đơn đáp ứng điều kiện bảo hộ hoặc người nộp đơn đã sửa chữa thiếu sót đạt yêu cầu hoặc có ý kiến giải trình xác đáng kết quả thẩm định nội dung trong thời hạn quy định tại điểm a khoản này, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo kết quả thẩm định nội dung đơn, trong đó có nêu dự định cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và ấn định thời hạn 03 tháng kể từ ngày ra thông báo để người nộp đơn nộp lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, phí công bố và phí đăng bạ quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.

c) Nếu kết thúc thời hạn quy định tại điểm a khoản này mà người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc có ý kiến phản đối nhưng không xác đáng hoặc kết thúc thời hạn quy định tại điểm b khoản này mà người nộp đơn không nộp đủ các loại phí, lệ phí theo quy định thì trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn nêu trên, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.

d) Đối với các trường hợp nêu tại điểm b khoản này, nếu người nộp đơn nộp đầy đủ và đúng hạn các loại phí, lệ phí theo quy định thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn tương ứng, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Chương III

VĂN BẰNG BẢO HỘ

Điều 31. Từ chối cấp, cấp văn bằng bảo hộ

1. Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành thủ tục từ chối cấp văn bằng bảo hộ theo quy định tại khoản 3 Điều 117 của Luật Sở hữu trí tuệ đối với các trường hợp quy định tại khoản 1, 1akhoản 2 Điều 117 của Luật Sở hữu trí tuệ.

2. Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành thủ tục cấp văn bằng bảo hộ theo quy định tại khoản 1 Điều 118 của Luật Sở hữu trí tuệ và tại Phụ lục II của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP.

Điều 32. Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp, về đại diện sở hữu công nghiệp

1. Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp được lập phù hợp với các quy định dưới đây:

a) Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp là cơ sở dữ liệu chính thức, công khai của Nhà nước, thể hiện đầy đủ thông tin về tình trạng pháp lý của quyền sở hữu công nghiệp đã được xác lập. Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp gồm các loại như sau:

(i) Sổ đăng ký quốc gia về sáng chế;

(ii) Sổ đăng ký quốc gia về giải pháp hữu ích;

(iii) Sổ đăng ký quốc gia về kiểu dáng công nghiệp;

(iv) Sổ đăng ký quốc gia về thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn;

(v) Sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu;

(vi) Sổ đăng ký quốc gia về chỉ dẫn địa lý.

b) Đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp được đăng ký theo thủ tục quốc gia, Sổ đăng ký quốc gia quy định tại điểm a khoản này bao gồm các mục tương ứng với từng văn bằng bảo hộ, mỗi mục bao gồm:

(i) Thông tin về văn bằng bảo hộ: số, ngày cấp văn bằng bảo hộ; tên đối tượng được bảo hộ, phạm vi/khối lượng bảo hộ, thời hạn hiệu lực; tên và địa chỉ của chủ văn bằng bảo hộ/người đăng ký chỉ dẫn địa lý, tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý, tên và quốc tịch của tác giả sáng chế, thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp;

(ii) Thông tin về đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ (số đơn, ngày nộp đơn, ngày ưu tiên của đơn, tên tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp (nếu có));

(iii) Mọi sửa đổi liên quan đến thông tin về việc sửa đổi văn bằng bảo hộ, tình trạng hiệu lực văn bằng bảo hộ (duy trì hiệu lực, gia hạn hiệu lực, chấm dứt hiệu lực, hủy bỏ hiệu lực); chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp; số lần cấp lại, ngày cấp lại, cấp phó bản, số phó bản (cho chủ sở hữu chung nào), ngày cấp phó bản, thay đổi tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp (nếu có), v.v.

c) Đối với nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp được chấp nhận bảo hộ theo thủ tục đăng ký quốc tế, tại Phần Nhãn hiệu đăng ký quốc tế và Phần Kiểu dáng công nghiệp đăng ký quốc tế trong các Sổ đăng ký quốc gia tương ứng quy định tại tiết (iii) và tiết (v) điểm a khoản này bao gồm các mục sau đây:

(i) Thông tin về tình trạng bảo hộ: số quyết định, ngày ra quyết định hoặc ngày chấp nhận bảo hộ; tên đối tượng được bảo hộ, phạm vi bảo hộ, thời hạn hiệu lực; tên và địa chỉ của chủ văn bằng bảo hộ, tên và quốc tịch của tác giả kiểu dáng công nghiệp;

(ii) Thông tin về đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ (số đơn, ngày nộp đơn, ngày ưu tiên của đơn, tên tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp (nếu có));

d) Đối với chỉ dẫn địa lý được chấp nhận bảo hộ theo điều ước quốc tế, Phần Chỉ dẫn địa lý quốc tế tại Sổ đăng ký quốc gia quy định tại tiết (vi) điểm a khoản này bao gồm các mục sau đây:

(i) Thông tin về tình trạng bảo hộ: tên điều ước quốc tế, ngày có hiệu lực của điều ước quốc tế hoặc ngày chấp nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo điều ước quốc tế; chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, phạm vi/khối lượng bảo hộ; tên và địa chỉ của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý;

(ii) Thông tin về hồ sơ, tài liệu liên quan đến chỉ dẫn địa lý yêu cầu bảo hộ (điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về việc bảo hộ, cơ sở dữ liệu liên quan đến chỉ dẫn địa lý yêu cầu bảo hộ (nếu có));

(iii) Mọi sửa đổi liên quan đến tình trạng pháp lý của chỉ dẫn địa lý được bảo hộ: tình trạng hiệu lực, phạm vi/khối lượng bảo hộ, chuyển giao quyền quản lý, v.v.

2. Sổ đăng ký quốc gia về đại diện sở hữu công nghiệp bao gồm các mục tương ứng với từng tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, cụ thể là:

(i) Thông tin về tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp (tên đầy đủ, tên giao dịch, địa chỉ, ghi nhận, xóa tên, sửa đổi các thông tin về tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp);

(ii) Thông tin về danh sách người đại diện sở hữu công nghiệp của tổ chức (họ tên, địa chỉ thường trú, số chứng chỉ hành nghề của từng thành viên trong danh sách);

(iii) Thông tin về việc thay đổi danh sách người đại diện sở hữu công nghiệp (cấp mới, cấp lại, thu hồi chứng chỉ hành nghề, xóa tên, v.v.).

3. Các sổ đăng ký quốc gia nêu tại khoản 1 và khoản 2 Điều này do Cục Sở hữu trí tuệ lập và lưu giữ dưới dạng giấy hoặc điện tử. Bất kỳ người nào cũng có thể tra cứu sổ đăng ký điện tử (nếu có) hoặc yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ cấp bản sao hoặc bản trích lục sổ đăng ký, với điều kiện phải nộp phí dịch vụ cấp bản sao hoặc bản trích lục sổ đăng ký.

Điều 33. Công bố quyết định cấp văn bằng bảo hộ

1. Mọi quyết định cấp văn bằng bảo hộ, quyết định chấp nhận bảo hộ đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp, quyết định chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu đăng ký quốc tế đều được Cục Sở hữu trí tuệ công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ra quyết định và người nộp đơn phải nộp phí công bố theo quy định.

2. Các thông tin được công bố theo quy định tại khoản 1 Điều này gồm thông tin ghi trong quyết định tương ứng (bao gồm cả số quyết định và ngày quyết định) và các thông tin dưới đây:

a) Đối với Bằng độc quyền sáng chế và Bằng độc quyền giải pháp hữu ích: tên, quốc tịch của tác giả sáng chế; bản tóm tắt sáng chế; hình vẽ đặc trưng kèm theo bản tóm tắt (nếu có); phân loại quốc tế sáng chế; các thông tin liên quan đến chuyển đổi đơn, tách đơn, số đơn ban đầu của đơn tách/đơn chuyển đổi v.v. (nếu có); và các thông tin khác (nếu có);

b) Đối với Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp: tên, quốc tịch của tác giả kiểu dáng công nghiệp; bộ ảnh chụp hoặc bản vẽ kiểu dáng công nghiệp; số phương án yêu cầu bảo hộ; phân loại quốc tế kiểu dáng công nghiệp; các thông tin liên quan đến tách đơn, số đơn ban đầu của đơn tách v.v. (nếu có); và các thông tin khác (nếu có);

c) Đối với quyết định chấp nhận bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đăng ký quốc tế: tên, quốc tịch của tác giả kiểu dáng công nghiệp; bộ ảnh chụp hoặc bản vẽ kiểu dáng công nghiệp; số phương án yêu cầu bảo hộ; phân loại quốc tế kiểu dáng công nghiệp; các thông tin liên quan đến tách đơn, số đơn ban đầu của đơn tách v.v. (nếu có); và các thông tin khác (nếu có);

d) Đối với Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu: mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu theo bảng phân loại quốc tế hàng hóa, dịch vụ; các thông tin liên quan đến chuyển đổi đơn, tách đơn, số đơn ban đầu của đơn tách v.v. (nếu có); quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận (đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận); và các thông tin khác (nếu có);

đ) Đối với quyết định chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu đăng ký quốc tế: mẫu nhãn hiệu; nhóm hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu theo bảng phân loại quốc tế hàng hóa, dịch vụ; và các thông tin khác (nếu có);

e) Đối với Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý: tóm tắt tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và tên sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; và các thông tin khác (nếu có);

g) Đối với Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn: tên, quốc tịch của tác giả thiết kế bố trí; và các thông tin khác (nếu có), trừ các thông tin được bảo mật theo quy định.

3. Chỉ dẫn địa lý được chấp nhận bảo hộ theo điều ước quốc tế được Cục Sở hữu trí tuệ công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày chấp nhận bảo hộ. Các thông tin cần thiết liên quan đến các chỉ dẫn địa lý nêu trên được công bố theo quy định tại khoản 2 Điều 11 của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP bao gồm tên chỉ dẫn địa lý: tóm tắt tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và tên sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; phạm vi/khu vực bảo hộ chỉ dẫn địa lý; và các thông tin khác (nếu có).

Điều 34. Căn cứ hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ

1. Văn bằng bảo hộ sáng chế bị hủy bỏ hiệu lực do sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ vượt quá phạm vi bộc lộ trong bản mô tả ban đầu của đơn đăng ký sáng chế theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 96 của Luật Sở hữu trí tuệ trong các trường hợp so với bản mô tả ban đầu và đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng, bản mô tả sáng chế có sự thay đổi về nội dung và sự thay đổi này làm xuất hiện thông tin không có nguồn gốc trực tiếp và rõ ràng từ bản mô tả ban đầu của đơn, cụ thể như sau:

a) Trong quá trình sửa đổi, bổ sung đơn, người nộp đơn đưa vào bản mô tả dấu hiệu kỹ thuật hoặc các dấu hiệu kỹ thuật không thể xác định được một cách trực tiếp và rõ ràng từ bản mô tả ban đầu;

b) Bổ sung thông tin (bao gồm: thông tin về mục đích, hiệu quả v.v.) không thể xác định được một cách trực tiếp và rõ ràng từ phần mô tả ban đầu (kể cả hình vẽ) và/hoặc yêu cầu bảo hộ ban đầu để bộc lộ rõ sáng chế hoặc bộc lộ đầy đủ yêu cầu bảo hộ;

c) Nội dung bổ sung vào bản mô tả là các dấu hiệu kỹ thuật liên quan đến thông số về kích thước thu được bằng cách đo thông số về kích thước trên các hình vẽ;

d) Đưa vào bản mô tả chi tiết hoặc thành phần bổ sung không được đề cập đến trong bản mô tả ban đầu của đơn mà điều này dẫn đến những hiệu quả và/hoặc tác dụng đặc biệt không có trong đơn ban đầu;

đ) Bổ sung vào bản mô tả những hiệu quả và/hoặc tác dụng (lợi ích) mà người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng không thể xác định được từ đơn ban đầu;

e) Thay đổi dấu hiệu kỹ thuật của yêu cầu bảo hộ mà dấu hiệu kỹ thuật thay đổi này không được bộc lộ hoặc không được xác định một cách trực tiếp và rõ ràng từ bản mô tả ban đầu;

g) Đưa vào các nội dung mới bằng cách thay đổi các nội dung không xác định thành các nội dung xác định và cụ thể;

h) Kết hợp các dấu hiệu kỹ thuật riêng biệt của đơn ban đầu lại thành một dấu hiệu kỹ thuật mới trong khi mối quan hệ giữa các dấu hiệu kỹ thuật này không được bộc lộ trong đơn ban đầu;

i) Thay đổi một hoặc nhiều dấu hiệu kỹ thuật trong phần mô tả để làm cho các dấu hiệu kỹ thuật thay đổi khác với các dấu hiệu kỹ thuật nêu trong bản mô tả ban đầu;

k) Loại bỏ một dấu hiệu kỹ thuật ra khỏi điểm yêu cầu bảo hộ mà dấu hiệu kỹ thuật này là cần thiết đối với đối tượng yêu cầu bảo hộ để đạt được mục đích đề ra và/hoặc việc loại bỏ dấu hiệu kỹ thuật này làm thay đổi dấu hiệu kỹ thuật hoặc (các) dấu hiệu kỹ thuật khác.

2. Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu bị hủy bỏ hiệu lực do người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 96 của Luật Sở hữu trí tuệ trong trường hợp sau đây:

a) Có căn cứ cho rằng, tại thời điểm nộp đơn, người nộp đơn biết hoặc có cơ sở để biết nhãn hiệu mình đăng ký trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với một nhãn hiệu đang được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam hoặc nhãn hiệu nổi tiếng tại các nước khác cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự; và

b) Việc đăng ký này nhằm lợi dụng danh tiếng, uy tín của nhãn hiệu đó để thu lợi; hoặc chủ yếu nhằm mục tiêu bán lại, cấp phép hoặc chuyển giao quyền đăng ký cho người có các nhãn hiệu nêu tại điểm a khoản này; hoặc nhằm mục tiêu ngăn chặn khả năng gia nhập thị trường của người có các nhãn hiệu nêu tại điểm a khoản này để hạn chế cạnh tranh; hoặc các hành vi trái với tập quán thương mại lành mạnh khác.

3. Quy định tại khoản 1 và 2 Điều này cũng được áp dụng trong quá trình xử lý đơn đăng ký sáng chế và nhãn hiệu.

Chương IV

KHIẾU NẠI VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI LIÊN QUAN ĐẾN CÁC THỦ TỤC VỀ SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

Điều 35. Người có quyền khiếu nại, đối tượng bị khiếu nại, thời hiệu khiếu nại và người giải quyết khiếu nại

1. Người có quyền khiếu nại là tổ chức, cá nhân theo quy định tại Điều 119a của Luật Sở hữu trí tuệ.

2. Các quyết định, thông báo có thể bị khiếu nại quy định tại khoản 1 Điều 119a của Luật Sở hữu trí tuệ là các quyết định, thông báo chính thức của Cục Sở hữu trí tuệ liên quan đến các thủ tục về sở hữu công nghiệp theo các quy định tương ứng của Thông tư này, bao gồm các quyết định, thông báo sau đây:

a) Thông báo từ chối tiếp nhận đơn;

b) Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ;

c) Quyết định từ chối chấp nhận đơn;

d) Thông báo chấp nhận hoặc từ chối yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn/chuyển đổi đơn/thay đổi người nộp đơn/rút đơn;

đ) Quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ; Quyết định cấp văn bằng bảo hộ;

e) Quyết định từ chối chấp nhận bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đăng ký quốc tế; Quyết định từ chối chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu đăng ký quốc tế; Quyết định chấp nhận bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đăng ký quốc tế; và Quyết định chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu đăng ký quốc tế;

g) Quyết định cấp phó bản văn bằng bảo hộ, quyết định cấp lại văn bằng bảo hộ; quyết định từ chối cấp phó bản văn bằng bảo hộ, quyết định từ chối cấp lại văn bằng bảo hộ;

h) Thông báo về việc duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ, quyết định từ chối duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ;

i) Quyết định gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ, quyết định từ chối gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ;

k) Quyết định sửa đổi văn bằng bảo hộ, quyết định từ chối yêu cầu sửa đổi văn bằng bảo hộ;

l) Quyết định chấm dứt hoặc hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ hiệu lực văn bằng bảo hộ, thông báo từ chối chấm dứt/hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ;

m) Quyết định, thông báo về việc xử lý đơn yêu cầu chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực đăng ký quốc tế nhãn hiệu; Quyết định, thông báo về việc xử lý đơn yêu cầu chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp;

n) Quyết định hành chính liên quan đến đại diện sở hữu công nghiệp, giám định sở hữu công nghiệp, chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp;

o) Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Cục Sở hữu trí tuệ;

p) Các quyết định, thông báo và hành vi khác đáp ứng điều kiện là đối tượng bị khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại.

Các thông báo mang tính chất thông tin, yêu cầu hoàn thiện hồ sơ không phải là quyết định hành chính nên không là đối tượng khiếu nại, ví dụ thông báo kết quả thẩm định, thông báo thiếu sót, yêu cầu sửa đổi, bổ sung tài liệu, dự định từ chối, thông báo tạm thời từ chối bảo hộ nhãn hiệu đăng ký quốc tế, thông báo từ chối bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đăng ký quốc tế.

3. Những nội dung sau đây không được chấp nhận trong quá trình giải quyết khiếu nại:

a) Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp là đối tượng của quyết định, thông báo bị khiếu nại (như yêu cầu sửa đổi bản mô tả sáng chế (bao gồm yêu cầu bảo hộ); yêu cầu sửa đổi bộ ảnh chụp hoặc bộ bản vẽ và bản mô tả kiểu dáng công nghiệp; yêu cầu sửa đổi mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu; yêu cầu sửa đổi tên sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và bản mô tả tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và bản đồ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý đối với đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý), trừ trường hợp các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác;

b) Tình tiết đã tồn tại trong quá trình thẩm định đơn đăng ký sở hữu công nghiệp nhưng vì lý do khách quan nào đó, Cục Sở hữu trí tuệ và tổ chức, cá nhân liên quan chỉ có thể biết được sau khi đã có quyết định cấp/từ chối cấp văn bằng bảo hộ (sau đây gọi là tình tiết mới) trừ trường hợp tình tiết này được người thứ ba đưa ra theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 38 của Thông tư này.

4. Đơn khiếu nại phải được nộp trong thời hiệu quy định tại các Điều 9 và 33 của Luật Khiếu nại.

5. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu là Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ; người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (sau đây gọi chung là “người giải quyết khiếu nại”).

Điều 36. Đơn khiếu nại

1. Đơn khiếu nại được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại (sau đây gọi là Nghị định số 124/2020/NĐ-CP), trong đó nêu đầy đủ các thông tin theo quy định tại Điều 119a của Luật Sở hữu trí tuệ và các tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại theo quy định tại khoản 2 Điều 8 của Luật Khiếu nại, cụ thể như sau:

a) Bản sao quyết định hoặc thông báo bị khiếu nại của Cục Sở hữu trí tuệ và bản sao đơn đăng ký sở hữu công nghiệp là đối tượng của quyết định hoặc thông báo đó (trong trường hợp người nộp đơn khiếu nại lần hai); hoặc tài liệu chỉ dẫn thông tin về các tài liệu nêu trên;

b) Bản sao quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu (đối với khiếu nại lần hai);

c) Chứng cứ (bằng chứng hoặc vật chứng) dùng để chứng minh, làm rõ lập luận khiếu nại.

Chứng cứ có thể được nộp bổ sung trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nộp đơn khiếu nại.

2. Trường hợp nộp đơn khiếu nại thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 119a của Luật Sở hữu trí tuệ, đơn phải kèm theo văn bản ủy quyền; đối với khiếu nại lần hai, bản sao văn bản ủy quyền thuộc trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 3 của Thông tư này phải có xác nhận của Cục Sở hữu trí tuệ.

Điều 37. Rút đơn khiếu nại và đình chỉ giải quyết khiếu nại

1. Người nộp đơn khiếu nại có thể rút đơn khiếu nại theo quy định tại Điều 10 của Luật Khiếu nại. Nếu việc rút đơn khiếu nại được thực hiện theo sự ủy quyền của người nộp đơn thì việc ủy quyền rút đơn khiếu nại phải được nêu rõ trong văn bản ủy quyền. Đơn đã rút bị coi như không được nộp. Người khiếu nại không được hoàn trả đơn khiếu nại và các khoản phí cung cấp dịch vụ để giải quyết khiếu nại đã nộp, trừ trường hợp đơn khiếu nại được rút trước ngày ra thông báo về việc thụ lý hoặc không thụ lý đơn.

2. Người giải quyết khiếu nại ra quyết định đình chỉ việc giải quyết khiếu nại trong trường hợp:

a) Người khiếu nại rút đơn khiếu nại;

b) Văn bằng bảo hộ, đăng ký quốc tế nhãn hiệu, đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam đã bị hủy bỏ hiệu lực hoặc đăng ký quốc tế nhãn hiệu bị mất hiệu lực theo quy định của điều ước quốc tế liên quan.

Điều 38. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại

1. Việc thụ lý giải quyết đơn khiếu nại được thực hiện theo quy định tại Điều 27 của Luật Khiếu nạikhoản 1 Điều 119a của Luật Sở hữu trí tuệ, cụ thể như sau:

a) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đơn khiếu nại, người giải quyết khiếu nại phải:

(i) Ra thông báo không thụ lý giải quyết khiếu nại nếu đơn thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm b khoản này, trong đó nêu rõ lý do từ chối; hoặc

(ii) Ra thông báo thụ lý giải quyết khiếu nại nếu đơn không thuộc các trường hợp quy định tại điểm b khoản này, trong đó ghi nhận ngày thụ lý đơn và xác định phí tra cứu và/hoặc phí thẩm định đối với trường hợp phải thẩm định lại để phục vụ việc giải quyết khiếu nại tương ứng với nội dung khiếu nại (nếu có) và ấn định thời hạn 01 tháng để người khiếu nại nộp phí.

b) Đơn khiếu nại không được thụ lý giải quyết nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

(i) Đối tượng bị khiếu nại không phải là các quyết định hoặc thông báo chính thức quy định tại khoản 2 Điều 35 của Thông tư này;

(ii) Quyết định, thông báo, hành vi bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại;

(iii) Đơn khiếu nại không được nộp theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 36 của Thông tư này;

(iv) Đơn khiếu nại được nộp ngoài thời hiệu quy định, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và 4 Điều 15 của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP;

(v) Việc khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;

(vi) Việc khiếu nại đã được Tòa án thụ lý hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án, trừ trường hợp có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính của Tòa án;

(vii) Người khiếu nại tiếp tục khiếu nại khi đã hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày có quyết định đình chỉ việc giải quyết khiếu nại theo quy định tại Điều 10 và khoản 8 Điều 11 của Luật Khiếu nại;

(viii) Đơn khiếu nại không chỉ ra yếu tố trái pháp luật của quyết định, thông báo, hành vi bị khiếu nại và chỉ có yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn là đối tượng của quyết định, thông báo đó.

(ix) Đơn khiếu nại đối với thông báo, quyết định hành chính, hành vi liên quan đến đối tượng sở hữu công nghiệp thuộc phạm vi bí mật nhà nước.

c) Nếu người khiếu nại không nộp phí thẩm định đối với trường hợp phải thẩm định lại để phục vụ việc giải quyết khiếu nại theo thông báo thụ lý giải quyết khiếu nại quy định tại tiết (ii) điểm a khoản này, đơn khiếu nại được giải quyết trên cơ sở các tài liệu có trong hồ sơ.

2. Thời hạn giải quyết khiếu nại được thực hiện theo quy định tại Điều 119a của Luật Sở hữu trí tuệ và các Điều 28 và 37 của Luật Khiếu nại.

3. Để xác minh nội dung khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lấy ý kiến của người có quyền, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến đơn khiếu nại đã được thụ lý theo quy định tại Điều 21 của Nghị định số 124/2020/NĐ-CP (sau đây gọi là “bên liên quan”) như sau:

a) Người giải quyết khiếu nại thông báo bằng văn bản về nội dung khiếu nại cho bên liên quan và ấn định thời hạn 01 tháng kể từ ngày ra thông báo để người đó có ý kiến (nếu có);

b) Bên liên quan có quyền cung cấp thông tin, chứng cứ chứng minh cho lý lẽ của mình trong thời hạn nêu tại điểm a khoản này, người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm xem xét các thông tin, chứng cứ đó khi giải quyết khiếu nại;

c) Người giải quyết khiếu nại thông báo bằng văn bản về nội dung ý kiến của bên liên quan và ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo để người khiếu nại có ý kiến phản hồi ý kiến của bên liên quan;

d) Nếu kết thúc thời hạn ấn định mà một bên không có ý kiến thì đơn khiếu nại sẽ được giải quyết trên cơ sở các tài liệu có trong đơn, bao gồm cả tài liệu thể hiện ý kiến của bên kia.

4. Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu đối với các vụ việc khiếu nại phức tạp, người giải quyết khiếu nại lần đầu có thể chủ động hoặc theo yêu cầu của người khiếu nại thực hiện việc thẩm định lại theo quy định tại khoản 4 Điều 119a của Luật Sở hữu trí tuệ và hướng dẫn tại Điều 13 của Thông tư này. Trong quá trình thẩm định lại, người giải quyết khiếu nại lần đầu có thể tham khảo ý kiến của chuyên gia độc lập hoặc Hội đồng tư vấn phù hợp với quy định sau đây:

a) Người giải quyết khiếu nại lần đầu có thể tham khảo ý kiến chuyên gia tư vấn độc lập, Hội đồng tư vấn trong quá trình thẩm định lại tùy theo mức độ phức tạp của nội dung cần thẩm định lại.

Hội đồng tư vấn gồm chủ tịch và các thành viên. Chuyên gia tư vấn độc lập, Hội đồng tư vấn có vai trò tư vấn cho người giải quyết khiếu nại về vấn đề kỹ thuật, vấn đề pháp lý của nội dung cần thẩm định lại và về phương án giải quyết.

Chuyên gia tư vấn độc lập, chủ tịch và các thành viên Hội đồng tư vấn là những người có trình độ chuyên môn phù hợp, được chọn từ Danh sách chuyên gia tư vấn sở hữu công nghiệp và từ các nguồn khác (trong trường hợp không có chuyên gia thích hợp trong Danh sách đó).

Danh sách chuyên gia tư vấn sở hữu công nghiệp do Cục Sở hữu trí tuệ chủ trì, phối hợp với Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ lập và công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.

b) Hội đồng tư vấn được tổ chức và hoạt động theo các nguyên tắc sau đây: (i) Hội đồng tư vấn được thành lập theo quyết định của người giải quyết khiếu nại lần đầu;

(ii) Hội đồng tư vấn làm việc dưới hình thức các cuộc họp, thảo luận tập thể và biểu quyết theo đa số;

(iii) Các bên trong vụ việc khiếu nại, bên có quyền và nghĩa vụ liên quan có thể được mời tham gia cuộc họp của Hội đồng tư vấn để làm rõ tình tiết vụ việc.

c) Những người sau đây không tham gia Hội đồng tư vấn và không làm chuyên gia tư vấn độc lập trong vụ việc khiếu nại:

(i) Người bị khiếu nại (người ban hành quyết định, thông báo bị khiếu nại);

(ii) Người đã thẩm định đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp liên quan đến quyết định, thông báo bị khiếu nại;

(iii) Người có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp đến vụ việc khiếu nại;

(iv) Người có thể không khách quan trong vụ việc khiếu nại, nếu có căn cứ để xác định điều đó.

Những người nêu tại điểm này có trách nhiệm giải trình, giải thích, cung cấp thông tin liên quan đến công việc mà mình đã thực hiện thuộc nội dung khiếu nại.

d) Ý kiến của chuyên gia tư vấn độc lập, ý kiến của chủ tịch và thành viên Hội đồng tư vấn và kết quả làm việc của Hội đồng tư vấn phải được thể hiện thành văn bản.

5. Người giải quyết khiếu nại lần đầu tổ chức buổi đối thoại theo quy định tại Điều 30 của Luật Khiếu nại. Chuyên gia tư vấn độc lập, thành viên Hội đồng tư vấn về việc thẩm định lại trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu (nếu có) có thể được mời tham dự buổi đối thoại.

6. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu ra quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định như sau:

a) Căn cứ vào kết quả xem xét lại quyết định, thông báo bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu ra quyết định giải quyết khiếu nại, trong đó phải có các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 31 của Luật Khiếu nại.

b) Đối với trường hợp người khiếu nại không phải là người nộp đơn hoặc người yêu cầu xác lập quyền sở hữu công nghiệp hoặc đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp là đối tượng của quyết định, thông báo bị khiếu nại cung cấp tình tiết mới có khả năng ảnh hưởng đến kết luận giải quyết khiếu nại, Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện việc thẩm định lại đối với nội dung liên quan đến tình tiết mới theo trình tự thẩm định lại đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp được quy định tại điểm b và c khoản 2 Điều 13 của Thông tư này. Căn cứ vào kết quả thẩm định đó, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu ra quyết định giải quyết khiếu nại theo điểm a khoản này.

7. Các quy định về giải quyết khiếu nại lần đầu tại Thông tư này cũng được áp dụng cho việc giải quyết khiếu nại lần hai, trừ các quy định liên quan về tham khảo ý kiến chuyên gia trong thẩm định lại nội dung đơn tại khoản 4 Điều này. Đối với vụ việc khiếu nại phức tạp, nếu thấy cần thiết, người giải quyết khiếu nại lần hai thành lập Hội đồng tư vấn theo hướng dẫn tại khoản 4 Điều này để tham khảo ý kiến trong quá trình giải quyết khiếu nại.

Điều 39. Công bố quyết định giải quyết khiếu nại

Quyết định giải quyết khiếu nại được công bố trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan giải quyết khiếu nại trong thời hạn 15 ngày và trên Công báo sở hữu công nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra quyết định.

Điều 40. Hiệu lực của quyết định, thông báo bị khiếu nại và quyết định giải quyết khiếu nại

1. Quyết định, thông báo bị khiếu nại vẫn có hiệu lực trong thời gian giải quyết khiếu nại, trừ trường hợp bị tạm đình chỉ thi hành theo quyết định bằng văn bản của người giải quyết khiếu nại theo quy định tại Điều 35 của Luật Khiếu nại hoặc theo đề nghị của Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng.

2. Cục Sở hữu trí tuệ có trách nhiệm thi hành ngay quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật theo quy định tại Điều 44 của Luật Khiếu nại, cụ thể như sau:

a) Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ có hiệu lực pháp luật sau thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký mà người khiếu nại không khiếu nại lần hai; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày;

b) Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ có hiệu lực pháp luật sau thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.

3. Việc thụ lý đơn khiếu nại lần hai phải được thông báo cho người giải quyết khiếu nại lần đầu trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thụ lý đơn. Trong trường hợp này, quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu không có hiệu lực pháp luật. Quyết định, thông báo bị khiếu nại tiếp tục có hiệu lực cho đến khi quyết định giải quyết khiếu nại lần hai có hiệu lực pháp luật.

4. Người khiếu nại lần hai có thể thông báo ngay cho người giải quyết khiếu nại lần đầu về việc nộp đơn khiếu nại đó để bảo đảm quyền và lợi ích của mình.

Điều 41. Các biện pháp hạn chế phát sinh khiếu nại

1. Cục Sở hữu trí tuệ có trách nhiệm kiểm tra, xem xét lại các quyết định, thông báo đã ban hành, nếu thấy có dấu hiệu trái pháp luật thì kịp thời sửa chữa, khắc phục, tránh phát sinh khiếu nại trừ trường hợp quyết định, thông báo đó đang là đối tượng bị khiếu nại.

2. Trong quá trình giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại khuyến khích và tạo điều kiện cho các bên tranh chấp hòa giải theo quy định của pháp luật.

Chương V

BẢO ĐẢM THÔNG TIN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

Điều 42. Xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về sở hữu công nghiệp

1. Cục Sở hữu trí tuệ có trách nhiệm thực hiện việc xây dựng, quản lý các cơ sở dữ liệu thông tin sở hữu công nghiệp, xây dựng các công cụ phân loại, tra cứu, hướng dẫn cách tra cứu và sử dụng thông tin sở hữu công nghiệp trong và ngoài nước; tổ chức việc cung ứng thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác, bảo đảm khả năng tiếp cận các cơ sở dữ liệu thông tin cho các đối tượng có nhu cầu dùng tin phục vụ các hoạt động xác lập và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, nghiên cứu, phát triển và kinh doanh; quản lý và tổ chức thực hiện việc chia sẻ, kết nối, khai thác, hợp tác quốc tế và các hoạt động khác liên quan đến cơ sở dữ liệu quốc gia về sở hữu công nghiệp.

2. Cơ sở dữ liệu quốc gia về sở hữu công nghiệp bao gồm thông tin thư mục và thông tin toàn văn (nếu có), được tập hợp một cách chọn lọc, có hệ thống, phù hợp với các mục đích tra cứu, liên quan đến:

a) Các đơn đăng ký sở hữu công nghiệp đã công bố;

b) Các văn bằng bảo hộ đã được cấp và các quyền sở hữu công nghiệp đã được thừa nhận bảo hộ tại Việt Nam.

Điều 43. Tiếp cận và khai thác thông tin thuộc cơ sở dữ liệu quốc gia về sở hữu công nghiệp

Mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền tiếp cận và khai thác các thông tin thuộc cơ sở dữ liệu quốc gia về sở hữu công nghiệp dưới hai hình thức:

1. Tự tra cứu, tìm kiếm thông tin trong những cơ sở dữ liệu do Cục Sở hữu trí tuệ đặt công khai tại các cơ sở tra cứu thông tin cho công chúng tiếp cận hoặc công bố trên Internet.

2. Sử dụng dịch vụ tra cứu, cung cấp thông tin, tư liệu của Cục Sở hữu trí tuệ, với điều kiện phải trả chi phí theo quy định.

Điều 44. Dịch vụ tra cứu thông tin, cung cấp tư liệu

Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức thực hiện dịch vụ tra cứu thông tin, cung cấp tư liệu cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu quy định tại khoản 2 Điều 43 của Thông tư này.

Điều 45. Bảo đảm thông tin sở hữu công nghiệp tại các địa phương

1. Tùy theo điều kiện và khả năng của mình, cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp tại địa phương có thể thiết lập và quản lý cơ sở dữ liệu sở hữu công nghiệp nhằm bảo đảm thông tin sở hữu công nghiệp cho các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, phát triển sản xuất, kinh doanh và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp tại địa phương.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm và có quyền tiến hành các hoạt động bảo đảm thông tin sở hữu công nghiệp theo quy định của Thông tư này.

3. Cục Sở hữu trí tuệ có trách nhiệm thống kê thông tin thuộc cơ sở dữ liệu quốc gia về sở hữu công nghiệp để phục vụ công tác quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo định kỳ (tối thiểu 6 tháng một lần).

Điều 46. Cấp bản sao tài liệu, xác nhận đơn đầu tiên để hưởng quyền ưu tiên

1. Mọi tổ chức, cá nhân có liên quan đều có quyền yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ cấp bản sao các tài liệu do Cục Sở hữu trí tuệ phát hành hoặc bản sao từ sổ gốc do Cục Sở hữu trí tuệ lập ra hoặc bản sao các tài liệu do chính tổ chức, cá nhân đó lập ra và nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ trong quá trình xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Người yêu cầu cấp bản sao phải trả chi phí cho việc sao tài liệu.

2. Người nộp đơn có quyền yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ xác nhận vào bản sao của đơn đầu tiên dùng để hưởng quyền ưu tiên (kể cả đơn bị từ chối chấp nhận đơn hợp lệ hoặc người nộp đơn đã rút đơn) với điều kiện phải trả chi phí cho việc sao tài liệu.

3. Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức thực hiện dịch vụ cung cấp bản sao, xác nhận đơn đầu tiên cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 47. Quy định chuyển tiếp

1. Ý kiến phản đối đơn được nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ từ ngày 01 tháng 01 năm 2023 phù hợp với quy định của Điều 112a của Luật Sở hữu trí tuệ nhưng Cục Sở hữu trí tuệ chưa xử lý xong được xử lý theo quy định tại Điều 11 của Thông tư này.

2. Ý kiến của người thứ ba theo quy định tại Điều 112 của Luật Sở hữu trí tuệ nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ trước ngày 23 tháng 8 năm 2023 nhưng Cục Sở hữu trí tuệ chưa xử lý xong được tiếp tục xử lý theo quy định của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14 tháng 02 năm 2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 13/2010/TT-BKHCN ngày 30 tháng 7 năm 2010, Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN ngày 22 tháng 7 năm 2011, Thông tư số 05/2013/TT-BKHCN ngày 20 tháng 02 năm 2013 và Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN ngày 30 tháng 6 năm 2016.

3. Quy định của Thông tư này được áp dụng đối với các đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp nộp từ ngày 23 tháng 8 năm 2023 trừ trường hợp quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều này.

4. Quy định về hình thức đơn khiếu nại của Thông tư này được áp dụng đối với đơn nộp từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

5. Quy định tại khoản 8 Điều 16, khoản 10 Điều 23, khoản 13 Điều 26 của Thông tư này được áp dụng đối với đơn đăng ký sở hữu công nghiệp nộp trước ngày Thông tư có hiệu lực nhưng chưa có thông báo kết quả thẩm định nội dung.

6. Quy định tại Điều 34 của Thông tư này được áp dụng đối với các đơn đăng ký sáng chế, nhãn hiệu được nộp từ ngày 01 tháng 01 năm 2023.

Điều 48. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 30 tháng 11 năm 2023.

2. Các Thông tư sau đây hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực:

a) Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14 tháng 02 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp;

b) Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN ngày 22 tháng 7 năm 2011 sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14 tháng 02 năm 2007 hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006, được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 13/2010/TT-BKHCN và Thông tư số 01/2008/TT-BKHCN ngày 25 tháng 02 năm 2008 hướng dẫn việc cấp, thu hồi Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp và Giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp, được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 04/2009/TT-BKHCN ngày 27 tháng 3 năm 2009;

c) Thông tư số 05/2013/TT-BKHCN ngày 20 tháng 02 năm 2013 sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14 tháng 02 năm 2007 hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 13/2010/TT-BKHCN ngày 30 tháng 7 năm 2010 và Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN ngày 22 tháng 7 năm 2011;

d) Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN ngày 30 tháng 06 năm 2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14 tháng 02 năm 2007 hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 13/2010/TT-BKHCN ngày 30 tháng 7 năm 2010, Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN ngày 22 tháng 7 năm 2011 và Thông tư số 05/2013/TT-BKHCN ngày 20 tháng 02 năm 2013.

3. Các quy định về sở hữu công nghiệp tại Điều 2 của Thông tư số 13/2010/TT-BKHCN ngày 30 tháng 7 năm 2010 sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 17/2009/TT-BKHCN ngày 18 tháng 6 năm 2009 hướng dẫn kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ và Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14 tháng 02 năm 2007 hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

4. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Khoa học và Công nghệ để được hướng dẫn./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng TW, các Ban của Đảng;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Các cơ quan TW của các đoàn thể;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các Sở KH&CN;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo; Cổng thông tin điện tử của Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử của Bộ KH&CN;
- Lưu: VT, PC, SHTT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Bùi Thế Duy

 

PHỤ LỤC

(Ban hành theo Thông tư số 23/2023/TT-BKHCN ngày 30 tháng 11 năm 2023 của Bộ Khoa học và Công nghệ)

TỜ KHAI
YÊU CẦU SỬ DỤNG KẾT QUẢ THẨM ĐỊNH NƯỚC NGOÀI

Kính gửi: Cục Sở hữu trí tuệ

 

 

 

DẤU NHẬN ĐƠN
(Dành cho cán bộ nhận đơn)

A. DỮ LIỆU THƯ MỤC

I. Sáng chế yêu cầu sử dụng kết quả thẩm định nước ngoài (NN)

Số đơn

 

Tên sáng chế

 

II. NGƯỜI NỘP ĐƠN (Tổ chức, cá nhân yêu cầu cấp Bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích)

Tên đầy đủ:

Địa chỉ:

Số căn cước công dân (nếu có):                            Điện thoại:                   Email:

□ Người nộp đơn đồng thời là tác giả sáng chế

□ Ngoài người nộp đơn khai tại mục này còn có những người nộp đơn khác khai tại trang bổ sung

III. ĐẠI DIỆN CỦA NGƯỜI Nộp ĐƠN

□ là người đại diện theo pháp luật của người nộp đơn

□ là tổ chức dịch vụ đại diện Sở hữu công nghiệp được ủy quyền của người nộp đơn

Mã số đại diện

□ là người khác được ủy quyền của người nộp đơn

Tên đầy đủ:

Địa chỉ:

Điện thoại:                                                        Email:

B. YÊU CẦU

Người nộp đơn/đại diện của người nộp đơn yêu cầu sử dụng kết quả thẩm định NN trên cơ sở

Cơ quan sáng chế NN

 

Loại kết quả thẩm định

 

Số đơn của đơn NN

 

Số đơn ưu tiên hoặc số đơn PCT

 

C. CÁC TÀI LIỆU BẮT BUỘC

I. Kết quả thẩm định đơn của cơ quan sáng chế NN

□ Bản sao (các) kết quả thẩm định của NN; hoặc

□ Đường dẫn truy xuất các tài liệu về kết quả thẩm định đơn tại cơ quan sáng chế NN hoặc PATENTSCOPE.

 

 

 

 

 

NGƯỜI NỘP ĐƠN/ĐẠI DIỆN CỦA NGƯỜI NỘP ĐƠN KÝ TÊN

 

 

 

II. Các điểm yêu cầu bảo hộ được cơ quan sáng chế NN đánh giá là đáp ứng các điều kiện bảo hộ

□ Bản sao (các) điểm yêu cầu bảo hộ được NN đánh giá là đáp ứng các điều kiện bảo hộ; hoặc

□ Đường dẫn truy xuất các tài liệu về các điểm yêu cầu bảo hộ được đánh giá là đáp ứng điều kiện bảo hộ tại cơ quan sáng chế NN hoặc PATENTSCOPE

III. Bản mô tả sửa đổi (nếu có sửa đổi)

Toàn bộ bản mô tả

Một phần của bản mô tả

Bản thuyết minh chi tiết nội dung sửa đổi, bổ sung so với bản mô tả ban đầu đã nộp

Phí sửa đổi

D. ĐỐI CHIẾU YÊU CẦU BẢO HỘ

Tất cả các điểm yêu cầu bảo hộ trong đơn trùng với các điểm yêu cầu bảo hộ được cơ quan sáng chế NN đánh giá là đáp ứng các điều kiện bảo hộ; hoặc

Sự trùng của các điểm yêu cầu bảo hộ được giải thích trong bảng đối chiếu dưới đây

Các điểm yêu cầu bảo hộ trong đơn

Các điểm yêu cầu bảo hộ tương ứng nộp ở NN

Giải thích về sự trùng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

E. CÁC TÀI LIỆU BỔ SUNG (NẾU CẦN)

I. Các tài liệu được trích dẫn trong các kết quả xử lý đơn của cơ quan sáng chế NN

□ Bản sao của tất cả các tài liệu được trích dẫn trong các kết quả xử lý đơn của NN, nếu có (ngoại trừ các tài liệu sáng chế).

II. Bản dịch các tài liệu nêu tại Mục C.I, C.II và E.I

□ Bản dịch của các tài liệu nêu tại Mục C.I, C.II và E.I bằng ngôn ngữ được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận; hoặc

□ Đường dẫn truy xuất bản dịch của các tài liệu nêu trên.

III. Các tài liệu đã nộp trước đây

□ Đề nghị nêu tên tài liệu nếu đã nộp bất cứ tài liệu nào trong số các tài liệu đã nêu ở trên: …………………………

CAM KẾT CỦA NGƯỜI NỘP ĐƠN/ĐẠI DIỆN CỦA NGƯỜI NỘP ĐƠN

Tôi cam đoan mọi thông tin trong tờ khai trên đây là trung thực, đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

 

 

Khai tại: ................. ngày ... tháng ... năm ...
Chữ ký, họ tên người nộp đơn/đại diện của người nộp đơn
(Ghi rõ chức vụ và đóng dấu, nếu có)

 

 

 

 

MINISTRY OF SCIENCE AND TECHNOLOGY OF VIETNAM
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom – Happiness
----------------

No. 23/2023/TT-BKHCN

Hanoi, November 30, 2023

 

CIRCULAR

ELABORATION ON THE LAW ON INTELLECTUAL PROPERTY AND MEASURES TO IMPLEMENT DECREE NO. 65/2023/ND-CP DATED AUGUST 23, 2023 OF THE GOVERNMENT OF VIETNAM ON ELABORATION ON SEVERAL ARTICLES AND MEASURES TO IMPLEMENT THE LAW ON INTELLECTUAL PROPERTY REGARDING INDUSTRIAL PROPERTY, PROTECTION OF INDUSTRIAL PROPERTY RIGHTS, RIGHTS TO PLANT VARIETIES, AND STATE MANAGEMENT OF INTELLECTUAL PROPERTY CONCERNING PROCEDURES FOR ESTABLISHING INDUSTRIAL PROPERTY RIGHTS AND ASSURANCE OF INFORMATION ON INDUSTRIAL PROPERTY

Pursuant to the Law on Intellectual Property dated November 29, 2005; the Law on amendments to the Law on Intellectual Property dated June 19, 2009; the Law on amendments to the Law on Insurance Business and the Law on Intellectual Property dated June 14, 2019, and the Law on amendments to the Law on Intellectual Property dated June 16, 2022;

Pursuant to Decree No. 28/2023/ND-CP dated June 2, 2023 of the Government of Vietnam on functions, tasks, entitlements, and organizational structure of the Ministry of Science and Technology of Vietnam;

Pursuant to Decree No. 65/2023/ND-CP dated August 23, 2023 of the Government of Vietnam on elaboration on several articles and measures to implement the Law on Intellectual Property regarding industrial property rights, protection of industrial property rights, rights to plant varieties, and state management of intellectual property;

At the request of the Director of Intellectual Property Office of Vietnam and the Director of the Legal Department, the Minister of Science and Technology of Vietnam hereby promulgates a Circular on elaboration on the Law on Intellectual Property and measures to implement Decree No. 65/2023/ND-CP dated August 23, 2023 of the Government of Vietnam on elaboration on several articles and measures to implement the Law on Intellectual Property regarding industrial property, protection of industrial property rights, rights to plant varieties, and state management of intellectual property concerning procedures for establishing industrial property rights and assurance of information on industrial property.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



This Circular provides for the elaboration on the Law on Intellectual Property and measures to implement Decree No. 65/2023/ND-CP dated August 23, 2023 of the Government of Vietnam on elaboration on several articles and measures to implement the Law on Intellectual Property regarding industrial property, protection of industrial property rights, rights to plant varieties, and state management of intellectual property concerning procedures for establishing industrial property rights and assurance of information on industrial property (hereinafter referred to as “Decree No. 65/2023/ND-CP”).

Article 2. Regulated entities

Organizations and individuals performing procedures for registration, complaint, and complaint settlement in activities concerning the establishment of industrial property rights and assurance of information on industrial property and other relevant organizations and individuals.

Article 3. Interpretation of terms

For the purpose of this Circular, the following terms shall be construed as follows:

1. “Applicant” means an organization or individual applying for the registration of an invention, layout design, industrial design, mark, or geographical indication. When a protection title of an invention, layout design, industrial design, or mark is granted, the applicant is recorded as the protection title holder. When a geographical indication protection title is granted, the applicant is recorded as the person registering such a geographical indication.

2. “Complainant” means an organization or individual complaining about procedures concerning industrial property according to Clause 1 Article 119a of the Law on Intellectual Property.

3. “Person with average knowledge of a certain field” means a person with common practical skills who grasps the general and common knowledge in a certain field.

4. “Paris Convention” is the Paris Convention for the Protection of Industrial Property 1883, amended in 1967 and 1979.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 4. Representatives of applicants and complainants

1. Legal representatives of applicants and complainants according to Article 89 and Article 119a of the Law on Intellectual Property include the following organizations and individuals:

a) Regarding an applicant or complainant that is the organization or individual prescribed in Clause 1 Article 89 and Clause 2 Article 119a of the Law on Intellectual Property:

(i) If the applicant or complainant is an individual: representative under laws or authorization of the applicant or complainant or industrial property representation service provider under the authorization of the applicant or complainant;

(ii) If the applicant or complainant is an organization: representative under laws of the applicant or complainant or person of the organization authorized by the legal representative of the applicant or complainant; industrial property representation service provider under the authorization of the applicant or complainant; head of a representative office or a branch of such office in Vietnam or legal representative of a 100% foreign-invested organization in Vietnam, established under investment laws (if the applicant or complainant is a foreign organization).

If the subject matter of the protection request is a result of a scientific and technological task funded by the state budget assigned before the effective date of the Law on Amendments to the Law on Intellectual Property dated June 16, 2022, or concerns national defense and security: state ownership representative; industrial property representation service provider or organization presiding over the implementation of scientific and technological tasks under the authorization of the state ownership representative.

b) Regarding an application or complainant that is a foreign individual not having permanent residence in Vietnam or a foreign organization or individual not having a production and business facility in Vietnam according to Clause 2 Article 89 and Clause 2 Article 119a of the Law on Intellectual Property: industrial property representation service provider under the authorization of the applicant or the complainant.

2. When performing relevant procedures, the Intellectual Property Office of Vietnam may only transact with the applicant, complainant, or the legal representative of the applicant or complainant according to Clause 1 of this Article. Any transaction with the mentioned subjects shall be collectively called transactions with applicants and complainants.

Article 5. Authorization of representation rights for performance of procedures for establishing industrial property rights

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The applicant or complainant may change the representative (hereinafter referred to as “authorization substitution”). Authorization substitution terminates the authorization between the applicant or complainant and the current authorized person. Authorization substitution shall be declared in writing by the applicant or complainant (in the authorization document or private document).

The authorized person may re-authorize another person under the Civil Code, providing that the re-authorized organization or individual meets the requirements prescribed in Article 4 of this Circular. Re-authorization may only be carried out after the initial authorization has been recognized by the Intellectual Property Office of Vietnam according to Clause 2 of this Article.

2. The time when an authorization document is recognized in the transaction with the Intellectual Property Office of Vietnam is the date the Intellectual Property Office of Vietnam receives the valid authorization document. Regarding cases of authorization substitution or re-authorization or amendments to information concerning changes to authorization scope, premature termination of authorization, changes to addresses of the authorized party, the time when the authorization document is recognized in the transaction with the Intellectual Property Office of Vietnam is the date the Intellectual Property Office of Vietnam receives corresponding valid documents.

3. If the authorization document is submitted later than the prescribed submission date but before the date the application is appraised to decide its validity and acceptance, the Intellectual Property Office of Vietnam shall transact with the representative of the applicant or the complainant (prescribed in the statement or complaint) to carry out the procedures for appraising the application to conclude whether the application is valid or invalid or accepted or rejected, including conclusions on the legality of the representative status.

4. Any transaction of the authorized party within the authorization scope at any time shall be considered transactions on behalf of the applicant or complainant, which gives rise to the rights and obligations of such applicant or complainant. In case of authorization substitution or re-authorization, the authorization substitution party or the re-authorized party shall continue the representation and handle any arising issue from the previous transaction with the Intellectual Property Office of Vietnam conducted by the previously authorized party.

5. If the authorization document has a scope of many independent procedures and the original copy of the authorization document has been submitted to the Intellectual Property Office of Vietnam, when carrying out further procedures, the authorized party shall submit copies of the authorization document with precise descriptions of regarding the code of the application containing the original copy of such authorization document in the statement or documents serving further procedures.

6. In the case of authorizing an organization or individual banned from engaging in representation or simultaneously authorizing many organizations and/or individuals, among which have an organization and/or individual banned from engaging in representation, the related application shall be considered invalid.

Article 6. Responsibilities of applicants, complainants, and representatives

1. An applicant, complainant, and representative of the applicant or complainant shall ensure the honesty of information and documents provided for the Intellectual Property Office of Vietnam during the process of establishing industrial property rights according to the following regulations:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Any Vietnamese translation of documents written in languages other than Vietnamese shall have the declaration of the applicant, complainant, or representative of such applicant or complainant stating that it is translated directly from the original document, except for cases of certified Vietnamese translation;

c) If the representative of the applicant or complainant is an industrial property representation service provider, the person representing such an organization to sign transaction documents shall have a practicing certificate of industrial property representation services.

2. The applicant or complainant shall take responsibility for any consequence and obligation arising from the transaction with the Intellectual Property Office of Vietnam performed by the representative as prescribed by laws.

3. The representative of the applicant or complainant shall take legal liability before the applicant or complainant.

Article 7. Industrial property fees and charges

1. Any applicant and user of industrial property services shall pay the fees and charges prescribed by the Ministry of Finance of Vietnam and other service fees as per regulation.

2. Collection of fees and charges shall be carried out as follows:

a) When receiving or requesting the performance of procedures concerning the collection of fees and charges, the Intellectual Property Office of Vietnam shall request the applicant to pay the fees and charges as per regulation (issue receipts to the applicant);

b) When collecting fees and charges, the Intellectual Property Office of Vietnam shall issue receipts to use as documentation on payment of fees and charges, specifying the collected fees and recording such information to the related application to use for the appraisal of such application;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Chapter II

HANDLING OF APPLICATIONS FOR ESTABLISHMENT OF INDUSTRIAL PROPERTY RIGHTS

Section 1. GENERAL REGULATIONS ON HANDLING OF APPLICATION FOR ESTABLISHMENT OF INDUSTRIAL PROPERTY RIGHTS

Article 8. Receipt of applications for establishment of industrial property rights

1. The Intellectual Property Office of Vietnam shall receive applications submitted in conformity with Article 89 of the Law on Intellectual Property and Clause 1 Article 48 of Decree No. 65/2023/ND-CP.

2. If an application sufficiently contains the mandatory documents prescribed in Clause 1 Article 108 of the Law on Intellectual Property or Clause 3 Article 48 of Decree No. 65/2023/ND-CP, the Intellectual Property Office of Vietnam shall receive the application, confirm the submission date, issue the code of the application, and return the receipt to the applicant, specifying the information on the submission date, application code, and inspection results of the list of documents of the application with the full name and signature of the receiving official.

Regarding an application submitted through online methods, if the application is received, the Intellectual Property Office of Vietnam shall return the receipt to the applicant, specifying the information on the submission date, application code, and inspection results of the list of documents of the application with the full name and signature of the receiving official through the online application submission system.

3. If an application misses one of the mandatory documents prescribed in Clause 1 Article 10 of the Law on Intellectual Property or Clause 3 Article 48 of Decree No. 65/2023/ND-CP, the receiving official shall refuse to accept the application and send a refusal notification of the Intellectual Property Office of Vietnam to the applicant (if the application is submitted through postal services or the online application submission system). If the rejected application is submitted through postal services, the Intellectual Property Office of Vietnam is not required to return the documents enclosed with the application, except for original copies submitted for comparison.

Article 9. Format appraisal of applications

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. An application shall be considered invalid if it falls into one of the following cases:

a) There are grounds to confirm that the applicant does not have registration rights according to Articles 86, 86a, 87, and 88 of the Law on Intellectual Property;

b) The application is submitted contrary to Article 89 of the Law on Intellectual Property;

c) There are grounds to confirm that the subject matters prescribed in the application are not entitled to state protection according to Articles 8, 59, 64, 69, 73, and 80 of the Law on Intellectual Property.

d) The application is submitted contrary to regulations on security control regarding inventions before applying for registration overseas prescribed in Article 89a of the Law on Intellectual Property, including cases where international applications are submitted in person to the International Office.

dd) The applicant fails to adequately pay the fees and charges prescribed in Article 7 of this Circular (including cases of inadequate payment of application submission fees, application disclosure fees, application appraisal fees, and fees for information serving the appraisal, excluding fees for information serving the appraisal and fees for content appraisal for invention registration applications if content appraisal is not required);

e) Format requirements prescribed in Articles 14, 17, 21, 24, and 28 of this Circular are not met (there are deficiencies):

(i) The application fails to meet the requirements for the number of copies of one of the mandatory documents or requirements for the form of presentation; the mark registration application does not specify the type of mark to be registered, misses the description of the mark; the application fails to classify the inventions, industrial designs, or goods and services bearing the related marks, or has in accurate classification and the applicant fails to pay classification fees; the application misses the translation of documents proving grounds to claim priority rights (if necessary), translation of documents proving registration rights if the applicant submits an application for receipt of registration rights from another person; information on the applicant in documents is inconsistent or is erased or not verified under regulations, statement does not have sufficient information on the author (regarding applications for registration of inventions, industrial designs, and layout designs) and the applicant and does not bear the signature of seal (if any) of the applicant or the representative; documents in the application for secret inventions do not have seals of confidentiality; etc.

(ii) The representative does not have a valid authorization document (if the application is submitted through the representative).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) The submission date is the date the related application is received by the Intellectual Property Office of Vietnam according to Clause 2 Article 8 of this Circular;

b) Regarding an international application designating and/or selecting Vietnam, the submission date is the date the international application is submitted.

4. A priority date is determined as follows:

a) If the application does not request priority rights or has its request for priority rights rejected by the Intellectual Property Office of Vietnam, the application shall be considered not having a priority date;

b) If the application requests priority rights, the priority date(s) is the date prescribed in the mentioned request approved by the Intellectual Property Office of Vietnam;

c) The determination of priority dates upon requests for priority rights from first applications submitted in Vietnam shall comply with Article 91 of the Law on Intellectual Property and corresponding regulations prescribed in Points b, c, and dd Clause 1 Article 12 of Decree No. 65/2023/ND-CP.

5. The Intellectual Property Office of Vietnam shall provide notifications of the results of the format appraisal and issue decisions to accept valid applications as follows:

a) If the application is subject to one of the cases prescribed in Clause 2 of this Article, the Intellectual Property Office of Vietnam shall send a notification of the results of the format appraisal containing the intended refusal of the application due to invalidity to the applicant. The notification shall specify the name and address of the applicant; the name of the authorized person (if any); names of the subject matters in the application; reasons and deficiencies causing the application to be rejected and impose a 2-month time limit for the applicant to provide any feedback or rectify deficiencies.

Regarding documents proving grounds for priority rights, the applicant may provide additions within 3 months from the submission date prescribed in Point d Clause 1 Article 12 of Decree No. 65/2023/ND-CP.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. After receiving the notification of the results of the format appraisal and the intended refusal of the application due to invalidity from the Intellectual Property Office of Vietnam, according to Point a Clause 5 of this Article, if the applicant fails to rectify deficiencies, provides inadequate rectification, does not have any objection, or provides irrelevant objections during the imposed time limit, the Intellectual Property Office of Vietnam shall issue a decision to reject the application and send it to the applicant.

a) The time limit for the format appraisal of an application is 1 month from the submission date prescribed in Clause 1 Article 119 of the Law on Intellectual Property;

b) If the Intellectual Property Office of Vietnam issues a notification according to Point a Clause 5 of this Article, the time for the applicant to respond to the notification shall not be included in the time limit for the format appraisal. Such a time is:

(i) The period from the notification date to the date the applicant responds to the notification; or

(ii) The imposed time limit in the notification (even if it is extended under Clause 2 Article 15 of Decree No. 65/2023/ND-CP) in case the applicant fails to respond to the notification.

c) If the applicant proactively requests amendments or additions to the application or responds to the notification of the Intellectual Property Office of Vietnam prescribed in Point a Clause 5 of this Article, the time limit for the format appraisal shall be extended by 10 days according to Clause 4 Article 119 of the Law on Intellectual Property;

d) Before the end date of the time limit prescribed in Points a, b, and c of this Clause, the Intellectual Property Office of Vietnam shall finish the format appraisal of the application and notify the applicant of the results according to Clauses 5 and 6 of this Article.

Article 10. Disclosure of valid applications

1. Information concerning the application approved as valid shall be disclosed by the Intellectual Property Office of Vietnam in the Industrial Property Official Gazette according to Article 110 of the Law on Intellectual Property. The applicant shall pay the disclosure fees as per regulation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Regarding an application for registration of an invention:

(i) The application shall be disclosed in the 19th month from the priority date or the submission date if the application does not have a priority date;

(ii) If the application requests early disclosure, it shall be disclosed within 2 months from the date the Intellectual Property Office of Vietnam receives such a request or from the date of valid application acceptance, whichever is later.

b) Regarding an application for registration of an industrial design:

(i) The application shall be disclosed within 2 months from the date of valid application acceptance if the applicant does not request late disclosure or the application is accepted as valid after the time limit for requesting late disclosure;

(ii) If the applicant requests late disclosure and the application is accepted as valid before the time limit for requesting late disclosure, the application shall be disclosed in the month following the end month of the time limit for requesting late disclosure.

c) Regarding an application for registration of a mark or geographical indication, it shall be disclosed within 2 months from the date of valid application acceptance.

3. Disclosed contents in the Industrial Property Official Gazette shall include information concerning valid applications regarding their format prescribed in decisions on valid application acceptance (including decision code and date) and the following information:

a) Regarding an application for registration of an invention: name and nationality of the inventor; information concerning the valid application (application conversion or spit, the code of the initial application of the split/conversion application, etc.); summary of the invention; drawings enclosed with the summary (if any); date of request for content appraisal (if any); date of request for early disclosure (if any); international classification of the invention; other information (if any).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Regarding an application for registration of a mark: mark samples and list of goods and services bearing the mark; information concerning the valid application (application conversion or split, the code of the initial application of the split application, etc.); international classification of goods and services; other information (if any); use regulations (regarding a collective or certification mark).

d) Regarding an application for registration of a geographical indication: summary of the specific characteristics of products with the geographical indication and names of such products; other information (if any).

Article 11. Handling of objections to applications for industrial property

1. If there is an objection to an application for industrial property submitted under Article 112a of the Law on Industrial Property that meets the requirements prescribed in Clause 9 of this Article, the Intellectual Property Office of Vietnam shall receive and notify such an objection to the applicant while imposing a 2-month time limit from the notification date for the applicant to provide written answers, except for cases prescribed in Clause 2 and Clause 5 of this Article.

2. If a mark and goods and services in the application subject to objection is identical to the mark and goods and services provided by the objecting party or there are grounds to conclude that the mark and goods and services subject to objection are similar and cause confusion or are not similar and do not cause confusion over the mark and goods and services provided by the objecting party, the Intellectual Property Office of Vietnam shall handle the objection during the content appraisal of the application for registration of the mark and notify the handling results and the content appraisal results of the related application to the objector.

3. After receiving the response of the applicant within the time limit prescribed in Clause 1 of this Article, if necessary, the Intellectual Property Office of Vietnam shall notify such a response to the objector and impose a 2-month time limit from the notification date for the objector to provide answers to the response.

4. Based on information, evidence, and arguments provided by the related parties (if any) according to Clauses 1 and 3 of this Article and/or results of the conversation of the related parties according to Clause 7 of this Article and documents in the application, the Intellectual Property Office of Vietnam shall handle the objection and notify the objector of the results of the handling of the objection and the content appraisal results of the related application.

5. If the objection of the objector concerns registration rights, the Intellectual Property Office of Vietnam shall notify and instruct the objector to file a lawsuit to a competent Court according to civil procedure laws, except for the following cases:

a) There are grounds to determine that the applicant is not competent to submit the application according to Clause 7 Article 87 of the Law on Intellectual Property;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. If the objector fails to submit copies of the notification of case acceptance of the Court to the Intellectual Property Office of Vietnam within 2 months from the date the Intellectual Property Office of Vietnam issues the notification prescribed in Clause 5 of this Article, the objector shall be considered to withdraw the objection and the Intellectual Property Office of Vietnam shall continue to process the application as per regulation. If the Intellectual Property Office of Vietnam receives copies of the notification of case acceptance of the Court from the objector in the time limit mentioned above, the Intellectual Property Office of Vietnam shall suspend the processing of the related application to wait for the dispute handling results of the Court. After receiving the handling results from the Court, the processing of the application shall be carried out in conformity with such results.

7. The Intellectual Property Office of Vietnam shall organize direct conversations between the objector and the applicant to clarify the issue subject to the objection if necessary or upon requests from both parties.

8. The time limit for the applicant to provide answers to the objection of the objector and the time limit for the objector to respond to the feedback of the applicant according to Clauses 1 and 3 of this Article shall not be included in the time limit for the Intellectual Property Office of Vietnam to carry out related procedures as per regulation.

9. Objections to industrial property applications shall be made in Vietnamese. Documents enclosed with the objections may be made in other languages but shall be translated to Vietnamese when requested by the Intellectual Property Office of Vietnam.

Article 12. Application content appraisal

1. Application content appraisal prescribed in Article 114 of the Law on Intellectual Property means the assessment of the possibility of protection of subject matters prescribed in applications according to conditions for protection and determination of the respective protection scope (volume). Content appraisal shall not apply to applications for layout design registration.

2. Content appraisal shall be carried out as follows:

a) Contents subject to appraisal include:

(i) Assessment of the compatibility of the subject prescribed in the application regarding the protection title type requested for issuance;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



(iii) Inspection of compliance with first-to-file rule.

b) The assessment according to protection conditions shall be carried out respectively for each subject (if the application includes multiple subject matters while ensuring consistency). For each subject, the assessment shall be carried out respectively by each protection condition:

(i) Regarding an invention registration application, the assessment shall be carried out respectively by each point specified in the protection scope (request);

(ii) Regarding an industrial design registration application, the assessment shall be carried out respectively with the design of each product (if the application mentions a set of products); in case multiple schemes are mentioned, the assessment shall apply to each scheme respectively, starting from the basic scheme (the first scheme mentioned in the application);

(iii) Regarding a mark registration application, the assessment shall be carried out respectively for each component of the mark regarding each good and service prescribed in the list of goods and services.

c) The content appraisal for each subject prescribed in Point b of this Clause shall be completed once such subject matters are assessed with every protection condition, and there are sufficient grounds to conclude that such subject matters fail to meet or meet the protection conditions, specifically:

(i) There are reasons to conclude that the related subject matters fail to meet one, several, or all of the protection conditions; or

(ii) There is no reason to conclude that the related subject matters fail to meet at least one of the protection conditions.

d) Before issuing notification of the content appraisal results with the intended issuance of protection titles according to Points c, d, e Clause 8 Article 16, Points c, d, e Clause 10 Article 23, and Points c, d, Paragraph (ii) Point e Clause 13 Article 26 of this Circular, the Intellectual Property Office of Vietnam shall inspect compliance with the first-to-file rule according to Clause 7 Article 16, Clause 9 Article 23, Clause 12 Article 26 of this Circular.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



(i) Applications not subject to cases prescribed in Article 90 of the Law on Intellectual Property;

(ii) Applications with the earliest submission date or priority date among the invention registration applications subject to cases prescribed in Clause 1 Article 90 of the Law on Intellectual Property;

(iii) Applications with the earliest submission date or priority date among the industrial design registration applications subject to cases prescribed in Clause 1 Article 90 of the Law on Intellectual Property;

(iv) Applications with the earliest submission date or priority date among the mark registration applications subject to cases prescribed Clause 2 Article 90 of the Law on Intellectual Property;

(v) Applications under agreements prescribed in Clause 3 Article 90 of the Law on Intellectual Property.

e) Any application not subject to cases prescribed in Point dd of this Clause shall be:

(i) Rejected from the issuance of protection titles due to failure to satisfy the first-to-file rule if the application that has the earliest submission date or priority date is eligible for protection title issuance; or

(ii) Considered to be the application with the earliest submission date or priority date and be processed as cases prescribed in Point dd of this Clause if every other application with the earliest submission date or priority date is rejected from protection title issuance, withdrawn, or considered to be withdrawn.

3. During the content appraisal of an application, if the application does not specify the nature of the subject matter, the Intellectual Property Office of Vietnam may request the applicant to explain the application content, provide information subject to the scope of the nature of the subject matters mentioned in the application for an adequate description of the nature of the subject matters and impose a 3-month time limit from the date of notification for the applicant to rectify.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) The time limit for content appraisal of the application shall comply with Clause 2 Article 119 of the Law on Intellectual Property;

b) The period for the applicant to respond to notifications from the Intellectual Property Office of Vietnam prescribed in Clause 8 Article 16, Clause 10 Article 23, Clause 13 Article 26, and Clause 7 Article 30 of this Circular shall not be included in the time limit for content appraisal. This period is:

(i) The period from the notification date to the date the applicant responds to the notification; or

(ii) The imposed time limit in the notification (even if it is extended under Clause 2 Article 15 of Decree No. 65/2023/ND-CP) in case the applicant fails to respond to the notification.

c) In case the applicant proactively requests amendment or addition to the application or responds to the notification of the Intellectual Property Office of Vietnam according to Clause 8 Article 16, Clause 10 Article 23, Clause 13 Article 26, and Clause 7 Article 30 of this Circular, the time limit for content appraisal shall be extended corresponding to the time limit for handling such requests or explanations from the applicant according to Clause 4 Article 119 of the Law on Intellectual Property as follows:

(i) Up to 6 months regarding an invention;

(ii) Up to 3 months regarding a mark;

(iii) Up to 2 months and 10 days regarding an industrial design;

(iv) Up to 2 months regarding a geographical indication.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 13. Re-appraisal

1. Re-appraisal of an industrial property application shall be carried out by the Intellectual Property Office of Vietnam in the following cases:

a) The application is subject to a re-appraisal due to arising objections after the content appraisal results have been notified according to Clause 2 Article 118 of the Law on Intellectual Property when:

(i) There is written feedback of the applicant submitted to the Intellectual Property Office of Vietnam during the period from the date of content appraisal result notification to before the date of the decision to issue or refuse to issue the related protection title, or there is written feedback of a third person objecting the intended issuance f the protection title in the content appraisal result notification enclosed with reasonable evidence proving the force majeure or objective obstacles leading to failure to object the application in the time limit prescribed in Article 112a of the Law on Intellectual Property;

(ii) The feedback prescribed in Paragraph (i) of this Point has reasonable grounds with enclosed evidence or indication of trusted information sources;

(iii) Reasons and evidence proving the feedback specified in Paragraph (i) of this Point shall be different from the reasons and evidence (if any) mentioned in the previous stage, or the reasons and evidence may be identical to the previous stage, but the Intellectual Property Office of Vietnam must have not assessed them under Clauses 1, 2, and 3 Article 11 of this Circular.

b) The application is subject to a re-appraisal when there is a request for amendment or addition to the application after the content appraisal results have been notified, specifying the intended issuance of a protection title according to Point c Clause 3 Article 16 of Decree no. 65/2023/ND-CP;

c) The application is subject to a re-appraisal when there is a request for the recognition of changes to the applicant due to a transfer of the mark registration application submitted after the content appraisal results have been notified with the intended issuance of a protection title according to Point c Clause 2 Article 18 of Decree No. 65/2023/ND-CP.

d) The application is subject to a re-appraisal because the protection title holder requests amendments to the description or narrows the scope of industrial property right protection according to Point b Clause 1 and Clause 3 Article 97 of the Law on Intellectual Property following the procedure for amending protection titles prescribed in Point b Clause 5 Article 29 of Decree No. 65/2023/ND-CP;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) The application is subject to a re-appraisal due to a written complaint against decisions or notifications concerning the application according to Clause 4 and Point b Clause 6 Article 38 of this Circular.

2. The application re-appraisal shall be carried out as follows:

a) The time limit for application re-appraisal shall comply with Clause 3 Article 119 of the Law on Intellectual Property, specifically:

(i) Up to 12 months regarding an invention;

(ii) Up to 6 months regarding a mark;

(iii) Up to 4 months and 20 days regarding an industrial design;

(iv) Up to 4 months regarding a geographical indication.

Regarding complicated cases with details requiring verification or consultation with experts, the time limit for the re-appraisal may be extended, but it shall not exceed the first-time appraisal time limit according to Clause 2 Article 119 of the Law on Intellectual Property.

b) The content subject to re-appraisal shall comply with the corresponding regulations prescribed in Clause 2 Article 12 of this Circular;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) For each case prescribed in Clause 1 of this Article, the content re-appraisal shall only be carried out once for the applicant and the third person.

Section 2. APPLICATIONS AND PROCESSING OF INVENTION REGISTRATION APPLICATIONS

Article 14. Requirements for invention registration applications

1. An invention registration application shall be made in compliance with Article 100 and Article 102 of the Law on Intellectual Property, Article 48 and Appendix I of Decree No. 65/2023/ND-CP, and guidelines prescribed in this Article.

2. The application shall ensure consistency according to Clause 1 and Clause 2 Article 101 of the Law on Intellectual Property. One group of inventions shall have a strict technical relation for a single common creative purpose according to Clause 2 Article 101 of the Law on Intellectual Property if it falls into the following cases:

a) One object is used to create (manufacture, invent, or process) the other object;

b) One object is used to carry out the other object;

c) One object is used to utilize the other object;

d) Objects are of the same type with the same function to ensure the same result.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) The biological materials shall be submitted to the biological material storage authority no later than the submission date of the invention registration application related to such biological materials;

b) The biological material storage authority is a Vietnamese or foreign authority included in the list of international storage authorities according to the Budapest Treaty or recognized by the Ministry of Science and Technology of Vietnam regarding the function of storing biological materials for procedures concerning inventions;

c) Regarding biological materials deposited in a foreign storage authority, if it is necessary to clarify the nature of the subject matters of the protection request or to meet the requirements of a third party regarding access to such subject matters, the Intellectual Property Office of Vietnam may:

(i) Request the applicant to deposit additional biological materials in a Vietnamese storage authority in case biological materials have not been deposited in an international storage authority according to the Budapest Treaty;

(ii) Request the biological material storage authority to provide samples in case the biological materials are deposited in an international storage authority according to the Budapest Treaty.

4. Regarding an application for an invention directly created from the gene source or traditional knowledge, if the applicant fails to enclose presentation documents on the origin of the gene source or the traditional knowledge that the author of such an invention or the applicant has accessed according to Point dd1 Clause 1 Article 100 of the Intellectual Property due to inability to identify the source of such gene source of traditional knowledge, the applicant shall specify the reason as such and take responsibility for the honesty of the provided information.

5. If there are grounds (information or evidence) to suspect the authenticity of the information specified in the application or determine that the information specified in the application is unclear, the Intellectual Property Office of Vietnam shall request the applicant to submit documents to verify or clarify such information within 2 months from the date of the Intellectual Property Office of Vietnam issues the notification. Documents mentioned above may be documents confirming the legitimate registration rights if the applicant inherits the submission rights from another person (documents proving inheritance rights according to civil laws, documents proving the transfer of application submission rights; assignment contracts or labor contracts, etc.); documents showing drug test results on humans, animals, or plants in their descriptions (when subject matters of the protection request are pharmaceutical products used for humans, animals, or plants); etc.

Article 15. Format appraisal and disclosure of invention registration applications

The format appraisal and disclosure of invention registration applications shall comply with the general procedures prescribed in Articles 9 and 10 of this Circular.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. An applicant may request the Intellectual Property Office of Vietnam to carry out the content appraisal of an invention registration application according to Article 113 of the Law on Intellectual Property in compliance with the following guidelines:

a) A request for content appraisal of the invention registration application shall be made in writing following the Form in Appendix I of Decree No. 65/2023/ND-CP or specified in the declaration of the invention registration application (if the request is made upon the application submission);

b) The time limit for submitting the request for content appraisal of the invention registration application shall comply with Article 113 of the Law on Intellectual Property;

c) The applicant shall pay the information fees and content appraisal fees as per regulation. If the applicant fails to pay the mentioned fees fully, the request for content appraisal shall be considered invalid, and the Intellectual Property Office of Vietnam shall not carry out the application content appraisal.

The request for content appraisal of the invention registration application submitted after the application disclosure date shall be disclosed in the Industrial Property Official Gazette in the 2nd month from the receipt date of the request. The request for content appraisal of the invention registration application submitted before the application disclosure date shall be disclosed together with the related application.

2. The Intellectual Property Office of Vietnam shall carry out the content appraisal of the invention registration application in compliance with Article 12 of this Circular and Clauses 3, 4, 5, 6, 7, 8, and 9 of this Article.

3. The assessment of the compatibility between subject matters mentioned in the application and types of invention protection titles shall comply with the following regulations:

a) Subject matters mentioned in the invention registration application shall be considered incompatible with the type of protection title the applicant requested for issuance (invention patent or utility solution patent) if the subject matters are not technical solutions, products, or procedures. The recognition of technical solutions is prescribed in Point b of this Clause;

b) Technical solutions – subject matters protected as inventions – mean a necessary and adequate collection of information on technical methods and/or means (application of the law of nature) used for the purpose of settling one specific task (issue). Technical solutions may be subject to one of the following forms:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 (ii) Procedures (technological procedures; methods of diagnosis, prediction, inspection, handling, etc.) presented by a collection of information determining the method for carrying out a specific procedure or task characterized by signs (characteristics) of order, conditions, compositions, measures, and means to perform operations to achieve a certain purpose.

c) Subject matters mentioned in the application shall not be considered as technical solutions in the following cases:

(i) Subject matters mentioned in the application are ideas or intentions only stating (posing) issues but not solving them or not answering questions of “how” and/or “by what means”;

(ii) Issues (tasks) stated for settlement are not technical issues and cannot be settled by technical methods;

(iii) Natural products that are not creative products of humans.

4. Assessment of the capacity for industrial application according to Article 62 of the Law on Intellectual Property

a) Technical solutions mentioned in the application shall be considered “feasible” if:

(i) Information on the nature of the solutions, together with guidelines on necessary technical conditions, are presented clearly and adequately to the point where persons with average knowledge of the corresponding technical field can create, manufacture, use, utilize, or implement such solutions;

(ii) The creation, manufacture, use, utilization, or implementation of the mentioned solutions is repeatedly carried out, producing the same result that is similar to the one specified in the invention description.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



(i) The nature of subject matters or guidelines for the implementation of subject matters contradict fundamental principles of science (e.g., in compliance with the principle of conservation of energy, etc.);

(ii) Subject matters include elements and components without any technical relation among each other or cannot be related (connected, bound, dependent, etc.) to each other;

(iii) Subject matters contain internal contradictions;

(iv) Guidelines on subject matters may only be implemented for a limited number of times (cannot be repeated);

(v) Persons implementing solutions must have special skills that cannot be imparted or presented to others;

(vi) Implementation results are not consistent after multiple attempts;

(vii) Implementation results are different from the ones prescribed in the application;

(viii) Guidelines important for the implementation of solutions are unavailable or missing;

(ix) Other cases with valid reasons.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) To assess the novelty of technical solutions mentioned in an application, an information lookup shall be conducted from the following mandatory sources (but not limited to such sources):

(i) Every invention registration application received by the Intellectual Property Office of Vietnam with the same classification index with the subject matters mentioned in the application currently subject to appraisal - including the sub-classification index (third index) with priority dates or submission dates earlier than the priority date or submission date of the application currently subject to appraisal, excluding applications that have been or will not be disclosed;

(ii) Invention registration applications or invention protection titles disclosed by other organizations or countries within 25 years by the submission or priority date of the application currently subject to appraisal (if the application is eligible for priority rights), archived in the database on inventions at the Intellectual Property Office of Vietnam and other information sources stipulated by the Intellectual Property Office of Vietnam with the lookup scope prescribed in Paragraph (i) of this Point.

In case of necessity and possibility, the lookup may be expanded to the national database on science and technology and other accessible information sources, including information sources on the internet.

b) The information lookup aims to determine technical solutions similar or identical to technical solutions mentioned in the application in terms of nature. Specifically:

(i) Two technical solutions shall be considered identical when all fundamental signs (characteristics) are identical or equivalent (interchangeable);

(ii) Two technical solutions shall be considered similar when most of the fundamental signs (characteristics) are identical or equivalent (interchangeable);

(iii) “Control technical solutions” mean technical solutions identical or most similar to the technical solutions mentioned in the application;

(iv) “Control documents” are documents with descriptions of control technical solutions or evidence proving that control technical documents have been disclosed.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) To assess the novelty of the technical solutions mentioned in the application, it is necessary to compare the fundamental signs (characteristics) of such technical solutions with ones of control technical solutions discovered during the lookup of information, specifically:

 (i) Fundamental technical signs of technical solutions may be the physical and structural characteristics (details, detail clusters, links, etc.) or the structure of substances (components (presence, ratio), status of elements, etc.) together with other fundamental technical signs forming a necessary and adequate collection of the nature (content) of the subject matters.

The fundamental technical signs mentioned above may be presented in the form of technical functions of an element in the structure of a product (functional signs), providing that the display is sufficient for a person with average knowledge in the related field may easily understand the technical mean or method to perform such a function in normal conditions without creativity. Functions and uses of subject matters requesting protection are not fundamental technical signs, but they may be the purposes or achieved results of such subject matters;

(ii) Fundamental technical signs of the technical solutions mentioned in the application and protection titles shall be specified in the protection scope (request) of the inventions, descriptions, or drawings;

(iii) Fundamental technical signs of technical solutions mentioned in other documents shall be specified and discovered in their description documents or presented by the actual forms of such technical solutions.

dd) To guarantee the novelty of disclosed inventions in exceptions prescribed in Clause 3 and Clause 4 Article 60 of the Law on Intellectual Property, the applicant shall submit documents concerning the disclosure to prove the eligibility for exception. The mentioned documents shall be submitted together with the application or as an addition according to regulations on application amendment and addition.

e) Corresponding to a specific point of the protection scope (request), technical solutions mentioned in the application shall be considered novel compared to the global technical status if:

(i) No control technical solution is found during the information lookup; or

(ii) Specific control technical solutions are found, but the technical solutions mentioned in the application have at least one fundamental technical sign not included in the control technical solutions (such a sign is called a distinctive fundamental sign).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) When assessing the creativity of technical solutions, an information lookup shall be carried out using the mandatory sources (but not limited to such sources) according to Point a Clause 5 of this Article (except for undisclosed applications by the priority date or submission date of the application currently subject to appraisal);

b) The creativity assessment of technical solutions mentioned in the application shall be carried out by assessing the distinctive fundamental sign(s) mentioned in the protection scope (request) to conclude:

(i) Whether the distinctive fundamental sign(s) is presented in the mandatory information sources; and

(ii) Whether the collection of distinctive fundamental technical signs is obvious to persons with average knowledge of the corresponding technical field.

Corresponding to a specific point of the protection scope (request), technical solutions shall be considered creative if the inclusion of distinctive fundamental technical signs to the collection of fundamental technical signs of such technical solutions is a result of creative actions and not an obvious result due to common knowledge in the corresponding technical field.

c) Corresponding to a specific point of the protection scope, technical solutions shall be considered uncreative in the following cases (but not limited to such cases):

(i) The collection of distinctive fundamental technical signs is obvious (any person with average knowledge of the corresponding technical field knows that in order to implement the determined function or achieve the determined purpose, such a collection must be used, and when using the mentioned collection the corresponding purpose is achieved or the corresponding function is carried out);

(ii) The collection of distinctive fundamental technical signs has already been presented in an identical or similar form in one or several known technical solutions in the mandatory information sources. Specifically, two signs shall be considered identical if they have the same nature; two signs shall be considered similar if they have similar nature, same purposes, and methods for achieving purposes are fundamentally identical;

(iii) Technical solutions are the results of the basic combination of known technical solutions with their functions, purposes, and efficiency also are the results the basic combination of ones of known technical solutions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



8. Before the end of the time limit for content appraisal according to Clause 4 Article 12 of this Circular, the Intellectual Property Office of Vietnam shall carry out the following tasks:

a) If the subject matters of the protection request mentioned in the application fail to meet the protection conditions or are subject to cases prescribed in Article 117 of the Law on Intellectual Property or meet the protection conditions but the application has deficiencies, the Intellectual Property Office of Vietnam shall notify the applicant of the content appraisal results, specifying the intended refusal to issue the protection title, reasons, or deficiencies of the application, provide guidelines on amendments to the protection scope (volume) and impose a 3-month time limit from the notification date for the applicant to provide any feedback;

b) After the imposed time limit prescribed in Point a of this Clause, if the applicant fails to amend deficiencies or provides inadequate amendments or does not have any objection or provides inadequate objection, within 15 days from the end date of the mentioned time limit, the Intellectual Property Office of Vietnam shall issue a decision to refuse to issue the protection title.

c) If the subject matters of the protection request mentioned in the application partly meet the protection conditions according to protection request points, the Intellectual Property Office of Vietnam shall issue a notification of the content appraisal results, specifying the intended issuance of the protection title regarding the part meeting the protection conditions, providing that the applicant provides adequate amendments to the application, reasons for refusal to issue the protection title for the part not meeting the protection conditions, and impose a 3-month time limit from the notification date for the applicant to have any written feedback on agreeing and amending the application or objection to the content appraisal results.

d) If the subject matters of the protection request mentioned in the application meet the protection conditions or the applicant has provided adequate amendments or valid suggestions on the content appraisal results and/or provided adequate amendments to the application according to Point a and Point c of this Clause, the Intellectual Property Office of Vietnam shall issue a notification of the content appraisal results, specifying the intended issuance of the protection title to the whole or the part meeting the protection conditions and impose a 3-month time limit from the notification date for the applicant to pay protection title issuance fees, fees for disclosure of decisions on protection title issuance, protection title issuance decision registration fees, validity maintenance fees, and fees for the use of invention protection titles in the first year.

dd) After the imposed time limit prescribed in Point c of this Clause, if the applicant fails to provide amendments or does not have any objection, within 15 days from the end date of such time limit, the Intellectual Property Office of Vietnam shall issue a decision to refuse to issue the protection title.

e) After the imposed time prescribed in Point c of this Clause, if the applicant provides inadequate amendments to the application or inadequate objection, the Intellectual Property Office of Vietnam shall issue a notification of the content appraisal results, specifying the intended issuance of the protection title to the part meeting the protection conditions, providing that the applicant provides adequate amendments to the application, and impose a 3-month time limit from the notification for the applicant to amend the application.

If the applicant has provided adequate amendments to the application, within 3 months from the date of such amendments, the Intellectual Property Office of Vietnam shall notify the applicant of the intended issuance of the protection title and the payment of protection title issuance fees, fees for disclosure of decisions on protection title issuance, protection title issuance decision registration fees, validity maintenance fees, and fees for the use of invention protection titles in the first year and impose a 3-month time limit from the notification date for the applicant to pay the mentioned fees.

g) If the applicant provides inadequate amendments to the applicant, does not amend the application, or inadequately pays protection title issuance fees, fees for disclosure of decisions on protection title issuance, and protection title issuance decision registration fees within the imposed time prescribed in Point d and Point e of this Clause, within 3 months from the end date of the corresponding time limit, the Intellectual Property Office of Vietnam shall issue a decision to refuse to issue the protection title.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



9. The use of the information lookup results and invention registration application appraisal results of a foreign invention agency shall be carried out as follows:

a) During the content appraisal of an invention registration application, the Intellectual Property Office of Vietnam may use the information lookup results and content appraisal results of the corresponding application submitted abroad for reference;

b) Lookup and appraisal results mentioned in Point a of this Clause include one of the following documents:

(i) Report on the lookup, report on the appraisal, and notification of the appraisal results;

(ii) Disclosed copy of the invention patent or protection title.

c) Before the Intellectual Property Office of Vietnam issues notification of the content appraisal results, the applicant may request the Intellectual Property Office of Vietnam to use the content appraisal results of an invention registration application submitted abroad to assess the protection capacity if the following conditions are met:

(i) Content appraisal results in documents mentioned in Paragraph (i) and Paragraph (ii) Point b of this Clause are issued by authorities included in the list approved by the Minister of Science and Technology of Vietnam based on the suggestion from the Intellectual Property Office of Vietnam;

(ii) Content appraisal results of the invention registration application submitted abroad mentioned above have at least one protection request point assessed as meeting protection conditions;

(iii) Protection request points of the application submitted in Vietnam, initially or after amendments, are identical to protection request points assessed as meeting protection conditions in the content appraisal results of the mentioned invention registration application submitted abroad;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) In case the conditions prescribed in Point c of this Clause are met, the request for the use of the foreign content appraisal results is approved, the Intellectual Property Office of Vietnam shall issue notification of application content appraisal results within 12 months from the date of receipt of the request from the applicant.

If amendments or additions to the invention registration application in the 12-month time limit mentioned above cause one of the conditions prescribed in Point c of this Clause to no longer be met, such invention registration application shall be appraised under normal procedures.

dd) If one of the conditions prescribed in Point c of this Clause is no longer met, the Intellectual Property Office of Vietnam shall notify the rejection of the request for the use of foreign content appraisal results and the decision to appraise the invention registration application under normal procedures.

Section 3. APPLICATIONS AND PROCESSING OF LAYOUT DESIGN REGISTRATION APPLICATIONS

Article 17. Requirements for layout design registration applications

1. A layout design registration application shall meet the requirements prescribed in Articles 100, 101, and 104 of the Law on Intellectual Property, Appendix I of Decree No. 65/2023/ND-CP, and the guidelines in this Article.

2. If there are grounds (information or evidence) to suspect the authenticity of the information specified in the application or determine that the information specified in the application is unclear, the Intellectual Property Office of Vietnam shall request the applicant to submit documents to verify or clarify such information within 2 months from the date of the Intellectual Property Office of Vietnam issues the notification. Documents mentioned above may be documents confirming the legitimate registration rights if the applicant inherits the submission rights from another person (documents proving inheritance rights, documents proving the transfer of application submission rights, assignment contracts, or labor contracts), etc.

Article 18. Confidentiality of information in layout design registration applications

The Intellectual Property Office of Vietnam shall ensure the confidentiality of the information in the layout design registration application upon request from the applicant, according to Appendix I of Decree No. 65/2023/ND-CP.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The format appraisal of a layout design registration application shall comply with Clauses 1, 2, 3, 4, and 8 Article 9 of this Circular and regulations on layout design registration application prescribed in this Article.

2. Notification of format appraisal results shall be carried out as follows:

a) If the application is subject to cases prescribed in Clause 2 Article 9 of this Circular, the Intellectual Property Office of Vietnam shall carry out the procedures prescribed in Point a Clause 5 Article 9 of this Circular.

b) If the application is valid, the Intellectual Property Office of Vietnam shall notify the applicant of the intended issuance of the certificate of layout design registration and impose a 3-month time limit from the notification date for the applicant to pay fees as per regulation.

3. After receiving the notification of format appraisal results, specifying deficiencies and the intended rejection of the application according to Point a Clause 5 Article 9 of this Circular form the Intellectual Property Office of Vietnam, if the applicant fails to amend deficiencies or provides inadequate amendments or does not have any objection or provides inadequate objection within the imposed time limit or fails to adequately pay fees for issuance of certificates of layout design registration as per regulation, the Intellectual Property Office of Vietnam shall issue a decision to refuse to issue the certificate of layout design registration and send it to the applicant.

Article 20. Disclosure of layout design registration applications

1. A layout design registration application accepted as valid shall be disclosed under Clause 4 Article 110 of the Law on Intellectual Property.

2. Access to detailed information on valid layout design registration applications

a) From the disclosure date of applications, anyone can access detailed information on the nature of the layout designs mentioned in disclosed applications, except for information subject to confidentiality according to Article 18 of this Circular.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Section 4. APPLICATIONS AND PROCESSING OF INDUSTRIAL DESIGN REGISTRATION APPLICATIONS

Article 21. Requirements for industrial design registration applications

1. An industrial design registration application shall meet the requirements prescribed in Articles 100 and 103 of the Law on Intellectual Property, Appendix I of Decree No. 65/2023/ND-CP, and the guidelines prescribed in this Article.

2. The industrial design registration application shall ensure consistency according to Clause 1 and Clause 3 Article 101 of the Law on Intellectual Property. If the application requests protection for one industrial design of one product or any part for assembly into a complex product enclosed with one or many schemes for variants of such industrial design, such schemes shall not be significantly different from the basic schemes and each other.

Specifically, products are items, tools, devices, or equipment manufactured by using industrial or handicraft methods with specific structures and functions; parts for assembly into complex products with the capacity for independent circulation that can be disassembled from the complex products; complex products are products generated from many replaceable parts that can be disassembled and reassembled. Products, parts for assembly, and complex products shall be collectively called products except for specific regulations.

3. If there are grounds (information or evidence) to suspect the authenticity of the information specified in the application or determine that the information specified in the application is unclear, the Intellectual Property Office of Vietnam shall request the applicant to submit documents to verify or clarify such information within 2 months from the date of the Intellectual Property Office of Vietnam issues the notification. Documents mentioned above may be documents confirming the legitimate registration rights if the applicant inherits the submission rights from another person (documents proving inheritance rights, documents proving the transfer of application submission rights, assignment contracts, or labor contracts, etc.).

4. Design characteristics of industrial designs are understood as follows:

a) The design characteristics of an industrial design are elements presented in the form of lines, shapes, colors, position correlation, or size correlation that, when combined with other characteristics (signs), form the industrial design;

b) Fundamental design characteristic is the design characteristic that can be easily recognized or memorized, which is necessary and sufficient to determine the nature of the industrial design and distinguish the industrial design from other ones used for products of the same type.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) The following elements shall not be considered fundamental design characteristics of industrial designs:

(i) Shapes and lines decided by the technical functions of the products (e.g., the flat shape of a data recording disc decided by the relative movement between the disc and the disc reader, etc.);

(ii) Elements without aesthetic impression among the collection of signs (the impression of the product’s appearance remains the same with or without the mentioned elements; e.g., a change in a shape or line is not enough to be recognized, so the changed shape or line is still only recognized as the old one);

(iii) Materials used to manufacture the product;

(iv) Signs attached or labeled onto the product to provide information or guidelines on the origin, characteristic, structure, function, use, etc., of the product, e.g., information on goods labels (manufacturers, commercial instructions, origins, codes, etc.), marks, geographical indications, etc.;

(v) Size of the product, except for cases of changes to the decorative sizes of fabric samples and similar materials;

(vi) Design characteristics invisible during the utilization of the product (regarding the industrial design of the product) or complex product (regarding the industrial design of parts for assembly into a complex product);

(vii) Other elements not meeting the conditions prescribed in Point b of this Clause.

Article 22. Format appraisal and disclosure of industrial design registration applications

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 23. Content appraisal of industrial design registration applications

1. Content appraisal of an industrial design registration application shall be carried out following the general procedure prescribed in Article 12 of this Circular and this Article.

2. Subject matters mentioned in the application shall be considered incompatible with the industrial design protection title if:

a) The subject matters are not the appearance of the product. The appearance of the product is a combination of design characteristics (shapes, lines, colors, or a combination thereof) visible during the utilization of the functions of the product (regarding the industrial design of the product) or the complex product (regarding industrial designs of parts for assembly into such complex product). Specifically, the utilization of the functions of the product or complex product means putting such product into use according to its features and functions, excluding its maintenance and repair.

b) Subject matters mentioned in the application are:

(i) The appearance of the product due to mandatory technical characteristics of the product;

(ii) The appearance of a civil or industrial construction work except for the appearance of modules or separate units that can be independently used or assembled together to form the construction work, such as stalls, kiosks, mobile homes, or similar products.

3. Information lookup shall be carried out as follows:

The information lookup aims to use the mandatory information sources to discover industrial designs identical or similar to the industrial design mentioned in the application.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 (i) Industrial design registration applications received by the Intellectual Property Office of Vietnam and have disclosure dates earlier than the priority date of the application current subject to appraisal (if it is eligible for priority rights);

(ii) Industrial design registration applications and industrial design protection titles disclosed by other organizations or countries within 25 years before the submission date or priority date of the application currently subject to appraisal (if it is eligible for priority rights), archived in the existing database on industrial designs at the Intellectual Property Office of Vietnam;

(iii) Other information concerning industrial designs collected and archived by the Intellectual Property Office of Vietnam;

(iv) Industrial design registration applications received by the Intellectual Property Office of Vietnam and international industrial design registration applications designating Vietnam with submission dates or priority dates earlier than the application currently subject to appraisal (if it is eligible for priority rights), used for inspecting compliance with the first-to-file rule prescribed in Clause 9 of this Article.

c) In case of necessity and possibility, the lookup may be expanded to more than the mandatory information sources, such as national databases on inventions and marks and other accessible information sources.

4. Information lookup results shall be presented in the lookup report, specifying the lookup field, scope, and results within such a scope (specific statistics on discovered control industrial designs, information origin, and disclosure date of corresponding information) and full names of the person making the report (searcher).

Specifically, control industrial designs mean industrial designs identical or similar to the industrial designs mentioned in the application used for comparison during the novelty and creativity assessments.

5. The assessment of the distinctiveness of industrial designs shall comply with the following regulations:

a) Two industrial designs shall be considered identical when they are used for products of the same type with the same collection of fundamental and non-fundamental design characteristics;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Two industrial designs shall be considered similar when they are used for products of the same type and have at least one design characteristic that is one fundamental design characteristic that is identical or not significantly different from each other;

d) Two industrial designs among identical industrial designs shall be considered the closest analogues when they have the highest number of fundamental design characteristics similar or not significantly different from each other compared to all other similar industrial designs;

dd) Two industrial designs shall be considered significantly different from each other when they are used for products of different types or products of the same type but have at least one different fundamental design characteristic.

6. Novelty assessment of industrial designs according to Article 65 of the Law on Intellectual Property shall be carried out as follows:

a) To assess the novelty of industrial designs mentioned in the application, it is necessary to compare the collection of fundamental design characteristics of such industrial designs with the collection of fundamental design characteristics of each control industrial design discovered during the information lookup.

b) Industrial designs shall be considered novel if:

(i) No control industrial design is found in the mandatory information sources; or

(ii) Control industrial designs are found in the mandatory information sources but the industrial designs mentioned in the application shall be considered significantly different from such control industrial designs; or

(iii) Control industrial designs are industrial designs mentioned in disclosed applications subject to cases prescribed in Clause 3 and Clause 4 of Article 65 of the Law on Intellectual Property.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) To assess the creativity of industrial designs mentioned in the application, it is necessary to compare the collection of fundamental design characteristics of such industrial designs with collections of fundamental design characteristics of control industrial designs discovered during the information lookup.

b) Industrial designs mentioned in the application shall be considered uncreative in the following cases:

(i) Industrial designs are the simple combination of known design characteristics (disclosed design characteristics arranged or combined in a simple manner, such as replacement, position change, increase or decrease of quantities, etc.);

 (ii) Industrial designs are copies or simulations of the appearance of a part or all of the known natural appearances of trees, fruits, animals, etc., the appearance of shapes (circles, ellipses, triangles, squares, rectangles, regular polygons, prisms with cross-sections are the mentioned shapes, etc.);

(iii) Industrial designs are simple copies of the appearance of products and works popular or widely known in Vietnam or worldwide;

(iv) Industrial designs simulate the appearance of industrial designs of other fields when the simulation is widely known practically (e.g., toys simulating motor vehicles, motorcycles, etc.).

If industrial designs mentioned in the application are not subject to the above cases, they shall be considered creative.

8. Industrial application capacity assessment of industrial designs according to Article 67 of the Law on Intellectual Property shall be carried out as follows:

a) Industrial designs mentioned in the applications shall be considered capable of industrial application if persons with average knowledge of the corresponding field can, based on the information on industrial designs presented in the application, use such industrial designs as the sample for inventing products with appearance identical to such industrial designs by using industrial or handicraft methods.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 (i) Subject matters mentioned in the application are the appearance of products with unstable existence states (products in forms of air, substances, etc.);

(ii) It is only possible to create products with an appearance identical to the subject matters mentioned in the application by using special skills, or it is impossible to repeatedly create products with an appearance identical to subject matters mentioned in the application;

(iii) Other cases with valid reasons.

9. Regarding industrial design registration applications concluded to meet the protection conditions, before notifying the intended issuance of industrial design patents according to Points c, d, and e Clause 10 of this Article, the Intellectual Property Office of Vietnam shall inspect compliance with the first-to-file rule prescribed in Clause 1 and Clause 3 Article 90 of the Law on Intellectual Property according to the following regulations:

a) To inspect compliance with the first-to-file rule, it is necessary to carry out the information lookup using the mandatory information sources prescribed in Paragraph (iv) Point b Clause 3 of this Article;

b) The information lookup aims to find industrial design registration applications of products of the same type or products that are not significantly different from each other or to find industrial design registration applications of complex products containing parts with industrial designs identical to or not significantly different from the industrial designs subject to registration and to determine the application with the earliest submission date or priority date;

c) If there are multiple applications subject to the case prescribed in Point b of this Clause, the industrial design patent may only be issued to a valid application with the earliest submission date or priority date among the applications meeting the conditions for protection title issuance.

d) Regarding applications subject to Point b of this Clause registering products of the same type, if there are multiple applications with the same earliest submission date or priority date, the industrial design patent may only be issued to one application among such applications under the agreement of all applicants; in case of discrepancies, all of the mentioned applications shall be rejected from the protection title issuance.

10. Before the end of the time limit for content appraisal according to Clause 4 Article 12 of this Circular, the Intellectual Property Office of Vietnam shall carry out the following tasks:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) After the imposed time limit prescribed in Point a of this Clause, if the applicant fails to amend deficiencies or provides inadequate amendments or does not have any objection or provides inadequate objection, within 15 days from the end date of the mentioned time limit, the Intellectual Property Office of Vietnam shall issue a decision to refuse to issue the protection title.

c) If the subject matters of the protection request mentioned in the application partly meet the protection conditions, the Intellectual Property Office of Vietnam shall issue a notification of the content appraisal results, specifying the intended issuance of the protection title regarding the part meeting the protection conditions, providing that the applicant provides adequate amendments to the application, reasons for refusal to issue the protection title for the part not meeting the protection conditions, and impose a 3-month time limit from the notification date for the applicant to have any written feedback on agreeing and amending the application or objection to the content appraisal results.

d) If the subject matters of the protection request mentioned in the application meet the protection conditions or the applicant has provided adequate amendments or valid suggestions on the content appraisal results and/or provided adequate amendments to the application according to Point a and Point c of this Clause, the Intellectual Property Office of Vietnam shall issue a notification of the content appraisal results, specifying the intended issuance of the protection title to the whole or the part meeting the protection conditions and impose a 3-month time limit from the notification date for the applicant to pay protection title issuance fees, fees for disclosure of decisions on protection title issuance, and protection title issuance decision registration fees.

dd) After the imposed time limit prescribed in Point c of this Clause, if the applicant fails to provide amendments or does not have any objection, within 15 days from the end date of such time limit, the Intellectual Property Office of Vietnam shall issue a decision to refuse to issue the protection title.

e) After the imposed time prescribed in Point c of this Clause, if the applicant provides inadequate amendments to the application or inadequate objection, the Intellectual Property Office of Vietnam shall issue a notification of the content appraisal results, specifying the intended issuance of the protection title to the part meeting the protection conditions, providing that the applicant provides adequate amendments to the application, and impose a 3-month time limit from the notification for the applicant to amend the application.

If the applicant has provided adequate amendments to the application, within 2 months from the date of such amendments, the Intellectual Property Office of Vietnam shall notify the applicant of the payment of protection title issuance fees, fees for disclosure of decisions on protection title issuance, and protection title issuance decision registration fees and impose a 3-month time limit from the notification date for the applicant to pay the mentioned fees.

g) If the applicant provides inadequate amendments to the applicant, does not amend the application, or inadequately pays protection title issuance fees, fees for disclosure of decisions on protection title issuance, and protection title issuance decision registration fees within the imposed time prescribed in Point d and Point e of this Clause, within 2 months from the end date of the corresponding time limit, the Intellectual Property Office of Vietnam shall issue a decision to refuse to issue the protection title.

h) Regarding cases prescribed in Point d and Point e of this Clause, if the applicant adequately and promptly pays the prescribed fees, the Intellectual Property Office of Vietnam shall issue a decision to issue the protection title within 15 days from the end date of the corresponding time limit.

Section 5. APPLICATIONS AND PROCESSING OF MARK REGISTRATION APPLICATIONS

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. A mark registration application shall meet the requirements prescribed in Articles 100 and 105 of the Law on Intellectual Property, Appendix I of Decree No. 65/2023/ND-CP, and the guidelines prescribed in this Article.

2. The application shall ensure consistency according to Clause 1 and Clause 4 Article 101 of the Law on Intellectual Property. Each application may only register one mark that is used for one or multiple goods or services.

3. If there are grounds (information or evidence) to suspect the authenticity of the information specified in the application or determine that the information specified in the application is unclear, the Intellectual Property Office of Vietnam shall request the applicant to submit documents to verify or clarify such information within 2 months from the date of the Intellectual Property Office of Vietnam issues the notification. The documents mentioned above may include:

a) Documents proving the applicant's status:

(i) Certificate of enterprise registration, contracts, or other documents confirming the manufacturing of products and provision of services of the applicant according to Clause 1 Article 87 of the Law on Intellectual Property;

(ii) Agreements and documents confirming that the manufacturer does not use the mark and does not object to the registration of the mark of the person carrying out commercial activities concerning the product of the manufacturer according to Clause 2 Article 87 of the Law on Intellectual Property;

(iii) Establishment decision or license and charter of the organization confirming the function and competence in managing collective marks, quality certification marks, and marks proving geographical indications of goods and services according to Clause 3 and Clause 4 Article 87 of the Law on Intellectual Property;

(iv) Business registration certificate, agreement, or other documents concerning mark registration of co-owners according to Clause 5 Article 87 of the Law on Intellectual Property;

(v) Documents confirming that the applicant inherits mark registration rights from another person according to Clause 6 Article 87 of the Law on Intellectual Property;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Documents proving the representative status of the applicant: original authorizing document of the applicant; documents confirming that the representative of the applicant is the legal representative of the mark registration organization or the person authorized by the applicant; documents confirming that the person authorized by the applicant meets the conditions for representing the applicant according to Article 4 of this Circular;

c) Documents proving that the mark use or registration rights contain special signs according to Clause 2, Clause 4, and Clause 7 Article 73 and Point b Clause 2 Article 74 of the Law on Intellectual Property; documents proving that the use of commercial indications, origin indications, prizes, medals, or specific symbol of a type of product on the mark does not confuse or deceive consumers;

d) Documents proving priority rights;

dd) Documents proving the certification and control functions of the certification mark registration organization;

e) Information necessary for clarifying or confirming the contents mentioned in the collective mark use regulation, certification mark use regulation, or other documents;

g) Other appropriate documents for clarifying the authenticity of the information in the application.

4. Organizations entitled to collective mark registration rights according to Clause 3 Article 87 of the Law on Intellectual Property include:

a) Cooperative alliances; cooperatives according to the Law on Cooperatives if their members have independent manufacturing and business activities;

b) Associations according to association laws if their members have independent manufacturing and business activities;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. An organization entitled to certification mark registration rights according to Clause 4 Article 87 of the Law on Intellectual Property is an organization with functions of property control and certification (quality, origin, etc.) of goods and services bearing marks; the mentioned control and certification activities shall be carried out by such an organization or it shall assign, hire, authorize, etc., other organizations to carry out such activities according to the functions prescribed by laws; or control and certification activities shall be recorded in the enterprise registration certificate, charter, establishment decision, task assignment decisions etc., of the mentioned organization.

6. Collective mark use regulation and certification mark use regulation shall contain contents prescribed in Clause 4 and Clause 5 Article 105 of the Law on Intellectual Property. The applicant shall ensure that the information mentioned in the regulation is in conformity with relevant laws.

7. Documents proving the permission to register collective marks or certification marks containing place names or other signs indicating geographical origins of local specialties of Vietnam according to Clause 3 and Clause 4 Article 87 of the Law on Intellectual Property, including written permissions in conformity with Point a and maps of corresponding geographical areas in conformity with Point b of this Clause.

a) Written permissions for the use of place names or other signs indicating geographical origins of local specialties used for the registration of collective marks and marks containing the mentioned elements shall be issued by the following competent authorities:

(i) A People’s Committee of a province or centrally affiliated city where there is a geographical area corresponding to the place name or other signs indicating the geographical origin of the local specialty (if the geographical area belongs to one province);

(ii) All of the People’s Committees of provinces and centrally affiliated cities containing the geographical area corresponding to the place name or other signs indicating the geographical origin of the local specialty (if the geographical area belongs to multiple provinces).

b) The map of the geographical area corresponding to the place name or other signs indicating the geographical origin of the local specialty shall contain sufficient information for identifying such a geographical area and be confirmed by the competent authorities prescribed in Point a of this Clause.

8. The identification of a place name and other signs indicating the geographical origin of a product shall be carried out according to the following criteria:

a) Signs indicating the geographical origin of a product are signs used for local products indicating that such product comes from the concerned province (geographical origin).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



A place name may be the current name, historical name, official name, or folk name of a geographical area used as a substitute for the current name or is widely known (identified according to administrative boundaries or geographical methods).

b) A place name or typical sign of a province used for a common product (not a specialty) may or may not indicate the geographical origin of such a product, depending on the product and the actual use of the place name or typical sign of the province.

c) A place name or typical sign of a province may indicate the geographical origin of a product in the following cases:

(i) It is used for the local specialty (a special or popular product due to certain characteristics that is locally manufactured);

(ii) It is used for the typical local crops and livestock and products processed from such crops and livestock;

 (iii) It is used for a local product made from natural materials (coal, iron, steel, aluminum, cement, stone, salt, wood, etc.);

(iv) It is used for products of locally developed industries;

(iv) It is used for typical services (services with reputation associated with certain local characteristics);

(iv) Other cases determined by products and the actual use of the place name or typical sign of the province on products.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



(i) It is used for the common mark function and is widely recognized, meaning it is meant to indicate commercial origins (distinguishability) and not meant to indicate geographical origins, such as: Hanoi Beer, Saigon Beer;

(ii) The corresponding province cannot be considered the place where the product is manufactured, such as: Arctic Tobacco, etc.

Place names and typical signs of provinces that are not meant to indicate the geographical origins of products may be protected as common marks without having to acquire permission from local authorities.

dd) A place name or typical sign of a province subject to common geographical knowledge widely known by many people (e.g., name of a province, city, scenery) used for common local products (including products that the province has business advantages but have yet to have the reputation or quality characteristics) and used by local business entities for their goods and services, which is meant to describe the manufacturing location (but is not subject to Point c and Point d of this Clause) cannot be protected as a mark but can be used as an additional element forming the common marks of organizations and individuals at the concerned province, providing that such a place name is excluded from the protection scope (not subject to private protection) and exempted from local permission.

Article 25. Format appraisal and disclosure of mark registration applications

1. The format appraisal and disclosure of mark registration applications shall comply with the general procedures prescribed in Articles 9 and 10 of this Circular.

2. The format appraisal of certification or collective mark registration applications does not include the assessment of certain characteristics of goods and services certified by marks, methods of assessing the characteristics of goods and services, methods of controlling the use of marks, costs of mark protection, certification payable by mark users (if any), and conditions for using marks and measures to handle administrative violations against the related regulations on the use of marks.

Article 26. Content appraisal of mark registration applications

1. Content appraisal of a mark registration application shall be carried out following the general procedure prescribed in Article 12 of this Circular and this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) According to Clause 1 Article 72 of the Law on Intellectual Property, a sign registered as a mark shall be a visible sign in the form of letters, numbers, words, drawings, images, holograms, or a combination thereof represented in one or multiple colors or sound trademark that can be graphically presented.

b) The following signs shall not be protected as marks:

(i) Signs that are colors not combined with signs in the form of letters (signs in the form of letters or numbers) or signs in the form of figures or are not presented in the form of letters or figures; or sound trademarks that cannot be graphically presented;

(ii) Signs ineligible for protection as marks according to Article 73 of the Law on Intellectual Property;

(iii) Signs contrary to social ethics and public order and harmful to national defense and security according to Article 8 of the Law on Intellectual Property.

3. Assessment of the distinguishability of signs in the form of letters according to Clause 2 Article 74 of the Law on Intellectual Property.

Aside from exceptions prescribed in Clause 5 of this Article, the following signs in the form of letters shall be considered indistinguishable:

a) Characters belonging to languages that Vietnamese consumers with average knowledge cannot recognize, memorize, read, or understand, such as characters not from Latin origin: Arabic, Slavic, Sanskrit, Chinese, Japanese, Korean, Thai, etc., unless the characters of the mentioned languages are enclosed with other components forming a comprehensive whole that can be distinguishable or is presented graphically or in other special forms;

b) Characters of Latin origin that only include one letter or only include numbers or are illegible as a word even though they have two letters, even when numbers are attached, except for when such signs are presented graphically or in other special forms;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Characters of Latin origin subject to a word whose meaning is commonly and widely used in Vietnam in the corresponding field, leading to indistinguishability;

dd) A word of a collection of words used in Vietnam as the common names of related goods and services;

e) A word or a collection of words describing the goods and services bearing the mark as the sign indicating the time, location, manufacturing method, type, quantity, quality, nature, composition, use, and value of such goods and services;

g) A word or a collection of words describing or indicating the geographical origins of related goods and services;

h) A word or a collection of words describing the legal status and business field of the mark owner;

i) Signs in the form of letters identical or similar to one of the subject matters included in the intellectual property protection scope according to Points e, g, h, i, k, l, m, o, and p Clause 2 Article 74 of the Law on Intellectual Property.

4. Assessment of the distinguishability of signs in the form of figures (including images, drawings, shapes, etc.) according to Clause 2 Article 74 of the Law on Intellectual Property shall be carried out as follows:

Aside from exceptions prescribed in Clause 5 of this Article, the following signs in the form of figures shall be considered indistinguishable:

a) Signs in the form of common shapes, such as circles, ellipses, triangles, rectangles, etc., or simple drawings; drawings or images used only as the background or decorative lines for products or product packages;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Drawings, images, symbols, typical signs, or common shapes of goods or a part of goods, common shapes of packages or goods containers commonly used and widely recognized;

d) Signs in the form of figures containing descriptions of goods and services bearing the mark, e.g., manufacturing location, method, quantity, quality, nature, composition, use, value, or other characteristics of goods and services bearing the mark or signs that increase the value of goods significantly;

dd) Drawings and images describing the geographical origins of goods and services;

e) Signs in the form of figures identical to or not significantly different from industrial designs that have been or are currently being protected;

g) Signs in the form of figures identical or similar to subject matters included in the intellectual protection scope according to Points e, g, h, i, l, m, and p Clause 2 Article 74 of the Law on Intellectual Property.

5. Exceptions during the assessment of the distinguishability of signs in the form of letters and figures:

a) Signs subject to cases prescribed in Points a, b, c, e, and g Clause 3 of this Article and Points a, b, d, and dd Clause 4 of this Article that have been or are currently being used with mark functions and widely recognized by consumers regarding signs that have achieved distinguishability for related goods and services before the application submission date. To be able to apply exceptions prescribed in this Clause, the applicant shall provide evidence for the wide use of such signs with mark functions (number of related consumers knowing the signs, the time when the signs are started to be used, and use scope and level before the application submission date, revenues from selling goods or providing services, etc.) and the distinguishability of such signs for related goods and services of the applicant. In this case, signs shall be constantly and commonly used in legal activities of manufacturing, business, trading, advertising, and marketing in forms presented in the registration application.

b) Signs prescribed in Point g Clause 3 and Point dd Clause 4 of this Article registered as marks certifying the geographical origins of goods or services or registered as collective marks.

6. Assessment of the distinguishability of signs combined from signs in the form of letters and figures (hereinafter referred to as "combined signs") shall be carried out as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Signs in the forms of letters and figures are distinguishable, forming a distinguishable whole;

b) Impactful components of a mark (elements that greatly impact the experience of consumers, attracting attention and making an impression on the mark upon observation) are distinguishable signs in the form of letters or figures even though the remaining components have little or no distinguishability;

c) In case the combined sign includes signs in the form of letters and figures with little or no distinguishability but the unique combination of such signs forms a distinctive impression, such a combination shall still be considered distinguishable;

d) The combined sign includes letters and figures with little or no distinguishability, but the whole combination has achieved distinguishability through the use process according to Clause 5 of this Article.

7. The mandatory information sources shall ensure conformity with the following regulations:

a) To assess the possibility of confusion of signs mentioned in an application, the Intellectual Property Office of Vietnam shall conduct an information lookup from the following mandatory sources:

(i) Mark registration applications submitted to the Intellectual Property Office of Vietnam with submission dates or priority dates earlier than the submission date or priority date of the application currently subject to appraisal and international mark registration applications designating Vietnam notified to the Intellectual Property Office of Vietnam by the International Office with submission dates or priority dates earlier than the submission date or priority date of the application currently subject to appraisal regarding similar or identical goods and services;

(ii) Marks currently under protection or are recognized for valid protection in Vietnam (including popular marks) used for identical, similar, or relevant goods and services;

(iii) Protected marks that have expired within 3 years, except for cases of marks with their protection terminated due to being unused according to Point d Clause 1 Article 95 of the Law on Intellectual Property, used for identical or similar goods and services;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



(v) Place names, symbols, or other signs indicating geographical origins of goods and services; geographical names and types of quality marks, inspection marks, and warranty marks of international organizations; national flags, national emblems, anthems of the Socialist Republic of Vietnam and foreign countries, and international anthems; flags, names, and symbols of state authorities, political organizations, socio-political organizations, social-political-vocational organizations, social organizations, socio-vocational organizations of Vietnam and the world; names and images of leaders and national heroes and names and images of celebrities of Vietnam and foreign countries, etc., collected and archived by the Intellectual Property Office of Vietnam.

b) In case of necessity, the Intellectual Property Office of Vietnam may use reference information sources outside of the mandatory information sources prescribed in Point a of this Clause, such as registration applications for industrial designs, commercial names, lists of plant species protected in Vietnam, etc.;

8. Assessment of similarity to the point of confusion with other marks of signs requested for registration shall be carried out as follows:

a) To assess whether signs requested for registration mentioned in the application are similar or identical to the point of confusion with another mark (hereinafter referred to as "control mark"), it is necessary to compare the pronunciation and meaning of signs (regarding signs in the form of letters) and structure and presentation of signs (regarding signs in the form of letters and figures) according to Points b and c of this Clause while comparing goods and services with such signs with goods and services bearing the control mark according to Clause 9 of this Article.

b) Signs shall be considered identical to a control mark if they are identical in terms of structure and presentation.

c) Signs shall be considered similar to the point of confusion with a control mark if:

(i) Such signs are similar to the control mark in terms of structure and/or pronunciation and/or meaning and/or presentation to the point of causing consumers to confuse that they are one or one subject matter is a variant of the other subject matter or the two subject matters are of the same origin;

(ii) Such signs are the transcription or translation of the control mark if the control mark is a popular mark.

9. Assessment of similarity of goods and services shall be carried out as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 (i) They have the same nature (composition, structure, etc.), function, and use; or

(ii) They have a similar nature with the same function and use;

b) Two goods or services shall be considered similar in one of the following cases:

(i) They are similar in terms of nature and are marketed through the same commercial channel (distributed under the same method, on sale together or in stores of the same type, aimed toward the same concerned public/consumers, etc.);

(ii) They are similar in terms of function and use and are marketed through the same commercial channel (distributed under the same method, on sale together or in stores of the same type, aimed toward the same concerned public/consumers, etc.).

c) Goods and services shall be considered similar to each other in one of the following cases:

(i) They are related to each other in terms of nature (e.g., goods and services, or ingredients or parts of goods and services are formed from other goods and services); or

(ii) They are related to each other in terms of function (e.g., to complete the function of certain goods and services, it is necessary to use other goods and services or use them together); or

(iii) They are closely related to each other in terms of implementation (e.g., certain goods and services are the results of the use or utilization of other goods and services, etc.).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Signs are identical to a control mark, and goods and services with such signs are similar or identical to goods and services bearing the control mark;

b) Signs are similar to the point of confusion with a control mark, and goods and services with such signs are identical or similar to goods and services bearing the control mark capable of causing confusion for consumers;

c) Signs are identical or similar to a control mark that is a popular mark, and goods and services with such signs, even though they are not similar or identical to goods and services bearing the mentioned mark, the use of such signs as a mark may cause consumers to mistakenly believe that goods and services with such signs are related to the owner of the popular mark, possibly reducing the distinguishability or damaging the reputation of the popular mark.

11. Assessment of other possibilities of confusion of signs shall comply with Article 73 and Clause 2 Article 74 of the Law on Intellectual Property and the following regulations:

a) Signs shall be considered causing confusion over the origin of goods and services in the following cases:

 (i) Signs are identical or similar to the point of confusion over the name or symbol of a nation or a territory (national flag, national emblem, national name, name of the country, local name, etc.), causing the misconception that the related goods and services originate from such a nation or territory but they are actually from another nation or territory;

(ii) Signs are identical or similar to a geographical indication currently under protection, and the use of such signs causes consumers to misunderstand the geographical origin of the related goods; signs are identical to or contain or are translated or transcribed to words concerning a geographical indication currently under protection for certain wine or spirits, and such signs are requested for registration as a mark for wine or spirits not originating from the geographical area with such a geographical indication;

(iii) Signs are words identical or similar to a commercial name of another person used legally for goods and services of the same type, capable of causing consumers to mistakenly believe that goods and services with such signs are manufactured by the person with the mentioned commercial name;

(iv) Signs are identical or similar to real names, aliases, pen names, or images of Vietnamese and foreign leaders, national heroes, and celebrities; signs are identical or similar to the names or images of characters or characteristic images of widely known works, and the use of such signs may potentially cause consumers to mistakenly believe that goods and services with such signs are manufactured by owners of the related works;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Signs shall be considered confusing or causing misunderstanding about the nature and value of goods and services in the following cases:

(i) Signs are words, drawings, images, symbols, etc., that give a misleading impression about the function or use of certain goods and services, e.g., signs are identical or similar to a mark or another sign widely used and considered to be associated with a certain function or use of specific goods and services, causing consumers to mistakenly believe that goods and services with such signs also have the same function or use;

(ii) Signs are words or images that give a misleading impression about the composition or structure of certain goods and services, e.g., the description of certain goods and services is related to the goods and services with such signs, giving a misleading impression that goods and services with such signs are formed from or of the same nature with the described goods and services.

12. Regarding mark registration applications concluded to meet the protection conditions, before notifying the content appraisal results with the intended issuance of mark registration certificates according to Point c, Point d, Paragraph (ii) Point e Clause 13 of this Article, the Intellectual Property Office of Vietnam shall inspect compliance with the first-to-file rule according to Clause 2 and Clause 3 Article 90 of the Law on Intellectual Property under the following regulations:

a) To inspect compliance with the first-to-file rule, it is necessary to look up every mark registration application received by the Intellectual Property Office of Vietnam (by the time of the inspection) with submission dates or priority dates (in case of eligibility for priority rights) earlier than the submission date or priority date (in case of eligibility for priority rights) of the application currently subject to appraisal;

b) The lookup aims to find out cases where multiple applications (including the application currently subject to appraisal) of different applicants registering marks that are identical or similar to the point of confusion with each other used for goods and services that are identical or similar to each other, or multiple applications of one applicant with marks identical to each other used for identical goods and services and to determine the application with the earliest submission or priority date;

c) If there are multiple applications subject to the case prescribed in Point b of this Clause, the mark registration certificate may only be issued to a valid application with the earliest submission date or priority date among the applications meeting the conditions for protection title issuance.

d) Regarding applications subject to Point b of this Clause, if there are multiple applications with the same earliest submission date or priority date, the mark registration certificate may only be issued to one mark of one application among such applications under the agreement of all applicants; in case of discrepancies, all of the corresponding subject matters of the mentioned applications shall be rejected from the protection title issuance.

13. Before the end of the time limit for content appraisal according to Clause 4 Article 12 of this Circular, the Intellectual Property Office of Vietnam shall carry out the following tasks:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) After the imposed time limit prescribed in Point a of this Clause, if the applicant fails to amend deficiencies or provides inadequate amendments or does not have any objection or provides inadequate objection, within 15 days from the end date of the time limit prescribed in Point a of this Clause, the Intellectual Property Office of Vietnam shall issue a decision to refuse to issue the mark registration certificate.

c) If the subject matters of the protection request mentioned in the application meet the protection conditions or the applicant has provided adequate amendments or adequate objection to the content appraisal results partly or wholly within the time limit prescribed in Point a of this Clause, the Intellectual Property Office of Vietnam shall issue a notification of the content appraisal results, specifying the intended issuance of the mark registration certificate to the whole or the part meeting the protection conditions and impose a 3-month time limit from the notification date for the applicant to pay mark registration certificate issuance fees, fees for issuance decision disclosure, and mark registration certificate issuance decision registration fees.

d) If the subject matters of the protection request mentioned in the application (by goods/services) have a part that fails to meet the protection conditions (or is not subject to private protection), the Intellectual Property Office of Vietnam shall issue a notification of the content appraisal results, specifying the intended issuance of the mark registration certificate regarding the part meeting the protection conditions and the fees for mark registration certificate issuance and other fees payable by the applicant as per regulation, providing that the applicant wholly agrees with the content appraisal results, and reasons for refusal to issue the certificate for the remaining (not subject to private protection), and impose a 3-month time limit from the notification date for the applicant to have any written feedback (agreeing with or presenting any objection to the content appraisal results);

dd) After the imposed time limit prescribed in Point d of this Clause, if the applicant does not have any feedback or does not provide any written agreement and pay the prescribed fees, the Intellectual Property Office of Vietnam shall issue a decision to refuse to issue the mark registration certificate within 15 days from the end date of such time limit.

e) After the imposed time limit prescribed in Point d of this Clause, if the applicant provides written feedback, the Intellectual Property Office of Vietnam shall:

(i) If the applicant provides adequate objection to the whole content appraisal results, notify the content appraisal results with the intended issuance of the mark registration certificate and impose a 3-month time limit from the notification date for the applicant to pay mark registration certificate issuance fees, disclosure fees, and registration fees for the mark registration certificate issuance decision;

(ii) If the applicant provides inadequate objection or partly adequate objection to the content appraisal results, notify the content appraisal results with the intended issuance of the mark registration certificate for the part meeting the protection conditions, specifying the reason for refusal to issue the certificate for the remaining (not subject to private protection), and impose a 3-month time limit from the notification date for the applicant to pay mark registration certificate issuance fees, disclosure fees, and registration fees for the mark registration certificate issuance decision.

g) If the applicant fails to adequately pay mark registration certificate issuance fees, disclosure fees, and registration fees for the mark registration certificate issuance decision within the time limit prescribed in Point c and Point e of this Clause, within 15 days from the end date of the corresponding time limit, the Intellectual Property Office of Vietnam shall issue a decision to refuse to issue the mark registration certificate.

h) Regarding cases prescribed in Points c, d, and e of this Clause, if the applicant adequately and promptly pays the prescribed fees, the Intellectual Property Office of Vietnam shall issue a decision to issue the mark registration certificate within 15 days from the end date of the corresponding time limit. The decision to issue the mark registration certificate according to Paragraph (ii) Point e of this Clause shall specify the reason for refusal to issue the certificate to the corresponding rejected part.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Popular marks shall be protected under Vietnamese laws according to Article 75 of the Law on Intellectual Property and in accordance with Article 6bis of the Paris Convention.

2. Rights to a popular mark shall be protected and belong to the owner of such a mark without having to carry out any registration procedure. The mark owner may use documents prescribed in Clause 3 of this Article to prove his/her ownership and that the mark meets the conditions for being considered popular.

3. Documents proving mark ownership and the popularity of the mark may include information on the scope, scale, intensity, and continuity of the use of the mark, including presentations of the origin, history, and period of continuous use of the mark; number of nations the mark has been registered in or recognized as a popular mark; list of goods and services bearing the mark; territorial scope that the mark is circulated, revenue from product sales or service provision; number of goods and services bearing the mark that have been manufactured or consumed; asset value of the mark, price for transfer or transfer of use rights, value of investment capital contribution of the mark; investments in and costs of mark advertising and marketing, including participation in national and international exhibitions; infringement or dispute cases and decisions and judgments of courts or competent authorities; survey data on consumers knowing the mark through purchase, use, advertising, and marketing; ranking and assessment of the prestige of the mark of national or international organizations or mass media; prizes, medals achieved by the mark; appraisal results of intellectual property appraisal organizations.

4. If the recognition of a popular mark leads to a decision to handle an act of infringement on rights to such a popular mark according to Point d Clause 1 Article 129 of the Law on Intellectual Property or a decision to refuse to protect another mark according to Point i Clause 2 Article 74 of the Law on Intellectual Property, the popular mark shall be recorded to the list of popular marks archived at the Intellectual Property Office of Vietnam for use as reference information for the establishment and protection of intellectual property rights.

Section 6. APPLICATIONS AND PROCESSING OF GEOGRAPHICAL INDICATION REGISTRATION APPLICATIONS

Article 28. Requirements for geographical indication registration applications

A geographical indication registration application shall meet the requirements prescribed in Articles 100, 101, and 106 of the Law on Intellectual Property and Appendix I of Decree No. 65/2023/ND-CP.

Article 29. Format appraisal and disclosure of geographical indication registration applications

The format appraisal and disclosure of geographical indication registration applications shall comply with the general procedures prescribed in Articles 9 and 10 of this Circular.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Content appraisal of a geographical indication registration application shall be carried out following the general procedure prescribed in Article 12 of this Circular and this Article.

2. Assessment of compatibility of subject matters mentioned in the application and the geographical indication registration certificate shall be carried out as follows:

Subject matters mentioned in the geographical indication registration application shall be considered incompatible with the type of geographical indication protection title if such subject matters are visible signs used to indicate the geographical origin of products from specific areas, provinces, territories, or nations according to Clause 22 Article 4 of the Law on Intellectual Property.

3. The mandatory information sources used for the content appraisal of the geographical indication registration application include:

a) Marks protected in Vietnam used for products identical or similar to products with the geographical indication, with the starting protection date earlier than the submission date of the geographical indication registration application, including marks protected under international treaties that Vietnam is a signatory;

b) Marks mentioned in mark registration applications with earlier submission or priority dates in Vietnam used for products identical or similar to products with the geographical indication;

c) Marks recognized as popular marks by the Intellectual Property Office of Vietnam.

d) Geographical indications currently under protection in Vietnam used for products identical to the products with the geographical indication.

4. Geographical indication assessment according to protection conditions shall be carried out under the following regulations:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



(i) There is a geographical area corresponding to the geographical indication mentioned in the application;

(ii) Related products originate from the above geographical area;

(iii) Related products have a nature/typical quality and/or reputation decided by geographical conditions of the above geographical area according to Article 82 of the Law on Intellectual Property;

b) If the use of the geographical indication causes consumers to be misled about the actual geographical origin of products with such a geographical indication, it shall be considered identical or similar to the point where it is indistinguishable from another sign known by Vietnamese consumers as the geographical indication of certain goods and services.

Signs that are considered to indicate geographical indications of goods and services shall comply with Clause 8 Article 27 of this Circular.

c) Geographical indication assessment according to protection conditions prescribed in Point a and Point b of this Clause shall be carried out based on the information provided by the application and the information discovered from the mandatory information sources prescribed in Clause 3 of this Article.

5. In case of discovering a mark identical or similar to the geographical indication, the Intellectual Property Office of Vietnam shall notify the mark owner of the incident for feedback according to Article 112 or Article 112a of the Law on Intellectual Property.

6. If the geographical indication mentioned in the application is determined to be homonymic to a protected geographical indication according to Clause 22a Article 4 of the Law on Intellectual Property, the Intellectual Property Office of Vietnam shall notify the application and request the applicant to submit presentation documents on use conditions and presentation of the geographical indication to ensure distinguishability between geographical indications. Presentation documents shall comply with Appendix I of Decree No. 65/2023/ND-CP.

7. Before the end of the time limit for content appraisal according to Clause 4 Article 12 of this Circular, the Intellectual Property Office of Vietnam shall send one of the following notifications to the applicant:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) If the subject matters of the protection request mentioned in the application meet the protection conditions or the applicant has provided adequate amendments or adequate objection to the content appraisal results within the time limit prescribed in Point a of this Clause, the Intellectual Property Office of Vietnam shall issue notification of the content appraisal results, specifying the intended issuance of the geographical indication registration certificate and impose a 3-month time limit from the notification date for the applicant to pay geographical indication registration certificate issuance fees, disclosure fees, and registration fees for the geographical indication certificate issuance decision.

c) After the imposed time limit prescribed in Point a of this Clause, if the applicant fails to amend deficiencies or provides inadequate amendments or does not have any objection or provides inadequate objection, or the applicant fails to pay the prescribed fees after the time limit prescribed in Point b of this Clause, within 15 working days from the end date of the prescribed time limit, the Intellectual Property Office of Vietnam shall issue a decision to refuse to issue the geographical indication registration certificate.

d) Regarding cases prescribed in Point b of this Clause, if the applicant adequately and promptly pays the prescribed fees, the Intellectual Property Office of Vietnam shall issue a decision to issue the geographical indication registration certificate within 15 days from the end date of the corresponding time limit.

Chapter III

PROTECTION TITLES

Article 31. Refusal of issuance and issuance of protection titles

1. The Intellectual Property Office of Vietnam shall carry out the procedure for refusing to issue protection titles according to Clause 3 Article 117 of the Law on Intellectual Property for cases prescribed in Clauses 1, 1a, and 2 Article 117 of the Law on Intellectual Property.

2. The Intellectual Property Office of Vietnam shall carry out the procedure for issuing protection titles according to Clause 1 Article 118 of the Law on Intellectual Property and Appendix II of Decree No. 65/2023/ND-CP.

Article 32. National Registers of Industrial Property and Industrial Property Representatives

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) National Registers of Industrial Property are the official and public databases of the State, adequately presenting information on the legal statuses of established industrial property rights. National Registers of Industry Property include the following types:

(i) National Register of Inventions;

(ii) National Register of Utility Solutions;

(iii) National Register of Industrial Designs;

(iv) National Register of Semiconductor Integrated Circuit Layout Designs;

(v) National Register of Marks;

(vi) National Register of Geographical Indications.

b) Regarding subject matters of industrial property registered under national procedures, National Registers prescribed in Point a of this Clause shall include sections corresponding to each protection title, and each section shall include:

(i) Information on the protection title: code, issuance date; names of protected subject matters, protection scope/volume, validity period; names and addresses of protection title holder/person registering the geographical indication, geographical indication management organization, name and nationality of the creator of the invention or author of the layout design or industrial design;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



(iii) Any amendment concerning information on amendments to protection title, validity of protection title (validity maintenance, renewal, termination, or abrogation); transfer of ownership, rights to use subject matters of industrial property; number of re-issuance times, re-issuance date, issuance of copies, number of copies (for any co-owner), date of issuance of copies, changes to the industrial property representation service provider (if any), etc.

c) Regarding marks and industrial designs accepted for protection under the international registration procedure, the Part of Internationally Registered Marks and Part of Internationally Registered Industrial Designs in the corresponding National Registers prescribed in Paragraphs (iii) and (v) Point a of this Clause shall include the following sections:

(i) Information on the protection status: decision code and issuance date or protection acceptance date; names of protected subject matters, protection scope/volume, validity period; name and address of the protection title holder and name and nationality of the author of the industrial design;

(ii) Information on the protection title issuance application (code, submission date, priority date of the application, name of the industrial property representation service provider (if any));

d) Regarding geographical indications accepted for protection under international treaties, the Part of International Geographical Indications in the National Register specified in Paragraph (vi) Point a of this Clause shall include the following sections:

(i) Information on the protection status: name of the international treaty, validity date of the international treaty or geographical indication protection acceptance date according to the international treaty; protected geographical indication, protection scope/volume; name and address of the geographical indication management organization;

(ii) Information on documentation concerning the geographical indication of the protection request (international treaty, international agreement on the protection, or database concerning the geographical indication in the protection request (if any));

(iii) Any amendment concerning the legal status of the protected geographical indication: validity status, protection scope/volume, transfer of management rights, etc.

2. The National Register of Industrial Property Representatives shall include sections corresponding to each industrial property representative service provider, specifically:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



(ii) Information on the list of industrial design representatives of the organization (full names, permanent addresses, practicing certificate codes of each member in the list);

(iii) Information on changes to the list of industrial property representatives (issuance, re-issuance, revocation of practicing certificates, removal, etc.).

3. National Registers prescribed in Clause 1 and Clause 2 of this Article shall be established and archived electronically or in the form of papers by the Intellectual Property Office of Vietnam. Anyone can look up electronic registers (if any) or request the Intellectual Property Office of Vietnam to provide copies or excerpts from registers, providing that they pay the fees for register excerpt or copy provision services.

Article 33. Disclosure of protection title issuance decisions

1. Any decision on protection title issuance, protection acceptance of internationally registered industrial designs, and protection acceptance of internationally registered marks shall be disclosed by the Intellectual Property Office of Vietnam in the Industrial Property Official Gazette within 60 days from the date of the decision, and applicants shall pay disclosure fees as per regulation.

2. Information disclosed under Clause 1 of this Article includes information specified in the corresponding decision (including decision code and date) and the following information:

a) Regarding an invention patent or utility solution patent: name and nationality of the inventor; summary of the invention; drawings enclosed with the summary (if any); international classification of the invention; information concerning application conversion or split, code of the initial application before the split/conversion (if any), etc.; and other information (if any);

b) Regarding an industrial design patent: name and nationality of the author; set of photos or drawings of the industrial design; the number of schemes for the protection request; international classification of the industrial design; information concerning application split, code of the initial application of the split application (if any), etc.; and other information (if any);

c) Regarding a decision on protection acceptance of an internationally registered industrial design: name and nationality of the author; set of photos or drawings of the industrial design; number of schemes for the protection request; international classification of the industrial design; information concerning application split, code of the initial application of the split application (if any), etc.; and other information (if any);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Regarding a decision on protection acceptance of an internationally registered mark: mark samples; goods and services bearing the mark according to the international classification table of goods and services; and other information (if any);

e) Regarding a geographical indication registration certificate: summary of the characteristics of products with the geographical indication and names of products with the geographical indication; and other information (if any);

g) Regarding a semiconductor integrated circuit layout design registration certificate: name and nationality of the author and other information (if any), excluding confidential information as per regulation.

3. A geographical indication accepted for protection under an international treaty shall be disclosed by the Intellectual Property Office of Vietnam in the Industrial Property Official Gazette within 60 days from the date of acceptance. Necessary information concerning the mentioned geographical indication shall be disclosed under Clause 2 Article 11 of Decree No. 65/2023/ND-CP, including name, a summary of the characteristics of products and names of products with that geographical indication; protection scope/area of the geographical indication; and other information (if any).

Article 34. Grounds to terminate validity of protection titles

1. An invention protection title shall have its validity terminated when the invention with the issued protection title exceeds the presented scope in the initial description of the invention registration application according to Point dd Clause 2 Article 96 of the Law on Intellectual Property, e.g., in cases where the description of an invention has changes to its content, leading to information without direct or clear origin compared to the initial description of the application or making persons with average knowledge of the corresponding technical field fail to implement such an invention, specifically:

a) One or more technical signs to the description that cannot be determined directly or clearly from the initial description are added to the description by the applicant while amending or supplementing the application;

b) Additional information (including information on the purpose, efficiency, etc.) cannot be determined directly or clearly from the initial description (including drawings) and/or the initial protection request to clearly present the invention or adequately present the protection request;

c) Contents added to the description are technical signs related to the size specifications collected by measuring the size specifications of drawings;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Effects and/or benefits added to the description cannot be determined by persons with average knowledge of the corresponding technical field from the initial application;

e) Changes to technical signs of the protection requests and the changed technical signs are not directly or clearly presented or determined from the initial description;

g) New contents are added by changing undetermined contents to determined and specific contents;

h) Independent technical signs of the initial application are combined into one new technical sign when the relation between such technical signs is not presented in the initial application;

i) One or more technical signs in the description are changed compared to the initial description;

k) One technical sign necessary for the subject matters of the protection request to achieve the set goal is removed from the protection request points, and/or the removal of such a technical sign changes another or more technical signs.

2. A mark protection title shall have its validity terminated due to the mark registration application is submitted for malicious intent according to Point a Clause 1 Article 96 of the Law on Intellectual Property in the following cases:

a) There are grounds to determine that at the time of applying, the applicant knows or has grounds to know that the mark subject to the registration is identical or similar to the point of indistinguishability from another mark used widely in Vietnam or a popular mark at another country used for identical or similar goods and services; and

b) The registration is aimed to take advantage of the reputation and prestige of the mark mentioned above for profiteering; or to resell, license, or transfer registration rights to persons with marks prescribed in Point a of this Clause; or to prevent the market entry of persons with marks prescribed in Point a of this Clause to limit their competitiveness; or to conduct acts contrary to other fair trade practices.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Chapter IV

COMPLAINTS AND SETTLEMENT OF COMPLAINTS ABOUT INDUSTRIAL PROPERTY PROCEDURES

Article 35. Persons with complaint rights, subjects of complaints, prescriptive period of complaints, and complaint settlement persons

1. Persons with complaint rights are organizations and individuals prescribed in Article 119a of the Law on Intellectual Property.

2. Decisions and notifications that may be complained according to Clause 1 Article 119a of the Law on Intellectual Property are official decisions and notifications of the Intellectual Property Office of Vietnam concerning industrial property procedures according to corresponding regulations prescribed in this Circular, including the following decisions and notifications:

a) Application rejection notifications;

b) Valid application acceptance decisions;

c) Application rejection decisions;

d) Notifications of acceptance or rejection of requests for amendments to applications/application conversion/changes to applicants/application withdrawal;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Decisions on protection rejection of internationally registered industrial designs; decisions on protection rejection of internationally registered marks; decisions on protection acceptance of internationally registered industrial designs; and decisions on protection acceptance of internationally registered marks;

g) Decisions on issuance of protection title copies, decisions on re-issuance of protection titles; decisions to reject the issuance of protection title copies, decisions to reject the re-issuance of protection titles;

h) Notifications of the maintenance of protection title validity, decisions to reject the maintenance of protection title validity;

i) Decisions on renewal of protection title validity, decisions to reject the renewal of protection title validity;

k) Decisions on amendments to protection titles, decisions to reject requests for amendments to protection titles;

l) Decisions to partly or wholly terminate protection title validity, notifications of rejection of termination of protection title validity;

m) Decisions on and notifications of the processing of applications for the termination of the validity of internationally registered marks; decisions on and notifications of the processing of applications for the termination of the validity of internationally registered industrial designs;

n) Administrative decisions concerning industrial property representatives, industrial property appraisal, and transfer of industrial property rights;

o) Decisions on settlement of first-time complaints of the Intellectual Property Office of Vietnam;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Notifications for informing and requesting completion of applications are not subjects of complaints due to not being administrative decisions, e.g., appraisal result notifications, notifications of deficiencies, amendment requests, document supplements, intended rejection, notifications of temporary rejection of the protection of internationally registered marks, notifications of rejection of the protection of internationally registered industrial designs.

3. The following contents shall not be accepted during the settlement of complaints:

a) Requests for amendments or supplements to applications for industrial property right establishment that are the subject matters of decisions or notifications subject to complaints (e.g., request for amendments to the description of an invention (including protection request); request for amendments to the set of photos or drawings and the industrial design description; request for amendments to samples of a mark and the list of goods and services bearing the mark; request for amendments to names of products with a geographical indication and the description of the characteristics of products with such a geographical indication and the map of the geographical area corresponding to the geographical indication regarding a geographical indication registration application, unless otherwise prescribed by international treaties that Vietnam is a signatory;

b) Circumstances already existed during the appraisal of industrial property registration applications, but due to objective reasons that the Intellectual Property Office of Vietnam and relevant organizations and individuals only know about such circumstances after decisions on protection title issuance or decisions on rejection of protection title issuance are issued (hereinafter referred to as "new circumstances"), except for cases where such circumstances are brought up by third parties according to Point b Clause 6 Article 38 of this Circular.

4. Complaint applications shall be submitted within the prescriptive period prescribed in Article 9 and Article 33 of the Law on Complaints.

5. The person competent to settle first-time complaints is the Director of the Intellectual Property Office of Vietnam; the person competent to settle second-time complaints is the Minister of Science and Technology of Vietnam (hereinafter referred to as “complaint settlement persons”).

Article 36. Complaint applications

1. Complaint applications shall comply with Clause 1 Article 3 of Decree No. 124/2020/ND-CP dated October 19, 2020 elaborating several Articles and measures to implement the Law on Complaints (hereinafter referred to as "Decree No. 124/2020/ND-CP"), which specifies information according to Article 119a of the Law on Intellectual Property and documents concerning complaint contents according to Clause 2 Article 8 of the Law on Complaints, specifically:

a) Copies of decisions or notifications subjects to complaints of the Intellectual Property Office of Vietnam and copies of industrial property registration applications that are the subject matters of such decisions or notifications (in case of submitting complaint applications for the second time) or documents guiding the information on the mentioned documents;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Proofs (evidence or material evidence) used to prove and clarify complaint arguments.

Proofs may be added within 1 month from the date of complaint application submission.

2. In case of submitting a complaint application through a legal representative in Vietnam according to Clause 2 Article 119a of the Law on Intellectual Property, an authorizing document shall be enclosed with the application; regarding a second-time complaint, copies of the authorizing document subject to Clause 5 Article 3 of this Circular shall be confirmed by the Intellectual Property Office of Vietnam.

Article 37. Complaint application withdrawal and complaint settlement suspension

1. An applicant may withdraw his/her complaint application according to Article 10 of the Law on Complaints. If the withdrawal of the complaint application is under the authorization of the application, the authorized withdrawal of the complaint application shall be specified in the authorizing document. A withdrawn application shall be considered not submitted. The petitioner shall not receive a refund for the complaint application and paid complaint settlement service provision fees, except for cases where the complaint application is withdrawn before the date of notification of the application acceptance or rejection.

2. The complaint settlement person shall issue a decision to suspend the complaint settlement in the following cases:

a) The petitioner withdraws the complaint application;

b) The protection title, internationally registered mark, or internationally registered industrial design in Vietnam has its validity terminated, or the validity of the internationally registered mark has lapsed according to a relevant international treaty.

Article 38. Complaint settlement procedures

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Within 10 days from the date of receipt of the application, the complaint settlement person shall:

(i) Issue a notification of rejection of the acceptance of the complaint application if it is subject to one of the cases prescribed in Point b of this Clause, specifying the reasons for the rejection; or

(ii) Issue a notification of acceptance of the complaint application if it is not subject to cases prescribed in Point b of this Clause, specifying the application acceptance date and determining the lookup fees and/or appraisal fees regarding cases where a re-appraisal is necessary to carry out the complaint settlement corresponding to the complaint contents (if any) and impose a 1-month time limit for the petitioner to pay the mentioned fees.

b) The complaint application shall not be accepted for settlement in one of the following cases:

(i) The subject of the complaint is not an official decision or notification according to Clause 2 Article 35 of this Circular;

(ii) The decision, notification, or act subject to the complaint is not directly related to legitimate rights or benefits of the petitioner;

(iii) The complaint application is not submitted in compliance with Clause 2 Article 36 of this Circular;

(iv) The complaint application is submitted outside of the prescribed prescriptive period, except for cases prescribed in Clauses 3 and 4 Article 15 of Decree No. 65/2023/ND-CP;

(v) The complaint already has a decision on second-time complaint settlement;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



(vii) The petitioner continues to complain after the 30-day time limit from the date of the decision on suspension of the complaint settlement according to Article 10 and Clause 8 Article 11 of the Law on Complaints;

(viii) The complaint application does not point out elements contrary to laws of the decision, notification, or act subject to the complaint and only requests for amendments to the application that is the subject matter of the mentioned decision or notification.

(ix) The complaint application for a notification, administrative decision, or act concerns a subject matter of industrial property subject to state secret scope.

c) If the petitioner does not pay the appraisal fees for the case where a re-appraisal is necessary for the complaint settlement according to the notification of complaint settlement acceptance prescribed in Paragraph (ii) Point a of this Clause, the complaint application shall be settled based on documents provided in the application.

2. The time limit for complaint settlement shall comply with Article 119a of the Law on Intellectual Property and Articles 28 and 37 of the Law on Complaints.

3. To determine the complaint contents, the complaint settlement person shall collect suggestions from persons with rights and obligations related to the accepted complaint application according to Article 21 and Decree No. 124/2020/ND-CP (hereinafter referred to as “related party”) as follows:

a) The complaint settlement person shall issue a written notification of the complaint contents to the related party and impose a 1-month time limit from the notification date for such a party to provide any feedback (if any);

b) The related party may provide information and evidence proving its reasoning within the time limit prescribed in Point a of this Clause, and the complaint settlement person shall assess such information and evidence when settling the complaint;

c) The complaint settlement person shall issue a written notification of the feedback of the related party and impose a 2-month time limit from the notification for the petitioner to provide feedback on the feedback of the related party;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. During the first-time complaint settlement for complicated cases, the first-time complaint settlement person may, proactively or based on the request of the petitioner, carry out the re-appraisal according to Clause 4 Article 119a of the Law on Intellectual Property and Article 13 of this Circular. During the re-appraisal, the first-time complaint settlement may consult an independent specialist or a Counseling Council in conformity with the following regulations:

a) The first-time complaint settlement person may consult an independent specialist or a Counseling Council during the re-appraisal based on the complexity of the contents subject to re-appraisal.

A Counseling Council includes a president and members. The independent counseling specialist and the Counseling Council shall consult with the complaint settlement person on technical and legal issues of the contents subject to re-appraisal and settlement schemes.

The independent counseling specialist and the president and members of the Counseling Council are persons with appropriate qualifications selected from the list of industrial property counseling specialists and other sources (in case no compatible specialists can be chosen from such a list).

The Intellectual Property Office of Vietnam shall take charge and cooperate with the Inspectorate of the Ministry of Science and Technology of Vietnam in formulating the list of industrial property counseling specialists and disclosing it in the Industrial Property Official Gazette.

b) The Counseling Council shall be organized and operated under the following principles: (i) the Counseling Council shall be established according to a decision of the first-time complaint settlement person;

(ii) The Counseling Council shall operate in the form of meetings, collective discussions, and voting by majority;

(iii) Regarding related parties in a complaint case, the party with relevant rights and obligations may be invited to participate in the meeting of the Counseling Council to clarify the related circumstances.

c) The following persons shall not participate in the Counseling Council and work as independent counseling specialists in complaint cases:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



(ii) Persons who have appraised industrial property establishment registration applications related to the decisions or notifications subject to complaints;

(iii) Persons with rights and benefits related to complaint cases;

(iv) Persons not being objective in complaint cases as determined by related grounds.

Persons mentioned in this Point shall explain and provide information concerning the job they carried out that is subject to the complaint contents.

d) Suggestions from independent counseling specialists and the president and members of the Counseling Council and operational results of the Counseling Council shall be presented in writing.

5. The first-time complaint settlement person shall organize a dialogue session according to Article 30 of the Law on Complaints. Independent counseling specialists and members of the Counseling Council may be invited to participate in the dialogue session regarding the re-appraisal during the first-time complaint settlement (if any).

6. The person competent to settle first-time complaints shall issue a complaint settlement decision in compliance with the following regulations:

a) Based on the results of the re-assessment of the decision or notification subject to the complaint, the first-time complaint settlement person shall issue a complaint settlement decision, specifying Clause 2 Article 31 of the Law on Complaints.

b) Regarding the case where the petitioner, who is not the applicant or the person requesting the establishment of industrial property rights or registering a contract for transfer of industrial property rights that are subject matters of the decision or notification subject to the complaint, provides new circumstances that may affect the complaint settlement conclusion, the Intellectual Property Office of Vietnam shall carry out a re-appraisal of the contents concerning the new circumstances according to the procedure for re-appraisal of industrial property right establishment applications prescribed in Points b and c Clause 2 Article 13 of this Circular. The first-time complaint settlement person shall issue a complaint settlement decision according to Point a of this Clause based on the re-appraisal results.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 39. Disclosure of complaint settlement decisions

A complaint settlement decision shall be disclosed on the web portal of the complaint settlement authority within 15 days and in the Industrial Property Official Gazette within 2 months from the decision issuance date.

Article 40. Validity of decisions and notifications subject to complaints and complaint settlement decisions 

1. A decision or notification subject to a complaint shall still be valid during the complaint settlement, except for the case where its implementation is suspended under a written decision of the complaint settlement person according to Article 35 of the Law on Complaints or at the request of a Court according to procedural laws.

2. The Intellectual Property Office of Vietnam shall immediately implement a legally effective complaint settlement decision according to Article 44 of the Law on Complaints, specifically:

a) A first-time complaint settlement decision of the Director of the Intellectual Property Office of Vietnam shall take legal effect after 30 days from the date of signing, and the petitioner does not submit a second complaint. In case of a remote area where travel is difficult, the mentioned time may be extended up to 45 days;

b) A second-time complaint settlement decision of the Minister of Science and Technology of Vietnam shall take legal effect after 30 days from the date of signing. In case of a remote area where travel is difficult, the mentioned time may be extended up to 45 days;

3. The acceptance of a second complaint shall be notified to the first-time complaint settlement person within 10 days from the acceptance date. In this case, the first-time complaint settlement decision shall not take legal effect. The decision or notification subject to the complaint shall continue to be valid until the second complaint settlement decision takes legal effect.

4. The person complaining for the second time may immediately notify the first-time complaint settlement person of the second-time complaint application submission to ensure his/her rights and benefits.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The Intellectual Property Office of Vietnam shall reinspect and reassess issued notifications and decisions; if there are signs contrary to laws, promptly carry out amendments and remedial measures to prevent arising complaints, except for cases where such decisions and notifications are currently subject to complaints.

2. During the complaint settlement, the complaint settlement person shall encourage and create favorable conditions for related parties to mediate as prescribed by laws.

Chapter V

ASSURANCE OF INDUSTRIAL PROPERTY INFORMATION

Article 42. Development and management of national databases on industrial property

1. The Intellectual Property Office of Vietnam shall develop and manage industrial property information databases and develop tools to classify, look up, guide the lookup, and use the domestic and foreign industrial property information; organize the supply of information adequately, promptly, and accurately to ensure the access to information databases for any entity that wishes to use such information for the establishment and protection of industrial property rights, research, development, and business; manage and carry out the sharing, connection, utilization, international cooperation, and other operations concerning national databases on industrial property.

2. National databases on industrial property include bibliographic information and full-text information (if any), gathered selectively, systematically, and in conformity with lookup purposes related to:

a) Disclosed industrial property registration applications;

b) Issued protection titles and industrial property rights recognized for protection in Vietnam.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Any organization or individual may access and utilize information from national databases on industrial property in the two following forms:

1. Looking up and searching for information among databases publicly placed at information lookup facilities for public access or disclosed on the internet by the Intellectual Property Office of Vietnam.

2. Using services of information and documentation lookup and provision of the Intellectual Property Office of Vietnam, providing that it pays relevant fees as per regulation.

Article 44. Information lookup and documentation provision services

The Intellectual Property Office of Vietnam shall implement information lookup and documentation provision services for organizations and individuals in need according to Clause 2 Article 43 of this Circular.

Article 45. Assurance of local industrial property information

1. Local industrial property authorities may, based on their conditions and capacity, establish and manage industrial property databases to ensure industrial property information for local research, application, development of manufacturing and business, and industrial property right protection.

2. Industrial property authorities in provinces and centrally affiliated cities shall and may carry out operations to ensure industrial property information according to the regulations of this Circular.

3. The Intellectual Property Office of Vietnam shall make periodic statistical reports on information from national databases on industrial property for the industrial property state management of provinces and centrally affiliated cities (at least once every 6 months).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Any relevant organization or individual has the right to request the Intellectual Property Office of Vietnam to issue copies of documentation issued by the Intellectual Property Office of Vietnam or copies of original logbooks established by the Intellectual Property Office of Vietnam or copies of documentation established by such an organization or individual, submitted to the Intellectual Property Office of Vietnam during the industrial property right establishment. The person requesting the issuance of copies shall pay the documentation copy fees.

2. The applicant has the right to request the Intellectual Property Office of Vietnam to confirm the copies of the first application used for priority rights (even when the applicant is rejected from valid application acceptance or has withdrawn the application), providing that the applicant pays the documentation copy fees.

3. The Intellectual Property Office of Vietnam shall implement services of copy provision and first application confirmation for organizations and individuals in need according to Clause 2 of this Article.

Chapter VI

IMPLEMENTATION PROVISIONS

Article 47. Transitional provisions

1. Any objection submitted to the Intellectual Property Office of Vietnam from January 1, 2023 that is in conformity with Article 112a of the Law on Intellectual Property but has yet to be completely processed by the Intellectual Property Office of Vietnam shall be processed according to Article 11 of this Circular.

2. Any objection of a third party according to Article 112 of the Law on Intellectual Property submitted to the Intellectual Property Office of Vietnam before August 23, 2023 but has yet to be continued regarding its processing according to Circular No. 01/2007/TT-BKHCN dated February 14, 2007 of the Ministry of Science and Technology of Vietnam, amended by Circular No. 13/2010/TT-BKHCN dated July 30, 2010, Circular No. 18/2011/TT-BKHCN dated July 22, 2011, Circular No. 05/2013/TT-BKHCN dated February 20, 2013, and Circular No. 16/2016/TT-BKHCN dated June 30, 2016.

3. This Circular shall apply to industrial property right establishment applications submitted from August 23, 2023, except for cases prescribed in Clauses 4, 5, and 6 of this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Clause 8 Article 16, Clause 10 Article 23, and Clause 13 Article 26 of this Circular shall apply to industrial property registration applications submitted before the effective date of this Circular but have yet to receive any notification of the content appraisal results.

6. Article 34 of this Circular shall apply to mark and invention registration applications submitted from January 1, 2023.

Article 48. Entry into force

1. This Circular comes into force as of November 30, 2023.

2. The following Circulars shall expire from the date this Circular comes into force:

a) Circular No. 01/2007/TT-BKHCN dated February 14, 2007 of the Minister of Science and Technology of Vietnam;

b) Circular No. 18/2011/TT-BKHCN dated July 22, 2011 dated July 22, 2011;

c) Circular No. 05/2013/TT-BKHCN dated February 20, 2013;

d) Circular No. 16/2016/TT-BKHCN dated June 30, 2016.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Difficulties that arise during the implementation of this Circular should be promptly reported to the Ministry of Science and Technology of Vietnam for guidance./.

 

 

PP. MINISTER
DEPUTY MINISTER




Bui The Duy

 

You are not logged!


So you only see the Attributes of the document.
You do not see the Full-text content, Effect, Related documents, Documents replacement, Gazette documents, Written in English,...


You can register Member here


You are not logged!


So you only see the Attributes of the document.
You do not see the Full-text content, Effect, Related documents, Documents replacement, Gazette documents, Written in English,...


You can register Member here


You are not logged!


So you only see the Attributes of the document.
You do not see the Full-text content, Effect, Related documents, Documents replacement, Gazette documents, Written in English,...


You can register Member here


Circular No. 23/2023/TT-BKHCN dated November 30, 2023 on elaboration on the Law on Intellectual Property and measures to implement Decree No. 65/2023/ND-CP on elaboration on several articles and measures to implement the Law on Intellectual Property regarding industrial property, protection of industrial property rights, rights to plant varieties, and state management of intellectual property concerning procedures for establishing industrial property rights and assurance of information on industrial property
Official number: 23/2023/TT-BKHCN Legislation Type: Circular
Organization: The Ministry of Science and Technology Signer: Bui The Duy
Issued Date: 30/11/2023 Effective Date: Premium
Gazette dated: Updating Gazette number: Updating
Effect: Premium

You are not logged!


So you only see the Attributes of the document.
You do not see the Full-text content, Effect, Related documents, Documents replacement, Gazette documents, Written in English,...


You can register Member here


Circular No. 23/2023/TT-BKHCN dated November 30, 2023 on elaboration on the Law on Intellectual Property and measures to implement Decree No. 65/2023/ND-CP on elaboration on several articles and measures to implement the Law on Intellectual Property regarding industrial property, protection of industrial property rights, rights to plant varieties, and state management of intellectual property concerning procedures for establishing industrial property rights and assurance of information on industrial property

Address: 17 Nguyen Gia Thieu street, Ward Vo Thi Sau, District 3, Ho Chi Minh City, Vietnam.
Phone: (+84)28 3930 3279 (06 lines)
Email: inf[email protected]

Copyright© 2019 by THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu

DMCA.com Protection Status