THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:  711/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 13 tháng 06 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT "CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC 2011-2020"

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục và Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ về việc Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;

Căn cứ Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020;

Căn cứ Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020;

Căn cứ Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này "Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP; Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (5b)

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

CHIẾN LƯỢC

PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC 2011-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ)

PHẦN MỞ ĐẦU

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã khẳng định "Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trong đó, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt" và "Giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng xây dựng đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam". Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 đã định hướng: "Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược". Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020 nhằm quán triệt và cụ thể hóa các chủ trương, định hướng đổi mới giáo dục và đào tạo, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 của đất nước.

I. TÌNH HÌNH GIÁO DỤC VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2001 - 2010

1. Những thành tựu

a) Quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân.

Trong giai đoạn 2001-2010, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học tăng nhanh, trong đó mẫu giáo 5 tuổi tăng từ 72% lên 98%; tiểu học từ 94% lên 97%; trung học cơ sở từ 70% lên 83%; trung học phổ thông từ 33% lên 50%; quy mô đào tạo nghề tăng 3,08 lần, trung cấp chuyên nghiệp tăng 2,69 lần; quy mô giáo dục đại học tăng 2,35 lần. Năm 2010, số sinh viên cao đẳng và đại học trên một vạn dân đạt 227; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 40%, bước đầu đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.

Mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển rộng khắp trong toàn quốc đã mở rộng cơ hội học tập cho mọi người, bước đầu xây dựng xã hội học tập. Đã xóa được "xã trắng" về giáo dục mầm non; trường tiểu học có ở tất cả các xã, trường trung học cơ sở đã có ở hầu hết các xã hoặc liên xã; trường trung học phổ thông có ở tất cả các huyện. Các tỉnh và huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số đã có trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú. Mạng lưới trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng phát triển mạnh. Các cơ sở đào tạo nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học được thành lập ở hầu hết các địa bàn đông dân cư, các vùng, các địa phương, kể cả ở vùng khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long.

Cả nước đã hoàn thành mục tiêu xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và đang đẩy mạnh thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; một số địa phương đang thực hiện phổ cập giáo dục trung học.

b) Chất lượng giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo có tiến bộ. Trình độ hiểu biết, năng lực tiếp cận tri thức mới của học sinh, sinh viên được nâng cao một bước. Số đông học sinh, sinh viên tốt nghiệp có hoài bão lập thân, lập nghiệp và tinh thần tự lập; đại bộ phận sinh viên tốt nghiệp đã có việc làm. Phát triển giáo dục và đào tạo đã chuyển theo hướng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ; đã mở thêm nhiều ngành nghề đào tạo mới, bước đầu đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Chất lượng giáo dục mũi nhọn đã được coi trọng thông qua việc phát triển hệ thống trường chuyên, trường năng khiếu và thực hiện các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình tiên tiến ở nhiều trường đại học và cao đẳng nghề.

c) Công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục đã được cải thiện, đặc biệt người dân tộc thiểu số, con em các gia đình nghèo, trẻ em gái và các đối tượng bị thiệt thòi ngày càng được quan tâm. Về cơ bản, đã đạt được sự bình đẳng nam nữ trong giáo dục phổ thông và giáo dục đại học. Giáo dục ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa tiếp tục phát triển. Một số chính sách miễn, giảm học phí, cấp học bổng, cho vay đi học và hỗ trợ khác đối với học sinh, sinh viên thuộc diện chính sách đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc thực hiện công bằng xã hội và phát triển nguồn nhân lực chất lượng ngày một cao.

d) Công tác quản lý giáo dục có bước chuyển biến tích cực theo hướng: khắc phục các tiêu cực trong ngành, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới cơ chế tài chính của ngành giáo dục; tăng cường phân cấp quản lý giáo dục, quyền tự chủ và trách nhiệm của các cơ sở giáo dục; ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin; hình thành giám sát xã hội đối với chất lượng giáo dục và đào tạo; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng từ Trung ương đến địa phương và các cơ sở giáo dục; đẩy mạnh cải cách hành chính trong toàn ngành; mở rộng môi trường giáo dục thân thiện, khuyến khích tính tích cực, chủ động trong học sinh, sinh viên; đổi mới và tăng cường giáo dục truyền thống và văn hóa dân tộc.

đ) Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tăng nhanh về số lượng, nâng dần về chất lượng, từng bước khắc phục một phần bất hợp lý về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu phổ cập giáo dục và phát triển các cấp học và trình độ đào tạo.

e) Ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục tăng nhanh, từ 15,3% năm 2001 lên 20% tổng chi ngân sách năm 2010. Công tác xã hội hóa giáo dục đã đạt được những kết quả quan trọng, nhất là huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, mở trường và đóng góp kinh phí cho giáo dục. Các nguồn đầu tư cho giáo dục ngày càng được kiểm soát chặt chẽ và tăng dần hiệu quả sử dụng.

g) Giáo dục ngoài công lập phát triển, đặc biệt trong giáo dục nghề nghiệp và đại học. Trong 10 năm vừa qua, tỷ trọng quy mô đào tạo ngoài công lập trong tổng quy mô đào tạo tăng: sơ cấp nghề tăng từ 28% lên 44%, trung cấp và cao đẳng nghề tăng từ 1,5% lên 5,5%, trung cấp chuyên nghiệp tăng từ 5,6% lên 27,2%, cao đẳng tăng từ 7,9% lên 19,9%, đại học tăng từ 12,2% lên 13,2%.

h) Cơ sở vật chất nhà trường được cải thiện. Tỷ lệ phòng học kiên cố tăng từ 52% năm 2006 lên 71% năm 2010. Nhà công vụ cho giáo viên và ký túc xá cho học sinh, sinh viên đã được ưu tiên đầu tư xây dựng và tăng dần trong những năm gần đây.

Trong 10 năm qua, những thành tựu của giáo dục nước ta đã đóng góp quan trọng trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, tạo điều kiện cho đất nước tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế.

Nguyên nhân của những thành tựu:

- Sự lãnh đạo của Đảng, quan tâm của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và chính quyền các cấp; sự quan tâm, tham gia đóng góp của các đoàn thể, tổ chức xã hội trong và ngoài nước, của toàn dân đối với giáo dục đã quyết định sự thành công của sự nghiệp giáo dục.

- Sự ổn định chính trị, những thành quả phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân được cải thiện và hội nhập quốc tế trong thời kỳ đổi mới đã tạo môi trường thuận lợi cho phát triển giáo dục. Đầu tư cho giáo dục trong tổng chi ngân sách nhà nước đã liên tục tăng qua các năm.

- Lòng yêu nước, yêu người, yêu nghề, ý thức trách nhiệm, sự nỗ lực của đội ngũ nhà giáo và quyết tâm đổi mới của ngành giáo dục đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục. Các thế hệ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục công tác ở mọi miền Tổ quốc, đặc biệt ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đóng góp công sức to lớn cho sự nghiệp trồng người.

- Truyền thống hiếu học của dân tộc được phát huy mạnh mẽ, thể hiện trong từng gia đình, từng dòng họ, từng địa phương, từng cộng đồng dân cư.

2. Những bất cập và yếu kém

a) Hệ thống giáo dục quốc dân thiếu tính thống nhất, thiếu liên thông giữa một số cấp học và một số trình độ đào tạo, chưa có khung trình độ quốc gia về giáo dục. Tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề đào tạo, giữa các vùng miền chậm được khắc phục, chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội. Số lượng các cơ sở đào tạo, quy mô tăng nhưng các điều kiện đảm bảo chất lượng chưa tương xứng. Một số chỉ tiêu chưa đạt được mức đề ra trong Chiến lược phát triển giáo dục 2001 - 2010, như: tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đi học tiểu học và trung học cơ sở; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học giáo dục nghề nghiệp.

b) Chất lượng giáo dục còn thấp so với yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới và so với trình độ của các nước có nền giáo dục tiên tiến trong khu vực, trên thế giới. Chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển số lượng với yêu cầu nâng cao chất lượng; năng lực nghề nghiệp của học sinh, sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc; có biểu hiện lệch lạc về hành vi, lối sống trong một bộ phận học sinh, sinh viên.

c) Quản lý giáo dục vẫn còn nhiều bất cập, còn mang tính bao cấp, ôm đồm, sự vụ và chồng chéo, phân tán; trách nhiệm và quyền hạn quản lý chuyên môn chưa đi đôi với trách nhiệm, quyền hạn quản lý về nhân sự và tài chính. Hệ thống pháp luật và chính sách về giáo dục thiếu đồng bộ, chậm được sửa đổi, bổ sung. Sự phối hợp giữa ngành giáo dục và các bộ, ngành, địa phương chưa chặt chẽ. Chính sách huy động và phân bổ nguồn nhân lực tài chính cho giáo dục chưa hợp lý; hiệu quả sử dụng nguồn lực chưa cao. Đầu tư của Nhà nước cho giáo dục chưa tập trung cao cho những mục tiêu ưu tiên; phần chi cho hoạt động chuyên môn còn thấp. Quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của cơ sở giáo dục chưa được quy định đầy đủ, sát thực.

d) Một bộ phận nhà giáo và cán bộ quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục trong thời kỳ mới. Đội ngũ nhà giáo vừa thừa, vừa thiếu cục bộ, vừa không đồng bộ về cơ cấu chuyên môn. Tỷ lệ nhà giáo có trình độ sau đại học trong giáo dục đại học còn thấp; tỷ lệ sinh viên trên giảng viên chưa đạt mức chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển giáo dục 2001 - 2010. Vẫn còn  một bộ phận nhỏ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có biểu hiện thiếu trách nhiệm và tâm huyết với nghề, vi phạm đạo đức và lối sống, ảnh hưởng không tốt tới uy tín của nhà giáo trong xã hội. Năng lực của một bộ phận nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn thấp. Các chế độ chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đặc biệt là chính sách lương và phụ cấp theo lương, chưa thỏa đáng, chưa thu hút được người giỏi vào ngành giáo dục, chưa tạo được động lực phấn đấu vươn lên trong hoạt động nghề nghiệp. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo chưa đáp ứng được các yêu cầu đổi mới giáo dục.

đ) Nội dung chương trình, phương pháp dạy và học, công tác thi, kiểm tra, đánh giá chậm được đổi mới. Nội dung chương trình còn nặng về lý thuyết, phương pháp dạy học lạc hậu, chưa phù hợp với đặc thù khác nhau của các loại hình cơ sở giáo dục, vùng miền và các đối tượng người học; nhà trường chưa gắn chặt với đời sống kinh tế, xã hội; chưa chuyển mạnh sang đào tạo theo nhu cầu xã hội; chưa chú trọng giáo dục kỹ năng sống, phát huy tính sáng tạo, năng lực thực hành của học sinh, sinh viên.

e) Cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà trường còn thiếu và lạc hậu. Vẫn còn tình trạng phòng học tạm tranh tre, nứa lá ở mầm non và phổ thông, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; thư viện, phòng thí nghiệm, phòng học bộ môn và các phương tiện dạy học chưa đảm bảo về số lượng, chủng loại và chất lượng so với yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là ở các trường đại học. Quỹ đất dành cho các cơ sở giáo dục chưa đạt chuẩn quy định.

g) Nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học giáo dục còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp thời các yêu cầu phát triển giáo dục. Chất lượng và hiệu quả nghiên cứu khoa học trong các trường đại học còn thấp; chưa gắn kết chặt chẽ đào tạo với nghiên cứu khoa học và sản xuất.

Nguyên nhân của những bất cập, yếu kém:

- Quan điểm "Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu", "đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển" chưa thực sự được thấm nhuần và thể hiện trên thực tế; không ít cấp ủy Đảng và chính quyền chưa quán triệt đầy đủ đường lối của Đảng về phát triển giáo dục và chưa quan tâm đúng mức trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010.

- Tư duy về giáo dục chậm đổi mới. Một số vấn đề lý luận mới về phát triển giáo dục trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế chưa được nghiên cứu đầy đủ. Chưa nhận thức đúng vai trò quyết định của đội ngũ nhà giáo và sự cần thiết phải tập trung đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục. Chưa nhận thức đầy đủ và thiếu chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực của cả nước, của các bộ ngành, địa phương; thiếu quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các chính sách tuyển và sử dụng nhân lực sau đào tạo còn nhiều bất cập.

- Những tác động khách quan làm tăng thêm những yếu kém bất cập của giáo dục. Quá trình hội nhập quốc tế đã mang tới những cơ hội, nhưng cũng đưa đến nhiều thách thức lớn đối với giáo dục. Trong xã hội, tâm lý khoa cử, sính bằng cấp, bệnh thành tích vẫn chi phối việc dạy, học và thi. Mặt trái của kinh tế thị trường đã có nhiều tác động tiêu cực đến giáo dục. Nhu cầu học tập của nhân dân và đòi hỏi nâng cao chất lượng giáo dục ngày càng cao trong khi khả năng đáp ứng của ngành giáo dục và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước còn hạn chế.

II. BỐI CẢNH VÀ THỜI CƠ, THÁCH THỨC ĐỐI VỚI GIÁO DỤC NƯỚC TA GIAI ĐOẠN 2011-2020

1. Bối cảnh quốc tế và trong nước

Giáo dục nước ta trong thập kỷ tới phát triển trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi nhanh và phức tạp. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế về giáo dục đã trở thành xu thế tất yếu. Cách mạng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin và truyền thông, kinh tế trí thức ngày càng phát triển mạnh mẽ, tác động trực tiếp đến sự phát triển của các nền giáo dục trên thế giới.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 đã khẳng định phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau. Chiến lược cũng đã xác định rõ một trong ba đột phá là phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục quốc dân, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ. Sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới sẽ tạo ra nhiều cơ hội và thuận lợi to lớn, đồng thời cũng phát sinh nhiều thách thức đối với sự nghiệp phát triển giáo dục.

2. Thời cơ và thách thức

a) Thời cơ:

Đảng và Nhà nước luôn khẳng định phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển; giáo dục vừa là mục tiêu vừa là động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong 10 năm vừa qua và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 với yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, cùng với Chiến lược và Quy hoạch phát triển nhân lực trong thời kỳ dân số vàng là tiền đề cơ bản để ngành giáo dục cùng các bộ, ngành, địa phương phát triển giáo dục.

Cách mạng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi để đổi mới cơ bản nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, đổi mới quản lý giáo dục, tiến tới một nền giáo dục điện tử đáp ứng nhu cầu của từng cá nhân người học.

Quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng về giáo dục đang diễn ra ở quy mô toàn cầu tạo cơ hội thuận lợi để tiếp cận với các xu thế mới, tri thức mới, những mô hình giáo dục hiện đại, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài, tạo thời cơ để phát triển giáo dục.

b) Thách thức:

Ở trong nước, sự phân hóa trong xã hội có chiều hướng gia tăng. Khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm dân cư, khoảng cách phát triển giữa các vùng miền ngày càng rõ rệt, gây nguy cơ dẫn đến sự thiếu bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, gia tăng khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các vùng miền và cho các đối tượng người học.

Nhu cầu phát triển nhanh giáo dục đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế theo chiều sâu tri thức với công nghệ tiên tiến và hội nhập quốc tế, trong khi đó nguồn lực đầu tư cho giáo dục là có hạn, sẽ tạo sức ép đối với phát triển giáo dục.

Nguy cơ tụt hậu có thể làm cho khoảng cách kinh tế, tri thức, giáo dục giữa Việt Nam và các nước ngày càng gia tăng. Hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế thị trường làm nảy sinh những vấn đề mới, như nguy cơ xâm nhập của văn hóa và lối sống không lành mạnh làm xói mòn bản sắc dân tộc, dịch vụ giáo dục kém chất lượng có thể gây nhiều rủi ro lớn đối với giáo dục đặt ra yêu cầu phải đổi mới cả về lý luận cũng như những giải pháp thực tiễn phù hợp để phát triển giáo dục.

III. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC

1. Phát triển giáo dục phải thực sự là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, nâng cao vai trò các tổ chức, đoàn thể chính trị, kinh tế, xã hội trong phát triển giáo dục. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển. Thực hiện các chính sách ưu đãi đối với giáo dục, đặc biệt là chính sách đầu tư và chính sách tiền lương; ưu tiên ngân sách nhà nước dành cho phát triển giáo dục phổ cập và các đối tượng đặc thù.

2. Xây dựng nền giáo dục có tính nhân dân, dân tộc, tiên tiến, hiện đại, xã hội chủ nghĩa, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng. Thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó để đạt được mặt bằng chung, đồng thời tạo điều kiện để các địa phương và các cơ sở giáo dục có điều kiện bứt phá nhanh, đi trước một bước, đạt trình độ ngang bằng với các nước có nền giáo dục phát triển. Xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội bình đẳng để ai cũng được học, học suốt đời, đặc biệt đối với người dân tộc thiểu số, người nghèo, con em diện chính sách.

3. Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập quốc tế, thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển giáo dục gắn với phát triển khoa học và công nghệ, tập trung vào nâng cao chất lượng, đặc biệt chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành để một mặt đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo an ninh quốc phòng; mặt khác phải chú trọng thỏa mãn nhu cầu phát triển của mỗi người học, những người có năng khiếu được phát triển tài năng.

4. Hội nhập quốc tế sâu, rộng về giáo dục trên cơ sở bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc, giữ vững độc lập, tự chủ, định hướng xã hội chủ nghĩa. Mở rộng giao lưu hợp tác với các nền giáo dục trên thế giới, nhất là với các nền giáo dục tiên tiến hiện đại; phát hiện và khai thác kịp thời các cơ hội thu hút nguồn lực có chất lượng.

IV. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC ĐẾN NĂM 2020

1. Mục tiêu tổng quát

Đến năm 2020, nền giáo dục nước ta được đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; chất lượng giáo dục được nâng cao một cách toàn diện, gồm: giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, năng lực sáng tạo, năng lực thực hành, năng lực ngoại ngữ và tin học; đáp ứng nhu cầu nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng nền kinh tế tri thức; đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục và cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân, từng bước hình thành xã hội học tập.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Giáo dục mầm non

Hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2015; đến năm 2020, có ít nhất 30% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 80% trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng trong các cơ sở giáo dục mầm non giảm xuống dưới 10%.

b) Giáo dục phổ thông

Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao, đặc biệt chất lượng giáo dục văn hóa, đạo đức, kỹ năng sống, pháp luật, ngoại ngữ, tin học.

Đến năm 2020, tỷ lệ đi học đúng tuổi ở tiểu học là 99%, trung học cơ sở là 95% và 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn trung học phổ thông và tương đương; có 70% trẻ em khuyết tật được đi học.

c) Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học

Hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục nghề nghiệp và đại học; điều chỉnh cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội; đào tạo ra những con người có năng lực sáng tạo, tư duy độc lập, trách nhiệm công dân, đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp, năng lực ngoại ngữ, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp, năng lực tự tạo việc làm và khả năng thích ứng với những biến động của thị trường lao động và một một phận có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới.

Đến năm 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đủ khả năng tiếp nhận 30% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp và đại học đạt khoảng 70%; tỷ lệ sinh viên tất cả các hệ đào tạo trên một vạn dân vào khoảng 350 - 400.

d) Giáo dục thường xuyên

Phát triển giáo dục thường xuyên tạo cơ hội cho mọi người có thể học tập suốt đời, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của mình; bước đầu hình thành xã hội học tập. Chất lượng giáo dục thường xuyên được nâng cao, giúp người học có kiến thức, kỹ năng thiết thực để tự tạo việc làm hoặc chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần.

Kết quả xóa mù chữ được củng cố bền vững. Đến năm 2020, tỷ lệ người biết chữ trong độ tổi từ 15 trở lên là 98% và tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 35 là 99% đối với cả nam và nữ.

V. CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

Để đạt được mục tiêu chiến lược, cần thực hiện tốt 8 giải pháp, trong đó các giải pháp 1 là giải pháp đột phá và giải pháp 2 là giải pháp then chốt.

1. Đổi mới quản lý giáo dục

a) Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ làm cơ sở triển khai thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

b) Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện thống nhất đầu mối quản lý và hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về giáo dục. Thực hiện đồng bộ phân cấp quản lý, hoàn thiện và triển khai cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong quản lý nhà nước về giáo dục theo hướng phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền gắn với trách nhiệm và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục đi đôi với hoàn thiện cơ chế công khai, minh bạch, đảm bảo sự giám sát của cơ quan nhà nước, của các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân.

Bảo đảm dân chủ hóa trong giáo dục. Thực hiện cơ chế người học tham gia đánh giá người dạy, giáo viên và giảng viên tham gia đánh giá cán bộ quản lý, cán bộ quản lý cấp dưới tham gia đánh giá cán bộ quản lý cấp trên, cơ sở giáo dục tham gia đánh giá quản lý nhà nước về giáo dục.

c) Hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, xây dựng khung trình độ quốc gia về giáo dục tương thích với các nước trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo phân luồng trong hệ thống, đặc biệt là phân luồng sau trung học cơ sở, trung học phổ thông và liên thông giữa các chương trình giáo dục, cấp học và trình độ đào tạo; đa dạng hóa phương thức học tập đáp ứng nhu cầu nhân lực, tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân.

d) Phân loại chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và đại học theo các tiêu chuẩn chất lượng quốc gia, các cơ sở giáo dục chưa đạt chuẩn phải có lộ trình để tiến tới đạt chuẩn; chú trọng xây dựng các cơ sở giáo dục tiên tiến, trọng điểm, chất lượng cao để đào tạo bồi dưỡng các tài năng, nhân lực chất lượng cao cho các ngành kinh tế - xã hội.

đ) Thực hiện quản lý theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục và quy hoạch phát triển nhân lực của từng ngành, địa phương trong từng giai đoạn phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.

e) Tập trung vào quản lý chất lượng giáo dục: chuẩn hóa đầu ra và các điều kiện đảm bảo chất lượng trên cơ sở ứng dụng các thành tựu mới về khoa học giáo dục, khoa học công nghệ và khoa học quản lý, từng bước vận dụng chuẩn của các nước tiên tiến; công khai về chất lượng giáo dục, các điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực và tài chính của các cơ sở giáo dục; thực hiện giám sát xã hội đối với chất lượng và hiệu quả giáo dục; xây dựng hệ thống kiểm định độc lập về chất lượng giáo dục, thực hiện kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục của các cấp học, trình độ đào tạo và kiểm định các chương trình giáo dục nghề nghiệp, đại học.

g) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông nhằm nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục ở các cấp.

2. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục

a) Củng cố, hoàn thiện hệ thống đào tạo giáo viên, đổi mới căn bản và toàn diện nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng nhằm hình thành đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ sức thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015. Tập trung đầu tư xây dựng các trường sư phạm và các khoa sư phạm tại các trường đại học để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên.

b) Đảm bảo từng bước có đủ giáo viên thực hiện giáo dục toàn diện theo chương trình giáo dục mầm non và phổ thông, dạy học 2 buổi/ngày, giáo viên dạy ngoại ngữ, giáo viên tư vấn học đường và hướng nghiệp, giáo viên giáo dục đặc biệt và giáo viên giáo dục thường xuyên.

c) Chuẩn hóa trong đào tạo, tuyển chọn, sử dụng và đánh giá nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Chú trọng nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tác phong và tư cách của đội ngũ nhà giáo để làm gương cho học sinh, sinh viên.

Tiếp tục đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo để đến năm 2020, 100% giáo viên mầm non và phổ thông đạt chuẩn trình độ đào tạo, trong đó 60% giáo viên mầm non, 100% giáo viên tiểu học, 88% giáo viên trung học cơ sở và 16,6% giáo viên trung học phổ thông đạt trình độ đào tạo trên chuẩn; 38,5% giáo viên trung cấp chuyên nghiệp, 60% giảng viên cao đẳng và 100% giảng viên đại học đạt trình độ thạc sỹ trở lên; 100% giảng viên đại học và cao đẳng sử dụng thành thạo một ngoại ngữ.

Thực hiện đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ các trường đại học, cao đẳng với phương án kết hợp đào tạo trong và ngoài nước để đến năm 2020 có 25% giảng viên đại học và 8% giảng viên cao đẳng là tiến sỹ.

d) Thực hiện các chính sách ưu đãi về vật chất và tinh thần tạo động lực cho các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, nhất là với giáo viên mầm non; có chính sách đặc biệt nhằm thu hút các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia có kinh nghiệm và uy tín trong và ngoài nước tham gia phát triển giáo dục.

3. Đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục

a) Trên cơ sở đánh giá chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và tham khảo chương trình tiên tiến của các nước, thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa từ sau năm 2015 theo định hướng phát triển năng lực học sinh, vừa đảm bảo tính thống nhất trong toàn quốc, vừa phù hợp với đặc thù mỗi địa phương. Chú trọng nội dung giáo dục đạo đức, pháp luật, thể chất, quốc phòng - an ninh và các giá trị văn hóa truyền thống; giáo dục kỹ năng sống, giáo dục lao động và hướng nghiệp học sinh phổ thông.

b) Đổi mới chương trình, tài liệu dạy học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đại học dựa trên nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động, vận dụng có chọn lọc một số chương trình tiên tiến trên thế giới, phát huy vai trò của các trường trọng điểm trong từng khối ngành, nghề đào tạo để thiết kế các chương trình liên thông. Phát triển các chương trình đào tạo đại học theo hai hướng: nghiên cứu và nghề nghiệp ứng dụng.

c) Phát triển các chương trình giáo dục thường xuyên, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông mở rộng các hình thức học tập đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của mọi người, giúp người học hoàn thiện nhân cách, mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu công việc và nâng cao chất lượng cuộc sống.

d) Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện theo hướng phát huy tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo và năng lực tự học của người học. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học, đến năm 2015, 100% giảng viên đại học, cao đẳng và đến năm 2020, 100% giáo viên giáo dục nghề nghiệp và phổ thông có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học. Biên soạn và sử dụng giáo trình, sách giáo khoa điện tử. Đến năm 2020, 90% trường tiểu học và 50% trường trung học cơ sở tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Đổi mới kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hướng đảm bảo thiết thực, hiệu quả, khách quan và công bằng; kết hợp kết quả kiểm tra đánh giá trong quá trình giáo dục với kết quả thi.

đ) Thực hiện định kỳ đánh giá quốc gia về chất lượng học tập của học sinh phổ thông nhằm xác định mặt bằng chất lượng và làm căn cứ đề xuất chính sách nâng cao chất lượng giáo dục của các địa phương và cả nước.

4. Tăng nguồn lực đầu tư và đổi mới cơ chế tài chính giáo dục

a) Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính giáo dục nhằm huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực của nhà nước và xã hội đầu tư cho giáo dục; nâng cao tính tự chủ của các cơ sở giáo dục, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm đối với Nhà nước, người học và xã hội; đảm bảo nguồn lực tài chính cho một số cơ sở giáo dục Việt Nam đủ sức hội nhập và cạnh tranh quốc tế.

b) Đảm bảo tỷ lệ chi cho giáo dục trong tổng ngân sách nhà nước từ 20% trở lên, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và quản lý sử dụng có hiệu quả. Ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục được tập trung ưu tiên cho giáo dục phổ cập; giáo dục ở những vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách xã hội; giáo dục năng khiếu và tài năng; đào tạo nhân lực chất lượng cao; đào tạo các ngành khoa học cơ bản, khoa học xã hội nhân văn, khoa học mũi nhọn và những ngành khác mà xã hội cần nhưng khó thu hút người học.

c) Đầu tư ngân sách nhà nước có trọng điểm, không bình quân dàn trải cho các cơ sở giáo dục công lập, đầu tư đến đâu đạt chuẩn đến đó. Từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật, đảm bảo đủ nguồn lực tài chính và phương tiện dạy học tối thiểu của tất cả các cơ sở giáo dục; ưu tiên đầu tư xây dựng một số trường đại học xuất sắc, chất lượng trình độ quốc tế, các trường trọng điểm, trường chuyên, trường đào tạo học sinh năng khiếu, trường dân tộc nội trú, bán trú. Phấn đấu đến năm 2020 có một số khoa, chuyên ngành đạt chất lượng cao. Quy hoạch, đảm bảo quỹ đất để xây dựng trường học, ưu tiên xây dựng các khu đại học tập trung và ký túc xá cho sinh viên.

d) Có cơ chế, chính sách quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong đầu tư phát triển đào tạo nhân lực, đặc biệt đào tạo nhân lực chất lượng cao và nhân lực thuộc ngành nghề mũi nhọn. Quy định trách nhiệm của các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng và gia đình trong việc đóng góp nguồn lực và tham gia các hoạt động giáo dục, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người, góp phần từng bước xây dựng xã hội học tập. Xây dựng và thực hiện chế độ học phí mới nhằm đảm bảo sự chia sẻ hợp lý giữa nhà nước, người học và các thành phần xã hội.

đ) Triển khai các chính sách cụ thể để hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục đại học, dạy nghề và phổ thông ngoài công lập, trước hết về đất đai, thuế và vốn vay. Xác định rõ ràng, cụ thể các tiêu chí thành lập cơ sở giáo dục, bảo đảm chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các tổ chức kinh tế - xã hội tham gia thành lập trường theo quy hoạch phát triển của Nhà nước.

5. Tăng cường gắn đào tạo với sử dụng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu xã hội

a) Khuyến khích doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước mở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học để tăng cường khả năng tự cung ứng nhân lực và góp phần cung ứng nhân lực cho thị trường lao động.

b) Quy định trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các bộ, ngành, địa phương; giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong việc xác định nhu cầu đào tạo, xây dựng và đánh giá chương trình, tuyển sinh, tổ chức đào tạo và thực tập tại công nghiệp, tuyển dụng học sinh, sinh viên tốt nghiệp.

c) Gắn kết chặt chẽ đào tạo với nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và sản xuất; thành lập các doanh nghiệp khoa học công nghệ trong các cơ sở đào tạo. Nâng cao năng lực của các cơ sở nghiên cứu khoa học, trong đó ưu tiên đầu tư cho các cơ sở nghiên cứu khoa học mũi nhọn, phòng thí nghiệm trọng điểm trong các trường đại học.

6. Tăng cường hỗ trợ phát triển giáo dục đối với các vùng khó khăn, dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách xã hội

a) Xây dựng và thực hiện các chính sách nhằm đảm bảo bình đẳng về cơ hội học tập, hỗ trợ và ưu tiên phát triển giáo dục và đào tạo nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo.

b) Có chính sách ưu đãi đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.

c) Phát triển giáo dục từ xa, giáo dục nghề nghiệp, mở rộng hệ thống dự bị đại học. Phát triển hệ thống cơ sở giáo dục đặc biệt dành cho người khuyết tật, trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV và trẻ em lang thang đường phố, các đối tượng khó khăn khác.

d) Tăng đầu tư cho giáo dục đặc biệt; có chính sách đãi ngộ đối với giáo viên giáo dục đặc biệt và học sinh khuyết tật.

7. Phát triển khoa học giáo dục

a) Ưu tiên nghiên cứu cơ bản về khoa học giáo dục; tổng kết kinh nghiệm thực tiễn và xu thế phát triển giáo dục trong và ngoài nước, nghiên cứu đón đầu nhằm cung cấp những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chiến lược và chính sách phát triển giáo dục của Đảng và Nhà nước, phục vụ đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục và quản lý cơ sở giáo dục, đổi mới quá trình giáo dục trong các nhà trường, góp phần thiết thực và hiệu quả vào sự nghiệp phát triển giáo dục nói chung và xây dựng nền khoa học giáo dục Việt Nam nói riêng.

b) Phát triển mạng lưới cơ sở nghiên cứu khoa học giáo dục, tập trung đầu tư nâng cao năng lực nghiên cứu của cơ quan nghiên cứu khoa học giáo dục quốc gia và các viện nghiên cứu trong các trường sư phạm trọng điểm. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu và chuyên gia giáo dục thông qua đào tạo trong và ngoài nước, trao đổi hợp tác quốc tế.

c) Triển khai chương trình nghiên cứu quốc gia về khoa học giáo dục; thực hiện tốt chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng phục vụ đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam.

8. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về giáo dục

a) Tăng chỉ tiêu đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước cho các trường đại học trọng điểm và viện nghiên cứu quốc gia, ưu tiên các ngành khoa học, công nghệ mũi nhọn. Khuyến khích và hỗ trợ công dân Việt Nam đi học tập và nghiên cứu ở nước ngoài bằng kinh phí tự túc.

b) Khuyến khích các cơ sở giáo dục trong nước hợp tác với các cơ sở giáo dục nước ngoài để nâng cao năng lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo bồi dưỡng giáo viên, giảng viên và cán bộ khoa học và quản lý giáo dục; tăng số lượng học bổng cho học sinh, sinh viên đi học nước ngoài.

c) Khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư, tài trợ cho giáo dục, tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ góp phần đổi mới giáo dục ở Việt Nam. Xây dựng một số trường đại học, trung tâm nghiên cứu hiện đại để thu hút các nhà khoa học trong nước, quốc tế đến giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC

1. Hai giai đoạn thực hiện Chiến lược

a) Giai đoạn 1 (2011-2015): thực hiện đổi mới quản lý giáo dục; hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân; xây dựng khung trình độ quốc gia; triển khai xây dựng một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đại học chất lượng cao và trường đại học theo định hướng nghiên cứu; đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp; đào tạo bồi dưỡng và thực hiện các chính sách tạo động lực phát triển đội ngũ nhà giáo và đội ngũ cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Tập trung chuẩn bị các điều kiện để thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông sau năm 2015; Triển khai các bước xây dựng xã hội học tập. Đánh giá, điều chỉnh các mục tiêu và giải pháp chiến lược vào cuối năm 2015; tổ chức sơ kết thực hiện Chiến lược giai đoạn 1 vào đầu năm 2016.

b) Giai đoạn 2 (2016-2020): Triển khai thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; tiếp tục thực hiện đổi mới giáo dục nghề nghiệp, đại học và một số nhiệm vụ của giai đoạn 1 với các điều chỉnh bổ sung; tập trung củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục. Đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020 vào cuối năm 2020 và tổng kết vào đầu năm 2021.

2. Phân công thực hiện chiến lược

a) Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tư vấn giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020.

b) Bộ Giáo dục và Đào tạo

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020; hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục 5 năm và hàng năm phù hợp với Chiến lược phát triển giáo dục, Chiến lược và Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020; kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tổ chức sơ kết việc thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 vào đầu năm 2016 và tổng kết vào đầu năm 2021.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các Bộ, Ngành liên quan và các địa phương xây dựng các chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, chính sách hỗ trợ người học thuộc diện chính sách và các chính sách khác có liên quan.

- Chủ trì, phối hợp với các bộ có liên quan xây dựng các chính sách về tự chủ tài chính trong các cơ sở giáo dục, các chính sách tài chính khuyến khích gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học và ứng dụng, khuyến khích các thành phần kinh tế - xã hội đầu tư cho giáo dục, quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp đối với công tác đào tạo và bồi dưỡng nhân lực.

c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp kế hoạch phát triển giáo dục của các Bộ, Ngành và địa phương vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo huy động các nguồn tài trợ trong và ngoài nước cho phát triển giáo dục; chủ trì, phối hợp với các Bộ, Ngành tổ chức công tác thông tin về nhu cầu nhân lực.

d) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đảm bảo ngân sách cho nhu cầu phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020; hoàn thiện chính sách tài chính và chế độ quản lý tài chính trong lĩnh vực giáo dục để sử dụng có hiệu quả các nguồn tài chính đầu tư cho giáo dục.

đ) Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành, địa phương xây dựng cơ chế, chính sách và kế hoạch phối hợp các hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ giữa các viện nghiên cứu với các trường đại học, cao đẳng; tham gia xây dựng các trường đại học xuất sắc.

e) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân các cấp quy hoạch quỹ đất cho các cơ sở giáo dục.

g) Các Bộ Nội vụ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ ngành khác theo chức năng và nhiệm vụ tổ chức, chỉ đạo thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 trong phạm vi thẩm quyền; xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển đào tạo nhân lực 5 năm và hàng năm, các chương trình, đề án phát triển đào tạo nhân lực của bộ, ngành phù hợp với Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020, Chiến lược và Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020; chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát và đánh giá việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án của bộ, ngành; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành khác triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển giáo dục trên phạm vi toàn quốc.

h) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm phát triển giáo dục trên địa bàn theo thẩm quyền; xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển giáo dục đến năm 2020, kế hoạch phát triển giáo dục 5 năm và hàng năm, các chương trình, đề án phát triển giáo dục của địa phương phù hợp với Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020, Chiến lược, Quy hoạch phát triển nhân lực 2011-2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong cùng thời kỳ; chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát và đánh giá việc thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án của địa phương.

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC 2011-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ)

STT

Tên nhiệm vụ, công việc

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Thời gian

Xây dựng

Thực hiện

I. XÂY DỰNG, BỔ SUNG VÀ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG KHUNG PHÁP LÝ CHUNG VÀ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC

1

- Luật giáo dục đại học

- Các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật giáo dục đại học (sau khi Luật được Quốc hội thông qua)

Bộ Giáo dục và Đào tạo

Các Bộ, ngành liên quan

2011-2012

Khi Luật có hiệu lực

II. XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN QUY HOẠCH, CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC

2

Đề án xây dựng khung trình độ quốc gia về giáo dục

Bộ Giáo dục và Đào tạo

- Bộ LĐTB&XH

- Các Bộ, ngành liên quan

2012-2014

Từ 2015

3

Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân

Bộ Giáo dục và Đào tạo

Các Bộ, ngành liên quan

2012-2014

Từ 2015

4

Đề án Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo của địa phương

Sở Giáo dục và Đào tạo

Các Sở, ngành liên quan

2011-2012

2012-2020

5

Đề án Quy hoạch đất đai dành cho giáo dục và đào tạo đến năm 2020

Bộ Tài nguyên và Môi trường

- Bộ GD&ĐT

- Các Bộ, ngành liên quan

2011-2014

Từ 2014

6

Đề án Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, phục vụ Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020

Bộ Giáo dục và Đào tạo

Các Bộ, ngành liên quan

2011-2013

Từ 2013

7

Đề án thành lập trường đại học Việt Nga tại Việt Nam (bổ sung thêm vào 2 đề án đang triển khai)

Bộ Giáo dục và Đào tạo

Các Bộ, ngành liên quan

2011-2012

Từ 2013

8

Đề án đầu tư xây dựng khu đại học tập trung

Bộ Xây dựng

- Bộ GD&ĐT

- Các Bộ, ngành

- UBND các tỉnh liên quan

2011-2013

Từ 2013

9

Đề án di dời các trường đại học ra khỏi nội thành Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh

Bộ Giáo dục và Đào tạo

- Các Bộ chủ quản

- UBND TP. Hà Nội và TP.HCM

2011-2013

Từ 2014

10

Đề án Phát triển các trường đại học trọng điểm theo định hướng nghiên cứu

Bộ Giáo dục và Đào tạo

Các Bộ, ngành liên quan

2011-2013

Từ 2013

11

Đề án đổi mới và phát triển giáo dục chuyên nghiệp giai đoạn 2011-2020

Bộ Giáo dục và Đào tạo

Các Bộ, ngành liên quan

2011-2013

Từ 2013

12

Đề án Đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau 2015

Bộ Giáo dục và Đào tạo

Các Bộ, ngành liên quan

2011-2012

Từ 2013

13

Chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011 đến năm 2020

Bộ Giáo dục và Đào tạo

Các Bộ, ngành liên quan

 

2011-2020

14

Chương trình mục tiêu giáo dục và đào tạo giai đoạn 2011-2015

Bộ Giáo dục và Đào tạo

Các Bộ, ngành liên quan

2011-2012

2012-2015

15

Chương trình mục tiêu giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020

Bộ Giáo dục và Đào tạo

Các Bộ, ngành liên quan

2015

2016-2020

16

Chương trình nghiên cứu quốc gia về khoa học giáo dục

Bộ Giáo dục và Đào tạo

Các Bộ, ngành và UBND các tỉnh liên quan

2012

Từ 2013

17

Đề án Kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2016-2020

Bộ Giáo dục và Đào tạo

Các Bộ, ngành liên quan

2015

2016-2020

18

Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2011-2020

Bộ Giáo dục và Đào tạo

Các Bộ, ngành liên quan

2012

2012-2020

19

Đề án xóa mù chữ giai đoạn 2011-2020

Bộ Giáo dục và Đào tạo

Các Bộ, ngành liên quan

2012

2012-2020

20

Đề án đào tạo cán bộ ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2025

Bộ Giáo dục và Đào tạo

Các Bộ, ngành liên quan

2012

2013-2025

 

THE PRIME MINISTER
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence– Freedom – Happiness
---------------

No. 711/QD-TTg

Hanoi, June 13, 2012

 

DECISION

APPROVING THE 2011-2020 EDUCATION DEVELOPMENT STRATEGY

THE PRIME MINISTER

Pursuant to the Law on Organization of the Government dated December 25, 2001;

Pursuant to the Law on Education dated June 14, 2005 and the Law amending and supplementing a number of Articles of the Education Law dated November 25, 2009;

Pursuant to the Decree No. 75/2006/ND-CP dated August 2, 2006 of the Government detailing and guiding a number of articles of the Education Law, and the Decree No. 31/2011/ND-CP dated May 11,2011 of the Government amending and supplementing a number of articles of Decree No. 75/2006/ND-CP dated August 02, 2006 of the Government stipulating in detailed and guiding the implementation of a number of articles of the Education Law.

Pursuant to the 2011 -2020 socio-economic development strategy;

Pursuant to Decision No. 579/QD-TTg dated April 19, 2011approving Vietnam's human resource development strategy during 2011-2020;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Pursuant to Decision No. 1216/QĐ-TTg DATED July 22, 2011 of the Prime Minister approving Vietnam's human resource development master plan during 2011-2020;

At the proposal of the Minister of Education and Training,

DECIDES:

Article 1. To approve together with this Decision the 2011 -2020 education development strategy.

Article 2. This Decision takes effect on its signing date.

Article 3. Ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of government-affiliated agencies and chairman of provincial-level People's Committees are liable to implement this Decision.-

 

 

PRIME MINISTER




Nguyen Tan Dung

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2011-2020 EDUCATION DEVELOPMENT STRATEGY
(Issued together with Decision No. 711/QD-TTg dated June 13, 2012 of the Prime Minister)

FOREWORDS

The 6th National Party Congress's resolution has asserted "To basically and comprehensively renew Vietnam's education toward standardization, modernization, socialization, democratization and international integration with renewal of the education management mechanism and development of the staff of educational administrators as the key element" and "Education and training have the missions of raising people's intellectual level, developing human resources and fostering talents, making important contributions to building the country and developing its culture and people." The 2011-2020 socio-economic development strategy has set the orientation: "Development and quality improvement of human resources, especially high-quality ones, are a strategic breakthrough." The 2011-2020 education development strategy aims to thoroughly grasp and concretize the guidelines and orientations for education and training renewal, contributing to successfully implementing the 6th National Party Congress's resolution and the 2011-2020 national socio-economic development strategy.

I. EDUCATION SITUATION IN VIETNAM DURING 2001-2010

1. Achievements

a/ The education scale and network of educational institutions have developed and better met people's learning needs.

During 2001-2010, the rate of school-age children going to school grew fast, from 72% to 98% for pre-school five-year-old children; 94% to 97% for primary school students; 70% to 83% for lower secondary school students; and 33% to 50% for upper secondary school students. The scale of vocational training increased by 3.08 times, professional secondary education by 2.69 times and tertiary education by 2.35 times. In 2010, the ratio of collegial and university students reached 227 per 10,000 people; the rate of trained labor reached 40%, initially meeting the labor market's demands.

A network of educational institutions developed nationwide increased learning opportunities for people, initially forming a learning society. Communes in which children had no access to preschool education no longer existed. All communes have primary schools. Most communes or inter-communes have lower secondary schools. All districts have upper secondary schools. Provinces and districts with a high density of ethnic minority people have boarding and semi-boarding schools for ethnic minority students. The network of continuing education centers and community learning centers have developed strongly. Vocational and professional secondary training institutions, colleges and universities have been established in most populous areas, regions and localities, including difficulty-hit regions such as the northwestern region, the Central Highlands and the Mekong delta.

The country has achieved the targets of eradicating illiteracy and universalizing primary and lower secondary education, and is boosting the universalization of preschool education for five-year-old children and universalization of primary education for children of eligible age. A number of localities are universalizing secondary education.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Importance is specially attached to the quality of spearhead education through developing a system of specialized schools and schools for the gifted and carrying out high-quality and advanced training programs at many universities and vocational colleges.

c/ Social equity in access to education was improved, especially paying greater attention to ethnic minority people, children of poor families, girls and the disadvantaged. Gender equality in general education and tertiary education was achieved basically. Education in ethnic minority, deep-lying and remote areas further developed. A number of policies on school fee exemption and reduction, scholarship, lending and other supports for students being policy beneficiaries were practically effective in realizing social equality and developing human resources of increasingly higher quality.

d/ Education administration saw a positive change toward addressing negative practices in the education sector and standardizing teachers and education administrators; renewing the financial regime of the education sector; increasing education management decentralization, autonomy and accountability for educational institutions; widely applying information technology; forming social supervision for education and training quality; developing a quality control system from central to local levels and at educational institutions; boosting administrative reform in the whole sector; expanding a friendly education environment which encouraged activeness among students; and renewing and increasing education about national traditions and culture.

e/ The staff of teachers and educational administrators rapidly increased in number and gradually improved in quality, step by step addressing the unreasonable structure and meeting requirements for education universalization and development of educational grades and training levels.

f/ State budget funds for education rose fast, from 15.3% of the total state budget expenditures in 2001 to 20% in 2010. The socialization of education achieved important results, particularly in raising resources for building physical foundations of schools, establishing new schools and making financial contributions to education. Investment sources for education are controlled more closely and used more effectively.

g/ Non-public education developed, especially in vocational and tertiary education. In the past 10 years, the rate of non-public education in the total training scale increased from 28% to 44% for basic vocational training; 1.5% to 5.5% for intermediate-and collegial-level vocational training; 5.6% to 27.2% for professional secondary training; 7.9% to 19.9% for collegial training; and 12.2% to 13.2% for tertiary training.

h/ Schools' material facilities are improved. The rate of strongly-built classrooms increased from 52% in 2006 to 71% in 2010. Priority was given to the building of public-duty houses for teachers and dormitories for students which had incrementally increased in recent years.

In the past 10 years, the country's education achievements made important contributions to raising people's intellectual level, developing human resources, fostering talents, developing socio-economy, maintaining security and political stability and facilitating the country's international integration.

Reasons behind the achievements:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Political stability, socio-economic development achievements, people's improved living conditions and international integration in the renewal period have created a favorable environment for education development. Education investment constantly has increased in total state budget expenditures year by year.

- Teachers' patriotism, love for people and their profession, sense of responsibility and efforts together with the education sector's determination for renewal made important contributions to the good performance of the educational task. Generations of teachers and educational administrators working across the country, especially in mountainous, deep-lying and remote areas have overcome numerous difficulties and challenges and made great contributions to the educational cause.

- The national traditional fondness for learning has been promoted strongly, which was shown in each family, clan, locality and community.

2. Problems and weaknesses

a/ The national education system lacks uniformity, transferability between a number of educational grades and training levels and a national qualifications framework. The imbalanced structure of training disciplines and occupations and between areas and regions is slowly addressed, failing to meet the society's human resource demands. The number and scale of training institutions have increased without sufficient conditions to assure training quality. A number of targets set in the 2001-2010 education development strategy have not been achieved, such as the enrollment rate of primary and lower secondary school students of eligible age; and the vocational education enrollment rate of lower secondary school graduates.

b/ The education quality is lower than required by national development in the new period and the levels of countries with an advanced education system in the region and the world. The interrelation between quantitative development and qualitative improvement has not been addressed properly. Graduates' professional capacity fail to meet job requirements. There are signs of deviation in the behaviors and lifestyle of a part of students.

c/ There remain numerous problems in education administration which is still subsidized, spread too thin, short-term, overlapping and scattered; responsibilities and powers for professional management are incommensurate with responsibilities and powers for management of personnel and finance. The system of education law and policies remains inadequate and slow to be revised and supplemented. Coordination between the education sector and ministries, sectors and localities is not close. Policies to raise and allocate funding resources for education are inappropriate while the use of these resources is not highly effective. State investment in education fails to focus mainly on prioritized targets with still low spending on professional activities. Autonomy and social accountability of educational institutions have not been prescribed fully and practically.

d/ A part of teachers and administrators fail to meet education requirements and tasks in the new period. The staff of teachers is redundant while lacking qualified ones and is imbalanced in terms of professional structure. The rate of university lecturers with post­graduate degrees is low. The ratio of students to lecturers fails to reach the target set in the 2001-2010 education development strategy. A small part of teachers and educational administrators show signs of irresponsibility for and lack of devotion to their profession and committed moral- and lifestyle-related violations, badly affecting the prestige of teachers in the society. The capacity of a segment of teachers and educational administrators remains poor. Regimes and policies for teachers and educational administrators, particularly wage and wage-based allowance policies, are not satisfactory, failing to attract highly qualified persons to the education sector and create a motive force for advancement in professional career. Training and retraining of teachers fail to meet requirements of educational renewal.

e/ Curricular and teaching and learning methods, organization of exams and tests and assessment are slowly renovated. Curricular contents are mostly theoretical, teaching methods are outdated and fail to suit specific characteristics of different types of educational institutions, areas and learners. Schools are not closely associated with the socio-economic life and fail to strongly shift to market-driven training and attach special importance to life skills education and promotion of students' creativity and practice ability.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

g/ Educational science research and application of its findings remain limited and fail to meet education development requirements. The quality and effectiveness of scientific research in universities remain low, failing to closely associate training with scientific research and production.

Causes of problems and weaknesses:

- The "education development is a top national policy" and "investment in education is development investment" viewpoints have not really been absorbed and materialized. Not a few Party committees and administrations at different levels fail to thoroughly grasp the Party's education development line and to pay proper attention to directing and organizing the implementation of the 2001-2010 education development strategy.

- Educational thinking has been renovated slowly. Certain new theories on education development in the context of socialist-oriented market economy and international integration have not been thoroughly studied. The decisive role of teachers and the necessity to focus on renovation of the state management of education have not been properly understood. There exists lack of awareness about and strategies and master plans on human resource development of the country, ministries, sectors and localities as well as a master plan on the network of vocational education institutions. Policies on recruitment and employment of trained human resources reveal many limitations.

- Objective impacts have worsened the weaknesses and problems of the education sector. The process of international integration has brought about opportunities as well as challenges for the education sector. The psychological preference to exam pass and diplomas and overemphasis on achievements still control teaching, learning and exam activities. The market economy's negative sides have adversely impacted education. People's demands for learning and improved education quality are increasing while the education sector's capacity to meet those demands as well as the national socio-economic development level are still limited.

II. CONTEXT, OPPORTUNITIES AND CHALLENGES FOR THE COUNTRY'S EDUCATION DURING 2011-2020

1. International and domestic contexts

The country's education in the next decade will develop in the context of the world's fast and complex changes. Globalization and international integration for education have become inevitable. The revolution of science and technology, information technology and communication and a knowledge-based economy will continue to vigorously develop, directly impacting the development of educations worldwide.

The 2011-2020 socio-economic development strategy has asserted that by 2020, the country will become basically a modernity-oriented industrial country with socio-political stability, democracy, discipline and consensus; the people's material and spiritual life is remarkably improved; national independence, sovereignty, unity and territorial integrity are firmly maintained; Vietnam's position in the international arena is further enhanced; making a solid premise for a higher level of development in the next period. The strategy also clearly identifies fast development of human resources, especially high-quality human resources, as one of the three breakthroughs, focusing on fundamental and comprehensive renovation of the national education, and closely associating human resource development with science and technology development and application. The country's development in the new period will create numerous opportunities and major advantages and concurrently pose many challenges to the education development cause.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a/ Opportunities:

The Party and State always affirm education development is a top national policy, investment in education is investment for development; education is the objective and concurrently the motive for socio-economic development. Socio-economic development achievements over the past 10 years and the 2011-2020 socio-economic development strategy, which demands economic restructuring and renewal of the growth model, together with the strategy for and master plan on human resource development in the golden population period serve as basic premises for the education sector together with other ministries, sectors and localities to develop education.

The revolution of science and technology, particularly information technology and communication, will create favorable conditions for basically renovating contents, methods and organizational forms of education as well as education administration, advancing to an e-education meeting every learner's demands.

The wide and deep international integration in education is taking place globally, creating favorable opportunities for approaching new trends, new knowledge and modern educational models and making use of external resources and creating opportunities for education development.

b/ Challenges:

In Vietnam, social differentiation tends to increase. The rich and poor gap among different population groups and development gap among regions and areas have become increasingly apparent, posing a risk for inequality in access to education and widening the gap in education quality among regions and areas and different types of learners.

The need for rapid education development to meet the requirements of national industrialization and modernization, development of a knowledge-based economy with advanced technologies and international integration in the condition of limited investment resources for education will pressure education development.

The risk of lagging behind can increasingly widen the economic, intellectual and educational gaps between Vietnam and other countries. New problems, which have arisen from international integration and market economy development, such as threats of invasion of unhealthy culture and lifestyles that undermine national identity, and poor quality educational services that may pose major risks for education, demand theoretical renewal as well as appropriate practical solutions for education development.

III. GUIDING VIEWPOINTS ON EDUCATIONAL DEVELOPMENT

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. To build a socialist education with people's, national, advanced and modern characteristics with Marxism-Leninism and Ho Chi Minh Thought as the foundation. To ensure social equity in education, improve education quality in disadvantaged areas to reach the common level while creating conditions for localities and educational institutions with more favorable conditions to quickly develop one step ahead to reach the level of countries with a developed education. To build a learning society and create equal opportunities for everyone to pursue their learning and lifelong learning, particularly for ethnic minority people, the poor and children of policy beneficiary families.

3. To basically and comprehensively renovate education toward standardization, socialization, democratization, international integration, adaptation to the socialist-oriented market economy, education development associated with science and technology development, focus on quality improvement, particularly the quality of education of morals, lifestyle, creative ability and practical skills in order to meet the requirements of socio-­economic development, acceleration of national industrialization and modernization and assurance of security and defense on the one hand and attaching special importance to meeting development needs of every learner and talented persons.

4. To make deep and wide international integration in education on the basis of preserving and promoting national identity and maintaining independence, self-reliance and socialist orientation. To expand exchange and cooperation with world educations, especially advanced and modern ones; to find out and promptly make use of opportunities to attract quality resources.

IV. EDUCATION DEVELOPMENT OBJECTIVES TO 2020

1. Overall objectives

By 2020, to basically and comprehensively renovate national education toward standardization, modernization, socialization, democratization and international integration; to improve education quality comprehensively, including education of morals, life skills, creative ability, practice ability, foreign language and information technology proficiency; to meet the demand for human resources, especially high-quality ones, for national industrialization and modernization and formation of a knowledge-based economy; to assure social equity in education and lifelong learning opportunity for everyone, to step by step form a learning society.

2. Specific objectives

a/ Preschool education

To fulfill the target of universalization of preschool education for five-year-old children by 2015; by 2020, at least 30% of children at creche age and 80% of children at kindergarten age will be taken care of and educated at preschools; the rate of malnourished children at preschools will be reduced to below 10%.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The quality of all-sided education will be improved, particularly that of intellectual, moral, life skills, law, foreign language and information technology education.

By 2020, the rate of primary school students and lower secondary school students of eligible age will reach 99% and 95% respectively; 80% of young people will reach education of upper secondary school level or equivalent at eligible age; 70% of disabled children will get schooling.

c/ Vocational education and tertiary education

To complete the structure of vocational and tertiary education; to adjust the structure of training disciplines and occupations and training levels, to improve training quality to meet human resource requirements of socio­economic development; to train persons with creative ability, independent thinking, civic responsibility, professional ethics and skills, foreign language proficiency, sense of labor discipline, industrial working style, self-employment capacity and ability to adapt to labor market changes, with a segment of them being regionally and internationally competitive.

By 2020, vocational education institutions will be capable of receiving 30% of lower secondary school graduates; the rate of labor receiving vocational and tertiary education will reach around 70%; the ratio of students of all forms of training will reach around 350-400 per 10,000 persons.

d/ Continuing education

To develop continuing education to create lifelong learning opportunities for all people suitable to their circumstances and conditions; to initially form a learning society. To improve the quality of continuing education, helping learners acquire knowledge and practical skills for self-employment or change of occupations to improve their material and spiritual lives.

The achievement of illiteracy eradication will be maintained sustainably. By 2020, the rate of literate people at the age of 15 or older will be 98% and the rate of literate people at the age of between 15 and 35 will be 99% for both men and women.

V. EDUCATION DEVELOPMENT SOLUTIONS DURING 2011-2020

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. To renovate education administration

a/ To elaborate and complete a uniform system of legal documents as a basis for fundamental and comprehensive renovation of education.

b/ To boost administrative reform, to assign a focal point for management of, and complete the state management apparatus for, education. To make uniform management decentralization, complete and implement the mechanism for coordination among ministries, sectors and localities in the state management of education in the direction of clearly defining functions, tasks and powers associated with responsibilities and increasing inspection and examination; to increase autonomy and social responsibility of educational institutions along with completing the publicity and transparency regime, ensuring supervision by state agencies, socio-political organizations and the people.

To ensure democratization in education. To apply a mechanism allowing learners to assess trainers, trainers and lecturers to assess administrators, administrators to assess their supervisors, and educational institutions to assess education state management agencies.

c/ To improve the structure of the national education system, to build a national education qualifications framework compatible with those of countries in the region and the world, to assure channeling within the system, particularly post-lower and upper secondary education channeling and transferability of educational programs, educational grades and training levels; to diversify methods of learning to meet human resource requirements, creating lifelong learning opportunities for the people.

d/ To classify quality of general education, vocational education and tertiary education according to national quality standards. Unqualified educational institutions shall adopt a roadmap to reach standards. To attach importance to building advanced, key and quality educational institutions for training and fostering talents and high-quality human resources for socio-economic sectors.

e/ To perform management based on strategies, master plans and plans on education development and human resource development master plans of every sector and locality in each period suitable to the situations of socio­economic development and defense and security.

f/ To focus on education quality management: To standardize output and quality assurance conditions on the basis of applying new achievements of education science, science and technology and management science, to step by step apply standards of advanced countries; to publicize education quality, physical foundations, personnel and finance of educational institutions; to conduct social supervision of education quality and effectiveness; to build a system of independent accreditation of education quality, to accredit the quality of educational institutions of all educational grades and training levels and vocational and tertiary education programs.

g/ To boost the application of information and communication technology to raise the education management effectiveness at different levels.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a/ To consolidate and complete the teacher training system, to substantially and comprehensively renovate training and retraining contents and methods in order to develop a staff of teachers and educational administrators capable of renovating the general education program after 2015. To focus on building teachers schools and pedagogics faculties within universities to improve teacher training quality.

b/ To step by step ensure adequate teachers for all-sided education according to preschool and general education programs providing teaching 2 shifts/day, and teachers of foreign languages, school counseling and career orientation, special education and continuing education.

c/ To standardize training, recruitment, employment and assessment of teachers and educational administrators. To attach importance to raising professional ethics, conduct and moral qualities of teachers to set examples for students.

To further train and retrain teachers so that by 2020, all preschool and general school teachers will reach training standards, with 60% of preschool teachers, all primary school teachers, 88% of lower secondary school teachers and 16.6% of upper secondary school teachers reaching above training standards; 38.5% of professional secondary school teachers, 60% of college lecturers and all university lecturers will hold a master or higher degree; and all university and college lecturers will be proficient in a foreign language.

To implement a scheme on doctoral training for lecturers of universities and colleges, which combines domestic and overseas training, so that by 2020, 25% of university lecturers and 8% of college lecturers will hold a doctoral degree.

d/ To offer material and spiritual incentives to motivate teachers and educational administrators, especially preschool teachers; to adopt special policies to involve experienced and prestigious domestic and overseas teachers, scientists and specialists in education development.

3. To renovate teaching contents and methods, exams, tests and education quality assessment

a/ On the basis of evaluating the current general education program and referring to advanced programs of other countries, to renovate the education program and textbooks after 2015 toward developing students' capacity, ensuring both uniformity nationwide and relevance to each locality. To attach importance to moral, law, physical strength, defense-security and traditional cultural value education; life skill education, labor education and career orientation for general school students.

b/ To renovate teaching programs and materials at vocational education institutions and universities based on employers' needs, to selectively apply some world advanced programs, to promote the role of key schools in each training discipline and occupation in designing transferable programs. To develop tertiary education programs in the two directions: research and applied professions.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d/ To further renovate methods of teaching and evaluation of learning and practice performance toward promoting learners' activeness, self-discipline, initiative, creativity and self-learning capacity. To enhance the application of information technology and communication in teaching and learning. By 2015 and 2020, all university and collegial lecturers, and all vocational education and general education teachers, will respectively apply information and communication technology in training. To compile and use e-training manuals and e-textbooks. By 2020, 90% of primary schools and 50% of lower secondary schools will teach two shifts a day. To renovate lower secondary school graduation exams and university and college entrance exams toward assuring practicality, effectiveness, objectiveness and fairness; to combine learning performance evaluation results with exam results.

e/ To periodically conduct national assessment of the learning quality of general school students in order to determine the overall quality level which serves as a basis for proposing policies to improve education quality in each locality and the whole country.

4. To increase investment resources and renew the financial regime for education

a/ To further renew the financial regime for education in order to mobilize, allocate and more effectively use resources of the State and the society invested in education; to raise the autonomy of educational institutions, ensuring transparency and responsibility toward the State, learners and the society; to assure financial resources for some Vietnamese educational institutions capable of international integration and competition.

b/ To assure that expenditures for education will account for 20% or more of the total state budget, and be suitable to socio-economic conditions and used effectively. State budget funds for education will be prioritized for universalized education; education in areas meeting with extreme difficulties, ethnic minority areas and social policy beneficiaries; education for gifted and talented persons; high-quality human resource training; training in basic sciences, social sciences and humanities, spearhead sciences and other branches which are needed by the society but unattractive to learners.

c/ To make state budget investment in public educational institutions in a concentrated rather than thinned-out manner to ensure those receiving investment must reach standards. To incrementally standardize and modernize physical and technical foundations and assure adequate financial resources and standard teaching aids for all educational institutions; to prioritize investment in building a number of excellent universities of international quality and level, key schools, specialized schools, schools for gifted students and boarding and semi-boarding schools for ethnic minority students. To strive that by 2020, some faculties and branches will reach high quality. To plan and assure land for construction of schools, prioritizing construction of concentrated university centers and dormitories for students.

d/ To adopt mechanisms and policies defining responsibilities of enterprises for investment in development of human resource training, particularly training of high-quality human resources and those of spearhead disciplines and occupations. To define responsibilities of sectors, socio-political organizations, communities and families for contributing resources and participating in educational activities, creating lifelong learning opportunities for everybody and contributing to step by step forming a learning society. To elaborate and apply a new school fee regime in order to assure reasonable sharing among the State, learners and other stakeholders in the society.

e/ To implement specific policies to support non-public tertiary, vocational and general education institutions, firstly in terms of land, taxes and loans. To determine clear and specific criteria for establishing educational institutions, ensuring quality and creating favorable conditions for the people and socio-economic organizations to establish schools in conformity with the State's development planning.

5. To increasingly associate training with employment, scientific research and technology transfer to meet social needs

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b/ To define responsibilities of and coordination mechanism between the Ministry of Education and Training and ministries, sectors and localities; and between training institutions and enterprises in identifying training needs, elaborating and assessing training programs, enrolling learners, organizing training and apprentice at enterprises, and recruiting graduates.

c/ To closely associate training with scientific research, technology transfer and production; to establish science and technology enterprises within training institutions. To raise capacity of scientific research institutions, prioritizing investment in spearhead science research institutions and key laboratories of universities.

6. To increasingly support education development in difficulty-hit and ethnic minority areas and for social policy beneficiaries

a/ To elaborate and implement policies to ensure equality in learning opportunities, to support and prioritize education development and human resource training for ethnic minority and difficulty-hit areas, social policy beneficiaries and the poor.

b/ To adopt incentives for teachers and educational administrators in ethnic minority and difficulty-hit areas.

c/ To develop distance education and vocational education and expand the pre-university system. To develop a system of special educational institutions for persons with disabilities, HIV-affected children, street children and other disadvantaged groups.

d/ To increase investment in special education; to adopt treatment incentives for teachers of special education and students with disabilities.

7. To develop educational science

a/ To prioritize basic research into education science; to review practical experience and domestic and overseas education development trends, to proactively conduct research in order to provide scientific grounds for planning and making the Party's and State's lines, guidelines, strategies and policies for education development, serving the renovation of state management of education and management of educational institutions and renovation of education at schools, and making practical and effective contributions to education in general and building of Vietnam's education science in particular.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c/ To implement a national research program on education science; to properly transfer scientific research outcomes and applications for fundamental and comprehensive renovation of Vietnam's education.

8. To expand and raise effectiveness of international cooperation on education

a/ To increase state-funded overseas training quotas for key universities and national research institutes, prioritizing spearhead sciences and technologies. To encourage and support Vietnamese citizens in learning and conducting research overseas at their own expenses.

b/ To encourage domestic educational institutions to cooperate with foreign educational institutions to raise their capacity for management, training, scientific research, technology transfer and training and retraining of teachers, lecturers, scientists and educational administrators; to increase overseas scholarships for students.

c/ To encourage foreign organizations and individuals, international organizations and overseas Vietnamese to invest in and finance education and participate in teaching, scientific research and application, and technology transfer, contributing to renovating education in Vietnam. To build a number of modern universities and research centers to attract domestic and foreign scientists to conduct training and scientific research.

VI. ORGANIZATION OF THE STRATEGY IMPLEMENTATION

1. Two phases of the strategy implementation

a/ Phase 1 (2011-2015): To renovate education administration; to complete the national education system; to build the national qualifications framework; to build a number of quality research-oriented vocational and tertiary education institutions and universities; to renovate training contents and methods of universities, colleges and professional secondary schools; to train and retrain, and implement incentive policies to develop, the staff of teachers and educational administrators meeting education renovation requirements. To concentrate on preparing conditions to renovate general education after 2015. To implement steps to build a learning society. To evaluate and adjust objectives and strategic solutions by the end of 2015. To conduct a preliminary review of the strategy implementation phase 1 in early 2016.

b/ Phase 2 (2016-2020): To renovate the general education program; to continue with the renovation of vocational and tertiary education and perform some tasks of phase 1 with adjustments and supplements; to concentrate on consolidating and improving education quality. To evaluate the implementation of the 2011-2020 education development strategy in late 2020 and conduct the final review in early 2021.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a/ The National Council for Education and Human Resource Development shall advise and assist the Prime Minister in directing the implementation of the 2011-2020 education development strategy.

b/ The Ministry of Education and Training shall:

- Assume the prime responsibility for, and coordinate with related ministries and sectors and provincial-level People's Committees in, thoroughly grasping and implementing the 2011-2020 education development strategy; guide ministries, sectors and localities in formulating and implementing five-year and annual education development master plans and plans in conformity with the 2011-2020 education development strategy and the strategy for and master plan on development of Vietnam's human resources during 2011-2020; inspect, supervise and review the strategy implementation for periodical reporting to the Prime Minister; conduct preliminary and final reviews of the implementation of the 2011-2020 education development strategy in early 2016 and early 2021 respectively.

- Assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Home Affairs, the Ministry of Labor, Invalids and Social Affairs, related ministries and sectors, and localities in, formulating policies for teachers and educational administrators, policies to support learners being policy beneficiaries, and other relevant policies.

- Assume the prime responsibility for, and coordinate with related ministries in, formulating policies on financial autonomy of educational institutions, financial policies promoting the association of training with scientific research and application, and economic sectors' investment in education, and define enterprises' responsibilities for human resource training and retraining.

c/ The Ministry of Planning and Investment shall assume the prime responsibility for incorporating education development plans of ministries, sectors and localities into the national socio-economic development plan; assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Finance and the Ministry of Education and Training in, raising domestic and overseas funding sources for education development; and assume the prime responsibility for, and coordinate with ministries and sectors in, organizing communication about human resource demands.

d/ The Ministry of Finance shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Education and Training and the Ministry of Labor, Invalids and Social Affairs in, assuring budget funds for education development during 2011-2020; and improve financial policies and the finance management mechanism in the education sector for effective use of funding sources for education.

e/ The Ministry of Science and Technology shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Education and Training and ministries, sectors and localities in, formulating mechanisms, policies and plans for coordination in scientific and technological research between research institutes and universities and colleges; and join the establishment of excellent universities.

f/ The Ministry of Natural Resources and Environment shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Education and Training, the Ministry of Construction and People's Committees of all levels in, planning land for educational institutions.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

h/ Provincial-level People's Committees shall develop education in their localities according to their competence; formulate and implement strategies and master plans on education development to 2020, five-year and annual education development plans, and education development programs and schemes of their localities in accordance with the 2011-2020 education development strategy, the strategy for and master plan on human resource development during 2011-2020 and local socio­economic development plans of the same period; and direct, organize, inspect, supervise and evaluate the implementation of local strategies, master plans, plans, programs and schemes.-

 

 

PRIME MINISTER




Nguyen Tan Dung

 

 

You are not logged!


So you only see the Attributes of the document.
You do not see the Full-text content, Effect, Related documents, Documents replacement, Gazette documents, Written in English,...


You can register Member here


You are not logged!


So you only see the Attributes of the document.
You do not see the Full-text content, Effect, Related documents, Documents replacement, Gazette documents, Written in English,...


You can register Member here


You are not logged!


So you only see the Attributes of the document.
You do not see the Full-text content, Effect, Related documents, Documents replacement, Gazette documents, Written in English,...


You can register Member here


Decision No. 711/QD-TTg approving the 2011-2020 education development strategy
Official number: 711/QD-TTg Legislation Type: Decision
Organization: The Prime Minister of Government Signer: Nguyen Tan Dung
Issued Date: 13/06/2012 Effective Date: Premium
Gazette dated: Updating Gazette number: Updating
Effect: Premium

You are not logged!


So you only see the Attributes of the document.
You do not see the Full-text content, Effect, Related documents, Documents replacement, Gazette documents, Written in English,...


You can register Member here


Decision No. 711/QD-TTg of June 13, 2012, approving the 2011-2020 education development strategy

Address: 17 Nguyen Gia Thieu street, Ward Vo Thi Sau, District 3, Ho Chi Minh City, Vietnam.
Phone: (+84)28 3930 3279 (06 lines)
Email: inf[email protected]

Copyright© 2019 by THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu

DMCA.com Protection Status