BỘ CÔNG THƯƠNG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 14/2013/TT-BCT
|
Hà Nội, ngày 15
tháng 07 năm 2013
|
THÔNG
TƯ
QUY
ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH THAN
Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP
ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 15/2012/NĐ-CP
ngày 09 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của
Luật Khoáng sản;
Căn cứ Nghị định số 59/2006/NĐ-CP
ngày 12 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh
doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Năng
lượng;
Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định
về điều kiện kinh doanh than như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về điều kiện kinh doanh than,
bao gồm các hoạt động: Mua bán nội địa, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất,
chuyển khẩu, vận tải, tàng trữ, đại lý.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước
và doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến kinh doanh than trên lãnh thổ Việt
Nam.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, những từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Than: bao gồm tất cả các loại than hóa thạch và
than có nguồn gốc hóa thạch dưới dạng nguyên khai hoặc đã qua chế biến.
2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền: là các cơ quan
quản lý nhà nước ở Trung ương (các Bộ) và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương (UBND cấp tỉnh).
3. Than có nguồn gốc hợp pháp
là than có xuất xứ thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Được khai thác hoặc tận thu từ các mỏ, điểm mỏ,
bãi thải có Giấy phép khai thác, Giấy phép khai thác tận thu do cơ quan nhà nước
có thẩm quyền cấp, còn hiệu lực;
b) Được nhập khẩu hợp pháp;
c) Do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tịch thu và
phát mại;
d) Được chế biến theo Giấy chứng nhận đầu tư chế biến
than tại cơ sở chế biến có Hợp đồng mua than ký trực tiếp với doanh nghiệp có
nguồn than quy định tại các điểm a, b, c của khoản này.
Than nhập khẩu được xem là hợp pháp khi có Tờ khai
hàng hóa than nhập khẩu có xác nhận của Hải quan cửa khẩu (bản sao có chứng thực
theo quy định).
Đối với nguồn than tịch thu, phát mại, phải có các
chứng từ sau: Hóa đơn bán tài sản tịch thu, sung công quỹ, Phiếu xuất kho, Biên
bản bàn giao tài sản vi phạm hành chính bị tịch thu bán đấu giá (bản sao có chứng
thực theo quy định).
4. Hoạt động kinh doanh than: là các hoạt động quy
định tại Điều 1.
Điều 4. Điều kiện kinh doanh
than
1. Chỉ doanh nghiệp mới được phép kinh doanh than.
2. Doanh nghiệp kinh doanh than phải được thành lập
và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp,
có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong đó có đăng ký ngành nghề kinh
doanh than.
3. Doanh nghiệp kinh doanh than tùy thuộc hoạt động
kinh doanh cụ thể phải đảm bảo các điều kiện sau:
a) Sở hữu hoặc thuê địa điểm kinh doanh, phương tiện
vận tải, phương tiện bốc rót, kho bãi, bến cảng, phương tiện cân, đo khối lượng
than để phục vụ hoạt động kinh doanh và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kỹ thuật,
điều kiện an toàn, vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ theo các quy định
hiện hành.
b) Phương tiện vận tải phải có trang bị che chắn chống
gây bụi, rơi vãi, bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường khi tham gia giao
thông.
c) Địa điểm, vị trí các cảng và bến xuất than, nhận
than phải phù hợp với quy hoạch bến cảng của địa phương, có kho chứa than, có
trang thiết bị bốc rót lên phương tiện vận tải đảm bảo an toàn, có biện pháp bảo
vệ môi trường.
d) Kho trữ than, trạm, cửa hàng kinh doanh than phải
có ô chứa riêng biệt để chứa từng loại than khác nhau; vị trí đặt phải phù hợp
với quy hoạch xây dựng của địa phương, bảo đảm các yêu cầu về môi trường, trật
tự an toàn giao thông theo quy định hiện hành. Đối với than tự cháy phải có biện
pháp, phương tiện phòng cháy - chữa cháy được cơ quan phòng cháy - chữa cháy địa
phương kiểm tra và cấp phép.
đ) Cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và nhân viên trực
tiếp mua bán than, nhân viên trực tiếp thực hiện dịch vụ kinh doanh than phải
có chứng chỉ hành nghề được cấp theo các quy định hiện hành.
4. Doanh nghiệp chỉ được phép kinh doanh than có
nguồn gốc hợp pháp.
Điều 5. Trách nhiệm quản lý
1. Tổng cục Năng lượng (Bộ Công
Thương) chịu trách nhiệm chủ trì và là đầu mối phối hợp với Bộ, ngành, địa
phương liên quan định kỳ tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định của Thông
tư này và các quy định pháp luật liên quan.
2. Căn cứ tình hình thực tế của
hoạt động khai thác, gia công chế biến và kinh doanh than, Tổng cục Năng lượng
có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương để xem xét điều chỉnh, bổ sung Thông tư
này khi cần thiết.
3. Bộ Công Thương có quyền yêu cầu dừng hoạt động
kinh doanh than đối với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh than vi phạm các quy
định của Thông tư này.
Điều 6. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm
2013 và thay thế Thông tư số 04/2007/TT-BCT
ngày 22 tháng 10 năm 2007 của Bộ Công Thương hướng dẫn điều kiện kinh doanh
than.
Điều 7. Tổ chức thực hiện
Các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp có hoạt
động liên quan đến kinh doanh than chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, doanh nghiệp phản ánh
kịp thời bằng văn bản về Bộ Công Thương để xem xét, xử lý./.
Nơi nhận:
- Ban bí thư TW Đảng;
- Văn phòng Tổng bí thư;
- Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Tổng cục Hải quan;
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng, các Cục, Vụ thuộc Bộ
Công Thương;
- Website Bộ Công Thương;
- Lưu: VT, TCNL.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Lê Dương Quang
|