BỘ TÀI
CHÍNH-NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
81/1998/TTLT-BTC-NHNN
|
Hà Nội, ngày 17
tháng 6 năm 1998
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
CỦA BỘ TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC SỐ
81/1998/TTLT-BTC-NHNN NGÀY 17 THÁNG 06 NĂM 1998HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH, THỦ TỤC VÀ
QUẢN LÝ VIỆC RÚT VỐNĐỐI VỚI NGUỒN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CHÍNH THỨC
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước
đã được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 20/3/1996;
Căn cứ Nghị định 87/CP ngày 5/8/1997 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý
và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức;
Theo quy định tại Điều 14, khoản 3, điểm b và e, và Điều 15, khoản 4 của Nghị
định 87/CP ngày 5/8/1997, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn quy
trình, thủ tục và quản lý việc rút vốn đối với nguồn vốn hỗ trợ phát triển
chính thức như sau:
I. CÁC QUY ĐỊNH
CHUNG
Nguồn vốn hỗ trợ phát triển
chính thức (ODA) là một nguồn thu của Ngân sách Nhà nước, phải được hạch toán
vào ngân sách nhà nước và quản lý theo đúng quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước
và các văn bản hướng dẫn dưới luật kèm theo.
Bộ Tài chính chịu trách nhiệm quản
lý tài chính đối với việc rút vốn, thanh toán cho dự án, thực hiện việc hạch
toán thu chi NSNN đối với các nguồn vốn ODA, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện
các chế độ quản lý tài chính, quyết toán các dự án, hướng dẫn và kiểm tra các
đơn vị thực hiện việc bàn giao tài sản, vật tư, tiền vốn của các dự án khi kết
thúc.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các
ngân hàng thương mại phục vụ dự án tổng hợp theo định kỳ và thông báo cho Bộ
Tài chính và các cơ quan liên quan về tình hình rút vốn, thanh toán của các
chương trình, dự án sử dụng vốn ODA thông qua hệ thống ngân hàng.
Chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước
pháp luật về việc thực hiện các chương trình, dự án ODA theo đúng các cam kết
đã quy định trong các điều ước quốc tế, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của
nhà nước về quản lý tài chính, pháp lệnh kế toán thống kê, thực hiện chế độ hạch
toán kế toán theo các quy định hiện hành của nhà nước. Chủ đầu tư thành lập Ban
quản lý dự án/chương trình ODA (sau đây gọi là Ban quản lý dự án) để thực hiện
dự án, chương trình. Trong những trường hợp không cần thiết phải thành lập Ban
quản lý dự án, chủ đầu tư trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ của Ban quản lý dự
án nêu trong Thông tư này.
Thông tư này chỉ hướng dẫn các
quy trình, thủ tục và quản lý việc rút vốn ODA. Đối với vốn đối ứng trong nước,
việc rút vốn và thanh toán được thực hiện phù hợp với tiến độ rút vốn nước
ngoài và chế độ chi tiêu trong nước hiện hành.
II. CÁC QUY ĐỊNH
CỤ THỂ HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH RÚT VỐN
A. CÁC ĐIỀU KIỆN CẦN THIẾT ĐỂ
RÚT VỐN
1. Điều kiện
chung:
Để thực hiện rút vốn, các dự án
cần phải đáp ứng được các điều kiện sau:
- Có dự án khả thi đã được duyệt
(trừ khi có quyết định khác của Thủ tướng Chính phủ),
- Các điều ước quốc tế ký giữa
Việt Nam và phía nước ngoài đã được phê duyệt/phê chuẩn theo quy định hiện hành
và có hiệu lực,
- Đối với các dự án cho vay lại,
cần có hợp đồng vay lại đã ký kết với Bộ Tài chính hoặc với cơ quan được Bộ Tài
chính uỷ quyền cho vay lại,
- Có hợp đồng kinh tế (xây lắp,
mua sắm, tư vấn) được ký và phê duyệt theo đúng quy định,
- Có kế hoạch rút vốn hàng năm
được lập và đăng ký phù hợp với dự toán ngân sách của dự án đã được duyệt.
2. Ngân hàng phục vụ dự án:
Để thực hiện rút vốn cho dự án,
Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm chỉ định ngân hàng thương mại phục vụ dự
án, có tham khảo ý kiến của Bộ Tài chính, chủ đầu tư và phù hợp với quy định của
nhà tài trợ. Trong quá trình thực hiện dự án, ngân hàng thương mại phục vụ được
hưởng phí theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước về thu phí dịch vị
thanh toán qua ngân hàng, đồng thời, ngân hàng phục vụ có trách nhiệm thông báo
tình hình rút vốn và tình hình chi trả các tài khoản đặc biệt của dự án cho Bộ
Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và chủ đầu tư.
3. Lập và đăng ký kế hoạch rút vốn
cho dự án.
Việc thực hiện rút vốn đối với các
chương trình, dự án sử dụng vốn ODA phải dựa trên các điều ước quốc tế và dự
toán ngân sách hàng năm đã được phê duyệt. Chủ đầu tư có trách nhiệm lập, bảo vệ
và triển khai dự toán ngân sách hàng năm theo quy định hiện hành.
Căn cứ vào dự toán ngân sách chi
tiết hàng năm của dự án đã được cơ quan chủ quản phê duyệt, Ban quản lý dự án lập
kế hoạch rút vốn ODA. Nội dung kế hoạch rút vốn phải được chi tiết theo quý,
theo từng hạng mục và theo từng nguồn vốn kể cả vốn đối ứng, trong đó phải lập
kế hoạch riêng cho các hạng mục được thanh toán theo hình thức tài khoản đặc biệt
(nếu dự án/chương trình được áp dụng hình thức rút vốn này). Kế hoạch này cần
phải được đăng ký với Bộ Tài chính và gửi cho các cơ quan liên quan (Ngân hàng
phục vụ, cơ quan Đầu tư Phát triển). Biểu mẫu đăng ký kế hoạch đính kèm theo Phụ
lục 1.
B. CÁC THỦ TỤC RÚT VỐN ODA
1. Mở tài khoản:
Để tiến hành rút vốn, thanh
toán, Ban quản lý dự án mở các tài khoản giao dịch thích hợp tại Ngân hàng
thương mại phục vụ theo các quy định hiện hành. Riêng đối với các dự án có sử dụng
hình thức thanh toán Tài khoản đặc biệt, Ban quản lý dự án cần mở thêm Tài khoản
đặc biệt đứng tên dự án tại ngân hàng thương mại phục vụ để tiếp nhận vốn tạm ứng
của nhà tài trợ.
2. Các hình thức rút vốn ODA:
Tuỳ thuộc vào quy định trong Điều
ước quốc tế, việc rút vốn, thanh toán đối với nguồn vốn ODA được thực hiện
thông qua một hoặc một số các hình thức phổ biến sau: thanh toán trực tiếp, tài
khoản đặc biệt, thư cam kết, hoàn vốn và thủ tục chuyển tiền. Quy trình cụ thể
như sau:
2.1. Thanh toán trực tiếp:
Để tiến hành rút vốn theo hình
thức thanh toán trực tiếp, Ban quản lý dự án chuẩn bị đơn rút vốn và các tài liệu
cần thiết gửi Bộ Tài chính. Các tài liệu bao gồm: đơn rút vốn theo mẫu, công
văn đề nghị rút vốn, hợp đồng kinh tế đã được duyệt (chỉ cần gửi một lần cho mỗi
hợp đồng), biên bản nghiệm thu, đề nghị thanh toán của nhà thầu. Riêng đối với
trường hợp thanh toán ứng trước lần đầu thì không cần chứng từ trên nhưng phải
có Bảo lãnh tạm ứng (Bank Guarantee) và Bảo lãnh thực hiện (Performance Bond) của
ngân hàng nhà thầu.
Đối với các trường hợp chung,
trong thời gian tối đa 5 ngày làm việc, căn cứ vào các điều ước quốc tế đã ký,
kết hoạch rút vốn đã được đăng ký, Bộ Tài chính xem xét, ký đơn rút vốn và gửi
cho nhà tài trợ.
Đối với các dự án vay vốn Ngân
hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu á, trong thời gian 5 ngày làm việc kể
từ khi nhận đủ hồ sơ Bộ Tài chính có ý kiến bằng văn bản gửi ban quản lý dự án
và Ngân hàng phục vụ. Trên cơ sở ý kiến đồng ý bằng văn bản của Bộ Tài chính,
trong thời gian tối đa 2 ngày làm việc, ngân hàng phục vụ ký đơn rút vốn và gửi
nhà tài trợ.
Thông báo của nhà tài trợ là căn
cứ để Bộ Tài chính làm thủ tục hạch toán ngân sách đối với dự án. Quy trình rút
vốn theo Phụ lục 2.
2.2. Thanh toán theo hình thức
thư cam kết:
Hình thức thư cam kết thường được
sử dụng để thanh toán cho các hợp đồng nhập khẩu hàng hoá dịch vụ (sau đây gọi
là hợp đồng nhập khẩu). Để tiến hành rút vốn thanh toán theo hình thức thư cam
kết. Ban quản lý dự án gửi hợp đồng nhập khẩu cho Bộ Tài chính. Trong vòng 5
ngày làm việc, Bộ Tài chính xem xét, chấp thuận các điều kiện thanh toán và
thông báo cho Ban quản lý dự án. Căn cứ vào ý kiến của Bộ Tài chính, ngân hàng
phục vụ - trong thời gian 2 ngày làm việc - làm thủ tục mở L/C, ký đơn đề nghị
phát hành thư cam kết và chuyển cho nhà tài trợ. Quy trình rút vốn theo Phụ lục
3.
Sau khi phát hành thư cam kết,
căn cứ vào hợp đồng đã ký, nhà tài trợ thanh toán cho người thụ hưởng. Thông
báo của nhà tài trợ là căn cứ để Bộ Tài chính làm thủ tục hạch toán ngân sách đối
với dự án.
2.3. Thanh toán theo hình thức
Tài khoản đặc biệt:
Theo hình thức này, nhà tài trợ ứng
trước một số tiền vào tài khoản đặc biệt của dự án để đẩy nhanh quá trình rút vốn.
a. Rút vốn về tài khoản đặc biệt:
Để rút vốn về tài khoản đặc biệt,
Ban quản lý dự án gửi Bộ Tài chính các tài liệu cần thiết bao gồm: đơn rút vốn,
công văn đề nghị rút vốn. Trong trường hợp rút vốn bổ sung tài khoản đặc biệt cần
có thêm bảng kê chi tiêu do Ban quản lý dự án lập, các chứng từ thanh toán phù
hợp với chế độ quản lý ngân sách hiện hành và sao kê tài khoản đặc biệt do Ngân
hàng thương mại lập.
Đối với các trường hợp chung,
căn cứ vào các Điều ước quốc tế đã ký, kế hoạch rút vốn đã được duyệt, trong thời
gian tối đa 5 ngày làm việc, Bộ Tài chính ký đơn rút vốn và gửi cho nhà tài trợ.
Đối với các dự án vay vốn Ngân
hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển châu á, trong vòng 5 ngày làm việc, Bộ Tài
chính có ý kiến và thông báo cho Ban quản lý dự án và ngân hàng phục vụ. Trên
cơ sở ý kiến đồng ý bằng văn bản của Bộ Tài chính, trong thời gian tối đa 2
ngày làm việc, ngân hàng phục vụ ký đơn rút vốn và gửi nhà tài trợ.
Sau khi nhận được thông báo tiền
đã được chuyển vào tài khoản đặc biệt của dự án, ngân hàng phục vụ thông báo
ngay bằng văn bản cho Bộ Tài chính để theo dõi và hạch toán ngân sách. Quy
trình rút vốn theo Phụ lục 4.
b. Sử dụng tài khoản đặc biệt:
- Đối với chi XDCB: Căn cứ vào kế
hoạch đã được duyệt và khối lượng công việc đã hoàn thành của dự án, Ban quản
lý dự án đề nghị Ngân hàng phục vụ thanh toán từ tài khoản đặc biệt (riêng đối
với các khoản thanh toán lần cuối cùng của các hợp đồng hoặc trong trường hợp hợp
đồng được thanh toán một lần thì cần có xác nhận trước của Cục hoặc Tổng cục Đầu
tư phát triển). Mỗi khoản thanh toán từ tài khoản đặc biệt đều phải tuân thủ
theo đúng tỷ lệ vốn nước ngoài/vốn trong nước quy định trong điều ước quốc tế,
nếu phát hiện thanh toán không đúng theo tỷ lệ quy định, Bộ Tài chính sẽ đình
chỉ việc rút vốn bổ sung cho khoản chi đó. Quy trình rút vốn theo Phụ lục 5.
- Đối với chi HCSN: Căn cứ vào dự
toán ngân sách năm đã được duyệt, hàng quý Ban quản lý dự án gửi cho Bộ Tài
chính dự toán quý chi tiết theo Mục lục ngân sách hiện hành đã được cơ quan chủ
quản duyệt. Sau 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ, Bộ Tài chính
xem xét và uỷ nhiệm cho ngân hàng phục vụ rút vốn theo lệnh chi của Ban quản lý
dự án. Quy trình rút vốn theo Phụ lục 6.
c. Hàng tháng, ngân hàng phục vụ
có trách nhiệm thông báo cho Bộ Tài chính sao kê chi tiêu từ tài khoản đặc biệt
để làm thủ tục ghi thu ghi chi ngân sách. Báo cáo sao kê tài khoản đặc biệt của
Ngân hàng phục vụ lập và gửi cho Bộ Tài chính là cơ sở để Bộ Tài chính hạch
toán ngân sách cấp phát vốn cho dự án (đối với các dự án thuộc đối tượng ngân
sách cấp phát). Thông báo chuyển vốn về tài khoản đặc biệt của nhà tài trợ là
căn cứ để Bộ Tài chính hạch toán ngân sách và ghi nợ đối với các dự án vay lại.
d. Lãi tiền gửi không kỳ hạn
phát sinh trên tài khoản đặc biệt sẽ được xử lý như sau:
- Đối với các dự án thuộc diện
ngân sách nhà nước cấp phát, vào ngày 5 hàng tháng Ngân hàng thương mại phục vụ
chuyển lãi tiền gửi phát sinh trên tài khoản đặc biệt vào NSNN và thông báo bằng
văn bản có kèm theo bản sao uỷ nhiệm chi cho Bộ Tài chính (Vụ Tài chính đối ngoại)
để hạch toán ngân sách.
- Đối với các dự án vay lại (thời
điểm tính nợ là ngày rút vốn từ nước ngoài) thì lãi phát sinh trên tài khoản đặc
biệt được chuyển vào tài khoản của doanh nghiệp nhận vay lại.
2.4. Thủ tục hoàn vốn:
Theo hình thức hoàn vốn, chủ đầu
tư ứng trước tiền (từ nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc từ nguồn vốn tự có của
chủ đầu tư) để thanh toán cho người thụ hưởng, sau đó làm đơn rút vốn đề nghị
nhà tài trợ hoàn vốn.
Để thực hiện rút vốn theo thủ tục
hoàn vốn, Ban quản lý dự án có trách nhiệm tập hợp các tài liệu, chuẩn bị các
đơn rút vốn để gửi Bộ Tài chính. Các tài liệu gồm có: biên bản nghiệm thu, phiếu
giá thanh toán, các chứng từ chứng minh tiền đã được thanh toán cho nhà thầu.
Đối với các trường hợp chung,
trong thời gian tối đa 5 ngày làm việc, căn cứ vào các điều ước quốc tế đã ký,
kế hoạch rút vốn đã được duyệt, Bộ Tài chính ký đơn rút vốn và gửi nhà tài trợ.
Đối với các dự án vay vốn Ngân
hàng thế giới, Ngân hàng Phát triển châu á, trong vòng 5 ngày làm việc Bộ Tài
chính có ý kiến bằng văn bản thông báo cho Ban quản lý dự án và ngân hàng phục
vụ. Trên cơ sở ý kiến đồng ý bằng văn bản của Bộ Tài chính, trong thời gian tối
đa 2 ngày làm việc, ngân hàng phục vụ ký đơn rút vốn và gửi cho nhà tài trợ.
Đối với các khoản rút vốn hoàn vốn
cho các khoản do ngân sách nhà nước đã chi (hoặc từ các nguồn vốn có nguồn gốc
ngân sách), số tiền rút về phải được nộp vào ngân sách nhà nước.
Đối với các khoản rút vốn hoàn vốn
cho các khoản do chủ dự án đã chi bằng vốn tự có (hoặc vốn huy động, vốn tín dụng
không có nguồn gốc từ ngân sách), chủ dự án được sử dụng số tiền rút vốn theo
các quy định quản lý tài chính hiện hành.
Quy trình rút vốn theo Phụ lục
7.
2.5. Thủ tục chuyển tiền:
Hình thức chuyển tiền là hình thức
rút vốn được áp dụng để thanh toán cho người cung cấp hàng hoá và dịch vụ đối với
phần hợp đồng được thanh toán bằng đồng Việt Nam. Cụ thể như sau:
Hợp đồng cung cấp hàng hoá và dịch
vụ chỉ được thực hiện sau khi Bộ Tài chính xem xét và chấp thuận các điều kiện
thanh toán của hợp đồng.
Khi có nhu cầu thanh toán, Ban
quản lý dự án cần gửi các chứng từ sau cho Bộ Tài chính:
- Hoá đơn nhập thiết bị hàng
hoá, Chứng từ xác nhận khối lượng công việc đã thực hiện. Riêng đối với trường
hợp thanh toán ứng trước lần đâu thì không cần chứng từ trên nhưng phải có Bảo
lãnh tạm ứng (Bank Guarantee) và Bảo lãnh thực hiện (Performance Bond) của Ngân
hàng nhà thầu.
- Đơn rút vốn theo mẫu quy định.
Trong vòng 7 ngày làm việc, Bộ
Tài chính tiến hành xem xét, đối chiếu với hợp đồng và kế hoạch cấp phát hoặc
cho vay lại vốn, xác nhận các chứng từ đó rồi ký đơn rút vốn và chuyển cho nhà
tài trợ. Sau khi xem xét, nhà tài trợ sẽ thông qua hệ thống ngân hàng chuyển:
- Đồng Việt Nam cho nhà thầu nếu
dự án đó thuộc diện Ngân sách cấp phát;
- Chuyển ngoại tệ đã rút từ phía
nước ngoài cho Ban quản lý dự án nếu dự án thuộc diện cho vay lại. Ban quản lý
dự án sẽ chuyển đổi số ngoại tệ rút được sang đồng Việt Nam để thanh toán cho
nhà thầu.
Sơ đồ rút vốn theo Phụ lục 8.
2.6. Xử lý chênh lệch tỷ giá:
Khi hợp đồng có quy định thanh
toán bằng đồng Việt Nam, có thể phát sinh vấn đề chênh lệch tỷ giá, vấn đề này
được giải quyết như sau:
a. Đối với dự án thuộc diện ngân
sách cấp phát thì việc chênh lệch tỷ giá sẽ được hạch toán vào ngân sách.
b. Đối với dự án thuộc diện cho
vay lại thì chênh lệch tỷ giá sẽ do Chủ đầu tư chịu.
C. CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ BÁO CÁO, KIỂM
TRA VIỆC RÚT VỐN CỦA CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ODA.
Hàng quý, Ngân hàng thương mại
phục vụ báo cáo tình hình rút vốn thanh toán theo từng dự án cho Bộ Tài chính
(Vụ Tài chính đối ngoại) và Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quan hệ quốc tế). Trước hoặc
vào ngày làm việc thứ 5 hàng tháng, ngân hàng phục vụ gửi báo cáo diễn biến tài
khoản đặc biệt của dự án trong tháng trước cho Bộ Tài chính (Vụ Tài chính đối
ngoại và Tổng cục Đầu tư phát triển) và Ban quản lý dự án. Bộ Tài chính tổng hợp
tình hình rút vốn, thanh toán và trả nợ ODA thông báo cho các cơ quan liên quan
và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ngân hàng nhà nước có trách nhiệm tổng hợp hàng
quý và hàng năm để phối hợp kiểm tra, theo dõi tình hình thực tế về rút vốn,
thanh toán, ... thông qua hệ thống tài khoản được mở tại các Ngân hàng phục vụ
của các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA.
Chủ đầu tư các dự án, chương
trình sử dụng vốn ODA phải lập các báo cáo kế toán vốn đầu tư thực hiện hàng
năm và báo cáo quyết toán vốn đầu tư dự án (công trình hoặc hạng mục công trình
hoàn thành). Báo cáo kế toán và báo cáo quyết toán phải thực hiện theo các quy
định hiện hành của Bộ Tài chính.
Hàng năm, các dự án, chương
trình sử dụng vốn ODA phải được một công ty kiểm toán độc lập được Bộ Tài chính
chấp thuận kiểm toán. Nội dung kiểm toán bao gồm kiểm toán tính hợp pháp của việc
đầu tư dự án, kiểm toán số vốn đầu tư thực hiện hàng năm (bao gồm chi phí kiến
thiết cơ bản hoàn thành, chi phí mua sắm thiết bị, chi phí khác, các chi phí
không tính vào giá trị công trình), kiểm toán giá trị tài sản bàn giao, tình
hình công nợ và vật tư thiết bị tồn đọng, kiểm toán tài khoản đặc biệt. Trong
những trường hợp đặc biệt, Bộ Tài chính sẽ quy định thêm các nội dung cần thiết
khác. Đề cương kiểm toán, quyết định lựa chọn công ty kiểm toán, hợp đồng kiểm
toán phải phù hợp với quy định của nhà tài trợ và được Bộ Tài chính phê duyệt.
Báo cáo kiểm toán phải được gửi cho Bộ Tài chính chậm nhất là 15 ngày sau khi
hoàn thành (đối với các dự án do WB và ADB tài trợ, báo cáo kiểm toán được đồng
gửi cho Ngân hàng nhà nước (Vụ Quan hệ quốc tế)).
Bộ Tài chính sẽ tiến hành kiểm
tra, thanh tra tài chính định kỳ hoặc đột xuất đối với các tổ chức, đơn vị có sử
dụng vốn ODA, đặc biệt là kiểm tra việc sử dụng tài khoản đặc biệt.
III. ĐIỀU KHOẢN
THI HÀNH
Thông tư này có hiệu lực sau 15
ngày kể từ ngày ký và là hướng dẫn chung áp dụng cho tất cả các dự án, chương
trình sử dụng vốn ODA. Đối với các dự án, chương trình có đặc thù riêng, Bộ Tài
chính và Ngân hàng nhà nước Việt Nam sẽ có hướng dẫn cụ thể.
Các quy định trước đây hướng dẫn
khác với Thông tư liên tịch này không còn giá trị thực hiện.
Trong quá trình thực hiện nếu có
vấn đề vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh kịp thời để Bộ Tài chính và Ngân
hàng nhà nước nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.
Dương
Thu Hương
(Đã
ký)
|
Lê
Thị Băng Tâm
(Đã
ký)
|