THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
342-TTg
|
Hà
Nội, ngày 22 tháng 5 năm 1997
|
CHỈ THỊ
VỀ
VIỆC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Ngày 4/5/1994, Chính phủ đã ra
Quyết định số 38/CP về cải cách một bước thủ tục hành chính trong việc giải
quyết công việc cho công dân và các tổ chức. Đây là khâu đột phá để cải cách
nền hành chính Nhà nước.
Hơn 3 năm qua Nghị quyết 38/CP
của Chính phủ đã được các Bộ, Ban, Ngành và các địa phương tổ chức thực hiện,
trên lĩnh vực thủ tục hành chính lạc hậu đã bị loại bỏ, một số thủ tục hành
chính mới ban hành đã từng bước đi vào cuộc sống, tháo gỡ được nhiều vướng mắc,
hạn chế tệ phiền hà, góp phần tạo môi trường pháp lý thuận lợi, thúc đẩy sản
xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển và cải thiện một bước quan hệ giữa các cơ
quan Nhà nước với nhân dân...; đồng thời, thông qua cải cách thủ tục hành
chính, chúng ta còn phát hiện nhiều vấn đề về thể chế, bộ máy tổ chức, công cụ
và công chức cần được giải quyết đồng bộ trong nền hành chính Nhà nước.
Song so với yêu cầu, thực tế
công tác cải cách thủ tục hành chính thời gian qua tiến hành rất chậm và còn
nhiều nhược điểm. Trên các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, thủ tục hành
chính còn rất rườm rà; các văn bản hướng dẫn thi hành một loại việc nào đó
thường không đồng bộ, trùng lắp, thậm chí mâu thuẫn nhau hoặc giải quyết được
việc này lại phát sinh việc khác phức tạp hơn, nhưng không được kịp thời xử lý
nên còn vướng mắc, chưa đáp ứng được yêu cầu của công dân và các tổ chức.
Trong chỉ đạo, tuy một số ngành,
địa phương đã cố gắng tìm tòi và áp dụng các biện pháp cải tiến tích cực, nhưng
nhiều ngành và địa phương chưa quan tâm đúng mức, công tác cải cách thủ tục
hành chính còn làm chiếu lệ, nặng về hình thức. Trong khi giải quyết công việc
của công dân và tổ chức có nhu cầu, cơ quan Nhà nước và công chức ở nhiều
ngành, nhiều cấp chưa biểu lộ tinh thần trách nhiệm cao, thái độ phục vụ chưa
tốt, còn gây nhiều phiền hà, nhũng nhiễu, hạch sách khiến một bộ phận nhân dân
bất bình.
Để phát huy những kết quả bước
đầu đã đạt được, khắc phục và giải quyết kịp thời những vướng mắc, đẩy mạnh hơn
nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu của công dân và các
tổ chức, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang
Bô, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương phải đích thân chỉ đạo thực hiện ngay một số
việc sau đây:
1. Tiến hành kiểm điểm, sơ kết
việc thực hiện Nghị quyết 38/CP ngày 4/5/1994 của Chính phủ, bàn biện pháp cụ
thể tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực,
trong tất cả các ngành, các cấp:
- Bám sát những nội dung Nghị
quyết 38/CP đã nêu, đánh giá đúng những việc làm được với những kết quả cụ thể
và những việc chưa làm được, còn hạn chế hoặc mới phát sinh. Đặc biệt, cần đi
sâu lắng nghe ý kiến của những người chấp hành thủ tục hành chính trong các lĩnh
vực: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở; thành lập doanh
nghiệp, đăng ký kinh doanh; thủ tục xuất nhập khẩu; đầu tư; xuất nhập cảnh,
đăng ký hộ tịch, hộ khẩu; thủ tục tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố
cáo của công dân... Xem xét kỹ nguyên nhân của những việc làm được và chưa làm
được.
- Trên cơ sở đó, trong phạm vi
trách nhiệm và thẩm quyền của mình, từng ngành, từng địa phương rà soát kỹ thủ
tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực, loại bỏ những thủ tục trùng lắp, chồng
chéo, rườm rà; sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành những thủ tục cần thiết mới nhưng
đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, định rõ thời hạn giải quyết xong một loại công
việc; góp phần củng cố lòng tin của nhân dân và bầu bạn quốc tế trong việc khắc
phục nhược điểm, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước ta ở tất cả các ngành,
các cấp.
- Kiến nghị với Chính phủ giải
quyết những vấn đề về thủ tục hành chính vượt quá thẩm quyền giải quyết của Bộ,
Ngành và chính quyền địa phương.
2. Xác định rõ trách nhiệm của
các cơ quan Nhà nước và công chức được giao nhiệm vụ trực tiếp giải quyết các
công việc của công dân và tổ chức:
- Các cơ quan hành chính, tuỳ
theo chức năng cụ thể của mình, cần chấn chỉnh tổ chức, tăng cường cán bộ có
phẩm chất đạo đức tốt và có năng lực giúp thủ trưởng cơ quan thực hiện các thủ
tục hành chính. Bố trí nơi tiếp dân và giải quyết chu đáo công việc; niêm yết
công khai các hồ sơ cần thiết, thời hạn để giải quyết mỗi loại công việc; bố
trí người có trách nhiệm hướng dẫn tỷ mỷ, rõ ràng, nhất quán việc hoàn thiện và
giao nhận các hồ sơ, thủ tục hành chính mỗi khi dân hoặc các tổ chức có nhu cầu.
- Các Bộ, Ngành ở Trung ương,
qua sơ kết, kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết 38/CP, theo thẩm quyền của
mình, cần khẩn trương xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức
quản lý hành chính nói chung và thủ tục hành chính nói riêng theo tinh thần cải
cách cho số cán bộ, công chức trực tiếp thực thi các thủ tục hành chính thuộc
phạm vi mình phụ trách.
- Tổ chức các lớp tập huấn
nghiệp vụ, bảo đảm cho đội ngũ công chức nắm vững hệ thống văn bản pháp luật và
các quy định của Nhà nước đang có hiệu lực thi hành. Kiên quyết không bố trí
những người chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ hoặc kém phẩm chất đạo đức vào làm
công tác hành chính để hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng công việc của dân
và tổ chức bị gây trở ngại, vòng vo, phiền hà, tốn kém.
- Thủ trưởng cơ quan hành chính
ở các ngành, các cấp phải thường xuyên giám sát kiểm tra, theo dõi hoạt động và
đánh giá kết quả công tác của số cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết công
việc của dân và tổ chức. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những cán bộ, công
chức thực thi tốt nhiệm vụ được giao, được dân tin tưởng và mến phục thực sự;
uốn nắn và xử lý nghiêm minh những người gây phiền hà, nhũng nhiễu, vô trách
nhiệm trong khi giải quyết công việc của công dân và tổ chức. Khi phát hiện
những trường hợp vòi vĩnh, nhũng lạm, cần phải kiên quyết đưa ra xử lý nghiêm
minh theo pháp luật và công bố công khai cho dân biết.
3. Đối với một số Bộ, Ngành sau
đây, cần đi sâu sơ kết và kiểm điểm việc thực hiện một số lĩnh vực đã nêu trong
Nghị quyết 38/CP theo tinh thần ở điểm I của Chỉ thị này và có văn bản báo cáo
Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/6/1997:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư: thủ tục
hành chính trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, thành lập doanh nghiệp, đăng ký
kinh doanh, xét duyệt dự án, phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản, phân bổ vốn
ODA, các dự án hợp tác quốc tế,...
- Bộ Tài chính: thủ tục hành
chính trong các lĩnh vực xử lý thuế, kể cả trường hợp có khiếu nại; phân bổ và
cấp phát vốn ngân sách, cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước; quản lý vốn và tài sản
tại doanh nghiệp Nhà nước mỗi khi doanh nghiệp có nhu cầu di chuyển vốn hoặc
tài sản; khoán và thu thuế các hộ kinh doanh nhỏ,...
- Bộ Xây dựng: thủ tục hành
chính trong các lĩnh vực cấp giấy phép xây dựng và cấp giấy chứng nhận quyền sở
hữu nhà ở; đấu thầu và giao thầu công trình,...
- Bộ Thương mại: thủ tục hành
chính trong các lĩnh vực ban hành chính sách mặt hàng, giấy phép xuất nhập khẩu
hàng hoá, kiểm tra quản lý hàng hoá lưu thông trên thị trường, cho tổ chức kinh
tế Việt Nam lập Văn phòng đại diện hoặc mở Chi nhánh ở nước ngoài, cho các tổ
chức kinh tế nước ngoài mở Văn phòng đại diện ở nước ta,...
- Bộ Nội vụ: thủ tục hành chính
trong các lĩnh vực xuất nhập cảnh, đăng ký hộ khẩu, xử phạt vi cảnh, tạm
giam,...
- Bộ Giao thông vận tải: thủ tục
hành chính trong các lĩnh vực đặt biển báo hiệu trên đường giao thông, đăng
kiểm các phương tiện vận tải, phạt vi phạm quy tắc trật tự giao thông,...
- Bộ Tư pháp: thủ tục hành chính
trong các lĩnh vực công chứng Nhà nước,...
- Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi
trường: thủ tục hành chính trong các lĩnh vực ban hành tiêu chuẩn đo lường,
kiểm tra chất lượng hàng hoá trước khi đưa vào lưu thông, kể cả trước khi xuất
khẩu, phân bổ và cấp phát vốn nghiên cứu khoa học,...
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn: thủ tục hành chính trong các lĩnh vực bảo vệ đê, kè cống, kiểm dịch
động thực vật trước khi xuất nhập khẩu,...
- Bộ Văn hoá - Thông tin: thủ
tục hành chính trong các lĩnh vực cấp giấy phép quảng cáo, kinh doanh văn hoá
phẩm, mở các nhà hàng có phòng karaoke, vũ trường,...
- Bộ Thuỷ sản: thủ tục hành
chính trong các lĩnh vực xác nhận trước khi xuất nhập khẩu phương tiện đánh
bắt, nuôi trồng thuỷ sản, xác nhận chất lượng thuỷ sản trước khi xuất nhập
khẩu,...
- Bộ Y tế: thủ tục hành chính
trong các lĩnh vực xác nhận trước khi xuất nhập khẩu dược phẩm, cấp giấy phép
cho dược phẩm và một số mỹ phẩm được đưa vào lưu thông,...
- Tổng cục Hải quan: thủ tục
hành chính trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu từ sau Nghị định 89/CP; kiểm hoá,
tái kiểm, chống buôn lậu tại cửa khẩu; kiểm tra nhân viên hải quan đi áp tải
hàng về các kho riêng; thu thuế, thu lệ phí, kể cả lệ phí bấm hoặc phá cặp chì
container; thoái thuế và truy thu thuế, nhất là đối với những khoản thoái thuế
và truy thu thuế sau vài ba năm,...
- Tổng Thanh tra Nhà nước: thủ
tục hành chính trong các lĩnh vực giải quyết đơn thư khiếu nại và tố cáo của
công dân, xử phạt vi phạm hành chính,...
- Tổng cục Địa chính: thủ tục
hành chính trong các lĩnh vực cấp quyền sử dụng đất,...
Thủ tục hành chính, nói một cách
khái quát, là cơ chế điều hành của cơ quan Nhà nước để thực thi chức năng quản
lý xã hội. Cải cách thủ tục hành chính là một nhiệm vụ rất quan trọng, được coi
là khâu đột phá trong toàn bộ tiến trình cải cách nền hành chính Nhà nước hiện
nay. Việc thực hiện quá trình cải cách này là cuộc đấu tranh rất phức tạp, liên
quan mật thiết đến việc đổi mới hệ thống pháp luật, bộ máy tổ chức cơ quan Nhà
nước, đội ngũ công chức và hoạt động thực tiễn hàng ngày của mọi công dân và tổ
chức, cần được các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương phải đề ra chương trình hành động với những biện pháp
thiết thực và khẩn trương tổ chức chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này,
định kỳ hàng tháng báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện ở những
lĩnh vực mà Bộ, ngành hoặc địa phương mình phụ trách.
Các cơ quan thông tin đại chúng
cần tăng cường tuyên truyền Nghị quyết 38/CP và Chỉ thị này, cùng với nhân dân
và các tổ chức phát hiện những nơi làm tốt để kịp thời biểu dương, rút kinh
nghiệm nhân rộng ra và những nơi chưa làm tốt để phê phán, tìm cách khắc phục.
Văn phòng Chính phủ phối hợp với
Tổ chuyên gia cải cách hành chính của Chính phủ chịu trách nhiệm theo dõi, đôn
đốc triển khai Chỉ thị này và thường xuyên báo cáo tổng hợp kết quả việc thực
hiện lên Thủ tướng Chính phủ.