THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
766-TTg
|
Hà
Nội, ngày 17 tháng 9 năm 1997
|
CHỈ THỊ
VỀ
PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN VIỆC ĐƯA TRÁI PHÉP PHỤ
NỮ VÀ TRẺ EM RA NƯỚC NGOÀI.
Mấy năm gần đây, tình hình mua
bán phụ nữ và trẻ em để đưa trái phép ra nước ngoài xẩy ra nghiêm trọng. Mặc
dầu các cơ quan chức năng đã tích cực phối hợp với Uỷ ban nhân dân các cấp phát
hiện, bắt giữ, xử lý nhiều đối tượng phạm tội mua bán phụ nữ, trẻ em gái đưa ra
nước ngoài làm nghề mại dâm, nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp.
Để kịp thời ngăn chặn có hiệu quả
tiến tới xoá bỏ triệt để loại tội phạm này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ,
ngành và Uỷ ban nhân dân các địa phương thực hiện nghiêm túc các công việc theo
sự phân công cụ thể sau đây:
1. Bộ Nội vụ:
- Chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành
liên quan (Quốc phòng, Ngoại giao, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tư pháp,
Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em...) và Uỷ ban nhân dân
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức nắm chắc tình hình, thống kê
đầy đủ số liệu về phụ nữ, trẻ em Việt Nam đã bị đưa trái phép ra nước ngoài (kể
cả cho mục đích hoạt động mại dâm hoặc cưỡng ép lấy chồng nước ngoài và số trốn
ra nước ngoài).
- Xác định những địa bàn trọng điểm,
tập trung chỉ đạo lực lượng Công an các cấp tăng cường các biện pháp nghiệp vụ
phát hiện, ngăn chặn, triệt phá các tổ chức, đưa trái phép phụ nữ, trẻ em ra
nước ngoài. Quản lý chặt chẽ nhân khẩu, hộ khẩu ở xã, phường, thị trấn; phối
hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân phát động phong trào
quần chúng tham gia phòng ngừa, đấu tranh với các cá nhân có những hành vi vi
phạm pháp luật hoặc tạo điều kiện cho tệ nạn này phát triển.
Cùng các ngành liên quan và Uỷ ban
nhân dân các địa phương kiểm tra, xoá bỏ các cơ sở dịch vụ môi giới kết hôn, kết
bạn với người nước ngoài, xử lý các cơ sở dịch vụ du lịch vi phạm pháp luật
trong việc đưa người ra nước ngoài.
- Kiện toàn tổ chức, tăng cường cán
bộ chuyên trách để phát hiện kịp thời, điều tra nhanh chóng, xử lý nghiêm các
tổ chức và cá nhân, trọng điểm là bọn chủ mưu, cầm đầu đưa trái phép phụ nữ,
trẻ em ra nước ngoài hoạt động mại dâm, hoặc cưỡng ép phụ nữ lấy chống người nước
ngoài.
- Phối hợp với Bộ đội biên phòng
tăng cường biện pháp kiểm soát tại các cửa khẩu biên giới, đấu tranh ngăn chặn có
hiệu quả việc đưa trái phép phụ nữ, trẻ em qua biên giới.
- Phối hợp với Interpol và Cảnh sát
các nước láng giềng, nhất là Trung Quốc, Cămpuchia để phát hiện, ngăn chặn, xoá
bỏ các tổ chức mua bán phụ nữ, trẻ em.
- Chủ trì phối hợp với các Bộ Ngoại
giao, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng đề án ngăn chặn tội
phạm mua bán phụ nữ, trẻ em, đưa trái phép phụ nữ và trẻ em ra nước ngoài và
tái hoà nhập cộng đồng số phụ nữ, trẻ em bị đưa ra nước ngoài nay đã trở về.
2. Bộ Ngoại giao:
- Phối hợp với Bộ Nội vụ về mặt chính
trị đối ngoại trong lĩnh vực hợp tác với nước ngoài phòng chống tội phạm này. Chuẩn
bị đối sách thích hợp để làm việc với các tổ chức quốc tế và các nước có liên
quan về vấn đề xoá bỏ tình trạng phụ nữ, trẻ em Việt Nam bị đưa trái phép ra
nước ngoài.
- Phối hợp với các đoàn thể nhân
dân trong việc vận động việc tranh thủ các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài tham
gia giải quyết tình hình trên.
3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã
hội:
- Chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ,
Bộ Y tế, Uỷ ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp
Phụ nữ Việt Nam, Uỷ ban nhân dân các cấp xây dựng đề án tổ chức dạy nghề, giải
quyết việc làm cho số phụ nữ và trẻ em bị đưa ra nước ngoài nay đã trở về; đưa
số bị mắc các bệnh xã hội vào các cơ sở giáo dục và chữa bệnh.
4. Bộ Tư pháp:
- Chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ,
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao rà soát các văn bản quy
phạm pháp luật hiện hành có liên quan, kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp
với tình hình hiện nay. Trước mắt ban hành Thông tư Liên ngành Kiểm sát - Tư
pháp - Nội vụ - Toà án hướng dẫn các cấp điều tra, truy tố, xét xử nghiêm loại
tội phạm này.
- Chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao,
Bộ Nội vụ xây dựng Hiệp định tương trợ Tư pháp với Trung Quốc, Cămpuchia trong
đó có nội dung giải quyết vấn đề này.
5. Bộ Thương mại, Tổng cục Du lịch
phối hợp Bộ Nội vụ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
và các ngành quản lý chặt chẽ các hoạt động dịch vụ du lịch, xuất nhập cảnh để
phát hiện, ngăn chặn các hoạt động móc nối của các đối tượng trong nước và nước
ngoài đến Việt Nam tổ chức đưa trái phép phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài.
Phối hợp với Bộ Nội vụ kiểm tra và
xử lý nghiêm các cơ sở làm dịch vụ lấy danh nghĩa tổ chức tham quan du lịch nước
ngoài để đưa phụ nữ, trẻ em Việt Nam ra nước ngoài hoạt động mại dâm hoặc bán
cho người nước ngoài.
6. Bộ Văn hoá - Thông tin chủ trì
phối hợp với Uỷ ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam, Uỷ ban Trung ương Mặt
trận Tổ Quốc Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và các đoàn thể
nhân dân khác, với các báo, đài phát thanh, đài truyền hình tổ chức thông tin
trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền giáo dục trực tiếp ở
cơ sở để mọi người biết thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em, phòng
ngừa và tố giác tội phạm; lên án mạnh mẽ những trường hợp vi phạm.
7. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài
chính bố trí ngân sách chi cho công tác phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ
em đưa ra nước ngoài hoạt động mại dâm và tái hoà nhập số người này trong cộng
đồng dân cư.
8. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo, tạo điều kiện cho lực lượng
Công an và các ngành liên quan ở địa phương thực hiện kế hoạch phối hợp quản lý
biên giới, quản lý chặt chẽ nhân khẩu, hộ khẩu và chủ động đấu tranh phòng
ngừa, ngăn chặn tình trạng mua bán phụ nữ, trẻ em. Chỉ đạo Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội, Sở Y tế xây dựng đề án củng cố, quản lý chặt chẽ các cơ sở khám
chữa bệnh bắt buộc, giải quyết có hiệu quả việc thu gom, tiếp nhận dậy nghề cho
chị em. Kiểm tra chặt chẽ các trường hợp cấp giấy phép hành nghề môi giới hôn
nhân, dịch vụ, cho con nuôi ở địa phương.
9. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện Chỉ thị này.
Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc triển khai
thực hiện Chỉ thị này và thường xuyên báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.