NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 32/CP NGÀY 20 THÁNG 5 NĂM 1996 QUY ĐỊNH
CHI TIẾT THI HÀNH PHÁP LỆNH PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Pháp lệnh Phòng, Chống lụt, bão ngày 8 tháng 3 năm 1993;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.-
Lụt, bão nói trong Nghị định này bao gồm: lũ, ngập lụt, nước biển dâng, bão, áp
thấp nhiệt đới, lốc, sạt lở đất (do mưa, lũ bão và sóng biển gây ra).
Đối với mưa úng nội đồng, vùng
gió xoáy dưới cấp 6, các loại gió mùa không thuộc phạm vi quy định của Nghị định
này.
Điều 2.- Trong
Nghị định này các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Lụt là hiện tượng nước ngập
vượt quá mức bình thường.
2. Lũ là mức nước và tốc độ dòng
chảy ở các sông, suối vượt quá mức bình thường.
3. Bão là luồng gió xoáy thuận nhiệt
đới được phát sinh trên biển có sức gió từ cấp 8 đến cấp 11 (tốc độ gió từ 62
km đến 117 km/giờ).
4. Bão mạnh là luồng gió xoáy
thuận nhiệt đới được phát sinh trên biển có sức gió từ cấp 12 trở lên (tốc độ
gió từ 118 km/giờ trở lên).
5. áp thấp nhiệt đới là vùng gió
xoáy phát sinh trên biển có sức gió từ cấp 6, cấp 7 (tốc độ gió từ 39 km đến 61
km/giờ).
6. Lốc là luồng gió xoáy có sức
gió mạnh tương đương với sức gió của cơn bão nhưng được hình thành và tan trong
thời gian ngắn với phạm vi hoạt động trong không gian hẹp từ vài km đến vài chục
km.
7. Nước biển dâng là hiện tượng
mực nước biển dâng cao hơn mực nước triều bình thường do bão hoặc do các hiện
tượng thiên tai khác gây nên.
8. Sạt lở đất là hiện tượng mái
đất tự nhiên mất ổn định do mưa, lũ, bão hoặc sóng biển gây ra.
9. Công trình phòng, chống lụt,
bão có tác dụng:
- Trực tiếp chống lại, hạn chế
hoặc làm giảm nhẹ các tác động của lụt, bão.
- Phục vụ việc dự báo, cảnh báo,
chỉ huy, chỉ đạo công tác phòng,
chống lụt, bão.
10. Công trình có liên quan đến
công trình phòng, chống lụt, bão là công trình chuyên dùng được đặt trong phạm
vi bảo vệ an toàn của công trình phòng, chống lụt, bão mà mỗi sự cố của công
trình này đều có thể gây ra mất an toàn cho công trình phòng, chống lụt, bão.
Chương 2:
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ
PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO
Điều 3.-
Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về công tác phòng chống và khắc phục hậu
quả của lụt, bão trên phạm vi cả nước.
Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt,
bão Trung ương có cơ quan thường trực đặt tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông
thôn có trách nhiệm tổ chức phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, xây dựng
chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các đề án về phòng, chống lụt, bão; thực hiện
chức năng thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực phòng, chống và khắc phục hậu quả
lụt, bão; đề ra các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật
về đê điều, phòng, chống lụt, bão.
Điều 4.- Trưởng
Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương do Thủ tướng Chính phủ quyết định,
bổ nhiệm có trách nhiệm:
1. Giúp Chính phủ làm nhiệm vụ
điều hành, phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước
chuyên ngành về phòng, chống lụt, bão.
2. Xử lý các thông tin có liên
quan đến quyết định cảnh báo;
3. Kiểm tra, đôn đốc việc thực
hiện công tác phòng, chống lụt, bão;
4. Chỉ đạo phòng ngừa đối phó với
các diễn biến của lụt, bão;
5. Tổng hợp tình hình, công bố số
liệu thiệt hại và đề xuất với Chính phủ biện pháp khắc phục hậu quả do lụt, bão
gây ra.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh có
Phân Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão giúp Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt,
bão Trung ương quản ký công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão tại
các tỉnh phía nam.
Điều 5.-
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ
quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình lập quy hoạch,
kế hoạch dài hạn, kế hoạch hàng năm về phòng, chống lụt, bão trong ngành mình;
tổ chức nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học vào công nghệ về phòng,
chống và khắc phục hậu quả lụt, bão; hướng dẫn nghiệp vụ phòng, chống và khắc
phục hậu quả lụt, bão cho các lực lượng chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp thuộc
mình quản lý; thành lập Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão ngành, cử cán bộ
chuyên trách giúp bộ, ngành đôn đốc và hướng dẫn các cơ quan trực thuộc thực hiện
các nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão.
Điều 6.-
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt
là Uỷ ban nhân dân tỉnh) chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về phòng, chống lụt,
bão ở địa phương thuộc mình quản lý; lập quy hoạch, kế hoạch dài hạn và hàng
năm về phòng, chống lụt, bão; thành lập Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão; hướng
dẫn, kiểm tra, đôn đốc cơ quan, chính quyền các cấp và nhân dân trong địa
phương thực hiện các biện pháp phòng, chống và khắc phục các hậu quả lụt, bão.
Sở Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn là cơ quan thường trực của Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão tỉnh.
Điều 7.- Cơ
quan quản lý Nhà nước về phòng, chống lụt, bão được tổ chức theo hệ thống từ
Trung ương đến địa phương.
1. Ở Trung ương:
Cục Phòng, chống lụt, bão và quản
lý đê điều là cơ quan thường trực giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn và Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương thực hiện chức
năng quản lý Nhà nước chuyên ngành và điều hành công tác phòng, chống lụt, bão
trên phạm vi cả nước.
Cục Phòng, chống lụt, bão và quản
lý đê điều có một bộ phận đặt tại thành phố Hồ Chí Minh làm nhiệm vụ Văn phòng
thường trực của Phân ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão các tỉnh phía Nam.
Nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ
máy Văn phòng của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương và Văn phòng
Phân ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn thoả thuận với Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương
quy định.
2. Ở địa phương:
a. Ở cấp tỉnh:
Sở Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn là cơ quan thường trực của Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão tỉnh:
- Tại các tỉnh có đê: giao cho
Phòng quản lý đê điều, chống lụt, bão của Sở Nông nghiệp và phát triển nông
thôn kiêm nhiệm Văn phòng thường trực của Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão tỉnh,
giúp Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về
công tác phòng, chống lụt, bão ở địa phương.
- Tại các tỉnh khác: giao cho một
tổ chức của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn kiêm nhiệm Văn phòng thường
trực Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về
công tác phòng, chống lụt, bão ở địa phương.
Nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ
máy của Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão tỉnh do Trưởng ban Ban Chỉ
huy phòng, chống lụt, bão tỉnh quy định.
b. Ở các quận, huyện, thị xã,
thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là huyện): Phòng Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn làm thường trực tham mưu cho Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão huyện
thực hiện các chức năng quản lý Nhà nước về công tác phòng, chống lụt, bão
trong phạm vi quản lý của mình.
c. Ở các xã, phường, thị trấn do
Uỷ ban nhân dân phân công cán bộ kiêm nhiệm thường trực công tác phòng, chống lụt,
bão.
Điều 8.-
Hàng năm mỗi cấp, mỗi ngành phải kiện toàn lực lượng phòng, chống lụt, bão; sắp
xếp và phân công các công việc cho mỗi lực lượng chuyên ngành trong việc phòng,
chống và khắc phục hậu quả lụt, bão.
Ở mỗi công trình phòng, chống lụt,
bão, mỗi khu vực trọng điểm, xung yếu, cơ quan quản lý công trình phải có
phương án phòng, chống lụt, bão được duyệt và phải tổ chức Ban Chỉ huy phòng,
chống lụt, bão của công trình, bố trí lực lượng chuyên trách hoặc bán chuyên
trách xử lý các sự cố công trình, đồng thời quy định rõ chế độ trách nhiệm của
mỗi lực lượng trong việc thực hiện các phương án đó.
Chương 3:
PHÒNG NGỪA LỤT, BÃO
Điều 9.-
Việc phòng ngừa lụt, bão được quy định tại các Điều 10 và 11 của Pháp lệnh
phòng, chống lụt, bão. Các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội,
đơn vị vũ trang nhân dân phải có kế hoạch phòng ngừa lụt, bão hàng năm và dài hạn.
Uỷ ban nhân dân các cấp phối hợp
với các đoàn thể nhân dân ở địa phương tổ chức vận động và hướng dẫn nhân dân
chủ đông, tích cực chuẩn bị phòng ngừa lụt, bão.
Điều 10.-
Kế hoạch phòng ngừa lụt, bão được quy định như sau:
1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ
quan thuộc Chính phủ phải có kế hoạch đề phòng các sự cố do lụt, bão gây ra cho
các công trình thuộc ngành mình quản lý, tổ chức kiểm tra việc chuẩn bị phòng,
chống lụt, bão ở địa phương, cơ sở theo chức năng và trách nhiệm quản lý của
mình.
2. Uỷ ban nhân dân các cấp phải
có phương án phòng, chống lụt, bão cho toàn địa bàn, cho từng công trình trọng
điểm tại địa phương.
Phương án chống lụt bão của các
công trình trọng điểm trong tỉnh do Uỷ ban nhân dân tỉnh xét duyệt.
3. Tổ chức, cá nhân phải chuẩn bị
các biện pháp cần thiết để phòng ngừa lụt, bão và thực hiện các nhiệm vụ do cơ
quan quản lý Nhà nước về công tác phòng, chống lụt, bão giao cho.
Điều 11.- Để
thực hiện công tác phòng ngừa lụt, bão được quy định tại Điều 10 và Điều 11 của
Pháp lệnh phòng, chống lụt, bão, các Bộ ngành sau đây có nhiệm vụ:
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn có trách nhiệm:
a. Chỉ đạo các tỉnh bảo đảm, củng
cố và xây dựng hệ thống đê điều, tổ chức quản lý hệ thống đê điều, xây dựng các
trạm cảnh báo lũ, bão; trang bị công nghệ tiến bộ cho công tác cảnh báo, điều
hành chỉ đạo, chỉ huy của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương và hướng
dẫn kiện toàn hệ thống chỉ huy, cảnh báo từ Trung ương đến cơ sở, chỉ đạo các
ngành, các địa phương thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn đê điều, các hồ chứa
nước và các công trình phòng, chống lụt, bão khác.
b. Quy định tiêu chuẩn phòng, chống
lụt, bão cho từng vùng, đôn đốc các Bộ, ngành xây dựng các tiêu chuẩn an toàn
chống lụt, bão đối với các loại công trình do các ngành đó quản lý.
c. Ban hành văn bản hướng dẫn việc
quản lý đầu tư về xây dựng và tu bổ đê điều, thoát lũ dòng sông phù hợp với quyền
hạn và trách nhiệm đã quy định trong công tác hộ đê và phòng, chống lụt, bão.
d. Hướng dẫn nhân dân các vùng
thường bị lụt, bão tác động tổ chức dân cư, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chuyển
đổi mùa vụ, giống cây trồng và thời kỳ sinh sản gia súc để tránh các thời điểm
thường có lụt, bão ở từng địa phương.
đ. Hướng dẫn, đôn đốc việc tu bổ,
trồng và bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, các giải cây và các công trình chắn
sóng, giảm tốc độ dòng chảy, chắn gió cát ven sông suối, ven biển.
2. Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn có
trách nhiệm trang bị công nghệ tiên tiến cho hệ thống thông tin chuyên ngành, bảo
đảm thu nhập và phát báo kịp thời, đầy đủ chính xác các thông tin cần thiết phục
vụ công tác quy hoạch phòng, chống lụt, bão, dự báo thời tiết, thuỷ văn, về lũ
bão trên phạm vi toàn cầu, khu vực và trong cả nước; đồng thời có trách nhiệm
cung cấp từng giờ các thông tin từ khi có bão, lũ từ báo động II trở lên cho
Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương.
3. Tổng cục Bưu điện có trách
nhiệm ưu tiên cho mạng thông tin phòng, chống lụt, bão; xây dựng, củng cố, nâng
cấp các mạng thông tin chính từ Trung ương đến các tỉnh, huyện, hải đảo và các
công trình trên biển; bảo đảm liên lạc thông suốt kể cả khi lũ, bão đang xẩy
ra; phát báo các thông tin khí tượng hàng hải theo quy chế thông tin hàng hải
hiện hành.
4. Bộ Thuỷ sản có trách nhiệm hướng
dẫn, kiểm tra, đôn đốc đối với công tác tổ chức phòng, tránh bão của ngư dân
khi hoạt động trên biển; công tác bảo vệ các phương tiện tại nơi trú ẩn; công
tác bảo vệ sản xuất và các công trình nuôi trồng thuỷ sản.
5. Bộ Giao thông vận tải có
trách nhiệm bố trí ưu tiên và bảo đảm thông tuyến cho các phương tiện làm công
tác hộ đê, phòng, chống lụt, bão, xây dựng, củng cố, nâng cấp các trục đường
giao thông chính từ Trung ương đến các tỉnh thường bị lũ, bão gây ách tắc; bảo
đảm giao thông thông suốt cả khi có lũ, bão xẩy ra; có biện pháp bảo vệ các bến
cảng, kho tàng, hàng hoá và hướng dẫn các hoạt động giao thông vận tải trong
các khu vực bị lụt, bão đe doạ hoặc tác động.
6. Bộ Xây dựng có trách nhiệm hướng
dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các tiêu chuẩn quy định về xây dựng các
công trình kiến trúc dân dụng, kiến trúc công nghiệp nhằm bảo đảm an toàn đối với
lụt, bão cho từng cấp công trình; hướng dẫn nhân dân trong việc xây dựng, tu bổ
nhà cửa để hạn chế tổn thất do lụt, bão gây ra.
7. Bộ Công nghiệp có trách nhiệm:
- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc
việc bảo vệ các hồ chứa nước thuộc ngành quản lý và bảo đảm cho các nhà máy điện,
mạng lưới điện vận hành an toàn cả khi có lụt, bão.
- Tổ chức phòng, chống lụt, bão,
bảo vệ các cơ sở thuộc ngành quản lý, đặc biệt là các nhà máy có hoá chất độc hại;
chống sạt trượt đất, bảo đảm an toàn tại các khu vực hầm lò khai thác khoáng sản.
8. Ngành Dầu khí có trách nhiệm:
Tổ chức phòng, chống bão, nước biển dâng, bảo vệ các công trình thăm dò, khai
thác dầu khí và các cơ sở thuộc ngành quản lý.
9. Bộ Quốc phòng có trách nhiệm:
Tổ chức lực lượng, phương tiện để hộ đê, chống lụt, bão khi có yêu cầu của các
Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão, xây dựng các phương án bố trí ứng cứu, chi
viện kịp thời các khu vực trọng điểm cần bảo vệ.
10. Bộ Giáo dục và Đào tạo có
trách nhiệm và đưa vào chương trình giảng dạy trong các nhà trường những kiến
thức phổ thông về lụt, bão.
11. Bộ Văn hoá - Thông tin có
trách nhiệm tổ chức việc tuyên truyền cổ động để nhân dân hiểu rõ và thực hiện
tốt công tác phòng, chống lụt, bão nhằm giảm nhẹ thiên tai.
12. Bộ Nội vụ có trách nhiệm phối
hợp với các cấp, các ngành có liên quan lập kế hoạch bảo vệ các công trình trọng
điểm, phương án bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở vùng phân lũ, vùng có
lụt, bão.
13. Bộ Y tế có trách nhiệm chuẩn
bị dự trữ thuốc, phương tiện chữa bệnh và hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các
phương án cấp cứu, phòng chống các loại dịch bệnh thường phát sinh sau khi có lụt,
bão xẩy ra.
14. Bộ Tài chính có trách nhiệm
cân đối, cấp vốn kịp thời cho công tác duy tu bảo dưỡng đê điều, dự báo, cảnh
báo lũ, bão và khắc phục hậu quả.
15. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có
trách nhiệm ưu tiên bố trí vốn cho công tác xây dựng cơ bản đê điều, hộ đê và
phòng, chống lụt, bão.
16. Các Bộ, ngành khác có trách
nhiệm thực hiện quản lý theo chức năng về công tác phòng ngừa lụt, bão; bảo vệ
kho tàng, cơ sở kinh tế thuộc mình quản lý.
17. Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài
Truyền hình Việt Nam có trách nhiệm truyền phát kịp thời trên các phương tiện
thông tin đại chúng các tin tức dự báo, cảnh báo lũ, bão, các mệnh lệnh hoặc
các văn bản hướng dẫn việc phòng, chống, tránh lũ, bão do Ban Chỉ đạo phòng, chống
lụt, bão Trung ương gửi đến; tổ chức phổ biến sâu rộng trong nhân dân các kiến
thức, kinh nghiệm và pháp lệnh về phòng, chống lụt, bão.
18. Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt,
bão Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình đã được Chính phủ quy định
có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá các kế hoạch và triển khai thực hiện
việc phòng ngừa lụt, bão của các cấp, các ngành.
Điều 12.-
Đối với các vùng xung yếu, hiểm trở thường bị lũ, bão, Uỷ ban nhân dân các cấp
có kế hoạch chỉ đạo các ngành liên quan tổ chức dự trữ và hướng dẫn nhân dân ở
địa phương dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh để sử dụng khi bị
lũ, bão gây ra ách tắc giao thông.
Điều 13.- Uỷ
ban nhân dân tỉnh phân công, phân cấp việc kiểm tra các công trình phòng, chống
lụt, bão trong phạm vi địa phương quản lý trước mùa mưa bão. Kết quả kiểm tra
phải lập thành biên bản, có kết quả đánh giá chất lượng công trình. Nếu phát hiện
có hư hỏng phải có biện pháp khắc phục và phân công trách nhiệm xử lý. Trường hợp
vượt quá khả năng giải quyết của cấp kiểm tra phải báo cáo kịp thời lên Ban Chỉ
huy phòng, chống lụt, bão tỉnh giải quyết.
Điều 14.-
Các công trình chuyên dùng có kết hợp với các công trình phòng, chống lụt, bão
và các công trình dùng vào mục đích khác được đặt trong phạm vi bảo vệ an toàn
của công trình phòng chống lụt, bão phải có cấp tiêu chuẩn bảo vệ tối thiểu
tương đương với cấp tiêu chuẩn bảo vệ của công trình phòng, chống lụt, bão đó;
trong quá trình khai thác phải tuân thủ mọi quy định về công tác phòng, chống lụt,
bão. Chủ quản công trình phải có trách nhiệm tu bổ, nâng cấp công trình theo
quy định chung của toàn hệ thống công trình phòng, chống lụt, bão.
Điều 15.- Việc
xây dựng mới các kho chứa lương thực, chất độc hại, chất nổ, nhiên liệu, vật tư
thiết yếu và tài sản quan trọng khác trong lòng sông, bãi sông, vùng phân lũ,
ngoài việc tuân theo quy hoạch và chấp hành các tiêu chuẩn về phòng, chống lụt,
bão còn phải được Uỷ ban nhân dân tỉnh cho phép.
Đối với các kho đã có từ trước
ngày ban hành Nghị định này chủ kho phải có biện pháp bảo đảm an toàn và không
gây ra ô nhiễm môi trường xung quanh khi xẩy ra lụt bão.
Điều 16.- Lòng
sông, bãi sông trong hệ thống sông tiêu thoát lũ, vùng phân lũ thuộc phạm vi địa
phương nào do chính quyền nơi đó quản lý, phạm vi toàn quốc do Cục Phòng chống
lụt, bão và quản lý đê điều hướng dẫn thực hiện các quy định về quản lý.
Tổ chức hoặc cá nhân gây ra chướng
ngại, làm cản trở việc tiêu thoát lũ phải có trách nhiệm xử lý thanh thải vật cản
đó; Nếu để chậm trễ, cơ quan quản lý phòng chống lụt, bão có quyền quyết định xử
lý để bảo đảm thông thoát dòng chảy kịp thời; tổ chức hoặc cá nhân gây ra chướng
ngại phải thanh toán mọi phí tổn.
Điều 17.- Thành
lập một số trạm cứu hộ tàu thuyền tại các cảng quan trọng: Hải Phòng, Cửa Lò,
Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu.
Bộ Giao thông Vận tải xây dựng
mô hình tổ chức, quy chế hoạt động của các trạm cứu hộ trình Thủ tướng Chính phủ
quyết định.
Điều 18.-
Các loại phương tiện vận tải sông, biển, tàu chở khách, tàu thuyền đánh cá, tàu
chuyên dùng khác đều phải trang bị đầy đủ các phương tiện thông tin, tín hiệu
theo quy chế báo bão và phương tiện cứu hộ người, cứu hộ tàu thuyền.
Tàu thuỷ chở khách phải có đủ số
lượng phao cá nhân cho hành khách.
Bộ Giao thông Vận tải quy định cụ
thể số trang bị thông tin, tín hiệu cần thiết, phương tiện cứu hộ người, cứu hộ
tàu thuyền, quy định các kiến thức tối thiểu về phòng, chống bão cho các thuyền
viên để kịp xử lý khi nhận được các tin cảnh báo bão.
Cơ quan Đăng kiểm tàu biển ngoài
việc kiểm tra tàu, thuyền còn có trách nhiệm kiểm tra các trang thiết bị đã nói
ở trên.
Ở các huyện có bến đò ngang,
Phòng Giao thông huyện phải định kỳ kiểm tra chất lượng phương tiện, tiêu chuẩn
người lái, phao cứu sinh bảo đảm an toàn cho các hoạt động giao thông, đặc biệt
là trong mùa mưa bão.
Trước khi cho tàu thuyền hoạt động,
chủ phương tiện, thuyền trưởng có trách nhiệm kiểm tra các trang bị nói trên, nếu
tàu thuyền nào không được trang bị đầy đủ các phương tiện bảo đảm an toàn, tàu
thuyền đó không được hoạt động .
Trường hợp cho tàu, thuyền hoạt
động nhưng không trang bị đủ phương tiện bảo đảm an toàn khi cơ quan kiểm tra,
thanh tra giao thông phát hiện thì chủ phương tiện, thuyền trưởng phải chịu
trách nhiệm. Nếu để xẩy ra thiệt hại thì chủ phương tiện, thuyền trưởng phải chịu
trách nhiệm trước pháp luật và phải bồi thường thiệt hại.
Chương 4:
CHỐNG LỤT, BÃO
Điều 19.-
Thủ trưởng ngành, Uỷ ban nhân dân địa phương nơi được cảnh báo hoặc báo động lụt,
bão phải tiến hành triển khai ngay các biện pháp phòng, chống lụt, bão tương ứng
với cấp báo động đã được cảnh báo.
Điều 20.-
Các công trình chống lụt, bão hoặc công trình có liên quan đến phòng, chống lụt,
bão đang bị sự cố hoặc có nguy cơ gây ra tai hoạ phải được tập trung mọi lực lượng,
phương tiện để bảo vệ và cứu hộ. Cơ quan quản lý các công trình đó phải xử lý
ngay sau khi phát hiện, đồng thời phải báo cáo kịp thời lên cơ quan quản lý cấp
trên.
Điều 21.- Trong
khi có lụt, bão mọi tổ chức và cá nhân có trách nhiệm:
1. Chủ động, khẩn cấp cứu hộ và
bảo vệ người, công trình và tài sản bị lụt, bão uy hiếp hoặc bị phá hoại.
2. Nghiêm chỉnh chấp hành mọi
quyết định, hướng dẫn của chính quyền và của cơ quan, chỉ đạo phòng, chống lụt,
bão;
3. Triển khai kịp thời lực lượng
và phương tiện phòng chống lụt, bão theo kế hoạch hoặc các quyết định của chính
quyền và của cơ quan chỉ đạo phòng, chống lụt, bão;
4. Truyền đạt đầy đủ, kịp thời mọi
thông tin chỉ huy, chỉ đạo phòng, chống lụt, bão;
5. Tổ chức thường trực tại cơ
quan chỉ đạo phòng, chống lụt, bão theo chế độ tuần tra canh gác tại các công
trình phòng, chống lụt, bão;
6. Giữ gìn trật tự an toàn xã hội
trong vùng xảy ra lụt, bão theo sự hướng dẫn của cơ quan công an;
7. Tự bảo vệ và triển khai công
tác phòng, chống lụt, bão cho đơn vị và gia đình, đồng thời tham gia vào công
tác chống lụt, bão theo các phương án phòng, chống lụt, bão được duyệt và theo
sự hướng dẫn của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão ở địa phương.
Điều 22.-
Nơi có công trình phòng, chống lụt, bão không bảo đảm an toàn theo cấp lũ, bão
hoặc được cảnh báo thì Uỷ ban nhân dân địa phương có trách nhiệm hướng dẫn dân
sơ tán ra khỏi khu vực nguy hiểm đồng thời phải áp dụng mọi biện pháp để cứu hộ
công trình.
Điều 23.- Chính
phủ giao cho Bộ Tài chính chủ trì cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông
thôn hướng dẫn thực hiện việc đền bù theo quy định tại Điều 23 của Pháp lệnh
phòng, chống lụt, bão.
Điều 24.- Tài
sản trong vùng có lụt, bão bị trôi dạt, dù ai thu hồi được vẫn thuộc quyền sở hữu
của chủ tài sản; chính quyền sở tại phải thông báo ngay cho tổ chức, nhân dân
có tài sản đó biết để nhận lại. Trường hợp không có người nhận hoặc chủ tài sản
không còn người thừa kế thì tài sản đó được sung vào công quỹ của địa phương.
Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân
lợi dụng lụt, bão dể xâm phạm tài sản của Nhà nước, của tập thể và của công
dân.
Chương 5:
KHẮC PHỤC HẬU QUẢ LỤT,
BÃO
Điều 25.-
Phải thực hiện đầy đủ các công việc khắc phục hậu quả lụt, bão đã quy định tại
Điều 24, 25 của Pháp lệnh phòng, chống lụt, bão và được cụ thể thêm như sau:
1. Uỷ ban nhân dân các cấp có
trách nhiệm phối hợp với các ngành liên quan tổ chức cứu hộ người, tài sản;
Nắm ngay tình hình thiệt hại để
báo cáo với cơ quan có thẩm quyền và triển khai ngay các lực lượng khắc phục hậu
quả lụt, bão.
2. Tổng cục Thống
kê có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thống kê và đánh giá thiệt
hại do lụt, bão gây ra.
3. Thủ trưởng các ngành, Chủ tịch
Uỷ ban nhân dân các cấp, chủ quản lý các công trình bị tác hại do lụt, bão có
trách nhiệm chỉ đạo, phục hồi các công trình, khắc phục hậu quả; tổ chức và hướng
dẫn nhân dân ổn định đời sống, phục hồi sản xuất; báo cáo kịp thời kết quả khắc
phục hậu quả lụt, bão với Chính phủ, các cơ quan cấp trên có liên quan và kiến
nghị các biện pháp hỗ trợ cần thiết.
Điều 26.-
Để bảo đảm nhanh chóng khắc phục hậu quả lụt, bão trách nhiệm của các Bộ, ngành
được quy định như sau:
1. Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt,
bão Trung ương có trách nhiệm tổng hợp tình hình, đề xuất với Chính phủ quyết định
các biện pháp khắc phục hậu quả, chỉ đạo các ngành các cấp thực hiện các biện
pháp do Chính phủ quyết định.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn có trách nhiệm:
+ Lập kế hoạch phục hồi các công
trình đê điều, và các công trình phòng, chống lụt, bão khác bị lụt, bão phá hoại.
+ Hướng dẫn các địa phương khắc
phục hậu quả, phục hồi sản xuất và ổn định đời sống nhân dân.
+ Hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương
sửa chữa các công trình đê điều các công trình phòng, chống lụt, bão bị lụt,
bão phá hoại.
3. Bộ Thuỷ sản có trách nhiệm hướng
dẫn các địa phương khắc phục hậu quả, phục hồi các cơ sở sản xuất và đánh bắt
thuỷ sản.
4. Bộ Y tế có trách nhiệm hướng
dẫn việc tổ chức cấp cứu nạn nhân tại các cơ sở y tế, phòng chống dịch bệnh
phát sinh trong vùng lụt bão.
5. Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội hướng dẫn chỉ đạo việc tổ chức cứu trợ cho nhân dân vùng bị thiệt hại, đặc
biệt đối với các đối tượng chính sách và các hộ nghèo.
6. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi
trường hướng dẫn các địa phương khắc phục hậu quả về ô nhiễm môi trường do lụt,
bão, thực hiện vệ sinh môi trường sinh thái.
7. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có
trách nhiệm cân đối các nguồn vốn để phục hồi các công trình đê điều, các công
trình phòng, chống lụt, bão và các cơ sở hạ tầng bị lụt, bão phá hoại.
8. Bộ Tài chính có trách nhiệm cấp
phát vốn từ ngân sách kịp thời sau mỗi đợt lũ, bão để sửa chữa đê điều, công
trình phòng, chống lụt, bão và khắc phục hậu quả lụt, bão.
9. Bộ Ngoại giao phối với Ban Chỉ
đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương tổ chức việc thông báo với các tổ chức quốc
tế và kêu gọi sự trợ giúp quốc tế khi xẩy ra thiên tai lớn ở các địa phương.
10. Các Bộ: Xây dựng, Giao thông
vận tải, Công nghiệp, Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành khác có trách nhiệm
khắc phục hậu quả lụt, bão theo chức năng quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực ngành
mình phụ trách.
Chương 6:
NGUỒN TÀI CHÍNH PHÒNG,
CHỐNG LỤT, BÃO
Điều 27.-
Nguồn tài chính phòng, chống lụt, bão được quy định tại Điều 27, 28 của Pháp lệnh
Phòng, Chống lụt, bão và được cụ thể thêm như sau:
1. Ngân sách Nhà nước: Cấp thường
xuyên hàng năm và cấp đột xuất khi có lụt, bão xẩy ra.
Đầu tư xây dựng cơ bản đê điều
và công trình phòng, chống lụt, bão.
Duy tu, bảo dưỡng đê điều, công
trình phòng, chống lụt, bão và các công trình cảnh báo lụt, bão.
Xử lý đột xuất các sự cố đê điều,
công trình phòng, chống lụt, bão và khắc phục hậu quả lụt, bão.
2. Quỹ phòng, chống lụt, bão của
địa phương do nhân dân đóng góp theo quy định chung của Chính phủ gồm các đối
tượng sau đây:
- Cá nhân (không lấy công nghĩa
vụ theo Pháp lệnh lao động công ích đưa vào Quỹ này).
- Doanh nghiệp đóng ở địa phương
(bao gồm Doanh nghiệp Nhà nước do Trung ương hoặc địa phương quản lý và Doanh
nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác).
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành có
liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mức đóng góp quỹ
phòng, chống lụt, bão hàng năm của địa phương.
4. Các nguồn tài trợ của các Tổ
chức thuộc Liên Hiệp Quốc, của các nước và của các tổ chức phi Chính phủ; các
khoản cứu trợ khẩn cấp của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước khi có
thiên tai lụt, bão xẩy ra.
Điều 28.-
Ngân sách Nhà nước cấp thường xuyên được sử dụng vào việc đầu tư xây dựng, củng
cố, sửa chữa công trình phòng, chống lụt, bão; trang thiết bị cho công tác dự
báo, cảnh báo, chi phí cho công tác chỉ huy, chỉ đạo điều hành phòng, chống lụt,
bão.
Ngân sách Nhà nước cấp đột xuất
trích từ nguồn kinh phí dự trữ quốc gia được Chính phủ xét duyệt trợ cấp cho
các địa phương bị thiên tai phá hoại lớn theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân
dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt,
bão Trung ương và các Bộ có liên quan khác.
Điều 29.- Quỹ
phòng, chống lụt, bão của địa phương do các tổ chức và nhân dân cư trú tại địa
phương đóng góp được thành lập, quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật.
Nghiêm cấm việc sử dụng quỹ
phòng, chống lụt, bão sai mục đích dưới bất kỳ hình thức nào.
Điều 30.-
Uỷ ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận và phân phối
các khoản cứu trợ lụt bão theo đúng đối tượng và mục đích. Các khoản kinh phí,
hàng cứu trợ sau khi phân phát phải báo cáo ngay với Chính phủ, Ban Chỉ đạo
phòng, chống lụt, bão Trung ương, Bộ Tài chính, thông báo trên các phương tiện
thông tin đại chúng và có báo cáo quyết toán hàng năm.
Nghiêm cấm việc sử dụng các khoản
cứu trợ vào các mục đích khác.
Điều 31.-
Vật tư dự phòng tại các Bộ, ngành để xử lý khẩn cấp khi xẩy ra sự cố đê điều,
khi có lụt, bão được quy định như sau:
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn:
- Được dự phòng bao tải, vải lọc,
rọ thép để khắc phục sự cố trong mùa mưa bão ở các công trình thuỷ lợi lớn.
- Được dành một phần kinh phí dự
trữ Nhà nước về thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, giống cây trồng, giống vật
nuôi để tham gia khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất nông nghiệp.
2. Bộ Giao thông vận tải được dự
phòng một số dầm cầu, phà, ca nô, và vật tư thiết yếu dùng để khắc phục sự cố,
đảm bảo giao thông ở một số tuyến đường chính trình Chính phủ phê duyệt.
3. Bộ Y tế được dự phòng một số
cơ số thuốc phòng dịch, chữa bệnh ở Trung ương và ở một số địa bàn thuận tiện
cho việc điều động phục vụ chống lụt, bão. Số thuốc này được luân chuyển sử dụng
hàng năm.
4. Bộ Công nghiệp được dự phòng
vật tư cần thiết cho việc khắc phục sự cố ở các nhà máy điện chính, đường dây
và trạm.
5. Ngành Bưu điện dự phòng vật
tư, thiết bị cần thiết cho việc khắc phục các sự cố thông tin bảo đảm thông tin
phục vụ chống lụt, bão thông suốt.
6. Bộ Thương mại dự phòng giấy dầu
và chất lợp khác phục vụ việc khắc phục hậu quả lụt, bão và hướng dẫn, kiểm tra
đôn đốc việc dự phòng các nhu yếu phẩm ở các khu vực xung yếu thường bị lụt,
bão gây ra ách tắc giao thông.
7. Các ngành sản xuất kinh doanh
được dành một phần kinh phí dự phòng vật tư phục vụ công tác chống lụt, bão.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài
chính cân đối, lập kế hoạch dự trữ các khoản vật tư này theo đề nghị của các Bộ
có liên quan để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Điều 32.-
Quỹ vật tư dự phòng của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm vật
tư của Nhà nước do địa phương quản lý và vật tư của nhân dân đóng góp để phục vụ
phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão ở địa phương.
Nghiêm cấm việc sử dụng quỹ dự
trữ vật tư phòng, chống lụt, bão sai mục đích.
Điều 33.- Bộ
Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn việc lập sổ sách, kiểm tra thu chi và thanh
quyết toán kinh phí, vật tư, hàng hoá đã sử dụng cho việc phòng, chống và khắc
phục hậu quả lụt, bão, hàng năm không phân biệt từ nguồn nào.
Chương 7:
THANH TRA CHUYÊN NGÀNH VỀ
PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO
Điều 34.-
Thanh tra chuyên ngành về phòng, chống lụt, bão thực hiện chức năng thanh tra
việc chấp hành pháp luật về phòng, chống lụt, bão, đề ra các biện pháp phòng ngừa,
ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống lụt, bão.
Cục trưởng Cục Phòng, chống lụt,
bão và quản lý đê điều Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giám đốc Sở Nông
nghiệp và Phát triển Nông thôn chịu trách nhiệm tổ chức và thực hiện nhiệm vụ
thanh tra về phòng, chống lụt, bão trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ quyền hạn
được giao.
Điều 35.-
Nội dung thanh tra phòng, chống lụt, bão bao gồm:
1. Thanh tra việc chấp hành pháp
luật và các văn bản pháp quy của Nhà nước về phòng, chống lụt, bão, các công việc
có liên quan đến phòng chống và khắc phục hậu quả lụt, bão.
2. Thanh tra việc xây dựng, tu bổ,
bảo vệ, sử dụng đê điều và công tác hộ đê, chống lụt.
3. Thanh tra việc thực hiện nhiệm
vụ quản lý và bảo vệ các hồ chứa nước lớn, các công trình phân lũ, chặn lũ,
thoát lũ và các công trình khác có liên quan đến công trình phòng, chống lụt,
bão;
4. Thanh tra việc quản lý và sử
dụng vật tư dự trữ phòng, chống lụt, bão.
5. Thanh tra các hoạt động khác
có liên quan đến pháp luật phòng chống lụt, bão.
Điều 36.-
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Tổng thanh tra
Nhà nước, Bộ trưởng - Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài
chính, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xây dựng mô hình tổ chức và
quy chế hoạt động của thanh tra chuyên ngành về công tác phòng, chống lụt, bão
trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Chương 8:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 37.-
Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Nghị định
này đều bãi bỏ.
Điều 38.-
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ,
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm
thi hành Nghị định này.