THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
175/2003/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 29 tháng 8 năm 2003
|
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 175/2003/QĐ-TTG NGÀY 29 THÁNG 8
NĂM 2003 VỀ PHÊ DUYỆT "CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG BẢO HIỂM VIỆT NAM
TỪ NĂM 2003 ĐẾN NĂM 2010"
THỦ TUỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Kinh doanh bảo hiểm ngày 09 tháng 12 năm 2000;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại tờ trình số 43/TTr-BTC ngày 07
tháng 5 năm 2003 và công văn số 7813 TC/TCNH ngày 29 tháng 7 năm 2003,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt "Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam từ năm 2003
đến năm 2010" với những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Mục tiêu
Phát triển thị trường bảo hiểm
toàn diện, an toàn và lành mạnh nhằm đáp ứng nhu cầu bảo hiểm cơ bản của nền
kinh tế và dân cư; bảo đảm cho các tổ chức, cá nhân được thụ hưởng những sản phẩm
bảo hiểm đạt tiêu chuẩn quốc tế; thu hút các nguồn lực trong nước và nước ngoài
cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao năng lực tài chính, kinh doanh
của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh
và hội nhập quốc tế.
Nhà nước quản lý, giám sát hoạt
động kinh doanh bảo hiểm theo pháp luật Việt Nam và phù hợp với các nguyên tắc,
chuẩn mực quốc tế.
2. Một số chỉ
tiêu chủ yếu
a) Tổng doanh thu phí bảo hiểm
tăng bình quân khoảng 24%/năm; trong đó, bảo hiểm phi nhân thọ tăng khoảng
16,5%/năm và bảo hiểm nhân thọ tăng khoảng 28%/năm. Tỷ trọng doanh thu phí của
toàn ngành bảo hiểm so với GDP là 2,5% năm 2005 và 4,2% năm 2010.
Đến năm 2010, tổng dự phòng nghiệp
vụ của các doanh nghiệp bảo hiểm tăng khoảng 12 lần; tổng vốn đầu tư trở lại nền
kinh tế tăng khoảng 14 lần so với năm 2002.
b) Tạo công ăn việc làm cho khoảng
150.000 người vào năm 2010. Nộp ngân sách Nhà nước giai đoạn 2003 - 2010 tăng
bình quân 20%/năm.
3. Những giải
pháp chủ yếu
a) Về cơ chế chính sách
- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế,
chính sách về hoạt động kinh doanh bảo hiểm để thị trường phát triển lành mạnh,
an toàn, phù hợp với yêu cầu hội nhập; bảo đảm tính chủ động và tự chịu trách
nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.
- Nhà nước có chính sách
khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm nhân thọ, ưu tiên phát triển các sản
phẩm bảo hiểm nhân thọ có tính chất đầu tư dài hạn; khuyến khích các doanh nghiệp
bảo hiểm nghiên cứu triển khai các sản phẩm bảo hiểm nông, lâm, ngư nghiệp; chú
trọng mở rộng phạm vi hoạt động đến các vùng sâu, vùng xa.
- Phát triển mạng lưới đại lý bảo
hiểm chuyên nghiệp, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và các kênh phân phối khác.
Đa dạng hoá các loại hình doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, Nhà nước không trực
tiếp đầu tư thêm vốn vào lĩnh vực môi giới bảo hiểm.
- Doanh nghiệp bảo hiểm được
thành lập quỹ đầu tư, quỹ tín thác và công ty quản lý quỹ theo qui định của
pháp luật. Các doanh nghiệp bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng phí bảo
hiểm thu được để đầu tư tại Việt Nam được áp dụng các cơ chế, chính sách về đầu
tư như các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước.
- Nhà nước có cơ chế, chính sách
để các doanh nghiệp bảo hiểm tự bổ sung vốn điều lệ cho phù hợp với tính chất
hoạt động và quy mô kinh doanh của doanh nghiệp.
- Khuyến khích các doanh nghiệp
bảo hiểm hiện đại hoá công nghệ quản lý kinh doanh, đào tạo đội ngũ cán bộ có đủ
trình độ theo các chuẩn mực quốc tế, được thuê chuyên gia trong nước và ngoài
nước để quản lý một số lĩnh vực hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.
b) Về tổ chức hoạt động của các
doanh nghiệp
- Sắp xếp các doanh nghiệp bảo
hiểm trong nước hiện có, bảo đảm nâng cao năng lực kinh doanh, phát triển các sản
phẩm bảo hiểm, mở rộng thị phần, thị trường. Các thành phần kinh tế không thuộc
kinh tế nhà nước có đủ các điều kiện theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm,
được thành lập công ty cổ phần bảo hiểm.
Các doanh nghiệp nhà nước không
được sử dụng vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp bảo hiểm mới và góp vốn
thành lập công ty cổ phần bảo hiểm mang tính chuyên ngành.
- Cho phép các doanh nghiệp có vốn
đầu tư nước ngoài mở rộng nội dung, phạm vi hoạt động, tăng vốn điều lệ, nếu đủ
điều kiện theo quy định của pháp luật.
- Việc cấp phép thành lập cho
các công ty bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam phải phù hợp
với quy mô, yêu cầu phát triển của thị trường, lộ trình hội nhập và các cam kết
quốc tế. Chú trọng đến các công ty bảo hiểm thuộc các nước có quan hệ thương mại
và đầu tư với Việt Nam, các công ty có năng lực tài chính, trình độ công nghệ,
kinh nghiệm hoạt động bảo hiểm và có đóng góp vào sự phát triển thị trường bảo
hiểm Việt Nam.
- Khuyến khích các doanh nghiệp
trong nước mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh, kể cả ở thị trường bảo hiểm quốc
tế và khu vực, tham gia góp vốn vào các công ty bảo hiểm, môi giới bảo hiểm,
tái bảo hiểm đang hoạt động thành công ở nước ngoài và thành lập các công ty
con kinh doanh bảo hiểm ở nước ngoài.
c) Tăng cường vai trò quản lý của
Nhà nước
- Đổi mới phương thức và nâng
cao năng lực quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tiến dần tới
thực hiện các nguyên tắc và chuẩn mực quản lý bảo hiểm quốc tế. Nhà nước giám
sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm thông qua hệ thống các chỉ tiêu về hoạt động
của các doanh nghiệp bảo hiểm và kiểm tra, xử lý vi phạm theo pháp luật, không
can thiệp hành chính vào hoạt động của các doanh nghiệp.
- Kiện toàn bộ máy tổ chức của
Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam để Hiệp hội thực hiện được vai trò cầu nối giữa
doanh nghiệp bảo hiểm và các cơ quan quản lý nhà nước.
Điều 2.
Tổ chức thực hiện
1. Giao Bộ trưởng Bộ Tài chính
chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển thị trường bảo
hiểm từ năm 2003 đến năm 2010 đã được phê duyệt.
2. Các Bộ liên quan có trách nhiệm
phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện các phương án sắp xếp lại những doanh nghiệp
bảo hiểm trực thuộc theo các quy định pháp luật hiện hành và Chiến lược đã được
phê duyệt.
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 4.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ,
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này.