1. Bãi bỏ 01 ví dụ của Thông tư 219/2013/TT-BTC về thuế GTGT
Từ ngày 15/10/2018, Thông tư 82/2018/TT-BTC về bãi bỏ nội dung ví dụ 37 quy định tại điểm a.4 Khoản 10 Điều 7 Thông tư 219/2013/TT-BTC chính thức có hiệu lực thi hành.
Theo đó, nội dung của ví dụ 37 về xác định giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng bị bãi bỏ cụ thể như sau:
Ví dụ 37: Tháng 8/2013 Công ty A nhận chuyển nhượng (mua) 200m2 đất của cá nhân B ở Khu dân cư Bình An thuộc tỉnh X với giá chuyển nhượng là 6 tỷ đồng.
Công ty A có hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có công chứng phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai, chứng từ thanh toán tiền cho cá nhân B số tiền 6 tỷ đồng. Công ty A không đầu tư xây dựng gì trên mảnh đất này.
Tháng 10/2014, Công ty A chuyển nhượng mảnh đất mua từ cá nhân B nêu trên với giá 9 tỷ đồng (bán lại với giá 9 tỷ đồng) thì Công ty A thực hiện lập hóa đơn GTGT và kê khai, nộp thuế GTGT, giá đất được trừ trong giá tính thuế GTGT là giá đất tại thời điểm nhận chuyển nhượng (6 tỷ đồng).
Các nội dung khác quy định tại điểm a.4 Khoản 10 Điều 7 Thông tư 219/2013/TT-BTC được tiếp tục thực hiện.
2. Quy định mới về tiếp nhận, phân loại xử lý khiếu nại trong TTHS
Đây là nội dung nổi bật tại Thông tư liên tịch 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT về phối hợp thi hành một số quy định của Bộ luật TTHS về khiếu nại, tố cáo có hiệu lực từ ngày 19/10/2018.
Theo đó, khi tiếp nhận khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết, tùy từng trường hợp cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, xử lý như sau:
- Khiếu nại đủ điều kiện thụ lý thì phải thụ lý để giải quyết theo quy định và thông báo việc thụ lý bằng văn bản đến người khiếu nại;
- Khiếu nại không đủ điều kiện thụ lý thì trả lại đơn và nêu rõ lý do;
- Khiếu nại chưa đủ thông tin, tài liệu về điều kiện thụ lý thì yêu cầu người khiếu nại bổ sung;
- Khiếu nại có nhiều nội dung và thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan thì hướng dẫn cho người khiếu nại viết thành đơn riêng.
Ngoài ra, Thông tư liên tịch 02 cũng quy định rõ cách xử lý khi tiếp nhận các khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết.
3. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước phải niêm yết công khai lịch tiếp dân
Nội dung này được quy định tại Thông tư 12/2018/TT-BTP hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý (TGPL) và quản lý chất lượng vụ việc TGPL có hiệu lực từ ngày 12/10/2018.
Theo đó, Trung tâm TGPL nhà nước có trách nhiệm niêm yết công khai tại trụ sở làm việc các nội dung sau:
- Lịch tiếp người được TGPL;
- Nội quy tiếp người được TGPL;
- Người thuộc diện được TGPL;
- Danh sách người thực hiện TGPL của Trung tâm;
- Nội dung khác (nếu cần thiết).
Ngoài ra, đối với tổ chức ký hợp đồng thực hiện TGPL và tổ chức đăng ký tham gia TGPL cũng phải niêm yết công khai tại trụ sở làm việc các nội dung theo quy định trên.
4. Điều chỉnh trợ cấp hàng tháng với quân nhân đã xuất ngũ
Thông tư 138/2018/TT-BQP hướng dẫn điều chỉnh trợ cấp hàng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc có hiệu lực từ ngày 14/10/2018.
Theo đó, điều chỉnh tăng thêm 6,92% trên mức trợ cấp hàng tháng của tháng 6/2018 đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo quy định. Cụ thể như sau:
- Từ đủ 15 năm đến dưới 16 năm: 1.764.000 đồng/tháng;
- Từ đủ 16 năm đến dưới 17 năm: 1.844.000 đồng/tháng;
- Từ đủ 17 năm đến dưới 18 năm: 1.925.000 đồng/tháng;
- Từ đủ 18 năm đến dưới 19 năm: 2.005.000 đồng/tháng;
- Từ đủ 19 năm đến dưới 20 năm: 2.085.000 đồng/tháng.
Mức trợ cấp hàng tháng trên được thực hiện từ ngày 01/7/2018.
>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY