1. 05 trường hợp thu hồi chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ, công chức
Ngày 08/01/2018, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 01/2018/TT-BNV hướng dẫn Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức sau khi hoàn thành các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc bị thu hồi chứng chỉ bồi dưỡng trong các trường hợp sau:
- Có sự gian lận trong việc chiêu sinh, học tập;
- Cấp cho người không đủ điều kiện;
- Cấp không đúng thẩm quyền;
- Chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa;
- Để cho người khác sử dụng.
Cán bộ, công chức, viên chức vi phạm về in, cấp, quản lý và sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị kỷ luật theo quy định của Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức; bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có dấu hiệu tội phạm.
Ngoài ra, Thông tư này cũng quy định về việc tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở nước ngoài cũng như tiêu chuẩn, nhiệm vụ, chế độ làm việc và chính sách đối với giảng viên trong các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
2. 05 tiêu chí đánh giá giảng viên đào tạo cán bộ, công chức
Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 10/2017/TT-BNV về đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đó, sẽ áp dụng các tiêu chí sau để tiến hành đánh giá chất lượng đối với giảng viên chịu trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức:
- Kiến thức, bao gồm kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn;
- Phẩm chất đạo đức, nghề nghiệp thông qua việc thực hiện các nội quy, quy định và thái độ ứng xử với học viên;
- Trách nhiệm trong quá trình giảng dạy đơn cử như: hiểu rõ mục đích, yêu cầu của khóa bồi dưỡng; biên soạn bài giảng phục vụ giảng dạy,...
- Phương pháp giảng dạy thông qua cách truyền đạt nội dung các chuyên đề, mức độ liên hệ bài học với thực tiễn, sử dụng các phương tiện hỗ trợ giảng dạy,...
- Phương pháp kiểm tra, đánh giá của giảng viên thông qua việc lựa chọn nội dung thi, kiểm tra phù hợp với nội dung học, thực hiện chính xác, khách quan trong kiểm tra, đánh giá,...
Thông tư này cũng đồng thời đề ra các tiêu chí, chỉ báo để đánh giá chất lượng học viên, chương trình, cơ sở vật chất, khóa bồi dưỡng, hiệu quả sau bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
3. Nhiệm kỳ Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố có thể là 05 năm
Đây là nội dung nổi bật tại Thông tư 09/2017/TT-BNV sửa đổi Thông tư 04/2012/TT-BNV hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố.
Theo đó, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố có nhiệm kỳ 02 năm rưỡi hoặc 05 năm do UBND cấp tỉnh quy định thống nhất và phù hợp với điều kiện của từng địa phương (quy định hiện hành chỉ cho phép nhiệm kỳ 02 năm rưỡi).
Nếu do thành lập thôn mới, tổ dân phố mới hoặc khuyết Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố thì Chủ tịch UBND cấp xã cử Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố lâm thời điều hành hoạt động của thôn, tổ dân phố đến khi bầu được trong thời hạn không quá 06 tháng từ ngày có quyết định cử Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố lâm thời.
Cũng theo quy định này, nhiệm kỳ của Phó trưởng thôn, Tổ phó tổ dân phố thực hiện theo nhiệm kỳ của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố.
>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY