Hỗ trợ không phải là ưu đãi

27/08/2014 11:09 AM

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Chính phủ đã và đang áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ như miễn, giảm, dãn nộp thuế, giảm tiền thuê đất... Song, những biện pháp đó phát huy tác dụng rất ít. Nguyên nhân bao trùm của mọi nguyên nhân là, dường như các nhà làm chính sách đã có sự nhầm lẫn giữa chính sách hỗ trợ và chính sách ưu đãi.

Chính sách ưu đãi cho DN được quy định ở khá nhiều luật và điển hình là Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Chính sách ưu đãi được thực hiện nhằm một mục tiêu dài hạn, mang tính chiến lược với thời gian dài và đối tượng được ưu đãi thường rất hẹp về ngành nghề hoặc địa bàn hoạt động. Chẳng hạn, để phát triển kinh tế miền núi nhằm mục tiêu "miền núi tiến kịp miền xuôi" và khuyến khích các DN đổi mới công nghệ, Luật thuế TNDN quy định: Thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao được áp dụng thuế suất 10% trong thời gian 15 năm...

Ngược lại, chính sách hỗ trợ DN lại nhằm mục tiêu ngắn hạn, nhằm hỗ trợ các DN giải quyết những khó khăn chung, tạm thời như chính sách dãn nộp thuế GTGT, giảm thuế TNDN, giảm tiền thuê đất, hỗ trợ lãi suất tiền vay... trong một khoảng thời gian nhất định, thường là 6 tháng đến 1 năm.

Vì vậy, nếu áp đặt nguyên tắc của chính sách ưu đãi đối với chính sách hỗ trợ sẽ dẫn đến tác động lan toả rất yếu, mục tiêu hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN sẽ không đạt được. Chẳng hạn, Nghị quyết số 02/2012/NQ-CP của Chính phủ quy định: "Miễn thuế môn bài năm 2012 đối với hộ đánh bắt hải sản và hộ sản xuất muối; Giảm 30% thuế TNDN phải nộp năm 2012 đối với các DN nhỏ và vừa (...). Miễn thuế khoán giá trị gia tăng, thuế TNCN, thuế TNDN năm 2012 đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân với điều kiện giữ ổn định mức giá cho thuê phòng trọ, nhà trọ, giá trông giữ trẻ và giá cung ứng suất ăn ca như cuối năm 2011" chỉ có tác động đến một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng DN. Hơn nữa, nếu như chính sách ưu đãi thường kèm theo những điều kiện khá chặt chẽ là đúng, thì chính sách hỗ trợ có kèm theo những điều kiện khắt khe lại là "lợi bất cập hại" vì sẽ dẫn đến cơ chế "xin - cho", trong khi, do những biến động của kinh tế vĩ mô, những khó khăn của các DN là như nhau.

Từ năm 2012 đến nay, khó khăn chung lớn nhất của các DN là thị trường tiêu thụ. Tổng cầu của nền kinh tế rất yếu, DN tiêu thụ hàng rất khó khăn, dẫn đến nguy cơ thu hẹp quy mô sản xuất. Để hỗ trợ DN khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính có dự kiến trình Chính phủ áp dụng một số chính sách ưu đãi về thuế như: Miễn, giảm thuế cho các dự án đầu tư mới và những dự án đầu tư mới tại các khu công nghiệp, trừ TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh; xoá nợ thuế tồn đọng từ những năm trước với những điều kiện nhất định. Đó lại là một sự nhầm lẫn và chính sách hỗ trợ là chưa trúng đích.

Trong các sắc thuế hiện nay, thuế giá trị gia tăng (GTGT) có tác động trực tiếp đến khả năng tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ trên thị trường. Vì vậy, chỉ cần thực hiện việc giảm thuế GTGT (50%) đối với tất cả hàng hoá, dịch vụ là có thể kích thích nhu cầu, bao gồm cả nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng cá nhân. Chính sách này sẽ có sức lan toả rất rộng và không phát sinh những thủ tục phiền hà. Cùng với việc thực hiện chính sách hỗ trợ, cần tạo sự đồng bộ trong các chính sách khác, tránh sự triệt tiêu lẫn nhau; cải cách thủ tục hành chính và hạn chế tới mức thấp nhất các cuộc kiểm tra, thanh tra tại doanh nghiệp.

Luật gia Vũ Xuân Tiền

Theo Lao động

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,634

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn