Giải đáp 35 thắc mắc quan trọng liên quan đến người lao động

27/09/2016 11:34 AM

Sau đây là tổng hợp các giải đáp thắc mắc của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và cơ quan bảo hiểm xã hội… liên quan đến người lao động.

Người lao động

STT

Thắc mắc

Giải đáp

1

Chế độ với trường hợp đơn phương chấm dứt HĐLĐ

Ông Hoàng Xuân Nghiêm - Ban Quản lý chợ Đông Hà, TP. Đông Hà, tỉnh Quảng trị hỏi: Đơn vị tôi có trường hợp bà Dương Thị Xít, sinh ngày 5/6/1961, làm việc được 20 năm, thời gian đóng BHXH là 19 năm 11 tháng, 1 tháng không đóng BHXH do nghỉ ốm. Ngày 5/6/2016 bà Xít đã đủ 55 tuổi, nhưng không đủ điều kiện nghỉ hưởng chế độ hưu. Để tạo điều kiện cho người lao động được hưởng chế độ hưu trí, đơn vị tôi đã kéo dài hợp đồng lao động (HĐLĐ) với bà Xít đến hết tháng 7/2016 cho đủ 20 năm đóng BHXH. Sau đó đơn vị làm thủ tục nghỉ hưu, tuy nhiên bà Xít không chấp thuận và xin chấm dứt HĐLĐ trong tháng 6/2016. Vậy, nếu đơn vị tôi không thoả thuận được thời gian kéo dài thời hạn HĐLĐ đối với bà Xít và ra quyết định chấm dứt HĐLĐ thì có phải thanh toán trợ cấp thôi việc cho bà Xít không?

Theo Khoản 1, Điều 48 của Bộ luật Lao động, khi HĐLĐ chấm dứt theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10, Điều 36 của Bộ luật Lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

Căn cứ vào quy định nêu trên và nội dung câu hỏi về trường hợp của bà Xít, bà Dương Thị Xít và Ban Quản lý chợ Đông Hà thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại Khoản 3, Điều 36 của Bộ luật Lao động thì Ban Quản lý chợ Đông Hà có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho bà Xít theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn.

Bà Xít có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo đúng quy định tại Điều 37 của Bộ luật Lao động thì Ban Quản lý chợ Đông Hà có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho bà Xít. Trường hợp bà Xít đơn phương chấm dứt HĐLĐ không đúng quy định tại Điều 37 của Bộ luật Lao động (trái pháp luật) thì không được hưởng trợ cấp thôi việc.

Do không có HĐLĐ của bà Xít và thỏa ước tập thể lao động của Ban Quản lý chợ Đông Hà nên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội không có căn cứ để trả lời cụ thể. Do đó, đề nghị Ban Quản lý chợ Đông Hà liên hệ với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị để được hướng dẫn.

2

Thời gian bị kỷ luật có được tính hưởng BHXH?

Ông Trương Đức Chiến - TP. Hồ Chí Minh hỏi: Tôi công tác trong quân đội từ tháng 4/1974-2/1985. Tháng 3/1985, tôi chuyển ngành về làm việc tại công ty Nhà nước. Tháng 3/1993, tôi bị kỷ luật thôi việc. Tháng 10/2002, được tiếp nhận lại và đóng BHXH đến nay. Vậy, thời gian công tác của tôi từ ngày nhập ngũ tháng 4/1974 đến ngày bị buộc thôi việc (22/3/1993) và thời gian từ ngày 1/4/1993 đến ngày 1/10/2002 có được xác nhận là thời gian tham gia BHXH để giải quyết chế độ của người lao động không? Nếu được thì thủ tục hồ sơ gồm những gì?

Theo Điểm b, Khoản 1, Điều 23 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, người lao động có thời gian công tác gián đoạn hoặc đã nghỉ việc trước ngày 1/1/1995 thì việc xác định thời gian công tác để tính hưởng BHXH được thực hiện theo các văn bản quy định trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 1/1/1995 để hưởng BHXH.

Theo Khoản 14, Mục II Thông tư số 13/NV ngày 4/9/1972 của Bộ Nội vụ và tại Điểm 19 Khoản D Mục II Công văn số 169/BHXH ngày 17/2/1981 của Bộ Lao động – Thương binh quy định về việc tính thời gian công tác để hưởng BHXH đối với trường hợp công nhân, viên chức Nhà nước ngừng công tác vì bị kỷ luật buộc thôi việc thì thời gian công tác trước đó (tính cả thời gian công tác trong quân đội) không được tính là thời gian công tác để hưởng BHXH.

Theo thông tin, ông Chiến có thời gian công tác từ tháng 4/1974 đến 2/1985 phục vụ trong quân đội. Tháng 3/1985 chuyển ngành về Công ty Kinh doanh Xuất nhập khẩu Thủy sản (công ty Nhà nước). Tháng 3/1993, bị kỷ luật thôi việc. Như vậy, đối chiếu với quy định nêu trên thời gian công tác từ tháng 4/1974 đến tháng 2/1993 không được tính là thời gian công tác để hưởng BHXH.

Thời gian công tác có đóng BHXH được tính từ tháng 10/2002.

3

Điều kiện cộng thời gian công tác trong ngành công an

Ông Trần Huệ Anh - Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh hỏi: Tôi vào ngành công an từ năm 1976, đến năm 1992 nghỉ chế độ trợ cấp một lần, hiện làm việc tại Liên đoàn bóng đá TP. Hồ Chí Minh có đóng BHXH. Vậy, tôi có được hưởng tính thời gian phục vụ trong ngành công an không? Nếu được thì cần những giấy tờ gì và cơ quan nào giải quyết?

Trường hợp của ông Anh nếu vào ngành Công an làm việc theo diện công nhân viên chức và năm 1992 đã nghỉ hưởng trợ cấp thôi việc một lần thì thời gian làm việc trong ngành Công an của ông không được tính để hưởng BHXH.

Trường hợp ông là sỹ quan, chuyên môn kỹ thuật vào ngành từ năm 1976 đến năm 1992 nghỉ hưu hưởng trợ cấp 1 lần nếu chưa hưởng trợ cấp theo quy định tại Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc thì theo quy định tại Khoản 2, Điều 23 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ và Điều 33 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, thời gian từ năm 1976 đến năm 1992 sẽ được cộng với thời gian làm việc tại Liên đoàn Bóng đá TP. Hồ Chí Minh có tham gia BHXH để hưởng BHXH sau này.

Đề nghị ông Anh xuất trình hồ sơ giấy tờ gốc thể hiện quá trình công tác nêu trên và liên hệ với cơ quan BHXH nơi đơn vị ông đang làm việc đóng BHXH để được xem xét, giải quyết.

4

Có được truy lĩnh chế độ BHXH theo mức lương cơ sở mới?

Bà  Thùy Trang - Đà Nẵng hỏi: Theo Nghị định 47/2016/NĐ-CP thì mức lương cơ sở là 1.210.000 áp dụng kể từ ngày 1/5/2016, nhưng Nghị định này lại có hiệu lực kể từ ngày 15/7/2016. Vậy những đối tượng nghỉ sinh con và nghỉ dưỡng sức bắt đầu nghỉ từ ngày 1/5/2016 thì có được điều chỉnh lại mức chênh lệch từ 1.150.000 so với mức 1.210.000 hay không?

Theo quy định của Luật BHXHNghị định 47/2016/NĐ-CP, các chế độ BHXH có liên quan đến việc áp dụng mức lương cơ sở thì đều được áp dụng thực hiện từ ngày 1/5/2016. Những trường hợp đã giải quyết chế độ mà chưa được áp dụng mức lương cơ sở 1.210.000 đồng (do Nghị định chưa có hiệu lực thi hành và chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan thẩm quyền) cơ quan BHXH sẽ điều chỉnh trả bổ sung phần chênh lệch.

5

Ông Đỗ Văn Khuê ở Thôn Đông, Thái Học, Thái Thụy, Thái Bình hỏi: Tôi có thời gian tham gia công tác chưa được hưởng BHXH như sau:

- Từ tháng 8 năm 1972 đến tháng 12 năm 1975: Tham gia công tác trong quân đội (đã được bộ tư lệnh quân khu 3 và bộ chỉ huy quân sự tỉnh thái bình xác nhận không hưởng chế độ theo quyết định số 142/2008/QĐ-TTg và quyết định số 38/2010/QĐ-TTg để  tính nối thời gian hưởng chế độ BHXH gửi về Sở Nội vụ tỉnh Thái Bình và BHXH tỉnh Thái Bình từ tháng 1/2003).

Thời gian tham gia công tác tại địa phương

- Từ tháng 10/1981 đến tháng 3/1983: là xã  đội phó động viên

- Từ tháng 01/1985 đến tháng 12/1994: Ủy viên UB- Cán bộ giao thông thủy lợi ruộng đất xã Thái Học.

- Từ tháng 01/1995 đến tháng 01/1999 là Ủy viên - Trưởng ban Tài Chính xã Thái Học

Đã được UBND xã, Phòng Nội Vụ huyện và Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy xác nhận ngày 26/10/2011 và chuyển hồ sơ sang BHXH huyện Thái  Thụy làm thủ tục hưởng chế độ BHXH theo quy định của Nhà nước. Nhưng đến nay tôi vẫn chưa được hưởng chế độ gì và cũng không nhận được câu trả lời từ cơ quan Bảo Hiểm.

Vậy tôi xin hỏi thời gian công tác của tôi đã nêu trên theo chế độ quy định của Nhà nước tôi có được hưởng chế độ gì không, và thủ tục như thế nào, và trong thời gian bao lâu thì được giải quyết. (Đến nay tôi chưa được hưởng chế độ gì cả).

Tại Khoản 6 Điều 8 Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTB&XH ngày 27/5/2010 của liên Bộ: Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã quy định:

 “Cán bộ cấp xã có thời gian đảm nhiệm chức danh theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP, nếu công tác liên tục đến ngày 01/01/1998 và hưởng sinh hoạt phí theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP thì thời gian đảm nhiệm chức danh trước ngày 01/01/1998 được tính là thời gian đã đóng BHXH.

a) Trường hợp có thời gian công tác trong quân đội nhân dân, công an nhân dân đã phục viên, xuất ngũ trước ngày 15/12/1993 và không hưởng trợ cấp nghỉ việc một lần theo quy định tại Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08/11/2005; Quyết định số 92/2005/QĐ-TTg ngày 29/4/2005 và Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ thì được cộng nối thời gian công tác trong quân đội với thời gian giữ chức danh theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP để tính hưởng BHXH.

b) Trường hợp có thời gian là công nhân, viên chức Nhà nước chưa hưởng trợ cấp nghỉ việc một lần hoặc BHXH một lần, được điều động về xã giữ chức danh theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP thì được cộng nối thời gian là công nhân, viên chức Nhà nước với thời gian giữ chức danh theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP để tính hưởng BHXH.

c) Đối với cán bộ cấp xã thuộc chức danh quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP, nếu trước tháng 01/1998 được cơ quan có thẩm quyền cử đi học chuyên môn, chính trị, sau khi hoàn thành nhiệm vụ khóa học tiếp tục giữ chức danh theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP thì thời gian đi học này được tính thời gian công tác liên tục để tính hưởng BHXH.

đ) Đối với cán bộ cấp xã giữ chức danh theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP có thời gian gián đoạn trước tháng 01/1998 không quá 12 tháng thì được cộng nối thời gian công tác trước đó với thời gian công tác sau này để tính hưởng BHXH.”

Việc xem xét tính thời gian công tác đối với cán bộ xã phải căn cứ hồ sơ gốc thể hiện người lao động được giữ các chức danh theo quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP do đơn vị sử dụng lao động cung cấp. Để được biết thông tin, đề nghị Ông liên hệ với Ủy ban nhân dân huyện Thái Thụy đề nghị BHXH huyện Thái Thụy trả lời và hướng dẫn cụ thể.

6

Tên tôi là: Lương Thị Mến. Năm sinh: 24-4-1962 Quê quán: Trùng khánh, Cao Bằng Trú quán: Thôn Tam thịnh, Xã Eatam, Krông năng, Đắk lắk Tôi có đơn này xin kiến nghị với cơ quan BHXH với nội dung sau: Từ năm 1983 sau khi ra trường tôi đi dạy ở Thông Nông, tỉnh Cao Bằng.Năm 1990 tôi có hồ sơ chuyển vùng vào nam: đến nơi bị sốt rét, đau ốm lâu dài không đi dạy được hồ sơ quá hạn. Tháng 9-1995 tôi đi dạy hợp đồng với trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc xã Xuân Phú, huyện Eakar, tỉnh Đắk lắk liên tục 6 năm dạy học ở huyện EaKar chưa được nghỉ BHXH.

Tháng 9-2002 tôi có quyết định chuyển đi công tác tại huyện Krông Năng tỉnh Đắk Lắk từ đó tôi được nghỉhưởng BHXH cho đến nay.

Tôi xin hỏi cấp lãnh đạo xem xét lại.

Thời gian tôi công tác ở Cao Bằng từ tháng 9-1983 đến tháng 9-1990 là 7 năm dạy chính thức trong biên chế nhà nước.Tôi chưa được hưởng chế độ nào cả, trợ cấp một lần chưa nhận vậy có được cộng vào BHXH không?

Tháng 9-1996 đến tháng 9-2002 dạy hợp đồng với Phòng giáo dục huyện EaKar, Đắk Lắk. đi dạy liên tục 6 năm có hưởng lương và đóng BHXH.

Trong sổ gốc BHXH huyện Eakar có ghi cho tôi một năm từ tháng 01/1999 đến tháng 12/1999, còn năm 5 không ghi. Đến tháng 4/2017 tuổi đời tôi đủ 55 tuổi là nghỉ hưu mà không được nhận sổ hưu.

Vậy tôi có đơn này xin quý cấp trên giúp đỡ tôi, để tôi được hưởng chế độ 7 năm công tác tại tỉnh Cao Bằng và 5 năm công tác ở Eakar vào sổ BHXH để tôi được nhận sổ hưu.

Tôi xin chân thành cảm ơn.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 23 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, thì:

 “Người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01/01/1995 mà được tính là thời gian công tác liên tục nhưng chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, BHXH một lần thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng BHXH. Cụ thể:

a) Người lao động làm việc trong khu vực nhà nước liên tục công tác đến ngày 01/01/1995 mà chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, BHXH một lần thì thời gian làm việc trước ngày 01/01/1995 đó được tính là thời gian đã đóng BHXH;

b) Người lao động có thời gian công tác gián đoạn hoặc đã nghỉ việc trước ngày 01/01/1995 thì việc xác định thời gian công tác để tính hưởng BHXH được thực hiện theo các văn bản quy định trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 01/01/1995 để hưởng BHXH, trừ quy định tại Điều 3 của Nghị định số 66/CP ngày 30/9/1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ BHXH đối với lực lượng vũ trang; Điều 3 của Nghị định 43/CP ngày 22/6/1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ BHXH; Điều 54 của Điều lệ BHXH ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính phủ; Điều 49 Điều lệ BHXH đối với sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ Quân đội nhân dân và Công an nhân dân ban hành kèm theo Nghị định số 45/CP ngày 15/7/1995 của Chính phủ và Khoản 4 Điều 139 của Luật BHXH năm 2006.”

Việc tính thời gian công tác để tính hưởng BHXH căn cứ vào hồ sơ, lý lịch gốc của Bà và quy định của chính sách, cụ thể:

- Thời gian làm việc trước năm 1995 phải căn cứ hồ sơ và quy định về tính thời gian công tác để hưởng BHXH trước ngày 01/01/1995.

- Về thời gian làm việc từ tháng 9/1996 đến tháng 9/2002 nếu Bà thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc và đã đóng BHXH thì được ghi sổ BHXH để tính hưởng BHXH.

Đề nghị Bà liên hệ với đơn vị đang công tác, hoàn thiện hồ sơ nộp tại BHXH địa phương để được hướng dẫn, xem xét và trả lời cụ thể.

7

Tôi là Nguyễn Bích Việt (bichviet205@gmail.com) - Cty TNHH XDCT 54 xin được hỏi: Đơn vị tôi có lao động có thời gian công tác như sau: Từ 9/1974 đến 5/1980: Chiến sỹ - Học viên trường Đại học KTQS.

Từ 6/1980 đến 2/1986: Trợ lý công binh mặt trận 579 - QK5 (chiến trường Căm pu Chia).

Từ 3/1986 đến 10/1988 : Trợ lý công binh - Bộ tham mưu QK5.

Từ 11/1988  đến 01/1991 đi hợp tác lao động ở Liên xô (làm đội trưởng).

Sau khi về nước Bộ quốc phòng ra quyết định phục viên do Cục trưởng cục cán bộ - Tổng cục Chính trị - Bộ quốc phòng ký ngày 22/6/1991 và có cấp thêm một "Giấy chứng nhận (thời gian đi HTLĐ ở nước ngoài)" số 356/HTLĐ ngày 22/6/1991 trong đó có ghi rõ "Thời gian trên chưa được thanh toán theo chế độ của nhà nước".

Hiện đơn vị đã làm thủ tục bổ sung thời gian công tác cho lao động này theo Quyết định số 959 của BHXH Việt Nam ngày 9/9/2015 nhưng BHXH chỉ  cộng thời gian ở bộ đội là 14 năm 02 tháng còn thời gian đi hợp tác lao động là 02 năm 02 tháng thì không được tính. Đơn vị đã làm việc với BHXH TP Hà Nội và được trả lời "Thiếu giấy xác nhận chưa nhận chế độ trợ cấp một lần, trợ cấp phục viên xuất ngũ sau khi về nước của cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý người lao động trước khi đi công tác, làm việc có thời gian ở nước ngoài " (điểm a mục 1.2 điều 1 phụ lục 01 kèm theo QĐ 959).

Việc này người lao động đã về Bộ Quốc phòng nơi ra QĐ phục viên để xin thì được trả lời là về địa phương. Người lao động về địa phương (nơi đăng ký quân dự bị sau khi xuất ngũ ) thì được trả lời không có văn bản nào để họ xác nhận. Do QK 5 ở xa tận Đà Nẵng nên người lao động nhờ người đến Bộ Tham mưu xin xác nhận hộ thì được trả lời đây là sĩ quan có số do Bộ Quốc phòng quản lý và sau khi đi HTLĐ về BQP đã ra QĐ phục viên thì quân số này do BQP quản lý và họ không xác nhận.

Hỏi: Trường hợp này người lao động lấy xác nhận ở đâu? Ai cấp? Giấy chứng nhận chưa được thanh toán theo chế độ của nhà nước do Bộ Quốc phòng cấp không có tác dụng gì hay là thế nào?

Tại điểm 3.1 Khoản 3 Điều 35 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có quy định về hồ sơ đề nghị tính thời gian công tác của người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, gồm có:

-  Bản chính “Thông báo chuyển trả” hoặc “Quyết định chuyển trả” của Cục Hợp tác quốc tế về lao động (nay là Cục Quản lý lao động ngoài nước) cấp;

Trường hợp không còn bản chính “Thông báo chuyển trả” hoặc “Quyết định chuyển trả” thì phải có Giấy xác nhận về thời gian đi hợp tác lao động để giải quyết chế độ BHXH của Cục Quản lý lao động ngoài nước trên cơ sở đơn đề nghị của người lao động (theo Mẫu số 1 và số 2 ban hành kèm theo Thông tư này).

-  Giấy xác nhận chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc, trợ cấp một lần (hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp phục viên, xuất ngũ đối với trường hợp quân nhân, công an nhân dân phục viên, xuất ngũ, thôi việc trong khoảng thời gian ngày 15/12/1993 đến ngày 31/12/1994) sau khi về nước của cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý người lao động trước khi đi công tác, làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Trường hợp cơ quan, đơn vị đã giải thể thì cơ quan, đơn vị quản lý cấp trên trực tiếp xác nhận.

Để được trả lời về việc cấp Giấy xác nhận, đề nghị Ông liên hệ với bộ phận tiếp dân của Bộ Quốc phòng để được hướng dẫn cụ thể. BHXH Việt Nam là cơ quan tổ chức thực hiện nên phải căn cứ hồ sơ theo quy định để xem xét giải quyết.

8

Công việc nào thuộc danh mục độc hại trong lĩnh vực y tế?

Ông Nguyễn Xuân Duy - Hà Nội hỏi: Xin hỏi: Hiện nay văn bản nào quy định đầy đủ danh mục công việc độc hại, nguy hiểm để làm cơ sở thực hiện chế độ phụ cấp, bồi dưỡng cho nhân viên y tế?

Danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc lĩnh vực y tế được quy định tại các văn bản:

Quyết định số 915/LĐTBXH-QĐ ngày 30/7/1996 của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành tạm thời danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc,độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Quyết định số 3303/QĐ-BYT ngày 11/7/2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tạm thời danh mục nghề, công việc được bồi dưỡng chống độc hại.

9

Trợ cấp 1 lần với đối tượng trực tiếp tham gia chiến tranh

Ông Nguyễn Đức Hùng - TP. Hồ Chí Minh hỏi:

Tôi nhập ngũ tháng 8/1978, tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc, xuất ngũ năm 1982. Tôi xin hỏi, tôi có được hưởng chế độ theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg không?

Theo quy định tại Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành về chế độ, chính sách đối với đối tượng trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc, nếu ông Hùng có thời gian tham gia chiến tranh ở biên giới phía Bắc thuộc đơn vị, địa bàn, thời gian theo quy định và hiện không thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động, chế độ bệnh binh hàng tháng hoặc không thuộc diện đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước có tham gia BHXH bắt buộc thì thuộc đối tượng được xem xét, xét hưởng chế độ theo quy định tại Quyết định nêu trên.

Chi tiết cụ thể, đề nghị ông Hùng liên hệ trực tiếp với UBND phường nơi cư trú để được hướng dẫn, giải quyết theo quy định.

10

Cán bộ không chuyên trách cấp xã đóng hưởng BHXH thế nào?

Bà Trần Thị Hồng Mai - TP. Đà Nẵng hỏi: Tôi là cán bộ không chuyên trách ở phường từ năm 2006, từ đó đến nay đều đóng BHXH để hướng 5 chế độ: Hưu trí, thai sản, ốm đau, tử tuất, thất nghiệp. Đến nay phường nơi tôi làm việc chỉ đóng BHXH cho tôi để hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Tôi xin hỏi, quy định cụ thể về việc đóng BHXH để hưởng chế độ như thế nào?

Căn cứ quy định tại Điểm I, Khoản 1, Điều 2; Khoản 1, Điều 85; Khoản 3, Điều 86 Luật BHXH năm 2014, trường hợp bà Mai là cán bộ không chuyên trách ở phường từ ngày 1/1/2016 thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc để hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

Hàng tháng đóng BHXH bắt buộc bằng 22% mức lương cơ sở vào quỹ hưu trí và tử tuất, trong đó, bà Mai đóng bằng 8%, UBND phường nơi bà Mai công tác đóng bằng 14%.

35

Thời gian công tác tính hưởng BHXH

Bà Hồ Thị Phi Nga - Thành phố Hồ Chí Minh: Tôi làm việc tại là Xí nghiệp Nguyên liệu và Vật tư từ ngày 13/6/1981 đến ngày 31/12/1993. Năm 1994, là Xí nghiệp Nguyên liệu và Vật tư sáp nhập vào công ty Giấy Đồng Nai nên tôi chuyển về Chi nhánh Hà Nội – Công ty Thương mại Tổng hợp Sài Gòn. Năm 1997 Chi nhánh Hà Nội – Công ty Thương mại Tổng hợp Sài Gòn bị giải thể, tôi nghỉ việc nhưng chưa được hưởng bất cứ chế độ chính sách gì. Nay, tôi đề nghị cơ quan có thẩm quyền tính thời gian làm việc của tôi từ tháng 6/1981 đến năm 1994 là thời gian hưởng BHXH.

Theo như trình bày trong đơn, bà Nga có thời gian công tác tại Xí nghiệp Nguyên liệu thuộc XNLH Giấy Gỗ Diêm (sau là Xí nghiệp Nguyên liệu và Vật tư, Xí nghiệp Vận tải Nguyên liệu Giấy số 1) từ tháng 6/1981 đến đầu năm 1994. Sau đó bà chuyển đến công tác tại Chi nhánh Hà Nội thuộc Công ty Thương mại Tổng hợp Sài Gòn đến năm 1997 thôi việc.

Theo quy định, cơ sở pháp lý để cơ quan BHXH xem xét quá trình công tác được tính hưởng BHXH của người lao động là phải căn cứ vào các hồ sơ, giấy tờ gốc có liên quan để chứng minh quá trình làm việc và hưởng liên tục. Hồ sơ của bà hiện còn thiếu Quyết định chuyển công tác từ Xí nghiệp Vận tải Nguyên liệu Giấy số 1 đến Công ty Thương mại Tổng hợp Sài Gòn năm 1994, quyết định thôi việc tại Chi nhánh Hà Nội thuộc Công ty Thương mại Tổng hợp Sài Gòn và các quyết định xếp chuyển lương, nâng lương trong thời gian làm việc từ năm 1990 đến năm 1997.

Ngoài ra, từ tháng 1/1995 đến năm 1997, bà thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo Nghị định 12/CP ngày 26/1/1995 của Chính phủ nên chỉ trong trường hợp Chi nhánh Hà Nội thuộc Công ty Thương mại Tổng hợp Sài Gòn có tham gia BHXH cho bà thời gian trên thì mới đủ điều kiện để cơ quan BHXH xem xét việc cấp sổ BHXH và tính thời gian công tác cho bà./.

Tải về

Thanh Hữu (tổng hợp)

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 29,036

Bài viết về

Giải đáp thắc mắc về bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn