"Quản lý là phải tạo điều kiện cho DN kinh doanh"

15/09/2015 13:50 PM

Đồng tình rằng ngăn chặn tin nhắn rác là một thách thức thực sự, song Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho rằng các cơ quan quản lý khi xây dựng văn bản quy định cần tránh tư tưởng "ngăn sông cấm chợ", dựng lên những rào cản quá cao khiến ngay cả người dùng cũng không thể tiếp cận và sử dụng công nghệ được.

Nhà mạng cần nghiên cứu dịch vụ chặn tin rác cho thuê bao 

Thời gian qua, dư luận từng phản ánh nhiều lần về những quy định được ban hành theo kiểu "không quản lý được thì cấm". Đối với vấn đề quản lý tin nhắn rác, rất nhiều biện pháp kỹ thuật, kinh tế, quản lý hành chính, thanh kiểm tra đã được đề xuất, tuy vậy số lượng tin nhắn rác phát tán chỉ giảm nhẹ chứ chưa được giải quyết triệt để.

Tại cuộc họp về xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 77  liên quan đến chống tin nhắn rác sáng nay, 15/9, thứ trưởng Hưng một lần nữa khẳng định quan điểm quản lý của Bộ TT&TT là luôn phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, kinh doanh, cũng như tạo điều kiện cho người dùng tiếp cận công nghệ. Nếu trong quá trình áp dụng thực tế có nảy sinh bất cập thì cơ quan quản lý phải tìm cách tháo gỡ, xử lý - thay vì ngăn cấm ngay từ đầu.

Việc xây dựng Thông tư hướng dẫn đang bị chậm tiến độ, theo ông, là do đơn vị soạn thảo đã quá cầu toàn, muốn giải quyết toàn bộ vấn đề tin nhắn rác chỉ trong một văn bản. Trong khi đó, đây là một vấn đề đòi hỏi giải pháp tổng thể, cần có sự hợp lực của nhiều văn bản khác do các đơn vị có liên quan như Cục Viễn thông, Cục PTTH& Thông tin điện tử... ban hành.

Một trong những vướng mắc chính của việc quản lý, ngăn chặn tin nhắn rác hiện nay là vẫn chưa có một định nghĩa rõ ràng thế nào là tin nhắn rác để các bên có liên quan tham chiếu. Một số ý kiến cho biết định nghĩa hiện vẫn đang phải bám vào Luật CNTTra đời năm 2007, nhưng Thứ trưởng Hưng cho rằng, 8 năm với lĩnh vực CNTT là khoảng thời gian quá dài, nếu cứ bám vào những quy định cũ, coi đó là "chân lý" thì rất dễ rơi vào bế tắc, bất cập. "Cần rà soát lại văn bản, nội dung nào lạc hậu, bất cập thì phải hướng dẫn lại".

Bên cạnh đó, một giải pháp rất quan trọng, gần như là gốc rễ của việc chặn tin nhắn rác là quản lý thuê bao trả trước chặt chẽ hiện cũng đang còn vướng do thiếu cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đối chiếu, kiểm tra thông tin thuê bao đăng ký. Mặc dù vậy, Bộ TT&TT đang cố gắng sửa đổi Thông tư 04 về quản lý thuê bao trả trước để tăng tính khả thi và hiệu lực thực hiện cho văn bản này trong thực tế.

Tại cuộc họp sáng nay, đại diện Cục An toàn thông tin tiếp tục tái khẳng định sẽ không giới hạn số lượng tin nhắn một ngày mà người dùng có thể gửi, cũng như không quy định về tần suất tin nhắn trong Thông tư hướng dẫn. Đây cũng là nội dung đã được Thứ trưởng Lê Nam Thắng kết luận ngay trong phiên họp hồi đầu tháng 6.

Thay vào đó, Bộ TT&TT yêu cầu các nhà mạng đẩy nhanh các biện pháp kỹ thuật, tập trung xử lý các thuê bao sử dụng SIM Box hoặc phần mềm phát tán tin nhắn với tần suất cao trong giai đoạn đầu tiên. "Đây là những thuê bao gửi tin với tốc độ lớn, số lượng nhiều, tần suất cao... là đầu trò trong việc phát tán tin nhắn rác. Do đó, cần xác định dồn lực chặn SIM Box trước tiên, chứ nếu muốn cầu toàn, chặn đứng toàn bộ tin nhắn rác cùng lúc là điều rất khó", Thứ trưởng Thắng nêu quan điểm.

Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2015, MobiFone cho biết nhà mạng này đã chặn 170.000 thuê bao phát tán tin nhắn rác. Tương tự, đại diện VinaPhone cho hay, mạng này đã chặn 200.000 thuê bao trong cùng kỳ. Mặc dù vậy, trong hầu hết các trường hợp, nhà mạng thường "đi sau" những kẻ phát tán tin rác. Khi những kẻ này gửi hết sạch tiền trong tài khoản và vứt SIM đi, không dùng nữa thì nhà mạng mới phát hiện ra và khóa SIM, khiến cho việc vô hiệu hóa SIM không còn ý nghĩa. Do đó, nhà mạng cần tiến tới khóa SIM theo thời gian thực ngay trên hệ thống online.

Theo Vietnamnet

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,552

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn