Ngày 03/02/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 15/2025/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt
Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia (Hình từ internet)
- Hình thức, tổ chức quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia thực hiện theo quy định của pháp luật về đường sắt, pháp luật về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng và pháp luật khác có liên quan.
- Kinh phí quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do ngân sách nhà nước đảm bảo.
- Tổ chức thực hiện bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia:
+ Căn cứ tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá bảo trì, khối lượng công việc cần thực hiện, kế hoạch quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt và các căn cứ khác (nếu có) theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia lập dự toán chi ngân sách nhà nước về công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu tài sản đường sắt quốc gia (Bộ Giao thông vận tải) tổng hợp, trình cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật khác có liên quan.
Trên cơ sở quyết định giao dự toán ngân sách nhà nước của cơ quan; người có thẩm quyền, Bộ Giao thông vận tải giao dự toán ngân sách nhà nước về công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật khác có liên quan.
Doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia được thực hiện việc đấu thầu, đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công theo quy định của pháp luật; việc đấu thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu; việc đặt hàng thực hiện theo quy định của Chính phủ về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước.
+ Việc sử dụng, quyết toán chi ngân sách nhà nước về công tác quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật khác có liên quan.
- Trong quá trình quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, trường hợp phát sinh vật liệu, vật tư thu hồi từ việc quản lý, bảo trì thì việc xử lý vật liệu, vật tư thu hồi được thực hiện theo quy định về xử lý vật liệu, vật tư thu hồi từ thanh lý tài sản tại Nghị định này.
- Trường hợp cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia mà trong hợp đồng quy định trách nhiệm của bên thuê, bên nhận chuyển nhượng quyền khai thác tài sản thực hiện bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia thì bên thuê, bên nhận chuyển nhượng quyền khai thác tài sản có trách nhiệm thực hiện bảo trì theo quy định của pháp luật và hợp đồng ký kết bằng nguồn kinh phí của mình.
Vật liệu, vật tư thu hồi (nếu có) phát sinh trong trường hợp này thuộc về bên nhận thuê, bên nhận chuyển nhượng quyền khai thác tài sản.
(Điều 13 Nghị định 15/2025/NĐ-CP)
- Hồ sơ quản lý tài sản gồm:
+ Hồ sơ liên quan đến việc hình thành, biến động tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy định tại Nghị định này và pháp luật khác có liên quan; hồ sơ pháp lý về đất gắn với kết cấu hạ tầng đường sắt (nếu có) đối với trường hợp được cơ quan, người có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
+ Báo cáo kê khai; báo cáo tình hình quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy định tại Nghị định 15/2025/NĐ-CP.
+ Dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu về tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy định tại Nghị định này.
- Doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt có trách nhiệm lập hồ sơ, quản lý, lưu trữ hồ sơ về tài sản theo quy định đối với các hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 15/2025/NĐ-CP; thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Nghị định 15/2025/NĐ-CP.
Trách nhiệm lập, quản lý, lưu trữ đối với các hồ sơ đầu tư xây dựng, mở rộng, nâng cấp, cải tạo tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về đường sắt và pháp luật khác có liên quan..
(Điều 11 Nghị định 15/2025/NĐ-CP)
Nghị định 15/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 03/02/2025.
Dư Thị Quỳnh Như