Tạm đình chỉ công việc do xử lý kỷ luật lao động trong Doanh Nghiệp Tư Nhân
Hình từ Internet
1. Tạm đình chỉ công việc
- Doanh nghiệp tư nhân có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động khi xét thấy vụ việc vi phạm có tình tiết phức tạp và nếu người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây ra những khó khăn cho việc xác minh.
- Việc tạm đình chỉ công việc của người lao động chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc là thành viên.
- Thời hạn tạm đình chỉ không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt cũng không được quá 90 ngày.
- Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc. Trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật lao động, người lao động cũng không phải trả lại số tiền lương đã tạm ứng.
- Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, doanh nghiệp tư nhân phải nhận người lao động trở lại làm việc. Nếu người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động thì doanh nghiệp tư nhân phải trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc cho người lao động.
2. Thủ tục tạm đình chỉ công việc
Trường hợp 1: Nếu người lao động đang bị xem xét tạm đình chỉ LÀ THÀNH VIÊN tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở
Bước (1): Tổ chức đối thoại tại nơi làm việc
Doanh nghiệp tư nhân và tổ chức đại diện người lao động mà người lao động bị xem xét tạm đình chỉ công việc là thành viên có thể lựa chọn:
- Trao đổi bằng văn bản: giữa doanh nghiệp và tổ chức đại diện người lao động.
- Hoặc trao đổi trực tiếp: giữa đại diện đối thoại của bên doanh nghiệp và đại diện đối thoại của tổ chức đại diện người lao động.
Đại diện đối thoại của bên doanh nghiệp và đại diện đối thoại của tổ chức đại diện người lao động được xác định theo Danh sách thành viên đại diện tham gia đối thoại được doanh nghiệp tư nhân thực hiện định kỳ ít nhất 02 năm một lần và công bố công khai tại nơi làm việc.
>> Xem thêm Xây dựng quy chế dân chủ tại cơ sở.
Bước (2): Ban hành quyết định tạm đình chỉ công việc
- Thẩm quyền ban hành quyết định tạm đình chỉ công việc: Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân hoặc người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền ra quyết định tạm đình chỉnh công việc.
- Trên cơ sở tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động mà người lao động bị xem xét tạm đình chỉnh công việc là thành viên, người có thẩm quyền ban hành quyết định tạm đình chỉ công việc người lao động.
- Quyết định tạm đình chỉnh công việc phải đảm bảo:
+ Thời hạn tạm đình chỉ công việc: không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt cũng không được quá 90 ngày
+ Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.
Tham khảo Mẫu: Quyết định tạm đình chỉ công việc do xử lý kỷ luật lao động.
Bước (3): Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc
- Khi hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, doanh nghiệp tư nhân phải nhận người lao động trở lại làm việc.
- Trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật lao động, người lao động cũng không phải trả lại số tiền lương đã tạm ứng.
- Trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động thì được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc.
Trường hợp 2: Nếu người lao động đang bị xem xét tạm đình KHÔNG LÀ THÀNH VIÊN tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở
Doanh nghiệp tư nhân chỉ thực hiện bước (2) và bước (3) nêu trên do người lao động không là thành viên của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở nên không thực hiện được bước (1).
3. Khiếu nại về quyết định tạm đình chỉ công việc
Nếu người lao động nhận thấy quyết định tạm đình chỉ công việc mà doanh nghiệp đưa ra đối với mình là không thỏa đáng thì người lao động có quyền khiếu nại với người sử dụng lao động, với cơ quan có thẩm quyền về giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực lao động hoặc yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân theo thẩm quyền và trình tự giải quyết tranh chấp lao động cá nhân. Cụ thể như sau:
Thủ tục khiếu nại
- Khiếu nại lần đầu: Khiếu nại với doanh nghiệp tư nhân về quyết định tạm đình chỉ công việc. Nếu người lao động không đồng ý với quyết định giải quyết giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc đã hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu thì người lao động khiếu nại lần hai.
- Khiếu nại lần hai: Khiếu nại đến Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Thủ tục yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân
- Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động theo quy định tại Điều 188 Bộ luật Lao động.
- Trường hợp hết thời hạn hòa giải mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc trường hợp hòa giải không thành thì các bên tranh chấp có quyền lựa chọn một trong các hình thức giải quyết tranh chấp:
+ Yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết theo Điều 189 Bộ luật Lao động 2019.
+ Hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chưa xem được Căn cứ pháp lý được sử dụng, lịch công việc.
Nếu chưa là Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây