Tra cứu Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ngoài việc phải đáp ứng các quy định chung về đăng ký kinh doanh thì đối với một số ngành nghề, lĩnh vực, doanh nghiệp còn phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện nhất định. Tiện ích Tra cứu ngành nghề kinh doanh có điều kiện được xây dựng nhằm giúp Quý khách hàng thuận tiện trong việc nắm bắt thông tin về điều kiện, hồ sơ, thủ tục để tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các ngành nghề yêu cầu điều kiện cụ thể.
Quy định cụ thể về điều kiện để được hoạt động vận tải đường bộ quốc tế Việt Nam – Lào
1. Điều kiện hoạt động vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Lào
Hoạt động vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Lào (trong khuôn khổ Hiệp định vận tải đường bộ Việt Nam – Lào) cần đáp ứng các điều kiện sau:
1.1. Đối với phương tiện vận tải
(i) Phương tiện vận tải gồm ô tô, ô tô đầu kéo, rơmoóc, sơmi rơmoóc được kéo theo ô tô và các phương tiện chuyên dùng lưu thông trên đường bộ; có hệ thống tay lái nằm phía bên trái theo chiều xe chạy và được phân loại như sau:
- Phương tiện thương mại là phương tiện tham gia vào vận chuyển hành khách và hàng hoá có thu tiền hoặc phương tiện chuyên chở người hoặc hàng hoá phục vụ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;
- Phương tiện phi thương mại là phương tiện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động không vì mục đích kinh doanh, gồm: xe của các cơ quan, tổ chức đi công tác, xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe cứu hộ, xe thực hiện sứ mệnh nhân đạo (gọi chung là xe công vụ) và xe của cá nhân đi việc riêng (là xe chở người dưới 09 chỗ và xe pick-up).
(ii) Hai Bên ký kết công nhận lẫn nhau Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường định kỳ đối với phương tiện vận tải sử dụng cho vận tải qua biên giới được cấp bởi một Bên ký kết.
(iii) Phương tiện vận tải qua lại biên giới, ngoài biển đăng ký, phải gắn ký hiệu phân biệt quốc gia và phù hiệu liên vận giữa Việt Nam và Lào của quốc gia nơi xe đăng ký được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép liên vận giữa Việt Nam và Lào. Ký hiệu phân biệt quốc gia cho xe cơ giới của mỗi Bên ký kết như sau:
- Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào: LAO;
- Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: VN.
(iv) Phương tiện thương mại phải có niên hạn sử dụng phù hợp với quy định pháp luật của mỗi Bên ký kết.
(v) Phương tiện qua lại biên giới phải có bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với bên thứ ba phù hợp với luật pháp và các quy định của nước chủ nhà.
(vi) Phạm vi hoạt động của phương tiện
Các phương tiện vận tải được phép hoạt động qua lại các cặp cửa khẩu quy định tại Điều 23 Thông tư 37/2023/TT-BGTVT, trừ phương tiện vận tải khách du lịch chỉ được thực hiện qua các cặp cửa khẩu quốc tế quy định tại Điều 23 Thông tư 37/2023/TT-BGTVT.
(vii) Phương tiện phi thương mại phải có các giấy tờ hợp lệ, còn hiệu lực và xuất trình cho các cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu, bao gồm:
- Giấy chứng nhận đăng ký xe;
- Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường;
- Giấy phép liên vận;
- Giấy bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với bên thứ ba;
- Tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm nhập - tái xuất hoặc tạm xuất - tái nhập.
(viii) Phương tiện vận tải hành khách phải có các giấy tờ hợp lệ, còn hiệu lực và xuất trình cho các cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu, bao gồm:
- Các giấy tờ quy định tại khoản (vii) bên trên;
- Danh sách hành khách đối với phương tiện vận chuyển hành khách tuyến cố định theo mẫu tại Phụ lục IV hoặc Danh sách hành khách đối với phương tiện vận chuyển hành khách hợp đồng và vận tải khách du lịch theo mẫu Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư 37/2023/TT-BGTVT;
- Hợp đồng vận tải hành khách (đối với phương tiện vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch).
(ix) Phương tiện vận tải hàng hoá phải có các giấy tờ hợp lệ, còn hiệu lực và xuất trình cho các cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu, bao gồm:
- Các giấy tờ quy định tại khoản (vii) bên trên;
- Vận đơn;
- Tờ khai hải quan đối với hàng hoá;
- Giấy chứng nhận kiểm dịch động, thực vật.
(x) Ngoài Giấy phép liên vận, phương tiện vận tải chuyên chở hàng nguy hiểm, hàng có trọng tải hoặc kích thước vượt quá quy định khi vào lãnh thổ của Bên ký kết kia phải được cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết đó cấp Giấy phép vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng hoặc hàng nguy hiểm theo quy định.
(xi) Các giấy tờ quy định tại khoản (vii), (viii) và (ix) của Mục 1.1 phải được in bằng ngôn ngữ quốc gia và ngôn ngữ của Nước chủ nhà hoặc ngôn ngữ quốc gia và tiếng Anh. Trường hợp không được in bằng ngôn ngữ của Nước chủ nhà hoặc tiếng Anh thì phải kèm bản dịch tiếng Anh do cơ quan có thẩm quyền chứng thực hoặc công chứng.
>> Điều kiện, thủ tục để được cấp Giấy phép liên vận giữa Việt Nam - Lào được quy định tại Điều 25 Nghị định 119/2021/NĐ-CP.
1.2. Đối với lái xe và nhân viên phục vụ trên xe
(i) Lái xe qua lại biên giới phải mang theo các giấy tờ hợp lệ, còn hiệu lực khi xuất, nhập cảnh tại cửa khẩu và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chuyên ngành tại cửa khẩu như sau:
- Hộ chiếu hoặc giấy tờ đi lại quốc tế có giá trị thay hộ chiếu và thị thực do cơ quan có thẩm quyền cấp (trừ đối tượng được miễn thị thực);
- Giấy phép lái xe quốc gia hoặc giấy phép lái xe quốc tế phù hợp với loại xe mà mình điều khiển;
- Trong trường hợp hộ chiếu của lái xe và Giấy đăng ký phương tiện không do cùng một Bên ký kết cấp thì phải có thêm bản sao Hợp đồng lao động có thời hạn 01 năm trở lên của lái xe với doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc thẻ tạm trú hoặc chứng minh thư ngoại giao.
(ii) Nhân viên phục vụ trên xe qua lại biên giới phải mang theo hộ chiếu hoặc giấy tờ đi lại quốc tế có giá trị thay hộ chiếu và thị thực do cơ quan có thẩm quyền cấp (trừ trường hợp được miễn thị thực) còn hiệu lực khi xuất, nhập cảnh tại cửa khẩu và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chuyên ngành tại cửa khẩu.
(iii) Các giấy tờ quy định tại khoản (i) và (ii) của Mục 1.2 này phải được in bằng ngôn ngữ quốc gia và ngôn ngữ của Nước chủ nhà hoặc ngôn ngữ quốc gia và tiếng Anh. Trường hợp không được in bằng ngôn ngữ của Nước chủ nhà hoặc tiếng Anh thì phải kèm bản dịch tiếng Anh do cơ quan có thẩm quyền chứng thực hoặc công chứng.
Ảnh minh họa (Nguồn từ Internet)
2. Cấp giấy phép vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt Nam và Lào cho đơn vị kinh doanh vận tải Việt Nam
Đơn vị kinh doanh vận tải của Việt Nam có nhu cầu hoạt động vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt Nam - Lào thì cần phải được Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt và Lào.
2.1. Điều kiện về cấp giấy phép vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt Nam và Lào
Các doanh nghiệp có đủ điều kiện sau đây được cấp giấy phép hoạt động vận tải đường bộ quốc tế:
- Có đăng ký kinh doanh hoạt động vận tải đường bộ
- Năng lực hoạt động
+ Có kinh nghiệm từ 3 năm trở lên trong hoạt động vận tải nội địa tại nước mình;
+ Đối với vận tải hành khách tuyến cố định, phải có đủ số lượng phương tiện phù hợp với phương án kinh doanh trên tuyến.
- Năng lực chuyên môn:
Bên ký kết của người vận tải phải làm rõ và khẳng định năng lực của người vận tải trong việc quản lý kinh tế, cung ứng dịch vụ có chất lượng, cạnh tranh lành mạnh và vận hành an toàn doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải. Nhằm mục đích này, Bên ký kết của người vận tải sẽ yêu cầu người vận tải phải có năng lực trong các lĩnh vực sau đây:
+ Các vấn đề về pháp lý liên quan đến kinh doanh vận tải đường bộ (ví dụ như hợp đồng, nghĩa vụ pháp lý của người vận tải, luật doanh nghiệp, luật kế toán, luật lao động, luật thuế);
+ Quản lý hoạt động vận tải (tính toán chi phí và giá thành, biện pháp thanh toán và cấp tài chính, quy định về giá, bảo hiểm, môi giới vận tải, kỹ năng quản lý, tiếp thị);
+ Các điều kiện và yêu cầu về khả năng tiếp cận thị trường nếu có (ví dụ tiếp cận chuyên môn, chứng từ vận tải, cạnh tranh bình đẳng/chống phá giá);
+ Các vấn đề kỹ thuật liên quan đến hoạt động vận tải (kích cỡ và trọng lượng phương tiện, lựa chọn phương tiện, bảo dưỡng phương tiện, xếp dỡ hàng hóa, vận tải hàng nguy hiểm và hàng mau hỏng, các nguyên tắc bảo vệ môi trường trong giao thông đường bộ);
+ An toàn đường bộ (như các quy tắc đường bộ, an toàn giao thông đường bộ, phòng chống và giảm thiểu tai nạn đường bộ).
2.2. Thủ tục cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt và Lào
- Thành phần hồ sơ:
+ Giấy đề nghị cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt Nam và Lào theo Mẫu số 01 Phụ lục IV Nghị định 119/2021/NĐ-CP;
+ Phương án kinh doanh vận tải theo Mẫu số 02 Phụ lục IV Nghị định 119/2021/NĐ-CP.
- Thẩm quyền cấp giấy phép: Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải - Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Hình thức nộp hồ sơ: nộp 01 bộ hồ sơ đến một trong các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép nêu trên theo một trong các hình thức sau: Trực tiếp, trực tuyến, qua đường bưu chính.
- Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thực hiện cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt Nam và Lào. Trường hợp không cấp, phải thông báo bằng văn bản hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nêu rõ lý do.
>> Bên cạnh đó, trường hợp có nhu cầu khai thác tuyến vận tải hành khách cố định giữa Việt Nam và Lào, đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện đăng ký khai thác theo quy định tại Điều 28 Nghị định 119/2021/NĐ-CP.
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chưa xem được Căn cứ pháp lý được sử dụng, lịch công việc.
Nếu chưa là Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Công việc tương tự:
- Điều kiện đối với kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định
- Điều kiện để được kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt
- Điều kiện đối với kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
- Điều kiện để được kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng và du lịch
- Điều kiện để được kinh doanh vận tải hàng hóa
- Điều kiện để được hoạt động vận tải đường bộ Việt Nam – Trung Quốc