Tra cứu Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ngoài việc phải đáp ứng các quy định chung về đăng ký kinh doanh thì đối với một số ngành nghề, lĩnh vực, doanh nghiệp còn phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện nhất định. Tiện ích Tra cứu ngành nghề kinh doanh có điều kiện được xây dựng nhằm giúp Quý khách hàng thuận tiện trong việc nắm bắt thông tin về điều kiện, hồ sơ, thủ tục để tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các ngành nghề yêu cầu điều kiện cụ thể.
Điều kiện để được sơ chế rau, quả tươi an toàn
Rau (bao gồm cả nấm), quả, chè búp tươi là sản phẩm rau, quả, chè búp trong quá trình sản xuất, sơ chế (chưa qua chế biến nhiệt hoặc đông lạnh);
Sơ chế rau, quả là việc cắt, tỉa, phân loại, làm sạch, đóng gói rau, quả tươi sau khi thu hoạch.
Rau, quả, chè búp tươi đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế (gọi tắt là rau, quả, chè búp tươi an toàn) là sản phẩm được sản xuất, sơ chế phù hợp với các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm quy định tại mục 2.1, 2.2 và 2.3 của QCVN 01-132:2013/BNNPTNT.
Tổ chức kinh doanh cơ sở sơ chế rau, quả tươi an toàn phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Điều kiện về địa điểm, cơ sở vật chất, nhân lực
(1) Địa điểm:
- Bố trí ở vị trí thuận tiện về giao thông, có khả năng thoát nước tốt.
- Không bị ảnh hưởng bởi các các nguồn gây ô nhiễm: khói, bụi, chất độc hại từ hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, sinh hoạt khu dân cư, bệnh viện, khu chăn nuôi, cơ sở giết mổ, nghĩa trang hoặc các khu vực ô nhiễm khác.
(2) Nhà xưởng:
- Diện tích phù hợp với nhu cầu và công suất của cơ sở.
- Khu vực sơ chế phải được bố trí theo nguyên tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm cuối cùng để tránh lây nhiễm chéo.
- Sàn nhà: Có bề mặt cứng, bền vững, làm bằng các vật liệu không thấm nước, không trơn, dễ làm vệ sinh và không đọng nước.
- Tường nhà: kín, không ngấm nước, dễ làm vệ sinh, tránh sự xâm nhập của động vật gây hại.
- Mái và trần nhà: kín, không thấm dột, hạn chế tích tụ và rơi vãi bụi bẩn.
- Cửa ra vào và cửa sổ: kín, dễ dàng làm vệ sinh, khử trùng.
- Khu vực sơ chế phải đảm bảo đủ ánh sáng. Đèn chiếu sáng được lắp đặt chụp bảo vệ an toàn.
(3) Nước:
- Hệ thống cấp nước, các vật dụng để chứa nước được làm bằng các vật liệu thích hợp không gây ô nhiễm nước dùng để sơ chế.
- Nước sơ chế phải đạt tiêu chuẩn chất lượng nước sinh hoạt theo QCVN 01-1:2018/BYT của Bộ Y tế.
(4) Thu gom và xử lý chất thải:
- Có dụng cụ thu gom, chứa chất thải, rác thải đảm bảo bền, kín, có nắp đậy.
- Có hệ thống thoát nước thải đảm bảo vệ sinh và bảo vệ môi trường.
(5) Vệ sinh cá nhân:
- Có chỗ rửa tay phù hợp, có nước sạch, chất tẩy rửa, khăn hoặc giấy lau tay.
- Có nhà vệ sinh tự hoại theo QCVN 01:2011/BYT của Bộ Y tế.
(6) Thiết bị, dụng cụ sơ chế rau, quả:
- Có các bồn rửa, giá để rau, quả, khay đựng, rổ rá, bàn sơ chế, bàn để sản phẩm, dụng cụ cắt tỉa sản phẩm. Tùy theo yêu cầu sơ chế, có máy sục ô-zôn và các vật dụng cần thiết khác.
- Các dụng cụ, bao bì tiếp xúc trực tiếp với rau, quả tươi phải làm bằng vật liệu đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh quy định tại QCVN 12-1:2011/BYT, QCVN 12-2:2011/BYT và QCVN 12-3:2011/BYT của Bộ Y tế. Các thiết bị, dụng cụ khác phải được vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi sơ chế.
(7) Yêu cầu về lao động:
- Chủ cơ sở và người lao động trực tiếp có Chứng chỉ tập huấn về an toàn thực phẩm trong sản xuất rau, quả, chè búp tươi do cơ sở được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao nhiệm vụ hoặc cơ sở có chức năng, nhiệm vụ đào tạo, tập huấn cấp (Tham khảo công việc: Cấp Giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm), và có trang phục bảo hộ lao động phù hợp cho người lao động.
- Chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất có Giấy chứng nhận sức khoẻ do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp.
(Hình từ internet)
2. Điều kiện trong quá trình sơ chế
(1) Rau, quả tươi đưa vào sơ chế được sản xuất phù hợp với các điều kiện quy định tại mục 2.1 của QCVN 01-132:2013/BNNPTNT.
(2) Trong quá trình sơ chế, phải đảm bảo các yêu cầu:
+ Có biện pháp cách ly gia súc, gia cầm, các loại sinh vật khác với khu vực sơ chế, nhà bảo quản sản phẩm;
+ Sơ chế sản phẩm theo nguyên tắc một chiều không gây nhiễm bẩn;
+ Chỉ sử dụng hóa chất, màng sáp được phép sử dụng để xử lý sản phẩm sau thu hoạch;
+ Có cảnh báo tại nơi đặt/ sử dụng bẫy để phòng trừ dịch hại (nếu có dùng);
+ Vật liệu bao gói, chứa đựng rau, quả phải phù hợp quy định tại QCVN 12-1:2011/BYT, QCVN 12-2:2011/BYT và QCVN 12-3:2011/BYT của Bộ Y tế;
+ Sản phẩm rau, quả an toàn trước khi lưu thông phải có bao gói, thùng chứa hoặc dây buộc bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định;
+ Các chất thải trong quá trình sơ chế phải được thu gom và xử lý bảo đảm an toàn thực phẩm, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm ở khu vực sản xuất, nguồn nước và sản phẩm.
(3) Quy trình sơ chế:
Có các quy trình kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào, quá trình sơ chế và sản phẩm sau sơ chế, đóng gói đảm bảo an toàn thực phẩm phù hợp với quy định của QCVN 01-132:2013/BNNPTNT.
(4) Phương tiện vận chuyển cần được làm sạch trước khi vận chuyển sản phẩm. Không vận chuyển sản phẩm chung với các hàng hóa có nguy cơ gây ô nhiễm.
(5) Hồ sơ lưu trữ:
Thông tin về sản phẩm cần ghi chép và lưu giữ tối thiểu 01 năm, kể từ ngày thu hoạch gồm:
+ Tên hoá chất, màng sáp, nơi mua, liều lượng sử dụng hóa chất trong quá trình sơ chế;
+ Tên sản phẩm, mã số lô, khối lượng, ngày thu hoạch, tên cơ sở sản xuất, tên và địa chỉ khách hàng.
(6) Kiểm soát, đánh giá nội bộ:
Cơ sở sản xuất phải có quy định nội bộ, trong đó phân công rõ trách nhiệm duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, thực hiện đánh giá và lập báo cáo đánh giá nội bộ ít nhất mỗi năm một lần.
Lưu ý: cơ sở sơ chế rau, quả tươi phải thực hiện chứng nhận hợp quy hoặc tự đánh giá và công bố hợp quy theo quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành (tham khảo bài viết: Phải làm gì để Công bố hợp quy cho sản phẩm, hàng hóa…?).
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chưa xem được Căn cứ pháp lý được sử dụng, lịch công việc.
Nếu chưa là Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Công việc tương tự:
- Sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản
- Quy định về sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ NN&PTNT
- Sản xuất rau, quả, chè búp tươi an toàn