Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ngoài việc phải đáp ứng các quy định chung về đăng ký kinh doanh thì đối với một số ngành nghề, lĩnh vực, doanh nghiệp còn phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện nhất định. Tiện ích Tra cứu ngành nghề kinh doanh có điều kiện được xây dựng nhằm giúp Quý khách hàng thuận tiện trong việc nắm bắt thông tin về điều kiện, hồ sơ, thủ tục để tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các ngành nghề yêu cầu điều kiện cụ thể.

Điều kiện để được hoạt động vận tải đường bộ Việt Nam – Trung Quốc

1. Điều kiện hoạt động vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc

Hoạt động vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc trong khuôn khổ Hiệp định vận tải đường bộ Việt Nam - Trung Quốc cần đáp ứng các điều kiện sau:

1.1. Đối với phương tiện vận tải

(i) Phương tiện vận tải bao gồm:

- Phương tiện vận tải đường bộ là xe ô tô chở hàng, xe rơ moóc, xe đầu kéo, xe sơ mi rơ moóc dùng để vận chuyển hàng hoá; xe ô tô chở khách dùng để vận chuyển người và hành lý trong vận tải hành khách, được đăng ký trong lãnh thổ của một Bên ký kết;

- Xe công vụ là xe của các cơ quan Nhà nước, các cơ quan của Đảng và đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội các cấp đi công tác.

(ii) Chủ phương tiện vận tải hoặc cơ quan quản lý xe công vụ của một Bên ký kết hoạt động trên lãnh thổ của Bên ký kết kia phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với người thứ ba của cơ quan bảo hiểm nước đến.

(iii) Phương tiện vận tải qua lại biên giới, ngoài biển đăng ký, phải gắn ký hiệu phân biệt quốc gia nơi phương tiện được đăng ký. Ký hiệu phân biệt được gắn phía trước và phía sau phương tiện ở vị trí dễ thấy. Ký hiệu phân biệt quốc gia cho phương tiện vận tải của mỗi Bên ký kết như sau:

- Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa: CHN;

- Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: VN.

(iv) Phạm vi hoạt động của phương tiện

- Phương tiện vận tải hành khách định kỳ (theo tuyến cố định) khởi hành từ bến xe đầu tuyến và kết thúc tại bến xe cuối tuyến theo phương án khai thác tuyến vận tải hành khách định kỳ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được cơ quan quản lý tuyến thông báo khai thác tuyến theo quy định tại Nghị định 119/2021/NĐ-CP;

- Phương tiện vận tải hành khách không định kỳ (theo hợp đồng và vận tải khách du lịch) được hoạt động qua các cặp cửa khẩu và tuyến đường được quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Thông tư 37/2023/TT-BGTVT;

- Phương tiện vận tải hàng hóa được hoạt động qua các cặp cửa khẩu và tuyến đường được quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Thông tư 37/2023/TT-BGTVT.

- Xe công vụ của một Bên ký kết khi vào lãnh thổ của Bên ký kết kia phải hoạt động theo tuyến đường, cửa khẩu mà Bên ký kết kia chỉ định, đồng thời phải tuân thủ các quy định về quản lý phương tiện nhập cảnh của nước đến.

(v) Phương tiện vận tải hành khách phải có các giấy tờ hợp lệ, còn hiệu lực và xuất trình cho các cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu, bao gồm:

- Giấy phép vận tải;

- Giấy chứng nhận đăng ký xe;

- Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường;

- Danh sách hành khách đối với xe vận chuyển hành khách định kỳ theo mẫu tại Phụ lục IV hoặc Danh sách hành khách đối với xe vận chuyển hành khách không định kỳ theo mẫu Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư 37/2023/TT-BGTVT;

- Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với người thứ ba;

- Hợp đồng vận chuyển hành khách (nếu là phương tiện vận tải hành khách theo hợp đồng) hoặc lộ trình du lịch mà công ty du lịch nước chủ nhà xác nhận (nếu là phương tiện vận chuyển hành khách du lịch);

- Các giấy tờ có liên quan tại cửa khẩu áp dụng đối với xe xuất nhập cảnh.

(vi) Phương tiện vận tải hàng hoá phải có các giấy tờ hợp lệ, còn hiệu lực và xuất trình cho các cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu, bao gồm:

- Giấy phép vận tải;

- Giấy chứng nhận đăng ký xe;

- Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường;

- Phiếu gửi hàng;

- Tờ khai hải quan đối với hàng hoá;

- Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với người thứ ba;

- Các giấy tờ có liên quan tại cửa khẩu áp dụng đối với xe xuất nhập cảnh.

(vii) Xe công vụ phải có các giấy tờ hợp lệ, còn hiệu lực và xuất trình cho các cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu, bao gồm:

- Giấy phép vận tải;

- Giấy chứng nhận đăng ký xe;

- Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường;

- Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với người thứ ba;

- Các giấy tờ có liên quan tại cửa khẩu áp dụng đối với xe xuất nhập cảnh.

(viii) Phương tiện vận tải hàng hóa nguy hiểm hoặc phương tiện vận tải có kích thước và trọng lượng của hàng hóa vượt quá quy định, trước khi được cấp giấy phép đặc biệt loại D của Bên ký kết kia phải được cơ quan quản lý có thẩm quyền của hai Bên ký kết cấp phép vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng hoặc hàng nguy hiểm theo quy định.

(ix) Các giấy tờ quy định tại khoản (v), (vi), (vii) của Mục 1.1 này phải được in bằng ngôn ngữ quốc gia và ngôn ngữ của Nước chủ nhà hoặc ngôn ngữ quốc gia và tiếng Anh. Trường hợp không được in bằng ngôn ngữ của Nước chủ nhà hoặc tiếng Anh thì phải kèm bản dịch tiếng Anh do cơ quan có thẩm quyền chứng thực hoặc công chứng.

1.2. Đối với lái xe, nhân viên phục vụ trên xe

(i) Lái xe qua lại biên giới phải mang theo các giấy tờ hợp lệ, còn hiệu lực khi xuất, nhập cảnh tại cửa khẩu và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chuyên ngành tại cửa khẩu, bao gồm:

- Hộ chiếu hoặc giấy tờ đi lại quốc tế có giá trị thay hộ chiếu và thị thực do cơ quan có thẩm quyền cấp (trừ trường hợp được miễn thị thực);

- Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe điều khiển.

(ii) Nhân viên phục vụ trên xe qua lại biên giới phải mang theo hộ chiếu hoặc giấy tờ đi lại quốc tế có giá trị thay hộ chiếu và thị thực do cơ quan có thẩm quyền cấp (trừ trường hợp được miễn thị thực) còn hiệu lực khi xuất, nhập cảnh tại cửa khẩu và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chuyên ngành tại cửa khẩu.

(iii) Các giấy tờ quy định tại khoản (i) và (ii) của Mục 1.2 này phải được in bằng ngôn ngữ quốc gia và ngôn ngữ của Nước chủ nhà hoặc ngôn ngữ quốc gia và tiếng Anh. Trường hợp không được in bằng ngôn ngữ của Nước chủ nhà hoặc tiếng Anh thì phải kèm bản dịch tiếng Anh do cơ quan có thẩm quyền chứng thực hoặc công chứng.

2. Các loại giấy phép vận tải đường bộ Việt Nam - Trung Quốc

- Giấy phép vận tải loại A: Cấp cho phương tiện vận tải hành khách (bao gồm cả khách du lịch) định kỳ có hiệu lực qua lại nhiều lần trong năm, áp dụng cho phương tiện vận chuyển trên các tuyến giữa khu vực biên giới của hai nước.

- Giấy phép vận tải loại B: Cấp cho phương tiện vận tải hành khách (bao gồm cả khách du lịch) không định kỳ có hiệu lực một lần đi và về trong năm, áp dụng cho phương tiện vận tải trên các tuyến giữa khu vực biên giới của hai nước và xe công vụ.

- Giấy phép vận tải loại C: Cấp cho phương tiện vận tải hàng hóa có hiệu lực một lần đi và về trong năm, áp dụng cho phương tiện vận tải trên các tuyến giữa khu vực biên giới của hai nước.

- Giấy phép vận tải loại D: Cấp cho phương tiện vận tải hàng nguy hiểm và hàng siêu trường, siêu trọng, có hiệu lực một lần đi và về trong năm.

- Giấy phép vận tải loại E: Cấp cho phương tiện vận tải hành khách (bao gồm cả khách du lịch) định kỳ có hiệu lực qua lại nhiều lần trong năm, áp dụng cho phương tiện vận tải trên các tuyến vào sâu trong lãnh thổ của hai nước.

- Giấy phép vận tải loại F: Cấp cho phương tiện vận tải hành khách (bao gồm cả khách du lịch) không định kỳ có hiệu lực một lần đi và về trong năm, áp dụng cho phương tiện vận tải trên các tuyến vào sâu trong lãnh thổ của hai nước và xe công vụ.

- Giấy phép vận tải loại G: Cấp cho phương tiện vận tải hàng hóa, có hiệu lực một lần đi và về trong năm, áp dụng cho phương tiện vận tải trên các tuyến vào sâu trong lãnh thổ của hai nước.

3. Cấp giấy phép vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc loại A, E; B, C, F và G:

Thủ tục cấp giấy phép vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc loại A, E; B, C, F và G cho phương tiện của Việt Nam như sau:

3.1. Thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép

(i) Đối với phương tiện thương mại của Việt Nam

Các đơn vị kinh doanh vận tải nộp 01 bộ hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép.

- Giấy đề nghị cấp giấy phép theo Mẫu số 01 Phụ lục III Nghị định 119/2021/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 24 Điều 3 Nghị định 41/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/06/2024).

- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô hoặc bản sao giấy hẹn nhận Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô của cơ quan cấp đăng ký hoặc bản sao từ sổ gốc của Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô.

Trường hợp phương tiện không thuộc quyền sở hữu của đơn vị kinh doanh vận tải phải xuất trình thêm bản sao một trong các giấy tờ sau: Hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản với tổ chức, cá nhân hoặc hợp đồng dịch vụ giữa thành viên và hợp tác xác hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh.

(ii) Đối với xe công vụ của Việt Nam

Đơn vị kinh doanh xe công vụ của Việt Nam nộp 01 bộ hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền cấp phép gồm những tài liệu sau:

- Giấy đề nghị cấp giấy phép theo Mẫu số 02 Phụ lục III Nghị định 119/2021/NĐ-CP;

- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô;

- Bản sao thư mời của đối tác phía Trung Quốc nêu rõ tuyến đường, cửa khẩu và thời gian mời (trường hợp bản gốc không có tiếng Việt hoặc tiếng Anh thì phải kèm theo bản dịch tiếng Việt hoặc tiếng Anh);

- Bản sao quyết định cử đi công tác của cấp có thẩm quyền.

3.2. Hình thức nộp hồ sơ, thẩm quyền, thời hạn cấp giấy phép

Hình thức nộp: nộp trực tiếp tại trụ sở cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc qua đường bưu chính.

Thẩm quyền cấp giấy phép:

- Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp: Giấy phép vận tải loại E; Giấy phép vận tải loại F, G lần đầu trong năm (năm được tính từ ngày 01/01 đến ngày 31/12);

- Sở Giao thông vận tải các tỉnh Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh và Sở Giao thông vận tải - Xây dựng Lào Cai cấp: Giấy phép vận tải loại A, B, C; Giấy phép vận tải loại F, G lần thứ hai trong năm.

Thời hạn giải quyết:

02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thực hiện cấp giấy phép. Trường hợp không cấp, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thông báo bằng văn bản hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nêu rõ lý do.

3.3. Thủ tục cấp giấy phép vận tải loại F, G lần thứ hai trở đi trong năm

- Người lái xe hoặc nhân viên của đơn vị kinh doanh vận tải đã được cấp giấy phép lần đầu xuất trình Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô cho Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải - Xây dựng các tỉnh nêu tại thẩm quyền cấp giấy phép ở Mục 2.2 bên trên.

- Căn cứ vào danh sách phương tiện vận tải đã được cấp giấy phép lần đầu, Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải - Xây dựng các tỉnh nêu tại thẩm quyền cấp giấy phép ở Mục 2.2 bên trên thực hiện cấp giấy phép vận tải loại F, G lần thứ hai trở đi trong năm.

Ảnh minh họa (Nguồn từ Internet)

4. Cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc loại D

4.1. Đối với phương tiện của Việt Nam

Giấy phép vận tải loại D do cơ quan quản lý có thẩm quyền của Trung Quốc cấp cho phương tiện của Việt Nam. Trước khi lập hồ sơ đề nghị phía Trung Quốc cấp giấy phép, đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện thủ tục đề nghị giới thiệu sau đây:

Thành phần hồ sơ:

Giấy đề nghị giới thiệu xin cấp giấy phép vận tải loại D Mẫu số 10 Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định 41/2024/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/06/2024).

- Giấy phép vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng hoặc hàng nguy hiểm do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp (bản sao).

Địa điểm nộp hồ sơ: trực tiếp tại trụ sở cơ quan giới thiệu hoặc qua đường bưu chính.

Cơ quan giới thiệu: Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Thời hạn giải quyết: 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, Tổng cục Đường bộ Việt Nam giới thiệu đơn vị kinh doanh vận tải với cơ quan có thẩm quyền phía Trung Quốc. Trường hợp không giới thiệu, thông báo bằng văn bản hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nêu rõ lý do. 

Việc trả kết quả được thực hiện tại trụ sở cơ quan giới thiệu hoặc qua đường bưu chính hoặc hình thức trực tuyến theo quy định.

4.2. Đối với phương tiện của Trung Quốc

Giấy phép vận tải loại D do cơ quan quản lý có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho phương tiện của Trung Quốc trên cơ sở Giấy giới thiệu của cơ quan có thẩm quyền phía Trung Quốc. Cụ thể như sau:

Thành phần hồ sơ:

- Giấy đề nghị đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách định kỳ giữa Việt Nam và Trung Quốc theo Mẫu số 11 Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định 41/2024/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/06/2024).

- Giấy Giới thiệu của cơ quan có thẩm quyền của phía Trung Quốc (bản sao kèm bản dịch có chứng thực các giấy tờ, văn bản từ tiếng Trung sang tiếng Việt hoặc tiếng Anh đối với trường hợp bản gốc không có song ngữ tiếng Việt và tiếng Trung hoặc tiếng Trung và tiếng Anh);

- Giấy phép vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng hoặc hàng nguy hiểm do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp (bản sao);

- Giấy phép vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng hoặc hàng nguy hiểm do cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc cấp (bản sao có chứng thực kèm bản dịch có chứng thực các giấy tờ, văn bản từ tiếng Trung sang tiếng Việt hoặc tiếng Anh đối với trường hợp bản gốc không có song ngữ tiếng Việt và tiếng Trung hoặc tiếng Trung và tiếng Anh);

- Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (bản sao có chứng thực kèm bản dịch có chứng thực các giấy tờ, văn bản từ tiếng Trung sang tiếng Việt hoặc tiếng Anh đối với trường hợp bản gốc không có song ngữ tiếng Việt và tiếng Trung hoặc tiếng Trung và tiếng Anh).

Thẩm quyền cấp giấy phép: Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Hình thức nộp hồ sơ: nộp trực tiếp tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc quan đường bưu chính.

Thời hạn giải quyết: 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền thực hiện cấp giấy phép. Trường hợp không cấp, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thông báo bằng văn bản hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nêu rõ lý do.

Việc trả kết quả được thực hiện tại trụ sở cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc qua đường bưu chính hoặc hình thức trực tuyến theo quy định.

5. Quy trình đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách định kỳ giữa Việt Nam - Trung Quốc

Đơn vị kinh doanh vận tải có đủ điều kiện theo quy định hiện hành được đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách định kỳ giữa Việt Nam và Trung Quốc.

- Thành phần hồ sơ:

+ Giấy đề nghị đăng ký phương tiện khai thác tuyến vận tải hành khách định kỳ giữa Việt Nam và Trung Quốc theo Mẫu số 13 Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 119/2021/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 24 Điều 3 Nghị định 41/2024/NĐ-CP).

+ Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô hoặc bản sao giấy hẹn nhận Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô của cơ quan cấp đăng ký hoặc bản sao từ sổ gốc của Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô. Trường hợp phương tiện không thuộc quyền sở hữu của đơn vị kinh doanh vận tải phải xuất trình thêm bản sao một trong các giấy tờ sau: Hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản với tổ chức, cá nhân hoặc hợp đồng dịch vụ giữa thành viên và hợp tác xã hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh;

+ Phương án khai thác tuyến vận tải hành khách định kỳ giữa Việt Nam và Trung Quốc theo Mẫu số 14 Phụ lục III của Nghị định 119/2020/NĐ-CP.

- Hình thức nộp hồ sơ: trực tiếp, trực tuyến, đường bưu chính đến cơ quan quản lý tuyến.

- Cơ quan quản lý tuyến: 

+ Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông báo khai thác tuyến vận tải hành khách định kỳ giữa Việt Nam và Trung Quốc đối với các tuyến vào sâu trong lãnh thổ của hai nước;

+ Sở Giao thông vận tải các tỉnh Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh và Sở Giao thông vận tải - Xây dựng Lào Cai thông báo khai thác tuyến vận tải hành khách định kỳ giữa Việt Nam và Trung Quốc đối với các tuyến giữa khu vực biên giới của hai nước.

- Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, cơ quan quản lý tuyến có văn bản thông báo khai thác tuyến vận tải hành khách định kỳ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trường hợp không cấp, cơ quan quản lý tuyến thông báo bằng văn bản hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nêu rõ lý do.

Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chưa xem được Căn cứ pháp lý được sử dụng, lịch công việc.

Nếu chưa là Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây

5,295
Công việc tương tự: