Công ty tôi góp vốn với hai cá nhân khác thành lập công ty cổ phần. Tôi là đại diện phần vốn góp của công ty tại công ty cổ phần này, cùng với hai cổ đông còn lại là thành viên Hội đồng quản trị của công ty. Nay tôi muốn giao lại quyền và nghĩa vụ của mình cho hai cổ đông còn lại thực hiện thay, đồng thời hai người đó phải cam kết mức cổ tức mà cổ đông là công ty tôi được nhận hàng năm từ công ty cổ phần này phải là 2 tỷ đồng trở lên thì có phù hợp với quy định không? Nghĩa vụ thuế của công ty tôi trong trường hợp này là như thế nào? Xin cảm ơn.
>> Mở công ty cổ phần gia công yến sào thì phải làm gì?
Chào anh,
Về vấn đề này, PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP có ý kiến trao đổi như sau:
1/ Về vấn đề ủy quyền việc quản lý công ty
Căn cứ theo quy định hiện hành, thành viên của Hội đồng quản trị của công ty không nhất thiết phải là cổ đông. Do đó, nếu anh không muốn tham gia Hội đồng quản trị để quản lý công ty nữa, anh có thể làm đơn xin từ chức gửi đến Hội đồng quản trị. Trong trường hợp này, Hội đồng quản trị phải triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông bất thường để bầu bổ sung số thành viên Hội đồng quản trị cho đủ số lượng theo quy định của pháp luật (ít nhất 3 người).
Như vậy, anh không còn là thành viên Hội đồng quản trị và không còn được nhận thù lao. Tuy nhiên, với tư cách là cổ đông, công ty anh vẫn sẽ nhận được cổ tức được chia tương ứng với tỷ lệ cổ phần đang sở hữu.
Hoặc, căn cứ Khoản 10 Điều 153 của Luật doanh nghiệp, anh vẫn có thể đóng vai trò là thành viên Hội đồng quản trị của công ty, và ủy quyền cho cổ đông chiếm 5% hoặc người khác có kinh nghiệm quản lý kinh doanh hoặc ngành nghề hoặc tiêu chuẩn khác thực hiện thay quyền và nghĩa vụ của mình tại công ty được góp vốn (trừ dự họp Hội đồng quản trị); nếu muốn ủy quyền cho người này cả quyền dự họp Hội đồng quản trị thì phải được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận.
2/ Về vấn đề cam kết mức cổ tức được chia
Trường hợp công ty anh có sở hữu cổ phần ưu đãi của công ty Thịnh Long thì việc trả cổ tức đối với các cổ phần này sẽ áp dụng theo quy định tại Điều lệ công ty.
Trường hợp công ty anh sở hữu cổ phần phổ thông, cổ tức trả cho cổ phần phổ thông được xác định căn cứ kết quả sản xuất, kinh doanh của công ty.
Tuy nhiên, nếu công ty anh có thể thỏa thuận với hai cổ đông còn lại về việc cam kết mức cổ tức mà công ty anh nhận được hàng năm và được họ đồng ý thì hai bên có thể thực hiện thỏa thuận này như một giao dịch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật.
Trong trường hợp này, do các bên có quyền và nghĩa vụ ngang nhau vì cùng là cổ đông, chỉ khác nhau ở quyền biểu quyết tương ứng với tỷ lệ cổ phần sở hữu, anh không thể thực hiện giao dịch ủy quyền quản lý này dưới dạng hợp đồng giao khoán.
3/ Về việc đóng thuế khi thực hiện giao quyền quản lý tại công ty
Căn cứ Khoản 2 Điều 132 của Luật doanh nghiệp, cổ tức cho cổ phần phổ thông được chia sau khi đảm bảo các điều kiện sau:
a) Công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật;
b) Đã trích lập các quỹ công ty và bù đắp đủ lỗ trước đó theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty;
c) Ngay sau khi trả hết số cổ tức đã định, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.
Sau khi công ty anh nhận cổ tức được trả, khoản thu nhập này thuộc trường hợp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp nên không phải đóng thuế.
Trân trọng.