Theo quy định của pháp luật hiện hành, thuế TNCN từ cổ tức, lợi tức, chuyển nhượng vốn giữa công ty cổ phần với TNHH có những khác biệt nào? – Ngọc Lan (Bình Thuận).
>> Thủ tục ghi nợ lệ phí trước bạ được quy định như thế nào?
>> Khi in hóa đơn điện tử có phải ký chỗ người mua hàng không?
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Thuế thu nhập cá nhân đối với lợi tức, cổ tức và chuyển nhượng vốn trong công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn sẽ có những khác biệt sau:
Theo quy định tại điểm b, c khoản 3 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 6 Điều 11 Thông tư 92/2015/TT-BTC):
Lợi tức nhận được từ việc tham gia góp công ty TNHH (gọi tắt là lợi tức) và cổ tức nhận được từ việc góp vốn mua cổ phần trong công ty cổ phần (gọi tắt là cổ tức) đều là các khoản thu nhập từ đầu tư vốn và phải chịu thuế TNCN.
Thuế TNCN đối với lợi tức và cổ tức được xác định theo công thức tính sau:
Số thuế thu nhập cá nhân phải nộp |
= |
Thu nhập tính thuế (cổ tức, lợi tức) |
x |
Thuế suất 5% |
Như vậy, số tiền thuế TNCN được tính nộp đối với lợi tức được trả trong công ty TNHH và cổ tức được trả trong công ty cổ phần là như nhau, không có khác biệt.
Thuế TNCN từ đầu tư, chuyển nhượng vốn giữa công ty cổ phần với công ty TNHH có khác biệt gì?
Thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp trong công ty TNHH phải chịu thuế TNCN.
Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn góp là thu nhập tính thuế và thuế suất. Trong đó, thu nhập tính thuế được xác định bằng giá chuyển nhượng trừ giá mua của phần vốn chuyển nhượng và các chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng vốn.
Theo đó, thuế TNCN đối với thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty TNHH được xác định theo công thức sau:
Thuế thu nhập cá nhân phải nộp |
= |
Giá chuyển nhượng |
- |
Giá mua của phần vốn chuyển nhượng |
- |
Các chi phí hợp lý liên quan |
× |
Thuế suất 20% |
(Căn cứ điểm a khoản 4 Điều 2 và khoản 1 Điều 11 Thông tư 111/2013/TT-BTC)
Tương tự, thu nhập từ chuyển nhượng cổ phản trong công ty cổ phần cũng phải chịu thuế TNCN với mức thuế phải nộp được xác định theo công thức sau:
Thuế thu nhập cá nhân phải nộp |
= |
Giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần |
x |
Thuế suất 0,1% |
(Căn cứ khoản 2 Điều 11 Thông tư 111/2013/TT-BTC được sửa đổi bởi Điều 16 Thông tư 92/2015/TT-BTC).
Từ cách tính thuế TNCN khác nhau này của công ty cổ phần và công ty TNHH sẽ dẫn đến những hệ quả sau:
- Trường hợp giá chuyển nhượng bằng hoặc thấp hơn giá mua vào:
Việc kinh doanh thua lỗ hoặc vì nhiều lý do khác nhau khiến cho giá trị công ty trên thị trường giảm sút so với lúc đầu thành lập. Điều này dẫn đến khi chuyển nhượng lại phần vốn góp hoặc cổ phần của công ty, giá chuyển nhượng chỉ bằng hoặc thấp hơn giá mua vào ban đầu.
Trong trường hợp này, thành viên chuyển nhượng vốn góp trong công ty TNHH sẽ không phải đóng thuế TNCN.
Ngược lại, khi chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần, các cổ đông sẽ vẫn đóng thuế TNCN dù việc chuyển nhượng này không mang lại lợi nhuận cho cổ đông hoặc thậm chí là lỗ vốn. Bởi thuế TNCN đối với thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần chỉ tính dựa trên giá chuyển nhượng mà không được trừ bất kỳ chi phí nào.
- Trường hợp giá chuyển nhượng lớn hơn rất nhiều so với giá mua vào:
Trên thực tế, không ít công ty sau một khoảng thời gian hoạt động kinh doanh thành công khiến cho giá trị của công ty trên thị trường được định giá cao hơn. Điều này dẫn đến giá chuyển nhượng hiện tại có thể cao hơn hàng chục, hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn lần so với giá mua ban đầu.
Theo đó, khi chuyển nhượng vốn góp trong công ty TNHH, thành viên chuyển nhượng sẽ phải nộp số tiền thuế TNCN rất lớn dù đã được trừ giá mua và các chi phí liên quan. Bởi trong trường hợp này, giá mua vào và các chi phí có liên quan không đáng kể so với giá chuyển nhượng trong khi đó lại chịu mức thuế suất rất cao (20%).
Ngược lại, thuế TNCN đối với thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần trong trường hợp này sẽ nộp thuế với mức thấp hơn nhờ mức thuế suất thấp (chỉ 0,1%).
Tóm lại, nhà đầu tư có thể dựa trên những phân tích bên trên để xem xét nên góp vốn vào công ty cổ phần hay công ty TNHH để có lợi hơn về thuế.