Xin chào PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP, Công ty tôi muốn thuê tạp vụ giúp việc theo giờ trong đó người được thuê là cá nhân với chi phí 50.000đ/giờ, mỗi tháng khoảng 20 giờ thì cần ký hợp đồng lao động hay hợp đồng thỏa thuận như thế nào để doanh nghiệp không cần phải đóng các loại bảo hiểm cũng như doanh nghiệp có đủ cơ sở pháp lý để tính chi phí này là chi phí được trừ. Trân trọng cám ơn!
>> Thuê nhà của cá nhân làm trụ sở thì đóng thuế thay như thế nào?
>> Điều kiện và thủ tục hoàn thuế thu nhập cá nhân
(Nguồn: Internet)
Chào anh,
PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP đã nhận được nội dung đề nghị hỗ trợ từ anh, nên Ban Hỗ trợ có ý kiến trao đổi như sau:
Theo Khoản 1 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 12 tháng thuộc đối tượng bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội.
Do đó, nếu công ty anh muốn không đóng bảo hiểm cho người tạp vụ như anh đề cập thì phải thuộc 01 trong 02 trường hợp như sau:
- Người này là người lao động làm việc cho công ty anh theo loại hợp đồng lao động mùa vụ có thời hạn dưới 01 tháng; hoặc,
- Người này không phải là người lao động của công ty. Tức là, giữa bên anh và người này không tồn tại mối quan hệ lao động mà tồn tại theo hình thức cung ứng dịch vụ, thể hiện bằng Hợp đồng dịch vụ.
Việc lựa chọn trường hợp nào trong 02 trường hợp nêu trên sẽ quyết định vấn đề có được tính chi phí được trừ (chi phí hợp lý) khi xác định thu nhập tính thuế Thu nhập doanh nghiệp hay không.
Nếu người này làm việc theo hợp đồng lao động thì số tiền lương chi trả cho người này được tính chi phí hợp lý.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 22 của Bộ luật lao động năm 2012, thì bên anh không được ký hợp đồng mùa vụ đối với các công việc có tính chất thường xuyên, lâu dài. Và hiện nay, theo thực tế áp dụng Khoản 2, Điều 22 của Bộ luật, thì thông thường việc ký kết hợp đồng lao động mùa vụ được hiểu là không quá 02 hợp đồng liên tiếp (vấn đề này được áp dụng phổ biến nhưng không phải đối với tất cả các địa phương, nên Quý thành viên có thể liên hệ với cơ quan quản lý lao động tại địa phương để được hướng dẫn).
Khi chọn ký kết nhiều hợp đồng mùa vụ để thực hiện công việc này trong năm, thì khả năng cao là cơ quan quản lý về lao động có thể xử phạt hành chính với bên anh nếu bị phát hiện trong quá trình kiểm tra thực tế.
Trong trường hợp các bên có thể giao kết Hợp đồng dịch vụ, theo đó cá nhân là bên cung cấp dịch vụ làm việc theo giờ cho công ty anh nhưng không phải là người lao động của công ty.
Như anh đã biết, một khoản chi được tính là chi phí được trừ nếu bảo đảm các điều kiện theo quy định tại Điều 4 của Thông tư 96/2015/TT-BTC, cụ thể:
- Thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
- Có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
- Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo đó, để được tính chi phí được trừ đối với khoản chi cho người này theo Hợp đồng dịch vụ, công ty anh phải có hóa đơn, chứng từ hợp pháp.
Do đó, công ty anh phải xem xét khả năng người này có thể cung cấp hóa đơn cho bên anh được hay không - cá nhân nhân này có thể đăng ký kinh doanh và mua hóa đơn từ cơ quan thuế.
Như vậy, lựa chọn ký kết hợp đồng lao động hay giao kết hợp đồng dịch vụ với người này có thể giúp bên anh chắc chắn thỏa mãn một mục đích này, nhưng cũng gây ra một số rủi ro pháp lý cho mục đích còn lại. Bên anh cần cân nhắc rằng có phải sử dụng người này vào công việc tạp vụ trong thời gian dài trong năm hay không. Nếu không thì bên mình có thể cân nhắc việc giao kết nhiều hợp đồng lao động mùa vụ có thời hạn dưới 01 tháng.
Cảm ơn anh đã sử dụng dịch vụ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP và kính chúc anh luôn thật nhiều sức khỏe.