Thời hạn tạm đình chỉ công việc tối đa bao nhiêu ngày? Trường hợp nào công ty có quyền tạm đình chỉ công việc đối với người lao động?
>> Có được phạt tiền thay xử lý kỷ luật lao động không?
>> Quyết định xử lý kỷ luật có bắt buộc phải gửi đến người lao động không?
Căn cứ khoản 2 Điều 128 Bộ luật Lao động 2019, quy định tạm đình chỉ công việc như sau:
Tạm đình chỉ công việc
…
2. Thời hạn tạm đình chỉ công việc không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt không được quá 90 ngày. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.
Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc.
Theo đó, thời hạn tạm đình chỉ công việc không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt không được quá 90 ngày.
Lưu ý:
- Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.
- Hết thời gian tạm đình chỉ công việc, công ty phải nhận người lao động làm việc trở lại.
File Word Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn mới nhất [cập nhật ngày 21/10/2024] |
Tạm đình chỉ công việc (Ảnh minh họa - Nguồn Internet)
Căn cứ khoản 1 Điều 128 Bộ luật Lao động 2019, quy định tạm đình chỉ công việc như sau:
Tạm đình chỉ công việc
1. Người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh. Việc tạm đình chỉ công việc của người lao động chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc là thành viên.
Theo đó, công ty có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động vi phạm nội quy lao động, đồng thời phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
- Vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp.
- Xét thấy nếu để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh.
- Sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động bị xem xét tạm đình chỉ công việc là thành viên.
Căn cứ khoản 2 Điều 29 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, quy định tạm dừng đóng vào quỹ BHXH như sau:
Tạm dừng đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội
…
2. Người lao động bị tạm đình chỉ công việc thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội.
Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, nếu người lao động được trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc thì người lao động và người sử dụng lao động thực hiện việc đóng bù bảo hiểm xã hội cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc. Số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại khoản 3 Điều 122 của Luật bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh đó, căn cứ khoản 7 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, quy định chi tiết như sau:
Quản lý đối tượng
…
7. Người lao động mà bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật thì người lao động và đơn vị được tạm dừng đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN nhưng vẫn phải đóng BHYT hằng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng mà người lao động được hưởng theo quy định của pháp luật. Sau thời gian tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác nếu được cơ quan có thẩm quyền xác định bị oan, sai, không vi phạm pháp luật thì thực hiện việc đóng bù BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN trên tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc và truy đóng BHYT trên số tiền lương được truy lĩnh, không tính lãi đối với số tiền truy đóng; trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định người lao động là có tội thì không thực hiện việc đóng bù BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN và không phải truy đóng BHYT cho thời gian bị tạm giam.
Theo đó, trong thời gian tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật thì người lao động và đơn vị được tạm dừng đóng BHXH nhưng vẫn phải đóng BHYT hằng tháng bằng 4,5 của 50% mức tiền lương tháng mà người lao động được hưởng.