Cho tôi hỏi khi nào người lao động nghỉ việc riêng được hưởng lương, không hưởng lương? Ngày nghỉ việc riêng có được dùng làm căn cứ tính số ngày nghỉ hằng năm không? – Như Hoa (Khánh Hòa).
>> Năm 2023, quy định làm thêm giờ trong trường hợp đặc biệt như thế nào?
>> Ngày phép năm 2023 của người lao động được quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:
(1) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;
(2) Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;
(3) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.
Tiền lương làm căn cứ trả cho người lao động những ngày nghỉ việc riêng có hưởng lương nêu trên là tiền lương theo hợp đồng lao động tại thời điểm người lao động nghỉ việc riêng có hưởng lương (khoản 2 Điều 67 Nghị định 145/2020/NĐ-CP).
Lưu ý:
Khi người lao động đang nghỉ việc riêng, người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (khoản 2 Điều 37 Bộ luật Lao động 2019).
Quy định về nghỉ việc riêng, nghỉ không lương năm 2023 (Ảnh minh họa)
Theo quy định tại khoản 2 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động trong các trường hợp sau:
- Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết;
- Cha hoặc mẹ kết hôn;
- Anh, chị, em ruột kết hôn.
Ngoài ra, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng để nghỉ không hưởng lương (khoản 3 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019).
Ví dụ: Khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều 139 Bộ luật Lao động 2019, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương sau khi thỏa thuận với người sử dụng lao động (khoản 3 Điều 139 Bộ luật Lao động 2019).
Theo quy định tại khoản 3 Điều 65 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì thời gian nghỉ việc riêng có hưởng lương theo Mục 1 nêu trên được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm của người lao động.
Bên cạnh đó, thời gian nghỉ việc không hưởng lương theo Mục 2 nêu trên cũng có thể được coi là thời gian làm việc để tính số ngày ngày hằng năm của người lao động nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng trong một năm (khoản 4 Điều 65 Nghị định 145/2020/NĐ-CP).
Khi tính ngày nghỉ hằng năm trong trường hợp người lao động làm việc chưa đủ tháng, nếu tổng số ngày làm việc và ngày nghỉ có hưởng lương của người lao động (nghỉ lễ, tết, nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng có hưởng lương theo Điều 112, Điều 113, Điều 114 và Điều 115 của Bộ luật Lao động 2019) chiếm tỷ lệ từ 50% số ngày làm việc bình thường trong tháng theo thỏa thuận thì tháng đó được tính là 01 tháng làm việc để tính ngày nghỉ hằng năm (khoản 2 Điều 66 Bộ luật Lao động 2019).
Tại điểm a khoản 1 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 18. Vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Không bảo đảm cho người lao động nghỉ việc riêng hoặc nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật;
…
Như vậy, căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 18 và khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì doanh nghiệp vi phạm quy định về nghỉ việc riêng hoặc nghỉ không hưởng lương sẽ bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 10 triệu đồng (do mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân).
>> Xem thêm công việc: