Cần hiểu sao cho đúng về khái niệm quản trị doanh nghiệp? Hiện nay, nguyên tắc kế toán với Tài khoản 642 (chi phí quản lý doanh nghiệp) được quy định thế nào? – Hồng Ngự (Cần Thơ).
>> Điều kiện FOB tại Incoterms 2020 là gì?
>> Điều kiện FAS tại Incoterms 2020 là gì?
Hiện nay, vẫn chưa có có bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể về khái niệm “quản trị doanh nghiệp”. Tuy vậy, có thể hiểu: Quản trị doanh nghiệp (tiếng anh là Business Management) là quá trình lập kế hoạch, tổ chức, điều hành và kiểm tra hoạt động của một doanh nghiệp hoặc tổ chức với mục tiêu tạo ra giá trị và đạt được các mục tiêu kinh doanh.
Quản trị doanh nghiệp bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau và các hoạt động liên quan đến tất cả các khía cạnh của hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Quản trị doanh nghiệp không chỉ bao gồm việc quản trị trong nội bộ doanh nghiệp mà còn liên quan đến các mối quan hệ với các bên ngoài công ty như: cơ quan nhà nước, đối tác kinh doanh, cộng đồng, xã hội.
Do đó, quản trị doanh nghiệp hiệu tốt là nền tảng cho sự phát triển lâu dài của các doanh nghiệp. Ngược lại, quản trị doanh nghiệp kém, thiếu minh bạch sẽ là nguyên do dẫn tới phá sản của nhiều công ty.
Việc quản trị doanh nghiệp sẽ làm phát sinh các chi phí quản lý doanh nghiệp, các chi phí này được phản ánh qua tài khoản kế toán 642 (xem chi tiết tại Mục 2).
Luật Doanh nghiệp và văn bản sửa đổi, hướng dẫn áp dụng hiện hành
Quản trị doanh nghiệp và chi phí quản lý doanh nghiệp (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Theo Điều 92 Thông tư 200/2014/TT-BTC, tài khoản 642 (Chi phí quản lý doanh nghiệp) áp dụng đối với doanh nghiệp (trừ Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam) được quy định như sau:
- Tài khoản 642 dùng để phản ánh các chi phí quản lý chung của doanh nghiệp gồm:
+ Các chi phí về lương nhân viên bộ phận quản lý doanh nghiệp (tiền lương, tiền công, các khoản phụ cấp,...);
+ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp của nhân viên quản lý doanh nghiệp;
+ Chi phí vật liệu văn phòng, công cụ lao động, khấu hao tài sản cố định dùng cho quản lý doanh nghiệp;
+ Tiền thuê đất, thuế môn bài;
+ Khoản lập dự phòng phải thu khó đòi;
+ Dịch vụ mua ngoài (điện, nước, điện thoại, fax, bảo hiểm tài sản, cháy nổ...);
+ Chi phí bằng tiền khác (tiếp khách, hội nghị khách hàng...).
- Các khoản chi phí quản lý doanh nghiệp không được coi là chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật thuế nhưng có đầy đủ hóa đơn chứng từ và đã hạch toán đúng theo Chế độ kế toán thì không được ghi giảm chi phí kế toán mà chỉ điều chỉnh trong quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp để làm tăng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.
- Tài khoản 642 được mở chi tiết theo từng nội dung chi phí theo quy định. Tuỳ theo yêu cầu quản lý của từng ngành, từng doanh nghiệp, tài khoản 642 có thể được mở thêm các tài khoản cấp 2 để phản ánh các nội dung chi phí thuộc chi phí quản lý ở doanh nghiệp. Cuối kỳ, kế toán kết chuyển chi phí quản lý doanh nghiệp vào bên Nợ tài khoản 911 "Xác định kết quả kinh doanh".
Bên Nợ:
- Các chi phí quản lý doanh nghiệp thực tế phát sinh trong kỳ;
- Số dự phòng phải thu khó đòi, dự phòng phải trả (Chênh lệch giữa số dự phòng phải lập kỳ này lớn hơn số dự phòng đã lập kỳ trước chưa sử dụng hết);
Bên Có:
- Các khoản được ghi giảm chi phí quản lý doanh nghiệp;
- Hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi, dự phòng phải trả (chênh lệch giữa số dự phòng phải lập kỳ này nhỏ hơn số dự phòng đã lập kỳ trước chưa sử dụng hết);
- Kết chuyển chi phí quản lý doanh nghiệp vào tài khoản 911 "Xác định kết quả kinh doanh".
Tài khoản 642 không có số dư cuối kỳ.
Tài khoản 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp, có 8 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 6421 - Chi phí nhân viên quản lý: Phản ánh các khoản phải trả cho cán bộ nhân viên quản lý doanh nghiệp, như tiền lương, các khoản phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp của Ban Giám đốc, nhân viên quản lý ở các phòng, ban của doanh nghiệp.
- Tài khoản 6422 - Chi phí vật liệu quản lý: Phản ánh chi phí vật liệu xuất dùng cho công tác quản lý doanh nghiệp như văn phòng phẩm... vật liệu sử dụng cho việc sửa chữa tài sản cố định, công cụ, dụng cụ,... (giá có thuế, hoặc chưa có thuế giá trị gia tăng).
- Tài khoản 6423 - Chi phí đồ dùng văn phòng: Phản ánh chi phí dụng cụ, đồ dùng văn phòng dùng cho công tác quản lý (giá có thuế, hoặc chưa có thuế giá trị gia tăng).
- Tài khoản 6424 - Chi phí khấu hao tài sản cố định: Phản ánh chi phí khấu hao tài sản cố định dùng chung cho doanh nghiệp như: Nhà cửa làm việc của các phòng ban, kho tàng, vật kiến trúc, phương tiện vận tải truyền dẫn, máy móc thiết bị quản lý dùng trên văn phòng,...
- Tài khoản 6425 - Thuế, phí và lệ phí: Phản ánh chi phí về thuế, phí và lệ phí như: thuế môn bài, tiền thuê đất,... và các khoản phí, lệ phí khác.
- Tài khoản 6426 - Chi phí dự phòng: Phản ánh các khoản dự phòng phải thu khó đòi, dự phòng phải trả tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
- Tài khoản 6427 - Chi phí dịch vụ mua ngoài: Phản ánh các chi phí dịch vụ mua ngoài phục vụ cho công tác quản lý doanh nghiệp; các khoản chi mua và sử dụng các tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế,... (không đủ tiêu chuẩn ghi nhận tài sản cố định) được tính theo phương pháp phân bổ dần vào chi phí quản lý doanh nghiệp; tiền thuê tài sản cố định, chi phí trả cho nhà thầu phụ.
- Tài khoản 6428 - Chi phí bằng tiền khác: Phản ánh các chi phí khác thuộc quản lý chung của doanh nghiệp, ngoài các chi phí đã kể trên, như: Chi phí hội nghị, tiếp khách, công tác phí, tàu xe, khoản chi cho lao động nữ,...
(i) Tiền lương, tiền công, phụ cấp và các khoản khác phải trả cho nhân viên bộ phận quản lý doanh nghiệp, trích bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp, các khoản hỗ trợ khác (như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm hưu trí tự nguyện...) của nhân viên quản lý doanh nghiệp, ghi:
Nợ tài khoản 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp (6421).
Có các tài khoản 334, 338.
(ii) Giá trị vật liệu xuất dùng, hoặc mua vào sử dụng ngay cho quản lý doanh nghiệp như: xăng, dầu, mỡ để chạy xe, vật liệu dùng cho sửa chữa tài sản cố định chung của doanh nghiệp,..., ghi:
Nợ tài khoản 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp (6422).
Nợ tài khoản 133 - Thuế giá trị gia tăng được khấu trừ (1331) (nếu được khấu trừ).
Có tài khoản 152 - Nguyên liệu, vật liệu.
Có các tài khoản 111, 112, 242, 331,...
(iii) Trị giá dụng cụ, đồ dùng văn phòng xuất dùng hoặc mua sử dụng ngay không qua kho cho bộ phận quản lý được tính trực tiếp một lần vào chi phí quản lý doanh nghiệp, ghi:
Nợ tài khoản 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp (6423).
Nợ tài khoản 133 - Thuế giá trị gia tăng được khấu trừ (nếu có).
Có tài khoản 153 - Công cụ, dụng cụ.
Có các tài khoản 111, 112, 331,...
(iv) Trích khấu hao tài sản cố định dùng cho quản lý chung của doanh nghiệp, như: Nhà cửa, vật kiến trúc, kho tàng, thiết bị truyền dẫn,..., ghi:
Nợ tài khoản 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp (6424).
Có tài khoản 214 - Hao mòn tài sản cố định.
(v) Thuế môn bài, tiền thuê đất,... phải nộp Nhà nước, ghi:
Nợ tài khoản 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp (6425).
Có tài khoản 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.
(vi) Lệ phí giao thông, lệ phí qua cầu, phà phải nộp, ghi:
Nợ tài khoản 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp (6425).
Có các tài khoản 111, 112,…
(vii) Kế toán dự phòng các khoản phải thu khó đòi khi lập Báo cáo tài chính:
- Trường hợp số dự phòng phải thu khó đòi phải trích lập kỳ này lớn hơn số đã trích lập từ kỳ trước, kế toán trích lập bổ sung phần chênh lệch, ghi:
Nợ tài khoản 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp (6426).
Có tài khoản 229 - Dự phòng tổn thất tài sản (2293).
- Trường hợp số dự phòng phải thu khó đòi phải trích lập kỳ này nhỏ hơn số đã trích lập từ kỳ trước, kế toán hoàn nhập phần chênh lệch, ghi:
Nợ tài khoản 229 - Dự phòng tổn thất tài sản (2293).
Có tài khoản 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp (6426).
- Việc xác định thời gian quá hạn của khoản nợ phải thu được xác định là khó đòi phải trích lập dự phòng được căn cứ vào thời gian trả nợ gốc theo hợp đồng mua, bán ban đầu, không tính đến việc gia hạn nợ giữa các bên.
- Doanh nghiệp trích lập dự phòng đối với khoản cho vay, ký cược, ký quỹ, tạm ứng… được quyền nhận lại tương tự như đối với các khoản phải thu theo quy định của pháp luật.
(viii) Khi trích lập dự phòng phải trả về chi phí tái cơ cấu doanh nghiệp, dự phòng phải trả cần lập cho hợp đồng có rủi ro lớn và dự phòng phải trả khác (trừ dự phòng phải trả về bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây dựng), ghi:
Nợ tài khoản 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp.
Có tài khoản 352 - Dự phòng phải trả.
Trường hợp số dự phòng phải trả cần lập ở cuối kỳ kế toán này nhỏ hơn số dự phòng phải trả đã lập ở cuối kỳ kế toán trước chưa sử dụng hết thì số chênh lệch được hoàn nhập ghi giảm chi phí, ghi:
Nợ tài khoản 352 - Dự phòng phải trả.
Có tài khoản 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp.