Phương thức bầu chủ tịch HĐQT như nào cho đúng quy định pháp luật? (Biểu quyết hay bỏ phiếu kín bầu CTHĐQT); Có cần Ban kiểm phiếu ngoài các thành viên HĐQT hay chỉ cần các thành viên HĐQT không phải là ứng viên làm Ban kiểm phiếu trong cuộc họp của Hội đồng quản trị lần thứ nhất bầu chủ tịch?
>> Xác nhận cổ phần đối với công ty đại chúng
(Nguồn: Internet)
Chào anh,
PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP đã nhận được nội dung đề nghị hỗ trợ của anh, nên Ban Hỗ trợ có ý kiến trao đổi như sau:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 và 2, Điều 152 và Khoản 1, Điều 153 của Luật Doanh nghiệp 2014 về việc bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị (sau đây gọi tắt là "HĐQT") như sau:
"Điều 152. Chủ tịch Hội đồng quản trị
1. Hội đồng quản trị bầu một thành viên của Hội đồng quản trị làm Chủ tịch. Chủ tịch Hội đồng quản trị có thể kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này và Điều lệ công ty, pháp luật về chứng khoán không có quy định khác.
2. Công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số phiếu biểu quyết thì Chủ tịch Hội đồng quản trị không được kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. [...]"
"Điều 153. Cuộc họp Hội đồng quản trị
1. Chủ tịch Hội đồng quản trị sẽ được bầu trong cuộc họp đầu tiên của nhiệm kỳ Hội đồng quản trị trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc bầu cử Hội đồng quản trị nhiệm kỳ đó. Cuộc họp này do thành viên có số phiếu bầu cao nhất hoặc tỷ lệ phiếu bầu cao nhất triệu tập và chủ trì. Trường hợp có nhiều hơn một thành viên có số phiếu bầu hoặc tỷ lệ phiếu bầu cao nhất và ngang nhau thì các thành viên bầu theo nguyên tắc đa số để chọn 01 người trong số họ triệu tập họp Hội đồng quản trị. [...]"
Từ các quy định trên có thể thấy, pháp luật hiện hành không nêu rõ về phương thức bầu Chủ tịch HĐQT. Doanh nghiệp có thể tham khảo các phương thức sau:
- Biểu quyết là việc các thành viên tham gia bầu cử thực hiện quyền đồng ý hay không đồng ý đối với một ứng cử viên ứng cử hoặc được đề cử vào vị trí Chủ tịch HĐQT bằng cách giơ tay hoặc giơ thẻ biểu quyết.
- Bỏ phiếu kín là việc các thành viên tham gia bầu cử thực hiện quyền lựa chọn một trong những ứng cử viên ứng cử hoặc được đề cử vào vị trí Chủ tịch HĐQT bằng cách gạch tên trong phiếu bầu.
Như vậy, việc bầu Chủ tịch HĐQT theo phương thức nào phụ thuộc vào số lượng ứng cử viên được ứng cử vào vị trí Chủ tịch HĐQT và số lượng thành viên tham gia bầu cử của doanh nghiệp.
Ví dụ: Cuộc họp HĐQT có 05 thành viên dự họp, chỉ có 01 ứng cử viên được ứng cử vào vị trí Chủ tịch HĐQT thì áp dụng phương thức biểu quyết bằng cách giơ tay, nếu đạt tỉ lệ 3/5 thì thành viên đó trúng cử. Trường hợp có 02 ứng cử viên thì thực hiện phương thức bầu bỏ phiếu kín, các thành viên tham gia bầu cử gạch tên ứng cử viên không chọn, ứng cử viên đạt tỉ lệ bầu 3/5 thì ứng cử viên đó trúng cử.
Ban kiểm phiếu có trách nhiệm ghi nhận, tổng hợp và báo cáo kết quả bầu cử. Thông thường, chủ tọa cuộc họp đề nghị thành viên HĐQT bầu ra Ban kiểm phiếu; do vậy, việc bầu các thành viên có chức vụ như thế nào vào Ban kiểm phiểu là do HĐQT quyết định.
Tuy nhiên, để khách quan và chuyên nghiệp thì nên chọn Ban kiểm phiếu không bao gồm các thành viên HĐQT, các thành viên HĐQT có thể giám sát việc kiểm phiếu của Ban kiểm phiếu.
Cuối cùng, việc bầu Chủ tịch HĐQT được hoàn tất khi có Quyết định bầu Chủ tịch HĐQT và Biên bản cuộc họp HĐQT. Quyết định bầu Chủ tịch HĐQT được thông qua khi ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả thành viên dự họp tán thành và phải tuân thủ đúng Điều lệ công ty, Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.
Mời anh xem chi tiết công việc: Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Cảm ơn anh đã sử dụng dịch vụ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP và kính chúc anh luôn thật nhiều sức khỏe.