Nguyên tắc bảo hiểm xã hội theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024 được quy định như thế nào? Có khác biệt gì so với pháp luật hiện hành hay không? – Lê Nam (Sóc Trăng).
>> Đối tượng áp dụng của Luật Bảo hiểm xã hội 2024 là ai?
>> Sau cải cách tiền lương: Mức hưởng trợ cấp một lần khi sinh con là bao nhiêu?
Cho đến hiện nay, chưa có Luật Bảo hiểm xã hội 2024, nên nguyên tắc bảo hiểm xã hội theo Luật Bảo hiểm xã hội trong năm 2024 vẫn được thực hiện theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2015, năm 2018, năm 2019) sau đây gọi tắt là Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Nguyên tắc bảo hiểm xã hội được quy định cụ thể theo Điều 5 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
(i) Mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội và có chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội.
(ii) Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn.
(iii) Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
(iv) Quỹ bảo hiểm xã hội được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch; được sử dụng đúng mục đích và được hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần, các nhóm đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.
(v) Việc thực hiện bảo hiểm xã hội phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội.
File Word các Luật nổi bật và văn bản hướng dẫn thi hành (còn hiệu lực)
Nguyên tắc bảo hiểm xã hội năm 2024 (Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội được quy đinh tại Điều 8 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 bao gồm:
- Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội.
- Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội.
- Bảo hiểm xã hội Việt Nam tham gia, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) thực hiện quản lý về thu, chi, bảo toàn, phát triển và cân đối quỹ bảo hiểm xã hội.
- Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội trong phạm vi địa phương theo phân cấp của Chính phủ.
Căn cứ theo Điều 10 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, quy định trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về bảo hiểm xã hội như sau:
- Xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển bảo hiểm xã hội.
- Xây dựng chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội; trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản pháp luật về bảo hiểm xã hội.
- Xây dựng và trình Chính phủ chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.
- Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội.
- Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội.
- Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm xã hội, trừ quy định tại khoản 2 Điều 11 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
- Trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng về bảo hiểm xã hội của người lao động.
- Thực hiện công tác thống kê, thông tin về bảo hiểm xã hội.
- Tổ chức tập huấn, đào tạo về bảo hiểm xã hội.
- Tổ chức nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về bảo hiểm xã hội.
- Hằng năm, báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện bảo hiểm xã hội.