Hiện nay, công ty tôi có trụ sở ở Việt Nam là 100% vốn Hàn Quốc muốn đầu tư sang nước ngoài, ví dụ đầu tư sang Lào bằng nguồn vốn từ lợi nhuận tại Việt Nam, đầu tư giải ngân qua ngân hàng tại Việt Nam. Như vậy có hợp lý không và có đủ điều kiện không?
>> Doanh nghiệp có được nhập khẩu máy móc cũ đã qua sử dụng?
>> DN không phải đóng BHXH cho người lao động nước ngoài trong trường hợp nào?
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Thứ nhất, mặc dù công ty của anh/chị có 100% vốn đầu tư Hàn Quốc nhưng trụ sở tại Việt nam nên sẽ phải được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, cụ thể là Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.
Theo đó, căn cứ khoản 1 Điều 68 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 68. Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài
1. Doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.”
Như vậy, đối với nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài là doanh nghiệp, Luật Đầu tư 2020 chỉ quan tâm đến việc doanh nghiệp có được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư hay không, mà không hề đề cập đến nguồn gốc vốn doanh nghiệp.
Do đó, công ty của anh dù có 100% vốn đầu tư nước ngoài nhưng vẫn được quyền thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
Thứ hai, về nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài
Theo quy định khoản 1 Điều 69 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài là tiền và tài sản hợp pháp của nhà đầu tư, bao gồm:
- Vốn chủ sở hữu;
- Vốn vay tại Việt Nam chuyển ra nước ngoài;
- Lợi nhuận thu được từ dự án đầu tư ra nước ngoài được giữ lại để thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài.
Riêng nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được quy định tại khoản 1 Điều 70 Nghị định 31/2021/NĐ-CP như sau:
“Điều 70. Đầu tư ra nước ngoài của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
Đối với tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài phải là vốn chủ sở hữu, trong đó không bao gồm vốn góp để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Trường hợp sử dụng vốn góp tăng thêm để đầu tư ra nước ngoài thì nhà đầu tư thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Nghị định này trước, sau đó thực hiện thủ tục tăng vốn và góp đủ vốn điều lệ tại Việt Nam trước khi chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài.”
Theo khoản 21 và khoản 22 Điều 3 Luật Đầu tư 2020, công ty của anh được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam và có nhà đầu tư nước ngoài (cụ thể là nhà đầu tư Hàn Quốc) là thành viên nên được xem là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
>> Như vậy, công ty của anh không thể sử dụng vốn vay ngân hàng tại Việt Nam (đầu tư giải ngân quan ngân hàng) để đầu tư ra nước ngoài mà chỉ được sử dụng vốn của chủ sở hữu, trong đó không bao gồm vốn góp để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
Trên đây là nội dung hỗ trợ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP về vấn đề trên.
Trân trọng!