Trong trường hợp công ty bị phá sản thì tôi có nhận lại được số tiền đã bỏ ra mua trái phiếu doanh nghiệp hay không? – Phú An (Sơn La).
>> Công ty đại chúng mua lại cổ phiếu của chính mình trong năm 2023, được thực hiện thế nào?
Tôi mua trái phiếu doanh nghiệp của một công ty tại TP. Hồ Chí Minh hồi tháng 02/2022 và đến tháng 02/2025 mới đáo hạn, mới đây tôi nghe tin công ty này có thể bị phá sản. Trong trường hợp công ty bị phá sản thì tôi có nhận lại được số tiền đã bỏ ra mua trái phiếu doanh nghiệp hay không?
Căn cứ khoản 3 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019, trái phiếu được định nghĩa như sau:
Điều 4. Giải thích từ ngữ
…
3. Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.
Nói cách khác, trái phiếu là một chứng chỉ chứng nhận nghĩa vụ nợ của công ty phát hành với người sở hữu trái phiếu đối với một khoản tiền cụ thể (mệnh giá của trái phiếu), trong một thời gian xác định và với một khoản lợi tức quy định.
Do đó, người sở hữu trái phiếu doanh nghiệp được xem là chủ nợ của công ty phát hành trái phiếu đó.
Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn mới nhất (còn hiệu lực) |
Người mua trái phiếu doanh nghiệp có được nhận lại tiền khi công ty bị phá sản?
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ theo Điều 54 Luật Phá sản 2014, thứ tự phân chia tài sản khi doanh nghiệp phá sản được quy định như sau:
Điều 54. Thứ tự phân chia tài sản
1. Trường hợp Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã được phân chia theo thứ tự sau:
a) Chi phí phá sản;
b) Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;
c) Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;
d) Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.
…
3. Nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán theo quy định tại khoản 1 Điều này thì từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.
Theo đó, do người mua trái phiếu doanh nghiệp là một trong những chủ nợ của công ty phát hành và thuộc hàng ưu tiên thanh toán thứ 4. Nên khi Tòa án ra quyết định tuyên bố công ty phát hành trái phiếu phá sản thì tài sản của công ty đó sẽ được dùng để thanh toán các khoản nợ đối với người mua trái phiếu doanh nghiệp và các khoản khác theo phân chia theo thứ tự nêu trên.
Như vậy, đối với người mua trái phiếu không có bảo đảm hoặc có bảo đảm mà tài sản bảo đảm không đủ để thanh toán, khi công ty phát hành trái phiếu phá sản sẽ có 3 trường hợp xảy ra như sau:
- Trường hợp giá trị tài sản của công ty đủ để thanh toán toàn bộ nghĩa vụ tài chính của công ty: Người mua trái phiếu của công ty đó vẫn có thể nhận lại đầy đủ số gốc và lãi mà công ty đã cam kết.
- Trường hợp giá trị tài sản của công ty không đủ để thanh toán:
+ Nếu sau khi thanh toán xong 3 nghĩa vụ tài chính quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 54 Luật Phá sản 2014 nêu trên mà công ty vẫn còn tài sản để thanh toán tiếp thì người mua trái phiếu sẽ được nhận lại tiền. Tuy nhiên, nếu tài sản của công ty không đủ để thanh toán hết các nghĩa vụ tài chính thuộc hàng ưu tiên thanh toán thứ 4 thì người mua trái phiếu sẽ nhận lại được khoản tiền tương ứng với tỷ lệ phần trăm số tiền gốc và lãi trái phiếu theo cam kết của công ty trên tổng số nợ thuộc hàng ưu tiên thanh toán thứ 4.
+ Nếu sau khi thanh toán xong 3 khoản quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 54 Luật Phá sản 2014 nêu trên mà tài sản công ty đã hết thì người mua trái phiếu sẽ không được nhận lại được tiền. Đây được xem là một rủi ro trong việc đầu tư mua trái phiếu mà trái chủ phải chấp nhận.
Căn cứ Điều 7 Nghị định 153/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP), doanh nghiệp phát hành được mua lại trái phiếu riêng lẻ trước hạn trong các trường hợp sau:
- Doanh nghiệp phát hành được mua lại trước hạn hoặc hoán đổi trái phiếu. Riêng đối với mua lại trước hạn trái phiếu chào bán ra thị trường quốc tế, khi thực hiện phải tuân thủ quy định về quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trái phiếu bị hủy bỏ sau khi được mua lại.
- Tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận phương án phát hành trái phiếu là cấp có thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận phương án mua lại trái phiếu trước hạn hoặc hoán đổi trái phiếu, ngoại trừ trường hợp bắt buộc mua lại trái phiếu trước hạn theo quy định tại trường hợp (ii) bên dưới.
- Các trường hợp mua lại trái phiếu trước hạn bao gồm:
(i) Mua lại trước hạn theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp phát hành và người sở hữu trái phiếu.
(ii) Bắt buộc mua lại theo yêu cầu của nhà đầu tư khi:
+ Doanh nghiệp phát hành vi phạm pháp luật về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp theo quyết định của cấp có thẩm quyền mà vi phạm đó không thể khắc phục hoặc biện pháp khắc phục không được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận.
+ Doanh nghiệp phát hành vi phạm phương án phát hành trái phiếu mà vi phạm đó không thể khắc phục hoặc biện pháp khắc phục không được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận.
+ Các trường hợp khác được nêu cụ thể tại phương án phát hành trái phiếu quy định tại Điều 13 Nghị định 153/2020/NĐ-CP (nếu có).
- Quy định tại (ii) mục này không áp dụng đối với trường hợp trái phiếu bị thu hồi theo quyết định của cấp có thẩm quyền.