Trong tố tụng cạnh tranh năm 2023, người làm chứng được pháp luật quy định như thế nào? Căn cứ vào văn bản nào? – Hoài Sang (Bến Tre).
>> Năm 2023, ai được làm người bảo vệ quyền cho bên khiếu nại, bên bị khiếu nại trong cạnh tranh?
>> Quyền và nghĩa vụ của bên khiếu nại, bên bị khiếu nại, bên bị điều tra trong cạnh tranh năm 2023?
Căn cứ khoản 1 Điều 69 Luật Cạnh tranh 2018 quy định về người làm chứng trong tố tụng cạnh tranh như sau:
Điều 69. Người làm chứng
1. Người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ việc cạnh tranh có thể được Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh triệu tập tham gia tố tụng cạnh tranh với tư cách là người làm chứng. Người mất năng lực hành vi dân sự không thể là người làm chứng.
Như vậy, theo quy định trên thì người làm chứng là người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ việc cạnh tranh, được Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh triệu tập tham gia tố tụng cạnh tranh với tư cách là người làm chứng.
Tuy nhiên, người mất năng lực hành vi dân sự không thể trở thành người làm chứng.
Quy định về người làm chứng trong tố tụng cạnh tranh năm 2023 (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Năm 2023, người làm chứng trong tố tụng cạnh tranh có các quyền và nghĩa vụ được quy định tại khoản 2 Điều 69 Luật Cạnh tranh 2018, cụ thể:
- Cung cấp toàn bộ tài liệu, giấy tờ, đồ vật mà mình có được liên quan đến việc giải quyết vụ việc cạnh tranh; khai báo trung thực với Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh về tất cả những tình tiết có liên quan đến việc giải quyết vụ việc cạnh tranh mà mình biết được;
- Tham gia phiên điều trần và trình bày trước Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh;
- Được nghỉ việc trong thời gian Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh triệu tập tham gia phiên điều trần hoặc lấy lời khai nếu làm việc trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp;
- Được chi trả các khoản chi phí có liên quan theo quy định của pháp luật;
- Được từ chối khai báo nếu việc khai báo liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư hoặc việc khai báo có ảnh hưởng xấu, bất lợi cho bên khiếu nại hoặc bên bị điều tra là người có quan hệ thân thích với mình;
- Bồi thường thiệt hại và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật do khai báo sai sự thật gây thiệt hại cho bên khiếu nại, bên bị điều tra hoặc cho tổ chức, cá nhân khác;
- Có mặt tại phiên điều trần theo giấy triệu tập của Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh nếu việc khai báo của người làm chứng phải thực hiện công khai tại phiên điều trần;
- Cam đoan trước Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh hoặc Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên;
- Được bảo vệ theo quy định của pháp luật.
Theo khoản 3 Điều 69 Luật Cạnh tranh 2018 đã nêu rõ:
Điều 69. Người làm chứng
3. Người làm chứng từ chối khai báo, khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khi được Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh hoặc Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh triệu tập mà vắng mặt không có lý do chính đáng thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này.
Do đó, theo quy định nêu trên thì người làm chứng không được từ chối khai báo, ngoại trừ trường hợp nếu việc khai báo liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư hoặc việc khai báo có ảnh hưởng xấu, bất lợi cho bên khiếu nại hoặc bên bị điều tra là người có quan hệ thân thích với mình.
>> Xem thêm bài viết:
>> Năm 2023, chứng cứ trong tố tụng cạnh tranh được quy định thế nào?
>> Quyền và nghĩa vụ của bên khiếu nại, bên bị khiếu nại, bên bị điều tra trong cạnh tranh năm 2023?
>> Năm 2023, ai được làm người bảo vệ quyền cho bên khiếu nại, bên bị khiếu nại trong cạnh tranh?