Người lao động có được nghỉ phép năm trước rồi làm đơn xin phép công ty duyệt phép sau hay không? – Thu Trang (TP. Hồ Chí Minh).
>> Sau khi nghỉ việc, người lao động được hưởng những khoản trợ cấp nào?
>> Các ngành Luật cơ bản? Học ngành Luật nào thì dễ xin việc?
Ngày 19/4/2023, tôi bị tiêu chảy nên không đi làm được (có thông báo cho quản lý Phòng biết); nay tôi đã khỏe và đi làm trở lại thì làm đơn xin nghỉ phép năm (ngày nghỉ là 19/4/2023) gửi Ban Giám đốc Công ty duyệt bù có được hay không? Trường hợp Công ty không duyệt phép năm cho tôi trong trường hợp này có sai quy định không?
Theo quy định của Công ty tôi là muốn xin nghỉ phép năm 2023 phải thông báo cho Công ty ít nhất 02 ngày làm việc, trừ trường hợp bất khả kháng.
Theo khoản 4 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.
Như vậy, với trường hợp Công ty có quy định Lịch nghỉ phép năm linh hoạt (người lao động tự chọn và thông báo trước cho Công ty) như Công ty bạn thì bạn phải thực hiện việc thông báo trước cho Công ty biết theo quy định của Công ty. Trường hợp, bạn đã nghỉ trước rồi mới xin phép Công ty thì Công ty có thể duyệt hoặc không (Công ty không vi phạm pháp luật nếu không duyệt đơn xin nghỉ phép của bạn trong trường hợp này).
File Excel tính tiền hưởng chế độ ốm đau với người lao động năm 2023 |
Nghỉ phép năm 2023 (Ảnh minh họa)
Điều 113. Nghỉ hằng năm – Bộ luật Lao động 2019 1. Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau: a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường; b) 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; c) 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. 2. Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc. 3. Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ. 4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần. 5. Khi nghỉ hằng năm mà chưa đến kỳ trả lương, người lao động được tạm ứng tiền lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Bộ luật này. 6. Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm. 7. Chính phủ quy định chi tiết điều này. |
Đối với trường hợp người lao động bị ốm đau đột xuất và phải nghỉ việc như bạn thì khi ốm đau cần đến cơ sở khám chữa bệnh có chức năng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế để thực hiện việc khám chữa bệnh; đồng thời xin Giấy chứng nhận nghỉ việc do ốm đau để được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định.
Điều 28. Mức hưởng chế độ ốm đau – Luật Bảo hiểm xã hội 2014 1. Người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 26, Điều 27 của Luật này thì mức hưởng tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Trường hợp người lao động mới bắt đầu làm việc hoặc người lao động trước đó đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội, sau đó bị gián đoạn thời gian làm việc mà phải nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau ngay trong tháng đầu tiên trở lại làm việc thì mức hưởng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng đó. |
Thực tế, người lao động có trường hợp đột xuất cần phải nghỉ việc (không phải vì lý do ốm đau) và muốn sử dụng ngày nghỉ phép năm; như là: Người thân bị té xe nên nghỉ để đưa đi bệnh viện, chăm nuôi; bị va chạm giao thông nên phải ở lại giải quyết… Thì khi có sự kiện đột xuất đó xảy ra, người lao động phải báo liền cho Công ty (qua email, skype, điện thoại…) để Công ty biết và sắp xếp nhân sự làm việc, thay vì tự ý nghỉ việc đến khi trở lại làm việc mới làm đơn xin nghỉ phép.