Những trường hợp lôi kéo khách hàng nào được xem là cạnh tranh không lành mạnh? Mức phạt đối với hành vi này được quy định như thế nào? – Chí Bảo (Bà Rịa – Vũng Tàu).
>> Năm 2024, có được dùng ngoại tệ khi đấu thầu trong nước hay không?
>> Có chi nhánh ở nhiều tỉnh, nộp hồ sơ mở thủ tục phá sản doanh nghiệp 2024 ở đâu?
Căn cứ khoản 5 Điều 45 Luật Cạnh tranh 2018, các hình thức của hành vi lôi kéo khách hàng bất chính bao gồm:
- Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác.
- So sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung.
Như vậy, theo quy định trên trong trường hợp lôi kéo khách hàng mà thực hiện hành vi đưa thông tin gian dối, gây nhầm lẫn cho khách hàng về đối thủ cạnh tranh hoặc so sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với đối thủ nhưng không chứng minh được sẽ bị coi là cạnh tranh không lành mạnh.
File Word Luật Cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn còn hiệu lực năm 2024 |
Lôi kéo khách hàng bất chính bị coi là cạnh tranh không lành mạnh
(Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Theo Điều 20 Nghị định 75/2019/NĐ-CP, mức phạt cho hành vi lôi kéo khách hàng bất chính được quy định cụ thể như sau:
(i) Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng đối với hành vi lôi kéo khách hàng bất chính bằng các hình thức sau đây:
- Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác.
- So sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung.
(ii) Phạt tiền gấp hai lần mức quy định tại khoản (i) đối với hành vi vi phạm tại quy định nêu trên trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
Lưu ý: theo khoản 7 Điều 4 Nghị định 75/2019/NĐ-CP, các mức phạt nêu trên được áp dụng đối với tổ chức. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm hành chính về cạnh tranh, mức phạt tiền tối đa bằng ½ mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức.
(iii) Hình thức xử phạt bổ sung:
- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn.
- Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về cạnh tranh.
- Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.
(iv) Biện pháp khắc phục hậu quả:
- Buộc cải chính công khai.
- Loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm.
Căn cứ theo Điều 50 Luật Cạnh tranh 2018 quy định cụ thể về cơ quan điều tra như sau:
(i) Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh thuộc Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, có chức năng điều tra các hành vi vi phạm quy định tại Luật Cạnh tranh 2018.
(ii) Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Thu thập, tiếp nhận thông tin nhằm phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh.
- Tổ chức điều tra vụ việc cạnh tranh.
- Kiến nghị áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh.
- Thực hiện các biện pháp nghiệp vụ điều tra trong quá trình điều tra phù hợp với quy định của pháp luật.
- Nhiệm vụ khác theo phân công của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
Điều 52. Điều tra viên vụ việc cạnh tranh – Luật Cạnh tranh 2018 1. Điều tra viên vụ việc cạnh tranh do Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia bổ nhiệm, miễn nhiệm. 2. Điều tra viên vụ việc cạnh tranh thực hiện nhiệm vụ điều tra vụ việc cạnh tranh theo phân công của Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh. |