Năm 2023, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm có những nội dung gì? Nếu có sự điều chỉnh nội dung trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì thực hiện thủ tục nào? – Quang Thái (TP. HCM).
>> Quy định về bảo đảm thực hiện dự án đầu tư năm 2023 là như thế nào?
>> Việc điều chỉnh dự án đầu tư năm 2023 được quy định như thế nào?
Năm 2023, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm 10 nội dung được quy định tại Điều 40 Luật Đầu tư 2020 cụ thể:
(1) Tên dự án đầu tư.
(2) Nhà đầu tư.
(3) Mã số dự án đầu tư.
(4) Địa điểm thực hiện dự án đầu tư, diện tích đất sử dụng.
(5) Mục tiêu, quy mô dự án đầu tư.
(6) Vốn đầu tư của dự án đầu tư (gồm vốn góp của nhà đầu tư và vốn huy động).
(7) Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư.
(8) Tiến độ thực hiện dự án đầu tư, bao gồm:
- Tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn;
- Tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động chủ yếu của dự án đầu tư, trường hợp dự án đầu tư chia thành từng giai đoạn thì phải quy định tiến độ thực hiện từng giai đoạn.
(9) Hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và căn cứ, điều kiện áp dụng (nếu có).
(10) Các điều kiện đối với nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư (nếu có).
Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư năm 2023 (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Đối với các dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư được lựa chọn nộp hồ sơ cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bằng bản giấy theo quy định tại các Điều 36 và 47 Nghị định 31/2021/NĐ-CP hoặc nộp hồ sơ trực tuyến trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư theo một trong hai hình thức: sử dụng chữ ký số hoặc không sử dụng chữ ký số.
Theo khoản 2 Điều 39 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định hồ sơ đề nghị cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trực tuyến bao gồm các dữ liệu theo quy định của Nghị định 31/2021/NĐ-CP và được thể hiện dưới dạng văn bản điện tử, có giá trị pháp lý tương đương hồ sơ bằng bản giấy.
Đồng thời, hồ sơ nộp trực tuyến hợp lệ khi đáp ứng 02 điều kiện:
(1) Có đầy đủ giấy tờ và nội dung được kê khai đầy đủ theo quy định đối với hồ sơ bản giấy, được thể hiện dưới dạng văn bản điện tử và được đặt tên tương ứng với tên loại giấy tờ;
(2) Thông tin kê khai trên Hệ thống đầy đủ và chính xác theo thông tin trong hồ sơ bản giấy; được xác thực bằng chữ ký số của nhà đầu tư hoặc đối chiếu thống nhất với hồ sơ bản giấy.
Lưu ý: Nếu nhà đầu tư ủy quyền thực hiện thủ tục đầu tư thì kèm theo hồ sơ đề nghị cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư phải có giấy tờ ủy quyền và giấy tờ pháp lý của bên được ủy quyền.
Theo khoản 1 Điều 40 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định nhà đầu tư thực hiện trình tự, thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sử dụng chữ ký số như sau:
Bước 1. Nhà đầu tư đăng ký tài khoản trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư;
Bước 2. Nhà đầu tư kê khai thông tin, tải văn bản điện tử đã được ký số trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư;
Bước 3. Sau khi hoàn thành việc gửi hồ sơ, nhà đầu tư nhận được Giấy biên nhận hồ sơ qua Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư;
- Nếu hồ sơ chưa hợp lệ hoặc có nội dung cần làm rõ, cơ quan đăng ký đầu tư gửi thông báo cho nhà đầu tư để hoàn thiện hồ sơ trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ;
- Nếu hồ sơ hợp lệ và đáp ứng điều kiện, cơ quan đăng ký đầu tư cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Đối với trình tự, thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư không sử dụng chữ ký số, nhà đầu tư thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 40 Nghị định 31/2021/NĐ-CP như sau:
Bước 1. Nhà đầu tư đăng ký tài khoản trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư;
Bước 2. Nhà đầu tư kê khai thông tin, tải văn bản điện tử trên Hệ thống;
Bước 3. Sau khi hoàn thành việc gửi hồ sơ, nhà đầu tư nhận được Giấy biên nhận hồ sơ qua Hệ thống;
Bước 4. Nếu hồ sơ chưa hợp lệ hoặc có nội dung cần làm rõ, cơ quan đăng ký đầu tư gửi thông báo cho nhà đầu tư để hoàn thiện hồ sơ trên Hệ thống trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ;
Nếu hồ sơ đủ điều kiện cấp hoặc điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư thông báo cho nhà đầu tư trên Hệ thống;
Bước 5. Sau khi nhận được thông báo theo Bước 4, nhà đầu tư nộp một bộ hồ sơ bản giấy kèm bản in giấy biên nhận hồ sơ cho cơ quan đăng ký đầu tư, trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu điện để đối chiếu với hồ sơ nộp trên Hệ thống. Quá thời hạn 30 ngày kể từ ngày gửi thông báo về việc đáp ứng đủ điều kiện cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà cơ quan đăng ký đầu tư không nhận được hồ sơ bằng bản giấy của nhà đầu tư để đối chiếu thì hồ sơ đăng ký điện tử của nhà đầu tư không còn hiệu lực;
Bước 6. Cơ quan đăng ký đầu tư cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 15 ngày (không bao gồm thời gian nhà đầu tư nộp bộ hồ sơ giấy để đối chiếu với hồ sơ điện tử) kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ nếu nội dung đối chiếu thống nhất;
Lưu ý: Nhà đầu tư chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của hồ sơ bản giấy so với hồ sơ được nộp trên Hệ thống. Trường hợp hồ sơ bản giấy không thống nhất với hồ sơ nộp trên trên Hệ thống, cơ quan đăng ký đầu tư có quyền từ chối cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
>> Xem thêm bài viết:
>> Thẩm quyền cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư năm 2023?
>> Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư năm 2023, được quy định thế nào?