Chính phủ mới có Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi quy định về trái phiếu doanh nghiệp. Cho tôi hỏi, việc thanh toán trái phiếu đến hạn có thay đổi gì không? – Hữu Trí (Hà Nội).
>> Năm 2023, vi phạm quy định về dịch vụ việc làm sẽ bị xử phạt thế nào?
>> Đóng BHXH bắt buộc nhưng không đóng BHYT có được hay không?
Ngày 05/3/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại Nghị định 153/2020/NĐ-CP, Nghị định 65/2022/NĐ-CP (hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/3/2023).
Điều 1 Nghị định 08/2023/NĐ-CP đã sửa đổi một nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trái phiếu tại khoản 3 Điều 34 Nghị định 153/2020/NĐ-CP về việc thanh toán lãi, gốc trái phiếu đến hạn đối với trái phiếu phát hành riêng lẻ tại thị trường trong nước.
Theo đó, kể từ ngày 05/3/2023, trường hợp doanh nghiệp không thể thanh toán đầy đủ, đủ hạn nợ gốc, lãi trái phiếu bằng đồng Việt Nam theo phương án phát hành đã công bố cho nhà đầu tư theo quy định tại Điều 17 Nghị định 153/2020/NĐ-CP, thì doanh nghiệp có thể đàm phán (thỏa thuận) với trái chủ (người sở hữu trái phiếu) để thanh toán lãi, gốc trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác.
Như vậy, việc doanh nghiệp có được thanh toán trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác ngoài đồng Việt Nam hay không phụ thuộc vào kết quả đàm phán giữa doanh nghiệp và trái chủ. Cụ thể:
- Trường hợp trái chủ đồng ý nhận gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác ngoài tiền, thì doanh nghiệp và trái chủ thực hiện theo thỏa thuận này.
- Trường hợp trái chủ không đồng ý nhận gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác, chỉ muốn nhận tiền, thì doanh nghiệp phải thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tiền.
Trái phiếu có bảo đảm là loại hình trái phiếu được bảo đảm thanh toán toàn bộ hoặc một phần lãi, gốc bằng tài sản của doanh nghiệp phát hành hoặc tài sản của bên thứ ba theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; hoặc được bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tài chính ở nước ngoài, tổ chức tài chính quốc tế theo quy định của pháp luật (theo khoản 1 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP).
Căn cứ quy định tại Điều 1 Nghị định 08/2023/NĐ-CP, khi trái phiếu có bảo đảm đến hạn mà doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán bằng đồng Việt Nam theo phương án phát hành tại Điều 17 Nghị định 153/2020/NĐ-CP thì doanh nghiệp có thể thỏa thuận với trái chủ để thanh toán bằng tài sản khác. Trường hợp trái chủ không đồng ý thì việc thanh toán trái phiếu có bảo đảm thực hiện như sau:
- Đối với trái phiếu được bảo đảm bằng tài sản, theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm, tài sản bảo đảm sẽ được xử lý để trả lãi, gốc trái phiếu cho trái chủ.
- Đối với trái phiếu được bảo lãnh thanh toán, tổ chức bảo lãnh thanh toán có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thanh toán cho doanh nghiệp phát hành theo cam kết bảo lãnh giữa tổ chức bảo lãnh thanh toán và doanh nghiệp phát hành nêu tại phương án phát hành trái phiếu và đã được công bố thông tin cho nhà đầu tư.
(Theo khoản 2, khoản 3 Điều 17 Nghị định 153/2020/NĐ-CP).
Theo quy định tại Điều 1 Nghị định 08/2023/NĐ-CP, trường hợp doanh nghiệp thỏa thuận với trái chủ để trả gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác thì phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:
- Tuân thủ quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan. Đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đó.
- Phải được trái chủ chấp thuận.
- Doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật.
Thủ tục công bố thông tin bất thường xem chi tiết TẠI ĐÂY.