Mã ngành 3220 bao gồm những hoạt động nào? Thành lập công ty sản xuất nhạc cụ âm thanh, âm thanh được tạo ra bằng điện có được đăng ký mã ngành 3220 hay không?
>> Mã ngành 3211 là gì? Sản xuất đồ kim hoàn và chi tiết liên quan thì đăng ký mã ngành nào?
Căn cứ Quyết định 27/2018/QĐ-TTg, mã ngành 3220 – 32200 là về sản xuất nhạc cụ. Nhóm này bao gồm các hoạt động sau:
- Sản xuất đàn dây.
- Sản xuất dụng cụ bàn phím có dây, bao gồm cả piano tự động.
- Sản xuất đàn hộp có bàn phím, bao gồm đàn hơi và các đàn có bàn phím tương tự.
- Sản xuất đàn accoóc và dụng cụ tương tự, bao gồm đàn thổi bằng miệng.
- Sản xuất đàn gió.
- Sản xuất nhạc khí gõ.
- Sản xuất nhạc cụ âm thanh, âm thanh được tạo ra bằng điện.
- Sản xuất đàn hộp.
- Sản xuất các phụ tùng nhạc cụ như: Máy nhịp, âm thoa, ống sáo điều chỉnh âm điệu, thẻ, đĩa nhạc và các cuộn cho dụng cụ cơ khí tự động...
Nhóm này cũng gồm: Sản xuất sáo, còi và các dụng cụ thổi khác.
Như vậy, thành lập công ty kinh doanh về sản xuất nhạc cụ âm thanh, âm thanh được tạo ra bằng điện có thể đăng ký mã ngành 3220 – 32200 nêu trên.
Bảng tra cứu mã ngành nghề kinh doanh |
Mã ngành 3220: Sản xuất nhạc cụ (Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Căn cứ Quyết định 27/2018/QĐ-TTg, mã ngành 3220 – 32200 loại trừ các hoạt động sau:
- Tái sản xuất đĩa, băng video và thu âm thanh được phân vào nhóm 18200 (Sao chép bản ghi các loại).
- Sản xuất microphone, âmly, loa phóng thanh, tai nghe và các bộ phận tương tự, được phân vào nhóm 26400 (Sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng).
- Sản xuất thiết bị ghi, thu thanh và tương tự được phân vào nhóm 26400 (Sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng).
- Sản xuất đồ chơi dạng nhạc cụ được phân vào nhóm 32400 (Sản xuất đồ chơi, trò chơi).
- Sản xuất đàn oóc và các dụng cụ âm nhạc lịch sử khác được phân vào nhóm 33190 (Sửa chữa thiết bị khác).
- Xuất bản đĩa, băng video và thu âm thanh được phân vào nhóm 59200 (Hoạt động ghi âm và xuất bản âm nhạc).
- Sản xuất điều chỉnh âm thanh piano được phân vào nhóm 95290 (Sửa chữa xe đạp, đồng hồ, đồ dùng cá nhân và gia đình chưa được phân vào đâu).
Căn cứ khoản 1 Điều 19 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, dự án đầu tư thuộc Danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư hoặc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định tại Phụ lục II Nghị định 31/2021/NĐ-CP là đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư.
Đồng thời, căn cứ khoản 9 Mục IV Danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư theo quy định tại Phụ lục II Nghị định 31/2021/NĐ-CP, hoạt động sản xuất, chế tạo, sửa chữa nhạc cụ dân tộc là đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư.
Như vậy, công ty kinh doanh sản xuất nhạc cụ dân tộc sẽ được hưởng ưu đãi đầu tư.
Căn cứ khoản 1 Điều 15 Luật Đầu tư 2020, hình thức hưởng ưu đãi đầu tư bao gồm:
- Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn thuế, giảm thuế và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
- Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất.
- Khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế.