Theo quy định pháp luật, hoạt động sản xuất máy khai thác mỏ và xây dựng thì đăng ký mã ngành 2824 được không?
>> Mã ngành 2410 là gì? Sản xuất sắt, thép, gang thì đăng ký mã ngành nào?
>> Mã ngành 2420 là gì? Sản xuất kim loại quý và kim loại màu thì đăng ký mã ngành nào?
Căn cứ theo quy định tại Phần A Mục II Phụ lục II - Nội dung Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg thì mã ngành 2824 – 28240 là về sản xuất máy khai thác mỏ và xây dựng. Nhóm này gồm:
- Sản xuất thang máy và băng tải sử dụng dưới đất.
- Sản xuất máy khoan, cắt, thụt, đào (có hoặc không sử dụng dưới lòng đất).
- Sản xuất máy xử lý khoáng chất bằng việc soi, phân loại, rửa, nghiền...
- Sản xuất máy trộn bê tông và vữa.
- Sản xuất máy địa chất như: máy ủi đất, ủi đất góc, san đất, cào, xúc,...
- Sản xuất máy đóng, máy ép cọc, máy trải vữa, trải nhựa đường, máy rải bê tông...
- Sản xuất máy kéo đặt đường ray và máy kéo được sử dụng trong xây dựng hoặc khai thác.
- Sản xuất lưỡi máy ủi hoặc lưỡi máy ủi đất góc.
- Sản xuất xe đẩy.
Theo quy định nêu trên thì hoạt động sản xuất máy khai thác mỏ và xây dựng có thể đăng ký mã ngành 2824.
Bảng tra cứu mã ngành nghề kinh doanh |
Mã ngành 2824: Sản xuất máy khai thác mỏ và xây dựng
(Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Mã ngành 2824 loại trừ đối với:
- Sản xuất thiết bị nâng và thiết bị điều khiển được phân vào nhóm 28160 (Sản xuất các thiết bị nâng, hạ và bốc xếp).
- Sản xuất máy kéo khác được phân vào nhóm 28210 (Sản xuất máy nông nghiệp và lâm nghiệp), 29100 (Sản xuất ô tô và xe có động cơ khác).
- Sản xuất dụng cụ máy cho làm đá, bao gồm máy cho chẻ đá hoặc làm sạch đá được phân vào nhóm 28220 (Sản xuất máy công cụ và máy tạo hình kim loại).
- Sản xuất xe tải trộn bê tông được phân vào nhóm 29100 (Sản xuất ô tô và xe có động cơ khác).
Căn cứ Điều 26 Luật Doanh nghiệp 2020, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp được quy định như sau:
(i) Người thành lập doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền thực hiện đăng ký doanh nghiệp với Cơ quan đăng ký kinh doanh theo phương thức sau đây:
- Đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh.
- Đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính.
- Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.
(ii) Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử là việc người thành lập doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử bao gồm các dữ liệu theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và được thể hiện dưới dạng văn bản điện tử. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử có giá trị pháp lý tương đương hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bằng bản giấy.
(iii) Tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn sử dụng chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử hoặc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh để đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.
(iv) Tài khoản đăng ký kinh doanh là tài khoản được tạo bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cấp cho cá nhân để thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử. Cá nhân được cấp tài khoản đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đăng ký để được cấp và việc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh để đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.
(v) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp đăng ký doanh nghiệp; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp. Trường hợp từ chối đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp và nêu rõ lý do.
(vi) Chính phủ quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục, liên thông trong đăng ký doanh nghiệp.