Lái xe ô tô không quá bao nhiêu giờ/ngày? Vi phạm về thời gian lái xe bị xử phạt như thế nào? Độ tuổi người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ quy định ra sao?
>> Hoạt động phát huy giá trị di tích bao gồm những hoạt động nào?
Căn cứ Điều 64 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024, thời gian làm việc của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ được quy định như sau:
Thời gian làm việc của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ
1. Thời gian lái xe của người lái xe ô tô không quá 10 giờ trong một ngày và không quá 48 giờ trong một tuần; lái xe liên tục không quá 04 giờ và bảo đảm các quy định có liên quan của Bộ luật Lao động.
2. Đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị hoạt động vận tải nội bộ và người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ chịu trách nhiệm thực hiện các quy định tại Điều này.
Như vậy, người lái xe ô tô không được lái xe quá 10 giờ một ngày và 48 giờ một tuần và không lái liên tục quá 4 giờ.
Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn [cập nhật ngày 29/08/2024] |
Người lái xe ô tô không được lái xe quá 10 giờ một ngày (Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Căn cứ điểm d khoản 6 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi điểm b khoản 12 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP), vi phạm quy định về thời gian lái xe bị xử phạt như sau:
Xử phạt người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người và các loại xe tương tự xe ô tô chở hành khách, chở người vi phạm quy định về vận tải đường bộ
…
6. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Vận chuyển hàng nguy hiểm, hàng độc hại, dễ cháy, dễ nổ hoặc động vật, hàng hóa khác có ảnh hưởng đến sức khỏe của hành khách trên xe chở hành khách;
b) Chở người trên mui xe, nóc xe, trong khoang chở hành lý của xe;
c) Hành hung hành khách;
d) Điều khiển xe ô tô quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều 65 của Luật giao thông đường bộ;
đ) Điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải hành khách không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe theo quy định hoặc có gắn thiết bị giám sát hành trình của xe nhưng thiết bị không hoạt động theo quy định hoặc sử dụng biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác làm sai lệch dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô;
e) Điều khiển xe chở hành khách liên vận quốc tế không có hoặc không gắn ký hiệu phân biệt quốc gia, phù hiệu liên vận theo quy định hoặc có nhưng đã hết giá trị sử dụng hoặc sử dụng phù hiệu không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
…
Như vậy, lái quá ô tô vượt quá thời gian cho phép có thể bị phạt từ 03 – 05 triệu đồng.
Ngoài ra, người lái xe còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 – 03 tháng (điểm a khoản 8 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 12 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
Căn cứ khoản 1 Điều 59 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024, độ tuổi của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng được quy định như sau:
(i) Người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy.
(ii) Người đủ 18 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng A1, A, B1, B, C1, được cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ để điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.
(iii) Người đủ 21 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng C, BE.
(iv) Người đủ 24 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D1, D2, C1E, CE.
(v) Người đủ 27 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D, D1E, D2E, DE.
(vi) Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), xe ô tô chở người giường nằm là đủ 57 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ.