Khi nào cơ quan thuế thực hiện chấm dứt hiệu lực mã số thuế của người nộp thuế từ 02/2025? Nội dung quản lý thuế được quy định như thế nào? Hồ sơ đăng ký thuế lần đầu bao gồm gì?
>> Vạch xương cá là gì? Quy định chung và phân loại vạch kẻ đường?
Ngày 23/12/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 86/2024/TT-BTC quy định về đăng ký thuế.
Căn cứ theo quy định tại khoản 6 Điều 17 Thông tư 86/2024/TT-BTC về việc cơ quan thuế thực hiện chấm dứt hiệu lực mã số thuế của người nộp thuế sau khi ban hành Thông báo về việc người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký (trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 5 Điều 17 Thông tư 86/2024/TT-BTC) như sau:
- Đối với người nộp thuế quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 86/2024/TT-BTC đã hoàn thành nghĩa vụ thuế, hóa đơn theo quy định của Luật Quản lý thuế 2019 và Điều 15 Thông tư 86/2024/TT-BTC hoặc không phát sinh nghĩa vụ thuế, hóa đơn.
- Đối với người nộp thuế đã được xóa các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt theo quy định tại khoản 3 Điều 85 Luật Quản lý thuế 2019.
- Thanh khoản các khoản nộp thừa theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 60 Luật Quản lý thuế 2019 (người nộp thuế đã hoàn thành nghĩa vụ thuế) và hoàn thành thủ tục hóa đơn theo quy định của pháp luật về hóa đơn.
Lưu ý: Trường hợp người nộp thuế là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác chưa bị cập nhật tình trạng đã giải thể trong Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký kinh doanh thì cơ quan thuế gửi danh sách các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đã bị cơ quan thuế Thông báo không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký và chấm dứt hiệu lực mã số thuế cho cơ quan đăng ký kinh doanh để xử lý, cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh, đăng ký hợp tác xã, đăng ký tổ hợp tác.
File word Luật Quản lý thuế và văn bản hướng dẫn đang còn hiệu lực năm 2024 |
Khi nào cơ quan thuế thực hiện chấm dứt hiệu lực mã số thuế của người nộp thuế từ 02/2025
(Hình minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Luật Quản lý thuế 2019 về nội dung quản lý thuế cụ thể như sau:
1. Đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, ấn định thuế.
2. Hoàn thuế, miễn thuế, giảm thuế, không thu thuế.
3. Khoanh tiền thuế nợ; xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; miễn tiền chậm nộp, tiền phạt; không tính tiền chậm nộp; gia hạn nộp thuế; nộp dần tiền thuế nợ.
4. Quản lý thông tin người nộp thuế.
5. Quản lý hóa đơn, chứng từ.
6. Kiểm tra thuế, thanh tra thuế và thực hiện biện pháp phòng, chống, ngăn chặn vi phạm pháp luật về thuế.
7. Cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.
8. Xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế.
9. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thuế.
10. Hợp tác quốc tế về thuế.
11. Tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế.
Căn cứ theo quy định tại Điều 31 Luật Quản lý thuế 2019 về hồ sơ đăng ký thuế lần đầu bao gồm các nội dung sau:
(i) Người nộp thuế đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh thì hồ sơ đăng ký thuế là hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
(ii) Người nộp thuế là tổ chức đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế thì hồ sơ đăng ký thuế bao gồm:
- Tờ khai đăng ký thuế.
- Bản sao giấy phép thành lập và hoạt động, quyết định thành lập, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ tương đương khác do cơ quan có thẩm quyền cấp phép còn hiệu lực.
- Các giấy tờ khác có liên quan.
(iii) Người nộp thuế là hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế thì hồ sơ đăng ký thuế bao gồm:
- Tờ khai đăng ký thuế hoặc tờ khai thuế.
- Bản sao giấy chứng minh nhân dân, bản sao thẻ căn cước công dân hoặc bản sao hộ chiếu.
- Các giấy tờ khác có liên quan.
Lưu ý: Việc kết nối thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan thuế để nhận hồ sơ đăng ký thuế và cấp mã số thuế theo cơ chế một cửa liên thông qua cổng thông tin điện tử được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.